Học Sinh Chuyển Lớp

01.09.2014
Admin

Tôi lấy huy hiệu Đoàn đeo lên trước ngực rồi lại cắm đầu vào cái đề thi. Thỉnh thoảng ngước lên nhìn thẳng. Dung vẫn bình thường, vẫn lạnh lùng đang đọc sách. An tâm, tôi lại cắm cúi tiếp.

– Ra uống nước mày!
– Ờ, chờ tí, tao đi dép đã!

Như thói quen đã định sẵn, xóm nhà lá lại tụ tập ở căn- tin. Đôi ba câu chuyện vui, ngồi tán gẫu và không quên ngắm những cô nữ sinh đi ngang qua. Con trai thường là vậy mà. Hết chủ đề thì quay qua xóc xỉa nhau.

– Thằng Tín hôm nay chơi trội mày!
– Trội gì?
– Đến lớp là học bài, anh em khâm phục mày quá!
– Cái đầu mày, sắp thi rồi thì ôn đi còn kịp.
– Hay là sợ mất mặt với Dung vì dở tài liệu văn- Kiên cận vẫn là đứa nhạy bén hơn tất cả.

Thằng bạn quân sư bốn mắt có lẽ hiểu tôi chỉ sau thằng Hoàng trong đám con trai. Mất mặt với Dung cũng đúng, nhưng tôi muốn chứng minh rằng, mình vẫn là đứa biết nghĩ, vẫn lo học hành dù cho nghịch ngợm đến thế nào đi chăng nữa. Hay là trong tôi, giờ cảm thấy cần phải tích cực dành thời gian cho bài vở là cần thiết hơn, để quên đi một chuyện gì đó.

– Khai thật đi, tối qua có chuyện gì?
– Không có gì cả, chỉ là vụ tao với thằng Hà trưa qua thôi!
– Thế vụ đó thế nào?
– Tao với thằng Hà bỏ về, còn quyết định thì chắc như cũ thôi! – Tôi thừa nhận và cảm thấy có chút có lỗi với đám bạn.
– Thôi, thế càng khoẻ, tính tiền cho thằng bạn con nhé cô ơi! – Hưởng đù vỗ vai thằng mập rồi chạy tót ra khỏi căn- tin. Đám bọn tôi chạy theo, để mặc thằng Phong ngơ ngác, vừa gọi vừa chửi inh ỏi.

Nếu như sự kiện “chăm chỉ” đột xuất của tôi là tiếng chuông báo một ngày đầy bất ngờ dành cho 12a11 thì việc Dung đứng giữa lớp vào giờ ra về là tiếng trống kết thúc ngày đó.

– Lớp mình sẽ nộp bài làm báo tường. Ai cũng phải có bài viết, hạn cuối là tuần này.!

Tiếng la ó, tiếng xì xào vang lên ồn ào. Chỉ có tôi và thằng Hà là nhìn nhau.

– Các bạn ban cán sự lớp sẽ chọn bài viết xuất sắc để tổng hợp lên báo tường. Các bạn khéo tay thì sẽ được phân công làm báo. Giờ cả lớp đề xuất cho mình một bạn nam viết báo cùng với mình. Vì bài báo sẽ do một nam và một nữ cùng viết!

Cuối cùng, sau bao nhiêu cái đùn đẩy, tôi lĩnh trách nhiệm. Im lặng, không phản ứng, không đồng tình, tôi vẫn giữ nét mặt bình thường.

– Trong lớp, ai không có hứng tham gia thì không ép buộc! – Dung khẳng định, có chất thép trong lời nói. Tôi và thằng Hà lại nhìn nhau lắc đầu. Câu nói đó ám chỉ ai, đã quá rõ ràng.

Cả lớp tôi nghe thông báo xong là ùa nhau mà ra về. Thằng Hưởng bị lũ bạn xô dúi dụi vào Hằng bán chanh, làm cô bạn nổi cơn tam bành chửi thằng bị hại thậm tệ:

– Đồ dê xồm, tính sàm sỡ tôi hả?
– Mơ à, cho cũng không thèm!

Bạn bè lũ lượt ra về từng người để lại trong lớp có một nam một nữ đang gom sách vở. Nam sinh tiến đến bên nữ sinh:

– Ờ…chuyện hôm qua!
– Không sao, không cần xin lỗi, dù sao bạn cũng đúng mà! – Nữ sinh không ngước nhìn lấy một cái, vẫn cắm cúi xếp sách vở gọn gàng vào cặp.
– Ờ, Tín sẽ làm báo tường!
– Cái đó là tuỳ mỗi người, chỉ là báo sớm nếu không thích để mình tìm người thay thế. Giờ mình về đã!

Nữ sinh tóc ngang vai, dáng nhỏ nhắn nhưng đầy kiên nghị cất bước đi ra khỏi lớp. Còn tôi- thằng nam sinh duy nhất còn lại trong lớp trống vắng, nở nụ cười hụt hẫng trống vắng. Cảm giác như tôi đang phải bắt đầu lại từ đầu, từ ngày mà tôi với Dung chưa quen nhau.

– “Về nào cô nương”! – Câu nói này đành phải cất lại thôi.

CHAP 38: VỀ THÔI!

Bước chân ra trạm xe bus, chỉ cần nhìn ánh mắt của Nhân, Hoàng và Nguyệt thì tôi cũng hiểu chắc là ba người đang tò mò lắm đây. Cười một cái, vươn vai một cái, tôi ngồi xuống ghế với bộ mặt tươi tắn lạ thường.

– Rốt cuộc là sao?
– Sao trăng gì?- Tôi nhìn thằng Hoàng nhíu mày.
– Tao hỏi là cái chuyện báo tường lớp mình kìa!
– Thì cứ như thế mà làm, mày không nghe Dung nói à?
– Ờ, nghe xong tao mới hỏi thằng đầu đất ạ! – Nó gườm gườm mặt nhìn, chắc đang uy hiếp tinh thần để tôi khai ra đây mà. Thấy tôi lặng im, nó cũng không thúc ép nữa. Trước giờ tôi với thằng Hoàng vẫn như thế, cảm thấy thoải mái thì tâm sự, kể lể, còn không thì im lặng không nói gì thêm.

Xe bus dừng lại trước mắt, chầm chậm bước lại gần cửa. Mấy đứa khoá dưới xô đẩy tranh nhau lên giành chỗ, tôi lách người tránh khỏi đám người đang rồng rắn lên xe. Nguyệt nhìn tôi tủm tỉm cười:

– Mặt dính nhọ hả?
– Không, chẳng dính gì cả!
– Thế cười gì tôi đấy?
– Thấy khác khác thôi!

Không hiểu Nguyệt đang đề cập đến cái gì khác, mà cô nàng cứ tủm tỉm cười rồi lướt qua bước lên xe. Tôi ngơ ngẩn đứng dưới suy nghĩ:

– Chú em có về không?- Bác tài gắt gỏng nói với tôi.

Nhanh chóng leo lên xe, tôi vẫn thấy Nguyệt cứ tủm tỉm cười, còn Nhân đen và thằng Hoàng đang xì xào chỉ trỏ con bé xinh xắn nào đó ở hàng ghế trên. Ngồi xuống cái ghế trống cạnh Nguyệt:

– Khác cái gì mà cười đấy?
– Ờ, thấy khác ở…
– …Ở…! – Tôi mớm lời.
– Thôi, nói ra ngại lắm, có gì nhờ Dung nói cho!
– Dung…?
– Ờ, nhờ Dung đi, không dám à!

Tôi xua tay phản bác câu cuối cùng của Nguyệt. Chắc là do vẻ mặt tôi không có gì khác lạ lắm nên Nguyệt tưởng tôi và Dung vẫn thân mật với nhau. Giờ đây đến nói chuyện với Dung còn là một điều khó khăn chứ huống gì yêu cầu Nàng nói ra suy nghĩ trong lòng chứ.

– Về nha mày, chiều đi học cho đúng giờ, trễ là tao cóc chờ mày đâu! – Thằng Nhân hằn học dặn dò.
– Rồi, mày nói nhiều thế?
– Nói nhiều mà không có tiếp thu, ngu còn cãi cố hả mày?

Tôi giơ nắm đấm doạ nó, rồi đi thẳng vào con đường quen thuộc dẫn về nhà. Những khi đi một mình như thế này, tôi mới có dịp ngẫm nghĩ lại nhiều điều. Dung đã làm đúng như những gì tôi và thằng Hà ý kiến, vậy tại sao tôi vẫn không vui. Dung gượng ép làm theo vì hai thằng tôi đã gây sức ép? Hay vì Dung đã trở lại là Nàng năm lớp 10. Lạnh lùng, băng phong, và cũng chỉ coi tôi là bạn?

– Sao mặt mày ủ dột thế con? Mệt hả?
– Dạ không, chắc tại mới đi học về thôi ạ!
– Mệt thì nghỉ chút, giữ gìn sức khoẻ!
– Dạ, con không sao ạ!
– Anh thì cứ chuyên gia chủ quan, cái gì cũng giấu, mặt mày cứ bơ phờ thế kia?

Chuyện trong lòng ảnh hưởng hằn lên nét mặt. Chẳng qua trên lớp tôi không hề muốn chuyện tôi và Dung có rạn nứt có kẻ thứ ba biết được, còn khi về nhà, tôi vô tình vác theo bầu tâm sự về. Giấu ai được chứ riêng với Mẹ, tôi chịu thua.

– “Tôi đẻ anh ra, nuôi anh bao nhiêu năm, anh nghĩ gì tôi chẳng biết”.

Tôi xin phép lên phòng, thả người xuống cái giường quen thuộc, vắt tay lên trán suy nghĩ, rồi ngủ quên lúc nào cũng không hay. Phải đến khi Mẹ tôi lên tận phòng đánh thức dậy, tôi mới lết được cái thân nặng trĩu xuống dùng cơm. Dọn dẹp xong, tôi nghỉ ngơi một lúc rồi lại nghiêm túc ngồi vào bàn. Ráng gạt bỏ suy nghĩ đang rối vò trong đầu, lao đầu vào những con số của Toán, rồi quay qua những phương trình Hoá, hết Hoá thì nhảy qua Lý. Chu kì cứ như thế trôi qua nhanh, tôi rời bàn giải lao trước khi đi học thêm.

Với tay mở cái máy tính quen thuộc, màn hình bật sáng sau một lúc khởi động. Cái hình nền là ảnh của năm lớp 10 khi chúng tôi được xuống Nha Trang du lịch. Dung nổi bật với nụ cười tươi rạng rỡ, tinh nghịch với chiếc nón lưỡi trai đội ngược, và hồn nhiên thổi chiếc chong chóng. Tôi không dám nhìn lâu, đưa chuột trỏ vào thư mục Nhạc. Click chuột vào bài “Chợt nghe bước em về”. Âm điệu bài hát vang lên, vô tình khảm vào lòng một nỗi buồn không tên nữa. Nhanh tay di chuột đóng chương trình nghe nhạc, thở dài tắt máy. Đi thẳng xuống dưới nhà, vục mặt vào nước, mát lạnh, thoải mái, tôi mặc quần áo leo lên ngựa sắt ra chờ ở chỗ hẹn.

– Đúng giờ ghê mày! – Nhân đen chở Nguyệt cũng vừa tới.
– Ờ, tao mà, hơi nghiêm chỉnh đấy!
– Thấy chưa, tôi nói với ông rồi, ông không tin.- Nguyệt ngồi sau lắc cái áo Nhân đen.
– Thấy cái gì, mà tin cái gì thế?
– Ấy, không có gì, chỉ là vớ vẩn thôi!
– Mày trọng sắc khinh bạn…!
– Ừ, thôi đạp xe ra ngoài không thằng Hoàng chờ!

Tôi nhấn mạnh pê- đan, đằng sau Nhân và Nguyệt vẫn xì xào một chuyện gì đó:

– Thấy bình thường mà!

Tiếng Nhân đen theo gió vang tới. Tôi lờ mờ đoán ra chủ đề mà hai người đang bàn tán, lắc đầu cười. Đạp xe ra tới chỗ hẹn, thằng Hoàng nhập nhóm, nhắm hướng nhà Thầy chủ nhiệm mà tiến tới.

– Uầy, mấy cái thằng này, nhanh lên, tao có việc bàn đây! – Thằng Hà vừa thấy bóng dáng mấy đứa tôi đã vẫy tay hối thúc.

Tôi lao thẳng xe vào gần nó, bóp thắng cái”két”. Đá chống, vác balo lên vai nhíu mày chờ nó thông báo tin tức, chắc là to tát lắm, nhìn mặt nó nghiêm trọng thế kia cơ mà.

– Gì, mới gặp chưa kịp chào hỏi đã ầm ầm lên thế mày?
– Ờ, cái vụ báo tường, anh em đang bàn tán xôn xao, nhanh lên vào hội ý!
– Ờ…thì từ từ!
– Nhanh lên! – Nó thúc tôi như thúc tội phạm.

Cứ hễ nghe thấy hai từ “báo tường” thì đầu óc tôi lại bật chế độ tự động chuyển sang Dung, nên tôi hơi bị “dị ứng” khi nghe hai tiếng đó. Bởi thế, thằng Nhân đen và thằng Hoàng hào hứng chen đầu vô cái vòng tròn mà bán tán, còn tôi thì cứ lởn vởn đi vòng vòng bên ngoài.

– Ừ, thế nhé, mày thấy được không Tín?
– …!
– Tín…?
– Hả, cái gì?- Tôi giật mình quay đầu lại nhìn!
– Mày thấy thế được không?
– Được cái gì?…Ờ…cái báo tường á hả?
– Chứ nãy giờ mày không nghe à?
– Ờ…ờ.!

Thằng Hà lôi đầu tôi vào, đưa cái tờ giấy lên dí sát mắt tôi.Trên tờ giấy, cái báo tường được phác thảo sơ qua. Khung làm bằng gỗ, rồi vẽ hoa lên viền khung cửa. Nhìn sơ qua, thảy cái tờ giấy lại cho lũ bạn. Tôi gật đầu lia lịa rồi tách ra, đi vào lớp. Dựa lưng vào tường, ngồi nhìn cái đồng hồ treo phía đối diện mà nhìn những cây kim quay chậm chạp.

– Tín sao thế?- Giọng nói dịu dàng phát ra ở cửa vào.
– À, không, hơi mệt thôi!
– Mệt sao không xin Thầy nghỉ đi!
– Không sao đâu, lâu lâu nó thế, chứ bình thường thì khoẻ hơn cả trâu bò nữa ấy chứ!

Ngữ Yên nhoẻn miệng cười, tiến tới ngồi trên tôi một bàn. Im lặng, nhẹ nhàng Yên lấy sách vở ra. Rồi lại cắm cúi ghi ghi chép chép. Tôi sực nhớ tới bộ đề thi để trong cặp. Tôi với tay đặt nó lên vai Yên.Cô nàng quay lại nhìn xuống vai.

– Xong tiếp rồi hả, bộ thứ ba rồi đấy!
– Ờ, thì tại thấy hay hay nên thích giải vậy thôi!
– Ừm!

Tôi trả một bộ đề thi thì Yên lại cho tôi một bộ khác, cứ như thế trong cái cặp của cô nàng luôn để dự phòng cho tôi sẵn vậy. Ban đầu tôi còn chần chừ, sau này thành thói quen. Tôi nhận những đề thi trên tay, chọn đề Toán năm 2004 ngồi cặm cụi giải.

– Ngoan mày!
– Chăm học dữ mày, hay có Yên nên giả bộ?- Thằng Phong mập là chúa ăn nói chẳng kiêng nể ai cả.
– Sao tụi mày vô sớm thế?- Tôi đưa tay lên gãi đầu.
– Sớm cái đầu mày, Thầy vào rồi kìa! – thằng Vũ đi với Nguyệt vào trả lời dùm.

Buổi học hôm đó sẽ là bình thường như mọi ngày. Tôi ngồi bàn cuối, trong góc quen thuộc. Xung quanh tôi là bọn bạn xóm nhà lá. Trước mặt tôi, mái tóc dài quen thuộc của Ngữ Yên, bên cạnh là Nguyệt. Chỉ có điều chiếc bàn đầu lại trống một chỗ. Và chỗ trống ấy, thường ngày sẽ có cô bé tóc ngang vai hay ngồi. Tôi ngó ra ngoài cửa sổ, chờ đợi. Chờ đợi Dung sẽ tới, dù cho Dung có xưng hô với tôi như thế nào đi nữa, chí ít tôi cũng được nhìn Nàng từ phía xa chứ không phải thấp thỏm như bây giờ.

– “Dung sao chưa tới?”!
– “Có bao giờ Dung tới trễ như vậy đâu”.
– Tín, tập trung làm bài đi!

Thầy nhắc nhở khi thấy tôi cứ chốc chốc lại mất tập trung, rồi lại quay lên ngước nhìn cái đồng hồ.

– Mấy giờ rồi Phong?- Tôi hi vọng cái đồng hồ của Thầy nó chạy nhanh hơn.
– Rưỡi?
– Năm giờ rưỡi hả?
– Không!
– Thế mấy giờ, chính xác dùm tao cái!
– Là năm giờ ba mươi! – Thằng mập bình thản nhe răng trả lời rồi lại cắm cúi giải bài tập.
– Sao vậy Tín?- Yên quay xuống hỏi khẽ.
– Không, xem mấy giờ thôi mà?

Vậy là chiếc đồng hồ treo tường trong phòng học là chính xác. Đã nửa tiếng trôi qua, và chắc Dung đã không đi học ngày hôm nay. Trăm lí do tôi tự nghĩ ra để hợp lý hoá sự việc bất thường này.

– “Chắc Dung bận việc riêng nên không tới thôi?”.

Tôi tự an ủi mình, rồi cắm cúi tập trung vào học. Và cứ hễ giải xong một bài toán, hay trong lúc Thầy giải bài tập, tôi lại tranh thủ ngoái ra cửa sổ, rồi lại lắc đầu tự nói chuyện một mình trong lòng. Buổi học có chút không như mong muốn.

Sáng hôm sau, sự việc tiếp suýt chút nữa lặp lại như buổi học ôn. Dung bước vào lớp thì trống trường cũng vừa điểm vào giờ sinh hoạt. Vẻ bơ phờ, hốc hác trên khuôn mặt Nàng hằn rõ. Tôi nhìn Dung chăm chú, rồi cố tình quay mặt đi khi Dung nhìn xuống lớp, cắm cúi vào cuốn đề thi trước mặt, giả bộ như không để ý tới. Chỉ có điều, không qua mắt được Nguyệt.

– Dung hôm qua hơi mệt, nên vắng học, hôm nay vẫn còn bệnh kìa!
– Sao Nguyệt biết?- Tôi ngạc nhiên.
– Mới hỏi xong nè, giả vờ vô tâm nữa!
– Ờ…đâu có…chỉ là…- Tôi ngượng ngịu, và vẫn động tác quen thuộc, đưa tay lên gãi đầu.
– Còn chối, cái điệu kia thì chẳng lầm đi đâu được!
– À, ừ…! – Tôi tựa vào ban công, đưa mắt nhìn học sinh vui đùa trong giờ ra chơi tảng lờ.
– Lại hỏi thăm người ta đi chứ!
– Nhưng…?

Nguyệt không thèm đôi co với tôi, hướng ánh mắt nhìn Dung. Tôi biết đó là cách Nguyệt kiên quyết giữ vững ý kiến. Hít một hơi dài, tôi hồi hộp bước vào lớp. Tiến tới chiếc bàn đầu chỗ Dung ngồi. Dừng lại, nhìn Nàng.

Dung vẫn cắm cúi làm bài tập nên không để ý. Nàng đưa tay lên tự cốc vào trán, rồi lại tập trung vào học tiếp. Tôi định mở miệng nói, nhưng có cái gì đó ngăn lại. Cất bước lướt qua, tôi đi về chỗ ngồi, thả lưng xuống bức tường đằng sau, rồi cũng tự cốc vào đầu mình một cái. Nguyệt nhìn vào, lắc đầu không hiểu tôi đang nghĩ cái gì nữa.

– Dung, sao uể oải vậy em, tập trung vào!
– Dạ! – Tiếng Dung có vẻ yếu ớt trả lời cô giáo dạy Văn.

Nguyệt đưa mắt xuống nhìn tôi, rồi quay lên, nhắc cho tôi biết phải làm gì? Tôi hiểu, tôi rõ, nhưng bắt đầu như thế nào bây giờ, và bắt đầu từ đâu.

– Tín, tôi phải nhắc bao lần nữa về vấn đề tập trung hả?
– Dạ, em xin lỗi! – Tôi đứng dậy.
– Rồi, không có lần sau đâu đấy!

Tôi ngồi xuống dưới sự khoan hồng của Cô. Cả lớp tôi thì nhìn tôi và Dung cười, vì trong một ngày, dường như cùng một thời điểm:

– Hai vợ chồng lên thớt cả mới ghê chứ! – Phong mập bắt đầu.
– Thuận vợ thuận chồng…con đông mệt lắm mày ạ! – Thằng Hưởng vào hùa!

Nhưng có ai biết, trong lần tôi bị nêu tên, đến nhìn xuống một lần Dung cũng không nhìn. Cũng không có chút phản ứng nào khi tên tôi được xướng lên cả. Tôi âm thầm chấp nhận, âm thầm buồn.

– Dung, à…hôm qua!
– Mình mệt! – Đơn giản, ngắn gọn và xúc tích đáp trả toàn bộ những gì tôi muốn hỏi, còn sự quan tâm dường như bị gạt qua một bên, Dung đứng lại chờ xem tôi muốn hỏi thêm gì không, hoặc là muốn xem hành động tiếp theo của tôi thế nào chăng?

Tôi tiến lại gần, xoa đầu Nàng, tay tôi chạm vào mái tóc ngang vai mềm mượt. Dung cau mày khó chịu. Tôi đi lướt qua Dung, chỉ để lại một câu nói:

– Ừ, vậy mình an tâm rồi!
Lần này, tôi là người cất bước đi trước, không phải là người một mình trong cái lớp học vắng hoe sau giờ tan học nữa. Tuy sự quan tâm vẫn còn nguyên vẹn, nhưng cách xưng hô đã thay đổi. Và thường cái gì thay đổi cũng sẽ không được như xưa nữa.

– Về thôi!

CHAP 39: SAU CƠN MƯA.

Bước ra khỏi cửa lớp, tôi đi thẳng, không ngoảnh mặt lại. Có gì đó hụt hẫng, rạn vỡ. Khi người ta sống trong tình cảm quá nhiều, nó bỗng nhiên quay ngoắt trở thành xa lạ, khiến cho con người ta không dễ thích nghi. Chấp nhận và lặng im, một chút phần sai về mình khi đẩy sự việc đến nước này, không còn gì bao biện nữa. Tôi lặng im bước chân ra khỏi cổng trường.

– A, a…anh Tín! – Một giọng nói gọi giật tôi lại đằng sau.
– Hở?
– Gặp em mà cái mặt đó là sao? Bé Thuỳ nheo mắt nhìn tôi, còn bạn con bé thì cứ nhìn tôi từ đầu xuống chân.
– Ờ, không, vui chứ!
– Mặt anh thế mà vui à, trông cứ như seven love ấy!
– Seven love là gì?- Tôi thần mặt ra.
– Là thất tình anh ạ! – Con bé cười tươi chua từng thấy.

Vậy là hoá ra tôi đang mang bộ dạng thất tình. Có lẽ khi không có ai ở bên, hoặc ở một nơi xa lạ nào đó, tôi mới dám sống đúng với bộ dạng thực này. Còn ở trong lớp, vẫn là thằng Tín lắm trò, chuyên gia đầu têu của xóm nhà lá, hẳn là để che mắt lũ anh em chiến hữu.

– Ừ, hai đứa ngồi chơi, anh về không muộn bus.
– Dạ, về cẩn thận nha anh, không vấp đá té giờ- Bé Thuỳ nhí nhảnh dặn dò.
– Vâng, có té anh cũng lôi thằng Bình theo mà! – Tôi vừa nói vừa nhìn mặt bé Thuỳ dần đỏ lựng.

Ra khỏi cổng trường thì chiếc xe bus cũng vừa bấm còi báo hiệu tới trạm. Mở hết tốc lực phóng theo, leo lên xe mà mồ hôi nhễ nhại. Hôm nay chẳng biết giờ thiêng hay sao mà xe chật cứng, báo hại cả đám con trai phải tỏ vẻ ga- lăng nhường ghế cho mấy bạn nữ. Tôi vịn tay nắm, thẫn thờ trên xe.

– K.iii.ít!

Tiếng phanh xe vang lên thành một tràng dài khó chịu, gấp gáp và đầy bất ngờ. Hành khách trên xe ngả nghiêng theo quán tính. Báo hại những người đang đứng xô đổ hàng loạt. Một bác lớn tuổi không giữ vững nổi thăng bằng, té nhào vào người tôi.

– Ôn con, đi xe kiểu gì thế hả?

Bác tài xế thò đầu ra ngoài bực tức quát mắng thằng nhóc đi xe máy không đội nón lạng lách. Lầm rầm khó chịu, quay ra phía sau nhìn hành khách ổn định rồi cho xe chạy tiếp, không quên buông một câu thở dài:

– Thời giờ lắm thằng không muốn sống!

Thằng Nhân đỡ ông bác vừa té, còn thằng Hoàng kéo tay tôi đứng dậy. Lấm lem và ê ẩm, ông bác quay qua tôi xin lỗi. Lắc đầu cười tỏ vẻ không sao, tôi lại vô hồn nắm tay vịn.

– Ê, của mày nè!
– Ơ, nó rớt rồi à?
– Ừ, chắc lúc nãy té chứ gì?
– Ừ, chắc thế rồi.
– Ha ha, tao nghĩ Dung nó cho mày chết!

Thằng Hoàng đưa cái móc khoá đồng xu bị đứt chốt cho tôi. Cái móc khoá theo tôi hơn một năm học nay đã thành hai phần. Dây đeo bằng inox đứt ngang lủng lẳng trên balo, cái hình đồng xu thì nằm gọn trong lòng bàn tay.

– Chẳng lẽ là cái điềm?- Tôi buột miệng thốt ra.
– Điềm gì mày, dạo này mê tín à?
– Ờ không…!

Thằng Nhân không hứng thú với chủ đề này nên lắc đầu quay mặt ra cửa sổ ngắm nhìn cảnh vật đang trôi qua nhanh. Mở khoá ngăn kéo balo, để chiếc đồng xu vào trong cặp. Không hiểu rằng chỉ là tình cờ hay điềm báo mà cái móc khoá lại đứt vào lúc này cơ chứ.

– Thôi đừng tiếc nữa! – Nhân đen vỗ vai tôi.
– …!
– Mày nhớ phi vụ buổi chiều nhé!
– Ừ, nhớ rồi, mà chắc chắn đấy nhé, không nhờ được là toi cơm.
– Tao chắc như đinh đóng cột mà! – Thằng Nhân ưỡn ngực tự hào.
– Nhưng mà cột hay sút đinh chứ gì?- Thằng Hoàng cắt ngang cơn mơ mộng.

Ba thằng tôi âm mưu chơi trội, tính dành cho cả lớp một phen bất ngờ. Tờ báo tường theo như cả lớp nhất trí là làm theo kiểu khung cửa sổ. Ngặt một nỗi, nếu làm tất cả bằng giấy bìa cứng thì không có hồn. Thằng Nhân đề xuất nhờ tới Bác ruột của nó.

– Vậy ba giờ chiều nhé, qua sớm còn đi học nữa!
– Rồi, bốn giờ đi học là vừa, vậy nhé!

Trở về tới nhà, để chiếc balo xuống bàn, tôi chạy xuống nhà lấy kềm chỉnh lại cái móc chìa khoá. Có vẻ nó vô phương cứu chữa, dây thì đứt ngang, cái chốt chiếc móc cũng gãy từ lúc nào. Thở dài ngao ngán, đành xếp nó vào góc ngăn kéo.

Trời chẳng chiều lòng người. Ba giờ chiều trời mưa tầm tã, mây đen dày đặc. Ba thằng con trai đứng xuýt xoa vì hơi lạnh trong xưởng gỗ của bác thằng Nhân. Hương gỗ phả lên thơm phức. Tiếng máy cưa ồn ào khô rốc vang lên đều đều hoà với tiếng mưa lộp độp trên mái tôn như một điệu nhạc lạc nhịp.

– Giờ sao đây các đồng chí?
– Dạ, là làm cái bản lề với kích thước như này ạ! – Nhân đen đưa cho Bác nó tờ giấy khung vẽ có ghi rõ những con số.

Bác thằng Nhân đen khá vui tính, nhìn cái bản vẽ rồi gật đầu đồng ý. Ngoài ra Bác Tùng với kinh nghiệm trong nghề còn giúp chúng tôi chỉnh sửa lại một chút cho phù hợp.

– Giờ làm cái khung để có thể đóng mở như cửa sổ thì kích thước cái khung cửa phải to để các cháu dán giấy. Còn cửa kính thì có thể dùng giấy bóng để làm.

Ba thằng tôi gật đầu vâng dạ vì trót múa rìu qua mắt thợ. Tin tưởng vì chọn đúng “mặt gửi vàng” nên vô cùng yên tâm. Phen này ba thằng tôi sẽ tạo nên bất ngờ cho cả lớp chứ chẳng chơi.

– Dạ thôi, tạnh mưa rồi con xin phép Bác đi học, có gì ngày kia con qua lấy!
– Ừ, ráng mà học đi. Sắp thi đại học rồi đấy.

Tôi và thằng Hoàng gật đầu vâng dạ, cảm ơn rối rít. Chào Bác rồi quay ngược trở lại xóm đón Nguyệt đi học chung. Trời mưa chưa ngớt nên không khí lạnh nay còn lạnh hơn. Khẽ rùng mình kéo chiếc áo khoác kín cổ, thằng Hoàng đưa mắt nhìn tôi:

– Mày không đeo khăn Dung nó ăn thịt mày đấy.
– Đeo vào đi thằng sợ vợ! – Nhân đen cài lại cú áo cũng bon chen xỉa xói.
– Ờ, không lạnh lắm, chưa bị vợ bắt mang!

Tôi nhe răng ra cười, cũng kéo khoá ngang cổ, đạp chân chống xe và bắt đầu nhấn pê- đan. Bên trên, trời vẫn âm u chỉ chực trút mưa xuống tiếp. Ba thằng tôi rẽ về con đường dẫn vào xóm quen thuộc đón Nguyệt. Bốn đứa lại hối hả đạp xe lên cho kịp giờ học.

– Kịp giờ quá hen! – Yên ngồi ở vị trí quen thuộc, trong góc bàn cuối quay sang cười tươi.
– Hì hì, chăm học mà, đội mưa đi học đây! – Tôi lôi cuốn vở Hoá ra để lên bàn sẵn.
– Có không, hay là chăm học rồi trời mới động mưa! – Yên bắt lý lại tôi.
– Ơ, thì như nhau thôi, sao hôm nay Yên bạo gan quá vậy!
– Ờ, thì…thì trời mưa mà!

Yên lại cười. Có lẽ đó là điều tôi cảm thấy ấm áp trong cơn lạnh đang bao trùm lớp học. Một chút dịu dàng, đủ cho tôi cảm thấy an lòng, là nơi tôi cảm thấy mình được sẻ chia, được ai đó gánh bớt đi âu lo.

Tiếng ho nhỏ nhẹ lướt qua chiếc bàn tôi ngồi. Dung đưa tay che miệng, dáng vẻ mệt mỏi hiện rõ. Gương mặt có chút nhợt đi, vài giọt mưa còn đọng lại trên tóc. Vẻ tươi tắn và kiên định thường ngày cũng phai đi ít nhiều.

– “Mệt thì nghĩ đi, cứ làm gì cũng quá sức thành phá sức chứ được cái gì?”.

Hiển nhiên Dung không thể nào nghe được những gì tôi đang nghĩ. Khẽ nở nụ cười gượng gạo, Nàng đặt cặp lên trước bàn rồi thẫn thờ ngồi tựa ra sau. Khi có ai hỏi han thì cũng chỉ lắc đầu với câu trả lời rập khuôn như nhau.

– Dung không sao, hơi ho tí thôi!

Đám bạn chưa hề biết chuyện gì đang xảy ra giữa tôi và Dung nên vẫn quy chụp cả hai thành một. Hễ tôi gây chuyện thì lôi cả Dung vào, và giờ thì ngược lại:

– Ê, vợ mày bị sao kìa!
– Dung bị ốm kìa thằng Tín!
– Tối về nấu cháo hành cho em nó ăn nhé!

Mặt tôi nóng dần, từ từ chuyển sang màu đỏ và tỉ lệ thuận với những lời trêu chọc. Giờ thì cảm giác ngại hơi lấn át cảm giác tự hào, tôi cười xuề xoà cho qua chuyện. Vô tình nhìn thấy Ngữ Yên có chút gì đó không vui.

– Yên sao thế?
– …!
– Yên ơi, Yên ới ơi!
– Tín gọi gì thì nói đi!
– À không, thấy mặt buồn buồn nên hỏi thôi!

Và câu nhận định của tôi càng làm cho Yên buồn hơn thì phải. Cô nàng im bặt từ đầu đến cuối, chẳng nói một câu nào.

– Yên, mượn cái máy tính! – Tôi cố tìm lý do bắt chuyện.
– Ừ!

Mượn xong tôi cố tình không trả, cứ để lỳ bên cạnh. Ngữ Yên chẳng nói gì cả, với tay qua lấy lại.

– “Bình thường chắc phải véo mình đòi lại máy mà”! – Tôi phân vân.
– Chưa xong mà?
– Nhưng Yên tính mà! – Ngữ Yên chăm chú ấn số, không quay qua nhìn tôi trả lời.

Đám bạn tôi ở bàn trên vô công rỗi nghề quay xuống nhìn tôi:

– Thôi anh ơi, mượn máy em mà xài này!
– Ừ, anh Tín ứ lo học mà toàn lo chọc bạn Yên thôi! – Thằng Long con lại giở cái giọng eo éo ra.

Mặt tôi lại đỏ rực lần nữa vì bọn bạn đâm trúng tim đen thành ra im như thóc luôn. Tụi nó nhìn tôi chỉ trỏ mà cười. Ngữ Yên chẳng biểu hiện gì thêm, im lặng tiếp tục làm bài.

– Bài tập hôm nay xong, bữa học sau sẽ có bài kiểm tra lại chương! – Cô giáo đứng trên bảng thông báo, điều đó đồng nghĩa với việc buổi học thêm kết thúc.

Ngữ Yên đã cất hết sách vở vào cặp và chuẩn bị bước ra về, còn tôi thì cứ nấn ná câu giờ thêm. Cô nàng đứng dậy, chờ tôi bước ra tránh đường nhưng tôi làm như không thấy, ngồi im nấn ná thêm.
– Tín, cho Yên qua!
– Cái gì cơ?- Tôi giả bộ không nghe thấy gì, cố tình chọc Yên chơi.

Đáp lại hành động giả điếc của tôi là sự im lặng của Ngữ Yên. Cuối cùng tôi đành phải bước ra nhường bước cô nàng ra về. Trong trò chơi thi nhẫn nại, tôi tự hào vì mình là kẻ thua cuộc nhiều nhất.

Tôi cất nốt đống sách vở trên bàn, thì Dung cũng bước ngang qua. Khuôn mặt có vẻ càng tái đi sau buổi học. Nàng đi ngang qua, không nhìn tôi lấy một chút, rõ ràng là muốn tránh mặt đây.

– Mày, tao đi có việc xíu, chờ tụi mày ở ngoài ngã ba nha!

Tôi vỗ vai thằng Hoàng rồi nhanh chóng rời khỏi lớp trước khi thằng bạn chưa kịp phản ứng. Lấy xe đạp, nhấn mạnh pê đan nhằm hướng về nhà Dung mà đạp tới. Cái khăn mà Dung tự tay đan tặng tôi nằm ở trước giỏ xe.

Chiếc xe lao nhanh trên đường, gió rít lên bên tai. Tôi đạp xe thật nhanh và nhìn thấy rõ Dung ở trước.

– Dung!
– …! – Dung dừng xe quay lại, im lặng chờ tôi tiếp lời.

Đạp chân chống xe, với lấy chiếc khăn trong giỏ, tôi bước đến thật gần Nàng. Nhỏ bé và yếu đuối, tôi choàng chiếc khăn giữa ấm do chính tay Nàng tạo nên. Chỉ là khoảnh khắc thôi nhưng tôi vẫn còn cảm thấy tim đập mạnh trong lồng ngực.

– Nhớ giữ gìn sức khoẻ, không phải lúc nào cũng có ai nhắc được đâu!
– Ừm! – Dung lại dùng tay che miệng, cố kìm cơn ho trước mặt tôi.
– Tín…về đây!

Tôi đạp xe về hướng ngược lại. Cảm giác hồi hộp dần dần phai tàn đi, thay thế nó là cảm giác thoải mái dễ chịu. Dung có thể sẽ dịu đi những thái độ xa lạ với tôi, có thể như vậy lắm chứ. Tôi không lợi dụng việc lúc nãy để đạt được mục đích đó bởi vì tôi thực lòng quan tâm tới Nàng. Chỉ cần như vậy thôi, tôi đã thể hiện được sự quan tâm của mình tới Nàng, như chính Nàng đã từng thể hiện vậy. Hi vọng vào ngày mai, chiếc khăn ấy sẽ trở lại tay tôi, mang theo những tình cảm của Nàng.

Đeo khăn quàng cổ lại cho Dung chính là chiếc chìa khoá mở cửa giải phóng những yêu thương kìm nén mấy ngày qua. Hi vọng rằng, nó sẽ là chiếc chìa khoá vạn năng, giải phóng được cánh cửa băng phong của Nàng

CHAP 40: KẺ ĐỊCH MỚI.

Nhưng tất cả những hi vọng dường như sụp đổ vào sáng hôm sau. Tôi chạm mặt Dung ở ngay cửa lớp. Dung đi lướt qua như chưa hề thấy sự tồn tại của thằng con trai trước mặt. Khuôn mặt nay đã dần tươi tắn trở lại nhưng vẫn lạnh băng băng.

– Ê, Dung bị sao mà mặt nó như đi đòi nợ vậy?
– Ai biết! – Tôi nhún vai với thằng Phong mập.
– Mày nhìn mặt Dung với mặt đôi kia xem có giống nhau không?

Thằng Phong mập chỉ tay vào Kiên cận và Trang, khuôn mặt ba người từa tựa nhau. Trang buồn xo, chẳng nói gì cả, đang chăm chú đọc cuốn truyện gì đó. Kiên cận lâu lâu quay xuống nhìn, phút chốc lại thở dài.

– Cái đôi đó sao thế?
– Chắc lại cãi nhau gì đó ấy mà, mấy đứa yêu nhau rõ vớ vẩn!

Thằng Mập phán một câu thản nhiên, chẳng để ý thằng bạn nó cũng đang điêu đứng, đau đớn vì yêu, chỉ có điều là không thể hiện ra mặt, hoặc cố gắng hết sức đeo chiếc mặt nạ với nó. Mặt nạ cười tươi vui vẻ.

– Mày thì biết cái gì Mập, giận hờn giúp ta hiểu nhau hơn! – Thằng Hưởng từ đâu chui lên, tay cầm ổ bánh mì nhai ngon ơ, tay kia cầm cuốn sách văn học tụng như tụng kinh.
– Mày thì ngon hơn tao chắc, kiếm người yêu đi rồi lên mặt với tao!
– Bố…không cần đâu bạn trẻ ạ! – Thằng Hưởng ú ớ trả lời vì bận nhai ngồm ngoàm bánh mì trong miệng.
– Ờ, có hãy nói với tao!
– Tao nói thằng Kiên với Trang thì một hai ngày là lại như cũ thôi! – Nó vo túi bóng nhét vào áo thằng Mập.

Tôi đứng im lắng nghe hai thằng bạn đấu khẩu. Vô tình rớt xuống núi lượm được bí kíp, kẻ lữ hành vô tình được ngộ đạo.

– “Ờ, giận hờn giúp ta hiểu nhau nhiều hơn”!

Đi thẳng vào lớp, địa điểm dừng chân lại là chiếc bàn đầu. Thản nhiên như không có gì xảy ra.

– Khoẻ chưa?
– Ừm, không sao rồi! – Ít nhất giọng Dung cũng dịu bớt, không gay gắt như mấy ngày hôm trước.
– Ờ…!
– Còn gì nữa không Tín?
– Ờ, không! – Tôi không biết mở chuyện tiếp thế nào, đứng chết trân.
– Dung , Dung ơi…!

Tiếng gọi thân mật vang lên từ cửa lớp, giọng con trai. Tôi và Dung đồng loạt quay ra, nhưng thể hiện hai bộ mặt khác nhau. Dung vui vẻ như đây là điều Nàng chờ đợi, còn tôi vừa thất vọng, vừa cảm thấy nhẹ nhõm khi kẻ đứng ở cửa lớp vừa cứu tôi khỏi cơn bế tắc. Dung vẫn giữ thái độ khiến cho cuộc nói chuyện trở nên bế tắc, và kẻ kia đã giải quyết khúc mắc. Thằng con trai ở cửa khẽ gật đầu chào tôi buổi sáng. Giữ phép lịch sự tôi gật đầu chào lại.

– Đang bận gì hả?
– Không, Dung đang xem lại bài hôm nay thôi!
– Nè, cho cô đây, cô là chúa lười uống thuốc!
– Úi, chu đáo ghê, cảm ơn Quang nhé!
– Khỏi đi, khách sáo quá đấy!

Hai người cứ nói cười vui vẻ như trước mắt chẳng có ai, chẳng có gì ngoài không gian riêng cả. Lủi thủi tránh cho đám bạn cùng lớp phát hiện ra cảnh bị bỏ rơi, lầm lũi bước ra khỏi lớp, ngang qua hai người thì nhất quyết nhìn thẳng.

– Nhớ dùm, uống đi cho khỏi!
– Ờ, thì thuốc của Quang phải uống thôi!
– Thật không vậy, bà là chúa xạo không?
– Ông này hay ghê, tôi xạo ông bao giờ!

– “Ông với bà cơ đấy, thích chí chưa?”.

Thằng Phong mập và Hưởng đù chứng kiến từ đầu đến cuối, ôm vai bá cổ tôi ngay lập tức. Đang bực bội lẫn có chút ngượng với hai thằng bạn, tôi hất tay tụi nó , khó chịu ra mặt:

– Gì, hai cái thằng ôn này?
– Tên, đặc điểm, tính cách, quen từ bao giờ, quen vì cái gì?
– Là sao? Tôi nghệt mặt chẳng hiểu hai thằng quỷ này đang nói cái gì nữa.
– Mày chậm tiêu quá, là How, What, When, Why, Where đó?
– Nói rõ hơn coi, thằng tung thằng hứng, tao chẳng hiểu cái gì nữa cả! – Tôi cáu với cái kiểu úp úp mở mở của hai thằng này.

Nó xoay tôi lại hướng cửa lớp, mắt tôi đập ngay cái cảnh Dung đang tiễn thằng Quang về, nụ cười tươi xoá tan mây mù âm u cuối tháng mười một dập tắt ngay khi vừa chạm ánh mắt của tôi, rất nhanh và rất đột ngột.

– Đấy, giờ thì mày hỏi cái gì?- Thằng Mập bắt đầu trước.
– Giờ thì não mày thông rồi chứ?- Thằng Hưởng bồi thêm một đòn chí mạng.
– Tụi mày biết nó à?
– Sao không, chung cấp hai mà! – Thằng mập vỗ ngực tự hào khi quen biết rộng.
– Thế nó tên Quang đúng không?
– Ừ!
– Nó với Dung…! – Tôi ấp úng.
– Khoan đã, tao chưa nói hết.

Tôi im lặng, chờ xem những gì ghê gớm từ một mối quan hệ của Dung mà tôi chưa từng biết tới.

– Đặc điểm, tính cách một ly nước mía!
– Hở?- Tôi trợn tròn mắt.
– Mối quan hệ với Dung hai ly!
– …!
– Thêm nữa, từ lần sau anh em hỏi bài phải chỉ chu đáo, cấm cái kiểu gợi ý bắt anh em ngồi lần mò.
– Thì cũng phải tự thân vận động chứ?- Tôi yếu ớt phản ứng.
– Cuối cùng, cấm có cãi, giờ sao!
– Ờ, thì…thì không cãi.

Giao dịch thành công, không ai phản ứng. Ba thằng kéo nhau xuống căn tin bắt đầu cuộc mua bán trao đổi. Phong mập nhấp nháp ly cà phê vẻ khoan khoái, còn thằng Hưởng cũng chỉ là ăn theo thôi nên hồi hộp lẫn tò mò không kém tôi là bao.

– Rốt cuộc mày có kể không Mập?- Thằng Hưởng buông cờ trắng xin hàng trước cả tôi.
– Ờ, nó tên là Quang!
– …!
– Nó học cấp hai chung lớp với tao và Dung! – Nó từ tốn lạ thường.
– Mày kể nhanh không, không tao cho mày tự tính tiền cà phê à!

Nó đổi tông ngay tức khắc, kể một mạch sạch sành sanh những gì nó biết.

– Ờ, thì nó với Dung gần nhà, kiểu như thanh mai trúc mã.
– Như tao với Nguyệt!
– Chính xác, tương tự thế, bạn đã vượt qua mức hai!
– Rồi sao nữa?
– Thì chắc cũng quý mến nhau, hợp tính nữa.- Nó lại trở về tông giọng đạo lý của thằng Kiên cận.
– Là sao?- Giọng tôi mất bình tĩnh phản ứng lại ngay. Dung hợp tính với Quang, còn tôi bỏ đi đâu.
– Là không như mày, nghịch như giặc chứ sao?- Thằng Hưởng cầm thìa khuấy khuấy ly cà phê sữa.

Tôi phải công nhận rằng so với mặt bằng chung của lớp thì tôi đúng là nghịch ngợm. Nhưng nhờ có thế tôi mới được vào xóm nhà lá chứ, không giặc sao chơi với lũ bạn này được.

– Ờ, tại sao giờ tao mới biết?- Tôi tò mò vì trước giờ chưa bao giờ thấy Quang xuất hiện, trước ngày 20- 11 tới giờ.
– Thì gần nhà, học khác tầng thì cần gì phải gặp trên trường. Nếu mày và Nguyệt học khác lớp thì cần gì ngày nào cũng phải chạy lên nói chuyện đúng không thằng ngu này!
– Ờ, tao ngu, không cãi! – Tôi xuôi xị cái mặt và cũng phải công nhận thằng Hưởng nói đúng. Nếu tôi và Nguyệt mà như vậy, chẳng dại gì tôi mò lên lớp khác chơi cho thiên hạ dèm pha, soi mói.

– Nói chung là tính thằng Quang cũng na ná như thằng Vũ, chăm chỉ, hiền lành, xét về nhan sắc thì ngang nhau- Thằng Phong thay tôi đánh giá tình hình, và có ý gán cho thằng Quang là tình địch của tôi.
– Thế giờ sao nó mới xuất hiện, giải thích coi?- Tôi đâm cáu với việc đề cao kẻ thù, dìm hàng bạn bè thế này.
– Thì có khi tình cảm nảy sinh, giờ bắt đầu tấn công. Nó muốn sát cánh bên người nó yêu vượt vũ môn thì sao? Nó thản nhiên như không.

Hai thằng bạn bắt đầu lái câu chuyện sang chủ đề khác, để mặc tôi suy diễn đủ điều. Cuối cùng, chán nản với tình hình hiện tại, đứng dậy trước hai thằng bạn:

– Tao tính tiền rồi vào lớp trước!
– Uống hết cà phê đi!
– Thì giờ hết nè! – Tôi cầm ly cà phê đen lên tu cái ực, hết sạch trơn.
– Vái mày, tao chịu thua, nhưng mà nhớ là còn một lần nữa nhé! – Thằng Hưởng ăn theo mà nó nhớ dai kinh khủng.
– Hai ly, một thằng một ly, một cộng một là hai.
– Nuốt lời mày, quân tử mà thế à?
– Tao nói tao quân tử bao giờ, dẹp, một là tao trả, hai là thằng nào uống thằng đấy trả.

Hai thằng bạn chịu thua cái kiểu lật kèo đầy tráo trở của tôi, chấp nhận cay đắng hưởng thụ những giọt cà phê cuối cùng miễn phí. Ra khỏi căn- tin, lại chiếc ghế đá quen thuộc ngồi hít thở không khí. Tôi chạm mặt ngay thằng Kiên cận.

Hai thằng nhìn nhau, chẳng thằng nào nói câu gì. Mỗi thằng ôm một cái nỗi khổ riêng. Suy nghĩ miên man, rồi hai thằng nhìn nhau:

– Tao đang chán mà nhìn cái mặt mày thì đâm đầu vào gối chết luôn cho rồi!
– Mày mặt như đưa đám, đi chỗ khác đi thằng khốn! – Nó đáp lại tôi.

Hai thằng quay qua chỗ khác, nhìn về hai hướng, và dường như chưa đã cơn tức lại quay lại nhìn nhau đồng thanh:

– Thằng khốn!

Trống trường vang lên báo hiệu sinh hoạt đầu giờ, hai thằng khốn vác nhau vào lớp. Ổn định chỗ ngồi, và lần nào cũng như lần nào, lục cặp, lục ba lô tìm cái huy hiệu Đoàn, phù hiệu trường ghim vào áo. Một kiểu thoả mãn tính phá cách lách luật của đời học sinh.

– Tín lên bảng! – Tiếng thầy dạy Sử vang lên vào tiết học sau.

Tôi bình thản bước lên bảng trong bao nhiêu tiếng thở phào của mấy đứa khác. Chắc đang thầm cảm ơn tôi vì đã gánh đỡ quả tạ vừa giáng xuống, hoặc là câu giờ cho đứa tiếp theo nhồi nhét được chữ gì hay chữ đấy.

– Tóm tắt sơ lược Quan hệ Quốc Tế từ năm một chín bốn lăm đến nay!
– Chết mày chưa?- Tôi chưa kịp mở miệng thì đám bạn ở dưới đã xì xào cả lên. Đau đớn thay đa số những người nói câu đấy thì chín mươi phần trăm là anh em xóm nhà lá từng sát cánh bên nhau. Câu hỏi này chẳng khác gì tổng kết kiến thức cũ cả. Vì hiện giờ theo lịch học, lớp chúng tôi đã bước đến phần đầu của Lịch sử Việt Nam.

– Dạ, thưa Thầy em trả lời! – Tôi hắng giọng và bắt đầu.

Sau đó một loạt các thông tin tình hình tự nắm bắt, một chút nhớ, một chút thông qua sách vở. Cái gì hiện ra trong đầu thì đọc cái đấy.

– Giai đoạn này chủ yếu được chia làm hai. Trước và sau chiến tranh lạnh. Đồng thời ở mỗi châu lục cũng có nhiều điểm khác nhau. Sau 1945 thế giới phân chia thành hai cực…

Tôi thao thao bất tuyệt, trình bày hơi lộn xộn nên:

– Tám điểm, về chỗ!

Tôi vênh mặt nhìn đám bạn thách thức. Tụi nó thằng nào cũng bảo:

– Ôi, ăn may thế!

Đi ngang qua chỗ Dung, cô nàng vẫn không nhìn tôi, không có gì là để ý cả. Chẳng phải tôi vẫn học hành đàng hoàng đây sao, chẳng phải Tín đã như những gì Dung muốn ở một người bạn đặc biệt đây sao?

– “Mày ngu quá, học cho mày chứ cho người ta à?”- Tôi tiếp tục bước đều về chỗ ngồi.

– Bạn tiếp theo, mời Long lên bảng!
– Ôi chết tôi! – Tiếng thằng Long con thảm hại vô cùng.

Kết thúc buổi “cực hình đầu giờ”, cả lớp tôi thở phào nhẹ nhõm thoát nạn. Thằng Bình Boong chẳng hiểu cao hứng thế nào mà lại tuyên bố.

– Tiếc thế, tao học rồi mà không kiểm tra bài gì cả! – Nó giả bộ hậm hực.
– Thật không, thế Bình lên bảng! – Thầy tôi nghe thấy phát ngôn của thằng bạn, dành cho nó suất đặc biệt.
– Thôi Thầy, học đi Thầy!
– Lên bảng! – Thầy tôi chắc giọng, không lay chuyển.

Cả đám chúng tôi cười ra cả nước mắt, nhìn thằng bạn ấp úng trên bảng, mồ hôi toát ra như mưa mặc gì ngoài trời thì se lạnh. Kết thúc cơn ác mộng, thằng Bình lên sổ đầu bài ngồi với hai điểm vì không học bài. Còn chúng tôi thì tranh thủ sỉ nhục nó:
– Hai điểm, thích chơi trội không phải là cái tội!

Thằng Bình đau khổ ngồi im không dám cựa quậy. Cứ hễ nó quay xuống nói chuyện với ai thì đều nhận được một câu tương tự:

– Hai điểm, bách nhục xuyên tim.
CHAP 41: DƯỚI CƠN MƯA!

Buổi học đó có chuyện con hai to tướng của thằng Bình làm niềm vui. Nó thì cứ im thin thít suốt buổi, chẳng dám nhìn ai quá lâu. Hễ nó quay xuống thì anh em xóm nhà lá đều nhếch môi cười đểu, nó lại xị mặt quay lên.

Cả buổi học hôm đó, tôi và Dung dường như chẳng có cơ hội để nói chuyện, hoặc khi nói chuyện cũng chẳng khác gì xã giao. Đôi ba câu à, ừ cho qua chuyện, Dung không muốn kéo dài cuộc nói chuyện thêm dài, và tôi đứng trước Nàng nghiêm nghị như vậy cũng không thể bông đùa mãi chỉ để mua lấy một nụ cười.

– Á, xin lỗi nhé! – Tôi quay sang cười trừ.
– Tông vào con gái mà như trâu bò thế! – Hằng bán chanh ngoa ngoắt nhìn tôi hình viên đạn.

Giờ ra về ồn ào chen lấn, thằng Hưởng chẳng biết sao lại nổi hứng xô tôi vào đám con gái. Như diều đứt dây, tôi văng vào va phải hàng loạt, xui một cái lại va vào hai người tôi có phần uý kị. Đầu tiên là cô bạn giọng chua cao vút và thứ hai là Dung. Ngược với Hằng, Dung im lặng đưa tay ôm lấy cánh tay còn lại, mặt hơi nhăn vì trò đùa quái ác của những thằng con trai.

– Ờ, xin lỗi nhé, tại thằng Hưởng nó xô Tín vào!

Miệng thì xin lỗi Hằng, mắt thì nhìn Dung, vẫn chẳng có gì khác, đôi mắt chỉ dịu đi một phần ít. Rồi lại lặng lẽ ra về.

– Sướng không?- Thằng Hưởng vỗ vai tôi cười toe toét.
– Sướng cái mắt mày, không lẽ tao đạp cho mày một cái!
– Sướng rồi bày đặt hả mày?- Thằng bạn nói rồi vọt ra xa, kể chiến tích nó với thằng mập.

– Thôi, về, chuyện đâu còn có đó, về sớm còn đi lấy khung cửa với tao! – Thằng Nhân đen đi đường sau, đẩy tôi ra khỏi cửa lớp.

Quá bộ hết nửa sân trường, đưa mắt nhìn cảnh học sinh tan học. Ai nấy cũng vội vàng ra về. Hôm nay thứ năm, theo lịch học chỉ có hai tiết nên nắng sân trường vẫn long lanh và dịu. Một ngày đẹp trời chỉ theo đúng nghĩa thời tiết trong cái mùa mưa ở miền đất đỏ bazan này.

Nhưng không phải ai cũng vội vàng quá mức theo số đông, một vài cặp vẫn lững thững vừa tản bộ vừa nói chuyện với nhau. Tôi bắt gặp Yên khi vô tình đưa mắt nhìn ngang. Yên đi cùng cậu bạn học cùng lớp thì phải, có vẻ nói chuyện vui vẻ lắm. Cô nàng dĩ nhiên cũng nhìn thấy tôi, khẽ gật đầu chào rồi tiếp tục câu chuyện với người đồng hành. Một ngày với quá nhiều cảm giác bị bỏ rơi, đâm ra tôi suy nghĩ miên man.

– “Một ngày tồi tệ”.

– Đây, khung của mấy chàng trai, chuẩn kích thước, màu sắc nhé!

Bác thằng Nhân đưa từ nhà ra cái khung gỗ được sơn bóng, mùi thơm còn phảng phất. Ba thằng tôi chỉ có nước nhìn mà suýt xoa.

– Chuẩn rồi Bác ơi, đẹp quá!
– Ừ, Bác làm đúng kích thước rồi, mấy đứa chỉ cần đưa báo tường, nẹp lại hoặc đóng đinh cho chắc là được.

Vậy là xong cái khung nghệ thuật cho báo tường. Ba thằng tôi vừa đạp xe vừa cười phơi phới.

– Phen này cả lớp lác mắt chứ chẳng chơi!
– Ừ, độc thế còn gì! – Thằng Hoàng quay sang nhìn cái khung, vẫn gật gù khen lấy khen để.
– Thế giờ thì sao, ai giữ, tao nhờ Bác làm rồi thì hai thằng mày một thằng giữ.
– Thế thằng Tín đi!
– Ơ, sao lại là tao?- Tôi quay sang thắc mắc với thằng Hoàng.
– Thế mày đưa lên thì ghi điểm với cô bí thư có phải sướng không?

Tôi cười nhạt trước cái sáng kiến có lòng giúp đỡ của thằng Hoàng, nhưng có lẽ là không ăn thua. Một con người kiên định, có khả năng chôn sâu nội tâm như Dung thì khó có thể lay chuyển trong ngày một ngày hai được, huống gì chỉ là ghi điểm.

– Ừ, để tao cầm cũng được, đằng nào trưa thứ bảy cũng phải sang nhà Dung làm báo tường mà!
– Sướng mày!
– Ờ, sướng lắm, sướng phát khóc!

Nhảy xuống xe thằng Nhân, một mình vác cái khung cửa mới tinh về nhà. Vẫn như thường lệ, Mẹ tôi đang chuẩn bị buổi trưa, và Ba thì vẫn đi làm chưa về.

– Vác về làm gì thế con?
– Dạ làm báo tường Mẹ, thứ bảy buổi trưa con đi làm báo tường với lớp, không ăn ở nhà nha Mẹ! – Tranh thủ có bằng chứng, tôi xin phép Mẹ tôi luôn.
– Ừ, lo mà học hành nữa đi nhé!
– Dạ! – Mừng húm, đi lên phòng cẩn thận đặt cái khung tranh cạnh bàn học, thay đồ xuống phụ Mẹ.

– À, lúc nãy có bạn gọi điện cho con! – Mẹ tôi sực nhớ ra.
– Ai hả Mẹ?
– Con gái, tên Xuyến thì phải?- Mẹ tôi nhìn tôi cười, chắc là bà đang nghĩ tới đứa con trai út đã có bạn gái thì phải mà cứ cười mãi không thôi.

Tôi chẳng để ý lắm, chạy trở ngược lại phòng, lấy cuốn sổ đã ghi chú lại số điện thoại của bà chị Nữ Tặc, bấm chắc chắn từng số trong dẫy số điện thoại. Tiếng nhạc chờ vang lên, giai điệu trong ca khúc nắng sân trường. Tiếng nhạc vang lên du dương thì dừng lại bởi một giọng nói còn du dương hơn:

– Tín hả?
– Dạ, chị gọi gì em đấy?
– Học không học, chỉ lo đi la cà thôi! – Một tràng liên thanh bắn liên tục.

Chắc là chị Xuyến cứ nghĩ lịch học của tôi là có hai tiết vào thứ năm, tầm tám giờ rưỡi sẽ ra khỏi trường nên canh thời gian gọi. Lúc đấy tôi đang cùng hai thằng bạn đi lấy khung tranh nên đương nhiên không có ở nhà rồi.

– Hì hì, thì học hành nhiều quá giải lao thôi chị!
– Học hành nhiều hay chơi nhiều, chắc lại đi với Dung chứ gì?- Chị Xuyến giọng tinh nghịch vang lên bên kia đầu dây.
– Không ạ, em đi với con trai mà?- Giọng tôi chùng xuống.

Tiếng cười bên kia cũng không còn vang lên nữa, chắc chị cũng đoán được giữa tôi và Dung có chuyện gì nên khi nhắc tới Nàng thì giọng tôi mới đượm buồn thế kia. Không khí chùng xuống là điều mà không ai muốn.

– Chị học trong đó thế nào?- Tôi mở lời hâm nóng lại cuộc nói chuyện.
– Cũng vui, quen nhiều bạn mới, nhưng thấy nhớ nhà quá! – Chị Xuyến cũng tươi cười trở lại.
– Nhớ sao chị không về chơi, lễ 20- 11 kìa?

Bình thường cứ lễ hay dịp tết là ông anh tôi thể nào cũng về, tranh thủ cơ hội về nhà được Mẹ chăm sóc nên rất siêng về, nên tôi thường nghĩ sinh viên xa nhà hay như vậy.

– Không được rồi, 20- 11 trường chị có lễ chào mừng rồi, không về được!
– Vậy à?

Hai chị em ngồi nói chuyện đủ thứ trên đời, nào là về cuộc sống sinh viên của chị Xuyến, nào là trở lại thời cấp ba của tôi, rồi qua món ăn giữa hai nơi. Đến lúc gần cúp máy, tôi mới được một phen bất ngờ.

– Sắp sinh nhật của em rồi, sắp lớn rồi đấy, ráng học hành nhé!

Tôi chưa kịp ớ lên vì bất ngờ thì chị Xuyến đã cúp máy. Vẫn cái tính một chút nghịch ngợm như thế, khiến cho nhiều lúc tôi cảm tưởng chị Xuyến chỉ ngang tuổi với tôi, hai chị em thoải mái như những người bạn đồng trang lứa.

– “Ờ hớ, sắp sinh nhật mình rồi.22- 11 đây mà”.

Dạo này đầu óc toàn bay tận chân trời nào, hết suy nghĩ lung tung rồi lại lo đến chuyện báo tường nên gần kề sinh nhật tôi cũng chẳng hay biết tới. Vậy mà chị Xuyến vẫn nhớ được ngày sinh của cậu em đã nửa năm không gặp thì cũng là điều mà tôi cảm thấy mình được quan tâm, được coi trọng. Nghe lời Mẹ và “bà chị”, ăn cơm xong nghỉ ngơi một chút là tôi cắm đầu vào học ngay, chẳng bù cho mọi ngày cứ phải câu giờ làm mấy việc vặt trước rồi mới có khí thế học hành được.

– Reng, reng! – Chiếc đồng hồ báo thức điểm bốn giờ.

Ráng làm nốt cái bài tập Toán còn dang dở, vươn vai lên vài cái, rửa mặt cho tỉnh táo rồi lại tiếp tục cuộc hành trình “học- ăn- ăn- học” như guồng quay vô tận của đời học sinh. Một tiếng sau, tôi đã yên vị ở cái góc bàn cuối quen thuộc. Lớp học hôm nay đầy đủ, không thiếu ai, cũng không ai ốm mà vắng học nữa. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, mở miệng ra bắt chuyện là một điều gì đó khó khăn. Cái tự trọng của con trai, một chút nản chí vì sự cố gắng mấy ngày nay đã ngăn cản tôi lại.

– Tín, sao thế?- Yên ngồi ở trên quay xuống nhìn tôi!
– Sao là sao cơ?
– Làm xong bài tập chưa mà sao ngẩn ngơ vậy!
– À, ừ…xong…xong rồi!

Yên nhìn xuống cuốn vở của tôi, bài bất đẳng thức đã được chứng minh gọn gàng và rõ ràng nên chấp nhận câu trả lời của tôi. Cô nàng có chút gì đó bần thần:

– À, lúc sáng…à.! – Có vẻ Yên không muốn nói tiếp.
– Lúc sáng sao cơ?- Tôi càng tò mò với kiểu nói chuyện này.
– À, không…?
– Lúc sáng sao cơ?- Tôi chồm lên hỏi
– …!
– Lúc sáng sao cơ?

Một bên kiên quyết vì chắc muốn giải thích chuyện lúc sáng, còn một bên kiên trì với kế “giả ngu” ép cung.

– Lúc sáng…à Yên định hỏi bài Hoá hôm qua thôi!

Người dịu dàng thì làm sao quen nói dối được cơ chứ? Chỉ cần nhìn kiểu ấp úng, gương mặt có chút đỏ vì bối rối, ánh mắt không dám nhìn tôi mà nhìn chăm chăm vào từng chữ cái con số trong cuốn vở đủ cho tôi biết Yên đang kiếm một cái lý do không thể nào hợp lý cho được.

– Ơ, hôm qua có bài tập à?- Gãi đầu gãi tai, lại cái kiểu giả vờ ngu ngơ.
– Ghét Tín, không thèm nói chuyện nữa!

Yên quay lên, ngồi im, không thèm quay xuống một lần nào nữa. Tôi ngồi đằng sau, ngắm nhìn mái tóc dài mượt mà chỉ cười. Một nụ cười vì cô bạn dễ thương đang ở trước mặt, tuy không nói chuyện nhưng còn hơn cả chục lời nói.

Facebook Google Plus Twitter
Cùng chuyên mục
Ruồi đực, ruồi cái
Đằng nào cũng bi loại
Việc nhẹ nhàng
Táo Quân
Đêm Trong Căn Nhà Hoang