Lúc ấy, tôi nghĩ rằng không cứ phải lúc nào cũng kè kè ở bên cạnh nhau mới là tốt. Có khi cũng nên để cho nhau khoảng riêng để suy nghĩ, để chiêm nghiệm lại nhiều thứ. Nhưng có vẻ là nó chỉ đúng với tôi thôi, vì vừa bước ra đến cửa thì đã nghe thấy tiếng “uỵch” một cái, Phương nhảy từ trên giường xuống chạy đến phía tôi. Vừa kịp quay người lại nhìn em thảng thốt thì Phương đã ôm ghì tôi và nức nở.
– Anh không cần em rồi đúng không?!!
– Linh tinh!
– Sao em bảo anh về anh lại về?
– Ừ, anh xin lỗi, thế giờ anh ở lại với em.
Tôi nhớ lại cái nhân vật trong bài thơ của ai đó “Em bảo anh đi đi – Sao anh không đứng lại?” – giờ tôi đang trong cái cảnh dở khóc dở cười như thế đây.
Ôm em, tôi cố dỗ giấc cho em ngủ sau mấy hôm khóc đỏ mắt và căng óc ra đối phó với bố mẹ. Nhìn em ngủ say trong tay mình mà tôi cũng thấy cay cay mắt vì thương. Vài tuần nữa là tôi xa em rồi. Ước gì cứ có em trong tay mình như thế này mãi.
Cứ ngủ được 10, 15 phút Phương lại giật mình thon thót – điều thường thấy ở những người bị sang chấn tâm lí dạng nhẹ. Giờ tôi còn ở đây, em còn có tay để mà gối, có người để mà gác chân, chứ rồi sau biết ôm ai… tôi đang rất lo về chuyện ấy.
Nhoài người ra, tôi với lấy quyển nhật kí của em. Lần thứ 2 tôi đọc trộm nhật kí. Mỗi trang giấy là mỗi tâm trạng khác nhau của em từ ngày hai đứa là của nhau. Và càng gần đây, tôi thấy có những nét chữ cứ nhòe đi vì nước mắt…
Phương đã tỉnh dậy từ bao giờ và cứ nằm đó nhìn tôi trân trân.
– Anh. Anh có chắc chắn về tình cảm với em không?
– Anh phát chán với những câu như thế rồi đấy nhé!
– Thế thì…mình có em bé đi.
– …
– Em muốn thế à?
– Chứ em biết làm sao bây giờ? – Phương lại chực khóc.
– Không được. Anh không muốn.
– Sao không muốn? Anh không dám chắc chứ gì?!! – em òa lên.
Ôm lấy Phương để dỗ dành, tôi chẳng biết giải thích với em thế nào bây giờ nữa. Chẳng lẽ nói toẹt ra rằng: ”Anh không muốn em mất trinh!” – sỗ sàng và lố bịch.
Trong tôi từ lúc bắt đầu với Phương đã có cái gì đó mơ hồ và lo sợ rồi. Đấy là lí do vì sao chúng tôi chưa bao giờ dám để cảm xúc của mình đến cao nhất. Tôi là người hiện đại, nhưng ai biết được chồng em – nếu không phải là tôi – có phải là một người quảng đại để bỏ qua hết những gì thuộc về quá khứ? Thế nên tôi nghĩ, em vẫn nên còn một “cái gì đó” để tự tin, để kiêu sa về nhà chồng nếu như không thể đến với tôi. Tôi đã từng trải qua cái chuyện đó, còn em thì không. Cái cảm giác kìm hãm nó chẳng bao giờ thoải mái cả, nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn thấy mình đúng đắn và kìm chế tốt khi không để mọi chuyện đi quá giới hạn.
Tôi chưa bao giờ coi chuyện đó là cái gì để đánh giá bản chất con người. Tình yêu thì phải có ôm, có hôn, có nắm tay, và cao hơn nữa khi 2 con người hòa quyện được với nhau là lúc thăng hoa thì cũng chẳng có gì là quá đáng cả. Nhưng đấy là tôi nghĩ. Tôi chấp nhận. Còn người khác có chấp nhận hay không thì ai biết?! Vẫn còn đầy cảnh chồng đay nghiến vợ vì trót trao thân cho ai đó trước anh ta, hay đang vui vẻ thì đấm đá vợ túi bị vì cái cảnh vợ mình đang ân ái với người khác bất chợt hiện ra trong đầu… Cái xã hội, cái định kiến nó làm cho phụ nữ nó trở nên rẻ rúng trong mắt đàn ông như thế đấy! Tất nhiên tôi đã loại trừ ra những loại phụ nữ rẻ mạt theo đúng nghĩa đen.
Mất rất lâu để Phương vui vẻ trở lại. Em cũng hiểu ra tôi đang nghĩ gì trong đầu về chuyện đó nên cũng cố gắng để nó qua đi thật nhanh, như cơn mưa bóng mây ngoài trời, không nhắc lại để làm khó xử cho cả hai. Nếu thèm khát chuyện đó đến thế, tôi đã không chờ đợi đến lúc em mở lời với mình.
…
Qua tìm hiểu, tôi biết cái học bổng của mình chỉ đủ cho cuộc sống cá nhân. Tôi đã nghĩ đến mọi cách kiếm thêm tiền để có thể mang em sang với mình, từ việc sẽ xin giáo sư làm T.A cho đến đi làm thêm, nhưng những cái đó giờ chẳng có gì chắc chắn cả, phải sang đó mới biết. Tôi không chắc chắn nên tôi không hứa, tôi chỉ nói sẽ cố gắng hết sức. Phương biết điều đó vì chẳng ai hiểu tôi bằng em. Hai đứa chỉ nhìn nhau thật sâu và thầm hứa đều phải cố gắng để không phải buông tay nhau. Nói cho cùng thì tốt nhất là không nên nói nhiều, hãy để thời gian trả lời và kết quả của hành động.
Phương lại quay về với sở thích nấu nướng của em. Tôi lại làm xe ôm đưa em đi chợ. Trên đường đi, Phương suýt nữa thì ném cái điện thoại vì Huy cứ gọi điện cho em liên tục. Hóa ra giờ nó mới bắt đầu hiện nguyên hình là một thằng nhâng nháo, sẵn sàng tấn công dồn dập rồi đây. Bao nhiêu suy nghĩ tôn trọng nó giờ tôi chẳng còn gì. Cầm điện thoại của Phương, tôi vừa lái xe vừa nghe.
– Alo!
– Ai đấy?
– Ai gọi cho người yêu tôi?
– Cường hả? Anh Huy đây. Anh gọi để hỏi xem Phương lên đến nơi chưa thôi.
– Cảm ơn anh. Anh quan tâm em gái quá.
– Bố mẹ Phương nhờ anh ý mà em.
– Vâng, thế anh nhắn với hai bác hộ em. Mà để em bảo Phương lưu tên anh lại, sao lại lưu thế này làm em nhầm.
– Phương lưu tên anh thế nào Cường? – chột dạ.
– À, giống mấy thằng trẻ trâu mất dạy suốt ngày làm phiền ý mà anh. Thôi em chào anh!
Thực ra Phương lưu Huy trong điện thoại là “A.Huy”, nhưng tôi cứ nói thế vì muốn chửi vào mặt nó lắm rồi mà chưa bao giờ nói được câu nào. Dập máy, hai đứa cười nhe nhởn vì cái trò đùa láo toét của mình. Tôi là người không hiền lành gì, nhưng lúc nào cũng muốn dĩ hòa vi quý hết mức có thể, có lẽ vì thế mà nó nghĩ nó làm gì trước mặt tôi cũng được sao?
Quả thực là nó dính bẫy, vì chỉ vài giây sau thì Phương có tin nhắn của Huy “Em lưu tên anh là gì vậy? Anh thực sự thất vọng. Em coi anh là cái gì vậy?”. Phương giơ lên cho tôi xem rồi hai đứa lại cười hỉ hả ở trên đường.
Nhưng hai đứa cũng lại chỉ cười được vài phút, vì Phương lại nhận được cuộc gọi từ…mẹ em sau khi đã có một thằng thái giám bơm đểu. Nghĩ đến thằng này tôi lại nhớ đến chuyện ngày xưa đã bị một thằng giảng viên khác tơn hớt với bố mẹ rồi cướp mất người yêu.
– Sao Cường nó lại cầm máy con?
– Anh ấy vẫn cầm máy con mà, bọn con dùng chung.
– Sao Cường nó lại chửi anh Huy như thế? Thầy giáo mà thế à?
– Ôi mẹ ơi, thầy giáo cũng là người. Mà anh ấy không chửi. Con ngồi bên cạnh nghe thấy hết. Mẹ tin con hay tin Huy thì tùy mẹ. Thế mẹ nhé!… – rồi em tắt máy.
…
– Anh xin lỗi, tại anh nóng quá.
– Em chẳng ngại. Chỉ ngại là mẹ lại thêm thành kiến với anh thôi.
Ngẫm lại, tôi mới thấy mình vừa để cảm xúc chi phối nhiều quá. Cái thế của tôi và Huy bây giờ nó khác nhau hoàn toàn: Huy có thể diễu võ giương oai trước mặt tôi thế nào cũng được, chẳng ai quan tâm, nhưng tôi chỉ cần chửi nó, hay nói xấu nó, thậm chí không làm gì nó đi chăng nữa thì bao nhiêu cái xấu xa, tồi tệ của tôi cũng sẽ đến tai bố mẹ Phương hết. Đúng là chó má. Cứ phải căng óc ra mà chống lại đối thủ trong trận chiến mà mình bất lợi đủ đường thế này đúng khốn nạn thật. Giờ tôi mới thấy, hóa ra cái mình cứ tự tin nắm giữ nhiều khi chưa chắc đã là điều quyết định, giống như tôi bây giờ đây. Tôi tự tin có Phương, nhưng thực ra cả 2 đứa lại đều đang yếu thế trước sức ép của bố mẹ và cái cách tấn công trâng tráo vì được hậu thuẫn.
Chỉ cần một chuyện nhỏ như thế mà Huy nó đã làm cho chúng tôi mất hết cả cảm xúc. Hai đứa đi chợ mà tâm trạng nặng như chì, chẳng còn những câu đùa vui như mọi khi nữa. Chỉ đến lúc về nhà và quay cuồng với nấu món này món kia thì em mới vui vẻ hơn. Hai đứa cũng tíu tít như muốn quên đi cái ngày quái quỷ vì những chuyện không đâu để dành thời gian cho nhau.
Thế nhưng cái con quỷ ám kia nó chưa muốn buông tha cho chúng tôi ngày hôm nay thì phải? – Hai đứa lại có chuyện để cãi nhau, và lần này là từ phía tôi.
Đang nhặt rau, tôi thấy Phương lù lù tiến đến, dí thẳng vào mặt tôi cái tin nhắn của Yến rồi ném điện thoại xuống ghế salon.
“Tối nay đi cafe với em nhé. Tự nhiên em thấy nhớ anh!” – tin nhắn dở hơi thường xuyên của một đứa sinh viên vô lo vô nghĩ. Nhưng mà trong những lúc nhạy cảm thế này thì nó bỗng lại trở thành một trong những lí do để hai đứa có những suy nghĩ thiếu tin tưởng về nhau.
Chap 48 – Say
Phương vùng vằng bỏ vào bếp, để tôi ngồi đần mặt ra với cái điện thoại và đống rau, củ quả đang bừa bộn. Chẳng biết giải thích thế nào với mấy cái tình huống thế này nữa. Công việc của tôi mặc định là phải công khai số điện thoại vì nó còn liên quan đến giáo trình, liên lạc công việc với sinh viên, học viên. Mà lũ sinh viên thì dư thừa thời gian thế nào ai cũng biết rồi, gặp mấy đứa túm tụm KTX hoặc mấy đứa xóm trọ nghịch ngợm kiểu gì chẳng túm năm tụm ba lấy điện thoại ra nhắn tin trêu thầy này thầy khác, nhất là mấy người trẻ và còn đang F.A như tôi. Nhiều trường hợp thầy giáo còn quát ầm ầm lên ở trên lớp vì không chịu nổi mấy cái tin nhắn với nhá máy buổi đêm của lũ sinh viên, đòi đưa chúng nó lên kỉ luật, nhưng biết ai mà kỉ luật? Tôi gặp thường xuyên nên mặc kệ, không nhắn lại mà cũng không tỏ thái độ trên lớp bao giờ, nên một thời gian sau chúng nó cũng chán, có điều là đứa này chán thì sẽ đến đứa khác. Ngẫm nghĩ lại thời sinh viên mình cũng đâu thiếu gì trò nghịch ngợm đâu, nên chẳng vì thế mà ghét bỏ chúng nó.
Yến lại là một trường hợp khác. Em không bao giờ để người khác biết có liên hệ với tôi, kể cả trên lớp lẫn khi hướng dẫn em trên phòng thí nghiệm. Vẫn luôn luôn là “thầy- em” ngọt xớt. Nhưng sau những giờ trên lớp thì em quay trở về 1 con yêu tinh, quấy rối tôi đủ trò. Tôi coi Yến như em gái nên cũng kệ nó, chẳng phàn nàn mấy. Chỉ có lần này, Yến quấy rối không đúng thời điểm, lúc mà tôi còn đang trăm mối tơ vò, vài tuần nữa là rời Việt Nam, người yêu thì chưa biết tính thế nào, nhà gái thì gét như chưa từng gét…
Tôi với lấy cái điện thoại, nhắn tin ngay cho Yến: “Ra quán M, ngay nhé”; rồi lấy xe phóng đi. Trước khi đi cũng chỉ kịp nói với Phương mỗi 1 câu: “Anh ra ngoài, 30 phút về”, cũng chẳng biết Phương có thèm phản ứng lại gì hay không nữa.
Tôi hẹn Yến ở quán, chọn 1 chỗ kín đáo nhất có thể trên tầng 2 và ngồi đợi em. Sau 15p thì Yến đến, vẫn kiểu nhí nhảnh và cái đầu nghiêng nghiêng thường thấy cùng 1 cái nhìn lúc nào cũng như xoáy sâu vào mắt người đối diện.
– Vẫn chưa về quê à em?
– Em còn đi dạy thêm kiếm tiền mà thầy.
– Chăm nhỉ? Về mà ôn thi đi không qua Tết là thi luôn đấy.
– Anh nghĩ em là ai mà phải thế. Có khi em cũng sắp được giữ lại như ai ý chứ.
– Ừ, là ai? Bài kiểm tra vẫn trong cặp đây này. Học hành kiểu gì mà chẳng làm được tí nào thế này?
– Hì hì. Tại em bị tủ đè thôi.
Yến muốn được giữ lại lắm, nhưng không phải con đường như của tôi, em muốn được giữ lại để làm phong trào. Nhưng theo những tin “thâm cung bí sử” từ thầy cô trong khoa thì Khoa tôi không có truyền thống giữ lại làm phong trào mà chỉ tập trung vào chuyên môn, thế nên nếu thầy đỡ đầu của Yến có đưa ra họp trong kì họp sắp tới thì chắc là cũng không khả quan. Tôi không muốn nói ra với em điều đó để dập tắt hy vọng mới chớm của cô bé có 22 tuổi đầu. Nhưng nhìn em tự tin thế này, tôi sợ em sẽ lại đau khi sự thật không được như mong muốn.
Vừa đặt cốc cafe xuống, Yến thở hắt ra như lấy tinh thần rồi mới nói:
– Anh muốn em nói thật không?
– …chuyện gì em?
– Anh vẫn nghĩ em yêu anh à?
– Anh ảo tưởng. Với kiểu đối xử của anh như thế mà em vẫn yêu anh có mà…điên …
– Đúng. Em từng rất thích anh, từ lúc làm tình nguyện. Đến khi anh dạy lớp em thì em vẫn thích, nhưng khi anh chọn chị ấy thì anh chả còn là gì trong em cả đâu! Em không phải đứa ngốc lại đợi anh bỏ người yêu như bà ấy.
– …
– Lúc em còn chập chững vào trường, em thấy anh tuyệt vời, chững chạc, học giỏi, tốt bụng… lúc ấy em nghĩ anh là số 1 rồi… Nhưng, càng ngày, em gặp nhiều người hơn, em tiếp xúc với môi trường nhiều hơn…
– Thấy anh bình thường đúng không? – tôi cắt ngang Yến.
– Cũng không đến mức ấy, nhưng mà…
– Anh nói với em điều này lâu rồi mà. Cái gì đập vào mắt ngay ban đầu em sẽ thấy nó là hào nhoáng, là nhất, không còn gì hơn nữa… giống như em thấy anh vậy. Sau vài năm, em thấy anh bình thường, anh không buồn tí nào mà còn vui vì điều ấy… vì em trưởng thành hơn rồi.
– Thật ra, tin nhắn ấy là em đùa thôi, coi như là cái cớ gọi anh ra đây để chia tay anh. Em không muốn giành của ai cái gì cả.
Yến rút từ trong cặp ra 1 con chuột vi tính màu xanh lè, được bọc trong hộp bóng kính em tự gói. Đẩy sang phía tôi, Yến cố gắng nói với giọng người lớn nhất có thể:
– Với em, anh mãi là người anh, người thầy tốt nhất. Chúc anh may mắn! Hẹn gặp lại anh. Hy vọng em sẽ được gặp lại với tư cách đồng nghiệp!
– Cảm ơn Yến nhiều. Anh cũng hy vọng như vậy.
Chia tay Yến, tôi về nhà. Vừa đi vừa nghĩ không biết phải ăn nói thế nào với Phương khi bỏ em để đi như thế nữa. Trước khi đi tôi chỉ nghĩ là phải ra ngoài để giải quyết dứt điểm hẳn với Yến, tôi không muốn bị làm phiền thêm nữa, cũng như không muốn Phương phải suy nghĩ về những chuyện không đáng có.
Khẽ khàng mở cổng, tôi rón rén vào nhà, thì may quá thấy Phương đang ngồi chờ trong phòng, quần áo là lượt, trang điểm gọn gàng. Tôi bất ngờ. Bao nhiêu suy nghĩ lóe lên trong đầu.
– Đi đâu đấy em?
– Chơi với giai!
– Giai nào?
– Hỏi làm gì? Vừa có giai rủ đi cafe đây.
Biết Phương đang đá đểu mình, tôi cười giả lả, sán lại gần, ôm hôn tíu tít. Phương giãy lên như đỉa phải vôi, nằng nặc đẩy tôi ra, nhưng làm sao mà đẩy được. Vần vò một lúc mệt lử, quần áo xộc xệch, Phương nhìn tôi nhăn nhó:
– Mất bao nhiêu lâu trang điểm mà hỏng hết phấn son người ta rồi!
– Cho sướng. Đi với giai thì quấn vải màn mà đi nhá.
– Vợ ơi anh đói – tôi bỗng buột miệng, lần đầu tiên trong đời. Chẳng hiểu sao lại thốt ra được cái chữ “vợ” nữa.
Phương sững lại vài giây, em nhìn tôi đăm đăm, đỏ mặt, rồi nhẹ nhàng bá lấy cổ tôi. Cắn.
Đau điếng.
– Á á.
– Này thì vợ! Cút đi với gái đi.
Phương nhìn tôi mắt long lên sòng sọc, nhe nanh không khác gì con hổ mang chúa đang vờn mồi. Chưa kịp nói thêm lời nào thì em đã lại nhào vào ôm tiếp, mồm lại ngay lập tức kề vào cổ tôi, vẫn chỗ cũ. Nhưng lần này trước khi cắn em còn cho tôi 1 ân huệ:
– Nói. Từ giờ còn đi với gái không??
– Không. Mà có gái đâu mà đi!
– Có hoặc không? Nói!
– Không! Hứa hứa.
Nàng nhả răng ra khỏi cổ mà tôi thở hắt ra như vừa chết đi sống lại. Người ta bảo mấy đứa có bạn trai thích cắn xé lắm, tôi không tin, nhưng từ hồi yêu Phương đến giờ người tôi lúc nào cũng bầm dập vì sở thích cấu véo với cắn xé như thú hoang của em.
Ngó vào trong mâm cơm trong nhà thấy nguội tanh nguội ngắt, tôi thấy mình có lỗi với em. Hai đứa mất bao công sức mới nấu được bữa cơm mà tôi lại bỏ ra ngoài. Tôi biết Phương không trách mình, vì dù sao lúc đó có ở nhà 2 đứa cũng chẳng ăn được tí nào đâu, nhưng cái suy nghĩ “bỏ Phương ở nhà để ra ngoài với người khác” nó cứ lởn vởn trong đầu để tôi phải tự dằn vặt mình.
Phương hình như hiểu điều ấy nên dứt khoát kéo tôi ra ngoài ăn, dù tôi chỉ muốn ở nhà. Chẳng hiểu sao hôm nay lại ngược đời thế, khi một người lúc nào cũng muốn ăn cơm ở nhà như em lại đòi ra ngoài. Có khi trời sắp mưa. Nói vậy mà sau nó mưa thật.
Hai đứa cuối cùng cũng chọn được quán thịt nướng Hàn quốc, món đang rất thịnh hành ở cái thành phố nhỏ này, khi làn sóng Halyu nó mới len lỏi vào từng nhà, từng ngõ ngách. Cái quán này là cái quán mà ngày trước tôi bị đâm, vẫn chủ đấy nhưng bây giờ đã xây được thành một cái quán khá to, trang trí đẹp.
Gọi một chai vodka, Phương rót đầy 2 chén rồi nhâng lên ngang mặt nói:
– Nào, mời bạn.
– Bạn nào? – tôi vặn lại.
– Này! Đẻ sau người ta đấy, chưa bắt gọi bằng chị thì thôi. Hahaha.
Vừa ngồi ăn uống, 2 đứa vừa nhớ lại cái ngày ấy, ngày mà Phương đưa tôi vào bệnh viện, vừa ngồi bên cạnh vừa lấy tay áo ghì chặt vào vết đâm, miệng không ngừng giục giã anh taxi đi thật nhanh. Vậy là cũng gần nửa năm rồi đấy, nhanh thật. Bao nhiêu là chuyện đã xảy ra. Bắt đầu là cái hình ảnh hai người họ đèo nhau ôm nhau chặt cứng tôi nhìn mà mặn đắng, đến khi nỗi đau tôi được se lại nhờ có Phương. Em nhẹ nhàng, kín đáo, nhưng nồng nhiệt để làm tôi quên đi rằng mình đã từng bị phản bội. Em nhạy cảm, dịu dàng, nhưng mạnh mẽ khi sẵn sàng xù lông nhím lên bảo vệ những gì thuộc về mình. Từ trong tâm cảm của mình, tôi vừa yêu, vừa thương, vừa cảm phục với những điều em đã làm cho mình, nhưng cũng thấy mình chỉ là một thằng tồi khi chưa làm được gì cho em ngoài những hy vọng mong manh và những đau đớn trong lòng.
Hôm nay, em không nói nhiều, nhưng uống khá nhiều. Em và cả tôi đều buồn với cái thực tại bây giờ, nhưng vẫn phải sống, phải cố gắng và hy vọng. Nếu cứ chỉ nhìn đời theo cái nhìn tiêu cực thì đúng là chẳng muốn sống nữa. Thôi thì cứ nhìn theo cách là một cô gái “đợi chồng đi du học về xây dựng đất nước” vậy. Ngày xưa các bà, các mẹ có gì hẹn ước ngoài cái nắm tay đâu mà vẫn ở vậy chờ đợi những người ra trận chẳng biết ngày về. So sánh thì khập khiễng, nhưng cũng phải lấy nó ra để làm niềm tin cho mình chứ biết sao.
– Tớ chưa cảm ơn bạn ngày xưa đưa tớ vào bệnh viện nhỉ? – tôi đùa em.
– Bạn à, bạn phải cảm ơn tớ cả đời – giọng bắt đầu lè nhè. Biết ngay
– Cả đời, bạn nhớ chưa? Bạn phải đối xử với tớ đàng hoàng…
Sau giai đoạn lè nhè, em chuyển sang khóc. Cái cảnh này tôi đã gặp không biết bao nhiêu lần trong những lần liên hoan lớp. Các cô nàng là những người tửu lượng không được bao nhiêu, lại sẵn nhạy cảm, nên chỉ cần phê pha một chút là bao nhiêu tâm sự được tuôn ra hết. Có người khóc, người thì chửi, người thì hát, người thì bắt đầu tâm sự chuyện đời, chuyện người. Nàng của tôi thì đang khóc ngon lành, trong vòng tay tôi. Vừa khóc nấc, em vừa nức nở:
– Học hành làm cái quái gì? Anh học về em chả lấy người ta rồi!
– Anh là thằng ngu, gái dâng đến miệng rồi còn chê…
– Em không thèm chấp cái Yến, cỡ như nó em chấp 3 đứa một lúc…
Tôi biết là Phương đang say, vì chẳng bao giờ em nói ra những điều thầm kín như thế lúc tỉnh táo. Em vẫn kiềm chế hết mức có thể để hai đứa không phải lo lắng về nhau. Nhưng có vậy tôi mới biết em đã phải kìm nén như thế nào với bao nhiêu nỗi niềm chất chứa. Em sợ tôi đi xa, sợ khoảng cách và cái ước muốn cao vọng công danh của tôi, em muốn có cái gì đó chắc chắn giữa hai đứa nên mới nghĩ đến cách gây áp lực với gia đình bằng đứa con, em sợ đánh mất tôi ngay khi tôi còn đang ở đây, rơi vào tay người con gái khác… nhưng em biết đâu là tôi còn sợ mất em gấp nhiều lần hơn.
Đưa Phương về nhà, em ói đầy ra người tôi lẫn người em. Chưa bao giờ tôi thấy Phương say đến thế. Tôi cũng can ngăn nhưng mỗi lần như vậy em lại nhìn tôi với ánh mắt như vừa trách móc, vừa hờn giận, làm tôi lại rụt tay lại. Thôi đành để cho em say một chút đi, ít ra còn được vài tiếng chẳng phải suy nghĩ gì nữa. Càng những khi như thế, tôi càng muốn chia tay Phương, ngay lập tức. Em khổ quá, và tôi cũng chẳng sung sướng gì. Mang tiếng là yêu nhau đấy mà bây giờ có khác gì dằn vặt nhau đâu.
Vì em ói nhiều quá, nên tôi đành phải thay quần áo rồi lau người cho Phương. Lần đầu tiên tôi làm việc này với Phương nên chẳng biết phải làm thế nào. Vừa làm vừa căng cứng hết cả người. Loay hoay mãi thì cũng xong. Tôi thở phào. Đắp cho em cái chăn rồi ra ngoài đốt thuốc.
Cả đêm đó tôi không ngủ được mà cứ ngồi cãnh Phương. Một đêm vật vã ói ra mật xanh mật vàng làm tôi cũng sợ phát khiếp. Mệt mỏi, tôi cố lê thân xuống bếp nấu cho em ít cháo hành cho giống Chí phèo.
Trước tôi từng tuyên bố không có gì dễ bằng nấu cháo, mà giờ mới thấy nó khổ sở thế nào. Nghĩ là như nấu cơm, tôi cho 2 lon gạo vào nồi cơm điện, cho nước và cắm điện. Đến khi nó trào ra khỏi nồi, đặc quánh vào như bánh đúc thì tôi cuống lên chẳng biết làm thế nào nữa, cứ mở vung nồi lên rồi…ngoáy. Vừa làm vừa thầm nghĩ chẳng hiểu mình đã làm sai cái gì mà lại không giống Phương vẫn nấu. Kế hoạch lấy điểm trước mặt Phương về một hình mẫu đàn ông lý tưởng đã thất bại hoàn toàn. Tôi tắt điện, đang định dắt xe ra ngoài mua cháo về cho em thì thấy nàng lù lù xuất hiện, mắt nhắm mắt mở.
– Cún nấu cháo à? Để em xem nào
2 giây sau:
– Trời ơi, anh cho bao nhiêu gạo vào đây?
– 2 lon.
– Trời ơi, tôi chết với ông!
– Thế cho bao nhiêu?
– Nửa lon còn là nhiều! Thôi ông đi ra ngoài đi.
Đành lui cui đi ra ngoài để Phương với đống chiến trường mà tôi vừa tạo ra. Đúng là làm bếp cũng khó thật. Bình thường tôi chỉ có thịt luộc, rau luộc, … nói chung là luộc hết.
Vừa ngồi nghe bản tin 6h, tôi lại thấy điện thoại Phương rung lên ở trên ghế. Ghé mắt nhìn, lại thấy “A.Huy” gọi. Mẹ kiếp, vừa sáng bảnh mắt ra mà nó đã làm phiền thế này rồi. Điên tiết, tôi tắt luôn. Nhìn trong điện thoại còn mấy cái tin nhắn của nó nữa.
Bình thường tôi không bao giờ đọc tin nhắn của Phương dù em có giơ ra trước mặt. Thế mà giờ chẳng hiểu sao tôi lại kéo xuống để đọc. Một danh sách dài dằng dặc của thằng mặt dầy ấy, không cần biết có reply hay không, cứ đều đặn ngày vài tin, sáng, trưa, chiều tối. Nội dung cũng không có gì đặc biệt ngoài “em ăn chưa?” rồi “chúc em ngày mới tốt lành”… cuối cùng thì nó cũng vẫn lộ mặt là một thằng mặt dầy mà thôi. Tôi vứt cái điện thoại xuống ghế, không muốn nghĩ thêm về nó nữa, thì nó lại gọi lại. Một ý tưởng lóe lên trong đầu, tôi biết mình ích kỉ nhưng giờ thì chẳng còn đắn đo tính toán gì nữa, tôi bất chấp hết.
– Alo
– Alo – giọng nó bất ngờ
– Ai đấy?
– Tôi Huy đây? Ai đấy?
– Em Cường anh ơi.
– Phương đâu Cường?
– Phương vừa ngủ dậy đang tắm anh ơi.
– Ông, ông ở nhà Phương à? – Huy thảng thốt.
– Vâng. Có gì không anh?
“Cạch” – nó cúp điện thoại. Vẫn nghe văng vẳng cái câu “đm” trước khi tắt máy.
Bão tố sắp nổi lên rồi.
Tôi biết điều gì sắp xảy ra, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại cực kì bình tĩnh đón nhận nó. Bây giờ, mục đích cuối cùng của tôi là Phương, đấy mới là điều quan trọng nhất. Để đạt được cái mục đích ấy, cách thức dù có đê tiện tôi cũng làm!
Dù có tiếng mà chẳng có miếng.
Chap 49 – Trước ngày đi
…
– Ai gọi đấy anh?
– Huy – giọng tôi bực dọc
– Sáng nào nó cũng gọi à?
– Vâng.
– Anh thấy em thỉnh thoảng vẫn trả lời nó?
– Thì để người ta nói nhiều quá em ngại.
– Uhm. Từ giờ là thôi nhé. Ngại với không ngại! Tôi đập cái điện thoại ngay bây giờ đấy!
– Vâng. Thì thôi… Mà nãy anh nói gì?
…
– Anh bảo anh ở với em đêm qua.
– Hả??? – Phương nhìn tôi trân trân. Chắc em không nghĩ là tôi lại làm chuyện ấy.
– Nhỡ ông ấy nói với bố mẹ em thì sao?! Để bố mẹ giết em à?
– Thì càng có cớ bắt cưới chứ sao! – tôi vẫn cố làm không khí đỡ căng thẳng.
– Gì?? Anh nghĩ cái đó mà ép được bố mẹ à? Anh làm phải suy nghĩ chứ!! – em hét lên rồi ngồi thụp xuống khóc.
…
– Anh xin lỗi. Anh nghĩ đấy là cách duy nhất bây giờ để nó buông em.
– Anh cút đi. Anh ích kỉ lắm!
– Ích kỉ cũng được. Giờ anh bất chấp rồi. Ai đánh mắng chửi bới gì được hết, kể cả em!
“Chát” – một cái tát.
– Anh là đồ tồi, anh chỉ cần biết đến mình thôi. Anh đi rồi tôi sống thế nào được với nhà tôi? Bạn bè? Nó kể với cả làng cả xóm thì tôi mặt mũi nào mà sống?
– Anh có dám cưới tôi không mà anh nói thế? Hả??? Hay anh chỉ biết nói thôi??
– Anh nói rồi. Anh chỉ cần biết phải giữ em thôi, còn lại anh bất chấp. Thôi anh về.
Trong thâm tâm, tôi vẫn chờ đợi một sự thông cảm từ Phương nhưng có lẽ tôi đã đi quá giới hạn. Phương nói đúng, tôi ích kỉ. Cái khát khao chiếm giữ lần đầu xuất hiện trong tôi nó đã vượt ra khỏi bản ngã của mình. Tôi vốn không phải là một người bất chấp trong bất cứ chuyện gì, trái lại, tôi bị đánh giá là hơi “đù đờ” – vì chuyện gì cũng suy nghĩ chán chê rồi mới quyết định. Thêm nữa, vì suy nghĩ luôn là thói quen của bản thân nên chẳng bao giờ tôi đặt mình vào những tình huống một mất một còn, hay phải đánh cược bản thân vào bất cứ chuyện gì. Đây là lần đầu tiên tôi có phản ứng mạnh mẽ và thiếu suy nghĩ như thế, gạt bỏ hết mọi đắn đo, cân nhắc thiệt hơn, tôi chỉ biết đến bản thân mình.
Ngay chính tôi cũng không thể hiểu nổi bản thân, thì làm sao bắt Phương phải thông cảm được? Những lời Phương nói vẫn xoáy sâu trong tâm cảm từ lúc tôi bước chân ra khỏi nhà em. Chẳng có lời nói nào là sai cả! Tôi đúng là chỉ biết nói thôi, còn em phải đối mặt với muôn thứ áp lực và gièm pha thì tôi chẳng màng. Giờ là thời đại hiện đại rồi, nhưng quan điểm đó chỉ tồn tại ở thành phố – chỗ chúng tôi đang làm việc, và cũng chỉ đúng với lứa chúng tôi mà thôi, còn ở quê, với văn hóa làng xã và những thế hệ đi trước, nó vẫn còn khá nặng nề, mà chúng ta thì đâu thể sống chỉ để cho bản thân mình? Nếu như. Tôi nói nếu như thôi… rằng tôi với em không đến được với nhau thì với cái tiếng “ngủ với trai” – ai sẽ dám rước em về? Chỉ có nước bán xới đi nơi khác mới mong lấy được tấm chồng.
Đau đầu.
Tôi gọi thằng Dũng ra quán cafe ngồi nói chuyện trong lúc nó đang chạy ngược chạy xuôi đi biếu quà các sếp trong trường.
– Dạo này sao mày? Phương thế nào?
– Chẳng thế nào. Mày biết thằng Huy không?
– Lạ gì. Huy, Linh, ****, **** một đống bạn của cái Phương.
– Nó là người thế nào?
– Đại gia phết, công tử bột. Nó tán con Phương từ cấp 3.
– Giờ nó đang được bố mẹ Phương ủng hộ lắm. Mk. Mày nghe Phương kể chuyện tao về nhà chưa?
– Rồi. Bố nó thì bình thường, nhưng mẹ nó thì ghê gớm có tiếng cái khu ấy rồi. Tao cũng chẳng ưa nổi bà ấy…
– Mày nghĩ tao có đến mức bị đối xử thế không? Chỗ anh em mày cứ nói thật. Cái lịch sự tối thiểu với tao mà mẹ Phương cũng không có.
– Mày dở hơi hả? Mày chỉ có mỗi cái là số khổ vì đàn bà, yêu con nào cũng bị nó hành lên hành xuống…
Trầm ngâm. Hai thằng bạn cứ ngồi vẩn vơ, nghĩ vẩn vơ.
Bế tắc.
Tôi đốt thuốc liên tục như một cái đầu máy xe lửa, đến một người nghiện như thằng Dũng còn phải sợ… thế rồi tôi bất chợt buột miệng ra hỏi nó:
– Mày có nghĩ Phương là đứa dễ thay đổi không Dũng?
– Mày nói thế ý gì? …
– Uhm. Tao hy vọng nhầm.
Chó má là mấy cái linh cảm của tôi chưa bao giờ nhầm cả. Cái gì tôi nghĩ là còn thì nó sẽ còn, và ngược lại.
Trở lại với chuyện kia. Huy chưa nói gì với bố mẹ em cả, vì chẳng thấy cuộc gọi nào thêm vào máy của Phương. Tôi cầm máy em về và để máy mình ở lại cho Phương dùng. Nếu gia đình em biết thì cái điện thoại đang vứt trên bàn kia đã gầm rú nãy giờ lên rồi chứ không nằm yên một cách đáng sợ như thế.
Tôi hiểu điều này theo hai cách. Đầu tiên là nó xấu hổ với bố mẹ em mà không dám mách lẻo nữa và sẽ dừng lại luôn tại đây, vì bẽ bàng quá rồi. Nhưng tôi thiên về cách thứ hai hơn: nó sẽ để bố mẹ em biết theo cách nào đó và tỏ ra không liên quan. Và biết đâu khi em đang bị gia đình sắp giết chết thì anh Huy sẽ ra đứng trước gia đình “sẵn sáng bỏ qua tất cả để bên em, che chở cho em”. Thế thì tôi cũng phải ngưỡng mộ mà yêu nó chứ đừng nói Phương! Nhưng ai biết được là trong cái suy nghĩ của nó có chuyển cái đó thành hận thù rồi dằn vặt em đến già không?? Với những gì tôi đã tiếp xúc thì nó hợp với con người của Huy hơn. Nhưng giờ thì nó có dùng cách nào thì tôi cũng xác định là chơi với nó đến cùng. Tôi hết lựa chọn rồi.
Phương không nghe điện thoại của tôi đã hơn 2 ngày.
Gọi điện không nghe, nhắn tin không nhắn lại. Tôi qua nhà đón em buổi sáng thì em đã đi từ bao giờ, chắc em muốn tránh mặt tôi. Buổi trưa tôi đợi ở cổng công ty thì em không hề ló mặt ra.
Đối với tôi, khi người ta muốn tránh mặt mình thì tôi cũng không cố ép.
Tối. Hơn 10 đêm.
Tôi đứng chờ bên kia đường, nhìn lên thấy phòng làm việc em vẫn sáng đèn. Tôi cũng không muốn gặp em bây giờ khi em không sẵn sàng, chỉ muốn đảm bảo rằng em đi về nhà an toàn nên mới chờ ở đây.
Chờ mãi thì cuối cùng Phương cũng xuống. Vẫn cái dáng hình ấy, không lẫn vào đâu được. Nhìn em lặc lè dắt cái xe mà tôi thấy thương quá, chỉ muốn chạy sang dắt hộ, nhưng lại dằn lòng xuống. Tôi ngồi đây từ xẩm tối chỉ vì muốn đi theo em về, còn tôi không muốn xuất hiện trước mặt em làm gì giờ này. Nhưng khi vừa đề ga chuẩn bị bám theo, thì có một cái xe SH phóng vọt qua trước mặt, lên đi song song với Phương. Không nói thì ai cũng biết là ai.
Em có bất ngờ về chuyện này hay không thì tôi không biết, nhưng tôi thì có đấy. Chắc Huy thuê nhà nghỉ ở đây mấy ngày chỉ để đưa đón tiếp cận Phương? Hôm nay tôi thấy, không biết tối qua thì sao? Có đưa đón nhau không?
Vậy là tôi đã nghĩ đúng, Huy không hề bỏ cuộc. Nhưng mới chỉ đúng có một nửa, vấn đề là bây giờ nó sẽ tiếp cận theo cách nào? Liệu có đúng như những gì tôi tự vẽ ra trong đầu hay không nữa? Nếu đúng thế thì…
Nhìn đôi trai gái đi trước mặt mà tôi muốn trào máu.
Nhưng những cái đau đớn đã gặp trong đời vẫn là liều kháng sinh đủ để tôi tỉnh táo trong những tình huống như thế này. Tôi lặng lẽ bám theo với một khoảng cách đủ xa để họ không nhận ra mình, cho đến tận nhà Phương. Nép vào cái cột điện, tôi ghe ghé nhìn xem họ làm gì? Lại thêm một cảm giác mới lạ nữa tôi vừa được trải nghiệm trước giờ chưa từng có: Nhục!
Vì ai mà tôi phải làm mấy cái chuyện tò mò, săm soi, theo dõi người khác lén lút như thế này? Thế mà giờ tôi đang làm đấy! Đúng là trò đời.
Trước nhà, Huy với Phương đang nói chuyện. Tôi đang chờ đợi điều mà tôi đang sợ: Huy và Phương cùng nhau vào nhà! Nếu điều đó xảy ra chắc tôi ngã gục ngay tại đây mất. Người run lên, răng đánh vào nhau cầm cập. Cái hình ảnh đôi trai gái kia dắt nhau ra khỏi nhà nghỉ nửa năm trước nó lại quay về đây ngay lúc này. Khốn nạn là chúng nó lại còn chọn cái nhà nghỉ ngay sát trường tôi dạy nữa chứ. May mà không ai biết mặt người yêu tôi, không thì tôi cũng đến bỏ dạy mất! Chúng nó dắt nhau vào đấy mà vẫn gọi là “an ủi trong lúc em yếu đuối nhất”. Yếu thế mà còn “an ủi” nhau nữa thì không biết xong việc còn yếu thế nào? Thà chúng nó cứ nhận đi tôi còn đỡ thấy đau đớn.
Bên kia đường, Huy có vẻ muốn vào nhà nhưng Phương dứt khoát không cho vào. Hai người cứ dùng dằng ở đó khá lâu, đủ để tôi bị muỗi cắn sưng hết cả chân. Chỉ cần nhìn thấy thái độ dứt khoát của Phương, tôi cũng đã không kiềm chế được mà suýt khóc. Ít nhất thì nó cũng không chà đạp lên chút hi vọng mỏng manh của mình. Tôi luôn tin tưởng em, tuyệt đối, nhưng tôi không tin vào lòng người, từ lâu rồi.
Lên ga, tôi phóng đến trước mặt trong sự ngỡ ngàng của cả Huy và Phương.
– Cường à.
– Anh à? Lên chơi muộn thế?
– Ừ, anh mới lên.
Quay sang Phương tôi nói giọng dễ thương nhất có thể. Từ bao giờ tôi học được cái kiểu 2 mặt mà chính tôi còn thấy gét.
– Thay quần áo rồi đi ăn em, anh đói quá rồi.
– Vâng, đợi em tí – Phương đáp gọn lỏn, không hề vấp một chút nào khiến tôi bất ngờ.
Rồi em quay sang phía Huy:
– Thôi anh về nhé.
– Uh, anh về đây. Chào 2 bạn nhé!
Đợi Huy đi khuất, tôi với Phương vào nhà. Đưa cái điện thoại cho em tôi nói gọn lỏn.
– Em cầm điện thoại còn liên lạc. Đưa điện thoại lại cho anh.
– Đập rồi.
– Sao đập?
– Không thích thì đập.
– Ừ, anh về – tôi không có thói quen nói chuyện với người cùn. Rồi quay người bước đi. Nghĩ bụng lại mất mấy triệu mua điện thoại mới.
– …Anh! Sao bảo đi ăn?
– Nói để đuổi Huy về chứ giờ này ai còn chưa ăn.
– Em chưa ăn!
– Thế em nấu gì mà ăn đi không đói.
– Đưa em đi ăn!
– Em tự đi đi.
– Đưa em đi ăn! – Phương nhoài sang ôm ngang hông tôi giọng nũng nịu. Mặt cứ dụi dụi vào lưng. “Chắc chắn vừa làm gì có lỗi với mình xong đây” – kiểu nghi ngờ của các mẹ các chị.
Cuối cùng thì tôi cũng không thể cứng mãi với em được. Xoay người lại, tôi quàng tay qua đầu Phương, khẽ vân vê mái tóc mềm của em. Trước bụng tôi, nàng đang dụi lấy dụi để vào cái bụng bia, vừa dụi vừa chê “hôi quá” mà có chịu bỏ ra đâu.
– Rồi, giờ ăn gì?
– Chân gà nướng!
– Ăn tối ăn hẳn hoi, không ăn chân gà nướng.
Đưa Phương ra quán cháo gần trường, tôi kéo vào bắt em ăn hết bát cháo. Chẳng hiểu từ bao giờ Phương có cái kiểu thích hành hạ bản thân những lúc giận dỗi người yêu. Ăn không ăn, ngủ không ngủ. Bây giờ tôi còn ở cạnh còn ép ăn ép uống được, chứ lúc còn một mình thì không biết thế nào đây? Cứ mỗi lần định rình rình tôi quay đi để múc cháo bỏ bớt ra bát bên cạnh là lại bị tôi bắt gặp…
– Ăn hẳn hoi vào! Hết giai đoạn tán tỉnh rồi nhá, giờ là đánh luôn đấy.
– Ble. Lão già khó tính. Khô như ngói!
…
Tối hôm đó là buổi cuối cùng chúng tôi ở bên nhau trước khi tôi lên đường… đêm ngày 27 Tết.
Đêm.
Hai đứa ngồi bên nhau rất lâu. Tôi không nhớ mình đã hút hết bao nhiêu điếu nữa…
Bao nhiêu suy nghĩ và trăn trở đều được hai đứa trải lòng ra với nhau. Cái gì được? Cái gì mất? Và mong chờ điều gì?
Trong thâm tâm tôi lúc này, tôi thực sự muốn chia tay em. Một phần vì em không đáng phải chờ đợi, một phần vì tôi thấy hai đứa sẽ chẳng bao giờ có được sự đồng thuận của bố mẹ em.
Em thì vẫn hy vọng lắm. Nhưng càng về cuối buổi nói chuyện, tôi càng cảm nhận được sự cứng rắn và quyết đoán của em hơn – điều làm tôi vững tâm lên rất nhiều. Em xác định tư tưởng được rằng cái gì là của nhau sẽ trở về bên nhau, không nên cưỡng cầu, gượng ép.
Không một giọt nước mắt, chỉ có ánh mắt thay lời nói và cái nắm tay thật chặt hứa sẽ bên nhau, lâu nhất đến khi có thể.
Nhưng tôi biết, mình sẽ chia tay em…
Chap 50 – Hàn quốc
Tôi đang nghĩ gì bây giờ nhỉ? Giữ hay buông đây?
Tôi muốn chia tay em, càng sớm càng tốt. Vì tôi lường trước được em sẽ vật vã đến thế nào, sẽ tra tấn bản thân như thế nào. Và vì bố mẹ em cũng sẽ không để em yên mà yêu tôi cho đến khi em thuận theo ý họ. Câu trả lời vẫn chưa được đưa ra, nhưng tôi cảm nhận được cái gì lớn hơn, cái gì thuộc về bản ngã của mình. Em đau, tôi đau hơn. Em vật vã, tôi cũng chẳng khá hơn. Với con người mình, tôi không chấp nhận được cảnh người yêu thương mình phải chịu đựng những điều đó.
Nhưng dù thế nào đi nữa, trong tôi, khát khao có em vẫn chiến thắng mấy cái suy nghĩ mà tôi tự cho là cao thượng kia. Nếu như tình yêu ấy không đủ lớn, thì tôi đã không phải suy nghĩ nhiều như vậy. Tôi làm mọi cách, kể cả chơi xấu, để loại bỏ hết những chướng ngại, kéo Phương về bên mình.
Tết năm đó trôi qua trong tôi thật nặng nề.
Gia đình tôi vẫn vậy, hàng năm là nơi tập trung của họ hàng nội ngoại. Năm nay, mọi người càng hồ hởi hơn với lí do tiễn tôi đi học.
Năm nay tôi uống nhiều, để bớt cái thời gian nghĩ về em đi.
Đêm giao thừa, người đầu tiên mà tôi gọi điện là em.
Nghẽn mạng. Tin nhắn cũng không gửi được.
Nóng ruột, tôi nghĩ em đang trách mình lắm vì thời khắc quan trọng như thế này lại không nhớ đến em. Kì lạ là tôi lại nhận được cuộc gọi của Mai một cách cực kì suôn sẻ:
– Anh!
– Chúc mừng năm mới em và gia đình nhé!
– Cảm ơn anh! Chúc anh lên đường may mắn nhé. Đừng cố gắng quá. Nếu không chịu được hãy cứ quay về nhé!
– Ừ, anh biết. Phải cố chứ. Em cũng giữ sức khỏe nhé!
– Vâng. Đi bình an, anh.
Mai cup máy không kịp cho tôi nói lời chào em. Nhưng tôi cũng không đờ đẫn được lâu, vì giờ này vẫn chưa gọi điện được cho em. Cuối cùng thì cái mạng Viettel nó cũng kết nối được với mạng MobiPhone.
– Cún à?
– Anh đây. Mạng nghẽn mãi mới gọi được.
– Em cũng thế. Sốt hết cả ruột!
– … nói gì đi Cún! Tốn tiền quá. Hihi.
– Chúc Mèo của anh năm nay hay ăn chóng nhớn nhé! Ngoan nghe lời bố mẹ nhé.
– Hay ăn chóng nhớn thì nhận, nghe lời bố mẹ thì còn phải xét. Hì hì.
– Chúc Cún của em luôn yêu em! Thế thôi là đủ. Mà anh dập máy đi để em gọi điện cho 2 bác.
– Ừ, anh cũng muốn gọi cho bố mẹ em.
– Thôi anh ạ. Giờ…
– Ừ, anh hiểu rồi. Em có số bố mẹ chưa?
– Em có rồi. Cún tắt máy đi để em gọi.
Một phút sau, tôi nghe thấy tiếng nói chuyện văng vẳng ở trên nhà, chắc Phương đang gọi điện chúc mừng năm mới bố mẹ. Tôi biết rằng trong thâm tâm của bố mẹ mình, họ cũng yêu quý em, và cũng không muốn đặt em vào tình huống khó xử. Nhưng khổ một cái phàm là con người thì ai mà không tự trọng, huống hồ bố mẹ tôi lại luôn tự hào về thằng con trai của mình, lúc nào cũng vỗ ngực rằng “cỡ như mày thiếu gì người yêu!!”, thế mà bây giờ bị từ chối phũ phàng như vậy thì kể cũng khó chịu thật.
3 ngày Tết tôi quay cuồng với lịch trình quê nội – quê ngoại – nhà sếp… Tất cả đều tóm gọn trong 1 từ thôi: “Rượu” – Có đủ thứ lí do để uống rượu: câu chuyện đầu năm, tiễn bạn lên đường, …
Nhưng mà, tôi lại thích. Vì mấy ngày này tôi chẳng có việc gì làm mấy ngoài đi tháp tùng bố mẹ và uống rượu. Cái điện thoại tôi sạc từ tối đến sáng đầy 100%, đến tối vẫn lại 90%. Có nhắn tin cho ai đâu, có gọi điện cho ai đâu mà đòi hết pin?? Tôi nhắn tin cho em vài lần. Lần nào Phương cũng đang đi chơi với hội bạn. Gọi điện thì chớp nhoáng nên tôi cũng không muốn làm phiền em làm gì.
Sáng mùng 3, em nói đi chơi với tụi bạn cấp 3.
Lấy máy, tôi gọi điện cho thằng Dũng để nắm lại tình hình:
– Mày à? Hôm nay cấp 3 mày đi chơi hả?
– Ừ. Yên tâm, hôm nay tao trông nó cho.
– Hôm nay Phương có đi thì xem ai đèo đến nhá, nếu không đi thì mày đánh võng ở đường xem đi cùng ai không hộ tao.
– Sao thế? Mày lại không tin nó à?
– Không phải. Nhưng cứ hộ tao đi. Mà mày chỉ cần đi qua mấy quán cafe to to thôi.
– Rồi. Bố làm như Sherlock Holmes không bằng!
Trưa ấy tôi tháp tùng bố mẹ sang bên quê ngoại cách nhà mấy chục km. Đang ngồi ăn trưa rượu chè tưng bừng thì thằng Dũng gọi.
– Mày làm thầy bói được đấy, nó đang ngồi cafe với thằng *** *** Huy.
– Ờ, cố tình đấy.
– Thảo nào! Nó phóng qua trước mặt tao giả vờ không biết mà. Lại giận dỗi gì mày hả?
…
Lấy điện thoại tôi nhắn tin cho Phương
– Họp lớp thế nào em?
– Bình thường anh ạ. Cũng vui – Chắc đã diễn rồi thì diễn cho trót à em?
Vứt cái điện thoại xuống chiếu, tôi tiếp tục chè chén với ông ngoại và các bác các cậu. Giả vờ tỏ ra không vấn đề gì nhưng trong lòng tôi thì như đang điên lên. Không phải tôi phát hiện ra Phương cắm sừng mình, mà tôi không biết em làm như thế để làm cái quái gì? Hai ngày lạnh nhạt, bỏ đi họp lớp cấp 3 với sự xuất hiện của thằng Dũng, rồi lại ngồi quán cafe ngay gần đó. Có thằng ngu mới tin em là người thay đổi như thế. Vấn đề là em làm thế để làm gì? Để tôi quên em, đỡ phải suy nghĩ nữa à? Hay đang làm thế để chiều theo bố mẹ em?
Em lại định diễn một vai cao thượng ở đây hay sao vậy? Cái này tôi xem trên phim nhiều lắm rồi. Hay là em lại học được từ mấy bộ phim Hàn quốc sướt mướt – quyết tâm dứt áo ra đi để người yêu không vướng bận à?
Tối hôm đó chúng tôi nói chuyện rất lâu. Vui vẻ như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Em líu lo, kể hết chuyện nọ đến chuyện kia. Càng vui vẻ bao nhiêu thì cảm giác bất an trong tôi càng lớn.
Em đã cố tính hay vô tình cho thằng Dũng nhìn thấy? Nếu vô tình, em đâu có ngu ngốc đến mức không biết tôi chỉ cần 1 cuộc điện thoại để hỏi thằng Dũng là mọi chuyện sẽ vỡ lở? Thế thì em đang diễn à? Một kịch bản để tự đưa bản thân vào vai ác?
Tôi thì vẫn tự tin vào suy nghĩ của mình lắm. Nhưng mà biết đâu lần này nó sai thì sao? Chẳng phải tôi cũng từng tự tin lắm kia mà! Mà mỗi lần tự tin là mỗi lần bị đời đánh cho bầm dập, ê chề.
Trước băn khoăn, chẳng có gì hữu hiệu hơn là đưa ra một phép thử. Kết thúc buổi “chém gió”, tôi có nói một câu mà mình còn nhớ mãi, có lẽ em cũng vậy, sẽ nhớ đến cuối đời.
– Ngủ nhé Mèo. Mà lừa được anh vui không em?
Phương đang cười thì khựng lại. 30s im lặng. Rồi bỗng nhiên em bật khóc, và dập điện thoại.
Một tiếng sau, tôi nhận được 1 tin nhắn rất dài, nội dung tóm gọn lại:
– “Em biết anh sẽ phải đón nhận bao nhiêu khó khăn trước mặt, em muốn anh bỏ em để không phải nghĩ gì nữa tập trung vào học, còn em tự giam mình lại cho đến khi anh về. Nhưng… em chỉ là con ngốc trước mặt anh”
– Uhm. Ngủ đi em. Cứ cho là thế đi.
Và tôi tắt máy.
2 đứa tôi đang chơi trò mèo vờn chuột với nhau à? Lúc người này cố giữ thật chặt thì người kia lại định buông. Toàn những lí do chuối củ hết sức. Cái cần thiết bây giờ là bồi đắp niềm tin cho nhau thì lại chẳng làm được. Mà thực ra biết làm thế nào để mà bồi đắp cơ chứ? Tôi không muốn phá đám 3 ngày Tết của gia đình em nên cũng chẳng đến chúc Tết. Phương cũng vậy, em cũng không muốn bố mẹ tôi có thành kiến thêm nữa sau khi gọi điện đêm giao thừa. Còn gặp nhau thì cả hai đứa đều sợ sẽ không kìm chế được, lại khóc lóc, lại nước mắt…
14/2/20** – Valentine – Trước hôm tôi bay 1 ngày.
Một ngày valentine nữa lại đến – ngày lễ tình nhân đầu tiên mà tôi có em. Bất chợt nó làm tôi nhớ về ngày này cách đây lâu lắm rồi, một thằng học sinh lớp 12 bẽn lẽn gói ghém phong kẹo để tặng cho tình đầu của nó. Nó cũng không biết được đấy sẽ là người con gái làm nó yêu thương nhiệt thành và cũng sẽ là người làm nó đau đớn nhất… đau cho đến khi cái sẹo ngày ấy được em tới và tưới mát nó, từng tí một, tí một.
Nhưng Valentine này cũng là một ngày buồn nữa, khi không có em bên cạnh. Cầm bó hoa hồng và phong kẹo chocolate trên tay, tôi tần ngần đứng trước ngõ vào nhà em từ sớm. Cứ chần trừ giữa gặp và không gặp? Câu hỏi cứ lặp đi lặp lại trong đầu. Không gặp thì đến đây làm cái quái gì? Đêm đông rét mướt thế này? Mà gặp thì cũng để làm cái gì? Để ôm ấp nhau rồi em phải khóc lóc suốt đêm à?
Điện thoại của Phương đến từ bao giờ mà tôi chẳng hay. Từ xa tôi chỉ nhìn thấy lờ mờ hình như em đang ngồi vắt vẻo trên lan can:
– Cún ơi????
– Anh đây. Mèo đang làm gì đấy?
– Đang gọi điện đòi quà đây!
– Đi vào nhà đi không ngồi ngoài lạnh lắm!
– Hả? Anh nhìn thấy em à?
– À, Không. Anh đoán. Lần nào em gọi cho anh chẳng ra lan can ngồi.
– Hì hì. Quà em đâu?
– Năm nay anh bận chuẩn bị đồ đạc quá không có thời gian mua quà cho Mèo rồi. Anh xin lỗi nhé…
– Uhmmm, được. Nhưng chỉ năm nay thôi nhé! Hừm.
– Anh xin lỗi!
– Hì hì. Cún ơi mai Cún đi rồi nhỉ?
– Ừ. Mai anh đi rồi.
– Cún nhớ em không?
– Có. Nhớ lắm.
– Em cũng thế. Nhưng Cún phải mạnh mẽ lên nhé! Sang đấy nhớ mặc ấm, quàng khăn, khẩu trang…
– Ừ, anh biết rồi mà. Mèo ở nhà ngoan nhé! Tết anh lại về với em nhé!
– Vâng… Phương bụm miệng lại để khỏi khóc to.
– Thôi em vào nhà đây…
Thẫn thờ chờ bóng em vào nhà, tôi đốt nốt điếu thuốc để lấy lại cân bằng. Những lúc thế này sao mà tôi muốn chửi đời quá. Còn phải thử thách tôi thế nào nữa đây? Đứa không ra gì thì lấy nước mắt của tôi, còn tôi thì lấy đi nước mắt của người yêu mình. Hạnh phúc gì cái thứ nước mắt chia ly ấy? Hạnh phúc nửa mùa.
Đứng chán ở đó, tôi quyết định sang nhà thằng Dũng để nhờ đưa quà. Chứ tình cảnh bây giờ mà gặp nữa thì không biết em sẽ còn vật vã đến đâu! Tôi nhìn thấy hình dáng của em thế là đủ rồi, không muốn lau nước mắt cho em nữa. Vì tôi không phải cục đất.
– Đây. Đưa Phương hộ tao nhá.
– Ờ. Đây quà mày.
– Gì đấy?
– Quà của con Phương!
– Có quà cho tao à?
– Chiều nó vừa đưa cho tao. Nó bảo kiểu gì mà tao chẳng gặp mày. Đm, không hiểu là mình bắt bài nó hay nó đang bắt bài 2 thằng nữa.
Về đến nhà, việc đầu tiên của tôi là mở gói quà của Phương: một chiếc khăn len, một đôi găng tay em tự đen nhìn như cho trẻ con, và một phong thư nhỏ, nắn nót. Tay tôi run run cầm tờ mảnh giấy hình trái tim vàng chóe – em bảo màu ấy hợp với em và tôi.
“ Cún của em
Biểu tượng cảm xúc heart
Giờ mới là 4h chiều nhưng em chưa thấy Cún ỏ ê gì đến em cả >”<. Nhưng em biết là Cún sẽ đến mà đúng không? Em đâu có nhìn lầm người. Thế nên em sẽ gửi quà này cho Dũng nhé!
Không biết Cún sẽ tặng em gì nhỉ??? Hồi hộp quá.
…”
Tối hôm đó, sau khi ngồi nói chuyện với bố mẹ đến khuya, tôi lên giường ngủ với cái khăn và đôi găng tay đặt ngay ngắn ở gối bên cạnh. Nó có vẻ hơi sến sẩm với một thằng đàn ông, nhưng với tôi nó lại có ý nghĩa. Tôi muốn có gì đó bên cạnh lúc này.
15/2 – Nội Bài – 10h đêm.
Tôi khệ nệ kéo cái valy to đùng đoàng, bên cạnh là bố mẹ, ông bà, họ hàng và mấy người bạn ở Hà nội. Vài phút nữa là đến giờ vào khu chờ bay. Bố tôi thì cố tỏ ra không lo lắng, còn mẹ thì đã sụt sùi từ ở nhà. Đúng là cái cảnh “Người lên ngựa, kẻ chia bào”…
Trước khi bước vào khu cách li, tôi vẫn kịp lấy điện thoại ra gọi cho em một lần cuối:
– Em à? Anh đây. Em ngủ chưa?
– Vâng. Anh đi chưa?
– Gọi cho em xong là anh vào khu cách li, để điện thoại ở nhà vì sang bên đó không dùng được.
– Vâng. Anh giữ sức khỏe nhé! Em xin lỗi vì không đi tiễn anh được. Hức hức
– Không sao đâu em. Em ở nhà cố gắng ăn uống đấy nhé!
– …Giờ sắp đi rồi anh có muốn nói gì với em không?
– Anh à? Anh có… Anh đi, đừng để son trên môi nhạt đi em nhé!
… Phương òa khóc rồi dập máy.
Một bài hát mà tôi vẫn thường cùng em nghe
” Người ơi nếu yêu rồi, chớ để buồn người trai nơi xa xôi
Người ơi nếu thương rồi, chớ để nhạt màu son trên đôi môi…”
Tôi giữ mặt bình thản mà nước mắt chực trào, mặc dù nó đã trào sẵn từ lúc mẹ tôi cứ ôm ghì lấy nức nở rồi. Đưa điện thoại lại cho mẹ, tôi ôm hai ông bà thật chặt, từ biệt họ hàng và bạn bè rồi kéo valy vào khu cách ly. Không dám nhìn lại dù chỉ một giây vì tôi sợ không kìm được cảm xúc. Biết là đi sẽ về, nhưng cái cảm giác xa cách những người thân thuộc với cách chia ly thế này thật khiến cho con người ta khó mà giữ được nước mắt.