Con Đường Mang Tên Em

10.11.2016
Admin

Trên máy bay, tôi cố chìm vào dỗ giấc ngủ mà không làm được, cứ ngồi đó mắt trân trân, vô hồn. Cuối cùng thì thiếp đi lúc nào không biết cho đến khi được tiếp viên đánh thức dậy để ăn đêm.

5h sáng, tôi hạ cánh xuống Incheon.
Rét ghê hồn.
Tuyết vẫn đang rơi dày đặc.
Ấn tượng ban đầu của tôi là nó quá đẹp so với Nội Bài. Nhìn trên tấm quảng cáo “Incheon Airport – Award Best Airport * years consecutive” – “Một trong những sân bay tốt nhất thế giới gần 10 năm liên tiếp” mà tôi thấy chạnh lòng. Chỉ 1 cái sân bay, nhưng cũng mường tượng ra được họ hơn mình nhiều thứ quá! Tại sao học sinh, sinh viên Việt Nam cứ phải đi học nước ngoài? Biết đến bao giờ mới có du học sinh đến Việt Nam như làn sóng người trẻ VN đổ ra nước ngoài? Bao nhiêu % trở về Việt Nam đây? Quá ít. Đau đớn lắm.

Tôi đến ngay quầy Information Center – đội ngũ officer và tình nguyện ở đây cực kì thân thiện và nhiệt tình. Từ đây, tôi biết được rằng vừa mới sang Hàn quốc thì đừng nghĩ gì đến mua SIM điện thoại! Hãy đợi ổn định chỗ ăn, ở, làm xong giấy nhập học và đến trung tâm cư trú để được cấp thẻ An sinh xã hội – mất khoảng 3 tuần, sau khi có thẻ này rồi thì bạn hãy nghĩ đến làm SIM điện thoại. Tôi nghĩ vậy là 3 tuần phải nhờ người liên lạc về nhà rồi!

Cầm tờ giấy hướng dẫn về trường ở trên tay, tôi hỏi nhân viên cách tốt nhất về trường và nhận được câu trả lời là không nên đi taxi vì lí do thứ nhất là nó đắt, thứ 2 là 90% taxi drivers không thể nói được tiếng Anh, nên sẽ rất khó để giao tiếp, đừng nói đến chuyện bảo ông ấy đưa đi đâu cả!

Sau một hồi loanh quanh với tàu điện ngầm và thì tôi cũng về được tới trường và được mấy người bạn ở đây dẫn vào làm thủ tục nhận phòng, thủ tục nhập học.

Mệt mỏi, tôi chỉ kịp mượn điện thoại của một anh bạn rồi gọi về cho bố mẹ thông báo tình hình. Tôi có gọi cho em nhưng không thấy bắt máy… chắc em bận. Mà tôi cũng chẳng biết.

Chap 51 – Những ngày xa nhau

Tôi bắt đầu vào làm quen với công việc trong phòng thí nghiệm và bắt nhịp với cuộc sống mới ở đây. Mọi thứ đều mới lạ và choáng ngợp dù tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần từ nhà.

Thức ăn là thứ tôi không thể hòa hợp được với các bạn Hàn quốc dù họ rất thân thiện và đưa tôi đi thử tất cả những món gọi là đặc sản của họ. Nó quá cay, và quá nhạt nhẽo với một người Việt nam. Thế là thay vì ăn cơm ở nhà ăn của Trường, tôi nhập vào nhóm của các anh chị đã sang đây từ trước để cùng nấu nướng với nhau.

Công việc trong phòng thí nghiệm cũng làm cho tôi choáng ngợp không kém so với thức ăn và cuộc sống ở đây. Mọi thứ đều được trang bị đầy đủ, thậm chí thừa mứa. Hãy thử tưởng tượng một cái máy phân tích trong phòng thí nghiệm ở trường tôi mua với giá 30K$ và từ thầy đến trò giữ như giữ mả tổ, lần nào thao tác cũng phải nín thở không dám mạnh tay, thì ở đây nó đã bị thay mấy lần và các bạn sinh viên thì phá tanh bành không khác gì mấy tay thợ cơ khí. Với máy móc được trang bị đến tận răng như thế, bảo sao khoa học của họ không phát triển? Samsung galaxy, điều hòa LG, TV màn hình phẳng… cũng đều từ những phòng nghiên cứu và phát triển như thế mà ra. Ngẫm lại thấy buồn với mấy con ốc vít của Việt nam.

Tôi gia nhập cộng đồng du học sinh ở trường. Ở đây có khoảng 50 người Việt nam, trẻ có, già có, nam nữ, xinh, xấu đủ cả. Nhìn vào bản lí lịch mà họ giới thiệu trên trang facebook của group, tôi thấy mình đúng là chỉ là tôm tép ở đây: Cử nhân tài năng Bách khoa, cử nhân tài năng Khoa học tự nhiên, Olympic châu Á thái bình dương, Olympic quốc tế… thôi thì đủ cả. Thế nhưng sang đây rồi thì ai cũng như ai hết, đều hòa đồng và thương yêu nhau, chia sẻ tất cả, như một người trong gia đình, từ cách đối phó với giáo sư, cho đến dẫn nhau rong ruổi qua từng con phố để tìm một quán bán đồ ăn Việt nam.

Trong nhóm tôi chơi cùng, có chị H, anh T, em P, và Trang – bằng tuổi tôi.
Trong những ngày tôi còn bỡ ngỡ ở đây thì Trang là người giúp đỡ tôi nhiều nhất. Trang kín đáo nhưng tôi cảm nhận được em sống rất tình cảm. Trang là nhân viên của một Viện khoa học được cử sang đây học theo diện trao đổi và được cơ cấu sau khi tốt nghiệp sẽ về nắm một phòng thí nghiệm trọng điểm của Viện. Trang không xinh, nhưng bù lại em rất thân thiện và gần gũi với mọi người, chính vì thế mà ai cũng yêu quý em.

Bên này có đầy đủ anh chị em từ khắp mọi miền đất nước. Tôi lại được dịp nghe bao nhiêu là giọng của các vùng miền, được ăn thử nhiều món ngon. Từ mì Quảng cho đến bánh canh, bánh bột lọc, rồi hủ tiếu… Hương vị tất nhiên là không được 100% như ở nhà nhưng với chúng tôi thế là đã tốt quá rồi.

Tôi với Trang hay đi lên trường học course cùng với nhau, cùng đi chơi thể thao. Trường tôi có phong trào bóng bàn rất mạnh thế nên mọi người kéo nhau đi chơi rất đông. Tôi với Trang đều là newbie nên được xếp vào dạng đi dọn bàn và “2 đứa mày đi ra chỗ bàn trống đằng kia mà tự tập với nhau!” 🙁

Tôi nào có biết đến cái vợt bóng bàn là gì, Trang cũng thế. Hai đứa múa may lung tung mà quả thì trúng quả thì không. Hai đứa cười ngất. Mệt không phải vì đánh bóng mà mệt vì cười nhiều quá. Nhiều anh chị nhìn chúng tôi thế thì trêu “Thằng Cường vừa sang đã cua được em Trang rồi ha?!”
Mỗi lần như thế Trang lại đỏ mặt, chun mũi cười nhìn rất đáng yêu. Trang ở đây có rất nhiều người thích, chẳng hiểu vì em đáng yêu thật, hay vì ở đây ít con gái nữa!

Tôi nói vậy vì ở đây cứ có bạn nữ nào sang là chỉ trong vòng vài tháng là có người yêu ngay, bất kể xinh xấu (xin lỗi các anh chị em ). Họ thiếu thốn lắm, họ tự tìm đến nhau một cách tự nhiên và bản năng. Cái kết của những mối tình đó có phải là đám cưới hay không thì tôi không dám chắc, nhưng khi học tập xa nhà, ít nhất họ vẫn có một người bên cạnh để chia sẻ.

Tôi không nằm trong danh sách những người thích Trang, dù Trang có đáng yêu thế nào. Đơn giản vì tôi đã có em rồi.
Đều đặn, tôi chat với em vào tối thứ 7 hàng tuần. Yahoo, skype, viber đủ cả. Khổ nỗi mạng ở nhà thì kém nên có buổi tối cả hai đứa cứ loay hoay hết Yahoo qua skype rồi vòng về viber mà mãi cũng không nhìn thấy nhau, chẳng nghe thấy tiếng nhau. Mỗi lần thế em lại bực mình phát khóc lên, nhìn qua camera mờ mờ tôi vẫn thấy em chấm nước mắt.
– Em thấy thế nào? Xa nhau một tuần rồi đấy!
– Em thấy bình thường. Hì hì.
– Uhmm. Cứ nhân cái bình thường này thêm 51 lần nữa là ok heng?
– Oke. Em chẳng sợ.
– Thế tuần vừa rồi em làm gì?
– Em đi làm thôi, tối về nhà úp mì ăn xong lên giường nằm.
– Sao không nấu nướng ăn cẩn thận? Em cứ thế mà sao bắt anh phải ăn uống cẩn thận?
– Có ăn được đâu. Xụt xịt…
– Thôi. Khóc là anh tắt máy đất nhé.
– Tắt đi. Đằng nào em cũng không muốn nói chuyện nữa!

Thế rồi em tắt phụt một cái, chẳng để tôi nói thêm câu nào. Bao nhiêu tin nhắn của tôi ở tình trạng đã đọc mà không thèm phản hồi. Chán nản, tôi cũng tắt máy lên giường.

Course bên này của tôi khá nặng, cộng với công việc ở phòng TN từ 9h sáng đến 9h tối khiến tôi chẳng có thời gian nào mà lên mạng để nhắn tin hỏi han quan tâm em. Khi tôi về đến KTX thì cũng đã là 9h rưỡi tôi. Mọi liên lạc với em vì thế dần dà cũng chuyển hẳn về 2 ngày cuối tuần.

Vì tự ái cá nhân, tự cảm thấy mình kém cỏi so với những anh chị ở đây nên tôi lao vào học như điên, suốt ngày ngồi trên thư viện nếu như không phải làm thí nghiệm. Thời gian dành cho em vì thế cũng lại càng ngắn lại. Phương không trách móc gì tôi cả nên tôi cứ tưởng thế là hay, cứ duy trì cái thói quen đó.

Nhưng, tôi vẫn nhớ em quay quắt. Bao nhiêu lần tôi buông bút ngồi trầm ngâm trong thư viện cả tiếng đồng hồ để ngắm tấm hình em, bao nhiêu đêm tôi lang thang trong khuôn viên trường nhìn các đôi nam nữ tình tự bên nhau. Mỗi lần như thế tôi lại chỉ muốn bay ngay về với em. Ở nơi xa đó tôi biết em cũng mong mỏi mình như thế nào. Nhưng biết sao được, cuộc đời đâu có phẳng phiu và đều tăm tắp như nghĩa địa! Xa nhau cũng sẽ là xúc tác cho tình yêu của hai đứa. Tôi chỉ hy vọng nó là xúc tác chứ đừng là thuốc độc.

Mỗi lần nói chuyện với em, dù ngắn hay dài, thì đều kết thúc bằng cái tắt “phụt”, cùng với tiếng xụt xịt của em văng vẳng trong tai tôi. Cho đến một ngày cả hai đứa không chịu đựng được nữa. Chính xác là em không chịu đựng được nữa. Tôi đã cảm nhận được điều này, chỉ có điều tôi không nghĩ là nó lại đến sớm như vậy.

Đó là một ngày đầu tháng 4.

– Anh lên mạng đi, em có chuyện muốn nói!
– Anh lên ngay – tôi đoán được có chuyện gì đó nghiêm trọng.
– Anh với em là gì của nhau?
– Người yêu
– Không giống.
– Anh biết anh giành ít thời gian cho em quá. Anh sẽ thu xếp nhé.
– Mình…chia tay nhé.
– Em muốn thế thật chứ?
– Em muốn!
– Cho anh 1 lần này để giữ em lại được không? Mới có hơn 1 tháng sao em lại mất niềm tin sớm vậy?
– Em không mất niềm tin, mà là em không thấy tí niềm tin nào.
– Vậy là đủ rồi. Anh không giữ em nữa.
– Thế nhé anh!

Tôi có tin được không? Phương nói chuyện với tôi mà mặt ráo hoảnh. Khốn nạn là cái giờ phút chia tay đó, kết nối mạng lại tốt như chưa từng có, để tôi thấy trên mắt em không hề có một giọt nước mắt. Mặt em cũng vô cảm và lạnh lùng đến đáng sợ. Tôi chưa từng thấy cái thái độ quyết đoán và lạnh lùng đó của em đối với mình, thì giờ tôi thấy. Nhưng tôi biết đằng sau cái bộ mặt lạnh như băng kia là cả một ngọn lửa đang cháy bùng và cứ giằng xé trong em. Em của tôi vẫn là một người mềm yếu và nhạy cảm.

Biết sao được.
Tôi đã không làm em cảm thấy có niềm tin. Nó có thể là lỗi lầm của tôi, nhưng tôi thất vọng lắm vì niềm tin nơi em đánh mất sớm như vậy. Em có chịu áp lực của gia đình để nói ra những lời đó hay không nữa? Tôi chẳng quan tâm nữa. Bây giờ tôi chỉ cần biết rằng tôi đã chính thức bị đá đít ra khỏi cuộc sống của Phương. Chẳng có lẽ duyên phận giữa tôi với em thế là hết?

Khi ấy, đang là giữa tháng 4. Hoa loa kèn đang nở rộ, trắng cả đường cả phố. Facebook của tôi tràn ngập ảnh của bạn bè với hoa loa kèn.
Em thích loa kèn lắm. Nên khi nhìn những hình ảnh ấy tôi lại nhớ những ngày cùng em rong ruổi trên từng con phố, chọn những bó loa kèn thật to để em mang về nhà, hay chụp cho em những tấm ảnh để em post lên facebook khoe với bạn bè.
Còn bây giờ thì tôi với em mỗi đứa một nơi. Facebook của em vẫn để friend với tôi nhưng đã mốc meo từ bao giờ.

Tôi ngồi viết trong vô thức khi những hình ảnh em tíu tít bên hoa loa kèn và nhí nhảnh pose hình giờ này một năm trước lại hiển hiện trong đầu.

“ Trả lại em những ngày tháng tư ấy
Anh một mình giữa trời nắng hong hanh
Mắt thôi cười, và tim thôi nhớ
Tay rời tay. Tay nhớ bạn đồng hành.

Trả lại em những ngày tháng tư nắng
Dìu nhau đi qua những lang thang
Nhớ không em? hàng cây của mình đó?
Vẫn bên nhau, bước sánh bước thẳng hàng…

Tháng tư về. Loa kèn đầy quang gánh.
Trắng ngập đường, ngập trong mắt long lanh
Hoa kiêu kì, tinh khôi, e ấp.
Nhớ loài hoa ấy. Nhớ em anh… ”

Từ lâu lắm rồi tôi mới lại post một status lên facebook của mình. Ai cũng biết rằng cái status đó hướng về ai. Tôi chư bao giờ mong mỏi một phản hồi từ phía em như thế. Để tôi biết em vẫn còn đang sống tốt, vẫn bình thường và mạnh mẽ như khi chưa yêu tôi.
Chẳng phải đợi lâu. Vài phút sau, trên new feeds của tôi hiện lên cái status “Loa kèn”, của em.
Tôi mỉm cười mãn nguyện. Tôi biết vậy là em vẫn nhớ thương, vẫn ngóng trông một điều gì đó. Nhưng để quay lại với nhau thì chắc là không bao giờ…

Chap 52 – Những ngày tháng ấy

Những ngày tháng cô đơn lại bám lấy tôi như tri kỉ.
Tôi vẫn quen cô đơn, nhưng theo cái cách bị đá đít ra khỏi cuộc đời Phương như thế thì thực sự khó chấp nhận. Cảm giác trống vắng, thiếu thốn, nhiều khi thấy như tim thắt lại mỗi khi nhớ về em, nhớ về những việc giản đơn hai đứa vẫn làm với nhau.
Tôi vẫn không thể chấp nhận được cái lí do mà Phương đưa ra, nên tôi thấy khó thở và tức nghẹn trong lồng ngực. Chưa hôm nào từ sau buổi nói chuyện đó mà tôi ngủ ngon. Tại sao một người âm thầm bên cạnh tôi gần 3 năm trời không đòi hỏi bất cứ điều gì, như sinh ra để giành cho nhau lại có thể buông tay tôi dễ ẹc với cái lí do trời ơi ”em không còn niềm tin”!
Trong thâm tâm, tôi vẫn tin rằng em có lí do gì đó cho việc làm này. Đó có thể là sức ép gia đình, thiếu đi một người luôn bên cạnh em mỗi sớm tối… nhưng, không phủ nhận là có đôi lúc tôi nghĩ em đã thay đổi, và tôi cười khẩy trong bụng khi tự mình chụp lên đầu em cái mác phản bội. Để rồi sau mỗi đêm vật vã, tôi lại tỉnh dậy và lại tự chửi rủa mình vì đã nghi ngờ em.

Sang bên này, càng xa em và ở trong một môi trường bó hẹp, nó lại là thành thuốc thử đối với tôi, khiến tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện yêu một ai khác. Nếu như lúc ở nhà tôi có phân vân giữa chia tay hay tiếp tục thì khi sang đây tuyệt nhiên trong đầu tôi chưa một lần xuất hiện ý nghĩ sẽ chia tay em. Thế mà chuyện không ai ngờ, em, tưởng như là một người không thể thay đổi thì lại là người đưa ra lời chia tay trước. Thế nhưng chẳng hiểu sao lúc đó tôi lại không dám cất tiếng mà hỏi em cho rõ lí do! Có lẽ đó là con người mình. Khi người ta đã có một quyết định, nghĩa là đã phải suy nghĩ rất kĩ rồi, tôi không muốn vặn vẹo hay níu kéo nhiều, huống hồ đây lại là Phương – người mà tôi tin còn hơn bản thân mình.

Ở đây, tôi vẫn phải nấu cơm phụ các anh chị. Tôi với Trang không đi chợ như Phương vì chợ chỗ tôi họp theo phiên 5 ngày một lần. Chúng tôi đi siêu thị, người xách giỏ, người chọn đồ. Về nhà, tôi lại lẽo đẽo phụ Trang nấu nướng rồi rửa bát. Những công việc đó bây giờ đối với tôi đúc kết lại trong một chữ: vô cảm.
Tôi nhớ những giọt mồ hồi lấm tấm của Phương, nhớ cảnh em nhõng nhẽo đòi tôi phải “thơm” mỗi khi nấu ăn, nhớ những buổi trưa nắng xách làn đi chợ đến trĩu cả tay… nhớ nhiều thứ lắm. Mỗi lúc như thế tôi lại bần thần đứng như trời trồng giữa siêu thị, nhìn Trang mà cứ ngỡ là Phương đang nhí nhảnh chạy nhảy trong siêu thị, lấy đủ thứ chụp lên đầu tôi để em chụp ảnh.
Thôi. Qua rồi. Qua thật rồi.

Tôi cũng định không viết nhật kí nữa – việc mà tôi chưa bao giờ bỏ trong gần 15 năm qua. Biết viết cái gì nữa bây giờ? Viết là tôi đã không còn em nữa à? Giờ tôi lại sợ nó, sợ nhìn thấy quyển nhật kí trong đấy có cả chữ tôi lẫn chữ em, sợ đọc lại mấy cái cảnh hai đứa đi chơi, đi ăn…
“Này thì nhật kí!” – tôi quẳng nó vào sọt rác rồi chui lên giường ngủ. Để rồi nửa đêm lại mò dậy lại nhặt lên rồi đặt ngay ngắn vào trong vali, khóa lại. Tự nhủ với mình rằng từ giờ không có nhật kí nhật kiếc gì nữa! Vớ vẩn. Đã đoạn tuyệt là đoạn tuyệt luôn, không nhớ nhung gì nữa. Càng đọc càng viết thì chỉ càng làm mình yếu đuối mà thôi!

Nhưng rồi tôi lại nghĩ tội gì phải vậy? Không có người này thì sẽ có người khác. Cuộc đời tôi mới có vài chục năm, yêu có ba người mà bao nhiêu thứ đủ cả, hỉ, nộ, ái, ố, đắng cay mặn ngọt. Thôi thì chỉ biết trách số mình nó hẩm hiu chư biết làm sao bây giờ. Tôi vẫn cứ phải sống, phải học hành. Và chẳng có lí do gì để tôi bỏ đi thói quen lưu giữ lại từng ngày của mình. Nhưng thực sự từ lúc sang đây tôi cũng chẳng có gì để mà viết vào nhật kí mấy, chẳng lẽ viết hôm nay ăn gì? Mấy giờ?…

Tôi sẽ giữ Phương như một kí ức thật sâu trong tim mình. Mãi trong cuộc đời này sẽ không thể có ai hiểu em bằng tôi, không ai hi sinh cho tôi nhiều như em. Tôi chúc em sẽ luôn may mắn trên cuộc đời, sẽ có một người bên em thực sự để yêu em và em yêu. Đã có duyên nhưng không có phận. Ngày về, tôi sẽ gặp em để nói chuyện và hi vọng em sẽ cho tôi một lời giải thích thật thỏa đáng. Tôi đâu có cam tâm để mất như thế, tôi chỉ cảm thấy mình bất lực thôi. Cay đắng thật khi cách xa nhau thế này, nói với làm chẳng đi đôi được với nhau.

Tôi không để ai biết chuyện của mình, trừ Trang.
Không hiểu sao tôi lại có thể chia sẻ chuyện đó với em. Còn mọi người, trong một tháng tiếp xúc họ chưa đủ để hiểu tôi là con người như thế nào, vậy nên khi thấy tôi ít nói, trầm ngâm, họ mặc định đó là tính cách của tôi rồi.

Trang đã từng yêu 2 người, một người cùng quê và một người cùng cơ quan. Cả 2 cuộc tình của Trang đều không đến đâu. Người ở quê thì cảm thấy không xứng với em nữa dù Trang rất yêu. Người ở cơ quan thì chia tay sau một tháng vì anh ta thấy hết cảm xúc với em. “Đồng bệnh tương lân”, chúng tôi tự tìm đến với nhau, để tìm một người chia sẻ.

Chúng tôi thường đi dạo cùng nhau lúc rỗi rãi. Phòng thí nghiệm của Trang cũng ngay gần nên chúng tôi thường đi về cùng nhau. Dù ở đây an ninh rất tốt nhưng Trang là con gái, lại hay làm về khuya nên hôm nào tôi cũng chờ em về hoặc em phải ngồi chờ tôi để về cùng. Mỗi lần như thế chúng tôi lại đi dọc cái bờ sông thanh vắng, lặng thinh chẳng ai nói với ai lời nào dù ban ngày gặp nhau thì đủ thứ chuyện để nói. Những lúc như vậy tôi mới thấm thía cái gì là nỗi cô đơn mà chỉ trong mỗi con người mới tự hiểu được. Nó chầm chậm, chầm chậm như một lưỡi dao lam cứa vào lòng mình, rỉ ít máu thôi nhưng chưa và sẽ không bao giờ ngừng chảy.

Tháng 4. Bây giờ bên này đang là chớm xuân, trời bắt đầu ấm áp, hoa nở trắng hai bên đường, hoa nở trải dài miết mải vàng óng hai bờ sông, rất đẹp. Có điều là nó chẳng quan tâm gì đến tâm trạng của thôi cả, đáng buồn thật. Chiều cuối tuần, tôi vẫn đạp xe ven sông để tự thưởng cho mình cái ít không khí đất trời đang vào xuân và rất đỗi đẹp đẽ ấy, nhưng chẳng ăn thua, vì tâm hồn tôi cứ héo úa như là hoa nhúng nước.

Trường tôi có vườn cây hoa anh đào rất đẹp và rộng. Năm nào cũng có lễ hội hoa kéo dài trong vài ngày đúng vào lúc mà hoa nở đẹp nhất. Mấy anh chị em lại cùng dắt díu nhau đến ngồi dưới những tán cây anh đào thật to, ăn những thứ đồ ăn đặc trưng của Hàn quốc và uống rượu gạo. Rượu gạo này có mùi cũng giống như là bã rượu nếp ở Việt nam vậy, màu đục như sữa, dịu nhẹ và thích hợp cho các chị em.

Như thường lệ, tôi lại đi cùng với Trang.
Từ lúc tôi sang đây dường như Trang tìm được một người đồng cảm nên cứ thế hai đứa mặc nhiên đi với nhau. Trang giống như một người bạn thân, tìm là có, giống như Phương của tôi ngày xưa. À, giờ thì không còn là của tôi nữa rồi.
Chúng tôi đi với nhau nhiều đến mức mọi người ở đây đã ngay lập tức gán ghép thành một đôi trong những ánh mắt khó chịu của những “tình địch” – họ có thể gọi tôi là như vậy còn tôi thì không, đơn giản vì tôi không quan tâm đến Trang với tư cách một người đang “cầm cưa” như họ.
– Uống đi kìa Cường – Trang chỉ vào cốc rượu gạo.
– Trang cứ uống đi, tớ không thích rượu này, nó cứ nhàn nhạt
– Thế có uống Vodka không? Tết tớ mang sang mấy chai đấy.
– Con gái mà cũng mang Vodka sang á?
– Chia cho mọi người mà. Chứ tớ thì uống gì. À, mà thỉnh thoảng cũng có.
– Uhm, hiểu – tôi gật gù.
– Hiểu gì? “Chỉ anh yêu em” à?
– Gì đấy?
– Bên này mọi người vẫn trêu nhau thế mà.
– Mấy anh kia anh ấy tạt acid thì không có đường mà chạy đâu. Tớ vừa chân ướt chân ráo sang đây.
– Lab bạn thiếu gì acid? Sợ à?
– Sợ chứ sao không. Tránh voi là tốt nhất.

Nhìn sang thấy mấy anh đúng là đang lườm tôi thật. Gọi lườm thì hơi quá vì mấy anh em ở đây đều rất thân thiện với nhau, chẳng qua là vì tôi không may lại chạm vào chỗ không nên chạm thì họ mới thỉnh thoảng ngó qua chút thôi. Tranh thủ ngồi với Trang tôi cũng thu thập được nhiều thông tin hay ra phết, dù rằng chỉ là để cho vui thôi chứ chẳng có mục đích gì.

– Trong mấy anh kia thì ai tấn công Trang ghê nhất?
– Làm gì có ai?
– Sao phải chối làm gì? Nhìn là biết mà. Nhìn sơ qua cũng thấy 3 anh rồi.
– Anh nào kể nghe?
– Anh Tuấn, anh Huy, anh Thái.
– Ờ, uhmm, cũng tinh ghê đấy.
– Thế mấy anh ấy tặng quà gì chưa? Cho cầm tay chưa?
– Bị dở hơi à? Cầm tay cầm chân gì. Vớ vẩn.
– Thế sao không thích mấy anh ấy?
– Ai biết được là sao! Không thích thì không thích thôi.

Mấy cái thứ chuyện linh tinh như thế nó cũng làm tôi vui vẻ lên chút ít, quên đi cái thực tại đáng buồn của mình. Chứ cả buổi cứ ngồi ủ ê, uống rượu và lặng thinh giữa lúc mọi người đang vui vẻ ca hát, nhảy múa và thưởng thức hoa anh đào thì cũng chán ngán thật.

Ngồi một chốc Trang quay sang tôi nói khẽ:
– Đi dạo tí đi, ngồi đây mãi chán quá
– Ừ, đi.

Trên đường đi chúng tôi lại quay về mấy chuyện tình cảm của bản thân. Loanh quanh chỉ có vậy thôi mà. Những người trẻ như chúng tôi, có nói chuyện gì đi chăng nữa thì cuối cùng cũng lại vẫn quay trở về chuyện yêu đương của mình. Khi người ta trẻ, người ta dễ trải lòng hơn.
– Sao rồi? Mấy hôm nay còn nhắn tin nữa không?
– Thôi rồi mà. Tớ không muốn làm phiền Phương nữa.
– Uhm. Nếu còn yêu thì Cường thử níu kéo một lần nữa đi. Con gái mà, đau phải lúc nào lời nói cũng đi đôi với suy nghĩ.
– Tớ hiểu Phương rõ lắm. Tớ cũng không muốn nhắc đến nữa… Có lẽ tớ sẽ nói chuyện khi gặp trực tiếp.
– …
– Vậy thì đừng buồn, đừng ủ rũ nữa. Sang đây kì đầu tiên quan trọng mà cứ chểnh mảng là không chừng về nước luôn đó.
– Tớ vẫn học mà, chẳng qua không vào đầu mấy thôi. Hì.
– Mấy tuần nữa có lễ hội hoa Cúc đó, mình đi chơi đi.
– Hoa cúc thì có gì mà chơi? Toàn để cắm bàn thờ đi chơi làm gì?
– Vớ vẩn. Bên này có cả một ven sông trồng đủ loại hoa Cúc đẹp lắm. Đi thì để tớ book vé tàu luôn cho.
– Ừ thì đi – chứ ở nhà tôi cũng có làm gì đâu, quanh quẩn với cái giường.

Rồi ngày hội hoa cũng đến. Tôi thì chẳng có tí hứng thú nào, nhưng Trang với mấy anh chị cứ cố kéo đi, vả lại vé tàu cũng đã book rồi bây giờ hoàn lại vé là mất tiền, tiếc, thế là lại đi.

Trang hôm nay diện một bộ váy vàng chóe chẳng hợp mốt gì cả. Em là người rất tinh tế trong giao tiếp và ăn uống, nhưng đáng tiếc lại không có mắt thẩm mĩ. Tôi nhìn em đi đi lại lại, xúng xính với váy vàng chóe ấy mà không nhịn được cười, thế là tôi bị gọi ra kiểm điểm.
– Cười cái gì?
– Không.
– Vô duyên. Thấy không khen người ta một câu mà cứ cười đểu.
– Cười thật chứ cười đểu đâu.
– Thôi nói đi, thấy sao?
– Hôm nay đi xa, lại đi lại nhiều mà bạn mặc váy thì hơi bất tiện đấy. Thêm nữa là màu này nổi quá, nhìn đau mắt.

Trang nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu, chắc nghĩ tại sao lại dám đưa ra lời nhận xét sỗ sàng như thế với một người phụ nữ? Nhưng tôi kệ, tính thế rồi thì biết sửa làm sao. Tưởng chỉ nói chơi câu truyện, vậy mà Trang cũng hì hụi chạy về nhà thay quần áo thật. Lần này thì nhìn khác hẳn, quần bò, áo thun khỏe khoắn, giày thể thao. Ít nhất thì Trang cũng hợp với đồ thể thao hơn là mấy cái đầm thướt tha. Tiến lại gần tôi, Trang lườm lườm:
– Sao? Được chưa? Ông già.
– Đẹp đấy.
– Mà chẳng hiểu sao tớ lại phải thay quần áo theo ý bạn nhỉ?
– Đấy là theo con mắt thẩm mĩ chứ có phải theo tớ đâu.
– Lẻo lưỡi. Thôi được rồi, cho bạn làm stylist của tớ.
– Thôi chẳng dám.

Đang đứng nói chuyện với Trang và mọi người để chờ tập hợp đông đủ lên xe bus, tôi nhận được điện thoại từ Việt nam. Chẳng hiểu sao tự nhiên trống ngực đập liên hồi. Tôi quen gọi điện về nhà hơn là nhận điện thoại từ Việt nam gọi qua. Chắc chắn phải có chuyện gì nghiêm trọng, vì điện thoại này không phải số liên lạc thường xuyên. “0084******** is calling” – số của thằng Dũng
– Tao nghe mày ơi
– Cường à, bố cái Phương mất rồi…ung thư. Tao vừa ở viện về.

Chap 53 – Đồng hành


Tôi bàng hoàng, mặt biến sắc, vô thức buông cái điện thoại ra rồi ngây người đi, cũng chẳng để ý xem thằng Dũng nó nói gì tiếp nữa. Quá bất ngờ. Vừa mới vài tháng trước còn ngồi uống rượu với bác mà giờ người đã không còn nữa.
Lấy điện thoại ra tôi gọi điện ngay cho em. Đây là lần đầu tiên tôi gọi điện cho em từ sau hôm chia tay. Mới có gần một tháng mà sao nó dài đằng đẵng.
Từng tiếng chuông kéo dài làm như bất tận làm tôi thấp thỏm, chỉ sợ rằng em lại chẳng thèm bắt máy của tôi.

– Alo
– Em à? Anh đây.
– Anh ơi. Bố mất rồi…
– Ừ, anh vừa nghe Dũng nói. Mạnh mẽ lên em nhé!
– Anh. Anh về đây với em đi…
– Ừ, anh sẽ về với em nhé. Vững tâm lên nhé em.
– Vâng.
– Thôi, em cố gắng làm chỗ dựa cho mẹ. Giờ bố đi rồi, bố cũng không muốn người ở lại như thế đâu.
– Em biết rồi.
– Thu xếp được công việc xong anh sẽ về với em nhé!
– Vâng…- Phương òa khóc trong điện thoại.

Tôi cũng không kìm được nước mắt nữa. Mọi thứ đến không phải đột ngột nhưng nó đau đớn quá, nhất là đối với một cô gái vừa mới bước ra đời, vừa rời khỏi vòng tay bao bọc của cha mẹ như Phương. Từ bé đến lớn quanh quẩn trong cuộc đời em chỉ có bố, mẹ, vài người bạn và sau này là tôi. Giờ đây mất đi một người thân như vậy bảo sao em không suy sụp cho được.
Qua cuộc nói chuyện vừa rồi tôi hiểu em mỏng manh và yếu đuối thế nào. Trong những lúc như vậy tôi biết mình vẫn là người mà em muốn có ở bên cạnh. Dù không còn là gì của nhau đi chăng nữa nhưng tôi vẫn luôn tin rằng tôi vẫn là người yêu em nhất và được em yêu.

Tôi không đi xem hoa với mọi người nữa theo kế hoạch. Tôi chỉ nói cho Trang biết lí do rồi quay về phòng. Chuyện cắt ngang kế hoạch đã được lên trước là việc chưa từng có của tôi, nhưng với cái tâm trạng thế này thì tôi thà ở nhà còn hơn là vác bộ mặt đưa đám đi chơi hoa, phá hỏng hết không khí của mọi người.
Tôi về nhà và viết cho giáo sư một cái mail ngắn gọn, nội dung là gia đình có việc gấp và xin phép về thăm nhà vài ngày. Tôi cũng liên lạc ngay với bên bán vé máy bay để đặt vé đi luôn trong ngày. Cũng may là vé vào đợt này lại rẻ vì sinh viên đã sang nhập học hết rồi. Nhưng trái với hy vọng của tôi, ông giáo sư không cho tôi về. Lí do ông ấy đưa ra là tôi vừa sang được một thời gian ngắn, nếu như không phải là một việc gì đó liên quan đến bố mẹ thì đừng nói đến chuyện về. Tôi thì không thể vẽ ra một cái lí do rằng bố mẹ mình bị làm sao để xin về được. Nếu như hôm nay là thứ 7 thì chắc chắn tôi sẽ bỏ việc để về và về trong 2 ngày, Chủ nhật quay lại. Nhưng khốn nạn là hôm nay lại là Chủ nhật, và tôi không thể đi về trong vòng 1 ngày như đi chơi Hà nội được. Ngày mai là thứ 2 mà giáo sư không thấy tôi lên phòng thí nghiệm thì chỉ có nước là xách valy về nước luôn. Giáo sư tôi là một “lão Phật gia” đúng nghĩa, như một vị vua con ở trong toàn bộ phòng thí nghiệm. Bao nhiêu doctor và sinh viên đều sợ ông như sợ cọp, chưa ai dám trái lời. Cũng có một vài sinh viên dại dột làm trái ý ông và kết cục thì đều là: về nước.

Tôi biết mình không có lựa chọn. Vì cái sự nghiệp của mình mà tôi lại phải cắn răng ở lại và không về được với em.
Tôi đau đớn và suy sụp không kém những gì Phương đang phải gánh chịu. Một cảm giác bất lực và uất nghẹn ở trong người. Tôi nguyền rủa, tôi chửi bới, gào thét, đập phá. Tôi khóc như một đứa trẻ con ở trong phòng.

Gọi điện lại cho thằng Dũng, chứ tôi không dám gọi cho em vì tôi biết giờ này Phương đang phải chạy đi chạy lại lo việc tang lễ.
– Tao đây mày ơi
– Tao không xin về được mày ạ. Mẹ kiếp lão giáo sư khốn nạn!
– Ừ. Thôi bình tĩnh đi mày. Mày còn phải ở với ông ấy dài mà.
– Mày giúp đỡ Phương nhá. Chứ giờ tao chẳng còn cách nào để về nữa rồi.
– Rồi, yên tâm đi. Tao bảo nó cho. Mày đừng gọi cho nó nữa không nó lại bù lu bù loa lên.

Cái tội cũng bắt đầu từ cái bản tính thật thà của tôi. Câu đầu tiên khi giáo gọi điện cho tôi và hỏi có liên quan đến bố mẹ hay không thì tôi đã trót nói là không rồi, vậy bây giờ đâu còn lí do nào quan trọng hơn thế để được ông ấy cho phép về nhà. Để giờ tôi phải hối hận thế này, ngồi đây mà tim gan như lửa đốt. Biết là em đang cần mình lắm mà giờ phải bó gối ngồi một mình ở cái phòng trọ đáng gét này.

Cả một ngày Chủ nhật tôi chìm trong rượu. Ngủ dậy lại uống tiếp. Uống- ăn mỳ tôm- ngủ – vòng tuần hoàn ấy cứ lặp lại vài lần. Trong cơn say mộng mị tôi lại càng thấy nhớ em da diết và hình ảnh em khóc lóc vật vã cứ ghim chặt trong đầu. Tôi muốn vứt bỏ hết, bất chấp tất cả để quay về với em giờ này. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng vẫn không làm được. Tôi hèn nhát – đúng, nhưng nếu như ai đó ở trong tình cảnh này của tôi thì sẽ hiểu được việc phải đứng ở giữa lành răn được- mất nó nghiệt ngã thế nào. Với một thằng SV nước ngoài như tôi thì đâu có nghĩa lý gì với một ông giáo sư quyền uy đầu ngành của Hàn quốc, chúng tôi đang cần ông ta chứ ông đâu có cần lũ sinh viên tép riu như chúng tôi.

Mấy ngày đó tôi cũng không liên lạc gì với em nữa để mọi chuyện lắng xuống. Tôi biết em cần một chỗ dựa nhưng giờ không có rồi thì tốt nhất là đừng gợi nhớ thêm về nó để em càng phải suy nghĩ. Thà là không nhắc đến cho càng đỡ buồn.

Một tuần sau, chủ nhật, tôi gọi điện cho em nhưng em không bắt máy. Tôi nhắn tin cho em:

– Cố gắng lên em nhé! Gắng sống vì mẹ nữa.

Một lúc khá lâu sau tôi mới nhận được tin nhắn của em. Một tin nhắn khách sáo.

– Cảm ơn anh nhé! Chúc anh học tập tốt và sớm vinh quy bái tổ.

Biết là em đang đâm thọc mà tôi cũng chẳng biết phải làm thế nào, chẳng lẽ mặt dày nhắn tin tiếp. Tôi dừng ở đó. Dù sao thì tôi cũng không phải là em, không phải ở trong tình cảnh đó để mà hiểu được em đang nghĩ gì và cần tôi đến thế nào, để rồi lại thất vọng khi tôi hứa mà không về.

Qua thằng Dũng tôi biết mọi việc trong nhà em đều có cô dì chú bác lo giúp đỡ rất nhiều. Huy – tất nhiên là người hăng hái nhất và cũng là trung tâm của sự chú ý. Huy đẹp trai, đĩnh đạc, có học, và rất quan tâm đến mọi người, lại lo lắng việc của gia đình em như việc của mình, lẽ tất nhiên mọi người sẽ ngầm hiểu đó sẽ là con cháu trong nhà họ. Chuyện này tôi đã lường trước được, nhưng cũng chẳng để làm gì, vì đơn giản giờ tôi có còn là người yêu của Phương nữa đâu mà ghen với tuông. Thằng dở hơi.

Tôi vẫn thường xuyên chat với thằng Dũng, nhưng cũng bẵng đi khá lâu sau thời điểm đó. Cho đến tận tháng 6.

– Dạo này thế nào rồi mày?
– Tao bình thường, sắp thi. Vợ con thế nào?
– Hỏi làm gì nữa! Chị tao nhìn thấy nó đang ôm thằng chó nào ngoài đường về nhà bà ấy làm ầm lên.
– Lại thế nữa? Có chắc không? Sao không nói với tao?
– Chắc rồi, nó nhận rồi mà. Hôm qua nhà nó cũng sang nhà tao trả lại lễ rồi.
– Hình như mấy bọn đấy nó không biết giới hạn thế nào là đủ?
– Ờ, nó chỉ thích mấy thằng đểu thôi. Mấy thằng thầy giáo dùi đục mắm cáy như tao với mày nó mau chán.
– Thôi đừng buồn mày à. Chắc mày chơi với tao nên bị lây cái “đen” đấy – tôi trêu nó
– Ừ. Mà muốn nghe chuyện cái Phương không?
– Mày còn phải hỏi à?
– Nó thỉnh thoảng đi cafe với thằng Huy… nhưng tao hỏi thì nó bảo là chẳng có gì cả.
– Uhmm
– Mày không về nhanh là mất đấy, mưa dầm thấm lâu.
– Tao về thế nào được hả mày? May ra Tết mới về được. Mà cũng còn là gì của nhau đâu.
– Tao lạ gì bọn mày. Nhưng nó là con gái, không có mày bên cạnh thì sớm muộn gì cũng yêu thằng kia thôi. Mày nghĩ 3 năm nó yêu mày là to à?
– Kệ thôi mày ạ. Giờ không là gì thì nói chuyện với nhau ra sao? Thôi để kệ đi, còn yêu nhau thì sẽ quay về.
– Ờ, mày cứ làm thơ với viết nhạc đi. Ngồi đấy mà mơ mộng.

Nghĩ về thằng Dũng mà tôi thấy chán ngán cái chữ tình trong đời này. Chơi với nó từ lâu tôi thừa biết nó là thằng như thế nào. Một thằng thầy giáo cù mì cục mịch đúng nghĩa, từ bé đến lớn chỉ có ruộng đồng, lợn gà, đi dạy về là ngoan ngoãn ở nhà với thầy u. Nó tán con bé này từ năm thứ nhất, đưa đón bế ẵm không thiếu một việc gì. Tưởng chừng như bỏ trầu là đã xong xuôi rồi vậy mà… chỉ có mấy tháng đi làm sales cho công ty tin học nó đã thành ra như thế. Thôi thì cũng may phúc cho nhà nó không rước một con đĩ thõa về làm vợ. Đúng là để có những thằng đàn ông đểu thì phải có những con đàn bà dễ dãi – quy luật bảo toàn của xã hội.

Chiều hôm ấy, tôi lang thang trên mạng và vô tình bắt gặp new feed của em. Lâu lắm rồi em mới dùng lại facebook. Một status để lại thật nhiều suy nghĩ và những dằn vặt trong tôi. Dù đã cố bắt mình không được suy nghĩ về điều gì khác ngoài những môn học nhưng tôi cũng không thể vượt ra khỏi cái giới hạn gọi là con người.
Trong bức ảnh vừa được post lên, em chụp bàn tay phải của mình theo hướng nhìn rõ các đường chỉ tay, cùng với đó là một dòng trạng thái nghe thật buồn: “Sao chưa đứt?!!”
Tình còn dang dở thì sao mà đã đứt được hả em? – tôi thầm nghĩ. Nhưng rồi nó sẽ sớm đứt thôi khi bên cạnh em có những người sẵn sàng làm chỗ dựa cho em, để em nương náu những ngày lạnh lẽo. Anh ở đây giờ này vẫn làm bạn với cô đơn và nghĩ về em nhiều lắm. Biết là còn cần nhau nhưng cái điều đơn giản nhất là chia sẻ với em thì anh đã không làm được.

Những ngày cô đơn và chống chếnh ấy, tôi có Trang bên cạnh. Ban đầu đó chỉ là những chia sẻ của những con người đồng cảnh ngộ, nhưng theo thời gian tôi biết em đã dành cho mình những tình cảm khác lạ. Tôi cũng không bất ngờ về điều này vì tôi biết với những người con gái như em thì có một người bên cạnh để em chia sẻ và để em thấy thoải mái quan trọng hơn nhiều những quan tâm thường ngày và những món quà tặng định kì. Tôi không có hơn gì mấy người khác – những người vẫn hàng ngày quan tâm em, tôi chỉ có một câu chuyện thật buồn để chia sẻ cùng em, và em cũng thế.

Trang không nói trực tiếp với tôi mà nói qua chị D, một người khá thân với cả hai. Cuối tuần, chị rủ tôi đi uống cafe và tôi biết nội dung câu chuyện sẽ xoay quanh ai.

Lâu lắm rồi tôi mới lại uống cafe. Ngồi hít hà từng làn khói cafe làm tôi cảm thấy thư thái lạ. Nó làm tôi nhớ về những lời Mai nói ngày xưa “anh ngửi hương cafe là anh sẽ thấy thư thái ngay”. Tôi cũng nhớ cái sticker lè lưỡi mà Phương dán trộm vào hộp cafe ở nhà nữa.

Giờ. Tất cả đều là dĩ vãng.
Mai quyết định sẽ làm mẹ đơn thân sau một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Còn Phương thì vẫn cứ thế, gần lắm, mà tôi thấy như càng ngày càng xa thật rồi.

Chị D bắt đầu trước:
– Nghe nói thích cafe lắm hả? Hôm nay rủ đi uống cafe là hợp ha?
– Vâng. Trang nói hả?
– Uhm.
– Ở nhà toàn cafe vườn thôi chị ạ, sang đây mới thấy Americano với Capuccino nó khác ra sao.
– Em thấy Trang thế nào?
– Em biết chị sẽ hỏi thế mà.
– Chắc Trang cũng kể chuyện của em cho chị nghe?
– Chị có nghe wa.
– Em không muốn làm Trang buồn đâu, nhưng thực sự nếu em đến với Trang bây giờ thì chỉ như người thế chỗ thôi.
– Thì dần dần em sẽ cảm nhận được. Cái gì cũng cần thời gian mà em.
– Cứ để chúng em là bạn của nhau đi. Nếu có duyên thì đến chứ em không thích gượng ép.
– Chị nói vậy thôi. Chắc em cũng hiểu chị với con Trang ha?
– Em hiểu. Cảm ơn chị nhiều.

Từ sau hôm đó Trang không có gì thay đổi thái độ đối với tôi, vẫn nhẹ nhàng ở bên cạnh với những chia sẻ và quan tâm. Những ngày ôn thi cùng với nhau, những buổi tôi phải vừa làm thí nghiệm vừa tranh thủ học, vẫn có Trang đều đặn mang cơm lên cho tôi. Ban đầu tôi từ chối cho bằng được, nhưng sau đó khi nhìn thấy Trang lủi thủi đi về với cặp lồng cơm tôi lại không nỡ làm em buồn lần thứ 2. Thực sự trong thâm tâm tôi không hề muốn gắn bó với bất kì ai ở đây vì nó chỉ là tạm thời trong vài năm. Người ta sau khi tốt nghiệp và quay lại quê hương rồi mỗi người một nơi liệu có đến được với nhau hay không? Nếu có thì họ phải cố gắng và thương yêu nhau thật nhiều. Còn tôi bây giờ thì tình cảm như sỏi đá, chẳng thấy hứng thú với điều gì. Nhiều khi những điều tôi làm đối với Trang nó vô cảm và vô thức mà sau đấy tôi chẳng bao giờ ngồi nghĩ lại xem liệu Trang cảm thấy gì nữa. Vậy mà em vẫn chấp nhận. Còn tôi… tôi chán ngán chuyện yêu đương lắm rồi. Từ sâu trong tim mình, tôi vẫn tin rằng tôi và Phương còn thuộc về nhau! Chỉ Phương!

Chap 54 – Chuyện tào lao

Chiều cuối tuần.
Tôi vẫn có thói quen lang thang ngoài bờ sông mỗi buổi chiều những ngày cuối tuần. Không gian thoáng đãng, vắng vẻ và tĩnh lặng rất hợp với những người sống hướng nội như tôi. Tôi cố ép bản thân mình phải quên đi chuyện của mình và Phương, nhưng sự đời, cái gì càng ép buộc nó, càng đè nén nó thì càng làm mình nhớ thêm. Dẫu vậy thì sự thật cũng chỉ có một – tôi và Phương đã không còn là gì của nhau cả. Những ngày tháng tới đây của tôi sẽ chỉ là học hành, thí nghiệm, và biết đâu sẽ là Trang – người mà tôi vẫn cố chạy trốn?
Kì thi của tôi cũng qua, kết quả không thành vấn đề. Nhiều lúc tôi vẫn tự hào về bản thân rằng không để những chuyện bên ngoài ảnh hưởng đến học hành và công việc. Ngày xưa lúc tôi và Mai chia tay nhau cũng là khi tôi chuẩn bị bước vào kì thực tế đầy cam go, hay những ngày lằng nhằng với Chúc cũng là lúc tôi đang phải hoàn thành dự án của giáo sư.
Đang lang thang bước, tôi thấy bóng ai đó quen quen đang thong thả đi theo chiều ngược lại ở phía bên kia suối. Con suối ở chỗ tôi ở rất nông và hẹp, nối hai bờ bằng vài chục phiến đá hình lục phương, nơi mà buổi tối nhiều đôi trai gái vẫn rủ nhau ra đây tình tự hẹn hò.
Nhìn thấy nhau, theo phản xạ 2 đứa giơ tay lên chào vẫy vẫy.
– Đi đâu đó? – giọng Trang lảnh lót.
– Tớ loanh quanh thôi. Trang đi đâu?
– Tớ cũng thế. Sang đây! – Trang vẫy vẫy.
– Ừ, đứng đó.
– Thôi đứng đó để tớ sang! – Nói rồi Trang bước luôn xuống từng phiến đá định đi sang. Bổng “á” một tiếng – chẳng biết mắt mũi để đâu mà nàng thụt ngay chân xuống khe nước, ngã nhào, đập cả ngực lẫn bụng xuống phiến đá phía trước. May mà mặt vẫn còn ngửa được lên kịp không thì cũng đi luôn cả bộ răng.
Tôi hết hồn, vội vàng chạy sang, vừa chạy vừa nghĩ trong đầu “cái chỗ này mà ngã được kể cũng lạ”. Sang đến nơi thì Trang vẫn đang nằm im, đúng theo tư thế úp mặt xuống đất, mặt nhăn nhó. Dìu vào trong bờ ngồi, mặt em vẫn trắng bệch ra vì sợ, thở lấy thở để vì nãy giờ bị ngừng thở một lúc khá lâu.
Kết quả của pha tiếp đất bằng bụng là chân trẹo sưng vù do đạp xuống tận đáy sông, bụng và ngực đau tức, cứ ngồi xoa bụng rồi lại quay người đi xoa xoa ngực. Nhìn thấy thương quá tôi không đành lòng nên xoay người Trang lại, lấy tay để lên lưng em.
– Làm gì đấy?
– Quay sang đi tớ xoa cho, toàn người lớn rồi ngại gì.
– Thôi không cần đâu!
– Quay sang đi để tớ xoa cho! – tôi nói hơi to. Trước khi miễn cưỡng quay sang vẫn thấy mặt Trang đỏ rần lên.
Thấy có vẻ hơi sỗ sàng, lại đụng chạm vào người Trang như thế nên tôi cũng phải xuống nước. Thực ra chưa bao giờ tôi có ý nghĩ lợi dụng hay gì đó, chúng tôi đều là người lớn cả rồi, không cần mấy cái trò mèo này để tranh thủ động chạm sờ xịt hay đưa con gái người ta lên giường như mấy cái thằng du học sinh vẫn làm. Nói chung là có qua có lại thôi.
– Sao không? Mắt mũi để đâu mà ngã được?
– Hám trai quá nó thế đấy!
– Giai đẹp đâu chả thấy. Giai này ăn thua gì.
– Còn khó thở không?
– Đỡ rồi, giờ còn hơi tưng tức thôi.
– Có phải đi khám bác sĩ không?
– Thôi. Chắc không sao đâu.
– Cứ đi khám cho chắc bạn ạ, đập cả người xuống cơ mà.
– Ừ, để xem nếu tối còn đau thì mai tớ đi khám.
Lo cái lưng xong tôi lại cúi xuống xem chân Trang. Giờ thì nó sưng như một quả trứng gà. Tôi rút khăn mùi xoa chạy xuống sông thấm nước rồi lên đắp vào quanh cái cổ chân cho Trang. Mấy cái trẹo chân này với con trai thì không sao nhưng với mấy cô tiểu thư như em thì cũng không dể chịu chút nào. Vừa lấy nước chườm vừa nắn chân cho Trang mà nghe em la oai oái. “kiểu này là thế nào cũng phải cõng về rồi” – tôi nghĩ trong đầu. Nhưng cho dù Trang có đau và tình huống có éo le thì tôi cũng không muốn đưa mình với Trang vào tình huống khó xử và để có gì đó nảy nở trong đâu 2 đứa. Tôi rút điện thoại ra gọi cho chị D hỏi xem quanh đó có ai có xe máy để ra đón Trang về hay không. Thực ra tôi đã biết anh Thái – thích Trang – có xe máy, con xe cà tàng thôi nhưng vẫn là “đại gia” so với mọi người. Tất nhiên là chỉ vài phút sau thì anh ấy đã ra đến nơi cùng với chị D.
– Sao không Trang? Đi lại thế nào kì zạ? – ông anh này là người Huế.
– Trẹo chân anh ơi, anh với chị đưa Trang qua phòng khám nắn lại đi, nãy giờ em mới chườm lạnh thôi. Kiểm tra cả ngực với bụng nữa, ngã đập người xuống đấy.
– Đi kiểu gì mà ngã được kì vậy?
– Thụt chân xuống suối anh ạ.
– Em ngồi sau đỡ Trang nhà Cường – chị D nhìn sang tôi.
– Thôi chị ngồi đỡ Trang đi, em ngồi xe này sập mất – tôi nháy mắt với chị D.
Tôi hiểu chị D muốn gì, nhưng thực ra nó chưa đến mức phải như thế. Nếu là người khác chắc họ cũng ngoan ngoãn ngồi lên theo lời chị D, rất tiếc là tôi không thích kiểu “vun vào” như vậy.
3 người lên xe đưa nhau đến phòng khám còn tôi thì lững thững đằng sau. Đến nơi thì nàng ta đã được bó chân và đang mặc bộ quần áo bệnh nhân ngồi chờ lấy kết quả chụp X- Ray. Xung quanh là rất nhiều bạn bè xúm xít hỏi han. Nhìn thấy tôi một chị trêu ngay:
– Người yêu bị thế mà giờ mới đến hả thằng này?
– Người yêu nào chị? – Trang lấy tay đánh vào người bà chị vừa nói.
– Còn đau không Trang? Bao giờ có kết quả?
– Đỡ nhiều rồi. Đã bảo không cần rồi còn cố đưa vào đây tốn tiền.
– Tiền nong đừng có lo, mỗi người giúp một ít mà.
Cũng may là hôm đó mọi thứ đều không sao, Trang vẫn đi học và đi lên phòng thí nghiệm được bình thường, có điều phải mang theo một cái nạng và đi lại phải có người đưa đón. Tất nhiên là anh Thái – người có xe máy sẽ lĩnh nhiệm vụ cao cả này một cách vui vẻ. Sáng sáng hai người vẫn đèo nhau lướt qua tôi và mấy anh chị, Trang vẫn cố phải ngoái đầu lại mỉm cười với mọi người. Cái chân thì bó cứng, cộng thêm cái nạng gỗ to quá khổ nên nhìn Trang nhăn nhó thấy tội. Bất giác tôi thấy mình thương Trang, một chút tình cảm nhen nhóm trong lòng, có lẽ nó bắt đầu từ việc Trang chạy sang phía tôi để rồi vấp ngã. Đã mấy hôm nay, tôi cứ không ngừng nghĩ về Trang và tự dằn vặt mình rằng tại tôi em mới bị như vậy.
Thấy Trang bị đau thế nên mọi người thay nhau mang cơm lên tận Lab cho em. Tôi tất nhiên là người khả dĩ nhất vì Lab của tôi và em ở ngay gần nhau. Có điều nó cũng vướng vào nghĩa vụ và quyền lợi của người khác – anh Thái. Anh đã đặt lịch ngay từ ngày đầu tiên rằng sẽ về lấy cơm và mang lên cho Trang. Tôi chợt hiểu ra và từ chối ngay nhiệm vụ đáng lẽ thuộc về mình ấy. Chị D nhìn tôi rầu rầu và nhắn cho tôi 1 cái tin: “Em không dám tranh giành à? Hèn thế?”
Chị D rất tốt bụng, nhưng nhiều khi chị tự cho mình quá hiểu người khác để phán xét. Tôi chưa bao giờ tỏ ra là một người theo đuổi Trang thì tại sao lại phải chiến đấu? So với Trang tôi thấy chị lớn tuổi hơn nhưng suy nghĩ và cách bộc lộ ra bên ngoài trẻ con hơn nhiều.
Không mang cơm lên cho Trang, nhưng không hiểu sao ngày ngày tôi vẫn mua nước cam và sữa chuối sang bên lab em. Mỗi lần như vậy anh chàng người Trung quốc lại cười nhe nhởn:
– Ni hảo! Trang’s boy friend!
– No. No. I’m not her boyfriend.
– I just see only you bringing something for her these days… haha
– U know? Because she ask me to buy for her…
Quay sang phía Trang thấy đang cười tủm tỉm nãy giờ.
– Sữa chuối này.
– Thôi không phải mua đâu, hôm nào cũng mua tiền đâu ra.
– Có 800won thôi mà cứ làm như 8K không bằng.
– Ngày nào cũng uống sữa chuối rồi béo quay.
– Béo đã có xe chở, không lo.
– Chẳng thích gì đâu!
– Sao? Đừng nói gì đến chuyện thích hay không. Anh ấy tốt như vậy đừng có nghĩ gì xa quá. Tớ nghĩ là ai bị thế này thì anh ấy cũng nhiệt tình thế thôi. Coi chừng ăn dưa bở.
– Ừ, hy vọng thế. Mà từ mai đừng mang gì sang cho tớ
– Có gì đâu mà!
– Tớ không muốn ăn dưa bở! – Trang nói hơi to, và hướng mắt nhìn tôi đầy khí khái
– …Uhm. Nếu Trang không thích thì thôi. – tôi cũng thấy hơi chột dạ trước thái độ cứng rắn đó của em. Dọn dẹp mấy cái lon nước, tôi ra về.
Từ hôm đó tôi cũng không mang gì sang cho Trang nữa, thỉnh thoảng nhắn tin thì em cũng hãn hữu nhắn lại. Buổi tối chúng tôi vẫn ăn cơm cùng nhau nên chuyện giáp mặt là không tránh khỏi, thế nhưng ngoài những câu chuyện vui đùa của cả nhóm thì giữa chúng tôi không có một sự kết nối nào. Ở một phần nào đó tôi cảm thấy thoải mái vì thái độ này của Trang.
Thời gian này tôi hay nói chuyện với Mai. Em giờ đã chuyển ra ngoài nhà chồng để sống. Sau từng ấy thời gian hai người vẫn chưa có con. Lí do thực ra rất đơn giản: “đồng sàng dị mộng”, cho đến tận lúc chia tay, em vẫn không để chồng lại gần mình.
Thực ra trước khi tôi đi nước ngoài Mai đã nói chuyện của gia đình em với tôi. Em muốn bứt khỏi cái địa ngục bố mẹ và họ hàng em đã tạo ra khi mà giờ đây chính bản thân họ cũng không còn một chút ít ảnh hưởng nào với Mai nữa. Khi biết ý định đó, tôi là người một mực phản đối, khuyên nhủ đủ điều! Nhưng tính Mai thì tôi không lạ, vì thế tôi cũng không bất ngờ khi em dứt khoát bỏ nhà đi.
Mai muốn làm mẹ đơn thân và sẽ quyết định tìm một người bố cho con em vào lúc thích hợp. Dù sao thì em vẫn còn trẻ, và bây giờ em coi mình là tự do.
Thuê một phòng trọ như hồi còn sinh viên ở cạnh trường Đại học, Mai ngày ngày đi dạy và đi về như một cái bóng. Với nhan sắc và công việc của mình em không hề thiếu những người vây quanh, thế nhưng theo lời Mai nói thì em giờ đã chai sạn rồi. Ở một khía cạnh nào đó, chúng tôi giống nhau – đều sợ mình lại trao thân vào tình yêu để rồi đau đớn.
Nhìn Mai tôi thấy xót xa cho người con gái ngày xưa của mình. Mặc cảm tội lỗi lại dâng lên. Ngày đó, nếu như tôi không chen vào giữa thì chắc gì em đã phải lỡ dở như bây giờ? Để bây giờ Mai nhìn đời qua một cái kính nhuộm màu xám xịt, nhìn gia đình và họ hàng như những người làm hỏng cuộc đời em. Niềm vui duy nhất của Mai bây giờ là ngày ngày lên lớp với những đứa trẻ cấp 3 – cái tuổi ẩm ương và cần những cô giáo vừa trẻ vừa trải đời như Mai dìu dắt.
– Anh còn giữ thư của em không?
– Anh còn. Chữ như gà bới ý.
– ^^ em lại vừa đi xem bói về anh ạ
– Rồi thầy bói bảo sao?
– Bảo em có 1 trai 1 gái, nghĩa là em lại lấy chồng anh ạ. Gái trước trai sau!
– Bói với toán. Nghe mệt đầu.
– Mà này, anh…
– Sao?
– Em đang chat với Phương này. Sao hai người chia tay mà không nói với em?
– Uhmm. Có gì đâu mà nói?
– Em bảo.
– Gì em?
– Phương nó sẽ là vợ anh đấy! Anh đừng có làm nó buồn nhiều.
– Giờ em thành thầy bói rồi à?
– Tin em đi. Anh có chạy mãi cũng lại quay về với Phương thôi…!
– Nếu không phải Phương thì sao?
– Thì…em!
– Cô cứ đùa dai!

Facebook Google Plus Twitter
Cùng chuyên mục
Nàng Bia Nát
Đành phải xây cầu
Say Nắng Cô Em – Tán Cô Chị
Quả gì?
Giữ lại