Tiếng Guitar Trong Ký Túc Xá

01.09.2014
Admin

Cảm giác thư thái, gió lùa qua mát rượi, cái không khí oi bức bị cơn mưa lúc nãy xua sạch. Tôi lau khô chiếc xích đu, ngồi đong đưa hưởng thụ cái không khí tuyệt vời này. Bỗng tin nhắn điện thoại rung lên.

“Ngủ chưa?”
“Chưa? Sao vậy”
“Không ngủ được ấy mà, chưa quen lắm thì phải”.
“Vậy lên tầng thượng đi, đang ở trên này”.

Chắc có lẽ do Thương lạ nhà, nên cô bạn chưa thể chợp mắt được. Ít phút sau, Thương cũng lên tới tầng thượng. Cái vẻ mặt đầy ngạc nhiên và thích thú là việc được chiêm ngưỡng cái sân thượng đẹp đẽ, rồi đi lại mọc góc, xem kĩ từng thứ một.

– Oa, đẹp vậy!
– Ờ, thì cũng phải xứng với dân xây dựng chứ!

Tôi học theo cách nói của Bác tôi, mỗi khi ông tự hào khoe cái tài sản tinh thần đáng tự hào này, khi bất kì ai đặt chân tới. Thương gật đầu đồng ý, đưa tay vuốt những bông hoa còn ướt, hoặc cố gắng ngửi mùi thơm hoa quỳnh bay trong gió.

– A, có bộ cờ tướng này!
– Ờ, của Bác đó!
– Tín biết đánh không?
– Có chứ! – Tôi đương nhiên gật đầu chắc chắn.
– Vậy đánh với Thương đi!
– Đánh cờ, không đùa chứ?

Nhưng Thương chẳng có vẻ gì là đùa cả, cô nàng ngồi xuống băng ghế đá, mở bộ cờ gỗ ra và xếp quân. Tôi bất đắc dĩ cũng phải tiến lại gần, vạn phần không muốn điều này diễn ra. Khi bạn muốn từ chối cái gì đó, thường là từ chối thẳng thừng, hoặc là cố gắng làm ra vẻ gì đó cho đối thủ tâm lý mà chịu hàng. Tôi chọn cách thứ hai:

– Này, đánh thua đừng có khóc đấy! – Tôi gằn giọng, ra bộ ghê gớm lắm.
– Dĩ nhiên, thua càng thích! – Thương kéo con Pháo vào giữa, coi bộ chẳng đếm xỉa gì đến việc nắn gân tinh thần.

Trước giờ, trình độ cờ Tướng của tôi chỉ xếp vào loại biết đánh. Tức là đủ để biết con nào nằm ở vị trí nào, đi ra sao, nước cản con mã như thế nào. Tuyệt chiêu duy nhất mà tôi biết trong thể loại cờ này là pháo lồng, nhưng căn bản là lúc linh lúc không. Tức là hên xui, vô tình hai con pháo lồng nhau là hết.

– Đừng có thả đấy! – Thương ăn con xe của tôi, giọng không vừa lòng.
– Không có gì, coi như chấp! – Tôi toát mồ hôi mà vẫn cứng giọng.
– Không cần, đừng tưởng nam nhi mà tỏ ra mạnh mẽ!

Kết cục, ba ván liên tục, hầu như Thương còn nguyên binh hùng tướng mạnh, còn tôi trơ trọi tướng với hai con sĩ chống qua chống lại. Hết chịu nổi, tôi xua bàn cờ chịu thua.

– Thua, gặp ngay cao thủ!
– Chà, nãy ai nói cứng lắm mà! – Thương nheo mắt cười khoái chí.
– Doạ cho vui chứ, không giỏi món này!

Tôi lôi cái võng ra gần cái xích đu, tính leo lên võng nằm, vì con gái vốn thích xích đu. Nhưng Thương thì nhất quyết phải ngược lại.

– Mà con gái lại chơi cờ hay vậy?
– À, giết thời gian thôi! – Thương hít một hơi dài, vẻ tươi tỉnh căng tràn.
– Giết thời gian, bộ không chơi được trò khác à?

Tôi nghĩ đến cái thời của bà chị gái tôi, những trò nhảy dây, chơi ô quan, thảy banh, lớn hơn một chút thì đọc truyện, vẽ vời hoặc đại loại theo mô típ phải có chút gì đó nữ tính, chứ chưa bao giờ nghĩ là sẽ khoái cờ tướng như cô bạn. Cứ như tôi với thằng em họ này cũng vậy, đứa ở nông thôn, đứa ở thành phố, nhưng hầu như những cái trò đá bóng, tạt hình, hoặc ăn trộm trái cây, chơi điện tử tay cầm…đều trải qua hết. Nói chung nó có phải có chút gì đó giống nhau chứ.

– À, tại vì chỉ có cờ tướng là có người chơi chung thôi!
– Ồ, vậy à!
– Ừ, Thương ít bạn lắm! – Đôi mắt trong veo thắm đượm gì đó buồn man mác.

Tôi cũng tuyệt nhiên không hỏi thêm gì nữa, nhưng Thương lại chậm chậm lấy lại bình tĩnh, rồi tâm sự.

– Trước giờ, cứ mỗi lần đi đâu đó chơi là thể nào tớ cũng bị cấm đoán!
– …!
– Thế nên hầu như tớ chỉ biết đọc truyện, đọc sách, và cờ tướng này thì chơi với anh họ. Ban đầu thì cũng không thích lắm, nhưng sau rồi không có gì làm nên lôi ra chơi.
– Vậy à?
– Nghe cứ như tự kỷ lắm ấy nhỉ?

Tôi chẳng nói gì, ngồi im và đồng tình có lẽ là cách tốt nhất. Nếu như tôi mà ở vị trí như Thương, thì có lẽ tôi thà chấp nhận ăn roi vọt còn hơn là sống theo kiểu bảo bọc hoàn hảo như vậy. Có điều, cô bạn tôi là phận nữ nhi, không thể làm theo cách như tôi được.

Tôi ngước lên trời, nghĩ về mọi thứ miên man trong đầu. Nghĩ về những lần nghịch ngợm phá phách, tôi cứ nghĩ mông mình nát nhừ chứ chẳng chơi, thế mà ngoài những tiếng khuyên răn tôi chẳng bị hình phạt gì thêm. Và tuyệt nhiên những lần sau, tôi chẳng bao giờ tái phạm một lần nữa.

– Này, cậu có chị thật không đấy?
– …! – Không ai trả lời tôi cả.

Thương ngủ say từ lúc nào, thật kì lạ. Dáng vẻ cô bạn đang ngủ một giấc ngủ yên bình, khiến tôi không nỡ đánh thức.

“Thật kì lạ”.
Tôi nhìn cô bạn và nhận định, một người con gái vẻ ngoài có chút gì đó lãnh cảm, thì lại nhiều tâm sự chồng chất, ăn kem liên tục không biết chán. Tâm lý, kĩ càng nhưng nhiều lúc đểnh đoảng không ngờ. Nói chung tính cách của Thương, nửa có gì đó ảo, nửa có gì đó thật, khiến cho bạn luôn tò mò và tự đặt những câu hỏi xung quanh.

Tôi xuống phòng chị Thuỷ, lấy cái chăn lên cho cô bạn. Xong đâu đấy, tôi ngả lưng ra chiếc xích đu, chẳng biết ngủ thiếp đi từ lúc nào.

– Này, nói đi, đừng chọc nữa! – Tôi phát cáu khi hông tôi đau nhói.
– Dạy anh, có phòng không ngủ, chui lên đây làm gì? – Thằng em tôi lay người.
– Ơ, ngủ quên! – Tôi dụi mắt bật dậy, cái chăn đắp ngang người tôi rớt xuống đất.
– Xuống nhà ăn sáng đi kìa, Mẹ gọi rồi!
– Mày không đi học à? – Tôi lượm cái chăn, vắt ngang vai đi theo nó.
– Mơ ngủ à ông tướng, hôm nay chủ nhật.

Tôi ném cái chăn, hất hàm sai thằng em cất dùm, đánh răng rửa mặt xong, phóng thẳng xuống nhà dưới. Thương và Bác tôi đang cười vui vẻ nói chuyện với nhau, tôi cố tình đi mạnh, gây ra tiếng động cầu thang báo hiệu sự có mặt.

– À, xuống đây Bác hỏi tội!
– Dạ? – Tôi ngơ ngác.
– Bạn đến nhà, lại rủ rê lên sân thượng phơi sương!
– Đâu có…! – Tôi gãi đầu chối quanh.
– Lần sau như thế thì anh liệu hồn tôi!

Tôi gật đầu dạ vâng, còn Thương thì đứng sau lè lưỡi chọc quê. Tính Bác gái tôi là như thế, vô cùng dễ tính, nhưng có ba cái không – theo thằng em tôi – kể lại không được vi phạm dù vô tình hay cố ý là: lừa dối, mất vệ sinh, và mất thể diện. Việc khách đến nhà mà cả tối phải phơi sương cũng là một trọng tội càn được xử lý.

– Bác làm gì thế ạ? – Tôi giở giọng đánh trống lảng.
– Nấu đồ ăn sáng, lâu rồi thằng Nguyên đi học liên tục, Bác cũng bận đi sớm nên không nấu nướng gì được.
– Dạ!

Tôi nhìn Thương đang nêm gia vị vào cái nồi vừa tắt lửa trên bếp ga thì tròn mắt ngạc nhiên.

– Làm gì thế, đừng nói là…?
– Bạn nấu cho ăn không biết cảm ơn, mắt tròn mắt dẹt làm gì, ra lau cái bàn dùm Bác đi.

Tôi không dám ý kiến, đi thẳng ra cái bàn cạnh đó, lau sạch mặt bàn, không hiểu cô bạn tôi bằng cách nào mà mua chuộc được Bác gái tôi đến vậy, chưa kể cả thằng Nguyên nữa chứ. Suốt bữa ăn ba người cứ nhè tôi mà công kích.
– Nhờ cháu nó mới lên nhà Bác chơi đấy!
– Đâu có cháu bận mà! – Tôi gắp miến gà vào bát, ra vẻ phản đối.
– Bận gì, Mẹ cháu nói thứ bảy, chủ nhật không học cơ mà!
– Dạ, thì phải học bài nữa chứ!
– Thì anh mang sách vở lên đây cũng được mà, gần chứ có sao đâu? – Thằng Nguyên húp sột soạt, khen ngon liên tục.
– Ờ ờ…!

Thực ra không phải tôi lười gì cho cam, bởi vì mỗi lần lên chơi, nhà Bác tôi vốn quý cháu nên thể nào cũng chuẩn bị như kiểu mở tiệc. Chưa kể Bác tôi cứ bảo sinh viên ăn uống kham khổ nên thỉnh thoảng lại cho tôi tiền, mỗi lần tôi từ chối là thể nào cũng có câu:

– Tao cho tiền mày đi xe bus!
– Xe bus có ba ngàn thôi, đây tận mấy trăm lận! – Tôi không nhận.
– Bác cho thì cầm lấy, khỏi lôi thôi! – Bác tôi khoát tay, ra vẻ cực kì cứng rắn.

Cứ như thế, lâu lâu tôi mới dám ghé một lần, dù cho thỉnh thoảng Bác tôi vẫn gọi lên chơi thường xuyên, còn bàn bạc với Ba tôi là cuối tuần bắt tôi lên chơi.

– Chị sau này lên chơi với nhà em nha!
– …! – Thương vui vẻ gật đầu đồng ý, không hề nhận biết nụ cười gian xảo của thằng Nguyên dành cho tôi. Dĩ nhiên, tôi mà không lên đây chơi thì Thương cũng không lên, nhưng ngược lại Thương muốn lên nhà Bác tôi chơi, phải có mặt tôi.

Tôi đạp vào mấy ngón chân của thằng em họ, khiến nó rú lên như ăn trúng ớt cay, suýt nữa thì phun hết miến ra ngoài. Thằng này cũng chả vừa:

– Chị Thương nấu ăn ngon thật, ai mà lấy được thì sướng!

Nói xong, nó tự cười ra vẻ khiêu khích, Bác tôi cũng gật gù đồng ý, còn tôi và cô bạn thì đồng loạt đỏ mặt. Hai đứa tôi chỉ còn nước mà cắm cúi ăn để chữa thẹn.

Ấy vậy mà sau cái bữa ăn sáng ấy, tôi phải dẫn theo thằng nhóc láu cá đi uống cà phê chung. Bác tôi tâm lý nên đẩy cả ba đứa đi đâu chơi, và dĩ nhiên đi uống cà phê ở một quán nào đó yên tĩnh là ý kiến không tồi.

– Anh, con bé Trang như nào rồi?
– Con bé Trang nào?
– Cái con bé sát nhà anh đấy!
– À, nó hơn mày một tuổi cơ mà, sao hỗn gọi bằng con bé, chị mới đúng! – Tôi khoanh tay trước ngực mãn nguyện vì trả thù được vụ đâm sau lưng, bán đứng anh em.

Con bé Trang vốn ở sát nhà tôi, thua tôi một tuổi, và hơn thằng láu cá đang nhăn nhó uống pepsi kia một tuổi. Nhà nó có cây xoài cực ngon, phải nói là danh vang khắp xóm. Mà thường tiếng lành đồn xa, nên nó cũng là mục tiêu của cả đám con nít lóc nhóc thời đó, trong đó phải kể tới hai anh em họ, tôi và thằng Nguyên từ thành phố về chơi.

– Xuống thôi, đủ rồi! – Nó mặt tái mét khoát tay.
– Xuống gì, ăn trộm phải có tư cách! – Tôi khoát tay lôi bịch muối được lận vào đai quần đùi ra. Mặc kệ thằng em họ mắt tròn mắt dẹt, lấy xoài chấm ăn ngon lành, buộc thằng Nguyên cũng phải ở trên cây ăn theo.
– Này, hai cái anh kia! – Giọng một đứa con gái vang lên dưới gốc cây.
– Chết mồ, chủ kìa anh ơi! – Thằng Nguyên nắm tay tôi, run như cầy sấy.

Tôi cũng sợ, nhưng sĩ diện, cứng giọng:

– Gì?
– Ai cho trộm xoài nhà tôi?
– Xoài của Ba mày chứ không phải xoài của mày đâu! – Tôi lươn lẹo đáp lại.
– Anh có xuống không?
– Có phải của mày đâu mà mày đuổi! – Tôi tiếp tục ăn nốt quả xoài to bự, đưa mặt khiêu khích.

Con bé ấy cũng chẳng phải vừa, nó kiếm đâu được cục đá chọi lên, đã thế nhè tôi mà chọi. Không hiểu ném thế nào lại trúng bóc giữa trán thằng Nguyên khiến đầu nó rướm máu. Đấy, duyên là thế, sau này lớn hơn một chút, thằng Nguyên vẫn thỉnh thoảng lên nhà tôi chơi, thấy con bé Trang thì cũng ợm ờ chào cho qua chuyện.

Hai anh em tôi say mê chọc nhau mà quên mất Thương từ nãy tới giờ đang lắng nghe chăm chú, ánh mắt có điều gì đó ghen tị và tủi thân. Tôi khoát tay với thằng Nguyên:

– Dẹp, nói chuyện khác mày!
– Đang vu…i! – Nó chưa kịp mở hết lời thì nhận ngay một chú đá vào chân của tôi, ít nhất nó cũng tinh ranh để nhận biết có điều uẩn khúc nên đổi chủ đề.

Bữa chiều, mặc cho Bác Gái tôi giữ lại dùng cơm tối, tôi với Thương đều nhất quyết cáo lui. Hứa hẹn qua loa cuối tuần lên chơi như một thói quen, tôi và Thương lái xe ra Xa Lộ lại.

– Nhà Bác Tín vui ghê!
– Vui không?
– Ừ! – Thương ngồi sau gật đầu nhỏ nhẹ.
– Vậy bữa nào Tín chở lên chơi…! – Tôi chợt nhớ lại cái dáng vẻ yên bình của cô bạn lúc ngủ, và đôi mắt trong veo đầy vẻ tủi thân.
– Ừ…!
– Nhưng phải chọn ngày…?
– Ngày gì…?
– Ngày Bác ruột Tín không có ở nhà ấy, Bác khó tính lắm!
– Vậy hả…?
– Ừm, nhưng Thương biết đánh cờ như vậy thì được đấy, gì chứ Bác Tín đánh cờ siêu lắm.
– Nói chung không tệ như Tín là được rồi! – Thương ngồi sau nhún vai.

Hai đứa tôi đều cười vui vẻ, chẳng hiểu cái chuyện lủng lốp xe hôm qua là xui hay là hên nữa. Dù sao, đôi khi chỉ cần làm bạn bè bớt đi muộn phiền, thì coi như đó là một niềm vui cho riêng bản thân mình vậy.

CHAP 22: MỌI CHUYỆN ĐỀU BÌNH THƯỜNG!

Việc tôi qua đêm bên ngoài kí túc xá đương nhiên trở thành chủ đề bàn tán khi vừa đặt chân về phòng. Qua đêm ở đâu? Làm gì mà về trễ? Là những câu hỏi thông dụng nhất. Còn việc với ai thì chỉ cần phòng đối diện rộ lên những câu hỏi tương tự, đủ để những sinh viên ranh mãnh phòng tôi hiểu rằng đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Chí ít, thằng Trung không có vẻ gì là phật lòng, nó vẫn giữ được vẻ mặt bình thường, không hề có ý tức tối gì, điều đó có lẽ còn làm tôi khó chịu hơn.

– Ê, vậy là mày…? – Nó kín đáo đưa tay chỉ sang cái phòng đối diện.
– Ừ, xe hỏng về muộn, đã thế gặp ngay cái bà hộ pháp kia nữa! – Tôi vẫn còn cay cú bà chị bảo vệ.
– Thế tá túc ở đâu, hay là…?
– Bã đậu mày, nhà Bác tao!
– Ờ…ờ…! – Nó gãi đầu gãi tai.

Còn thằng Trung, tuyệt nhiên vẫn không hỏi han thêm, nên phòng thôi dần trở về bình thường như mọi ngày. Trước giờ cơm vẫn là cả phòng nháo nhác tìm nơi trú ẩn, sợ cái côn vụt khỏi tay của cái thằng hâm mộ Lí Tiểu Long, sau giờ cơm tối sẽ được thưởng thức giọng hát và tiếng đàn của thằng nghệ sĩ Trung. Ván bài phân chia anh hùng thiên hạ và cuối cùng là học bài. Tôi vẫn tìm cho mình một cơ hội để nói chuyện rõ ràng với thằng Trung, nhưng hầu như không có, hoặc là vô tình để quên mất.

Sau vụ tôi mang theo bạn gái “ ra mắt” lên nhà Bác tôi thì tin tức cuối cùng cũng tới tai gia đình. Người đầu tiên cấp báo cho tôi biết lại chính là lão anh tôi:

– Nghe, gì đây, tôm ghé nhà rồng à!
– Tôm cua gì ở đây, mày sắp banh xác rồi thằng em ạ! – Kèm theo đó là một nụ cười không thể khả ố hơn.
– Có thể rõ ràng hơn chút nữa không?
– Nếu tao không nhầm thì tí nữa mày sẽ nhận được cuộc gọi từ nhị vị phụ huynh! – Nụ cười được nêm thêm gia vị đểu giả.
– Thì sao, bình thường vẫn gọi lên hỏi thăm sức khoẻ mà!
– Chuyện này khác, tình yêu tình báo của mày bị lộ tẩy rồi! – Một tràng cười dài khoái chí dài bất tận.

Tôi chợt giật mình, chắc có lẽ Bác tôi gọi về nói cái vụ tôi về muộn kí túc, chuyện đó thì tôi chẳng lo, nhưng cái chuyện “ra mắt” thì nghe có vẻ căng thẳng:

– Con bé nào đấy?
– Ông vớ vẩn quá đê, lo cho con bé của ông đê!
– Ê giận quá hoá hỗn mày, con bé nào?
– À, thì chị bé, thôi, quý anh vui lòng cúp máy cho thằng em còn tìm cách ứng phó.

Sau vài lời doạ lôi cổ về nhà, cho banh xác, khuyến mãi thêm nụ cười thoả mãn, ông anh tôi mới chịu dừng cuộc nắn gân tinh thần. Tôi ngồi diễn tập một mình trước những câu hỏi thông dụng nhất. Hai phút sau, chuông điện thoại như chuông báo cháy vang lên, hiển nhiên số là của Ba tôi.

– Con nghe ạ!
– Khoẻ không con? – Giọng Ba tôi chưa có dấu hiệu gì là tra khảo.

Hiển nhiên, tôi vẫn phải đáp theo cái giọng vẫn bình thường như mọi ngày. Kết thúc màn chào hỏi là vấn đề chính:

– Nghe Bác nói về Kí Túc Xá muộn à?
– Dạ, xe thủng xăm ạ!
– Xe ai mà thủng?
– Da…Dạ! – Tôi cứng lưỡi.

Cuối cùng đành phải khai nhận việc chở Thương đi học chung Anh Văn, Ba tôi im lặng lắng nghe, chẳng nói một câu gì, giây phút dài đằng đẵng.

– Lần sau có về muộn thì ghé về nhà Bác luôn nghe chưa!
– Dạ, vâng! – Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Sau đó là đến lượt Mẹ tôi tra hỏi, không đơn giản như Ba tôi, Mẹ tôi hỏi han đủ thứ, bạn như thế nào, rồi quan hệ ra sao, và nguy hiểm nhất là câu chốt hạ:

– Thấy Bác khen nó lắm mà!
– Ơ, dạ…bạn con mà, đứa nào mà chẳng tốt giống con trai Mẹ! – Tôi giở giọng nịnh nọt ra.
– Vâng, anh thì tốt rồi, yêu đương gì thì cũng ráng mà học hành!

Dặn dò vài câu xong, Mẹ tôi cúp máy, chí ít thì cuộc gọi điện này cũng không quá khủng khiếp như tôi tưởng tưởng, tất cả cũng chỉ tại yếu bóng vía bị lão anh tôi hù doạ.

Hiển nhiên, chuyện tôi và Thương vẫn duy trì theo một mối quan hệ bình thường, hơn bạn bè ở một chữ thân. Về phía tôi, có lẽ có hai lý do tồn tại quan trọng nhất. Việc với Yên, tuy không còn sâu đậm như lúc đầu, nhưng nó vẫn canh cánh trong lòng, và thực sự lúc này tôi chưa sẵn sàng để bắt đầu một mối tình cảm khác. Thứ hai, Thương là người bạn khác giới thân thiết nhất với tôi ở môi trường đại học, khác với Bông Xù trên danh nghĩa em gái, thế nên đôi khi, tôi cũng không đủ tình cảm để nâng nó lên thành một vị thế khác. Việc tôi bị gán ghép cũng như việc bạn muốn đến một nơi nào đó, nhưng người ta lại ép bạn đến một nơi khác, trong khi hành trang của bạn không đủ phục vụ cho chuyến đi người ta ép vậy.

Về phía Thương, tôi cũng chẳng thấy có gì khác lạ, vẫn cứ ngồi sau lưng tôi, sẵn sàng cầm bút bi chọc vào lưng mỗi khi tôi say sưa giấc nồng trên bàn, hoặc là sẵn sàng cốc đầu tôi mỗi khi tôi ngơ ngác gặp phải kiến thức cũ với bộ mặt sát thủ nhất. Vẫn chẳng có gì đặc biệt xảy ra cả. Đúng như những gì thằng quân sư quạt mo nhận định khi tôi lên chỗ nó chơi:

– Mày phải biết, khi yêu người ta sẽ có những hành động, lời nói đặc biệt!

Và không có gì đặc biệt thì chứng tỏ là cả hai đứa chẳng có gì? Chỉ có điều hình như tôi cũng bị biến thành cái máy nghiền kem không khác gì cô bạn và trình độ Anh Văn thì nhỉnh lên được một chút, dễ thấy hơn cả là tôi có thể ngồi cầm cuốn sách Anh Văn ra mà làm bài tập.

– Học chăm dữ mày! – Thằng Trung mở cửa bước vào phòng.
– Ờ, về sớm dữ, mày mới đi mà!
– Ờ, lên tới lớp thì được thông báo nghỉ!

Nó vứt cái cặp xuống giường, định đụng đến cây đàn Guitar thì tôi nhảy xuống rủ nó ra căn tin kí túc xá uống nước, hiển nhiên nó chẳng từ chối, giữa cái thời tiết oi bức.

– À, mát quá! – Nó khà lên một tiếng trong khi cái chai pepsi dễ vơi đến một nửa.
– Ờ, càng ngày càng nóng! – Tôi cầm cổ áo quạt phành phạch.
– Mày lôi tao ra đây nói chuyện về Thương à?
– Ờ…chẳng biết nói sao nữa.
– Chẳng phải tao đã bảo là tự nhiên rồi hay sao? – Vẻ mặt nó thật chẳng có gì đáng quan tâm cho lắm.
– Ờ.!
– Đấy, có phải thế là giống mày không, không giải thích nhiều!
– Tao vậy à?
– Ờ, thì là thế, tao mới vào cũng ngứa mắt kiểu đó lắm.

Hai thằng tôi phà phà cười. Cũng đúng thôi, trước giờ tôi vẫn sống theo cái kiểu “ ai nghĩ gì cũng mặc” nhưng đối với bạn bè, lại khác. Cần giải quyết những sự hiểu lầm dù nó chỉ mới là mầm mống trong tư tưởng. Nhưng có lẽ, cái đầu thằng nghệ sĩ không có mầm mống ấy.

– Thực ra thì tao cũng biết trước rồi, vì hai đứa đi và về hầu như cùng một lúc.
– Ừ, cũng chẳng biết nói sao cho mày hiểu.
– Nói làm gì, tao thấy bình thường nên không thèm hỏi mày ấy chứ!

Thế đấy, chuyện con trai với nhau, dễ giải quyết và rất đơn giản. Coi như bữa nước hôm nay, tôi mời nó chỉ vì cái tội “ đi học Anh Văn mà giấu nó”, vậy thôi.

– Này anh, anh đi học Anh Văn mà không nói em nhé?

Chuyện với con gái mới phức tạp, mới sáng sớm vào lớp Bông Xù đã gào lên như muốn vỡ cả một góc lớp vậy, mấy thằng trong lớp ngoái cổ lại nhìn đầy vẻ hả hê.

– Ờ thì, quên! – Tôi gãi đầu cười trừ.
– Thế mà anh rủ Thương đi nhé, không thương em út gì cả?

Bông Xù chẳng hề để ý, trước khi thằng Phong kịp đưa tay lên miệng suỵt nhắc nhở. Ba chúng tôi quay lại, đối chọi cả đống ánh mắt nhìn săm soi. Chỉ cần nhìn vào mắt chúng bạn thì mấy cái chữ:

“Hoá ra thằng này cũng chẳng phải tay vừa, tán gái à” hiện lên rõ mồn một.

Vào giờ học, cứ hễ mà chỗ chúng tôi có động tĩnh gì thì lập tức cả chục cái cặp mắt quay lại dòm ngó, hoặc chỉ cần Giảng viên gọi lớp trưởng lên nhận tài liệu photo cho các bạn, thì chúng nó cũng nhìn lây qua cả tôi và Thương. Và tất nhiên, nhìn Thương nhiều hơn nhìn tôi.

Thương chẳng để tâm, hoặc nói đúng ra chẳng biết thì đúng hơn, vẫn cứ cầm bút chọc tôi mỗi lần tôi gật gù chuẩn bị gục xuống bàn. Mỗi lần như thế, tôi chỉ cần rục rịch phản ứng hơi thái quá một chút là lại trở thành tâm điểm chú ý.

– Thế giờ em có học chung lớp với anh được không?
– Hết hạn rồi, dịp sau mới có lớp! – Tôi nhún vai.
– Vậy hả? – Bông Xù lí lắt khoác tay tôi hỏi.
– Ừ!
– Hay là anh không muốn cho em đi học chung! – Bông Xù giả bộ nhìn sang chỗ khác.

Tôi cú đầu cô em gái vì cái tội hàm oan cho ông anh.

– Vớ vẩn, ở đâu ra cái tính xấu đấy!
– Xí, em xấu mà thèm mời anh lên nhà chơi à!
– À, vậy là tốt chứ gì?
– Chứ gì nữa, mai anh nhớ lên đấy, cả Thương nữa!
– Nhất định rồi, mai Thương lên chơi với Vi! – Thương giơ tay ra móc nghéo, Bông Xù mới chịu an tâm lên xe bus ngồi yên.

Chẳng là Bông Xù muốn đề xuất nhóm bốn đứa chúng tôi lên nhà cô bạn chơi, thứ nhất để cho biết nhà, thứ hai là để tôi cất ngay cái bản mặt nghi ngờ về tài nấu nướng của cô nàng. Hiển nhiên là tôi gật đầu cái rụp đồng ý.

Nhà Bông Xù nằm trong một con hẻm lớn đường Cộng Hoà, khác với mấy ngôi nhà bên cạnh, trông có vẻ tươi tắn và mới hơn. Ở trước nhà có một khoảng sân cũng tạm gọi là rộng so với mặt bằng chung của một ngôi nhà thành phố. Bông Xù đeo cái tạp dề vênh mặt lên khoe:
– Thấy em gái anh chưa?
– Chút ăn thử mới biết? – Tôi đá chống xe Thương xuống.

Ngôi nhà rất gọn gàng và sạch, màu chủ đạo là màu trắng, chứ chẳng phải sặc sỡ như cách mà người ta nhìn Bông Xù đánh giá. Phong ngồi chờ sẵn từ lâu, tôi dám cá là thằng bạn bị tóm cổ sang sớm để chở cô em gái tôi đi chợ.

– Bố Mẹ Bông Xù đâu?
– Hai Bác ra ngoài để cho tụi sinh viên mình thoải mái, có lẽ là sang nhà họ hàng rồi!

Tôi nhìn một lượt không gian xung quanh, rất ít ảnh gia đình, nhưng lại cực nhiều những bức tranh thư pháp. Nét chữ không đẹp như những người chuyên nghiệp, nhưng cũng rất có hồn và phong cách riêng. Thằng Phong nhìn tôi và Thương nói nhỏ:

– À, của anh Vi vẽ đấy!

Tôi theo ánh mắt của thằng bạn, nhìn chiếc bàn thờ vẻ mặt đầy tiếc nuối. Có mảnh rèm che mờ, để cho khi người ta lướt qua, không thể nhìn rõ ảnh người đã khuất, một sự chôn giấu nỗi đau. Tôi thì thầm vào tai thằng Phong:

– Tao thắp nén hương.
– Ừ, để tớ!

Nó đi về phía cửa bếp, rồi an tâm khi thấy Bông Xù chăm chú nấu nướng, quay sang ngoắt tay cho tôi. Vén rèm, nó châm lửa vào cây hương, đưa cho tôi và Thương. Hai đứa tôi cũng cảm thấy nghẹn ngào trước hoàn cảnh của Bông Xù, nếu chẳng có thằng Phong, thì hai đứa tôi cũng sẽ chẳng bao giờ biết, sau những nụ cười của cô bạn có những nỗi đau chẳng thể nguôi ngoai.

Ba chúng tôi lại tiến ra bàn, Thương bị Bông Xù mặc định là khách nên phải ngồi im, không được đụng tay phụ giúp nên ba chúng tôi khá là nhàn rỗi cho đến tận bữa trưa. Bông Xù bưng hết đồ ăn lên với vẻ mặt đầy tự hào:

– Rồi, mời mọi người.
– Cái này là gì?
– Trứng chiên! – Mặt Bông Xù vênh lên.
– Ồ, hoá ra là trứng chiên! – ba đứa tôi cùng đồng thanh.
– Thử đi, ngon lắm! – Chủ nhà quảng cáo hết sức, ba vị khách nhìn nhau đầy vẻ nghi hoặc.

Nói là vậy, nhưng khi chạm đũa thì có vẻ nó cũng khá là ngon, chúng tôi vừa ăn vừa khen, mà thực chất là tinh thần động viên nhiều hơn, khiến Bông Xù khá là vui.

Xong xuôi mọi thứ là đến màn cờ cá ngựa, vừa đủ bốn người. Khỏi phải nói, mỗi lần đánh cờ hay đánh bài, mà có con gái tham gia thì chắc chắn rằng tôi đứng áp chót, hôm nay tôi cũng không phải là ngoại lệ.

– Về chuồng nào Tín! – Thằng Phong tự hào đá văng con ngựa màu vàng của tôi về nằm gọn lỏn trong chuồng.
– Em xin lỗi nhé! – Bông Xù cũng tham gia.
– Con cuối cùng! – Thương cũng không thiếu phần.

Rốt cuộc, chầu cà phê buổi chiều, tôi là kẻ phải lĩnh trách nhiệm vinh quang: Trả tiền.

– Mày này, em đăng kí hết rồi đó!
– Đăng kí cái gì? – Tôi tò mò gặng hỏi.
– À, là câu lạc bộ tình nguyện! – Thương đặt ly ca cao nóng xuống bàn.
– Chính xác! – Bông Xù hào hứng.

Chỉ cần nhìn mặt thằng Phong là tôi hiểu, tôi là kẻ chẳng biết gì cả, hay nói đúng hơn là kẻ biết cuối cùng.

– Khoan khoan, là sao?
– Thì đăng kí cho nhóm mình vào hết câu lạc bộ tình nguyện!
– Cái gì? – Tôi nhảy ngược lên, ba đứa bạn nhìn tôi nắc nẻ cười.

Trước giờ, con người tôi chỉ có tồn tại mấy chữ, ỷ lại, lười biếng, tự phát chứ không hề tự giác chứ đừng nói đến tinh thần tình nguyện, thế nên việc này có vẻ gì đó quá bất ngờ.

– Thì nhóm mình phải đi hết chứ? – Cả ba đồng thanh.
– Ờ…thì đi, nhưng mà câu lạc bộ ấy làm gì mới được chứ?
– Thì dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc trẻ em ở trại trẻ, người già ở viện dưỡng lão…!

Từng đấy thông tin có lẽ khiến tôi tự đau đầu, nhưng chối từ cũng chẳng được nữa rồi, tên đã nằm trong danh sách, giờ mà khước từ thì còn đâu mặt mũi. Với lại làm việc có ích cho xã hội cũng là việc nên làm.

Tôi bùi ngùi gật đầu đồng ý!

– Này, cậu có nghĩ tớ hợp với mấy cái tình nguyện đó không? – Tôi lái xe trên đường, vô tình hỏi Thương.
– Có chứ sao, tình nguyện ai mà chẳng hợp!
– Sao cậu có vẻ hào hứng thế?
– Thì trước giờ tớ có làm gì được nhiều đâu?

Tôi gật đầu đồng ý, cũng đúng thôi, việc đi tình nguyện với Thương là một trải nghiệm mới trong cái lí lịch buồn chán trước đây.

– Nè, ghé lại!

Tôi áp sát lề đường, bóp thắng. Hiển nhiên là đang đứng trước quán kem rồi, món ăn ưa thích của cô bạn.

“Đúng là con sâu kem!”.

CHAP 23: KHI TÔI KHÓC!

Quả thực, sẽ chẳng ai ngờ một thằng có gương mặt “ bất cần đời” như tôi lại đăng kí tham gia câu lạc bộ tình nguyện, ai mà tin được nhỉ, ngay cả bản thân tôi cũng chẳng thể tin nỗi là.

– Cái gì, mày á, đùa hoài mày? – Thằng Tùng vứt cả cuốn tài liệu lên trời, nghe như vừa bị sét đánh trúng vậy.
– Mặt tao giống đùa lắm à? – Tôi cau có vì phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
– Mày, tao nghĩ…! – Thằng Hùng khoanh tay trước ngực, tỏ vẻ nghiêm nghị.
– Mày ủng hộ à?
– Thôi, mày ở lại đá bóng được rồi, cái tướng mày không hợp với tình nguyện! – Nó vỗ vai tôi, làm như một lời khuyên chân thành lắm ấy.

Hai thằng bạn quỷ sứ phá lên cười, để mặc tôi cau có suy tư, xem xét mọi thứ, dù cho mọi chuyện cũng đâu thể thay đổi được chứ.

– Mày đừng vì gái làm khổ bản thân!
– Điên mày, gái gú gì, tao thích vì tao là một thằng có tinh thần trách nhiệm với xã hội!
– Thôi, thôi, tao xin mày ngay và luôn!

Đến khi giảng viên vào lớp, cái màn khấn lạy nó mới chấm dứt, tôi ủ rũ đi về chỗ nhóm ngồi.

– Chủ nhật tuần này nhé anh, đừng có đổi ý đấy.
– Yên tâm, chắc như đinh đóng cột! – Tôi đấm tay vào ngực, ra vẻ với Bông Xù.

– Chừng nào cột mục mới sút đinh! – Thương chêm vào một câu khiến mấy đứa còn lại bò lăn ra cười.

Đấy, ngay cả rằng tôi khẳng định ra mặt, thì hầu hết, kể cả những người đã ép tôi vào đường cùng cũng có phần nghi kị là thế. Tôi đành bám víu vào những người quen khác.

– Thôi, thôi, ở nhà cho mát đi mày! – Thằng Việt nghe thế, bỏ ngang cuốn sách tiếp chuyện.
– Để tao tặng mày một bài nâng cao sĩ khí! – Thằng Trung được dịp với ngay cây đàn gảy bản Áo Xanh Tình Nguyện, cơ mà nhìn cái mặt của nó thì tôi đủ biết, nó cố ý chọc cười thì đúng hơn.
– Mày nói cho thằng Tín một lời công đạo coi Tuấn?
– Trời nóng, nó mê sảng đó mà! – Thằng Tuấn cũng tham gia một cách gượng ép.

Tôi cực kì cay cú trước một việc bản thân quyết tâm mà thiên hạ nghi kị, thế nên tôi mong chờ đến chủ nhật lắm, mong chờ sự chứng minh bản thân.

– Hôm nay tôi xin phổ biến chương trình!

Chúng tôi tập trung tại sân trường, lắng nghe anh hội trưởng phổ biến địa điểm, sơ qua về địa điểm và những việc cần làm. Phân công từng tổ trước xách đồ theo rồi di chuyển.

– Này, sao trông căng thẳng thế? – Thương vỗ vai tôi!
– Không, có gì đâu, thoải mái mà! – Tôi căng cứng khuôn mặt.
– Không có gì đâu là biết có gì rồi đó? – Thương tủm tỉm cười.

Không căng thẳng sao được khi hôm nay chúng tôi đi tình nguyện ở mái ấm dành cho trẻ nhỏ cơ nhỡ. Những công việc như: Chơi đùa cùng các em, dạy học…là đủ khiến tôi rởn tóc gáy. Nói gì chứ, ngay cả mấy đứa cháu họ ở nhà, mỗi lần đang chơi mà nghe chúng nó đòi đi vệ sinh hay không ý phức mà “ra quần” thì y như rằng tôi như bốc hơi, biến đi ngay tức thì. Bởi thế Mẹ tôi vẫn thường nói tôi rằng:

– Sau này không biết mày chăm con ra sao?

Thực sự, tôi không thích trẻ con lắm. Tôi hi vọng xuống dưới đó sẽ có nhiều công việc nặng nhọc một chút, để hợp với đứa sức dài vai rộng như tôi.

Ấy vậy mà Bông Xù phá hỏng tất cả, bằng cái vẻ ngoài nhí nhảnh và cũng có chút đáng yêu, cô em gái tôi mở miệng muốn cho nhóm tôi chăm sóc trẻ. Ông Hội Trưởng thì cứ như bị bỏ bùa, miệng há hốc gật đầu liên tục, tôi dám cá rằng lão anh khoá trên này chưa chắc nghe được Bông Xù nói gì nữa.

Bông Xù coi như có quyền với nhóm chúng tôi, nên cô nàng chỉ định Thương và tôi chăm sóc mấy trẻ nhỏ, còn cô nàng với Phong sẽ chịu trách nhiệm gõ đầu trẻ một lớp.

Khu mái ấm này nằm ở khu vực Bình Dương, cũng khá gần với khu làng đại học chúng tôi ở. Mái ấm khá nhỏ, nhưng sạch sẽ, thỉnh thoảng tôi thấy vài người dân chung quanh cũng qua phụ giúp, chơi đùa với mấy đứa nhỏ.

Thương với tôi cùng bốn người nữa vào phụ trách phòng vui chơi. Chưa đi đến cửa phòng mà tiếng cãi nhau pha thêm tiếng khóc, tiếng cười chí choé. Những đứa nhóc mới tầm ba đến năm tuổi, đứa ngồi, đứa đứng, đứa nằm giữa sàn nhà giãy chân đành đạch.

Trái ngược với tôi là Thương hào hứng lại gần chơi chung ngay lập tức. Mãi đến khi cô nàng nháy mắt thì tôi mới bước vào, ngồi xuống giữa đám nhóc manh động nhất. Thấy tôi, mấy đứa chẳng hề sợ sệt gì cả, nhảy vào, đứa thì ngồi vào đùi, đứa ôm vai bá cổ, đứa vuốt tóc, đứa sờ cằm như quen thuộc lâu lắm vậy. Tôi cảm thấy trách nhiệm đầy cả mình.

– Chú tên gì ạ? – Thằng bé lớn nhất lại gần, có vẻ là trùm ở khu này.
– Chú à, chú tên Tín!
– Dạ, chú Tín! – Nó ngoan ngoãn chào.
– Ngoan, con nhiêu tuổi rồi? Tôi cố lấy chút “dịu dàng” ra nói chuyện.
– Dạ năm ạ!
– Ủa, sao con không đi học?
– Con không thích! – Nó đáp xong, cắm cúi bẻ chân con rô bôt lên cao, chắc là đang tưởng tưởng ra cú đá siêu nhân đây mà.
– Ờ, không sao, vậy chơi với chú phải ngoan nghe chưa?
– Dạ! – Mấy đứa nhóc đồng thanh đáp lại.

Tôi quay sang, thấy Thương nhìn tôi cười, tôi nheo mắt, khoe chiến tích dụ dỗ con nít của mình.

Ấy vậy mà tôi lầm to, chỉ mười lăm phút sau, khu tôi quản lý trở thành khu bạo động, trong khi mấy khu khác thì yên tĩnh, hoà thuận với nhau. Đầu tiên là việc thằng nhóc trùm sò chán chơi rô bôt, nó chẳng nói câu nào, chạy qua giật luôn con xe tăng của một thằng nhóc thò lò mũi xanh khác. Thằng bé thò lò mũi xanh ấy cũng chẳng vừa, nhảy qua giật con búp bê của một bé gái, bẻ cho chân tay con búp bê xoay loạn xạ. Bé gái chạy qua ôm tay tôi lắc lắc:

– Chú Tín ơi, bạn cướp búp bê của con!
– Để chú!

Tôi đi sang khu thằng nhóc thò lò mũi xanh, giả bộ hiền lành xoè tay ra:

– Con ngoan, con trai không được cướp đồ chơi của con gái!
– Nhưng mà anh kia lấy xe tăng của con! – Nó ôm con búp bê vào lòng, chỉ qua cái xe tăng của nó.

Tôi lại rũ rượi lết sang bên thằng nhóc trùm sò, giọng cầu cạnh:

– Con trả xe tăng cho bạn đi nào, là anh phải nhường em chứ!
– Bùm, bùm! – Thằng nhóc chẳng thèm đếm xía đến tôi, vẫn đẩy cái xe tăng đi nhiệt tình, thỉnh thoảng còn nhấc bánh trước, chắc là cu cậu đang tưởng tượng xe vượt địa hình.

Dỗ ngọt không nghe, tôi chuyển qua chiêu thức doạ:

– Nếu không nghe, chú dẫn con đi học giờ!

Thằng bé lập tức buông cái xe tăng, chuyển qua con rô bôt chơi ngay lập tức. Tôi vuốt trán, thở phào vì trật tự được lặp lại.

“Làm gì nhóc lì bằng chú ngày xưa được!” – Tôi tự tin nhìn nó ngoan ngoãn.

Nhưng sự việc lại tiếp diễn khi thằng nhóc trùm sò đá con rô bốt vào gian hàng nấu ăn của mấy đứa nhóc khác, một dàn đồng thanh của những tiếng khóc bắt đầu ré lên.

– Đổ canh rồi!
– Đổ cơm luôn rồi!

Tôi đang chơi búp bê với bé gái lại lật đật chạy qua, thằng trùm sò vẫn đưa chân con rô bôt đá loạn xạ.

– Sao lại phá đồ chơi của bạn?
– Rô bốt siêu nhân mà! – Nó đưa đôi mắt ngây thơ lên nhìn tôi.
– Siêu nhân chẳng ai đá đồ chơi của bạn? – tôi nhún vai.

Thế mà thằng bé ấy lại khóc ré lên, ném con rô bôt ra xa, nằm lăn qua lăn lại giữa sàn, chân giãy đành đạch:

– Á, à cái chiêu này quen lắm này!

Tôi ngẫm trong bụng, rồi ngồi lại gần, vỗ nhẹ vào mông nó theo cách mà Mẹ tôi thường dỗ cháu họ mỗi khi tôi làm cho chúng khóc:

– Thôi, được rồi, rô bôt siêu nhân!

Nhầm to, thằng bé ấy lại càng được thể, khóc càng to hơn. Tôi chuyển qua chiêu khác:

– Dậy đi với chú qua lớp học này, nín khóc không qua lớp học nhé!

Thằng bé giãy chân với tần số cao hơn, khóc càng to hơn nữa. Cả phòng quay lại nhìn, cũng may Thương kịp chạy qua dỗ dành nó.

– Chú không cho con chơi! – Nó mếu máo.
– À, chú hư, để cô đánh chú nhé!
– Cô đuổi chú ra ngoài đi! – Thằng bé đưa tay lên bo – xì tôi.
– Sao lại đuổi chú đó ra?

Thằng bé chẳng thèm đáp, khóc ré lên, ưỡn người cứ như cá mắc cạn, tuột khỏi tay Thương, giãy đành đạch ra sàn. Thương nháy mắt cho tôi ra ngoài, tất nhiên, tôi phải cay đắng chịu thua thằng trùm sò ra ngoài trong mấy ánh mắt của những người chung hội tình nguyện. Tôi tót thẳng sang dãy lớp học, kiếm ra cái lớp Bông Xù và Phong đang dạy. Ngoắt hai đứa ra đổi công việc, vậy mà hai đứa lại để lại lớp cho một mình tôi. Dù sao, ở đây cũng chưa thấy thằng nhóc hay con bé nào là thủ lãnh cả. Mấy đứa nhóc cũng có vẻ ngoan hơn, chí ít cũng không thò lò mũi xanh.

– Nãy hai cô chú kia dạy đến đâu rồi nhỉ?
– Không phải cô chú, là Thầy với Cô! – Mấy đứa nhóc đồng thanh bắt bẻ.
– À, rồi…Chú, à quên Thầy nhầm, đến đâu rồi?
– Dạ, phần đọc ạ! – Lại là bé gái trả lời, đúng là bé gái thì hay ngoan hơn bé trai.

Tôi cầm phấn đứng trên bảng, cố nghĩ ra một câu nào đó, nhưng chẳng biết chữ nghĩa bay đâu hết, ở dưới mấy đứa học trò thì nhoi nhoi lên đòi. Bí bách, tôi ghi luôn cái tiêu đề một cuốn tiểu thuyết – thực ra cũng chỉ biết được mỗi cái tên lên bảng, cố nắn nót từng chữ:

TIẾNG CHIM HÓT TRONG BỤI MẬN GAI!

Tôi ưỡn ngực đánh vần từng chữ một, tụi nhóc ở dưới ê, a đánh vần theo.

– Con thưa Thầy, Mận Gai là gì ạ?
– À, ờ…?
– Là quả mận có gai phải không ạ?

Mấy thằng nhóc quay sang cười cô bé ân nhân lúc nãy của tôi, làm cô bé mặt đỏ lựng lên. Tôi đành phải ra tay trả ân nghĩa:

– Là một loại cây chỉ có ở nước khác, thấp, nhỏ cỡ chừng này – Tôi đưa tay xuống ngang hông, tự hào vì cái tài bốc phét của mình, chứ thực ra thì tôi cũng chẳng biết nó là giống cây gì nữa.
– Nước nào ạ?
– À, ở Châu Âu – Tôi lỡ miệng.
– Châu Âu là nước nào ạ?
– À, tức là không phải Việt Nam ra! – Tôi đành bấm bụng trả lời theo kiểu con nít, mong sao cho mấy đứa nhóc khỏi phải hỏi những câu mà tôi không biết giải thích ra sao cho chúng hiểu.

– Tiếp tục nhé!
– Con thích con số cơ! – Một thằng nhóc khác lễ phép đứng dậy.
– Số?
– Dạ, số một nè, số hai nè?
– Thế các con có biết làm phép tính không.

Nhìn cái kiểu gật đầu nửa có nửa không, tôi đành bấm bụng ghi lên bảng cái phép tính:

1+1=?

Mấy đứa học sinh ở dưới đồng thanh:

– Dễ ẹc, bằng hai ạ!
– Thế hai cộng hai…!
– Bốn ạ! – Có sự chán nản xuất hiện.

Tôi căm lắm, ghi luôn phép tính: 2+3 – 1. Mấy đứa học sinh ngồi dưới ngơ ngác phản ứng:
– Con không biết!

Tôi gãi đầu, rõ ràng ước lượng về trình độ mấy đứa nhóc tầm này tuổi với tôi là một cơn ác mộng. Tôi đành lấy giẻ lau bảng xoá phép tính thì mấy đứa học trò nhất mực phản đối, bắt buộc phải giải. Cũng may, chị phụ trách mái ấm lên thông báo giờ cơm trưa, mấy đứa nhóc mới ào ào túa ra khỏi lớp, tôi thoát nạn.

Buổi trưa, tôi trệu trạo nhai cơm, kiếm chỗ đặt lưng ngủ lấy sức. Tin tôi đi, không gì mệt bằng chơi với chục đứa nhóc đâu, cực kì mệt.

Buổi chiều, đúng hai giờ, tôi lại vác bộ mặt thất thểu lên lớp, khẽ chào mấy đứa học trò:

– Tiếp tục làm toán nhé!
– Kể chuyện đi Thầy ơi?
– Kể chuyện? – Tôi gãi đầu chết trân.
– Vâng! – Gần hai chục đứa nhóc hào hứng.

Tôi cố nặn óc nhớ ra một câu chuyện cổ tích nào đó, nhưng ở tầm tuổi tôi, thì chuyện nhớ khúc đầu, chuyện nhớ khúc cuối, chuyện nọ xọ chuyện kia. Cuối cùng tôi đành phải bịa một câu chuyện đầy đủ những tình tiết: Công chúa, hoàng tử, quái vật, phù thuỷ…nói chung tất cả những gì tôi nhớ về cái gọi là cổ tích.

– Ngày xửa ngày xưa, có một nàng công chúa rất là đẹp, mái tóc đen dài, mắt trong veo, nụ cười rất dễ thương! – Tôi lấy một phần của Ngữ Yên ra mà lồng ghép.

Mấy đứa nhóc chăm chú lắng nghe, tạo cho tôi hứng thú tiếp tục mà bốc phét.

– Với sắc đẹp đó, nàng công chúa bị con rồng ở một nơi rất xa bắt cóc. Vua cha đau đớn ra lệnh cho thiên hạ, ai cứu được nàng sẽ cho làm phò mã.
– Rồng có phun lửa không Thầy?
– Có chứ, một lỗ mũi phun lửa, một lỗ mũi phun nước! – Tôi giả bộ làm bộ dạng con rồng, mấy đứa nhóc lại chăm chú lắng nghe.

Và rồi chàng hoàng tử nước láng giềng nghe tin, cưỡi bạch mã băng đèo lội suối, vượt qua thác cao ơi là cao, tôi nhún chân đưa tay lên cao, đường gập ghềnh, tôi khẽ đưa tay uốn éo minh hoạ. Trên đường chàng gặp một bà phù thuỷ tốt bụng.

– Phù thuỷ xấu chứ Thầy? – Mấy đứa nhóc đạp chân xuống nền phản ứng.
– À, xấu, chàng Hoàng tử vung gươm thu phục phù thuỷ, thu được một bảo bối! – Tôi ngậm ngùi đẩy phù thuỷ về phe phản diện.
– Báu vật gì ạ? – Mấy đứa nhóc tò mò.
– Một bộ chiến giáp bằng vàng óng ánh!
– Oà, báu vật, vàng nhé! – Mấy đứa kháo nhau.

Rồi sau một trận ác chiến, chàng hoàng tử đâm xuyên tim rồng, cứu công chúa về và hạnh phúc bên nhau mãi mãi. Tôi đưa tay giả bộ vung thước làm kiếm, kết thúc mô típ quen thuộc của chuyện cổ tích.

Mấy đứa nhóc vỗ tay khen ngợi, bỗng nhiên tôi cảm thấy có chút gì đó có ích, ít nhất cũng làm cho tụi nhỏ nợ nụ cười.

– Rồi, giờ Thầy sẽ nghe các con kể về ước mơ nhé!
– Con, con ạ! – Mấy đứa tranh nhau.

Tôi ưu tiên cô bé ân nhân, hiển nhiên:

– Con mơ làm hoạ sĩ ạ!
– Con mơ là bác sĩ ạ!
– Con mơ làm siêu nhân, diệt ác trừ gian ạ!

Đến cuối cùng, ở một góc lớp, một cậu bé có vẻ lầm lì đứng dậy:

– Con mơ có cha mẹ ạ!

Mấy đứa nhóc khác vẫn ngồi kháo nhau về giấc mơ, chắc chúng cũng sẽ chẳng bao giờ thấy nước mắt tôi khẽ rơi xuống. Ước mơ đó có vẻ với những người có Cha có Mẹ như chúng tôi đã quên lãng, thì với mấy đứa trẻ ở đây, nó quá cao sang. Nụ cười trẻ thơ ấy, quá xót xa thay lại thiếu bàn tay chăm sóc của Cha Mẹ. Và sau này, chúng ắt hẳn sẽ muốn như vậy, muốn có Cha có Mẹ, biết đến tình yêu của gia đình.

Nước mắt tôi cứ ở trên khoé mắt, vương buồn cho đến tận lúc ra về. Mấy đứa nhóc bám chân, đứa bám vai, đứa bắt bế không muốn cho chúng tôi về. Tôi đứng ở một góc xa, không muốn tham gia, bởi tôi sợ sẽ chẳng bao giờ kìm được những giọt nước mắt chực lăn.

Bỗng, có ai đó đang lay lay chân tôi:

– Con tặng Thầy nè! – Cô bé ân nhân đứng cạnh tôi từ bao giờ.

Tôi cúi xuống, đón bức tranh và bế cô bé vào lòng, trong bức tranh ngộ nghĩnh ấy, một đám nhóc đang ngồi nghe giảng, trên bục giảng là một thầy giáo tóc tai lỏm chỏm vài cọng, đang cầm thước múa múa. Bên cạnh là một hình tròn, có hai cái cánh chổng lên trời, là con rồng. Một giọt nước mắt rơi xuống, trúng ngay bộ tóc lởm chởm của thầy giáo.

– Sao Thầy khóc ạ?
– Không, bụi thôi con!
– Dạ, mà Thầy ơi cái phép tính lúc sáng bằng bao nhiêu ạ? – Cô bé ấy tròn xoe mắt .
– Bằng bốn con ạ!
– Sao lại bằng bốn ạ? – Cô bé ấy sờ vành tai tôi.
– Sau này lớn con sẽ biết! – Tôi xoa đầu, lấy cái nón của mình, thu nhỏ kích cỡ, đội lên đầu cô học trò nhỏ. Cái nón vẫn quá cỡ với cô bé, sụp xuống che đôi mắt thiên thần.

Cô học trò nhỏ thích lắm, cứ đội nó mãi, kể cả khi chia tay, cô bé ấy một tay đỡ cái nón ra khỏi đầu, vẫy tay tạm biệt tôi. Đôi mắt đầy vẻ tiếc nuối.

Sau này con sẽ lớn, sẽ biết nhiều điều, sẽ biết vì sao hai cộng ba trừ một bằng bốn, sẽ biết vì sao con không Cha không Mẹ, cũng có thể, sẽ có lúc con than trách và ghen tị với những bạn được Cha Mẹ dẫn đi chơi đâu đó đi ngang qua. Con sẽ buồn, buồn lắm, Thầy biết, nhưng con sẽ cứng cáp, sẽ trưởng thành nhanh thôi.

Đôi vai tôi run run suốt một quãng đường dài, lần đầu tiên tôi vừa chạy xe vừa khóc, mà chẳng sợ ai nghi kị.

CHAP 24: NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG!

Quả thực, sau cái ngày đầu tiên tôi tham gia cùng câu lạc bộ tình nguyện của Trường, nó khơi dậy cho tôi một cảm xúc thật mãnh liệt. Có quá nhiều người còn khốn khó hơn mình rất nhiều, có những người ở nơi nào đó chỉ mơ ước được những thứ bình thường trong cuộc sống như chúng tôi. Ừ, thì chúng tôi coi đó là bình thường, là hiển nhiên là tất yếu, thì với họ là những thứ thật cao sang và đặc biệt. Từ đấy tôi tự hứa với lòng mình, sẽ ít than thở trước những rắc rối trong cuộc sống, quý trọng những điều bình dị xung quanh mình.

Bức tranh người thầy giáo với mấy cọng tóc như dây tóc bóng đèn ở ngay trước mặt tôi, đã thành một vật như thế, quen thuộc đối với tôi hằng ngày. Cứ mỗi lần cầm lên ngắm nghía, tôi gõ bút xuống cuốn giáo trình ngay trước mặt, thở dài. Cái cảnh chục đôi mắt thơ ngây, khuôn mặt vẫn tươi roi rói của chục học sinh trẻ thơ vẫn cứ in hằn trong trí nhớ của tôi:

– Này, nghĩ gì mà thẩn thờ thế mày?

Thằng Tuấn từ đâu ngoi lên, vỗ vai tôi rồi chỉ vào bài tập trong môn học mà hai đứa hiếm hoi học chung.

– Chỉ dùm tao cái này coi? – Mặt nó lộ rõ vẻ năn nỉ cực kì tội nghiệp.

Cũng phải thôi, kì thi giữa kì, so về điểm số tôi đều nhỉnh hơn nó. Một phần công lao này, tôi phải cảm ơn Thương, cảm ơn cô bạn có phần khó tính ấy. Chẳng hiểu có phải do tôi rớt một môn ở học kì một hay không, mà học kì hai này, tôi bị kiểm soát gắt gao hoàn toàn. Mỗi lần trong lớp, tôi chuẩn bị gục mặt xuống bàn là y như rằng sẽ bị một cái bút áo từ đủ mọi phương hướng đâm vào. Bên phải, bên trái, sau lưng, cứ như kiểu tù nhân bị tra tấn cực hình ấy. Thỉnh thoảng, Thương cố tình hỏi tôi mấy kiến thức vừa học, một kiểu kiểm tra miệng trá hình, chứ tôi rõ như lòng bàn tay rằng Thương rõ ràng câu trả lời.

– Này, tớ có thuê cậu làm gia sư đâu! – Tôi hơi cau mày, đá cục đá lọt tõm xuống cái mương thoát nước hai bên vệ đường.
– Tớ thích thế, thì sao không? – Cô bạn nheo mắt lên bướng bỉnh trả lời.
– Cậu thích trò oái ăm nhỉ!
– Thế cậu thích rớt môn nhỉ!

Thế đấy, chỉ cần đụng đến nỗi đau là tôi lại im bặt, coi như chịu thua. Mỗi lần như thế Thương đều vênh mặt lên đắc chí. Và rõ ràng là sự đắc chí ấy có cơ sở, vì điểm số giữa kì của tôi cải thiện rõ rệt so với cùng thời gian kì trước. Ừ thì, nhịn vậy.

– Đi…! – Thương đưa tay lên quạt quạt vào mặt.
– Ăn kem đúng không?
– Rành ghê ta!
– Chuyện, ngày nào cũng ăn, làm như không được ăn lần sau nữa ấy! – Tôi đá tiếp một cục đá bên lề đường lọt tỏm xuống nước.
– Sắp rồi…!

Giọng Thương chùng xuống, nhưng rất nhanh, cô bạn kéo tay áo tôi đi trước khi tôi mở miệng thắc mắc. Sự việc quen thuộc quá nên tôi cũng chẳng hề để tâm. Tôi đi theo cô bạn riết đến nỗi bà chủ quán kem ở kí túc xá cũng quen mặt tôi quá rồi.

– Này, cuốn Eragon đọc hay không?
– Cũng hay!
– Vậy là chưa đọc?

Tôi nhấp thìa kem trong miệng trốn tránh, Thương cũng chẳng truy vấn nữa, ngồi im lặng khoái trá với ly kem bự chảng trên bàn. Cô bạn này đúng là vô địch về khoản ăn kem trong đời tôi chứ chẳng phải đùa.

– Này, bữa nào lên nhà ku Nguyên chơi nữa đi!
– Lại đi đâu về muộn à! – Tôi ngậm cái thìa trong miệng, đảo lưỡi nghịch cho cái đầu nó xoay vòng vòng bên ngoài.
– Không, lên chơi! – Thương thản nhiên.
– Này, Bác tôi trả bao nhiêu tiền?
– Tiền gì? – Thương ngơ ngác hỏi.
– Lương gia sư!
– Hâm quá đi! – Thương lấy cái thìa ra khỏi miệng tôi, chắc là không nhịn được khi thấy cái mặt hài hước của tôi đây mà.
– Vậy lên chơi làm gì?
– Chơi…ờ thì chơi thôi!

Tôi chống cằm suy nghĩ, Thương ngồi im, mặt đỏ bừng bừng, tôi búng tay cái chóc:

– Á, à, có ý đồ với thằng Nguyên đúng không?
– Hả?
– Vậy là đúng rồi, hơn có hai tuổi thôi, ông bà ta chẳng nói là gái hơn hai đó sao!

Thương bịt tai, hét át cả tiếng chọc ghẹo của tôi, tôi mặc kệ, cứ áp sát lại tra khảo, khiến bà chủ quán kem nhìn hai đứa sinh viên giữa trưa mà cười nắc nẻ.

– Này, Thương! – Tôi đưa hai tay ra sau ôm gáy, ngửa mặt lên nhìn trời nắng chói chang.
– Gì cơ?
– Gọi tôi là anh đi, giống thằng Nguyên ấy!
– Đồ hâm! – Thương hậm hực lôi cái bút bi ác mộng trong balo ra, tôi chạy té khói băng qua cả cổng kí túc xá.

– Nhớ đó! – Cô bạn đưa cái bút bi lên chỉ trỏ doạ nạt.
Quãng thời gian sau cứ như một thước phim đẹp đẽ và nhẹ nhàng. Mỗi tuần tôi đều lên lớp đầy đủ, học hành rồi tán phét với thằng Phong, bắt nạt Bông Xù và chọc ghẹo Thương. Chiều về, ngày nào không học anh văn là lên sân đá banh cho thoả cái đam mê và giãn gân giãn cốt. Tối đến thư giãn bằng những khúc đàn của thằng Trung. Xen kẽ vào đó là những lần tôi gặp lại đám bạn cấp ba, và cứ giữa tháng và cuối tháng thì tôi đi chung với câu lạc bộ Tình Nguyện. Đôi khi là đi dọn đường, thăm viện dưỡng lão hoặc làm đồ chơi cho trẻ em.

Tháng năm chào sinh viên bằng một cơn nóng oi bức, trời như đổ lửa. Cứ mỗi lần lết lên đến giảng đường là tôi đã lấm tấm hết cả mồ hôi. Thế mà hôm ấy, thằng Phong còn mang đến một tin tức còn nóng hơn cả nhiệt độ.

– Cả lớp ta chú ý, sắp tới chúng ta sẽ học quân sự!
– Oé! – Tôi ở dưới giãy nãy lên, nói thật cái thời tiết này nằm ở phòng còn lè lưỡi, huống gì là ra ngoài trời mà lăn lê bò trườn chứ.
– Bây giờ tớ sẽ thông báo và phân công cho một số bạn! – Thằng Phong bắt đầu vung chân múa tay diễn tả.

Tôi nằm lên cái mặt bàn quen thuộc, ở một chỗ ngồi quen thuộc, chắc cái mặt bàn này cũng phải cảm ơn cái mặt tôi lắm, nhờ tôi ngủ gục nhiều nên sáng bóng lạ thường. Đang chuẩn bị nhắm mắt thì y như rằng cái bút bi của Thương từ đằng sau đâm tới. Hẳn cái áo sơ mi của tôi ghét Thương dữ lắm, vì nó mà áo tôi có bao nhiêu là chấm mực xanh. Tôi nhảy dựng lên xoa xoa vết đâm, còn Thương thì hả dạ lắm.

Facebook Google Plus Twitter
Cùng chuyên mục
Ba chủ đề trong buổi hẹn hò
Bức thư đến từ địa ngục
Đặt chân lên mặt trăng
Làm sao đánh được ?
Đợi Chờ Ký Ức