Những Cô Em Gái

27.09.2014
Admin

Chương 7:

Hồng Hà thấy tôi vào lớp cứ luôn miệng nói cười toe toét, lấy làm lạ lắm. Nó cứ tò tò theo tôi, gặng hỏi:
– Mày… mày có chuyện gì vui thế?
Tôi chối phắt:
– Có chuyện gì đâu!
– Mày… mày đừng giấu tao!
Hồng Hà vừa nói vừa nhìn tôi chằm chằm. Thấy tôi làm thinh, nó lại dò dẫm:
– Mày… mày đang thương con nhỏ nào phải không?
– Bậy.
Hồng Hà vẫn không chịu nhận là mình “bậy”, lại hỏi:
– Em… em thằng Đông Anh hở?
Nó hỏi mặc nó, tôi im ru.
– Em… em thằng Bội hở?
Trời đất, không hiểu thằng cà lăm này căn cứ vào đâu mà nghĩ rằng tôi thương “hoa khôi sún răng” trường Sao Mai!
Lần này không những không trả lời, mặt tôi sa sầm xuống.
Hồng Hà chứng tỏ không ai lì lợm bằng nó. Bất chấp sự phật ý của tôi, nó quyết tìm ra sự thật đến cùng:
– Hay… hay em thằng Diên?
Thấy tôi vẫn không buồn nhếch mép, Hồng Hà ngó sững tôi một hồi tồi reo lên:
– A, vậy… vậy là em thằng Minh Khôi rồi?
Tới đây thì tôi hết chịu đựng nổi.
– “Em thằng Minh Khôi” cái đầu mày! – Tôi quắc mắt gầm gừ – Con nhỏ tao thương không phải em gái đứa nào hết!
Thấy tôi trúng kế, Hồng Hà sáng mắt, hỏi dồn:
– Chứ… chứ nó là ai?
– Nó là con cha mẹ nó!
Hồng Hà nhăn mặt:
– Cha… cha mẹ nó là ai?
– Là con ông bà nó! – Tôi hừ mũi – Mày đừng hòng gài bẫy tao!
Thấy âm mưu bị bại lộ, Hồng Hà cười hì hì:
– Tao… tao chỉ muốn biết để giúp đỡ mày thôi mà.
Tôi liếc xéo nó:
– Giúp đỡ bằng cách nào?
– Tao… tao sẽ tỏ tình giùm mày?
– Khỏi! – Tôi nhún vai – Nó không phải là tao. Nó không đủ kiên nhẫn nghe mày nói hết một câu đâu.
Bị tôi điểm ngay yếu huyệt, Hồng Hà gãi đầu, toét miệng cười:
– Ờ há! Tao… tao quên béng mất chuyện đó.
Tôi lim dim mắt:
– Mày yên chí. Tao sẽ làm thơ tặng nó. Đọc thơ tao, nó sẽ hiểu được tình cảm lai láng tao dành cho nó.
Hồng Hà gật đầu:
– Ừ, mày… mày là Lý Bạch mà tao quên khuấy!
Tôi hất mặt lên trời:
– Là Rimbaud nữa!
Hồng Hà nhanh nhẩu hùa theo:
– Ừ, là… là Rimbaud nữa.
Rimbaud vung tay phải:
– Bài thơ “Giấc mơ của chàng chăn cừu” đăng trên báo Bạn Trẻ chính là bài thơ đầu tiên tao làm cho nó.
Hồng Hà gật gù:
– Ra vậy!
Rimbaud vung tay trái:
– Bài thơ tao viết cho nhỏ Đinh Lăng thực ra cũng là viết cho nó.
Hồng Hà tròn xoe mắt:
– Thế hở?
Rimbaud vung cả hai tay:
– Cả những bài thơ tao viết cho em gái thằng Bội, em gái thằng Diên, em gái thằng Minh Khôi cũng thế. Cũng đều viết cho nàng Stéphanette.
Quá hứng khởi, tôi phun tên người thương ra cửa miệng. Hồng Hà sửng sốt:
– Con… con nhỏ đó là Tây… Tây lai?
– Bá láp!
– Như vậy nó là… là Tây con? – Hồng Hà lật đật sửa sai – Nó là dân Pascal?
Tôi lắc đầu:
– Nó người Đà Nẵng, học bên Trưng Vương.
Hồng Hà ngạc nhiên:
– Thế sao tên nó là… là Stéphanette?
Tôi mỉm cười:
– Đó là tên nhân vật trong truyện “Les Étoiles” của Alphonse Daudet.
– Tao nhớ truyện đó rồi! – Hồng Hà “à” một tiếng – Hèn gì mày tự ví mình là chàng chăn cừu cô đơn?
Hồng Hà tò mò:
– Thế tên… tên thật con nhỏ đó là gì?
– Quyên.
Hồng Hà tấm tắc:
– Tên hay ghê!
Tôi thừa dịp ca ngợi chủ nhân của trái tim tôi:
– Tên hay mà người cũng đẹp. Đẹp hơn em gái thằng Đông Anh gấp mười lần.
Đông Anh là dân Pascal. Chỉ có vậy mà nàng Đinh Lăng bị thằng Hồng Hà “phân biệt đối xử” thê thảm. Nghe nhỏ Quyên trường Việt đẹp hơn em gái dân trường Tây, Hồng Hà cười tít mắt:
– Nhỏ Đinh Lăng thua xa ngón chân út của nhỏ Quyên hở?
Tôi không thích lối ví von khủng khiếp của Hồng Hà, nhưng vẫn gật đầu đại:
– Ừ.
Hồng Hà gạ:
– Hôm nào mày giới… giới thiệu nhỏ Quyên với tao nhé.
– Ừ, hôm nào. Gặp nhỏ Quyên rồi, mày sẽ thấy tao không hề nói ngoa.
Hồng Hà nắm chặt tay tôi:
– Tao… tao tin mày mà.
Trong lớp, chỉ có mỗi Hồng Hà biết tôi thương nàng Stéphanette. Với những đứa khác, tôi ngậm tăm. Tôi dặn Hồng Hà đừng hé môi nửa lời về chuyện này với bất cứ ai.
Ngay cả với Hồng Hà, tôi cũng chỉ mở cửa lòng he hé. Tôi chỉ nói tôi thương nhỏ Quyên và làm thơ cho nó. Thế thôi. Tôi giấu biến chuyện trước đây tôi vẫn ngồi bệt trên vỉa hè đường Nguyễn Du đêm này qua đêm khác như một tên du thủ du thực chính hiệu. Tôi không dại gì nói với nó rằng trong suốt một thời gian dài tôi chỉ chiêm ngưỡng nàng Stéphanette qua chiếc bóng in hững hờ trên rèm cửa sổ. Rằng nếu không có một sự tình cờ run rủi, nghĩa là nếu thằng Bá không giới thiệu tôi làm quen với Minh Hoa, cho đến già tôi cũng chưa chắc biết đến chân dung của người tôi thương, nói gì đến chuyện được nàng hẹn hò “nếu rảnh cứ đến chỗ Quyên chơi”.

*****

Tôi “đến chỗ Quyên chơi” ngày càng thường xuyên.
Thời gian đầu, mỗi tuần tôi ghé một lần vào buổi tối. Sau đó, tôi ghé một tuần hai lần, rồi ba lần. Thấy nhỏ Quyên không tỏ vẻ gì phản đối, tôi hí hửng lấn tới.
Tôi được đằng chân lân đằng đầu. Bây giờ thì không những tôi đến nhà nhỏ Quyên hằng ngày, mà còn trưa đến một lần tối đến một lần. Cứ cái đà này, dám có ngày tôi dọn đến nhà nó ở luôn!
Thỉnh thoảng tôi gặp ba mẹ nhỏ Quyên ở phòng khách. Lần đầu tôi hơi sờ sợ, nhưng ba mẹ nó đối xử với tôi rất niềm nở, thân thiện nên dần dà tôi tự nhiên hơn.
Mẹ nó còn nói:
– Con ở ngoài này không có bà con, khi nào buồn cứ đến chơi với nhỏ Quyên con nhé!
Sau này tôi biết thêm ông ngoại nhỏ Quyên hồi trước làm việc ở Thăng Bình và sinh ra mẹ nó ở đó, mãi về sau mới chuyển ra Đà Nẵng. Chắc mỗi lần nhìn thấy tôi, mẹ nó lại rưng rưng nhớ đến nơi chôn nhau cắt rốn nên đã biệt đãi tôi cũng nên.
Như lửa đặt sát rạt bên cạnh rơm, tôi với nhỏ Quyên ngày càng thân mật. Gặp nhau hằng ngày như thế, không thân mật mới là chuyện lạ.
Có lần tôi áy náy nói với nó:
– Tôi đến chơi suốt, làm sao Quyên học bài được?
Nó gật đầu:
– Ừ, Quyên không học được.
Sự thú nhận thành thật của nhỏ Quyên chẳng khác nào gáo nước lạnh tạt vào ngực tôi. Lòng tôi bỗng chốc hoang mang. Nó nói như vậy có khác nào nó bảo tôi đừng dẫn xác đến nhà nó nữa. Có khác nào nó bảo tôi đã quấy rầy nó quá nhiều, sở dĩ trước nay nó không nói thẳng ra chỉ vì nó tội nghiệp cho thân phận lẻ loi, nghèo hèn của một học trò tỉnh lẻ đó thôi.
Trong thoáng mắt, tôi chợt nhận ra vị trí thực sự của mình. “Tôi chỉ là chàng chăn cừu cô đơn lang thang trên đồng cỏ. Đêm không biết làm gì, ngồi đếm sao thưa”. Và chàng chăn cừu cúi đầu, ngậm ngùi:
– Tôi xin lỗi Quyên. Tôi sẽ không đến đây nữa.
– Sao thế? – Nhỏ Quyên có vẻ bất ngờ trước quyết định của tôi.
Tôi cay đắng:
– Để cho Quyên học bài.
– Khoa buồn cười quá. Đâu nhất thiết phải vậy! – Nhỏ Quyên cười khúc khích – Khoa cứ ôm tập đến học chung với Quyên! Khoa ngồi một góc, Quyên ngồi một góc, như vậy thì ai cũng học bài được.
Nhỏ Quyên đề nghị một cách thản nhiên trong khi tôi nghe lùng bùng lỗ tai, mặt bất giác thần ra.
Nhìn vẻ mặt ngơ ngẩn của tôi, nhỏ Quyên ngạc nhiên hỏi:
– Bộ Khoa không thích học chung với Quyên hở?
– Không! – Tôi lắp bắp – Thích… thích chứ!
Nhỏ Quyên mỉm cười:
– Vậy bắt đầu từ ngày mai, Khoa nhớ ôm tập theo nhé!
Thế là kể từ hôm đó, chàng chăn cừu ngày ngày ôm tập đến học chung với nàng Stéphanette, điều mà dẫu táo tợn đến mấy nhà văn Alphonse Daudet cũng không dám nghĩ tới.
Tôi học ban C, toán lý hóa dốt đặc cán mai, nhỏ Quyên phải chỉ tôi. Ngược lại tôi “phụ đạo” tiếng Pháp, tiếng Anh cho nàng nữ sinh ban A mải vùi đầu tụng bài không có thì giờ để trau dồi ngoại ngữ.
Bác Đán thấy tôi dạo này ngày hai bữa ăn xong là ôm tập tót ra khỏi nhà, lấy làm ngạc nhiên lắm:
– Con đi học thêm hở con?
– Dạ.
– Học thêm sao ngày nào cũng đi thế, con? Lại đi trưa đi tối?
Tôi nuốt nước bọt:
– Con học nhiều môn bác ạ. Con sợ thi rớt.
Bác Đán không biết “đi học thêm” theo kiểu của tôi khả năng thi rớt nhiều hơn là thi đậu, bèn gật gù:
– Con biết lo thế là tốt. Nhưng cũng phải biết giữ gìn sức khỏe nghe con.
– Dạ.
Bác Đán sực nhớ ra:
– À, còn chuyện con bé kia đến đâu rồi hở con?
Tôi giật thót, miệng vội vàng đáp:
– Chưa đến đâu cả bác ạ.
Mặc dù tay tôi đã ôm sẵn tập chuẩn bị vù thẳng đến nhà nhỏ Quyên.
Nghe tôi nói vậy, bác Đán không chất vấn nữa. Bác nhìn ra ngoài đường, chép miệng bâng quơ:
– Sao bác vẫn thấy lo cho con quá. Tâm hồn con quá lãng nạn, không cẩn thận giữ mình sẽ có ngày bị lũ lụt tình ái cuốn trôi.
– Không đâu bác!
Tôi khẳng khái đáp và nôn nao bước chân ra khỏi nhà.
Tối đó, sau khi ở nhà nhỏ Quyên về, tôi hứng khởi ngồi vào bàn, ngất ngây phóng bút:
Có một kẻ làm ta đau khổ
Còn hơn đời chẳng vấn vương ai
Lũ lụt tình anh xin chịu hết
Chớ để lòng như suối cạn hoài.
Bài thơ này sau khi làm xong, tôi xé khỏi tập, gấp lại nhét vào giữa lần giấy bao và bìa tập. Tôi sợ bác Đán đọc được. Tôi không muốn bác lên cơn đau tim.

*****

Chuyện nhỏ Quyên, tôi giấu được tụi bạn trong lớp nhưng không giấu được Minh Hoa.
Một hôm, Minh Hoa hỏi tôi:
– Sao dạo này Khoa ít ghé chơi?
Tôi không dám nói lộ trình của tôi dạo này đã quanh sang ngả khác. Tôi ấp úng:
– Dạo này tôi bận học.
Minh Hoa nhìn tôi đăm đăm:
– Khoa nói thật đấy hở?
Tôi ngó lơ chỗ khác, lí nhí đáp:
– Thật.
Minh Hoa mỉm cười:
– Khoa bận học ở nhà Quyên chứ gì!
Tôi không ngờ Minh Hoa biết chuyện này. Vì vậy mặt tôi đỏ bừng:
– Ai bảo Minh Hoa vậy?
– Quyên bảo chứ ai. Quyên nói gần đây ngày nào Khoa cũng đến!
Giọng Minh Hoa đột nhiên ranh mãnh:
– Mà một ngày đến những hai lần cơ.
Tôi bối rối phân bua:
– Tôi chỉ đến để học bài.
Cách ứng đáp của tôi có lẽ quá vụng về cho nên Minh Hoa không buồn vặn vẹo, trêu chọc. Nó không muốn dồn tôi vào chân tường. Nó ngó tôi một hồi rồi ngoảnh đầu nhìn ra sân nắng, buột miệng bâng quơ:
– Quyên có bạn trai rồi, Khoa ạ.
Thông báo của Minh Hoa quả là đột ngột. Nhưng lúc này tôi không buồn thắc mắc tại sao tự dưng nó lại nói đến chuyện này. Tôi chỉ nghe tim tôi thắt lại. Như người đang ở trong mơ, tôi hỏi lại Minh Hoa bằng cái câu nó vừa hỏi tôi:
– Minh Hoa nói thật đấy hở?
Và tôi nghe tiếng Minh Hoa như từ xa xăm vọng lại:
– Thật.
Trong thoáng mắt, tôi có cảm giác tai tôi như ù đi. Tôi không thể tin được nhỏ Quyên đã có bạn trai. Trước nay, tôi không nghe nó nói gì về chuyện đó. Dạo trước, tối nào tôi cũng ngồi trước cửa nhà nó đến khuya lơ khuya lắc, đâu có thấy ai thập thò bén mảng. Gần đây tôi thường xuyên “đóng đô” ở nhà nó, cũng không thấy bóng dáng người con trai nào thấp thoáng tới lui.
Nhưng tôi biết Minh Hoa không phịa chuyện để hù tôi. Minh Hoa thương tôi lẻ loi nơi xứ lạ, nó không nỡ nào làm tôi đau khổ một cách vô cớ.
Thấy tôi thừ người ra, Minh Hoa ngập ngừng an ủi:
– Đừng buồn, Khoa ạ.
Minh Hoa là con nhỏ tốt bụng, nhưng vô duyên. Lúc này mà nó khuyên tôi đừng buồn có khác nào nó chọc quê tôi.
Mặt tôi xịu xuống:
– Hắn là ai vậy?
– Minh Hoa không biết.
Tôi định bắt bẻ “Thế sao Minh Hoa biết Quyên có bạn trai?” nhưng cuối cùng tôi nén lại được. Hỏi câu đó tôi còn vô duyên hơn Minh Hoa gấp bội.
Không hỏi được, tôi đứng lên, giọng buồn rười rượi:
– Tôi về nhé.
Minh Hoa không cản. Nhưng khi tiễn tôi ra cửa, nó bỗng rụt rè buột miệng:
– Lẽ ra Minh Hoa không nên…
Tôi giơ tay, hùng dũng cắt ngang:
– Minh Hoa đừng áy náy. Tôi không sao đâu.
Rồi trước vẻ mặt bồn chồn của nó, tôi không nói thêm một tiếng nào, quay mình lật đật rảo bước.
Tôi tuyên bố như một người hùng. Và bỏ đi như một tên thua bạc.
Tối đó, tôi lang thang qua các ngả phố như những ngày đầu tiên ra Đà Nẵng. Tôi lại đi qua các ngã tư đèn màu để nghe lòng mình chớp nháy. Tôi lại vào các cửa hiệu để chẳng mua gì. Bây giờ tôi đã có nhiều bạn bè hơn, đã bớt quạnh hiu hơn nhưng chiếc chồi non mơ mộng trong hồn tôi đã héo. Nàng Stéphanette đã có ý trung nhân mà chàng chăn cừu ngô nghê đâu có biết.
Tôi là Rimbaud nửa mùa, chỉ biết làm thơ ca tụng tình mình:
Hạt mưa nằm ngủ trong mây
Lửa kia chen chúc ngủ đầy hộp diêm
Mặt trời ngủ gật mỗi đêm
Chân anh ngủ trước nhà em mỗi ngày.
Tôi làm thơ cho chủ nhân của trái tim tôi mà không hề biết trái tim của nàng đã có người dựng lều hạ trại từ lâu. Chân tôi ngủ trước nhà nàng mỗi ngày nhưng không biết có một bóng hình lẻn vào nhà nàng theo ngả khác.
Lòng quặn thắt, tôi đi đến rạc cẳng, dật dờ, vô định. Vừa đi tôi vừa tưởng tượng cảnh nhỏ Quyên mặc áo cưới trắng tinh leo lên xe hoa ngồi cười toe toét bên anh chồng răng vẩu, mắt toét, mặt dài như mặt ngựa, lại rỗ hoa chằng chịt. Và chắc chắn anh chàng xấu xí này còn mắc thêm tật cà lăm của thằng Hồng Hà. Đáng đời nhỏ Quyên, đáng đời nó!
Cho đến tận khuya, tôi mới thất thểu xuôi về sông Hàn. Tôi lần mò vào nhà, sè sẹ mở cửa phòng, nơm nớp sợ bác Đán thức giấc.
Những tứ thơ trào ra theo nỗi buồn chất ngất, nhưng tôi không dám bật đèn ngồi chép. Tôi leo lên ghế bố, nằm buồn tình nhẩm tới nhẩm lui:
Người con gái ấy lấy chồng
Người con trai ấy tần ngần trông theo
Phố phường bữa ấy vắng teo
Trên cành cây ấy lá gieo một mình…

Chương 8:

Hồng Hà là con quỷ. Những tâm sự của tôi không thể nào qua được mắt nó. Bữa trước tôi vui, nó tò tò theo hỏi. Bữa nay tôi buồn, nó theo hỏi tò tò:
– Chuyện… chuyện gì thế hở mày?
Thấy tôi làm thinh, nó nheo mắt:
– Nàng… nàng Stéphanette cho mày de rồi hở?
– Ừ.
Hồng Hà hỏi trêu, không ngờ tôi lại gật đầu thật. Nên nó tròn mắt:
– Mày… mày không xạo đấy chứ?
Tôi buồn bã:
– Nàng sắp lấy chồng rồi.
– Sao… mày biết?
– Tao đoán.
– Chuyện… chuyện quan trọng như vậy đâu thể đoán mò được.
Tôi mím môi:
– Nhưng mà tao đoán được.
Rồi tôi kể cho nó nghe những gì Minh Hoa nói với tôi. Tôi còn đọc thơ minh họa: “Người con gái ấy lấy chồng…”.
Nghe xong, Hồng Hà cười hô hố:
– Mày… mày quá bi quan.
– Bi quan?
– Ừ! – Hồng Hà gật gù – Biết… biết đâu con nhỏ Minh Hoa kia yêu mày. Nó… nó phao tin bậy bạ để mày bỏ nhỏ Quyên và chuyển hướng tình cảm sang nó đó thôi.
Tôi đực mặt nghe Hồng Hà giải thích, lòng nửa tin nửa ngờ. Tôi không nghĩ Minh Hoa có cảm tình đặc biệt với tôi. Nếu có, tôi biết ngay. Xưa nay Minh Hoa chẳng để lộ một dấu hiệu gì đáng nghi cả. Nhưng giả như nó yêu tôi thật, tôi cũng không dám đáp lại. Thằng Bá đã đe tôi rồi: “Chớ dại dột tiến xa hơn”. Nhớ biệt danh “Sát thủ hoa hồng” Bá ký dưới bức thư, tôi muốn rợn tóc gáy.
Tuy vậy, những điều Hồng Hà nói không phải hoàn toàn vô lý. Tôi không rõ Minh Hoa căn cứ vào đâu để bảo nhỏ Quyên có bạn trai. Tôi không tin Minh Hoa cố tâm gạt tôi nhưng tôi ngờ rằng nó trông gà hóa cuốc rồi suy diễn lung tung.
Cuộc trò chuyện ngắn ngủi với Hồng Hà giúp tôi lấy lại tinh thần. Tôi đã thôi ủ rũ. Chiếc chồi non mơ mộng trong hồn tôi đã xanh tươi trở lại. Tôi thấy cuộc đời toàn một màu hồng. Tôi muốn ôm choàng cả thế giới trong tay. Tôi tưởng tôi là Xuân Diệu:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước và cây và cỏ rạng…
Lòng vui vẻ, tôi vỗ vai Đông Anh:
– Chiều nay tao đến thăm em gái mày nhé.
Tôi tưởng Đông Anh sẽ hào hứng trước đề nghị của nhà thơ lớn. Nào ngờ nó nhún vai:
– Chiều nay nhỏ Đinh Lăng không có nhà. Nó đi dự sinh nhật bạn.
Tôi nhìn Bội:
– Thế thì chiều nay tao đến nhà mày vậy. Tao muốn tâm sự với hoa khôi trường Sao Mai.
– Chiều nay em tao cũng đi vắng! – Bội tặc lưỡi.
Đông Anh và Bội làm tôi đâm sượng. Tôi quay sang thằng Diên, cẩn thận hỏi trước:
– Nhỏ Linh San chiều nay có nhà không hở mày?
Thằng Diên khẽ liếc Đông Anh và Bội, liếm môi đáp:
– Em tao hở? Em tao thì có nhà nhưng chiều nó phải phụ với mẹ tao giặt mùng mền suốt đến tối.
Sự từ chối của tụi bạn khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Hôm trước, lúc tôi chưa làm thơ cho em gái tụi nó, đứa nào cũng vồ vập mời tôi về nhà chơi, thậm chí còn kiên nhẫn “xếp hàng” đợi tới lượt mình. Sao hôm nay tôi đòi ghé chơi, chẳng đứa nào nhiệt tình hưởng ứng?
Tôi không cắt nghĩa được thái độ kỳ lạ đó, nhưng sự lạnh nhạt của tụi nó làm tôi đâm chán. Tôi ngó sang chỗ thằng Minh Khôi nhưng không đủ can đảm gạ nó dẫn về nhà. Tôi ngờ rằng nếu tôi đề nghị, thằng Minh Khôi cũng nghĩ ra một lý do nào đó để lắc đầu như mấy đứa kia.
Tôi hỏi nhỏ Hồng Hà:
– Sao tụi nó không muốn tao đến nhà hở mày?
Hồng Hà nhún vai:
– Tụi Pascal là vậy. Chả chơi với ai được lâu.
Tôi đã chán, nghe giọng điệu của Hồng Hà tôi lại càng chán hơn. Thằng “cục bộ” này chỉ chờ dịp là kết án tụi trường Tây vô tội vạ.
Nhưng dẫu sao tôi cũng không buồn cho lắm. Nàng Đinh Lăng, nàng Linh San “con gái Nhạc Bất Quần” đâu phải là nhỏ Quyên. Gặp mặt hay không gặp tụi nó đối với tôi chẳng có gì quan trọng. Tôi là chàng chăn cừu, biết chuyện nàng Stéphanette có bạn trai chỉ là tin vịt, lòng đã hân hoan lắm rồi.

*****

Bác Đán thấy tôi thoắt vui thoắt buồn, lấy làm lo lắm.
Nhưng rồi thấy khuyên mãi mà tôi vẫn chứng nào tật nấy, hôm nào cũng chuồn ra khỏi nhà đi chơi đến tối mù tối mịt, bác ngán ngẩm không buồn nhắc nhở nữa.
Bác xoay qua nhắc nhở chuyện khác:
– Con giặt đồ đi chứ con. Sao quần áo cứ ngâm hoài trong thau vậy?
– Dạ.
– Dạ là chừng nào con mới chịu giặt?
– Tối nay bác ạ.
– Sao con không giặt buổi chiều?
– Dạ, chiều nay con phải đi học thêm.
Bác Đán có lẽ rất nghi ngờ cái khoản đi học thêm của tôi nhưng bác không hỏi, chỉ nói:
– Con nhớ nhé.
Tôi đáp “nhớ” và tối đó mải cắm cúi làm thơ, tôi quên bẵng mất thau đồ.
Hôm sau, bác Đán nhắc lần thứ hai:
– Hôm qua con đã quên giặt đồ, hôm nay con phải nhớ nghe con.
Tôi đỏ mặt, khẳng khái:
– Bác đừng lo! Nhất định hôm nay con sẽ nhớ.
Tôi hứa một cách hùng hổ và nuốt lời hứa cũng hùng hổ không kém.
Chiều đó trời chuyển gió, mây đen vần vũ. Và đến tối thì mưa trút xuống như thác. Mưa mù trời mù đất, kéo dài đến tận sáng hôm sau.
Gần nửa đêm, Rimbaud đội mưa từ nhà người yêu trở về, người ướt đẫm. Chiếc áo mưa mỏng manh của nàng khoác lên vai chàng chả che chắn được gì.
Run cầm cập, Rimbaud thay đồ xong liền vội vã ngồi vào bàn, trút rét mướt vào thơ:
Anh đi về hướng mưa rơi
Bữa ấy lênh đênh kín một trời
Một dòng sông trắng từ xa lại
Hay là vạt áo của em phơi?
Viết xong bài thơ bốn câu, Rimbaud ngồi khoái trá rung đùi, phần để đỡ lạnh, phần vì thích thú với câu thơ “vạt áo của em phơi” đầy hình ảnh.
Đang say sưa thưởng thức tài thơ của mình, Rimbaud bỗng tái mét mặt. Chính câu thơ thiên tài đó đã khiến chàng nhớ tới thau đồ dơ đang chờ đợi chàng chiếu cố mấy ngày nay. Quần chàng chưa giặt, vạt áo chàng chưa phơi, vậy mà sáng nay chàng đã hứa với bác Đán chắc như đinh đóng cột.
Rimbaud lập tức ném bút, phóc ra khỏi bàn, lao như bay ra sau hè.
Dưới vòi nước máy, chiếc thau vẫn còn đó nhưng quần áo của chàng đã biến mất.
Ngạc nhiên, chàng đảo mắt trông ngang ngó ngửa một hồi và nhanh : Dng phát hiện quần áo chàng đã có ai giặt giùm và đang phơi phóng dưới mái hiên. Cô Tấm đã đến nhà ta chăng? Chàng sửng sốt tự hỏi. Rồi chàng tự trả lời một cách buồn rầu: Không, cô Tấm chỉ cư trú trong truyện cổ, còn ở nhà ta chỉ có bác ta thôi!
Sáng hôm sau, chàng Rimbaud thảm hại là tôi không dám ngồi lên khỏi ghế bố, thậm chí không dám kéo mền ra khỏi đầu, mặc dù giờ vào học đã gần kề. Tôi sợ chạm mặt bác Đán. Tôi sợ bác sẽ hỏi tôi bằng giọng phiền muộn “Con có biết câu “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” không hở con?”.
Tôi định bụng chỉ tung mền ngồi dậy khi bác Đán đã ra ngoài. Tôi sẵn sàng bỏ học một hoặc hai tiết đầu để chờ bác đi khỏi.
Nhưng rốt cuộc toan tính của tôi chẳng thực hiện được.
Bác Đán lay chân tôi:
– Dậy đi con!
Tôi làm thinh, vờ ngủ say như chết.
Bác Đán đập đập lên chiếc mền:
– Coi chừng trễ học con ơi!
Lần này, tôi vừa trở mình vừa ú ớ, ra vẻ ta đây đang mê ngủ khủng khiếp, chỉ có người nào vô lương tâm lắm lắm mới nỡ phá giấc ngủ của ta trong lúc này thôi.
Nhưng khổ nỗi, bác Đán tôi lại nghĩ khác. Bác cho rằng người vô lương tâm là người không chịu kêu cháu mình dậy đi học đúng giờ. Nên lần thứ ba bác vừa đập vừa lay vừa gọi lớn:
– Khoa, ngồi lên đi con!
Tôi đành ngồi lên, vờ đưa tay dụi mắt.
Dụi tới dụi lui một hồi, không nghe bác Đán nhắc gì đến chuyện thau đồ, tôi từ từ mở mắt ra và bình tĩnh leo xuống đất.
Bữa đó, cho đến khi tôi ôm tập bước ra khỏi nhà, bác Đán vẫn không hé môi nửa lời về chuyện bác đã giặt giùm đứa cháu lười biếng của bác.
Bác Đán tôi quả là người hiền lương. Bác “thi ân bất cầu báo”. Trong bữa cơm trưa rồi trong bữa cơm chiều, bác vẫn làm như không nhớ gì đến chuyện đó.
Bác không nhớ nhưng tôi nhớ. Thoạt đầu, thấy bác không nói gì, tôi nhẹ cả người. Nhưng tôi chỉ nhẹ được có một ngày. Thời gian càng trôi qua, tôi càng cảm thấy áy náy. Bây giờ thì tôi hiểu rằng chẳng thà bác quở trách, mắng mỏ, tôi còn thấy dễ chịu hơn. Bác cứ làm lơ như thế này, tôi bứt rứt quá đỗi.
Đến tối thì tôi hết nhịn nổi. Tôi rón rén lại gần chỗ bác ngồi:
– Bác ơi…
Bác Đán buông tờ báo xuống, quay nhìn tôi:
– Gì hở con?
Tôi lúng búng trong miệng:
– Thau đồ…
Bác Đán gật đầu, điềm nhiên:
– Bác đã giặt giùm con rồi.
– Con cảm ơn bác! – Tôi nói, cố tìm những lời nịnh nọt cảm động nhất – Chắc bác biết con dạo này bận học thêm nên đã…
– Không phải đâu con! – Bác Đán giọng nhẹ nhàng – Con người ta dù bận rộn đến mấy vẫn tìm ra thì giờ để giặt quần áo. Bởi một lẽ đơn giản là chẳng ai có thể trần truồng đi ra đường. Bác giặt thau đồ đó giùm con không phải là đỡ đần cho con đâu. Chỉ tại con ngâm lâu ngày, quần áo bốc mùi nặng quá, bác không chịu nổi nên đành giặt giùm con đó thôi.
Bác Đán làm tôi thẹn đến đỏ mặt tía tai. Thì ra bác tôi không được hiền lương cho lắm. Bác “mưu sâu kế hiểm” khôn lường. Bác không thèm nói, đợi cho đứa cháu khù khờ mở miệng để ra tay dạy một bài học nhớ đời.
Tôi đứng chết trân có đến hai ba phút, cuối cùng thấy trong ba mươi sáu cách không có cách nào hay hơn là cách lí nhí:
– Con xin lỗi bác. Lần sau con sẽ…
Bác Đán cắt ngang:
– Bác đã nghe con hứa nhiều lần rồi. Con không cần nói nữa, bác chỉ chờ con làm.
Bữa đó bác Đán làm tôi xấu hổ quá. Nhưng tự trong thâm tâm tôi biết bác Đán không ghét bỏ gì tôi. Bác thương tôi như con. Bác nghiêm khắc với tôi chỉ vì muốn tôi nên người. Bác không muốn tôi giống chàng trai trong thơ Xuân Diệu “Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá. Chỉ biết yêu thôi, chả biết gì”, kể cả chuyện giặt quần áo cỏn con kia.
Tôi không muốn phụ lòng tin cậy của bác Đán tôi. Tôi cố chứng tỏ cho bác thấy tôi không phải là đứa lười chảy thây bằng cách ngày hôm sau è cổ ngồi giặt ngay thau đồ mới nhất.
Thau đồ tiếp theo tôi cũng “thanh toán” nhanh gọn.
Bác Đán rất hài lòng, nhưng không muốn khen tôi. Khen tôi, bác sợ tôi ngượng. Bác chỉ gật gù, bâng quơ:
– Quả là nam nhi chi chí!
Bác Đán tôi tuổi trung niên nhưng không để râu. Lúc nói câu đó, chắc bác tiếc hùi hụi về điều đó. Nếu có râu dài, tôi tin bác đã vuốt lấy vuốt để có đến mười phút là ít.
Nhưng bác Đán chỉ nói câu “nam nhi chi chí” được mỗi một lần. Những ngày sau bác không có cơ hội để thốt lên hào hứng như vậy nữa.
Thau đồ thứ ba, tôi vẫn giặt, nhưng đã uể oải lắm. Cho đến mãi mãi sau này, công việc tôi sợ nhất trên đời vẫn là giặt đồ. Tôi có thể đi chợ, làm bếp, nấu ăn, sẵn lòng gánh nước, chẻ củi, thậm chí đóng bàn đóng ghế, nhưng giặt quần áo đối với tôi bao giờ cũng là công việc đáng chán nhất thế giới. Vì vậy tôi tin rằng không phải điện thoại, vô tuyến truyền hình hay máy điện toán, mà chính máy giặt mới là phát minh quan trọng nhất của loài người.
Nhưng hồi tôi sống với bác Đán, chưa gia đình nào có máy giặt. Vì vậy mà sau khi giặt xong thau đồ thứ ba, tôi nhanh : Dng trở lại là thằng Khoa lười biếng trước đây.
Tôi lại ném quần áo dơ vào thau, vặn nước máy, pha bột giặt quậy đến ngầu bọt rồi để đó ngày này qua ngày khác.
Bác Đán im lặng theo dõi tôi đến ngày thứ ba, thấy tôi vẫn chẳng có ý định ngó đến thau quần áo, đành phiền muộn thốt câu quen thuộc:
– Chừng nào con mới chịu giặt đồ hở con?
Và tôi trả lời bằng một câu cũng quen thuộc không kém:
– Tối nay bác ạ.
Tất nhiên tối đó tôi ngủ thẳng cẳng, chẳng ngó ngàng gì đến thau đồ.
Trong giấc ngủ, tôi mơ thấy thau đồ của tôi bốc mùi thối khẳm, ruồi muỗi trong nhà chịu không nổi, chết rơi lộp độp. Tôi thấy bác Đán tôi mặt mày nhăn nhó. Bác ngồi dưới vòi nước máy, một tay bịt mũi, một tay vò quần áo giùm tôi.
Đó là giấc mơ. Đã là giấc mơ thường không có thực. Thế nhưng sáng dậy, mở mắt ngó ra tôi mừng rỡ thấy quần áo tôi đã được phơi phóng trên sợi dây căng dưới mái hiên sau. Tôi không rõ hồi hôm khi giặt quần áo cho tôi, bác Đán có lấy tay bịt mũi hay không nhưng quả tình hành động của bác đã diễn ra đúng như mưu kế trong đầu tôi.
Bác Đán đang ngồi đằng bàn đọc sách, biết tôi thức giấc, vẫn không buồn quay lại.
Tôi rất muốn biết lúc này bác đang nghĩ gì nhưng không tài nào đoán nổi. Chả rõ bác có hiểu được ý định của tôi hay không mà tự nhiên bác bỗng cao giọng đọc:
– Trong Nhan Thị Gia Huấn có câu “Việc đời vì khó mà bỏ qua, mười việc có chừng một việc. Vì lười mà bỏ, mười việc có đến chín việc”.
Tôi còn đang ngẩn ngơ, đã nghe bác tiếp:
– Gia Ngữ bảo “Ai mà thân được nhàn rồi thì chí thường eo hẹp”.
Thoạt đầu tôi tưởng bác đọc sách thật, nhưng nghe tới câu thứ hai, biết bác muốn mượn lời vàng ngọc của thánh hiền để răn tôi, tôi liền nhón gót đi thụt lui và len lén chuồn tuốt ra sau hè.
Đứng loay hoay ngoài hè, tôi bỗng vẩn vơ nghĩ đến nhỏ Quyên. Nếu nó chịu về ở chung với tôi, tôi đâu có rơi vào cảnh ngộ éo le này. Tôi đâu có để bác Đán mượn cớ đọc sách nói xa nói gần. Nhỏ Quyên xinh đẹp, dịu hiền, chắc chắn sẽ là một người vợ đảm đang không ai bì. Nghĩ ngợi lan man một hồi, tôi lại đâm lo: Những ngón tay nuột nà chỉ biết dạo dương cầm kia có thích hợp với chuyện giặt đồ không nhỉ? Hay có nó về, tôi phải è cổ giặt giũ gấp đôi?

*****

Từ ngày được Hồng Hà động viên, khuyên giải, lòng tôi đã thôi buồn. Cũng thôi lo sợ. Tôi lại ngày hai buổi đến nhà nhỏ Quyên vui vẻ như trước đây.
Và cũng như trước đây, mỗi khi tôi đến, thường tôi ngồi một góc, nhỏ Quyên một góc, mỗi đứa một cuốn tập trên tay. Chúng tôi im lặng học bài bên nhau. Những lúc đó, chẳng ai nói với ai một câu nào mà sao lòng tôi ngập tràn hạnh phúc. Có lẽ vì tôi sung sướng biết rõ tôi đang được ở bên cạnh người tôi thương. Nếu bạn thương một người nào đó và bạn biết chắc rằng người đó đang ở bên cạnh bạn trong vòng bán kính mười mét thì dù cả hai không nói với nhau một câu nào, thậm chí không nhìn thấy nhau, bạn vẫn cảm nhận rất rõ hương thơm và hơi ấm của người bạn yêu thương đang lan tỏa quanh người bạn và trái tim bạn sẽ không ngừng thổn thức một cách dịu dàng, đằm thắm. Cũng như tôi vậy.
Tất nhiên khi học bài xong, chúng tôi lại trò chuyện với nhau. Tôi và nhỏ Quyên ríu rít đủ chuyện trên đời. Nếu là buổi tối, bao giờ trước khi tôi ra về, nhỏ Quyên cũng đàn cho tôi nghe vài bản nhạc. Những bản nhạc đó, khi còn bó gối nơi bên kia đường ngóc cổ trông lên, tôi đã nghe đến thuộc lòng. Nhưng tôi vẫn chăm chú nghe, không hé môi nửa lời về những chuyện đã qua.
Cho đến mãi sau này, nàng Stéphanette vẫn không hề biết có một dạo đêm đêm tôi vẫn quẩn quanh trước cửa nhà nàng, vẫn ngồi bệt xuống vỉa hè như một gã hành khất để nghe nàng dạo nhạc và để mơ tưởng viển vông. Nghĩa là nàng không biết tôi yêu nàng, thậm chí yêu từ rất lâu trước khi tôi gặp nàng và dĩ nhiên yêu nhiều hơn là nàng tưởng.
Nhỏ Quyên không biết. Cho nên khi đóng hộp đàn lại, nó nheo đôi mắt đẹp nhìn tôi:
– Ngày mai Quyên sẽ đàn cho Khoa nghe bản khác. Bản này lạ lắm, có thể Khoa chưa từng nghe qua.
Tôi tủm tỉm:
– Bản nhạc nào Quyên đàn tôi nghe cũng lạ.
Tôi dóc tổ. Và tôi hân hoan ra về.
Suốt trong thời gian đó, tôi như sống trên mây. Ngày nào tôi cũng được gặp nhỏ Quyên, được nhìn nó cười, được nghe nó nói, được xem nó dạo nhạc. Tôi làm cả khối thơ. Những vần thơ tươi tắn, đầy chim nắng lá hoa:
Tình anh như lá
Reo vui mỗi ngày
Có chim về hót
Trong lòng sớm mai
Mai này lá rụng
Là mùa thu phai?
Không, tình yêu vẫn
Âm thầm trong cây!
Khi mùa xuân đến
Tình anh lại đầy
Lá nằm trong lá
Tay nằm trong tay…
Tôi chưa được nắm tay nhỏ Quyên lần nào. Nhưng trong mơ và trong thơ, tôi đã nắm. Tôi tin rằng một ngày đẹp trời nào đó, tôi sẽ làm được như mơ tôi và thơ tôi.
Chìm đắm trong viễn ảnh xán lạn đó, tôi quên bẵng câu chuyện nhỏ Minh Hoa nói với tôi hôm nào. Tôi đinh ninh ngoài tôi ra, nhỏ Quyên không có một người bạn trai nào khác.
Nhưng cuộc đời bao giờ cũng tréo ngoe, làm như không tréo ngoe thì không phải cuộc đời hay sao ấy.
Điều tréo ngoe đó xảy ra vào lúc tôi tình cờ bắt được một tờ giấy trong tập của nhỏ Quyên rơi ra.
Hôm đó, làm bài tập grammaire xong, tôi định ôn tiếp bài địa lý nhưng lại bỏ quên tập ở nhà. Thế là tôi lục tìm cuốn địa trong chồng tập của nhỏ Quyên. Lúc này, nhỏ Quyên không có trong phòng. Nó than đói bụng và mò xuống nhà bếp định tìm xem có thứ gì ăn được hay không.
Lúc tờ giấy rơi ra bàn, tôi thờ ơ nhặt lên và định nhét vào lại trong tập. Nhưng những câu thơ trong tờ giấy đập vào mắt khiến tôi tò mò. Tôi đoán chắc nhỏ Quyên chép thơ Nguyễn Bính hay Xuân Diệu chi đây.
Tôi dán mắt vào tờ giấy, nhẩm đọc. Và ngay câu thơ thứ nhất đã làm tôi bàng hoàng:
– Tôi là hòn sỏi buồn…
Tôi như không tin vào mắt mình. Vì đó là câu thơ đầu tiên trong bài thơ tôi làm tặng nàng Đinh Lăng.
Trong một thoáng, tôi tưởng tôi bị hoa mắt. Tôi tưởng tôi thức khuya làm thơ nhiều quá nên mắt tôi kèm nhèm, trông gà hóa cuốc.
Tôi phải đưa tay lên dụi mắt hai ba cái rồi hối hả đọc tiếp. Lần này thì tôi tin rằng đấy chính là bài thơ của tôi:
– Tôi là hòn sỏi buồn
Lăn qua cuộc đời bằng những vòng hiu quạnh
Chiều nay chợt biết chỗ dừng chân.
Người con gái tóc dài che mặt
Em đến từ đâu và em sẽ về đâu
Tôi ở lại với lần đầu gặp gỡ
Xin chiều đừng qua mau.
Tôi là kẻ ngu ngơ bị tình yêu đánh lưới
Những sợi tóc nào đan kín giấc mơ tôi?
Tôi đã gặp hàng ngàn gương mặt
Chiêm bao sao chỉ một người?
Tôi buông tờ giấy xuống bàn, mặt nghệt ra. Tôi không hiểu được tại sao bài thơ của tôi lại nằm trong tập của nhỏ Quyên. À, phải rồi! Đích thị là nhỏ Đinh Lăng sau khi được tôi tặng thơ, đã đem đi khoe với tụi bạn trong lớp nó. Thấy bài thơ hay quá, lũ bạn kia đã giành giật nhau và mượn về chép lại. Rồi lũ bạn của lũ bạn kia… Cứ thế, bài thơ lan ra khắp trường Trưng Vương chứ có gì đâu. Nhỏ Đinh Lăng và nhỏ Quyên học cùng trường, bài thơ nổi tiếng của nhỏ Đinh Lăng được nhỏ Quyên hâm mộ chép lại suy cho cùng không có gì là lạ.
Giải thích được bí mật đó rồi, người tôi lâng lâng sung sướng. Người khác yêu thơ tôi, tôi khoái một. Nhỏ Quyên yêu thơ tôi, tôi khoái gấp trăm lần.
Bấy lâu nay, tôi chưa nghĩ ra cách nào tỏ tình với nhỏ Quyên. Tôi nhút nhát, tôi khờ khạo, tôi ngốc nghếch, tôi ngu si, tôi đần độn. Tôi chỉ giỏi mơ mộng. Trên cõi đời này, tôi đứng nhất về môn tưởng tượng và xếp hạng bét về môn thực hành. Tôi không dám mở miệng nói thương nhỏ Quyên. Tôi sợ nó đuổi tôi ra khỏi nhà, không cho tôi ôm tập đến học chung nữa.
Đã nhiều lần tôi định tặng thơ cho nó. Đó là cách dễ thực hiện nhất. Đọc thơ tôi, nó sẽ hiểu ra tâm sự tôi đang ấp ủ trong lòng. Nó sẽ hiểu trên đời này có một chàng trai đã đem lòng yêu thương nó ngay từ khi chưa gặp gỡ. Và khi đã gặp gỡ rồi thì tình yêu đó càng nung nấu, dạt dào gấp bội.
Kế hoạch đã được vẽ ra trong đầu, nhưng tôi cứ lần lữa mãi. Tôi loay hoay hoài, không biết khi đưa thơ cho nó tôi phải nói như thế nào cho tự nhiên, suôn sẻ.
Với nàng Đinh Lăng, nàng Linh San hay “hoa khôi” trường Sao Mai, mọi chuyện dễ ợt. Tụi nó xin thơ tôi trước, lại có sẵn mấy ông anh, tôi chỉ việc vung bút hí hoáy và chìa thơ ra cho anh tụi nó cầm về. Tặng thơ trong nhũng trường hợp này cũng đơn giản như tặng bút, tặng gôm, tặng thước.
Với nhỏ Quyên, sự thể khác hẳn. Khó tày trời. Nhưng đó là nói lúc tôi chưa bắt gặp bài thơ trong tập nó kìa. Còn một khi đã biết nó nắn nót chép lại bài thơ của tôi và gìn giữ nâng niu như một báu vật thì đối với tôi không có gì dễ hơn là tỏ tình với nó. Đó là chưa kể, đấy lại chính là bài thơ tôi làm cho nó mặc dù trên danh nghĩa là thơ viết tặng em gái thằng Đông Anh.
Tôi nghe tiếng chân nhỏ Quyên đi lên cầu thang. Lập tức, tôi cầm bài thơ lên, vờ chăm chú đọc.
– Khoa đọc gì vậy?
Nhỏ Quyên lại gần, hỏi.
– Đọc thơ.
Lúc này, nhỏ Quyên đã thấy tờ giấy tôi cầm trên tay. Nó liền kêu lên hốt hoảng:
– Ôi, Khoa lấy bài thơ này ở đâu ra vậy? Trả đây cho Quyên!
Tôi đưa trả bài thơ cho nó, mỉm cười:
– Tôi định mượn cuốn tập địa lý của Quyên, tình cờ thấy tờ giấy này rơi ra.
Nhỏ Quyên vội vã nhét tờ giấy vào lại trong tập, nói giọng hờn trách:
– Khoa kỳ quá! Đây là giấy tờ riêng tư của Quyên mà.
– Giấy tờ riêng tư? – Tôi nhướn mắt – Bài thơ này Quyên chép lại của tụi bạn, có gì mà gọi là riêng tư?
– Ai bảo Khoa bài thơ này Quyên chép lại của tụi bạn?
– Chẳng ai bảo cả! – Tôi nhún vai kiêu hãnh – Tôi có thể đoán ra. Những bài thơ hay xưa nay vẫn được truyền tụng và phổ biến theo cách đó.
– Khoa đoán thế mà cũng đoán! – Nhỏ Quyên “xì” một tiếng – Nét chữ trong bài thơ này đâu phải là chữ của Quyên.
Nhỏ Quyên làm tôi ngớ ra. Bây giờ tôi mới chợt nhớ ra nét chữ trong bài thơ không phải là nét chữ mềm mại quen thuộc của nhỏ Quyên. Đó là một tuồng chữ lạ hoắc lạ huơ.
– Thế nào hở Khoa? – Nhìn vẻ mặt đang thuỗn ra của tôi, nhỏ Quyên chúm chím – Có phải Khoa định làm thấy bói mù sờ voi không?
Tôi thở dài, xuôi xị:
– Ừ, đúng là không phải nét chữ của Quyên thật.
Nhỏ Quyên nhìn tôi cười cười. Nghe tôi khen bài thơ hay, chắc nó sung sướng lắm. Nên nó không buồn tiếp tục trách tôi về tội dám đọc lén “giấy tờ riêng tư” của nó. Mà hớn hở hỏi:
– Khoa thấy bài thơ đó thế nào?
Nhìn bộ tịch của nhỏ Quyên, tôi biết nó muốn nghe tôi khen bài thơ đó một lần nữa. Tôi không bỏ lỡ cơ hội, liền ngoác miệng hùng hồn:
– Đó là một bài tuyệt cú. Tâm sự mênh mang, tình cảm nồng nàn, hình ảnh đẹp đẽ, giọng điệu chân thành, lời lẽ đằm thắm. Thơ Lý Bạch bên Tàu hay Rimbaud bên Tây cũng đến thế mà thôi.
Thấy tôi bốc bài thơ lên mây, mặt nhỏ Quyên bất giác ngẩn ngơ. Hẳn nó vẫn nghĩ đó là một bài thơ hay, nhưng không nghĩ nó hay ghê gớm như vậy. Nhỏ Quyên đâu có biết tôi đang khen thơ của chính tôi. Tôi đang tự đề cao mình. Tôi đang đại ngôn cho sướng miệng. Và để khi nhỏ Quyên hiểu ra tác giả là ai và tác giả viết bài thơ đó cho ai, tôi hy vọng nó sẽ cảm động đến rưng rưng nước mắt và biết đâu nếu không kềm được tình cảm trào dâng trong lòng, nó sẽ chẳng ôm chầm lấy tôi, nghẹn ngào nức nở: “Ôi, Rimbaud của em!”.
Sau một thoáng sững sờ trước “giá trị” ngoài sức tưởng tượng của bài thơ, nhỏ Quyên nhìn tôi, giọng hân hoan:
– Khoa nói thật đấy hở?
Tôi đập tay lên ngực:
– Thật trăm phần trăm.
Và tôi tinh quái hỏi lại, biết rằng cơ hội ngàn vàng đã tới:
– Thế Quyên có biết ai sáng tác bài thơ đó và sáng tác bài thơ đó vì ai không?
Tôi nhìn chăm chăm vào mặt nhỏ Quyên, chờ cái lắc đầu của nó để dõng dạc giải đáp “Bài thơ đó của tôi và tôi sáng tác chính là vì Quyên đấy!”. Tôi tin một khi đã yêu thích bài thơ đến vậy, không có lý gì nhỏ Quyên không yêu luôn tác giả, nhất là một khi nó biết tác giả viết bài thơ đó ra chính là để tặng nó.
Nào ngờ câu trả lời của nhỏ Quyên ra ngoài tiên liệu của tôi:
– Dĩ nhiên Quyên phải biết chứ.
– Quyên biết? – Tôi ngơ ngác hỏi lại, đinh ninh mình vừa nghe nhầm.
Nhỏ Quyên thản nhiên:
– Ừ. Quyên biết.
Tôi hồi hộp:
– Quyên biết gì?
Nhỏ Quyên trả lời đầy tự tin:
– Quyên biết người ta viết ra bài thơ đó là để tặng Quyên.
Ủa, làm sao nó biết được nhỉ? Tôi bàng hoàng tự hỏi và không khỏi thầm thán phục. Con nhỏ này hay ghê! Như vậy là nó biết tỏng bụng dạ mình từ lâu mà mình cứ tưởng nó ngờ nghệch như mình. Tôi nghĩ lẩn thẩn một hồi rồi đánh bạo hỏi tiếp:
– Thế… thế… Quyên có biết ai là tác giả bài thơ đó không?
– Tất nhiên là biết.
Giọng tôi run lên:
– Quyên biết thật hở?
Nhỏ Quyên nhại câu nói khi nãy của tôi:
– Thật trăm phần trăm.
Lúc này, tim tôi đập còn hơn trống lân. Tôi hỏi và nghe miệng mình khô đắng:
– Thế… thế… người đó là ai?
Nhỏ Quyên không đáp mà nhìn đăm đăm vào mặt tôi. Tôi chỉ chịu đựng được ánh mắt của nó khoảng ba mươi giây và đến giây thứ ba mươi mốt tôi định ngó lơ chỗ khác thì nhỏ Quyên đã thong thả quay mặt đi và đáp bằng giọng nhẹ như gió thoảng:
– Người đó là bạn trai của Quyên.
Lời tuyên bố khẳng khái của nhỏ Quyên khiến tôi choáng váng. Tôi hoàn toàn không chờ đợi một câu trả lời như vậy. Tôi không ngờ tôi chưa kịp bày tỏ nỗi lòng của tôi với nó, nó đã sớm bày tỏ nỗi lòng của nó với tôi. Trong một lúc, tôi có cảm giác mặt đất dưới chân tôi đang nghiêng đi.
Tôi phải ngồi xuống ghế để giữ thăng bằng. Tôi phải áp tay lên ngực để trái tim không vọt ra ngoài.
Nhỏ Quyên quay lại, ngạc nhiên trước thái độ khác lạ của tôi:
– Khoa làm sao vậy?
Tôi nhắm mắt:
– Quyên…
– Gì hở Khoa? – Tiếng nhỏ Quyên êm ái.
Tôi nuốt nước bọt:
– Bạn trai của Quyên ấy mà.
– Bạn trai của Quyên sao?
– Bạn trai của Quyên thương Quyên lắm đấy.
Tôi nói, tiếp tục lim dim. Tôi không ngờ có ngày tôi lại tỏ tình được với nhỏ Quyên. Tôi không ngờ tôi lại có tài ăn nói xa xôi, bóng gió đến thế.
Nhỏ Quyên tủm tỉm:
– Sao Khoa biết?
– Tôi còn biết nhiều hơn nữa cơ. Ngay từ khi chưa gặp Quyên, bạn trai của Quyên đã thương Quyên rồi đấy. Thương nhiều ơi là nhiều!
Tôi nghe tiếng nhỏ Quyên cười khúc khích:
– Khoa chỉ phịa.
Tôi liền mở mắt ra:
– Tôi không phịa.
– Sao Khoa biết?
Lần thứ hai trong vòng năm phút, nhỏ Quyên tỏ ý nghi ngờ tôi. Chắc nó nghĩ tôi là chúa bốc phét. Chắc nó nghĩ tôi là đồ Sở Khanh chuyên lừa gạt tình cảm phụ nữ.
Tự ái dồn dập, tôi mấp máy môi định kể tuốt tuồn tuột chuyện tôi từng ngồi bên kia đường đêm này qua đêm khác chỉ để ngóc cổ nghe nó dạo nhạc và để tương tư chiếc bóng của nó in trên rèm cửa sổ.
Nhưng đến phút : Dt, tôi kềm lại được. Không hiểu sao tôi cảm thấy ngường ngượng khi phải nói ra chuyện đó. Tôi bèn nói lảng sang chuyện khác:
– Thế Quyên có biết tôi làm bài thơ đó cho Quyên trong trường hợp nào không?
Nhỏ Quyên có vẻ bất ngờ trước câu hỏi của tôi.
– Khoa nói gì? – Nó ngơ ngác hỏi lại.
Tôi bình tĩnh lặp lại câu hỏi, giọng cố tỏ ra tình tứ.
Lần này thì nhỏ Quyên biết chắc là nó không nghe nhầm. Vì vậy, nó tròn xoe mắt:
– Bài thơ đó do Khoa sáng tác?
Tôi đọc được sự sửng sốt trong ánh mắt và trong câu hỏi của nhỏ Quyên và tới lượt tôi tròn xoe mắt:
– Ủa, thế Quyên không bết tôi là tác giả bài thơ đó hay sao?
– Khoa đừng xạo! – Nhỏ Quyên nhăn mũi – Bài thơ đó đâu phải của Khoa!
– Của tôi! – Tôi mím môi.
– Không phải của Khoa!
Thái độ bướng bỉnh của nhỏ Quyên khiến tôi điên tiết. Tôi nhếch môi:
– Tôi sẽ chứng minh cho Quyên thấy.
Nhỏ Quyên thách thức:
– Khoa chứng minh đi!
Cố nén giận, tôi nhắm tịt mắt đọc một lèo bài thơ.
Đọc xong, tôi mở mắt ra:
– Quyên tin chưa?
– Tin rồi.
– Thấy chưa! – Tôi hả hê – Thế mà khi nãy Quyên bảo bài thơ đó không phải của tôi.
Nhỏ Quyên thản nhiên:
– Bây giờ Quyên vẫn nghĩ thế thôi.
Tôi chớp mắt, ngạc nhiên:
– Quyên bảo Quyên tin rồi cơ mà.
– Quyên tin là tin chuyện khác! – Nhỏ Quyên chúm chím – Quyên tin Khoa là người có trí nhớ tuyệt vời. Bài thơ dài như thế mà Khoa đọc qua vài lần đã nhớ vanh vách.
Nghe nhỏ Quyên khen mà tôi muốn xỉu. Tôi đâu phải là người có trí nhớ siêu hạng như nó tưởng. Học vocabulaire, tôi ôn trước quên sau, ôn sau quên trước. Khi làm bài tập rédaction, tôi luôn bí từ vựng, phải xoay qua xoay lại đến mỏi cổ để hỏi thằng Hồng Hà. Trí nhớ tôi thuộc hạng trung bình, tôi chỉ có tài làm thơ cho người tôi thương và dĩ nhiên thuộc làu làu những bài thơ do chính tôi thức khuya sáng tác.
Nhưng nhỏ Quyên vẻ như nhất quyết không tin điều đó. Nó cứ nghĩ tôi là thần đồng. Nó tưởng tôi là Lê Quý Đôn tái sinh. Khổ nỗi, nó càng đánh giá tôi cao vòi vọi, tôi càng có cảm tưởng tôi đang rơi xuống vực sâu hun hút.
– Quyên lầm rồi! – Tôi nhăn nhó – Trí nhớ tôi thuộc hạng bét. Mọi người đều bảo thế.
Nhỏ Quyên cười:
– Khoa đừng khiêm tốn.
– Tôi không thèm khiêm tốn! – Tôi khổ sở – Tại Quyên không biết đó thôi. Tôi học bài không bao giờ thuộc. Vào lớp thường xuyên phải hỏi bạn bè. Bạn bè không nói thì tôi len lén cóp- pi. Từ bé đến nay tôi bị thầy cô phạt về tội cóp- pi không biết bao nhiêu lần.
Tôi hùng hồn kể tội mình. Tôi hạ mình xuống sát đất. Chỉ để mong nhỏ Quyên tin bài thơ đó là của tôi và tôi viết ra chính là để tặng nó. Nhưng dù tôi chấp nhận làm thân con kiến hèn mọn, văn dốt võ nát, nhỏ Quyên vẫn khăng khăng:
– Khoa buồn cười quá! Tại sao Khoa cứ phải nhận mình là tác giả một bài thơ vốn không phải của mình?
– Của Khoa mà!
Tôi nói như mếu, trông tôi lúc này giống hệt một em bé yếu ớt bị đứa bạn to khỏe giành mất đồ chơi và đang nước mắt nước mũi sì sụt cố đòi lại. Nhưng tôi xem ra còn thất thế hơn em bé đáng thương kia, bởi vì tôi không có cách gì chứng minh được bài thơ đó là của mình. Phải chi trước đây tôi gửi bài thơ đó đăng trên báo Bạn Trẻ, bây giờ tôi còn có thể chìa tờ báo ra để làm “vật chứng” nhằm xác định bản quyền.
Đang nghĩ tới đó, óc tôi chợt lóe lên. Đúng rồi, tôi không có “vật chứng”, nhưng tôi còn “nhân chứng”. Thằng Đông Anh còn sống sờ sờ kia chứ đã chết đâu! Tôi mừng quýnh:
– A…
Tôi reo lên hớn hở. Nhưng tiếng reo vừa mới thốt khỏi cửa miệng bỗng đột ngột tắt ngóm. Óc tôi lóe lên lần thứ hai, và lần này thì tôi hoang mang thực sự: Hay thằng Đông Anh chính là bạn trai của nhỏ Quyên? Chết rồi, đúng nó! Nó thương nhỏ Quyên nhưng không nghĩ ra cách nào tỏ tình bèn dụ tôi làm thơ tặng em gái nó. Tôi là đứa dễ bị phỉnh phờ, mới nghe thằng Đông Anh gian ác ca ngợi vài câu vờ vịt, liền tối về cặm cụi ngồi làm thơ “nộp” cho nó. Và khi bài thơ tình tứ đó lọt vào tay, chắc chắn nó không đưa cho nhỏ Đinh Lăng, mà ba chân bốn cẳng chạy tới “dâng” cho nhỏ Quyên, mạo nhận nó là tác giả khiến nhỏ Quyên cảm động và hân hoan đáp lại tình cảm của nó.
Càng nghĩ ngợi tôi càng nghe lạnh toát sống lưng. Hèn gì nó không tiếc lời khen tôi “Mày là thiên tài. Mày là Rimbaud của Việt nam”. Té ra toàn những lời lếu láo, xằng bậy. Còn tôi ngu như bò, nghe người ta bốc mình lên mây, không cần biết thực hư đã hoan hỉ chui đầu vào cạm bẫy. Tôi không nhớ tuồng chữ của Đông Anh nhưng bây giờ thì tôi có thể quả quyết tuồng chữ trong giấy kia chính là của nó.
Nhỏ Quyên thấy tôi “a” lên một tiếng chấn động rồi tự nhiên xụi lơ, bần thần nghĩ ngợi thì ngạc nhiên lắm.
Đợi một lúc lâu, không thấy tôi nói thêm tiếng nào, nó dè dặt hỏi:
– Khoa làm sao thế?
Tôi ngẩng lên, nhìn sâu vào mắt nhỏ Quyên:
– Tôi hỏi thật Quyên nhé.
– Khoa hỏi đi.
Tôi liếm môi:
– Quyên bảo bài thơ đó không phải của tôi, vậy chứ Quyên có biết bài thơ đó của ai không?
– Quyên đã nói rồi. Bài thơ đó do bạn trai của Quyên làm tặng cho Quyên.
Lần này thì tôi đã biết chữ “bạn trai” trong câu nói của nhỏ Quyên không phải dành cho tôi. Tôi nghiến chặt răng, cố đừng để gầm lên:
– Nhưng bạn trai của Quyên là ai?
– Khoa hỏi làm gì?
Câu hỏi vặn lạnh lùng của nhỏ Quyên như gáo nước lạnh tạt vào mặt tôi. Như vậy là nàng Stéphanette chẳng có tí tình cảm nào với chàng chăn cừu. Nàng không muốn tôi xen vào chuyện riêng tư của nàng. Nàng coi tôi là kẻ ngoài lề. Nàng muốn tôi trở về đúng vị trí thấp hèn của tôi, nghĩa là ở cạnh bầy cừu chứ không phải ở cạnh một tiểu thư cao sang như nàng.
Tôi sững người một thoáng rồi cay đắng thốt lên:
– Quyên không nói tôi cũng biết. Hắn tên là Đông Anh.
– Khoa nói gì?
Tôi hừ mũi:
– Tôi nói bạn trai của Quyên tên là Đông Anh.
Nhỏ Quyên cười khúc khích:
– Khoa lại làm thầy bói mù nữa rồi.
– Quyên đừng chối! – Tôi bĩu môi – Hắn học cùng lớp với tôi chứ đâu.
Nhỏ Quyên dường như chẳng muốn tiếp tục tranh cãi về đề tài “riêng tư” này nữa. Nó nheo mắt nhìn tôi, và giọng điệu hờn mát của nó rõ là để chấm dứt câu chuyện:
– Khoa muốn nghĩ gì tùy Khoa.

Chương 9:

Tôi kiên nhẫn thu mình đằng sau gốc me mọc chếch trước cửa nhà thằng Đông Anh. Tôi mai phục ở đó đã gần nửa tiếng đồng hồ.
Tôi quyết định rồi. Hôm nay bằng mọi cách tôi phải gặp cho được em gái thằng Đông Anh. Tôi phải hỏi thẳng nàng Đinh Lăng xem nàng có nhận được bài thơ tôi gữi tặng không. Tôi hy vọng nàng trả lời là nàng có nhận được. Như vậy có nghĩa là Đông Anh đã cóp- pi lại bài thơ đó để tặng cho nhỏ Quyên. Và như vậy tôi còn có cơ hội chứng minh cho nhỏ Quyên thấy tôi mới chính là tác giả bài thơ đó, tôi mới chính là người có tình cảm chân thật với nó, còn thằng Đông Anh chuyên xài đồ giả mạo kia là kẻ chẳng ra gì, tình cảm của nó lẽ tất nhiên cũng giả mạo tuốt.
Chuyện tôi làm thơ tặng nàng Đinh Lăng thật ra cả lớp tôi đều biết, thậm chí đám thằng Bội, thằng Diên, Minh Khôi, Hồng Hà nếu không thuộc làu làu cũng thuộc lõm bõm vài câu trong bài thơ đó. Nhưng tôi không thể lôi mấy đứa này đến trước mặt nhỏ Quyên. Chắc chắn nhỏ Quyên sẽ nghĩ tôi đưa ra nhân chứng giả. Nó sẽ nghĩ tụi thằng Bội cố tình đồng lõa, toa rập với tôi để đánh lừa nó. Nhưng em gái thằng Đông Anh lại khác. Đó là một đảm bảo bằng vàng. Một khi nàng Đinh Lăng đã chịu đứng ra làm chứng thì Đông Anh có mồm năm miệng mười đến mấy cũng không thể chối cãi được hành vi mờ ám của mình.
Sợ chạm mặt Đông Anh, tôi ngồi nhấp nha nhấp nhỏm sau gốc me, vừa đưa tay xuống mông phủi kiến vừa dán mắt vào cổng nhà nó, thấy thời gian sao mà đằng đẵng. Như thế gần bốn mươi lăm phút.
Đến khi tôi bắt đầu thất vọng, đoán hôm nay người đẹp Đinh Lăng đi vắng hoặc nàng lỡ thề không bước chân ra khỏi nhà, và chuẩn bị rời khỏi chỗ nấp thì một bóng người quen thuộc bỗng thấp thoáng trước mắt tôi.
Từ trong sân nhà Đông Anh, người con gái “tóc dài che mặt” đang lật đật dắt xe ra, vẻ như vội đi đâu đó. Có thể mẹ nàng sai nàng đi công chuyện gấp, cũng có thể nàng sực nhớ bỏ quên tập ở nhà bạn. Nhưng nàng đi đâu mặc kệ, dù sao tôi cũng chỉ cần hỏi nàng một, hai câu thôi.
Khi Đinh Lăng đi ngang qua chỗ nấp, tôi thò đầu ra khỏi gốc me:
– Đinh Lăng!
Đinh Lăng giật mình quay lại, và khi nhận ra tôi, nó có vẻ ngỡ ngàng:
– À… à…
Tôi bước hẳn ra đường:
– Đinh Lăng còn nhớ anh không?
Nó chớp chớp mắt:
– Anh là bạn của anh Đông Anh.
Tôi nhoẻn miệng cười:
– Đúng rồi. Anh là Khoa.
Rồi sợ nó thắc mắc tại sao tôi lại trốn sau gốc cây như phường đạo chích, tôi mau miệng hỏi ngay:
– Hôm trước Đinh Lăng có nhận được bài thơ của anh không?
Đinh Lăng ngơ ngác:
– Bài thơ nào ạ?
Thái độ của Đinh Lăng làm tôi chột dạ: Chẳng lẽ nó thực sự không nhận được bài thơ của tôi?
– Bài thơ anh làm tặng Đinh Lăng đó! – Tôi nói, cẩn thận quan sát nét mặt đối phương – Chính Đông Anh cầm về cho em mà.
Mặt Đinh Lăng vẫn ngẩn ngơ:
– Anh Đông Anh có đưa cho em bài thơ nào đâu! Mà tại sao tự nhiên anh lại làm thơ tặng em?
Nói xong, dường như nhận ra ý nghĩa trong câu hỏi của mình, Đinh Lăng bỗng đỏ bừng mặt.
Tôi không rõ Đinh lăng vờ vịt hay là không biết thật, bèn cáu tiết khai huỵch toẹt, chả buồn để ý đến vẻ bối rối của nó:
– Tự nhiên sao mà tự nhiên! Chính Đông Anh kể với anh là hắn đã đọc cho em nghe bài thơ “Giấc mơ của chàng chăn cừu” của anh. Hắn bảo khi nghe xong, em trầm trồ mãi. Sau đó, em còn nhờ hắn năn nỉ anh làm một bài thơ tặng em mà…
Đang phát khùng, tôi chả buồn lịch sự. Tôi thuật lại đúng y những gì thằng Đông Anh nói với tôi.
Đinh Lăng tính tình bẽn lẽn, tất nhiên không chịu đựng nổi một câu chuyện khủng khiếp như thế. Nó không đợi tôi “khai” thêm, đã lính quýnh đạp xe đi, sau khi buông thõng một câu:
– Anh đừng nghe lời anh Đông Anh. Anh Đông Anh bịa đấy.
Rồi như sợ tôi không tin lời nó, Đinh Lăng thòng thêm một câu lạnh lẽo:
– Xưa nay em không có thói quen nhận thơ của người ta tặng mình!
Nhỏ Đinh Lăng bẽn lẽn cực kỳ. Và cũng bản lĩnh cực kỳ. Câu nói dằn mặt của nó khiến tôi bị tổn thương ghê gớm. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi có thể kết luận Đông Anh là kẻ lừa đảo tài tình nhất từ cổ chí kim. Trước đây, tôi thầm khen nó hồn nhiên, dám dẫn bạn về nhà để khoe em gái. Tôi tưởng nó là người hiền, không bao giờ đem dạ tiểu nhân để đo lòng quân tử. Tôi tưởng nó quý tôi, quý một tài thơ lớn của nước nhà. Nào ngờ tất cả đều là trò bịp bợm.

Facebook Google Plus Twitter
Cùng chuyên mục
Người Đàn Ông Che Dù
Sự Tích Hoa Tuy Líp
Tự tay giết nó !
Không ai học cả
Phán quyết công bằng