Tác giả: SuBIn
Tình trạng: Hoàn thành.
Post bởi: HaySo1.Vn
**********************
Chương 1: Nắng ấm Sài Gòn.
Sài Gòn vào những buổi sáng ban mai luôn rộn rã và nhộn nhịp. Tiếng xe chạy qua lại dưới ánh nắng sớm, tiếng kèn xe “bim bim” vang lên cùng tiếng cười nói rôm rả ngoài kia làm cho khu xóm trọ yên tĩnh phải giật mình mà hòa nhập.
Sài Gòn luôn chào nó bằng những buổi sáng như vậy, lúc nào cũng ồn ào nhưng có thể nếu một ngày nào đó mà nó không được nghe những âm thanh có phần thân thuộc đối với cuộc sống của nó có khi bản thân nó sẽ thấy thiếu thốn lạ thường.
Đã ba mùa xuân trôi qua trên mảnh đất Sài Gòn này, dường như nó cảm thấy quen thuộc với cuộc sống ở nơi đây mặc dù trong tim vẫn nhớ nơi tận cùng của Tổ Quốc, nơi nó cất tiếng khóc “oe oe” chào đời. Nó bật dậy sau khi đấu tranh tư tưởng cùng sự níu kéo tha thiết của chiếc giường yêu dấu hằng đêm, nó thích cảm giác một mình trong đêm vắng, ngắm nhìn Sài Gòn từ trên cao với những ánh đèn điện lấp lánh muôn màu. Đó là những sở thích của nó khi về đêm nhưng khi ban sáng nhiệm vụ của nó là phải đến trường cái đã.
Khoác chiếc áo sơ mi cùng chiếc quần jean bạc màu, vội phóng lên chiếc xe đạp “cà tàng” lâu năm mà co chân lên bê- đan mà đạp lấy đạp để cho nhanh. Là một sinh viên năm cuối của trường Đại Học Xã Hội và Nhân Văn, nó có một dòng máu thơ văn ngấm sâu vào tận xương tủy của mình, và nó luôn yêu môn Văn và ngược lại nó cực kì ghét Triết Học.
Uể oải ngồi vào lớp nó ngáp ngắn ngáp dài, cuộc sống sinh viên luôn thiếu những giấc ngủ thật ngon và những bữa ăn no đến nứt bụng. Nhìn giảng đường đang rôm rả trò chuyện một cách hăng say thì nó lựa một góc ở trên góc và gần cửa sổ cho thoáng và tiện thể ngắm cảnh, ngủ và nghe nhạc, đây luôn là chỗ của một thằng con trai có cái tính thích một mình và lạnh lùng như nó.
Vừa thấy nó thì thằng Tuân – cu cậu bạn thân của nó từng những năm cấp 3 – bay tới kè cùi trỏ kẹp cổ nó:
– Ê Kha, mày làm gì mà ngồi thơ thẩn vậy, hôm nào café không?
Thấy thằng bạn thân có phần “nán khộn” bữa nay nhiệt tình mới nó một chầu café thì đúng là chuyện lạ, mọi khi café toàn là nó trả tiền, vậy là nó quay sang gỡ tay thằng Tuân rồi bảo:
– Bữa nay mày uống nhầm thuốc à?
– Có đâu, lâu lâu mời thằng bạn chầu café cũng khó vậy sao?
Nghe như vậy nó liền đồng ý cái rụp, cái gì nó cũng có thể ngán nhưng café thì cho nó uống mỗi ngày thì nó càng khoái:
– Mày có lòng thì tao có dạ.
– Ok, vậy mai tao qua đón mày.
– Ok.
Đúng tám giờ sáng ngày hôm sau, tức là ngày chủ nhật thì thằng Tuân đã đứng trước căn nhà trọ của nó mà chu mỏ réo in ỏi:
– Lẹ mày, con trai gì lề mề nhưng đàn bà con gái vậy, mày đừng nói với tao là mày trang điểm đi uống café đấy.
Nó vừa chạy vừa đưa cái nấm đấm lên dọa thằng bạn:
– Mày muốn mồm với răng mày không cánh mà bay không?
– Không không, anh Kha, em đùa mà anh cứ nóng coi chừng anh đo đất đấy.
Nó leo lên xe thì thằng Tuân cũng lên ga mà chạy giữa lòng đường thành phố chẳng mấy chốc đã đến một quán café ven đường đối diện công viên Tao Đàn, gọi hai li café ra, thằng Tuân thì café đen đường còn nó chỉ thích café đen không đường, vị thơm của café luôn quyến rũ nó sau mỗi lần nhấp môi thưởng thức.
Đang ngồi ngắm những dòng xe qua lại thì thằng Tuân vội đập vai nó bảo:
– Ê ê, nhỏ kia xinh quá mày ơi, chu choa, chân dài eo thon ngon quá má ơi!
Vội nhìn theo tay thằng bạn nó ngước nhìn, dù gì cũng độc thân hết ba năm sinh viên sau khi chia tay mối tình học trò cấp 3 thơ mộng cùng cô bạn cùng lớp, nó vội hùa theo:
– Ờ, nhìn ngoài sau thì được đấy, không biết cái mặt thì sao?
– Mày ngu, người tướng đẹp vậy thì chắc cũng hot girl.
– Để rồi mày coi, ở ngoài sau thì là Tây Thi chứ ngoài trước là Thị Nỡ vợ Chí Phèo đó con trai.
– Tao cóc tin, để tao qua làm quen xin số điện thoại coi.
Ai cứ nói đến gái gú là thằng Tuân lanh lẹ đến lạ thường, chưa gì nó đã tót qua bên phía công viên mà bắt chuyện làm quen với cô gái ấy. Thằng Tuân là dân đất Sài Thành, nhà mặt phố, bố làm to đi xe con bốn bánh, có cái nhà cao năm tầng, có hồ bơi rộng sáu mét có khoảng sân dài 7 thước, nói chung là nhà thằng Tuân giàu và thế giới sống mà tiền không phải lo như thế giới của nó thì đúng là mâu thuẫn một trời một vực. Tuy giàu nhưng thằng Tuân không phân biệt cái ranh giới giữa giàu và nghèo, nó hòa đồng, luôn giúp đỡ mọi người trong lớp lẫn ngoài xã hội. Có một ngày nó cùng thằng Tuân đi dạo quanh Quận 7 thì thấy một cụ già ăn xin đang ngồi co ro bên cơn rét lạnh, nó vội cởi nhanh cái áo khoác để choàng lên cho bà cụ đỡ lạnh thì trong khi đó thằng Tuân bảo đợi nó một chút rồi chạy đi đâu đó, lúc quay lại thì trên tay nó là một cái áo len dày và một tô hủ tiếu Nam Vang, đón nhận tình cảm của nó và thằng Tuân thì bà cụ cũng mỉm cười phúc hậu rồi cảm ơn nó cùng thằng Tuân, trước khi đi thằng Tuân còn bỏ vào chiếc nón lá đã 200 nghìn đồng. Nó cũng muốn bỏ một ít tiền cho bà cụ nhưng chỉ tiếc rằng một thằng sinh viên nghèo như nó thì có tiền bạc trong túi thì cũng đã rất khổ rồi.
Quay trở lại với công cuộc xin số điện thoại của cô nàng đang uốn éo ngoài công viên kia thì sau một hồi nói chuyện thì thằng Tuân cũng lết cái thân tàn cùng cái mặt chảy dài như trái dưa leo hiện lên hai chữ “thất bại” kia về ngồi phịch xuống chiếc ghế mủ mà than ngắn thở dài với nó:
– Đúng như mày nói, con này ngoài sau Tây Thi ngoài trước Thị Nở, tao nhìn cái mặt xong cũng muốn đột quỵ tại chỗ rồi.
Nghe vậy nó phá lên cười:
– Tao nói đâu có sai, haha, anh mày mà phán thì đến con gián cũng phải quỳ mà thán phục.
– Thôi mày xuống giùm tao, kho bom quân khu 7 mất vài trái bom rồi kìa mày.
– Đù, cứ thích móc họng tao thế thằng kia.
– Haha.
Buổi sáng bình yên của ngày chủ nhật luôn là vậy, những tia nắng nhảy linh tinh trên mái đầu các cô bạn gái ngoài công viên, tiếng nhạc tập dưỡng sinh của các ông bà cụ, tiếng rao bán hàng, tiếng xe chạy vụt qua lại ngay trước mắt nó, bên cạnh là ly café đen và ngồi ngắm nhìn thành phố với một góc nhìn dân dã, bên cạnh thằng bạn thân cứ luôn miệng thao thao bất diệt những câu chuyện đời từ Sài Gòn ra tới Hà Nội rồi tới sông Hàn ở Đà Nẵng, kinh đô Huế rồi lái qua cả tận tượng Nữ Thần Tự Do ở nước Mỹ xa xôi. Đã bao năm trên nơi đất khách này nhưng những cảm giác này luôn lạ lẫm với nó, nó luôn có cảm giác đây là lần đầu tiên bước chân lên Sài Gòn vào những buổi chủ nhật như thế này. Ôi sao thật bình yên!
Chương 2: Những ngày đầu của Sài Gòn.
Nó uể oải thức dậy khi nghe tiếng thằng Tuân réo như nhà nó sắp cháy đến nơi vậy, sau khi vệ sinh cá nhân xong thì nó lật đật quơ cái balo nhỏ để đồ bơi rồi chạy ù xuống nơi thằng Tuân đang cất tiếng la thất thanh như cái còi hú báo cháy.
Vừa nhìn thấy nó chạy xuống cầu thang thì thằng Tuân lại la làng lên:
– Mày làm cái gì mà như con rùa vậy?
– Có cái đi bơi, mà mày làm như đi chạy giặc.
– Cái này còn hơn chạy giặc đó mày, trời hè như thế này mà được ngâm mình trong nước và ngắm mấy em xinh tươi thì còn gì bằng.
Nó lắc đầu ngao ngán, phe phẩy tay ra vẻ chịu thua thằng bạn thân:
– Tao cũng lạy mày, cái tật gái gú cứ không bỏ.
– Thân trai sống trên cõi đời này không vì chữ “gái” thì biết sống làm sao.
– Ờ, vậy chữ “hiếu” mày bỏ đâu?
Thấy nó hỏi vậy thằng Tuân ấp úng
– Chữ “hiếu” thì luôn trong tim tao.
– Vậy chữ “gái” mày cho nó ở đâu?
– Trong đầu, hehe. – Nói xong thằng Tuân nhe răng cười.
– Tao bó tay với mày luôn, thôi đi lẹ giùm tao.
– Ok. Lên xe đi mày, SH mới mua đừng có làm trầy nha ba.
Thằng Tuân vừa nói xong thì nó nhăn mặt, rồi chỉ vào chiếc xe đạp huyền thoại đang dựng ở trong cái kho của nhà trọ:
– Mày tin cái xe mày như chiếc cào cào huyền thoại của tao không?
– Thôi thôi anh Kha, cho em xin, anh leo lên cẩn thận chiếc SH của em, nó cao coi chừng anh té rớt răng.
– Giờ mày đi hay đứng đây nhặt răng.
– Ấy ấy thì đi.
Con SH màu ngọc bích lao nhanh trên con phố Sài Gòn, mới đây mà đã trôi qua thêm một tuần nữa, lại một ngày chủ nhật đi chơi thả ga trước khi bắt đầu vào một tuần học thực tập làm nhà báo ở các tòa soạn. Hàng cây phượng đỏ thấp thoáng ở ngôi trường cấp 3 vừa mới ngang qua, nó chợt nhớ về những năm tháng học trò của mình, cùng tụi bạn quậy phá một khoảng trời mênh mông, hay những giây phút bình yên bên người yêu của nó, đơn giản cùng không khí miền quê thơm mùi của lúa chính.
Mãi suy nghĩ vẫn vơ và hồi tưởng lại những kỉ niệm đẹp thì nó cũng quên mất rằng tại mảnh đất này nó lại có thể tìm thêm được những mảnh ghép tuyệt vời cho cuộc sống muôn màu của một cuộc đời người, điển hình là thằng bạn thân của nó đây. Những ngày đầu tiên bước chân lên Sài Gòn, nó lóng ngóng không biết đi đâu, tìm phòng trọ như thế nào. Trong khi những lời mời mọc của các cánh xe ôm cứ liên tục lôi kéo nó mà hỏi đi đâu về đâu.
– Cháu tìm nhà trọ đúng không? Cháu học trường nào nói chú, chú chỉ nhà trọ rẻ và gần trường cho. – Một người xe ôm vội đứng trước mặt nó và nói đúng ngay cái suy nghĩ đang tìm nhà trọ của nó.
Thấy vẻ nhiệt tình của người xe ôm đó nó cũng có chút cảm động, không giống như những người dưới quê của nó nói, dân Sài Gòn chủ yếu là chỉ biết sống cho chính họ, còn cuộc sống của người khác thì họ không dính tới chút nào thì hay chút đó, họ cứ vô tâm, rồi lướt qua những khốn khó của người khác. Nó vội đáp:
– Từ đây lên Đại Học Xã Hội và Nhân Văn thì nhiêu vậy chú?
– Chỉ 50 nghìn thôi, không mắc đâu, có gì chú tư vấn luôn cho nhà trọ, sinh viên lên thành phố thường thì rất khó tìm nhà trọ gần trường có khi còn bị nhiều cánh xe ôm khác cứ lừa cho chạy cả một vòng Sài Gòn rồi chém giá trên trời lắm cháu.
Thấy chú xe ôm này tốt bụng nên nó cũng khá là tin tưởng nên leo lên xe rồi nhờ:
– Chú chở con lên khu gần trường rồi có gì chú tư vấn cho cháu một nhà trọ ạ.
– Yên tâm, chú giúp mà, lúc sáng chú cũng giúp một sinh viên như cháu vậy.
– Vâng.
Người xe ôm nổ máy rồi đèo nó dọc theo những con đường vừa mới, vừa lạ trong mắt một thằng sinh viên mang chất máu miền Tây sông nước như nó. Những tòa nhà cao chọc trời, những con đường nhựa rộng thênh thang láng mịn chứ không sần sùi đầy ổ gà, ổ voi như những con đường đất đỏ quê nó, mỗi lần phi chiếc xe đạp thì cứ có cảm giác như đang phi ngựa vậy.
Chú xe ôm giúp nó thuê một phòng trọ rẻ, vừa thoáng mát tiện nghi, cũng gần với trường của nó, chỉ có điều là khá là sâu vào trong hẻm nhưng không sao, khi nhìn phòng là nó đã thấy thích thú rồi. Khu nhà trọ của nó có bốn lầu, mỗi lầu là hai phòng, nó được ở lầu cao nhất, tại đây nó có thể quan sát Sài Gòn về đêm dưới một cái nhìn đẹp và mới mẻ.
Trở lại với thực tại, thì thằng Tuân thắng xe gấp lại mà miệng chửi đổng:
– Mày để hai con mắt của mày khi ra đường hả thằng kia.
Thấy thằng bạn nóng thì nó bảo:
– Thôi đi đi, mấy thằng đó muốn đầu thai sớm thì mày chấp làm gì.
– Ừa, bực mình.
Chạy khoảng một lúc nữa thì cũng đến hồ bơi, nó cùng thằng Tuân vào phòng thay đồ rồi bước ra. Nhìn dòng nước xanh mát cùng với những tiếng cười nói, hay tiếng “ùm” của những người nhảy từ trên cầu xuống mặt nước. Quá phấn khích, thằng Tuân lấy đà rồi bay thẳng xuống hồ bơi mà không ngó trước nhìn sau gì hết, kế bên phần vị trí được nó nhận định là nơi hạ cánh của thằng Tuân có một cô bé khá là xinh đang nhắm mắt thả mình thư giãn trong dòng nước, nó chưa kịp nói lời nào thì thằng quỷ kia đã làm như lâu năm nó chưa được tắm vậy.
– Ùm. – Cú hạ cánh an toàn trên mặt nước của thằng Tuân không làm tổn hại gì đến thân thể ngọc ngà gì thằng quỷ đó, nhưng cái điều mà nó dự trước cũng đã xảy ra.
Cô bé xinh xinh ấy sau khi giật mình với cái pha tưởng trời sập và sóng thần dâng trào, thì vội vuốt mặt rồi hét thẳng tai thằng Tuân:
– Ông bị điên hay sao vậy hả. Bị đui à.
Vẻ mặt thằng Tuân ngơ ngơ ngáo ngáo không biết chuyện gì xảy ra, và không hiểu tại sao nó bị ăn mắng thì cô bé đó tiếp lời:
– Mắt của ông có bị cái gì không mà không thấy tôi vậy hả, nếu cái thân của ông mà đè lên người tôi thì sao hả?
Thằng Tuân sao khi ngơ ngác cũng hỏi:
– Ủa, tui làm gì cô?
– Mày nhảy xuống mà không nhìn xém suýt nữa đè con nhỏ này đấy. – Nó vội thì thầm bên tai thằng bạn nhắc nhở.
Như hiểu ra vấn đề thằng Tuân quay qua xin lỗi rối rít:
– Xin lỗi bạn, mình sơ ý quá không chịu nhìn trước ngó sau, bỏ qua cho mình nhé.
Trái lại với sự xin lỗi của thằng Tuân thì con nhỏ này ném cho nó một cái nhìn hình viên đạn:
– Mấy người thấy tui xinh rồi bày đặt làm quen à, không có dễ đâu nhé.
Nói như vậy xong thì cô nàng co mông mà quay đi 180 độ làm thằng Tuân cái mặt nó chảy dài như trái dưa leo. Nó quay qua tôi thở dài ngao ngán:
– Nhỏ xinh mà dữ quá mày ơi!
– Đừng nói mày để ý nhỏ đó rồi nha. – Nó chưng hửng, mỗi lần thằng quỷ này mà như vậy thì chắc chắn rằng thằng bạn của nó đã trúng tiếng sét ái tình.
– Người vậy tao không yêu thì không lẽ mày yêu.
– Thôi nhường mày, tao không cần.
Nghe nó nói vậy thằng Tuân biểu môi:
– Ế nhăn răng mà bầy đặc làm giá à, thôi tao đi “cưa” ẻm đây, chờ tao chút.
Thằng Tuân vội vã lên bờ để tìm con nhỏ lúc nãy bỏ mình nó bơ vơ giữa cái hồ nước rộng lớn. Nó dựa vào thành hồ, thả người thư giãn trong dòng nước mát, dòng nước xua tan đi những cảm giác oi bức trong nó từ nãy đến giờ ở ngoài kia, mùa hè được đi bơi thì còn gì bằng.
Trong khi nó đang mãi mê ngâm mình và thả hồn bay trong dòng nước thì thằng bạn của nó đang phải căng hết số dây thần kinh của mình để đối đáp với người đẹp chỉ mong được làm quen rồi xin số điện thoại. Haizz! Thiệt là tội nghiệp thằng bạn thân quá đi mà!
Ngồi sau xe thằng Tuân mà tim nó muốn rớt ra ngoài, thằng Tuân vui quá nên đâm ra hóa đùa, sau hơn một hồi kì kèo làm quen tán dóc hết gần như nửa ngày trời trong vòng một tiếng đồng hồ thì cũng có kết quả. Một kết quả tốt đẹp cho thằng bạn chỉ có thể biết tên và số điện thoại của nàng, và giờ thằng bạn của nó phải đau đầu để mời được nàng đi chơi. Còn đối với nó, chắc là chung tình với kiếp cô đơn. Forever Alone!
Sài Gòn về đêm, khi những ánh đèn điện thắp sáng lên một màu mới của phố phường, những ánh đèn sáng rực trong đêm tối, nó tựa lưng vào lang cang cảm nhận cái không khí có phần mát mẻ của những buổi đêm hè sau những buổi ban ngày nóng bức. Ly café đá đã vơi đi phần nửa trên tay. Nó thở dài, nhìn những ánh đèn trên các tòa nhà cao chọc trời của Quận 1, nó cảm thấy khu nhà trọ yên bình của nó không khác nào một miền quê đang nằm nheo nhóc giữa lòng một đô thị phồn hoa. Những tòa nhà ấy rực rỡ, lung linh trong ánh đèn bấy nhiêu, thì khu nhà trọ của nó chìm lỉm, yên lặng cam chịu trong bóng tối bấy nhiêu. Cuộc sống của người Sài Gòn luôn phân biệt thành hai loại: giàu và nghèo. Cũng giống như chính bản thân của mỗi người luôn có một mặt xấu và một mặt tốt. Nó biết những người giàu ở nơi đây luôn khinh biệt, hắt hủi những người có hoàn cảnh khó khăn, và chỉ tồn tại một số ít những người giàu nghĩa tình. Sài Gòn rực rỡ, nhưng vẫn còn đó. Những góc tối.
Chương 3: Sài Gòn. Cần lắm những cơn mưa.
Sài Gòn vào những ngày đầu hè, cái nóng hừng hực luôn là một động cơ có thể gây mất đoàn kết nội bộ, chỉ cần một vấn đề nhỏ nhoi được tranh cãi ở ngoài cái nắng gay gắt này cũng đủ làm một cuộc tranh cãi chuyển sang thành một cuộc thảm xác với những tuyệt thế võ chợ.
Trên mái đầu là những tia nắng muốn cháy da, khét đầu còn ở dưới đất và trước mặt là nạn kẹt xe. Sài Gòn vào những giờ cao điểm luôn thế, luôn vang lên những tiếng còi xe “bim bim” vang rộn và tiếng chửi rủa vì nắng nóng. Những lúc thế này nơi nào có máy lạnh là nơi đó như một thiên đường thật sự, cảm giác được xua tan cái không khí nóng và đón nhận cái không khí mát tuyệt vời thì còn gì bằng. Ôi! Sài Gòn nóng quá đi.
Nó đạp xe dưới cái nắng nóng để xin việc làm, mồ hôi nhễu nhãi tuôn xuống từ trên đầu như tắm, trời nắng nóng mà nó cứ đạp xe hì hục qua từng con phố, từng huyện, từng quận để kiếm một biển báo tuyển nhân viên được dán trên cửa tiệm, nhưng đến nổi hai cái cây que tăm của nó nhấc lên pê- đan đã không còn sức chứ nói chi mà chạy tiếp. Nó đứng nghỉ mệt dưới một bóng cây rồi nhẩm tính lại những con đường mà nó đã chạy qua, rồi lại thở dài rồi co hai cây que tăm lên mà đạp.
Vòng quay bánh xe cứ đều đặn lăn trên con đường, những bóng cây thưa thớt trên những hè phố phồn hoa. Nó dừng chân lại ở một quán nước nhỏ, nhìn những dòng xe chạy qua chạy lại rồi thở dài, tự hỏi không biết bây giờ đi nơi đâu để tìm việc. Bưng ly café nhấp một ngụm thì chợt có tiếng xôn xao gì đó ở quán café lớn đối diện nơi nó ngồi, trước mắt nó một cậu bé với thân hình nhỏ nhắn, chân tay lấm lem, tay cầm một chiếc đồ đựng dụng cụ đánh giày, cậu bé yếu ớt đang đứng nói gì đó với một ông thanh niên lớn tuổi và một cậu công tử, theo cái nhìn của nó là vậy. Chưa kịp nháy mắt để nhìn tiếp thì thằng được nó coi là “công tử” vung chân đá cậu bé đánh giày kia.
Thấy cảnh như vậy bà bán nước thốt lên:
– Quân gì đâu ác nhơn ác đức vậy không biết?
Nó không nói gì, vội để tiền xuống bàn rồi bước vội qua phía bên kia đường, tính nó rất ghét phải chứng kiến những vụ việc bất bình như thế, tại Sài Gòn những việc như vậy xảy ra như cơm bữa không có gì là lạ cả, nhưng đối với nó thì đây là một việc nó cực kì ghét.
– Này, anh làm gì đấy? Có gì từ từ nói. – Nó chụp tay thằng “công tử” khi nó định đánh cậu bé, rồi hỏi.
Thằng “công tử” vung tay hất tay nó ra, chỉ thằng mặt cậu bé, nói giọng bố đời:
– Thằng đánh giày này, tao thấy tội nên cho đánh giày, xong tao hỏi nó bao nhiêu rồi móc tờ 100k (100 nghìn) ra đưa nó, nó kêu nó không có tiền thối rồi bảo tao chờ để đi đổi tiền, đi một hồi nó ra rồi nói tiền bị cướp. Cái bọn này không thể tin được, mày không trả tiền tao đập cho mày như xương.
Cậu bé run sợ nép vào sau nó, quay sang cậu bé nó hỏi:
– Em, có đúng như lời anh kia nói không?
– Dạ không, lúc nãy em có đổi tiền trong quán café, chị đó cầm tiền vào đổi xong đi ra lại mà không đưa tiền cho em, em có chạy tới hỏi rồi chị ấy nói “tiền gì”, “tao có đổi cho mày à?” rồi chị đó đi thẳng. Em mới quay lại nói với anh này nhưng anh đó không tin.
– Ừa anh hiểu rồi.
Nó hiểu rõ, những mảnh đời cơ nhỡ ở nơi đây luôn phải chịu sự khinh biệt từ những người tự cho là mình giàu có và khinh thường, cũng có vài kẻ sẽ không có một chút nào gọi là “lương tâm” của một con người, sẵn sàng lợi dụng những đứa trẻ để làm những công việc lừa lòng tin của người khác, những hành động ấy không chỉ làm cho những tấm thân còi cọc này chịu khổ mà còn làm mất lòng tin của bọn trẻ trong lòng người dân. Thành thử ra khi người ta bị tai nạn, hay những cụ già, trẻ nhỏ ăn xin điều nhận những lời nói thậm tệ, những ánh nhìn ghen ghét. Sự vô cảm của người dân nơi đây cũng từ đó mà ra.
– Anh chờ tôi một chút, tôi sẽ nói chuyện với người đã chịu đổi tiền cho cậu bé này. – Nó nói rồi dắt cậu bé đi ngược lại vào quán café.
Sự sang trọng của nơi đây làm nó cũng choáng ngợp, nó không nghĩ là sẽ có một ngày nó vào một quán café như vậy, khác với không khí đơn giản của những quán café vỉa hè. Nó vội nhìn xung quanh, phát hiện quán café được trang bị camera, nó vội nảy ra một ý tưởng để xem việc này đúng hay sai, và người nhân viên kia có thật đã lừa cậu bé này hay không.
Đi tới quầy nhân viên, thì nó gặp một cô nhân viên trong cũng khá xinh, người được cậu bé cho là đã nhờ đổi tiền, nó vội hỏi:
– Chị gì ơi, cho tôi hỏi, phải lúc nãy cậu bé này đã đến nhờ chị đổi tiền?
Cô gái nhân viên nhìn về phía nó rồi liếc nhìn sang cậu bé đánh giày, rồi chép miệng:
– Không, nãy giờ em không có đổi tiền cho cậu bé này thưa anh.
– Thiệt chứ? – Nó nheo mắt nhìn, trong mắt cô nhân viên có chút gì đó bối rối. Khi đối diện và trách vấn một người hãy nhìn sâu vào mắt họ, vì khi đó ta sẽ biết họ có nói dối hay không.
– Dạ… vâng thế ạ.
Nó nhìn sang cậu bé, đôi mắt cậu bé rưng rưng, môi mím chặt lại. Nó quay sang cười với cô nhân viên:
– Bây giờ cho phép tôi được hỏi lại, cậu bé này có nhờ cô đổi tiền hay không?
– Thưa anh, là không ạ, anh định hỏi em đến bao nhiêu lần nữa ạ, em đã trả lời mong anh ra ngoài kia uống nước để bọn em buôn bán. – Cô nhân viên nhăn mặt buông lời lẽ không được hay cho lắm về phía nó.
Nó vẫn bình tĩnh mà đáp:
– Cô là nhân viên trong đây chắc cũng biết rằng trong quán có trang bị camera chứ?
Nghe lời nó nói cô nhân viên mặt tái xanh, thấy vậy nó nói thêm:
– Tôi là phóng viên, nếu tôi cho vụ việc này lên báo thì tôi có thể đảm bảo rằng quán sẽ mất uy tín và công việc của cô có thể chấp dứt ngay lập tức.
Cô nhân viên lo sợ đổi đen thành trắng, môi lắp bắp chữa tội:
– Em xin lỗi, lúc nảy đúng là có một cậu bé đến đổi tiền mà lúc đó khách đông nên em quên mất, tiền đây thưa anh. – Cô nhân viên vội lấy tiền ra đưa cho nó.
Nó cầm tiền rồi đưa cho cậu bé rồi bảo:
– Em cầm tiền ra mà trả cho người ta đi.
– Dạ, em cảm ơn anh. – Cậu bé hớn hở chạy đi.
Cất bước quay đi trong những lời bàn tán xôn xao xung quanh, nó có linh cảm là lời cậu bé đánh giày nói là thật và nó đủ tự tin để giải quyết vụ này, may làm sao là cái linh cảm của nó không sai, vội gạt mồ hôi trên trán, nó nói nhỏ:
– Phù, công nhận mình cũng liều thật.
Quay lại với chiếc xe đạp, tiếp tục với việc đi vòng vòng tìm việc làm. Đúng là ông trời không phụ lòng nó, mãi đến bốn giờ chiều thì nó mới thấy được một cửa hàng hoa có dán chữ “tuyển nhân viên giao hàng”, nó tự tin về sự thông thuộc đường xá của chính mình vì ngày nào nó cũng hành thằng Tuân đi dạo quanh thành phố cho biết đường biết xá trong ba năm qua, nghĩ lại nó cũng thấy thương thằng bạn nó thật, tội thằng bé phải còng lưng vác xe đèo nó cả ba năm trời.
Vào nhận việc, hỏi vài câu linh tinh về đường xá thì nó cũng được nhận, vui vẻ đạp xe về vừa đi nó vừa hát, ôi thật yêu đời làm sao cơ mà nó mệt đến đứt hơi. Về đến phòng trọ, đá cây quạt cái rầm cho nó quay rồi nằm ra cái nệm mà ngủ. Kết thúc một ngày với nhiều việc xảy ra, nhưng cũng mừng là nó đã tìm được việc làm. Sài Gòn, phức tạp thật.
Trời mới sáng tinh mơ thì nó đã đạp xe đến tiệm, vào chào chị Hoa – chủ cửa tiệm – nó bắt đầu xếp những bó hoa lên xe để chở đi.
– Em ơi! Em biết chạy xe máy chứ? – Chị Hoa hỏi nó.
Nó đáp:
– Dạ biết chị ạ!
Chị Hoa chỉ vào góc của tiệm:
– Em lấy xe máy của chị mà đi giao hoa cho người ta, chứ đi xe đạp thì trễ giờ của khách hết.
– Vâng, nhưng vậy có ổn không chị, trong khi em mới vào. – Nó cũng hơi lo lắng, trong khi mới đi làm ngày đầu mà đã lấy tài sản của tiệm mà dùng lỡ có chuyện gì xảy ra thì chắc nó bán thân mà bồi thường mất.
Chị Hoa cười rồi nói:
– Không sao đâu, em cứ lấy dùng, có gì xe hư chị trừ tiền lương em. Có gì chị lấy hợp đồng rồi giấy chứng minh nhân dân photo của em lên phường, có gì đâu mà em lo.
Mới buổi đầu mà nó đã nghe đến chuyện trừ lương, lên phường thì nó tá hỏa:
– Vậy thôi chị ạ, cứ để em đi xe đạp cũng được.
Nghe vậy chị Hoa cứ cười mà ghẹo nó:
– Chị đùa thôi, em thật thà quá đấy, lấy hoa giao cho người ta đi kìa, nhanh lên kẻo muộn.
– Vâng vâng..
Nhờ công việc đi giao hoa cho những khách sạn, những nhà giàu quyền quý nó cũng biết được thêm một phần nào đó về Sài Gòn, không chỉ có người giàu khinh thường người nghèo, mà trong đó cũng có những tấm lòng vàng. Các thùng nước miễn phí cho học sinh, sinh viên, cụ già bán vé số hay những người làm công việc nặng, những đĩa cơm miễn phí cho người nghèo. Đó là một phần nhỏ, nhưng chứa nhiều tấm lòng người, có lẽ Sài Gòn cần nhiều hơn những tấm lòng như vậy.
Công việc cứ trôi qua theo thời gian, thắm thoát đã một trôi qua, tình cảm giữa nó và chị chủ quán cũng phát triển tốt đẹp khi chị Hoa nhận nó làm em nuôi, chị bảo chị quý nó ở sự thật thà, hiền và lễ phép và nó cũng quý chị, một người chị đảm đang và xinh đẹp với khuôn mặt tròn và đôi mắt nâu, dáng người cao ráo. Đến bây giờ, chị luôn là một người thân đối với nó ở mảnh đất Sài Gòn này.
Một buổi tối mát mẻ, nó ngồi dựa lưng vào chiếc ghế ngắm dòng người qua lại trước cửa tiệm, vào giờ cao điểm Sài Gòn luôn đông đúc, luôn bon chen đến náo loạn, các cặp tình nhân cứ lướt qua lướt lại trước mặt làm nó có phần hơi “GATO” khi phải chịu cảnh cô đơn này qua những năm làm sinh viên, tuy có tuổi thân nhưng nó hiểu bây giờ việc của nó là phải học và làm để khi ra trường có một cuộc sống ổn định không phải chật vật khi bước chân đầu tiên chạm vào đời.
– Kha ơi! Đi giao hàng kẻo mưa nè em. – Tiếng chị Hoa vọng từ ngoài sau.
– Dạ, để em chị.
Nó dắt xe ra khỏi quán, nhìn bầu trời đỏ rực qua ánh đèn đường, những cơn gió lạnh thổi vù vù đến buốt người. Nó tự nhủ:
– Thôi vọt lẹ rồi về.
Lấy địa chỉ ra coi thì nó há hốc miệng:
– Trời, Quận 12 xa ác.
Từng Quận 5 mà nó phải vác xác xuống tận Quận 12 để giao hàng thì không khác nào một cực hình, trong vòng một tháng qua nó chỉ giao hàng ở các quận lân cận, nhiều nhất là Quận 1. Nó thở dài, bỏ mảnh giấy địa chỉ vào túi quần rồi đề xe chạy đi.
Những cơn gió cứ thổi vù vù báo hiệu một cơn mưa lớn đầu mùa sắp về Sài Gòn, có lẽ cơn mưa này đã gián tiếp thay đổi cuộc đời nó theo một hướng mới. Một hướng đi chứa đầy sóng gió của cuộc đời.
Chương 4: Cơn mưa đầu và nỗi đau thương.
Từng hạt mưa nặng trĩu rơi xuống mặt đường, có những hạt mưa tinh nghịch đùa vui nhảy vào mặt nó, vuốt mặt nó chép miệng:
– Biết vậy lúc nãy ở lại đó chút rồi.
Cơn mưa không có dấu hiệu suy giảm gì kể từ khi nó bước chân ra khỏi khách sạn sau khi giao hàng, dù từ nãy đến giờ nó đã chạy hơn ba mươi phút và chỉ còn qua một hai quận nữa là nó có thể về đến cửa tiệm.
Cơn mưa cứ tuôn xuống như thác đổ, cứ giống như sau mấy tháng đè nén những giọt nước đã được ông trời khoan dung mà cho phép chúng quyền rơi tự do và hòa vào lòng đất.
Nó hòa vào mưa, lướt qua những dãy phố đang ngâm mình trong màn mưa. Những cơn gió lạnh cứ thổi làm cái thân hình “mỏng cơm” của nó run lên từng chập.
– Mẹ ơi.. mẹ tỉnh dậy đi.. mẹ ơi! Ai đó giúp mẹ cháu với!
Nó nghe tiếng ai đó nhờ giúp, mặc dù tiếng mưa cùng tiếng sấm cứ vang lên từng hồi làm lạc đi tiếng kêu đó.
Nó vòng xe lại, chạy về nơi phát ra tiếng kêu. Dưới ánh đèn đường, một tấm thân nhỏ bé đang lay lay một người đang nằm dưới mặt đất xung quanh là những ngôi nhà đang mở cửa đứng nhìn nhưng không có một hành động nào giúp đỡ, nó vội chạy lại, hét lên:
– Gọi cứu thương ngay!
Đáp lại nó chỉ là tiếng bàn tán xôn xao cùng tiếng khóc của cô bé trước mặt.
Nhìn quanh một hồi nó đứng dậy chạy vào mái hiện mượn điện thoại một người rồi gọi cho xe cứu thương, khi đưa điện thoại thì người này có phần lưỡng lự làm nó phải hành động thiếu lịch sự là giật điện thoại mà gọi, nếu không thì tính mạng thêm phần nguy hiểm.
– Anh ơi, mẹ em có sao không anh? – Cô bé ngước mặt lên hỏi nó.
Nó cười đáp:
– Không sao đâu, xe cứu thương gần tới rồi, mẹ em sẽ không sao.
Cô bé lau nước mắt lẫn nước mưa:
– Anh không nói dối em chứ?
Nó lưỡng lự, nó không biết có thể nói được điều gì không, nhưng bây giờ nó biết nó nên tạo niềm tin cho cô bé:
– Tin anh đi, mẹ em sẽ không sao.
Chờ khoảng năm phút sau xe cứu thương cũng tới, các y tá vội đỡ mẹ cô bé lên xe và cô bé cũng đi theo. Một y tá hỏi nó:
– Em cũng là người nhà nạn nhân à?
Suy nghĩ một lúc, nó biết bây giờ để cô bé ấy một mình là không được nên trả lời:
– Vâng ạ!
– Vậy em lên xe đi.
– Em đi xe máy, anh cứ đi trước đi em sẽ theo sau.
– Ừ.
Nó đá tó chiếc xe máy rồi chạy theo, qua vài con phố thì bệnh viện cũng hiện ra trước mắt, vội gửi xe, nó đi theo cô bé chạy cùng chiếc băng ca đang đẩy về hướng phòng cấp cứu. Chữ cấp cứu sáng lên trên cửa phòng, nó ngồi im trên hàng ghế cùng chiếc khăn bông mà bệnh viện đưa cho. Cô bé cứ đi đi lại lại trước phòng cấp cứu. Khuôn mặt tròn xinh xắn nhưng sao quá đỗi xanh xao, đôi mắt to đen của cô bé có vẻ mệt mỏi và đầy lo lắng. Nó không biết nên nói gì lúc này, chỉ biết bây giờ cầu mong cho mẹ cô bé đừng có xảy ra chuyện gì.
– Mẹ em sẽ không sao chứ anh? – Cô bé ngồi cạnh bên nó, lo lắng hỏi.
Nó thở hắt ra rồi đáp:
– Phải chờ bác sĩ ra rồi mới biết em ạ.
Nước mắt cô bé lăn dài, khóc lên:
– Huhu, mẹ ơi, mẹ đừng có bị gì nha mẹ.. huhu.
Nó nhìn cô bé, sao hình ảnh này rất giống quá khứ của nó trước đây, ngày mà nó mất đi người cha của mình. Cũng trong một đêm mưa khi cha của nó cố gắng ra đồng để che lại những bó lúa mới thu hoạch nhưng khi trên đường về thì ông bị tai nạn, và người gây tai nạn là một tên say xỉn đi xe lạng lách tung trúng ông. Nó cùng mẹ cũng ngồi hàng giờ trước cửa phòng cấp cứu của bệnh viện, khi cửa mở ra, đáp lại những câu hỏi, những cái nhìn lo lắng của nó và mẹ nó chỉ là cái thở dài cùng cái lắc đầu trong buồn bả. Mẹ nó khóc lên, còn nó chỉ biết đứng lặng im nhìn người cha mà nó luôn coi ông là thần tượng đang nằm im lìm trên chiếc giường bệnh, và nó biết ông sẽ không bao giờ có thể dậy và chơi cùng nó nữa. Một nỗi đau từ khi nó lên mười.
Giờ đây khi nhìn cô bé, kí ức bộn bề lại ùa về trong tâm trí nó, cô bé này lớn hơn nó ngày nào nhưng nỗi đau thì vẫn đau và có lẽ sẽ còn đau hơn gấp ngàn lần nỗi đau của nó khi xưa mà cô bé này phải chịu nếu có điều không may xảy ra.
Cửa phòng cấp chợt mở, chữ cấp cứu vụt tắt, một người bác sĩ đi ra. Nó cùng cô bé chạy lại hỏi:
– Mẹ cháu có sao không bác sĩ?
Người bác sĩ thở hắt ra làm nó giật mình, và rồi cũng lắc đầu bảo:
– Chúng tôi đã cố gắng hết sức, do nạn nhân bị chấn thương mạnh ở vùng đầu và đưa đi cấp cứu quá trễ nên khả năng cứu được là rất thấp, tôi xin lỗi.
Người bác sĩ đáp rồi vội vã đi, để lại sau lưng là những tiếng khóc đau thương của cô bé, nó đứng lặng im, điều nó lo sợ nhất đã xảy ra, tại sao ông trời lại tàn nhẫn quá vậy. Nếu những người lúc ấy, chỉ cần một cuộc điện thoại thôi, nếu họ gọi sớm thì cô lẽ mẹ của cô bé này đã có thể được cứu sống. Sự vô tâm lại giết đi một mạng người vô tội.
– Ai là người nhà bệnh nhân Tr.Th.Th? – Một cô y tá bước ra hỏi.
Nó vội đáp:
– Là tôi.
– Mời anh theo hướng này để làm thủ tục nhận xác.
Nhìn cô bé nó nói:
– Em vô trong đó với mẹ đi.
Cô bé ngước đôi mắt đẫm lệ nhìn nó rồi gật đầu đáp:
– Dạ..
Nó đi theo cô y tá dọc hành lang bệnh viện, những tiếng nói chuyện, tiếng khóc than, mùi thuốc, mùi cồn xác trùng cứ như đấm vào tai, như ùa vào mũi nó. Kể từ ngày cha nó ra đi, nó rất ghét phải đến bệnh viện, một phần vì nó không muốn nhớ đến nỗi đau thương trong quá khứ và nó càng không muốn thấy những đau thương khác xảy ra trước mặt nó, nhưng giờ đây một đau thương đã xảy ra ngay trước mắt nó mà nó đã không thể làm được gì. Nó biết điều này là ngoài khả năng nhưng nó vẫn muốn làm một cái gì đó.
Khi đóng tiền thì nó mới nhớ ra rằng nó không đem theo một xu nào cả, nó cuống cuồng một lúc rồi mượn điện thoại để gọi cho chị Hoa, nghe tin nó đang ở bệnh viện thì chị Hoa cũng lật đật mà hỏi nó bệnh viện để chạy lên. Ngồi chờ chị Hoa khoảng mười phút thì thấy bóng dáng chị hớt hả chạy tới nó.
– Có chuyện gì vậy em? – Vừa tới chị đã hỏi nó.
Nó buồn rầu đáp:
– Chị đọc rồi đóng tiền hộ em rồi em sẽ kể sau, tiền thì chị cứ trừ vào lương của em cũng được.
Chị Hoa định dơ tay cốc nó:
– Để chị coi rồi đóng tiền, nếu việc chính đáng thì chị sẽ cho còn không thì chị phạt hai tháng lương.
– Vâng.
Đóng tiền xong thì nó cùng chị Hoa đi lên phòng cấp cứu, vừa đi nó vừa kể lại cho chị Hoa nghe. Có chị nó cũng giải tỏ phần nào nỗi ấm ức trong lòng mình khi phải nhìn thấy cảnh chia ly này, cảnh này quá đau thương, đến nỗi trong giây phút ấy nó đã chết đứng.
Đẩy cánh cửa ra nó cùng chị Hoa bước vào trong, cô bé ngồi khóc nức nở trong lòng mẹ mình. Thấy vậy chị Hoa vội bảo nó đi ra rồi tiến lại kế bên cô bé. Nó đứng trước cửa phòng cấp cứu, nhìn xuống lòng đường Sài Gòn đang lềnh bềnh nước, những ánh đèn đưa kia cứ sáng một cách vô tình, thỉnh thoảng tiếng còi xe cấp cứu vang lên trong đêm vắng cùng tiếng cót két của xe đẩy băng ca.
Theo lời chị Hoa thì bệnh viện sẽ lo thủ tục an táng của mẹ cô bé vì khi hỏi cô bé bảo không còn người thân nào cả. Tối hôm đó nó cùng chị Hoa thức suốt đêm trong khi cô bé ngủ gục vì quá mệt.
Những tia nắng đầu tiên của đêm dài sau cơn mưa, không một tiếng chim hót, không một cơn gió bay chỉ có tiếng còi xe vang lên trong nắng sớm. Cô bé cùng chị Hoa đi taxi về tiệm còn nó phải đi xe máy. Về đến cửa tiệm thì chị Hoa cũng đóng cửa một ngày vì quá mệt sau đêm hôm qua.
– Hai đứa ngồi đây để chị đi qua kia mua mấy ổ bánh mì. – Chị Hoa nói rồi bước ra cửa.
Chỉ còn nó với cô bé ngồi đối diện nhau, không biết phải nói chuyện gì cả. Bỗng cô bé cất lời trước:
– Cảm ơn anh!
– Sao lại cảm ơn anh, anh có làm được gì đâu. – Nó buồn bã đáp.
Cô bé cố nặn ra một nụ cười, nụ cười vô hồn:
– Nếu không có anh thì tối qua em không biết sẽ ra sao.
– Ừa..
– Anh tên gì?
– Huy Kha! – Nó đáp.
Rồi hỏi lại cô bé:
– Còn em.
– Ái Linh ạ!
Nó thở hắt ra, rồi trầm giọng nói:
– Anh không biết phải nói sao với em, nhưng em cũng đừng quá đau buồn, chắc mẹ em ở thiên đàng cũng không muốn thấy em như vậy. Anh cũng đã từng trải qua, cũng phải chịu nỗi đau mất người thân, là ba anh. Lúc đó anh chỉ mới mười tuổi, mọi thứ xảy ra quá đột ngột trong khi anh còn quá nhỏ và cũng chưa đủ nhận thức. Nhưng cảm giác đó anh có thể hiểu, rất đau và khó chịu, lúc đó anh chị muốn ba anh dậy chơi với anh, anh luôn miệng gọi ba nhưng ông không tỉnh lại, giây phút ấy dù chỉ là một đứa trẻ nhưng anh biết rằng cha anh sẽ ngủ mãi.
– …
Cô bé im lặng nghe câu chuyện của nó, rồi bật ra tiếng khóc. Nó để Ái Linh dựa vào vai nó, những giọt nước mắt nóng hổi, những giọt nước mắt chứa niềm đau, chứa nỗi buồn, chứa thêm những tình yêu mà Ái Linh dành cho mẹ em. Tình mẫu tử không bao giờ phôi phai, một tình yêu thiêng liêng bất diệt. Nó ngâm ngùi nhìn Ái Linh ngủ thiếp trên vai nó. Khóe mắt vẫn còn đong đầy.
Chương 5: New Life.
Nó đặt nhẹ nhàng bó hoa hồng trắng xuống trước mộ, khuôn mặt nó đượm buồn nỗi niềm xa. Bên nó, Ái Linh khụy xuống dưới mộ mà khóc nức nở, nó chỉ biết đứng lặng im nhìn hai người con gái mà nó thân thương nhất đang buồn bã.
Người tham dự buổi lễ đưa tang mẹ của Ái Linh chỉ vỏn vẹn nó, chị Hoa và cô bé ngoài ra không còn một ai cả. Không khí đau thương như vỡ òa tại nghĩa trang thành phố, mọi cảm xúc, mọi kĩ niệm, mọi tình thường mà Ái Linh dành cho mẹ của em như tuôn trào ra qua những giọt nước mắt lăn dài trên hàng mi. Những giọt lệ lăn dài trên má cô bé, giọt nước mắt tinh khiết chứa đựng vô vàn tình yêu thương.
Người ra đi, để người ở lại đau thương và nước mắt, giờ đây chính Ái Linh sẽ tự lựa chọn con đường của riêng em, con đường tương lai em sẽ chọn.
Chị Hoa vội gạt đi những giọt nước mắt rồi đến an ủi Ái Linh, một cú sock quá lớn đối với cô bé mười sáu tuổi. Mẹ và em rời quê để lên thành phố kiếm sống khi cha bỏ đi theo người khác, nhưng chỉ mới lên nơi đây chưa đầy một tuần thì người mẹ đã mãi mãi rời xa em, để lại một cô bé mỏng manh trên đường đời đầy gian khổ. Mẹ Ái Linh xuất thân là trẻ mồ côi trong khi gia đình bên nội lại cự tuyệt em, họ đẩy mẹ con em đến mức đường cùng phải chọn cách bỏ xứ, bỏ làng quê mà đi tha phương cầu thực. Bây giờ, Ái Linh, một cô bé mười sáu tuổi, không họ hàng, không người thân và phải sống trên mảnh đất lạ này một thân, một mình.
Cái nắng sáng xua tan đi phần nào không khí ảm đạm buổi ban mai, những giọt sương sớm đọng trên những lá cây bồ đề cũng dần tan. Chị Hoa dìu Ái Linh về khi cô bé muốn mãi ở bên mẹ, nó chỉ biết đi theo sau chị và cô bé, trong đầu ngổn ngang dòng suy nghĩ.
– Em định sẽ như thế nào? – Chị Hoa hỏi Ái Linh khi cả ba về lại tiệm.
Ái Linh ngước khuôn mặt buồn bã lên nhìn chị Hoa, rồi lại cúi xuống lắc đầu:
– Em cũng không biết nữa chị ạ, em không biết bây giờ bản thân sẽ phải làm gì, sẽ đi đâu, về đâu nữa.
Nó đặt tách trà lên bàn rồi nói:
– Hay em cứ ở lại đây đi.
Chị Hoa cũng phụ họa theo nó, vì chính nó và chị điều quý Ái Linh và muốn cô bé ở lại đây thay vì mạo hiểm tìm một điều gì đó ở ngoài kia:
– Đúng rồi đó, em cứ ở lại đây.
Ái Linh lưỡng lự:
– Em… em, em sợ làm phiền anh chị, với lại em lại không có tiền nên..
Chị Hoa mỉm cười bảo:
– Trời, tưởng chuyện gì, em cứ ở lại đây phụ cửa hàng với chị, chị sẽ trả lương cho em giống Kha thôi. Em sẽ có đủ tiền hằng ngày và cả khi qua những tháng hè này em cũng đủ tiền mà đóng tiền học.
Nó cũng cười bảo:
– Anh thấy chị Hoa nói vậy cũng được đó, em hãy ở lại đi, có việc làm rồi qua mấy tháng hè cũng đủ tiền mà vào năm học, còn chỗ ở thì cứ qua nhà chị Hoa, nhà chị ấy cũng khá giả.
Nghe vậy chị Hoa liền xua tay, cắn môi nói:
– Ấy chết, nhà chị không được đâu em, ba má chị không thích người lạ mặc dù chị cũng rất muốn Ái Linh về ở với chị nhưng tiếc là không được rồi.
Ái Linh cũng cười buồn mà đáp với chị Hoa:
– Em cảm ơn anh chị, chị cho em được làm ở đây đã là may mắn của em, chỗ ở thì em ở lại tiệm cũng được thôi ạ, em cũng tính xin học ở một trường gần đây.
– Ở tiệm thì cũng không an toàn đâu em, tiệm ta toàn cửa kính, chỉ có một hàng ghế sa- lon để tiếp khác chứ không có giường ngủ, với lại em con gái, một thân một mình ở đây thì chị cũng không an tâm đâu, đến chị còn sợ ở đây vào ban đêm nữa là. – Chị Hoa sợ sệt nói.
Ái Linh thở dài:
– Để em kiếm một phòng trọ nào ở cũng được ạ.
– Em bây giờ chưa có tiền trong túi làm sao mà thuê trọ được chứ, đất Sài Gòn này nếu muốn ra đường thì trong túi cũng phải tầm 50 nghìn trở lên không đấy. – Nó nói.
Nghĩ đi nghĩ lại thì cách này không ổn, cách kia cũng không ổn, mọi việc diễn ra quá bất ngờ khiến nó không tài nào thu xếp ổn thỏa cả. Nó biết Ái Linh là một cô bé tốt, bây giờ lại một mình tại nơi xứ lạ quê người thì làm sao tránh khỏi những khó khăn của cuộc sống.
– Hay em qua ở với Kha đi. – Chị Hoa tươi cười nảy ra một sáng kiến theo chị là tuyệt vời nhưng với nó thì không.
Nó thở dài ra vẻ bó tay với sếp của mình:
– Ai đời lại trai gái chung một phòng, với lại nhà trọ em ở tận Quận 1, từ đó qua đây cũng phải ba mươi phút nếu đi xe máy, trong khi em lại đi xe đạp.
– Tưởng chuyện gì chứ cái đó để chị lo. Xe thì chị sẽ cho em mượn chiếc AB của chị mà đi, còn phòng trọ em có thể chuyển đến gần công viên Tao Đàn, chị có bạn mở nhà trọ cho sinh viên thuê ở Nguyễn Thị Minh Khai cho sinh viên Đại Học Mở TP.HCM ấy em. – Chị Hoa búng tay cái chóc.
Nó với Ái Linh há hốc miệng trước sự sắp xếp tài tình của sếp Hoa, nó nghĩ một phần như vậy cũng đỡ về phương tiện đi lại, một phần thì cũng gần hơn so với chỗ làm nhưng xa hơn một chút đối với trường của nó. Mặt khác thì nó không muốn rời xa căn gác trọ nhỏ bé yên tĩnh giữa lòng thành phố trong ba năm qua.
– Vậy có ổn không chị, em em… – Ái Linh ngại ngùng.
Chị Hoa khoái chí cười:
– Không sao đâu em, tên nhóc này mà dám làm gì cơ chứ.
– Dạ vậy em đồng ý ạ. – Ái Linh cười.
Chị Hoa quay sang nó hỏi:
– Còn em thì sao Kha?
Thấy hết đường lui, với lại nó cũng muốn tốt cho bé Linh nên nhắm mắt xua tay:
– Chị tính sao em nghe vậy.
Chị Hoa cười to:
– Haha, vậy mọi việc xong rồi, giờ hai em dọn dẹp chuẩn bị mở tiệm.
– Rõ, sếp.
Ngày nó rời xa mái nhà trọ nhỏ xinh đã gắn bó với nó ba năm, nó đã coi nơi này như là một ngôi nhà nhỏ của chính nó mà giờ đây đã phải nói lời từ biệt. Nếu chị Hoa không hối nó thì chắc có lẽ nó đã khóc lên mà ôm lấy cánh cửa phòng rồi.
Dọc con đường Nguyễn Thị Minh Khai, nó với chị Hoa cùng bé Ái Linh tấp vào một ngôi nhà bốn lầu, ngôi nhà được thiết kế đẹp và rộng rãi, đối diện là công viên Tao Đàn đúng là một nơi lí tưởng. Nó thích ở trên cao để ngắm nhìn Sài Gòn vào đêm, khi những ánh đèn điện lung linh thắp sáng cả thành phố.
– Hai em cứ ở đây thoải mái, trên lầu thì không có ai thuê còn mấy lầu dưới thì chỉ có mấy chị ở lầu dưới thôi. – Bạn chị Hoa niềm nở.
– Có ai con trai không chị? – Nghe bạn chị Hoa giới thiệu về thành viên của nhà trọ thì nó giật mình khi nghe chữ “chỉ có mấy chị”. Nó cũng muốn có những bữa anh em nhà trọ tụ lại café cà pháo cho vui như tại nhà trọ cũ của nó.
Bạn chị Hoa cười:
– Có, nếu em thuê thì em là con trai đầu tiên của nhà trọ đấy.
Nó nghe tin như sét đánh ngang tai mà trong lòng cũng thầm vui.
– Hai em đừng lo bạn chị sẽ miễn phí yên tâm đi. – Chị Hoa cà khịa.
– Ê bớt giỡn nha bộ, miễn phí thì làm sao tao làm ăn hả? – Bạn chị Hoa tá hỏa.
Chị Hoa cười hì hì rồi nói:
– Giỡn mà, bạn chị sẽ giảm giá cho cả hai 50% giá phòng.
– Vậy nghe còn được, hên mày là bạn tao chứ không thì tao cho ra đường rồi.
Nó và Ái Linh nghe hai bà chị đối đáp mà chỉ biết nhìn nhau mà cười, đúng là bạn thân, lâu ngày gặp lại là chắc chắn như nước với lửa nhưng dung hòa thì cũng phải gọi là từ nát tới tàn mạc những nơi mà hai người này đi qua.
– Chị này tên Thục, hai em cứ gọi là Thục “điệu” cho nó thân mật. – Chị Hoa lại đùa.
– Ê, không giỡn nữa nha con kia. – Chị chủ nhà tương lai của nó nhăn mặt.
Lúc này Ái Linh mới lên tiếng mà làm cho không khí đang dần nhuộm màu của một cuộc chiến:
– Chị Thục dẫn em lên coi phòng đi.
– Ừa, đi thôi.
Căn phòng cũng rộng rãi, có ba cửa số và một hai của chính, một cửa để ra vào còn một cửa để mở ra ngoài lang cang. Nó đứng trên lang cang tầng bốn của ngôi nhà nhìn xuống dòng đường đang đầy ấp xe qua lại cùng công viên Tao Đàn đang rộn rã, phía bên kia là quán café vỉa hè mà nó với thằng Tuân hay uống, nó cũng không ngờ rồi sẽ có một ngày nó ở tại đây, nơi nó thường hay lui tới nhất.
Một tuần trôi qua, cuộc sống cứ yên ả chờ lúc bấp bênh. Khi những tia nắng vàng chiếu xuyên qua từng kẽ lá rọi vào những bóng hoa đang tràn đầy sức sống. Nó ngồi nhấp từng ngụm café, lật trang báo ra đọc trong khi lấy chiếc laptop của tiệm mở những bản nhạc không lời nhẹ nhàng đầy tình cảm.
Ngồi đọc tới đọc lui cũng hết tờ báo mà chị Hoa với bé Ái Linh vẫn chưa đi mua cơm về, nó ngáp ngắn ngáp dài uể oải, bụng đói cồn cào. Bỗng có tiếng chuông vang lên khi tiệm có khách, nó vội đứng dậy chào:
– Xin chào quý khách, quý khách muốn mua loại hoa nào ạ?
Trước mắt nó là một cô tiểu thư xinh đẹp, đứng cũng cao bằng nó nhờ đôi giày cao chót vót, nếu lấy cái gót giày mà đi đánh nhau chắc cũng lỗ đầu hơn bảy phân. Gương mặt kiêu kì vẻ kiêu sa. Lấy đôi kính râm ra, đôi môi hồng mấp máy những lời ngọt như mía và nội dung chua như giấm:
– Lấy mười hoa hồng đỏ, lựa hoa tươi, giấy gói màu xanh da trời. Cho mười phút để làm.
Nó há hốc trước cách nói chuyện, nhưng mà cũng thôi, với nó và các tiệm khác thì vẫn có một câu “khách hàng là thượng đế” là trên hết.
Vừa gói hoa vừa quan sát động tĩnh của cô nàng này, cô nàng này đi hết khắp tiệm, lấy bông hoa này hoa kia lên mà xem. Coi hết một lượt rồi lại đến xem những bức ảnh do nó chụp cùng chiếc xe đạp của nó giờ đã thành vật trang trí.
– Thiết kế tiệm dễ thương ghê. – Cô nàng mỉm cười nói một mình.
Nó nghe nhưng cũng giả vờ như không rồi thầm nghĩ:
– Lúc nảy như con sư tử giờ như con mèo, thay đổi gì nhanh vậy trời.
– Ê, xong chưa? – Nhỏ này lại trở về với cái giọng “bố đời”.
Nó nhăn mặt đáp lịch sự, chìa bó hoa ra.
– Đây thưa chị?
– Bao nhiêu?
– Thưa, 300 nghìn ạ!
– Nè!
– Quý khách đi thong thả.
Nó thở phào, tưởng bị quay như quay dế rồi chứ. Được một lúc thì chị Hoa cùng bé Ái Linh cũng về và nó có một trận cằn nhăn no nê, với vẻ mặt hối lỗi của Ái Linh cùng chị Hoa, đôi khi nó cũng dám nghĩ rằng: “Hình như nó là sếp”.
Ngồi ngắm dòng người qua lại dưới đường, nó thấy Sài Gòn lại mang một bộ mặt mới dưới cái nhìn mới của một nơi mới. Giờ đây Ái Linh đã có một cuộc sống mới, một cuộc sống có lẽ sẽ yên bình. Nó nhìn bé Ái Linh đang ngồi say sưa coi tivi đôi khi cười khúc khích vui vẻ, nhìn cô bé ai có thể tưởng rằng bé Ái Linh đã trải qua một nỗi đau mất người thân, mười sáu tuổi, cái tuổi dám yêu – dám hận, dám nghĩ – dám làm và dễ lạc lối. Nó thở dài, dòng người vẫn không bao giờ tan, dòng xe cộ cứ qua lại pha lẫn ánh đèn. Cuộc sống quả là có nhiều cuộc hành trình, đôi khi leo lên được chuyến tàu của hạnh phúc cũng chưa chắc đến được ga mình mong ước. Sài Gòn, lại không ngủ và nó cũng vậy, nó lo cho cuộc sống của một cô bé hoàn toàn xa lạ, rồi sẽ về đâu, cuộc sống của Ái Linh sẽ như thế nào trước sống giờ của cuộc đời. Đời dài lắm, sẽ khó để mà đi.