*****
Trong rất nhiều ngày, tôi không biết phải làm gì. Sau cuộc gặp gỡ với nhỏ Đinh Lăng, mọi chuyện đối với tôi đã rõ ràng. Kèm theo đó là nỗi tuyệt vọng cũng rõ ràng không kém. Tôi hiểu rằng tôi không còn cách nào chứng minh cho nàng Stéphanette thấy Đông Anh là nhà thơ giả mạo. Cũng có nghĩa tôi không thể chứng minh được tình cảm sâu đậm tôi dành cho nàng. Tôi bất lực nhìn con đường tình của tôi đang đi vào ngõ cụt.
Tất nhiên tôi có thể gặp Đông Anh. Nhưng chẳng lẽ gặp để đánh nhau với nó. Đánh nhau vì một người con gái là chuyện vô cùng xấu hổ.
Bác Đán âm thầm quan sát vẻ buồn bã trong nhiều ngày liền của tôi. Nhưng lần này bác không hỏi gì, cũng không khuyên lơn. Có lẽ những biểu hiện khác lạ của tôi khiến bác tin rằng sự im lặng lúc này cần cho tôi hơn.
Dạo này, tối tối tôi quanh quẩn trong phòng, chẳng buồn đi lang thang như trước. Tôi cũng thôi đến chỗ nhỏ Quyên. Ghé nhà bà Dần ăn qua loa vài miếng cơm, tối chạy về nhà tôi lôi tập ra học dăm ba chữ rồi leo lên ghế bố kéo mềm trùm kín đầu.
Tôi thôi thức khuya, thôi chong đèn cặm cụi viết những vần thơ sầu mộng. Tôi đã chán làm Rimbaud, làm Lý Bạch. Kể từ khi dòng sông trong vắt của thi ca bị tên Juda Đông Anh làm vẩn đục, tôi đã quyết định giã biệt nàng Thơ.
Bác Đán không hỏi chuyện tôi, nhưng chắc lòng bác không nguôi lo lắng. Nên bác lại vờ nghiên cứu cổ thư. Tôi nằm trong mền, nghe tiếng bác sang sảng giữa đêm khuya:
– Khổng Minh bảo: “Tâm ta như cán cân, không thể vì người mà héo mà tươi được”. Hồ An Quốc nói: “Chớ đem vọng tưởng mà hại chân tâm. Chớ đem khí phách làm hại nguyên khí”…
Bác Đán mượn lời người xưa để an ủi tôi, và để mong tôi không nín nhịn được sẽ tốc mền ngồi lên dốc bầu tâm sự.
Nhưng bác Đán tôi chỉ hoài công. Tôi nằm nghe lơ mơ một hồi rồi ngủ mất. Tôi chắc rằng khi nghe tiếng ngáy khò khò của tôi cất lên, bác thất vọng lắm.
Không giúp được gì cho tôi được, bác Đán lặng lẽ lôi quần áo của tôi ra giặt. Cách chăm sóc dịu dàng của bác làm tôi cảm động. Nhưng mặt tôi vẫn cứ xụ xuống một đống.
Nhỏ Minh Hoa khác bác Đán tôi. Thấy tôi vác bộ mặt đưa đám đến, nó tròn mắt hỏi ngay:
– Khoa làm gì mà dàu dàu thế?
– Không có gì! – Tôi đáp, uể oải buông phịch người xuống ghế.
Minh Hoa nhìn lom lom vào mặt tôi:
– Chắc chắn là có gì!
Tôi bậm môi:
– Tôi đã biết bạn trai của Quyên là ai rồi?
– Ai vậy? – Minh Hoa tò mò – Minh Hoa nghe Quyên bảo Quyên có bạn trai nhưng Minh Hoa chưa gặp anh chàng đó lần nào.
– Bạn trai của Quyên là Đông Anh. Hắn học cùng lớp với tôi.
– Học cùng lớp với Khoa? – Minh Hoa không giấu vẻ ngạc nhiên.
– Ừ.
– Đông Anh nói với Khoa hở?
Tôi nhếch môi:
– Hắn không bao giờ dám nói ra điều đó. Chỉ do tình cờ mà tôi biết được thôi.
Rồi không đợi Minh Hoa thắc mắc, tôi ai oán kể lể nỗi oan ức của mình.
Nghe xong, Minh Hoa mím môi, ấm ức giùm tôi:
– Không được. Minh Hoa sẽ nói cho Quyên biết chuyện này.
Tôi nhún vai:
– Quyên sẽ không tin Minh Hoa.
– Quyên sẽ tin.
– Quyên sẽ không tin! – Tôi thở dài – Trừ phi Minh Hoa chứng minh được bài thơ đó là của tôi.
– Khoa bày cách cho Minh Hoa đi! Làm sao để chứng minh?
– Chẳng làm sao được cả! – Giọng tôi xìu như bún.
Tôi xìu làm Minh Hoa xìu theo. Có lẽ nó bắt đầu ý thức được tình trạng khó khăn tôi đang gặp phải. Mày cau lại, nó cúi đầu nhìn ly nước trên tay.
Minh Hoa trầm ngâm như vậy lâu thật lâu. Cuối cùng, nó ngẩng lên:
– Khoa phải nói chuyện thẳng thắn với Đông Anh thôi.
– Không thể được! – Tôi tái mặt kêu lên.
– Tại sao lại không được?
– Đông Anh đã cố tình đánh cắp bài thơ đó, tôi biết nói gì bây giờ?
Minh Hoa chớp mắt:
– Minh Hoa không nghĩ Đông Anh tệ như vậy. Rất có thể khi làm điều đó, Đông Anh không biết Khoa quen với Quyên.
Giả thuyết của Minh Hoa khiến tôi bất giác ngẩn ngơ. ừ nhỉ, tại sao tôi không nghĩ ra chuyện này sớm hơn kìa? Đúng rồi, Đông Anh đâu phải là thằng bạn tệ hại. Trong lớp, ngoài Hồng Hà ra, không đứa nào biết tôi thương nhỏ Quyên. Đông Anh cũng thế. Cho nên nó đã cóp bài thơ của tôi để tặng cho nhỏ Quyên. Nếu biết nhỏ Quyên chính là người tôi thương và bài thơ đó cũng chính là bài thơ tôi viết ra để tặng cho nhỏ, chắc chắn Đông Anh không bao giờ làm chuyện “ác nhơn thất đức” như vậy.
Như người chết đuối vớ được cọc, trong thoáng mắt, mặt tôi rạng ra:
– Đúng rồi! Tôi phải gặp Đông Anh!
*****
Đông Anh không biết tôi hẹn nó ra quán nước trước cổng trường làm gì, nhưng vẫn vui vẻ nhận lời:
– Ừ, chờ đến giờ về nhé!
Lòng nóng như lửa đốt, tôi ngồi học cứ nhấp nha nhấp nhổm. Đã biết trong chuyện này, tôi là nạn nhân, thằng Đông Anh là thủ phạm, tôi là quân tử nó là tiểu nhân, thế mà không hiểu sao cứ nghĩ lát nữa sẽ đối chất với tiểu nhân, bụng quân tử cứ run lên.
Quân tử cứ thấy ngường ngượng, đôi khi muốn dẹp quách mọi chuyện qua một bên.
Tâm trạng đó theo tôi ra tới tận quán nước.
Thấy tôi kêu hai ly nước dừa, Đông Anh nhìn tôi cười cười:
– Hôm nay sao mày tử tế quá vậy?
– Tử tế gì đâu?
– Mời tao đi uống nước.
Đang chưa biết mở lời như thế nào, câu nói trên của Đông Anh khiến tôi nổi khùng:
– Tao mời mày ra đây không phải để uống nước.
Đông Anh ngạc nhiên:
– Ủa, chứ để làm gì?
Tôi “độp” ngay:
– Bài thơ tao làm cho nhỏ Đinh Lăng đâu rồi?
Đông Anh không ngờ tôi hỏi chuyện này. Nó thoáng giật mình:
– Thì… thì… em tao đang giữ chứ đâu.
– Mày đừng hòng gạt tao nữa! – Tôi nghiến răng – Tao đã gặp em gái mày rồi.
Mặt Đông Anh biến sắc:
– Mày gặp em tao rồi hở?
– Ừ. Và nó bảo nó chẳng nhận được bài thơ nào cả.
Trước sự hài tội của tôi, Đông Anh ngồi làm thinh. Có lẽ nó biết đã đến nước này có chối cũng vô ích.
Vẻ câm nín chịu trận của Đông Anh làm tôi ngứa mắt.
– Mày không đưa bài thơ đó cho em gái mày, đúng không? – Tôi gầm gừ.
– Ừ.
– Nó cũng không hề nhờ mày năn nỉ tao làm thơ cho nó, đúng không?
– Ừ.
Tôi tiếp tục hạch hỏi:
– Nó cũng cóc biết bài thơ “Giấc mơ của chàng chăn cừu” và cũng chẳng đòi đi thăm tao lúc tao nghỉ học, đúng không?
Và Đông Anh tiếp tục xụi lơ:
– Ừ.
Tôi xịt khói ra lỗ mũi:
– Và tao chẳng phải là Rimbaud của Việt Nam, đúng không?
– Không, không, chuyện này thì không đúng! – Đông Anh rối rít – Mày đúng là Rimbaud!
– Rimbaud cái đầu mày! – Tôi long mắt lên – Nếu tất cả những điều tao vừa nêu ra đều không có thật thì mày kêu tao làm thơ cho nhỏ Đinh Lăng để làm gì?
Trước câu hỏi này của tôi, Đông Anh im thít.
– Sao? – Tôi hất hàm – Mày trả lời tao đi chứ!
Đông Anh cười khổ:
– Mày không cần biết lý do làm gì. Chuyện này chẳng liên quan gì tới mày.
– Ai bảo mày chẳng liên quan? – Tôi cay đắng – Mày dụ tao làm bài thơ đó để mày đem tặng cho một đứa con gái khác chứ gì!
Đông Anh há hốc miệng:
– Sao mày biết?
– Sao lại không biết! – Tôi nhếch mép – Thế mày có biết người con gái mà mày tặng thơ là người yêu của tao không?
Lần này thì Đông Anh sửng sốt thực sự:
– Trời! Có chuyện đó thật sao?
Và nó luống cuống thanh minh:
– Tao thật tình không biết chuyện đó. Hoàn toàn không biết.
Tôi hừ mũi:
– Nhưng bây giờ thì mày biết chưa?
– Biết rồi!
– Biết rồi thì mày làm sao?
Đông Anh méo xệch miệng:
– Tao sẽ đến gặp nó, thú thật bài thơ đó là của mày!
Đông Anh làm tôi hả dạ quá chừng. Tôi cứ đinh ninh cuộc trò chuyện giữa tiểu nhân và quân tử sẽ rất gay go, không ngờ lại xuôi chèo mát mái đến thế. Hóa ra thằng Đông Anh không đến nỗi tiểu nhân lắm, thậm chí nó còn tỏ ra khá biết điều! Minh Hoa nói đúng, sở dĩ Đông Anh làm chuyện xằng bậy chẳng qua vì nó không biết nhỏ Quyên là “người yêu” của tôi thôi. Đã không biết là không có tội! Tôi gật gù:
– Chừng nào mày gặp nó?
– Ngay bây giờ. Sau khi rời khỏi đây.
Đông Anh đáp bằng giọng muốn khóc, chắc nó biết cuộc tình của nó thế là hỏng bét bè be. Bộ mặt rầu rĩ của nó khiến tôi bâng khuâng quá đỗi. Nhưng tôi chẳng biết làm gì trong lúc này. Mà cũng đáng đời nó, ai bảo!
Tối đó, tôi hùng dũng đến nhà nhỏ Quyên. Những ngày gần đây, uất ức và đau khổ vì không chứng minh được mình là tác giả của bài thơ “hòn sỏi buồn” kia, tôi không buồn ôm tập đến học chung với nó nữa. Tôi giã biệt nhỏ Quyên không kèn không trống. Nhưng hôm nay thì chính bạn trai của nhỏ Quyên đã chứng minh thay tôi. Tôi nói, nhỏ Quyên còn nghi ngờ. Nhưng chính miệng Đông Anh nói ra, nó không thể không tin.
Một khi nhỏ Quyên đã tin, lòng nó ắt sẽ ngập tràn hối hận. Nó sẽ hối tiếc vì đã không tin tôi, không tin một con người hiền lành chân thật nhất trên đời. Nó hối tiếc vì đã dại dột thờ ơ với một mối tình kín đáo và đằm thắm. Và rất có thể hồi chiều khi nghe Đông Anh thú nhận mọi tội lỗi, nó đã gục đầu xuống bàn khóc sưng cả mắt. Khóc vì thương tôi, vì cảm động trước tình cảm nồng nàn của tôi cũng có, vì đau xót cho nỗi oan mà tôi phải è cổ ra gánh mấy ngày nay cũng có. Lát nữa thấy tôi lù lù xuất hiện, chắc nó mừng rỡ không để đâu cho hết.
Tôi vừa đi vừa nôn nao nghĩ ngợi, con đường Nguyễn Du quen thuộc khiến lòng tôi xao xuyến khôn tả.
Đúng như tôi nghĩ, tôi vừa ló đầu vào, nhỏ Quyên đã hấp tấp hỏi ngay:
– Ôi, sao mấy hôm nay Khoa không đến học chung với Quyên?
Tôi không trả lời thẳng câu hỏi của nó. Mà lửng lơ:
– Thì hôm nay tôi đã đến rồi.
– Còn những hôm trước? Khoa ốm hở?
– Không.
– Thế thì tại sao?
Nhỏ Quyên làm tôi ngạc nhiên quá đỗi. Chẳng lẽ nó không đoán ra nguyên nhân sự vắng mặt của tôi trong mấy ngày qua? Hay nó không đủ can đảm thú nhận sự sai lầm của mình nên cố tình vờ vịt? Tôi nghĩ thầm và nhún vai giận dỗi:
– Quyên biết rồi mà còn hỏi.
– Biết gì cơ? – Nhỏ Quyên tròn mắt.
– Biết tại sao tôi không đến học chung ấy!
– Quyên không biết thật mà. Khoa nói đi!
– Quyên không biết thật hở? – Tới phiên tôi tròn mắt.
Nhỏ Quyên gật đầu, nó không buồn tránh ánh mắt của tôi:
– Thật.
Hai hạt nhãn nhìn tôi và tôi nhìn hai hạt nhãn, đầu xoay như chong : Dng. Thái độ của nhỏ Quyên khiến tôi bất giác đâm lưỡng lự. Tôi không rõ nó cố tình giả nai hay nó không biết thật. Nếu nó không biết thật, có nghĩa là thêm một lần nữa thằng Đông Anh lại gạt tôi. Có nghĩa là hồi chiều Đông Anh đã không đến gặp nhỏ Quyên như nó đã nói. Nó vờ hứa nhăng hứa cuội để tôi buông tha nó. Chắc chắn sau khi chuồn ra khỏi quán nước, nó đã vù thẳng về nhà, leo lên giường nằm rung đùi và khi đang rung đùi khoái trá như vậy thế nào nó cũng mở miệng chửi tôi ngu.
Ý nghĩ đó khiến đầu tôi nóng ran. Tôi hỏi nhỏ Quyên bằng giọng run run:
– Ngày hôm nay bạn trai của Quyên có đến thăm Quyên không vậy?
Nhỏ Quyên có vẻ ngỡ ngàng trước câu hỏi chẳng đâu vào đâu của tôi. Nhưng nó chỉ ngỡ ngàng một thoáng thôi, rồi khẽ lắc đầu, giọng điềm tĩnh:
– Không. Mà Khoa hỏi điều đó để làm gì vậy?
– Chẳng để làm gì cả!
Tôi đáp bằng giọng xuôi xị. Và xốc mấy cuốn tập trên tay, tôi vội vã chào nhỏ Quyên:
– Tôi về nhé!
Sự cáo từ đột ngột của tôi khiến nhỏ Quyên sững sờ. Nó mấp máy môi:
– Ơ, sao Khoa lại…
Nhưng chàng chăn cừu không để cho nàng Stéphanette nói hết câu.
Chào xong, chàng quay mình đi liền.
Chàng đi như chạy trốn.
Chương 10:
Sáng hôm sau, tôi vào lớp với bộ mặt hầm hầm.
Nhìn bộ mặt của tôi, người tinh ý sẽ biết là tôi sắp giết người. May mà trên đường đến trường tôi không gặp tay cảnh sát nào.
Hồng Hà không phải là cảnh sát. Nhưng nó vẫn nhận thấy sự đằng đằng sát khí đang bốc ra ngùn ngụt trên mặt tôi.
Nó giật chéo áo tôi, giọng lo lắng:
– Có… có chuyện gì thế hở mày?
Tôi thu nắm đấm:
– Thằng Đông Anh đâu?
Hồng Hà đảo mắt một vòng khắp lớp:
– Nó… nó chưa tới.
Hồng Hà lại nhìn đăm đăm vào mặt tôi, hoang mang hỏi:
– Mày… mày tìm nó làm gì?
Tôi nghiến răng ken két:
– Giết nó!
Hồng Hà giật nảy:
– Mày… mày nói chơi hở?
– Nói thật!
Tôi buông một câu lạnh lẽo, rồi trước bộ mặt nghệt ra của Hồng Hà, tôi quay mình vù thẳng ra cổng. Đông Anh chưa đến, tôi đón trước cổng trường thế nào cũng tóm được nó.
Tôi nghĩ bụng và không đầy một phút sau, Đông Anh đã chứng minh là tôi nghĩ đúng.
Đang lò dò từ xa đi tới, thấy tôi đứng lảng vảng trước cổng, Đông Anh hơi mất tự nhiên.
– Sao chưa vào lớp hở mày? – Nó ngượng ngập hỏi.
Tôi mím môi:
– Tao đợi mày.
– Đợi tao? – Đông Anh giật mình – Đợi tao làm gì?
– Giết mày chứ làm gì!
Tôi rít qua kẽ răng, và ngay trong lúc đó tôi có cảm tưởng tôi xứng với biệt danh “Sát thủ hoa hồng” hơn là thằng Bá.
Đông Anh bước lui một bước:
– Mày nói gì nghe ghê thế?
– Chả có gì ghê cả! Tội trạng của mày đáng phải xử như vậy!
Tôi nói, và chồm người tới trước, tôi nắm lấy cổ tay Đông Anh.
– Tại sao hôm qua mày gạt tao? – Vẫn giọng rin rít, tôi bắt đầu “tra khảo”.
Đông Anh ngơ ngác:
– Tao gạt mày chuyện gì đâu!
Tôi hừ mũi:
– Thế hôm qua mày đã nói với người yêu của tao rằng bài thơ đó do chính tao sáng tác chưa?
Đông Anh ấp úng:
– Ờ, ờ, chưa.
Sự thú nhận của Đông Anh khiến tôi muốn lộn ruột. Đông Anh không chịu chứng minh bài thơ đó là của tôi hèn gì tối hôm qua gặp tôi, nhỏ Quyên vẫn chẳng thèm cảm động mảy may. Thậm chí nó còn không biết tại sao mấy ngày nay tự dưng tôi đột ngột biến mất, không buồn ôm tập đến học chung với nó.
Tôi cắm mắt vào mặt Đông Anh, giọng bốc khói:
– Thế hôm qua sau khi rời khỏi quán nước, mày đi đâu?
Trước cơn cuồng nộ của tôi, Đông Anh vẫn tỏ ra bình tĩnh. Nó đáp, giọng thật như đếm:
– Tao đến nhà người yêu của mày.
– Láo! – Tôi gầm lên.
Đông Anh giơ tay lên trời:
– Đứa nào nói láo ra đường xe cán.
Lần này tôi nhất quyết không để bị Đông Anh gạt gẫm nữa. Tôi nhếch mép trước lời thề độc của nó:
– Thế mày có gặp nó không?
– Có.
– Có sao mày không thú thật về chuyện mày mạo danh tác giả bài thơ? Sao mày hèn thế?
Câu nói nặng của tôi làm Đông Anh nhăn nhó:
– Tao không hèn.
– Hèn! – Lần thứ hai trong vòng năm phút, tôi gầm lên – Nếu không hèn mày đã không câm miệng hến!
Ngay lúc đó, tiếng trống vào lớp vang lên inh tai nhưng đang say máu, tôi không buồn nhích chân. Tôi cũng không cho Đông Anh vào lớp:
– Đứng yên đó! Chưa trả lời tao, mày chưa đi được đâu!
Đông Anh liếc mắt vào chỗ tụi bạn đang đứng xếp hàng với vẻ mặt bồn chồn. Nhưng biết không nói rõ mọi chuyện với tôi không xong, nó đành quay sang tôi, nuốt nước bọt:
– Tao không nói bởi vì thực ra người yêu của mày đâu có nhận được bài thơ tao gửi tặng.
Kiểu tránh né của Đông Anh làm tôi giận run:
– Sao mày cứ dối như Cuội thế? Mày tưởng tao là con nít hở Đông Anh?
Đông Anh lại đưa tay lên trời:
– Tao không hề nói dối nửa chữ. Đứa nào nói dối ra đường…
– Khỏi thề! – Tôi gạt phắt – Bây giờ mày thề độc đến đâu, tao cũng chả tin.
Rồi tôi nhìn nó bằng ánh mắt của vị quan tòa nhìn một phạm nhân hết đường cải tạo, chán nản nói:
– Mày đâu có biết chính mắt tao đã đọc được bài thơ đó ở trong tập của nó.
– Không thể nào! – Đông Anh kêu lên.
Tôi nhún vai, triết lý:
– Ở đời những cái có thể đôi khi không thể và những cái không thể lắm lúc lại có thể. Nếu sống thành thật với nhau thì mọi chuyện sẽ trở nên rõ ràng, dễ hiểu.
Rồi tôi bắt chước bác Đán tôi:
– Hồ An Quốc nói: “Chớ đem vọng tưởng mà hại chân tâm”…
– Tao chả cần biết Hồ Quốc An là ai! – Đông Anh khịt mũi – Nhưng tao biết chắc bài thơ đó chưa tới tay người yêu mày.
Sự cãi chày cãi cối của Đông Anh khiến tôi nổi khùng.
– Láo toét! – Tôi trừng mắt – Tao quen với nó đâu chỉ một ngày một buổi. Trước khi ôm tập đến học chung với nó, tao đã đi mòn gót trên đường Nguyễn Du. Bài thơ đó nó ép trong cuốn tập địa lý…
– Mày nói gì? – Đông Anh chưng hửng – Nhà người yêu mày ở trên đường Nguyễn Du?
Tôi chưa kịp mở miệng, Đông Anh đã reo lên:
– Ồ, thế thì không phải rồi! Con nhỏ tao tặng thơ nhà ở trên đường Triệu Nữ Vương kia mà!
– Mày nói sao? – Tôi như va phải tường, miệng há hốc – Nhà con nhỏ đó ở đường Triệu Nữ Vương?
– Đúng vậy!
Tôi bàng hoàng:
– Thế nó tên gì?
– Tên Nhạn.
– Nhạn hở? – Tôi ngẩn ngơ – Thế thì không phải! Bạn gái của tao tên Quyên.
– Thấy chưa! – Đông Anh cười đắc thắng – Thế mà mày không chịu tin tao. Tao chả phải là đứa hèn, cũng chả tán tỉnh gì người yêu của mày sất, đúng không?
Trong khi Đông Anh mặt mày tươi hơn hớn thì tôi xụi lơ như kẻ chết rồi. Nếu bạn trai của nhỏ Quyên là Đông Anh, tôi còn có cơ hội để xác nhận quyền tác giả của mình đối với bài thơ kia, và qua đó bày tỏ tình cảm của tôi với nhỏ Quyên kiều diễm. Bây giờ, biết được tình địch không phải là Đông Anh, tôi như người đi vào hẻm cụt.
– Nhỏ Nhạn không nhận được bài thơ của mày thật hở? – Lâu thật lâu, tôi mới lên tiếng hỏi.
– Ừ.
– Sao vậy?
Đông Anh gãi đầu:
– Tại tao không dám đưa tận tay nó. Tao nhờ anh nó đưa giùm.
Tôi cười khảy:
– Và cũng như mày, anh nó không đem bài thơ về cho nó mà đem tặng cho một đứa con gái khác?
Đang chế giễu, tôi bỗng sáng mắt hỏi dồn:
– Thế anh nó là ai?
– Anh nó là thằng Hoa đen, học bên lớp 12B1.
Tôi vỗ tay vỗ đùi:
– Thôi, đúng rồi! Như vậy chính thằng này đã đem bài thơ đó đến tặng cho người yêu của tao.
Đông Anh tử tế hơn tôi tưởng. Nó đặt tay lên vai tôi:
– Mày yên tâm đi. Để bài thơ lọt ra ngoài là trách nhiệm của tao. Tao sẽ đi gặp thằng Hoa đen, bắt nó phải thú thật mọi chuyện với nhỏ Quyên.
Đông Anh làm tôi cảm động quá chừng. Tôi láu táu định lên tiếng cảm ơn nó nhưng nghĩ lại, thấy quân tử mà mở miệng nịnh nọt tiểu nhân có điều gì đó không ổn, nên cứ ngập ngừng mãi.
May làm sao, tiếng trống đổi tiết thình lình vang lên giúp tôi tìm ra lối thoát. Tôi kéo tay nó, ân cần:
– Vào lớp đi mày!
*****
Đêm nay tôi lại ngồi co ro trên vỉa hè đường Nguyễn Du. Hệt như lần đầu tôi đi ngang qua đây và bị tiếng đàn của nhỏ Quyên níu lại.
Và cũng như lần đầu, tôi ngồi bệt xuống đất, bó gối nhìn lên bóng người con gái tóc dài in trên rèm cửa sổ ở tầng hai bên kia đường.
Nhưng khác với lần đầu là bây giờ tôi đã biết được người con gái đó là ai. Tôi không phải mất công tưởng tượng. Cũng như tôi đã thôi mộng mơ.
Đêm nay là một đêm buồn bã của chàng chăn cừu. Chàng đến đây chỉ để ngắm bóng nàng Stéphanette lần cuối cùng trước khi vĩnh viễn chia tay với những giấc mơ. Kể từ ngày mai, chàng tự hứa với lòng sẽ không bao giờ đặt chân trên con đường kỷ niệm này nữa. Chàng chấp nhận làm người thua cuộc. Bởi chàng không có cách gì chứng minh cho nàng Stéphanette thấy được tình yêu của chàng.
Tôi bần thần nhớ lại những gì Đông Anh đã nói với tôi mới đây. Theo kết quả điều tra của nó, thằng Hoa đen không tặng bài thơ đó cho nhỏ Quyên như tôi nghĩ mà lại tặng cho một đứa con gái khác. Nhưng anh của đứa con gái này cũng không chịu đưa bài thơ của Hoa đen cho em gái mình mà đem tặng cho một đứa con gái khác nữa. Và theo như sự dò hỏi của Hoa đen tiếp theo đó thì trên thực tế bài thơ của tôi cũng chẳng đến tay con nhỏ này mà tiếp tục chạy lòng vòng đâu đó trên trái đất. Mà những ông anh có em gái và những cô gái có anh trai thì nhiều vô số kể trên đời này.
Tôi và Đông Anh chỉ theo dõi được những chặng đầu, khi bài thơ từ lớp 12C chạy qua lớp 12B1 trường Phan Chu Trinh, sau đó chạy qua trường Phan Thanh Giản, quẹo sang trường Bồ Đề, phiêu bạt qua tận lycée Pascal. Tới đây thì hai đứa tôi không còn đủ hơi sức để đeo bám tiếp nữa, nhất là khi nghe đến bài thơ đã ra khỏi thành phố Đà Nẵng, dường như có ghé qua trường Trần Quý Cáp ở Hội An và quanh quẩn ở đó một dạo trước khi chu du tới trường Tiểu La ở Thăng Bình, cuối cùng lưu lạc vào tận thị xã Tam Kỳ và nhảy qua nhảy lại khá lâu giữa hai trường Đức Trí và Trần Cao Vân, tức là trường cũ của tôi…
Tôi và Đông Anh không phải là thám tử hạng bét nhưng thật chẳng tài nào săn lùng và xác định được nơi hạ lạc của bài thơ, vì vậy rốt cuộc chẳng biết kẻ cuối cùng đã chộp được nó và gửi cho nhỏ Quyên là đứa khốn nạn nào.
Bài thơ tôi viết ra là để tặng nhỏ Quyên. Nhưng nó lại nhận được bài thơ đó qua con đường ngoằn ngoèo và bí hiểm đến mức rốt cuộc nó đã vui vẻ đáp lại tình ý trong thơ tôi bằng cách trao trọn trái tim cho một kẻ bí mật nào đó.
Sau những cuộc điều tra vô vọng, Đông Anh lấm lét nhìn tôi:
– Giờ tính sao hở mày?
Tôi không trả lời câu hỏi của nó, mà ngao ngán hỏi lại:
– Những bài thơ tao viết tặng cho em gái thằng Diên, thằng Bội và Minh Khôi, chắc cũng đâu có đến tay tụi nó phải không?
Đông Anh ngó lơ chỗ khác:
– Ừ.
Rồi nó ngượng nghịu kể cho tôi nghe tụi thằng Diên đã sử dụng những bài thơ của tôi vào mục đích đen tối gì, đã gửi cho những con nhỏ nào, têm gì, học ở đâu… Lúc đó tôi mới biết tại sao hôm trước, khi đọc những câu thơ tôi viết cho nhỏ Linh San “Đừng như hoa lá đừng như cỏ. Phủ xuống hồn anh một tối đầy. Mà như hoa lá mà như cỏ. Thức dậy tình anh những sớm mai”, thằng Diên lại nhảy cỡn lên như thế. Té ra người con gái mà Diên để ý có tên là Thảo Diệp.
Tôi lắc đầu, cay đắng:
– Tụi mày đã hại tao.
– Chuyện ngoài ý muốn mà Khoa!
Đông Anh chép miệng phân trần. Rồi nó liếc tôi, dè dặt tiếp:
– Cũng tại mày là Rimnaud.
Lần này, đang buồn nẫu ruột, tôi chả thèm phản bác lời khen xằng của Đông Anh. Tôi chỉ thở dài, thiểu não:
– Tao chả muốn làm Rimbaud nữa. Làm Rimbaud chẳng được tích sự gì!
Bây giờ nhớ lại câu nói với Đông Anh, lòng tôi tự dưng buồn rười rượi. Ừ, làm nhà thơ chả sung sướng tẹo nào. Các nhà thơ xưa nay giỏi làm thơ tình, chỉ vì họ giỏi thất tình. Như lúc này đây, Rimbaud Việt Nam nhìn lên khung cửa sổ sáng đèn và không thể nào ngăn chặn những câu thơ tê tái dội lên trong đầu:
Chia tay em nhé
Chiều xuống một mình
Tình như sương khói
Đi về mong manh…
Tôi nhớ những gì tôi đã nói với Đông Anh, và tôi cũng nhớ những gì tôi đã nói với thầy Xuân Thu mới đây.
Cả tháng nay, thầy Xuân Thu vẫn tiếp tục dẫn tụi tôi đi “thực tập” ở quán nhậu quen thuộc. Nhưng hầu như chẳng có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Kể từ ngày tôi nổi máu anh hùng dốc gần nửa lon Coca Cola pha whisky vào cổ họng, sau đó nằm liệt ba ngày không dậy nổi, chẳng đứa nào dám nghĩ đến chuyện thách nhau uống rượu nữa.
Nhưng đó là nói lúc tôi chưa bỏ cuộc, vẫn cùng Đông Anh tiếp tục truy lùng thủ phạm đánh cắp bài thơ “Hòn sỏi buồn” với niềm hy vọng le lói trong lòng.
Còn vào cái buổi sáng Đông Anh vỗ vai tôi và hỏi bằng giọng bất lực “Giờ tính sao hở mày?” thì ngay trong buổi “thực tập” trưa đó tôi đã hùng dũng nâng ly whisky của thầy Xuân Thu lên ngang miệng trước những cặp mắt sửng sốt của tụi bạn.
– A ha! – Minh Khôi vỗ tay – Lịch sử sắp lập lại lần thứ hai.
Hồng Hà lo lắng đưa tay cản:
– Đừng… đừng, Khoa!
Tôi trừng mắt:
– Bỏ tay xuống!
Thấy mắt tôi tóe lửa, Hồng Hà tiu nghỉu bỏ tay xuống, vẻ cam chịu.
Trước thái độ khác lạ của tôi, thầy Xuân Thu tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng không nói gì. Chỉ đến khi tôi kề ly rượu vào môi, thầy mới hắng giọng:
– Em làm sao thế hở Khoa?
Tôi nhìn thầy:
– Dạ, hôm nay em muốn uống rượu.
– Em không uống được rượu cơ mà.
– Em biết, thưa thầy! – Giọng tôi cương quyết – Nhưng hôm nay em sẽ uống!
Thầy Xuân Thu nhìn tôi dò xét:
– Tại sao?
Tôi nhắm mắt lại và nhớ đến bác Đán tôi:
– Em muốn công phá thành sầu, thưa thầy!
Minh Khôi toét miệng cười:
– Đúng là giọng lưỡi của Lý Bạch, hà hà.
Diên gật gù:
– Quả là cốt cách của một thi sĩ lớn!
Tụi bạn mỗi đứa xúm vào chọc một câu, trừ Hồng Hà và Đông Anh. Hồng Hà làm thinh vì nó là thằng bạn tốt. Tốt nhất là nó chẳng có đứa em gái nào. Đông Anh không mở miệng chỉ vì nó đang bứt rứt. Thấy tôi rượu chè hư đốn như thế này, chắc lòng nó ngập tràn hối hận.
Thầy Xuân Thu vỗ vai tôi, nghiêm nghị:
– Rượu không công phá được thành sầu đâu em. Có khi nó làm nỗi sầu trong lòng ta nhân lên gấp bội.
Rồi thầy nhìn sâu vào mắt tôi, dịu giọng:
– Nhưng nếu em tin vào điều em nghĩ, thầy sẽ không cản! Em cứ uống cho say đi, thầy sẽ cõng em về!
Ánh mắt dịu dàng của thầy Xuân Thu động viên tôi. Trước vẻ mặt căng thẳng của tụi bạn, tôi ngửa cổ rót rượu vào miệng. Chất nước cay xè khiến tôi muốn chảy nước mắt.
Tôi uống một ly, hai ly, rồi ba ly.
Sau ly thứ ba, tôi bắt đầu ngầy ngật. Rồi tôi ngâm thơ:
– Tôi là hòn sỏi buồn
Lăn qua cuộc đời bằng những vòng hiu quạnh…
Ngâm được hai câu, tôi đổ sụp xuống bàn. Trước khi mê man, tôi còn nghe loáng thoáng bên tai tiếng chép miệng của thầy Xuân Thu:
– Chắc nó thất tình con nhỏ nào!
Khi tôi tỉnh lại, tôi nhìn thấy gương mặt lo âu của bác Đán.
Bác ngồi bên mép giường, nhìn tôi bằng ánh mắt thương cảm. Thấy tôi mở mắt, bác nói giọng nhẹ nhàng:
– Dậy ăn cháo đi con. Cháo để đằng bàn.
Rồi bác đứng lên, nhẹ gót đi ra khỏi phòng. Có lẽ bác ngại sự hiện diện của bác trong tình huống này sẽ khiến tôi xấu hổ.
Bác Đán làm tôi cảm động vô cùng. Cảm động nhất là từ lúc đó cho đến tối, cho đến tận những ngày hôm sau, bác chẳng nhắc gì đến chuyện tôi cãi lời bác, lần thứ hai “tàn phá đời mình trong men rượu”. Bác không “xổ nho”, cũng không mượn lời cổ nhân để gián tiếp răn tôi. Bác chỉ lặng lẽ loay hoay chỗ bếp lò, lúi húi nấu cháo đậu xanh cho tôi ăn, nấu rễ tranh, mía lau, mà để lấy nước cho tôi uống. Bác bảo, ăn uống những thứ này, tôi sẽ mau lấy lại sức.
Bây giờ ngồi thu mình trên vỉa hè, nhớ đến sự chăm sóc lặng thầm của bác, lòng tôi bỗng rưng rưng xao xuyến. Có lẽ trong những ngày tháng tôi xa nhà trọ học, bác là người thương tôi nhất. Phải chi nhỏ Quyên có được một nửa tình thương của bác đối với tôi.
Nghĩ đến nàng Stéphanette, chàng chăn cừu ngước bộ mặt ủ ê nhìn lên cửa sổ. Tiếng dương cầm thánh thót vẫn rót xuống tự trên cao, nhưng bản “Au claire de lune” đêm nay sao nghe buồn rũ rượi.
Trong khi tôi đang đờ đẫn lắng nghe từng nốt nhạc ngấm vào hồn thì cửa nhà nhỏ Quyên xịch mở. Rồi trước sự kinh ngạc của tôi, nhỏ Quyên bước ra và hấp tấp băng qua đường, chạy thẳng lại chỗ tôi. “Sao Khoa không vào nhà, lại ngồi đây?”, nhỏ Quyên hỏi. Tôi liếm môi “Tại tôi thích thế”. Nhỏ Quyên khẽ chạm những ngón tay trắng muốt của nó vào vai tôi, cười khúc khích “Thôi mà, Khoa đừng giận nữa! Quyên biết cả rồi!”. Tôi tròn mắt “Quyên biết gì?”. “Biết biết thơ kia là do Khoa viết tặng Quyên”. Tôi như không tin vào tai mình “Làm sao Quyên biết?” – “Minh Hoa nói”. Tôi ngẩn ngơ “Chỉ có thế mà Quyên tin sao?”. Nhỏ Quyên chúm chím “Tin chứ. Khi Quyên đem chuyện đó hỏi bạn trai của Quyên, bạn trai của Quyên cũng thừa nhận như vậy”. Rồi không để tôi kịp hỏi thêm, nhỏ Quyên nắm lấy tay tôi “Khoa vào nhà học bài với Quyên đi! Từ nay trở đi Khoa không được bỏ Quyên một mình nữa đấy nhé!”. Câu nói của nhỏ Quyên nghe như một lời ước hẹn. Tôi nghe lùng bùng lỗ tai, bèn nhắm mắt lại, lảo đảo đứng lên.
Khi tôi trần tĩnh, mở mắt ra thì nhỏ Quyên đã không còn ở đó. Tôi lúc lắc đầu và chớp mắt hai ba cái liền để sững sờ nhận ra ô cửa sổ trên tầng hai vẫn sáng, bóng nhỏ Quyên vẫn in chập chờn trên rèm cửa và tiếng dương cầm từ nãy đến giờ chẳng phút nào ngưng.
Tôi nấn ná dán mắt vào chiếc bóng của nhỏ Quyên thêm một lúc rồi cuối cùng biết lưu luyến cũng chẳng ích gì, tôi buồn bã thở một hơi dài và quay mình thất thểu bỏ đi.
Trước mặt tôi, gió sông Hàn thổi lên lạnh buốt. Sau lưng tôi suối nhạc đuổi theo lạnh lùng.
Và trong đầu tôi, những câu thơ Nguyễn Bính thật quá chừng lạnh lẽo:
Cửa hàng nghìn khép lại
Tất cả một đêm nay
Có lòng ta rồ dại
Mở ra muôn ngàn ngày…
****** Hết ******