Tiếng Guitar Trong Ký Túc Xá

01.09.2014
Admin

Học kì quân sự kéo dài một tháng, mà ở cái làng đại học này thì muôn hình vạn trạng. Trường thằng Trung với thằng Sơn thì học từ đầu năm, kế đến là trường thằng Khánh muộn hơn là cuối kì một, còn Trường tôi thì phải đến gần cuối học kì hai.

– Bao giờ chúng ta bắt đầu vậy lớp trưởng? – Thằng Tùng giơ tay lên hỏi.
– Tuần sau, vì chúng ta gần hoàn thành chương trình học rồi, học xong chúng ta sẽ thi học kì luôn!

Lớp tôi ồ lên phản đối, rồi quay qua bàn tán, mặc cho thằng Phong khản miệng giữ trật tự. Một sự phản đối cho có lệ vậy thôi, chứ sinh viên bọn tôi có một căn bệnh mãn tính là gần sát thi mới bắt đầu cuống cuồng nhào đầu vào bài vở. Tôi bĩu miệng, không tham gia bàn tán.

– Này, cậu tính ở nội trú hay đi về!
– Đi về chứ!
– Ờ, Bông Xù với Phong cũng đi về!
– Dù sao, về phòng còn thoải mái hơn! – Tôi huýt sáo hồn nhiên.
– Vậy à?
– Ừ, với lại còn dẫn cậu lên chơi với thằng ku Nguyên nữa chứ!

Nói xong câu đó là tôi lại chạy vượt Thương thật xa, trước khi cô bạn kịp lôi cái bút ra đe doạ.

Học quân sự, cũng là một môn học theo chương trình, mà nói đúng ra là môn ngoại khoá. Chính đặc điểm nó, nó hoàn toàn là cơ hội tiếp cận cho những đứa sinh viên nào có cơ hội với nhau. Nhóm tôi thì coi nó là một môn học bình thường, chỉ khác một chút là phải di chuyển vào địa điểm khác mà thôi.

Một tháng, từ thứ hai đến thứ sáu là tôi bắt đầu một cuộc sống mới. Cứ mở mắt ra là năm giờ hơn, vớ ngay bộ đồ học quân sự bận vào người, rồi cùng Thương đi vào khu quân sự ở Hồ Đá. Bốn giờ Ba Mươi chiều chúng tôi ra về. Cứ đều đặn như những cái máy, mặc kệ những lời quảng bá về cuộc sống kí túc xá khu quân sự vui ra sao, thích đến cỡ nào từ miệng mấy thằng phòng tôi, tôi cũng mặc kệ, cứ như thế thưởng thức học quân sự theo cách riêng của mình.

Hết học thi hoàn thành khoá quân sự, tôi lại bù đầu lao vào ôn thi cuối kì. Thỉnh thoảng tôi và Thương vác sách vở lên trường ôn chung, hoặc là vào thư viện của Đại Học Quốc Gia, và tất nhiên, cứ sau mỗi lần như thế, Thương tự thưởng cho mình những ly kem mát lạnh, còn tôi thì món đó chẳng khác nào cực hình.

– Này, mai thi rồi! – Thương gấp cuốn sách của tôi lại.
– Ờ, thì ôn đi! – Tôi nhỏ giọng, vì đang ngồi ở khu vực tuyệt đối yên tĩnh trong thư viện.
– Thế thì ôn gì nữa, đi chơi đi! – Thương tự nhiên nổi hứng thú.
– Chưa, còn cái này chưa xong nữa?
– Bỏ đi, phần đó Thầy đâu bảo ôn đâu!

Thương nheo mắt, tôi thở phào nhẹ nhõm. Cũng lạ thiệt, đây là lần đầu tiên Thương rủ rê tôi đi chơi. Tôi đi đằng sau, nhìn cô bạn vẻ mặt đầy hào hứng mà dấy lên một chút cảm giác gì đó lạ lùng.

Những ngày thi, với tôi không còn là cực hình nữa. Tôi hoàn thành bài thi của mình khá tốt, nên mỗi lần ra khỏi phòng thi, nhóm tôi chỉ có mỗi Bông Xù là xịu mặt thôi.

– Thôi nào, học lại cho chắc đi! – Tôi xoa đầu cô em gái.
– Ghét anh, em muốn học lại với anh cho vui! – Bông Xù khoác tay tôi, thể hiện tình anh em.
– Thôi, em tự học đi!
– Xí, còn môn Anh Văn nữa kia mà! – Bông Xù câng mặt lên.

Ừ, thì đúng là còn môn Anh Văn nữa, môn thi cuối cùng. Chẳng hiểu sao chương trình bao giờ cũng cho thi Anh Văn ở cuối, cái môn tôi chúa ghét trên trần đời. Y chang mấy cái game điện tử cầm băng hồi nhỏ tôi vẫn giành giật với ông anh trai tôi, boss cuối bao giờ cũng khó.

– Quên đi, anh qua cho coi!
– Để xem! – Bông Xù đi xuống cầu thang, có lẽ việc tôi đi học thêm Anh Văn vẫn chưa đủ để thay đổi nhận định của nhóm về trình độ Anh Văn của tôi.

– Chết tiệt cái môn của nợ! – Tôi lết thết xốc lại quai balo.
– Hì, cho chừa! – Thương đi bên cạnh chẳng thèm động viên.
– Chắc gì Thương đã đậu, không khéo chúng ta lại thành đôi bạn cùng tiến đấy.
– Tất nhiên! – Thương nhún vai.

Cái vẻ mặt ấy làm cho tôi càng thêm tức tối, vì tôi thừa biết trình độ của Thương dư sức đậu cái môn điểm yếu của tôi. Nhưng có lẽ hôm đó, cô bạn tôi đã nói thật.

– Này, anh Tín, Thương đâu! – Bông Xù quay xuống nhìn tôi, khi ngăn bàn ghi mã số sinh viên của Thương bỏ trống.
– Anh đâu biết, sáng gọi điện đi học thì bảo anh đi trước!

Thầy giám thị đưa đề, nhắc tôi trật tự. Tôi cũng đành tặc lưỡi:

– “Chắc là bùng phát cái bệnh đễnh đoảng đây mà!”.

Trong phòng thi, tôi hăm hở cầm bút chì, câu nào mà thấy nó quen mặt là đánh đáp án. Nhưng có lẽ tôi quen biết hơi ít, vì cũng chỉ đánh được hai mươi trên năm chục câu. Tôi quay trở lại những câu chưa giải, bóp đầu nhăn trán. Giờ mà có Thương thì chắc là tôi đã quay sang cầu cứu từ lâu. Tôi quay sang nhìn ra ngoài cửa sổ, rồi lại nhìn sang ngăn bàn bỏ trống, rồi lại nhìn vào cái đề thi, trong lòng có gì đó khó chịu, bồn chồn như lửa đốt.

Vừa nộp xong bài thi, tôi xách balo chạy thật nhanh ra khỏi phòng thi, trước khi Bông Xù và Phong gọi giật lại hỏi thăm. Từ trường, tôi len qua mấy bạn cùng khoá, chạy thẳng ra cổng. Điện thoại Thương không nhấc máy, điều đó càng làm tôi thêm khó hiểu.

– Mày làm gì mà chạy như ma đuổi thế! – Thằng Trung đang cầm chai nước suối, hỏi tôi.
– Thấy Thương không? – Tôi vịn tay vào tường thở dốc.
– Không, giận mày à?
– Không, để tao qua phòng hỏi!

Tôi ném cái ba lo vào thằng Trung, rồi băng qua khoảng sân đất giữa hai dãy, tiến sát tới cửa phòng cô bạn. Mấy bà tám trong phòng lần đầu tiên thấy tôi sang thì lạ lắm, đưa mắt nhìn dò xét.

– Thương có phòng không mấy bạn?
– Không, sáng nay nó mới xách balo đi mà!
– Ủa, đi đâu? – Tôi đưa mắt nhìn vào cái giường sát cửa sổ, sách vở và những chậu hoa tự chế vẫn còn nguyên.
– Mình không biết! – Một bà tám lắc đầu.

Tôi khẽ cảm ơn rồi lững thững ra về, thằng Trung ôm balo của tôi đứng trước cửa phòng chờ.

– Sao thế?
– Hôm nay Thương không đi thi!
– Vậy à, mà mày gọi chưa?
– Rồi, không nghe! – Tôi thểu não giật lại cái balo ném nó lên giường.

Bất chợt, điện thoại tôi rung lên, tin nhắn của người mà tôi đang tìm kiếm.

“Này, lên quán kem đi!”.

Tôi gấp máy lại, chạy biến đi trước khi thằng Trung kịp ngơ ngác chẳng hiểu chuyện quái gì đang xảy ra.

Thương ngồi ở bàn dưới tán cây mát rượi, vẻ mặt thì chẳng có gì của sinh viên bỏ thi cả. Tôi dừng lại, thở dốc, chuẩn bị to tiếng với cô bạn.

– Nãy đang đi xe, nên không biết có điện thoại! – Thương chỉ chiếc xe bên cạnh.
– Sao không đi thi? – Tôi gằn giọng, ngồi phịch xuống ghế!
– Chẳng phải tớ nói là rớt rồi sao?
– Vớ vẩn, sao phải rớt!
– Muốn học chung với cậu! – Thương đưa muỗng kem lên, hào hứng.
– Vì cái gì, bỏ thi mà vui vậy à!
– Vì tớ thích cậu! – Vẻ mặt Thương hoàn toàn nghiêm túc, làm tôi muốn á khẩu.

Tôi hơi bối rối, vì điều này tôi chưa hề thấy dấu hiệu, chưa hề chuẩn bị tâm lý đón nhận. Cố gắng bình tĩnh nhất có thể:

– Thôi, đừng đùa nữa, sao không đi thi?
– Tớ thích cậu! – Tôi hỏi một đằng còn cô bạn trả lời một nẻo.
– Vì sao?
– Vì cậu tốt với tớ!
– Khùng! – Tôi đưa tay lên, gác đầu và quay mặt, cố tình trốn tránh.

Thương chẳng hề bận tâm đến phản ứng của tôi, và coi chuyện nói về tình cảm cũng như bao chuyện mà chúng tôi tán dóc với nhau suốt gần một năm học.

– Thực ra ban đầu, tớ cũng không nghĩ tớ thích cậu!
– Sao không như ban đầu? – Tôi cố tình tự nhiên, hi vọng cái chuyện này nó sẽ kết thúc nhanh chóng, để hai đứa tôi có thể trở nên gần như bình thường.
– Vì tớ biết bên ngoài cậu lầm lì, nhưng rất vui, lại tốt bụng…! – Thương có vẻ suy tư.
– …!
– Rồi còn nghịch ngợm nữa…!
– Chỉ vậy thôi, mà đã bảo là thích, cậu con nít vừa thôi!
– Cậu có một bờ vai đáng dựa dẫm nữa!

Tai tôi ù đi, vì càng ngày càng sốc, tôi đứng dậy, ra về. Chẳng hề quan tâm tới Thương sẽ làm gì, mặc luôn cái chuyện bỏ thi.

– Mày lại đi đâu à? – Thằng Trung lại ngơ ngác khi thấy tôi nhét đồ vào balo.
– Đi lên nhà Bác, mấy hôm nữa về rồi còn gì! – Tôi khoác balo lên vai.

Rồi tôi lại hạ balo xuống, leo lên giường gom mấy cuốn truyện mượn của Thương, đặt xuống bàn thằng Trung:

– Gặp Thương trả dùm tao, tao bận nên không trả được!

Mặc kệ thằng nghệ sĩ ú ớ phản đối, tôi vác balo lên vai đi một mạch. Lên bến xe bus ngồi chờ xe lên nhà Bác tôi.

Tôi chưa hề bình tĩnh được trước những gì mới nghe sáng nay. Cô bạn hiểu tôi nhất trên đại học lại nói thích tôi, thật buồn cười. Tôi đã tự hứa với lòng mình, sẽ chẳng rung động với ai, sẽ khoá chặt vì nỗi đau với Yên vẫn còn đó. Nếu vào một thời điểm khác, tôi sẽ chẳng bao giờ phản ứng thái quá như vậy. Dù sao tôi vẫn coi Thương là một người bạn đơn thuần.

– A, Anh Tín!
– Ừ, tao nè, mở cửa, không cho tao vào à!
– Bớt nóng đại ca, mở liền đây! – Thằng Nguyên kéo chốt cái cạch, cúi người đưa tay mời tôi vào nhà!

Tôi chào Bác Gái, nói dối là thi xong lên đây chơi mấy ngày trước khi về nhà. Thực chất, tôi cần tìm một nơi tránh mặt Thương thì đúng hơn. Chiếc điện thoại di động của tôi đã tắt nguồn từ lâu, đề phòng có một vài dạng tin nhắn mang nội dung theo cuộc nói chuyện lúc sáng.

Tôi ở nhà Bác tôi một ngày, thằng Nguyên thì đi học suốt nên cũng chẳng biết chơi với ai. Tôi lấy máy tính của nó lên mạng, ngồi xem phim, chán chê thì chơi game . Đến lúc chán game chẳng biết làm gì thì vào yahoo ở trạng thái ẩn, hi vọng túm được thằng bạn cũ lớp mười hai nào đó mà nói chuyện.

Hộp thoại tin nhắn hiện lên, may mắn là của thằng Trung.

“Thương bảo mày mở mail lên kìa, mới dọn đồ về hôm nay”.

Tôi vào mail. Trong hộp thư đến, quả thật là có tin nhắn của Thương.
“Này, hâm, việc gì cậu phải giận tớ. Tớ thích cậu nhưng đâu cần cậu thích tớ.!”

Mở đầu đầy than trách, tôi ngáp ngắn ngáp dài bỏ qua.

“ Tớ chú ý tới cậu từ lúc mà tớ lên sân bóng cho đỡ chán. Rồi vô tình biết rằng chúng ta ở đối diện phòng nhau. Sau đó lại còn học chung lớp nữa. Ban đầu tớ thấy cậu đúng một là một đứa lầm lì cứng đầu, nhưng rồi cái áo khoác hôm tớ ướt nhẹp hôm tớ lên thăm chị họ nói tớ biết không phải như thế. Rồi sau đó, tớ với cậu là bạn. Ừ, cậu luôn coi tớ là bạn, vì tớ biết cậu thích người khác, và tớ cũng phải kìm hãm tình cảm của mình. Lúc nào đi bên cậu cũng vui vẻ, tớ cũng thoải mái, lúc nào cậu cũng để tớ bắt nạt. Đi bên cậu, tớ thấy mình thật bình an”.

Tôi khẽ rùng mình, rồi cố gắng đọc tiếp.

“Giá như chúng ta đừng biết nhau thì tốt biết mấy. Giá như tớ đừng đi học đại học để thoả mãn níu kéo một cuộc sống bình thường như ai, giá như tớ chẳng bao giờ nói chuyện với cậu.”.

– “Cái gì thế này?”. – Cái cảm giác nhói len lỏi trong tim, tôi biết Thương không phải là người hờn trách khi việc tỏ tình thất bại.

“ Tối mai tớ phải bay rồi, không về nữa đâu, tớ sẽ định cư với nhà tớ bên đó. Sẽ chẳng được ăn hiếp cậu nữa, chẳng biết cậu có mừng không khi nghe tin này?”.

Vị đắng tràn ngập cuống họng, tôi không tin rằng mình đang đọc cái gì nữa.

“ Tớ muốn quay ngược thời gian, để được đi theo cậu thôi, lên sân banh xem cậu háo hức chạy khắp sân! Tớ yêu cậu thật đấy!”.

Khoé mắt tôi hơi ướt, tôi đưa tay lên dụi, nước mắt chảy chạm vào da bàn tay. Vậy là tối nay Thương bay rồi.

– “Định cư à, cậu đùa dai lắm đấy!”. – Tôi mở nguồn điện thoại và bắt đầu bấm số.

– Nghe mày!
– Tao nhờ mày một việc!
– Việc gì, nói lẹ lên, rào trước đón sau! – giọng thằng Kiên ngái ngủ.
– Mày chở tao ra sân bay được không?
– Chơi hả mày, sướng vậy?
– Sướng gì, lẹ lên, giờ tao bắt xe lên nhà mày nhé!
– Rồi, rõ khổ với mày!

Tôi kịp mặc đồ, với cái bóp và điện thoại, chạy như điên xuống dưới nhà, chỉ kịp chào Bác rồi phóng ra khỏi nhà mất dạng.

CHAP 25: TẠM BIỆT!

Chiếc xe bus lết dài trên con đường xa lộ giờ tan sở, nhích nhích từng đoạn. Tôi ngồi trên xe nhấp nhổm nhìn đồng hồ. Năm giờ rưỡi, năm giờ rưỡi rồi đấy. Tôi bấm chuông xuống trạm tới,rồi chạy dọc khúc đường, bắt một chiếc xe ôm lên điểm hẹn với thằng Kiên cận. Thằng bạn tôi quả là đúng hẹn, nó chờ tôi từ lúc nào.

– Đội vào! – Nó ném cái nón bảo hiểm cho tôi!
– Ừ, lẹ lên nha mày!
– Rồi, bớt nói đi!
– À, ghé ghé…!

Tôi nhảy xuống xe, chạy thẳng vào quán tạp hoá. Thằng Kiên cận thấy tôi chạy ra với một que kem:

– Rảnh mày, hối cho đã rồi còn ghé mua kem!
– Chạy đi! – Tôi vỗ vai nó.

Ngồi sau xe nó, tôi thúc nó nhanh hơn, thằng bạn tôi cũng toát mồ hôi hột chen lấn giữa con đường đông đúc, khói, còi xe đặc nghẹt.

– Tới nơi!
– Mày kiếm quán cà phê nào uống đi, tí tao gọi! – Tôi ném cái nón bảo hiểm trả lại.

Chạy thẳng vào trong khu vực bay nước ngoài, tôi đưa mắt dáo dác tìm hình bóng quen thuộc. Tất cả xoay vòng vòng, không có gì cho tôi bấu víu.

– “Bắt máy đi Thương, bắt máy đi!” – Tôi lẩm nhẩm cầu khấn.

Nhưng vô vọng, không hề có động tĩnh. Có lẽ Thương giận tôi, cũng đúng thôi, cái thằng như tôi thật đáng giận. Tôi ngồi bất động thật lâu, thật lâu, nhìn dòng người tấp nập đi vào đi ra.

Que kem trên tay tôi bắt đầu tan ra thì phải, những giọt được bị đông lại, đọng xung quanh. Giá như nước mắt tôi cũng như thế này, đọng lại rồi rớt xuống có phải tốt hơn không. Tôi tiến lại gần thùng rác, định bỏ que kem vào trong.

– Này, cậu làm gì thế?

Tôi giật mình quay lại đằng sau. Thương đứng đó, cái vẻ mặt bặm môi không vừa lòng không lẫn đi đâu được. Cô nàng chạy lại giành que kem ra khỏi tay tôi.

– Tớ nói rồi, cậu tốt bụng mà!

Thương tự nhiên như chưa hề có gì xảy ra, ngồi xuống ghế, đưa cây kem lên miệng. Tôi ngồi xuống theo và định mở miệng xin lỗi:

– Nhưng mà ít quá, lần sau cậu phải mua nhiều hơn!
– Ừ!

Rồi bất chợt, Thương quay sang:

– Tớ tưởng cậu không đến chào tớ chứ!
– Phải đến chứ!
– Ừ!

Cô nàng quay lại với que kem, chắc vì đó là cây kem tôi mua cho Thương nên cô nàng mới như vậy, chứ nó đã tan ra gần hết rồi.

– Ngon quá, cây kem cuối cùng ở Việt Nam!

Tôi cứng người lại, chẳng biết phải nên mở miệng như thế nào nữa. Biết nói gì đây nhỉ, chào tạm biệt cũng không phải, chúc vui vẻ cũng không nên, chúc mừng thì lại càng không.

Bất chợt Thương khóc, nước mắt Thương rơi xuống. Tôi xoa đầu cô bạn, một kiểu an ủi tôi dành cho những người quan trọng trong cuộc đời tôi.

– Tớ muốn ăn kem, vì tớ sợ qua bên đó lạnh, tớ không dám ăn.
– Vậy khi nào về thì tớ sẽ bao cậu ăn đến khi nào no căng thì thôi.
– Hứa nhé? – Thương đưa tay lên móc nghéo, cái kiểu của Bông Xù.

Tôi đặt ngón tay út mình vào, chạm vào út cô bạn. Hai đứng cùng nở nụ cười đầy chua xót. Thương mở balo, lấy cái áo khoác đặt vào tay tôi.

– Tặng cậu, nhưng cấm cho cô nào mượn như lúc cho tớ đấy!
– Hứa với cậu!

Thương càng cố tình tỏ ra vui vẻ, thì càng chứng tỏ Thương rất buồn. Trước giờ tôi quen với một Thương ít nói, một Thương quan tâm trong im lặng. Bất chợt Thương dựa vào vai tôi:

– Tớ muốn như này mãi!
– Cho cậu thuê đấy!
– Hứa với tớ rồi đấy.

Tôi gật đầu, mỉm cười nhìn ra xa.

– Tớ sắp phải đi rồi!
– …!
– Tín phải học tốt đấy!
– Sẽ không rớt nữa đâu!
– Hôm đó, Thương muốn thi cùng với Tín lắm.
– Ừ, rồi Tín sẽ có người bày bài cho.

Thương khẽ cười, còn hát vu vơ câu gì đó không rõ. Trước mặt tôi không phải là khung cảnh trong sảnh chờ, mà là một bãi biển với vị gió mặn và sóng vỗ rì rào.

– Thương phải đi đây! – Thương nhấc đầu ra khỏi vai tôi.
– Ừm…!

Thương xách balo lên, quay lưng định bước đi, rồi thật bất ngờ, quay lại. Thương cúi người xuống hôn lên môi tôi. Dường như cả thế giới này đang bất động, chỉ còn lại tôi và Thương, và với nụ hôn vội vàng, vụng về.

Trước khi tôi kịp choàng tỉnh, cô bạn đã biến mất. Bất ngờ như cái cách Thương xuất hiện trong cuộc đời của tôi, bất ngờ như cái việc tình cảm lẫn lộn giữa bạn và yêu. Một mối quan hệ không rõ ràng, cũng đủ làm người ta nhớ nhung. Có lẽ hai chúng tôi chỉ đi đến thế thôi.

Trên góc đường ra sân bay, tôi đứng lặng nhìn lên chiếc máy bay vừa cất cánh. Trong chuyến bay đó, sẽ có Thương. Ừ, sẽ có một người tôi không xác định rõ. Cô gái ấy mới ngày hôm qua thôi, còn đi sau tôi.

A – B=C=10! Mười mét khoảng cách.

Cô gái ấy thích ăn kem, hay bắt tôi phải nhường áo khoác. Cô gái ấy ghét phải ngồi cạnh cửa sổ, vì một lúc nào đó, cô phải ngồi trên chuyến bay xa rời nơi quen thuộc, nhìn nơi đó nhỏ dần, nhỏ dần, trước khi chuyến bay đưa cô lên những tầng mây. Cô gái ấy, đã quen thuộc với tôi trong quãng đời tân sinh viên nay đi xa rồi. Tôi chẳng biết liệu mình sẽ mất bao nhiêu thời gian để cân bằng lại được đây.

Cô gái ấy, vừa là bạn, vừa là gia sư, vừa là người thích tôi, cũng là người mà tôi bảo vệ nay đã đi xa. Tôi nhả khói thuốc, trắng xoá, mờ ảo trước khi bị gió thổi tan đi.

“Cậu là bạn tớ, và ngay cả tớ lúc này cũng không biết phải trả lời cậu ra sao về câu hỏi: Tớ thích cậu! Ít nhất ngay lúc này đây, cũng không phải là câu từ chối. Hiển nhiên. Nếu có quay ngược thời gian lại, tớ vẫn mong mình sẽ là bạn của nhau, cho dù có chia xa thêm lần nữa”.

Chuyến bay mất hút, ngay cả cái ánh sáng cũng không còn. Tôi đưa tay lên, nhún vai. Có khi nào, cô gái ấy có ngồi sát bên cửa kính để nhìn xuống tìm tôi không nhỉ.
Có thể, biết đâu đấy?

Học kì sau, ngoại trừ tôi và thằng Tuấn ở lại, mấy đứa khác đều chuyển lên thành phố học. Chẳng có gì thay đổi, ngoại trừ phòng tôi xuất hiện thêm những chậu hoa gần cửa sổ, trên bàn tôi thêm vài cuốn tiểu thuyết, bên cạnh những cuốn tiểu thuyết mà Thương nhờ thằng Trung chuyển hết cho tôi. Phòng đối diện, cũng có vài đứa chuyển đi, chuyển đến. Nhưng tuyệt nhiên, ở cái khung cửa sổ ấy, tôi sẽ chẳng bao giờ gặp lại Thương nữa, hoặc thấy ai lại gom đất trồng hoa thôi.

Tôi bình thường vẫn hay ghé quán kem quen thuộc của Thương. Chị chủ quán vẫn thắc mắc sao không thấy cô bé đi cùng ghé nữa. Tôi mỉm cười và gọi kem ra. Chắc sẽ có người ghen tị với tôi lắm đây.

– Anh sao nhiều cuốn tiểu thuyết vậy ạ?
– Ờ, thích đọc thôi! – Tôi trả lời thằng nhóc tân sinh viên thua tôi một khoá.
– Cho em mượn một cuốn được không?
– Em lấy cuốn nào?
– Dạ, Pháo đài số đi ạ!
– Sao lại cuốn đấy!
– Nghe tên nó máu lửa.

Tôi phì cười, đưa cho thằng nhóc. Chắc có lẽ mà Thương thấy cảnh này, chỉ có lắc đầu lè lưỡi

Nhóm tôi giữ nguyên ba người, làm một kỉ niệm đẹp về Thương, nhất quyết không kết nạp thêm một ai. Tôi thỉnh thoảng ngủ trong lớp, nhưng cũng chẳng có ai quấy rầy nữa, cảm giác trống vắng lạ lùng, những chiếc áo không vết mực xanh. Tôi vẫn tham gia câu lạc bộ tình nguyện của trường, như một niềm đam mê. Và hiển nhiên, vẫn rớt một vài môn, nhưng rồi lại phì cười khi trả nợ xong.

Mấy đứa bạn cấp ba của tôi cũIIng dần dần tìm được tình yêu của tụi nó. Phong mập cũng chẳng kêu gào than vãn cô đơn mỗi khi họp lớp nữa. Vũ với Nguyệt thì chẳng khác gì cấp ba, tiểu sư muội tôi và cô bé Thuỳ khoá dưới vẫn trói chặt hai thằng bạn tôi đến nỗi tôi phải cười chỉ tay là bị gông.

– Này, sao chưa kiếm người yêu đi, chờ tôi hả?
– Không, ông mất điểm rồi, tôi không để ý nữa! – Dung tinh nghịch trả lời.
– Á, à, chê chứ gì, thấy già hơn chê chứ gì!
– Còn gì nữa?

Tôi và Dung vẫn cười tươi mỗi khi gặp nhau, những người bạn lâu ngày mới gặp.

Chị Xuyến sau đạt được học bổng, cũng sang Sing du học, mỗi lần nói chuyện trên mạng, hai chị em tôi toàn cãi vã chí choé đến khi chào tạm biệt mới thôi.
Tôi gặp lại Yên một cách tình cờ ở một quán cà phê, chỉ là tình cờ, trò đùa của tạo hoá. Tuy có chút ngại ngùng, nhưng cũng dần dần trở lại tình cảm bạn bè như xưa. Có lẽ hai chúng tôi đều nhận ra rằng, tình cảm dành cho nhau thời áo trắng không đủ lớn để vượt qua khó khăn, mặc cảm. Để giờ đây khi nó trôi qua, chúng tôi đành ngồi nhìn lại coi như một kỉ niệm đẹp.

Chỉ có Thương là thỉnh thoảng mail về hỏi thăm vài câu, nhắc tới vài đầu sách thú vị. Đặc biệt có một lần cô nàng gửi về một bức ảnh đứng trước biển, cũng có cái bãi đá nhô lên. Trên tay phải cô nàng là ly cà phê đen, và tay trái là chai nước ngọt. Vẫn đôi mắt trong veo, ánh lên vẻ đáng yêu như những ngày xưa. Nhưng chí ít, bức ảnh đó Thương đã có bạn, rất nhiều bạn, vậy là tôi an tâm.

Và cuối cùng, tôi, cái thằng viết nên câu chuyện này thì vẫn F.A đến tận lúc này. Từ lúc đó đến nay, ngoài banh bóng, tình nguyện, cà phê và đọc sách nghe nhạc chẳng hề quan tâm đến thứ gọi là tình yêu. Đúng ra là có lần tôi rung rinh, nhưng chỉ là rung rinh rồi lại thôi, tôi chẳng hề muốn tiến thêm nữa. Thằng Trung cũng nhờ tài guitar mà cưa được một cô gái khoa khác, vô cùng dễ thương. Cái thằng tà đạo tiêm nhiễm thuốc lá cho tôi – cái cách mà tôi chọc nó trước mặt người yêu, chắc cũng sẽ phải cười mỗi khi nhắc tới Thương, người mà nó từng một thời theo đuổi.

****** Hết ******

Facebook Google Plus Twitter
Cùng chuyên mục
Công Chúa Mỵ Nương và Chàng lái đò Trương Chi
Quả gì?
Quá sốc
113 với những tin cầu cứu lạ lùng
Người đàn ông hào phóng