Như Một Cơn Gió Lạ

04.09.2014
Admin

Nô Đen đứng cùng Nguyên ngoài tấm lưới, kêu ư ử nhìn vào bên trong. Tôi thấy loài vật có mối liên hệ tình cảm nào đó mà con người không thể hiểu. Nô Đen có đôi mắt ướt và buồn buồn, giờ lại thêm tiếng kêu rên của nó khi thấy bạn mình đã chết. Nghe là xót lòng. Nhìn Nguyên là tôi biết nhỏ muốn xé toạc tấm lưới mà lao vào bế 4 con chó còn sống về nhà. Nhưng làm sao được. Người quanh đây dữ lắm. Không cẩn thận người ta tưởng mình trộm chó, ra gô cổ mình rồi đánh chết. Tôi cầm chiếc bánh ngọt còn lại tới gần, bảo Nguyên:

– Dẹp ra đi. Tôi ném cho chúng nó ăn tạm.

Nguyên ngoan ngoãn đứng dậy cho tôi lấy chỗ. Chỉ một cái bánh ngọt nhỏ chẳng vừa bụng mấy con chó đang trong cơn đói khát đến tuyệt vọng. Nhưng ít ra cũng an ủi chúng nó rằng trên đời này vẫn có người yêu thương chúng nó tới mức sẵn sang làm bất cứ thứ gì để chúng có được bữa cơm hằng ngày.

– Thôi về đi. Mai qua cho chúng nó ăn tiếp!

Nguyên nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lắm. Lấp lánh ánh đèn in trong đáy mắt. Tôi bị lạc trong đôi mắt ấy hồi lâu. Cũng chẳng muốn nói gì nhiều nữa, tôi dắt Nguyên đi về. Con Nô Đen nhìn vào trong vườn lần nữa rồi theo hai đứa tôi ra đường lớn. Trời vẫn mưa. Nhỏ nhưng cũng đủ ướt vai áo.

Ra xe Nguyên mới sực nhớ điều gì đó. Nhỏ hỏi tôi:

– Anh để con mèo đâu rồi?
– À, suýt quên. Nhốt trong cốp xe!
– Cái gì? Anh bị điên à? Mở ra cho tôi ngay. Anh có biết mèo con sợ nhất là bị nhốt trong hộp tối không hả?

Nguyên gần như hét lên, làm mấy người đi đường nhìn qua chỗ tôi tò mò. Thì mở ra thôi. Làm gì mà tự nhiên khùng lên. Nó là mèo chứ là gì. Ngày xưa bé mỗi khi mắc lỗi tôi vẫn bị bố mẹ nhốt trong phòng tối suốt. Có sao đâu?

– Nhanh lên! Khéo nó tắc thở chết vì anh rồi đó
– Cô từ từ xem nào. Đừng có hét lên nữa
– Anh nhanh lên đi. Đừng lằng nhằng.

Lấy chìa khóa mở cốp xe ra. Chưa kịp định thần thì con mèo nhỏ trong bóng tối lao vút ra. Vượt qua mặt tôi mà chạy. Nhanh như cắt. Vậy là sổng mất nó. Nguyên nhìn theo như mất hồn. Rồi quay sang nhìn tôi thất thần. Mắt nhỏ long lên như muốn lao vào xé xác tôi vậy. Sợ thật. Sổng thì đi bắt lại. Gì mà nhìn tôi căm tức như nhìn quân giặc ấy.

– Anh thấy chưa? Tôi bắt nó cả buổi chiều nay mới được đó
– Không có tôi thì nó vẫn ở trong hốc cột điện đằng kia kìa
– Anh đừng cãi nữa. Anh đem về hốc cột điện đi rồi tôi tự bắt lại. Đừng có kể công.
– Tôi kể gì đâu. Nhưng cũng vì theo cô mà phải nhốt nó trong cốp xe.
– Tôi đâu thuê anh chạy theo tôi làm gì? Sao không đem nó lên nhà tôi anh cũng ở quách nhà đi. Anh xem xem anh có làm gì có ích được cho tôi không?
– Cô…

Bực lắm! Nhưng nhìn Nguyên vừa nói vừa khóc tôi lại cố kìm lại. Khóa cổ xe rồi chạy theo hướng con mèo lông vằn vừa phi ra. Thực tình, sao nó không nhận ra nơi nào an toàn nơi nào nguy hiểm à. Nguyên vừa kêu meo meo vừa vén cỏ tìm. Con Nô Đen ngửi theo hơi rồi chạy loăng quăng. Tôi chú ý theo nó. Về việc tìm kiếm thì nên tin tưởng vào Nô Đen hơn.

Mưa ngày một nặng hạt. Bãi cỏ đã ướt sũng nước mưa. Lúc sau Nô Đen sủa váng lên ở một góc. Tôi với Nguyên chạy vội ra xem. . Dùng đèn pin rọi hết mà vẫn không thấy mèo đâu. Thò tay tạt mấy bụi cỏ vươn cao ra, lúc này thật sự là tôi có chút sợ hãi, vì cỏ um tùm, tối thui, sợ có rắn. Nhưng nhìn ánh mắt hi vọng của Nguyên, tôi lại gạt đi mà tìm kiếm tiếp. Một hồi mới thấy rõ một cái hố sâu chừng 1m đến 1m5, miệng hẹp, hố do người ta đào để đóng cọc, bên dưới là nước và rác. Không biết em mèo chạy kiểu gì mà rớt xuống đây hả trời.

Tôi và Nguyên xem xét và chia nhau ra giải cứu bé. Vì hố nằm bên trong rào chắn B40, nên một mình tôi không thể làm được gì vì không có sức vừa đẩy và giữ lưới quá lâu. Nguyên thì phải đứng giữ xe máy nổ cho có thêm đèn sáng. May sao lúc đó có một anh đi bộ đi ngang, nhìn nhìn, hỏi hỏi, Nguyên nhờ luôn. Anh dùng sức đẩy và giữ lưới, tôi dùng tay bạt cỏ ra và rọi đèn pin xuống hố. Nước đen thui. Một cảnh tượng hãi hùng. Bé mèo chỉ còn ló được cái miệng và hai con mắt lên khỏi mặt nước, chân bám vào một cái hộp xốp. Lâu lâu em bị chìm, rồi lại vùng vẫy ngoi lên thở, rồi lại chìm… Không có cách gì có thể với tới bé được. Sâu quá. Anh thanh niên sau khi quan sát, nhìn Nguyên lắc đầu: “Không cứu được đâu, sâu lắm”. Nguyên mặc kệ xe, chạy lại nhìn, dứt khoát: “Em đã nói là được mà!”. Tuy nói vậy, nhưng lúc đó Nguyên cũng gần như bất lực rồi. Và Nguyên gần như…sắp khóc òa lên.:( Tôi cũng thế. Vì cái gì không biết nữa. Nhưng lúc này trái tim tôi đang dội từng hồi thổn thức. Muốn cầm búa đập chát chát vào ngực cho nó dừng lại mà không thể được. Không hiểu tại sao. Tôi đứng lên bảo Nguyên. Chắc chắn!

– Cứu được! Em bảo anh ấy ra giữ xe đi. Anh và em lôi nó lên!
– Dạ!

Nguyên dạ một cách thật lòng. Còn tôi thì vẫn khổ sở với nhịp tim của mình. Một nửa lo cho bé mèo. Một nửa lo cho Nguyên. Sợ bé mèo làm sao, chắc Nguyên cũng không sống nổi. Nhìn bé lóp ngóp, cứ sợ bé sẽ tụt chân và chìm. Lại may, có thằng bé nhà gần đó tò mò chạy ra. Nguyên bắt lấy thêm cơ hội, nhờ em vô nhà tìm cho cái cây nào dài dài. Chẳng hiểu nhà thằng nhóc làm gì mà lại có sẵn luôn cái cây dài chừng 1m5, thon gọn, ở một đầu còn có một cái móc sẵn nữa. Nguyên vén cỏ cho tôi đưa cây xuống, định rằng bé sẽ bấu vào đó và tụi mình kéo lên. Nhưng do bé lạnh, lại quýnh quáng được cứu, nên cứ bấu vô là trượt rồi rớt tủm xuống.

Tôi đành đứng lên vơ bịch ni lông vứt gần đó, cột vô một đầu, rồi thả xuống lại. Lần này bé mèo lông vằn bấu vô bịch ni lông có vẻ dễ hơn. Chắc biết sắp được thoát khỏi cái hố hay sao đó, càng lúc càng kêu to và gấp, làm tôi cũng mém chút là mất bình tĩnh theo. Cứ kéo lên đến 2/3 miệng hố, bé lại loay hoay rồi rớt xuống, khiến tôi và Nguyên 2 lần cảm thấy đau thắt tim, hơi mất bình tĩnh, hơi mếu máo, vì sợ cứ như vậy hoài thì bé sẽ đuối sức và không còn giữ được cái hộp xốp và bị chìm.

Chưa kể, thằng nhóc đứng cầm đèn pin giúp, cứ thấy kéo bé mèo gần lên, em lại chĩa đèn pin sang hướng khác để… vỗ tay nhảy tưng tưng. Mấy lần liên tục như vậy. Nguyên phải nhắc là em cầm nguyên cây đèn pin dùm chị cho đến khi nó lên tới nơi nha, thằng nhóc mới dạ dạ. Lần cuối cùng, tôi đạp và giữ lưới, cậu bé phụ giữ lưới và rọi đèn pin, Nguyên từ từ kéo bé lên vừa nói vọng xuống là bé bình tĩnh, đừng quẫy – mà không biết bé mèo có hiểu được không.

Thành công! Hai mắt bé dính đầy bùn, mở không ra. Người run bần bật, nhỏ thó như một em chuột. Nguyên dùng khăn quấn bé lại, ôm chặt trong lòng. Giờ thì nó đã chịu ngoan ngoãn nằm trong tay Nguyên sau những gì sợ hãi và khủng khiếp vừa qua.

Tôi cảm ơn anh bộ đội và em trai soi đèn pin giúp rồi đèo Nguyên cùng Nô Đen và bé mèo về nhà. Nguyên có bé mèo trong tay, lại quên hết bực tức mà ngoan ngoãn để tôi cầm tay dắt ra xe. Tôi biết nhỏ lúc này chỉ chú ý đến bé mèo mà chẳng nhìn đường đâu, nên dắt đi không nhỏ lao đầu vào đâu hay rơi xuống hố nốt thì khổ. Trời hơi lạnh, lại thêm ngấm mưa, tay tôi run lên, nhưng trong lòng thì vui như đang hát. Về đến chung cư, Nguyên chạy vội lên nhà, vừa mở cửa đã lao vô bật nóng lạnh tắm cho bé mèo. Còn tôi, mặc kệ quần áo ướt lướt thướt vì mưa. Lết vào sopha nằm vật ra đó. Có lẽ ngủ đi một lát. Trong đầu tôi, những dòng suy nghĩ cứ chạy ngang chạy dọc.

Nếu bạn cùng Nguyên chứng kiến cảnh bé hấp tấp bấu víu vào bịch ni lông để được kéo lên và vẻ mặt ngơ ngác khi bị rớt xuống lại giữa chừng, bạn sẽ hiểu rất rõ, các bé cũng cần và khao khát được sống như thế nào. Còn tôi, ngoài những thứ đó, tôi đã kịp nhận ra một sự khác lạ trong trái tim mình. Đó là những nhịp đập dữ dội khi nhìn thấy Nguyên khóc, khi nhìn thấy Nguyên dùng hết thảy yêu thương để cứu lấy những sinh linh bé nhỏ… Những nhịp đập mạnh đến mức tim tôi muốn nổ tung thành ngàn mảnh, muốn đưa tay lau những giọt nước mắt trong veo khi cô gái ấy nghẹn ứ trong bất lực, hay nắm chặt tay cô ấy dưới trời mưa ướt cho ấm áp và bình tâm hơn. Tất nhiên, tôi không dám! Tôi chưa đủ mạnh mẽ và dũng cảm để làm điều ấy.

***

Thức dậy sau một đêm đi lạc trong những giấc mơ không đầu không cuối, tôi cố nghiêng người về phía cửa sổ nhìn ánh nắng để đoán biết giờ giấc. Bên ngoài hình như vẫn mưa. Không có một chút nắng nào tràn vào phòng. Rèm cửa sổ được kéo kín hơn bình thường. Hình như đã có bàn tay nào đó khác tôi thay đổi những thói quen sắp đặt đồ đạc trong phòng.

– Anh dậy rồi à?

Tôi giật mình ngó nghiêng xung quanh. Nguyên ngồi cạnh giường tôi từ bao giờ. Mắt nhìn tôi chờ đợi câu trả lời.

– Cô đang làm gì trong phòng tôi thế?
– Em… Em… ngồi!

Tôi ngồi bật dậy. Phía sau đầu đau buốt như bị ai đánh. Mắt hoa lên và quay cuồng.

– Anh nằm xuống nghỉ đi, em gọi điện xin phép công ty cho anh nghỉ ốm rồi.
– Ốm á?
– Hôm qua anh bị cảm. Anh không nhớ gì à?
– Nhớ gì là nhớ gì?
– Ờ, không nhớ gì thì thôi. Ở đó. Em đi nấu đồ cho anh ăn rồi uống thuốc.

Cố ngồi dậy đi theo Nguyên. Rồi chợt nhận thấy có điều gì khang khác ngay trên cơ thể mình. Tôi hét lên khi vừa kịp nhận ra.

– Cô đã làm cái quái gì với tôi vậy?
– Làm gì cơ? Anh thì có cái gì để em làm?
– Thế quần áo gì thế này?

Trên người tôi là bộ quần áo sọc dọc như của bệnh nhân tâm thần vậy, dưới chân còn đeo cả tất.

– Quần áo anh tối qua bị mưa hắt ướt hết nên em đành lấy bộ quần áo bệnh nhân này của em cho anh mặc.
– Trông thấy gớm. Mà cái gì? Cô thay quần áo cho tôi á?
– Không thì ai? Con Nô Đen với con mèo Mướp chắc.
– Cái gì? Trời ơi. Sao cô không gọi tôi dậy tự thay?
– Anh lịm đi như chết ý ai gọi được. Anh sợ cái gì? Em vừa nhắm mắt vừa thay!
– Lại còn nhắm mắt, nhắm mắt nhỡ đụng vào thì sao?
– Chả sao, bèo nhèo thấy gớm, ai để ý!

Nguyên bò ra bàn ăn mà cười. Còn tôi thì đỏ bừng mặt. Cứ nghĩ đến lúc Nguyên thay đồ cho tôi là muốn chạy vào phòng đóng cửa ngay. Lại còn cẩn thận đeo cho tôi đôi tất hình con gấu nữa.

– Thôi em đùa đấy. Em chỉ cởi quần áo ngoài thôi. Anh vào nhà tắm kiểm tra quần đùi thì biết.
– Khỏi nhắc. Không tôi sẽ báo công an cô xâm phạm cơ thể tôi.
– Ờ!

Nhìn cái mặt vênh, thấy ghét! Tôi thay quần áo trong lúc Nguyên chuẩn bị đồ ăn sáng. Người vẫn hơi mệt. Không hiểu vì sao lại mệt đến mức lịm đi không biết gì như thế. Đưa tay lên trán, vẫn còn nóng. Dưới chân tôi, xuất hiện một con mèo đen lạ, có lẽ lại mèo lạc Nguyên đem về, dụi dụi vào chân tôi.

– Lẻn vào đây từ bao giờ thế mèo lạ? Trả tiền nhìn ngắm bo đì đi! ^_^

Con mèo thôi dụi, ngẩng đầu lên nhìn tôi chăm chú. Miệng như nhoẻn cười. Tôi bỗng bật cười theo nó. Nhẹ nhõm khó tả. Có phải cảm giác này đã khiến Nguyên luôn sẵn sàng đem nó về nhà không. Nhẹ nhàng bế con mèo ra phòng khách, Nguyên nhìn tôi cười.

– Trời ạ! Làm em đi tìm nó nãy giờ.
– Ở đâu ra đây? Tôi mang ra xử tội cô đấy
– Con mèo mình cứu hôm qua đó. Anh đừng nói bị cảm xong quên luôn nha!
– Hả? Con mèo đó lông vằn mà!
– Không đâu, nó lạc vào công trường xây dựng nên dính vôi rồi bụi bẩn nên nhìn nhầm đó. Em tắm cho nó xong cũng ngạc nhiên.

Hóa ra là con mèo cào xước hết tay tôi tối qua. Vậy là nhà lại có thêm thành viên mới. Nguyên dạy vật nuôi nhanh thật. Mới đặt xuống đất mà nó đã biết chạy ra ban công nhảy vào thùng bìa các tông nằm cùng mèo Mướp rồi.

– Tên gì đó Nguyên?
– Dạ… Ờ… Nusi!
– Nghe như ngu si ấy.

Nguyên cười giòn tan. Tôi cố gạt đi mệt mỏi ngồi xuống ăn sáng cùng Nguyên. Ngoài cửa sổ mưa vẫn rơi nặng hạt, nhưng nụ cười của Nguyên đã kéo nắng ấm tràn về đủ một góc nhỏ của Hà Nội nơi chúng tôi đang ngồi. Cô gái giúp việc này nhanh nhẹn hơn tôi tưởng tượng. Đến mẹ cũng không kịp nghĩ đến việc gọi điện đến công ty xin phép cho tôi nghỉ ốm mà Nguyên giúp tôi hoàn thành hết những gì cần thiết. Lòng ấm áp lạ. Vừa ăn vừa ngó trộm Nguyên. Nguyên ăn nhanh hơn mọi người, vừa ăn vừa đọc sách. Bữa trước mới mắng tôi không được đọc báo khi ăn mà nay lại làm trái lại rồi.

– Học hành có ổn không Nguyên?
– … Hả? …

Nguyên nghẹn cơm mãi mới trả lời được. Tôi nhìn điệu bộ của Nguyên mà muốn ngoác miệng cười.

– Tự nhiên anh hỏi gì lạ vậy?
– Hỏi thế có gì lạ.
– Ờ… Lạ!
– Thì thôi, không cần trả lời đâu.

Nguyên ăn nhanh bữa sáng rồi xin phép đi học. Tôi gật gù vờ không quan tâm. Nguyên dặn tôi uống thuốc, ra ban công chào mấy người bạn nhỏ của cô ấy rồi chạy đi cho kịp bus. Tôi đứng dọn qua bát đĩa vừa ăn rồi ra ghế nghỉ. Mèo Mướp nhìn thấy thế rón rén bước tới gần, ngó nghiêng thăm dò một lúc xong trèo tót lên bụng tôi nằm. Láo thật! ^. ^ Tôi vuốt tai mèo Mướp một hồi thì Nusi cũng mon men đi tới, nhảy lên vai tôi dụi nhẹ. Lúc sau Nô Đen cũng không chịu nằm yên trong ổ, chạy vào nằm ngay dưới ghế cạnh tôi. Tôi cười mãi thôi. Không hiểu sao nữa. Cứ khúc khích đến mức mèo Mướp nằm trên bụng phải cào cào đe dọa. Nusi thấy vậy cào lại mèo Mướp mấy phát, hai đứa cứ cào nhau trên người tôi. Nô Đen thi thoảng nghếch đầu sủa vài tiếng như nhắc nhở hai bạn trật tự.

Tôi cười! Tay phải vuốt đầu mèo Mướp, tay trái đặt gối cho chắc hơn rồi nhắm mắt lại. Lần đầu tiên tôi ngủ, không vùi mình trong chăn, mà vẫn thấy ấm!

Chap 5:

Nếu Nô Đen không dùng hai chân trước với lên ghế và đập đập vào vai tôi thì tôi cứ lịm trong giấc mơ mãi mà không nghe thấy tiếng chuông đang reo lên một cách vội vã. Ngước nhìn đồng hồ. Hơn 10h sáng, nếu Nguyên về thì đã tự vào nhà. Chắc có khách. Cố gượng mình dậy đặt mèo Mướp và Nusi xuống ghế để ra mở cửa. Sau cánh cửa là một vị khách tôi không có cảm tình lắm!

Ly nhìn tôi hồi lâu, không thấy tôi phản ứng gì nên cô ấy tự lách qua tôi mà vào nhà. Cô gái phiền phức! Đến đây để làm gì không biết! Tôi miễn cưỡng đóng cửa rồi vào nhà theo Ly. Nô Đen sủa lên vài tiếng chào người khách lạ. Ly nhăn mặt lại khi nhìn thấy chó mèo trong phòng tôi.

– Anh lôi chúng nó từ đâu về vậy?
– Mua về nuôi cho vui!
– Xấu xí bẩn thỉu và hôi hám không thể tả được.

Ly làm tôi hơi bực mình. Việc cô ấy đến nhà tôi một cách bất chợt và tự tiện vô nhà đã khiến tôi không hài lòng rồi, thêm giọng điệu khó chịu đó nữa. Tôi vào phòng khách rót nước rồi hỏi Ly:

– Em qua đây có việc gì không?
– Em đến thăm anh.
– Anh khỏi rồi! Em có thể về được
– Sao anh cứ giữ thái độ đó với em thế?

Ly ngồi xuống ghế cạnh tôi. Tôi tránh sang một bên với điều khiển bật Ti vi

– Anh Nhật!
– Vậy em muốn anh làm thế nào?
– Em đáng ghét thế à?
– Ừ!

Ly định nói gì đó nhưng chợt hét lên một tiếng. Tôi quay sang thấy cảnh ly sẵn tay hất Nusi xuống đất khi bé trèo lên đùi Ly nằm. Vội chạy ra xem Nusi có va vào đâu, xây xước gì không rồi ngước nhìn Ly.

– Nó còn bé tí thế này mà em hành động như thế à?
– Nó cào xước váy em rồi. Đồ động vật bẩn thỉu.

Tôi không muốn nói với Ly thêm một câu gì nữa. Chợt nhận ra một điều khá đơn giản. Nếu tôi được phép chọn lựa, chắc chắn tôi sẽ chọn một cô gái biết yêu chó mèo. Nhìn hành động vừa rồi của Ly tự nhiên tôi tưởng tượng ra trái tim có một góc méo mó của cô ấy.

– Anh có đói không? Em nấu cơm giúp anh nhé!

Nói xong Ly đứng dậy đi vào bếp. Nô Đen vừa chạy theo bước chân Ly vừa sủa vang nhà. Chắc nó biết vị khách này không được dễ chịu cho lắm. Để tránh cho Nô Đen bị Ly đối xử như vừa làm với Nusi, tôi gọi Nô Đen lại gần tôi, vỗ nhẹ lên đầu an ủi nó. Không nghĩ ra cách nào để Ly phải về nên đành im. Nhưng thực tình tôi không muốn Ly ở nhà tôi tới lúc Nguyên về. Ly thường có cách cư xử trẻ con, vô lý, không suy nghĩ và tự tiện quá đáng. Mặc dù chia tay lâu rồi nhưng cô ấy vẫn ảo tưởng rằng tôi còn tình cảm và muốn theo đuổi cô ấy.

– Em về đi. Anh chuẩn bị ra ngoài bây giờ.
– Anh đi đâu? Anh đang ốm mà!
– Đi khám!
– Để em đưa anh đi!
– Không! Tôi muốn đi một mình!

Do sẵn có bực tức trong lòng, câu cuối cùng tôi gằn từng chữ một. Đủ để Ly hiểu cảm xúc tôi lúc này không được tốt lắm, đừng nên làm phiền. Xuống nhà ga chung cư lấy xe. Bóng dáng Ly đứng đó còn in rõ trong gương chiếu hậu. Tôi mặc kệ, cô ấy nên tự lo cho mình trước khi chạy lẵng nhẵng lo lắng cho người khác.

Rẽ qua Cầu Giấy sang Đại học Hà Nội, tôi đi tìm Nguyên. Trong người vẫn hơi mệt và nhức đầu. Giọng Nguyên trong điện thoại líu lo một cảm xúc dễ chịu:

– Hả? Anh Nhật hả? Ủa anh đến trường đợi em á?
– Ừ, cổng trường!

Nói xong tôi cụp máy luôn. Không để cho Nguyên kịp phản ứng gì. Tôi dừng xe lại bên lề đường, ngắm nhìn chú bán hàng làm kem bông. Mười phút sau bóng Nguyên lấp ló ở cổng trường rồi chạy về phía tôi. Trông Nguyên năng động trong style quần jean áo phông.

– Anh đi thế này thì ai trông Nusi?
– Nô Đen và mèo Mướp trông. Mà nói như kiểu trông nó là nhiệm vụ của tôi ấy!

Nguyên cười! Đứng nhìn tôi lúng túng không biết nói gì. Tôi cũng lóng ngóng. Chẳng biết lí do gì mà tới tận đây tìm Nguyên.

– Này! – Nguyên vẫy tay trước mặt tôi!
– Hử?
– Sao mặt anh nghệt ra thế? Đi ăn nhé!
– Ăn gì? Ở đâu?
– Ăn cơm bụi sinh viên! ^_^ Nay em cũng không muốn nấu cơm!
– Ừ! Lên xe đi!

Nguyên cầm mũ bảo hiểm tôi đưa rồi trèo lên xe. Hà Nội tháng Chín không nhiều nắng. Tôi lái xe theo hướng Nguyên chỉ. Lâu rồi mới chở một người con gái sau xe. Nguyên chỉ tôi rẽ vào một góc nhỏ. Quán cơm sinh viên ở ngay đầu ngõ. Nguyên chạy vào trước gọi đồ cho tôi. Ở chung với tôi khá lâu nên nhỏ cũng biết tôi thích ăn gì. Suất cơm của tôi có sườn xào, thịt kho tàu và trứng ốp. Đi ăn cùng Nguyên mới để ý rõ nhỏ hầu như toàn ăn rau xanh, ít ăn thịt.

– Nguyên ăn chay đó à?
– Dạ?
– Dạ gì mà dạ. Hỏi thì trả lời luôn đi. Dây thần kinh phản ứng của em có vấn đề à?
– Em phải hỏi anh mới đúng, anh bị loạn đại từ xưng hô hay sao ấy. Lúc tôi – cô, lúc anh – em, lúc đột nhiên gọi tên Nguyên.
– Ờ thì. Tao – mày nhé?

Nguyên phì cười nhìn tôi. Nghĩ lại cũng thấy hơi xấu hổ. Tôi bạ đâu gọi đó, lúc thế này lúc thế kia, cũng không thấy có gì khúc mắc lắm mà.

– Ờ, nghe hay đó. Mày ăn lẹ lên rồi còn về.
– Hic, nghe kì kì kiểu gì ý.
– Sao tưởng anh thích!
– Đùa vậy thôi, chứ cô thích xưng hô sao?
– Em thì vẫn anh – em như bình thường thôi!

Tôi cúi xuống ăn tiếp. Cơm không ngon bằng cơm Nguyên nấu. Nói ra mới để ý, hình như từ hồi Nguyên đến, tôi béo lên thì phải, hai bàn tay có vẻ hơi mập lên một chút. Nguyên thì gầy đi so với lần đầu tôi gặp. Có lẽ lạ nhà nên cơ thể nhỏ bị ảnh hưởng. Có nên chi thêm tiền thức ăn cho Nguyên nấu nhiều hơn mỗi bữa không nhỉ? Đang nghĩ mông lung thì cả một trồng đĩa đựng thức ăn thừa đổ ập vào vai tôi, ướt rượt một bên vai và tay áo. Chuyện gì xảy ra thế này?

Nhân viên trong quán do vấp phải con chó nhỏ đang kiếm thức ăn dưới sàn nhà nên ngã sấp về phía trước, hậu quả tôi gánh chịu một nửa. Chủ quán không có lấy một lời xin lỗi, hằm hằm đi vào cầm một cái ống điếu mà người ta dùng hút thuốc lào, ra sức đánh con chó. Tôi rút ra một đống giấy ăn cố lau hết mỡ, canh, mắm trên cổ. Mùi vị khủng khiếp không thể tả. Con chó bị đánh kêu thét vang nhà. Tôi biết, hôm nay nó gặp cứu tinh rồi! Nguyên đứng phắt dậy, chạy ra ngăn người chủ quán. Có lẽ do bức xúc trước hành động đánh đập chó hoang nên Nguyên hơi mất bình tĩnh. .

– Anh có bị điên không đấy? Anh đập chút nữa là nó chết đó!
– Chuyện của cô à? Dẹp ra! Cái loại chó mèo hoang này đập chết đi cho rảnh đất
– Đồ bất nhân! Anh có phải là người không thế?
– Mày nói gì thế con nhỏ kia?
– Anh làm tiếp công việc của mình đi, bát đĩa tôi đền!

Tôi vội ngăn người chủ quán lại. Nhìn bộ râu quai nón của anh ta tôi hơi ghê. Mặt Nguyên đỏ ửng lên. Tôi rút ví trả tiền cho chủ quán rồi nói chuyện nhẹ nhàng mềm mỏng thương lượng với hắn. Để Nguyên cãi nhau chút nữa chắc chúng tôi bị cầm dao rượt chém quá. Đúng là chỉ đàn ông mới đem lại hạnh phúc cho nhau. Lúc sau tên chủ quán cầm tiền rồi cười tươi vỗ vỗ vai tôi, hẹn hôm nào rủ tôi đi …uống bia:-|. Sợ dựng tóc gáy! Nguyên lấy một chiếc khăn tắm loại nhỏ trong túi sách ra quấn quanh con chó nhỏ rồi ra xe đợi tôi.

Tôi vào nhà vệ sinh rửa qua tay và quần áo rồi về. Nguyên ôm chặt con chó nhỏ trong lòng. Tôi vừa đi vừa nghĩ lung tung, thỉnh thoảng lại bật cười. Mãi sau Nguyên mới hỏi.

– Anh có làm sao không?
– Ờ, có đấy! Hình như gãy tay rồi!
– Cái gì?

Nguyên giật mình nên làm tôi lạng tay lái một chút, suýt nữa thì bị ô tô tải tông vào.

– Em ngồi yên đi. Sao em cứ ẳng lên như thế được nhỉ?
– Anh ẳng thì có. Anh thích chết không?
– Câu đó anh phải hỏi em mới đúng, em không sợ chết hay sao mà dám gây sự với cả đàn ông bặm trợn như thế?
– Thằng thần kinh. Thích thì em đánh nhau luôn?
– Em bị thần kinh ấy. Giờ quay lại hỏi khách khứa trong quán, chắc chắn người ta nói em thần kinh chứ không phải tên chủ quán.

Nguyên im lặng hồi lâu, có lẽ không biết trả lời tôi ra sao. Tôi lại phì cười, nói tiếp:

– Này, trước khi yêu động vật, em học cách yêu đồng loại trước đi. Dù gì cũng là con người với nhau. Em hãy nói nhẹ nhàng với người ta như cái cách em nhẹ nhàng với chó mèo ấy!

Nguyên im lặng suốt quãng đường còn lại. Chỉ khổ tôi thôi. Đang ốm sẵn, ăn chưa no, lại bị chồng đĩa rơi vào vai. Cô nàng Nguyên ngổ ngáo này rắc rối hơn tôi nghĩ nhiều.

Hôm nay, nhà tôi lại có thêm thành viên mới!

Chap 6:

Nguyên nâng niu con chó nhỏ vừa cứu được trên tay như nâng một món quà quý giá mới được ai đó gửi tặng. Đi cùng Nguyên, tôi luôn để nhỏ đi trước, để tôi có thể đứng đằng sau ngắm nhìn mọi cử chỉ của nhỏ. Tự nhiên, bản năng và thánh thiện… Chỉ có thể nói được từng đó thôi. Mỗi lần nghĩ về Nguyên, tôi lại tự thấy tôi ít vốn từ. Mặc dù bộ lông của con cún bết bùn đất và thức ăn cùng rác rưởi, Nguyên vẫn ủ nó trong lòng mong truyền được cho nó chút hơi ấm và sự yên tâm. Tôi biết tất cả những con chó trên đời này chỉ cần được nựng nịu vỗ về một chút, chúng sẽ quên hết đi sợ hãi và mở to mắt ngước nhìn hiện thực mà chúng vẫn thường mơ về. Con cún chưa được tắm, nên tôi không thể đoán chính xác màu lông của nó. Nhưng có khả năng nó sẽ là một chú cún xinh.

Trước cửa nhà tôi, lại có một người khách lạ. Người quen của Nguyên. Con gái, có lẽ đang học Trung học. Nguyên nhìn thấy người khách đó đã vội hỏi

– Ngân! Em đang làm gì ở đây thế?
– Chị Nguyên ơi, chị giữ bé này giúp em với. Tối qua gần nửa đêm, em nghe ngoài ngõ có tiếng chó ăng ẳng hoảng sợ, chạy ra xem thì thấy em nó bị thằng chủ dùng khăng quất tới tấp vào người. Lúc đó đã khuya nên ngoài đường nhà đã đóng hết cửa. Em nó cứ chạy chui vào cửa nhà xung quanh, rồi bị thằng chủ túm cổ quăng ra đường và tiếp tục đánh. Cứ thế đến 10 phút thì thằng chủ đi đâu mất. Nhân lúc đó, em vội chạy lại ẵm em nó chui vô nhà khóa cửa. Tối em ý cứ kêu ăng ẳng và lâu lâu khóc rưng rức tội nghiệp lắm chị. Thương quá sáng dậy dắt đi khám ở Trung Tâm thú y. Bác sĩ bảo em nó có biểu hiện của bệnh viêm da và viêm phế quản. Em đã cho chích thuốc và đang theo dõi. Bây giờ nhà em đã nuôi 2 em cún rồi, thêm nữa là thằng chủ của cún gần nhà em nên không tiện nuôi. Em nó bây giờ vẫn còn sợ và sốc lắm, cứ không thấy người xung quanh là kêu ăng ẳng, lúc nào em cũng bên cạnh, không dám đi đâu, lúc nào cũng nằm yên có 1 xó. Chị Nguyên giúp em đi chị.

Người bạn của Nguyên nói liền một tràng. Tôi khó lắm mới nghe được đầy đủ hết những gì bạn ấy truyền đạt. Nguyên đang ôm con cún mới cứu nên không làm nào ôm thêm được. Tôi bước tới mở cửa cho bạn Nguyên vào nhà. Giờ này chắc Nô Đen và hai bé mèo cũng đói rồi. Cả ba cuốn lấy chân tôi đòi ăn. Tôi đón em cún từ người bạn của Nguyên rồi đem vào ổ của Nô Đen đặt tạm. Nô Đen chạy lại ngửi ngửi người bạn mới đem về, hai con mèo Mướp và Nusi thì có vẻ đanh đá hơn, đứng xa xa dò xét. Trông điệu bộ của chúng nó tức cười. Chỉ mong chúng đừng đánh nhau loạn nhà tôi lên.

Người bạn tên Ngân về rồi, Nguyên bật nóng lạnh tắm cho con cún đang ẵm. Tôi lại bếp tìm đồ ăn nấu cho thú nuôi. Nguyên từ nhà tắm nói vọng ra.

– Dưới tủ có hai túi thức ăn chó mèo đó anh Nhật!

Tìm mãi mới thấy. Tôi đọc hướng dẫn sử dụng trên bao bì rồi làm theo. Trong tủ lạnh có thức ăn thừa, tôi bỏ vào nấu chung cả. Cũng lạ. Không hiểu sao tôi không khó chịu hay phàn nàn gì về Nguyên. Tại sao lại thế? Rõ ràng, tôi không phải là người yêu động vật, cũng không phải người có trái tim thương cảm đạt đến mức sẵn sàng xả thân cứu một con chó hay một con mèo đem về. Thậm chí trước kia tôi còn ghét việc nuôi một con thú trong nhà. Vậy mà bây giờ tôi như được ai đó định sẵn trách nhiệm. Chỉ vui lòng chấp nhận chứ không phản kháng.

– Anh nghĩ gì mà nghệt mặt ra thế? … Anh Nhật!… Anh Nhật!!!

Nguyên quát lớn làm tôi đánh rơi cả thìa nấu ăn.

– Em làm cái trò gì thế hả? Đã bảo anh bị bệnh giật mình mà cứ hét lên là cái kiểu gì?
– Trời ơi, anh quát to làm chúng nó sợ đấy!

Quay ra thấy em cún mới đang rúc vào xó bàn ngó ra nhìn tôi sợ sệt. còn Nô Đen và hai con mèo thì nhảy bổ vào ổ nghếch đầu ra nghe ngóng. Phì cười!

– Chúng nó toàn trải qua những nỗi sợ hãi, đau đớn trước khi về nhà mình. Anh đừng quát vậy.
– Em ra mà cho chúng nó ăn. Anh đi ngủ đây!
– Anh uống thuốc chưa?
– À, quên mất!
– Đồ con lợn!
– Cái gì?
– Lờn con độ!

Chó Nguyên. Dám chọc tôi. Mệt quá cũng không đủ sức trừng phạt Nguyên nữa. Tôi uống thuốc rồi ra ghế nằm vật xuống. Cơn mệt mỏi của trận ốm lại quay trở lại đè nặng lên người. Nằm nghiêng sang một bên nhìn Nguyên chăm lũ quỷ nhỏ. Khi trò chuyện với chúng nó, Nguyên như một người khác. Nhẹ nhàng và trong trẻo, như một cơn gió chờn vờn trên vai, khiến tôi thấy lạnh, nhưng vẫn muốn đưa tay nắm giữ cơn gió ấy cho riêng mình.

Ly lại đến thăm tôi vào buổi chiều. Nguyên mở cửa cho cô ấy vào nhà trong khi tôi đang nằm cuộn tròn trên ghế ôm mèo Mướp và Nusi ngủ ngon lành. Không biết hai người ấy đã nói gì và làm gì khi chạm mặt nhau, nhưng thái độ khó chịu của Ly sau đó báo hiệu cho tôi biết rằng mẹ tôi sẽ đến thăm nhà vào một ngày gần nhất. Cô gái phiền phức! Tôi không ưa những cô gái phiền phức!

– Ly có hỏi gì em không?

Tôi hỏi dò Nguyên khi cùng Nguyên ăn tối.

– Không ạ! Lao phầm phầm vào nhà, nhìn anh rồi lườm em, xong xuôi đi về!
– Em kể có thật không đấy?
– Em bịa anh làm chi? Người đâu cư xử dị hợm thấy gớm. Cô ta đá Nô Đen sưng mõm lên kìa. May mà em đang bận đeo găng tay giặt đồ chứ không em đã chạy theo túm tóc lại vả cho bục má.

Tôi hãi hùng nhìn Nguyên, trông cái thái độ sừng sổ thế kia rõ ràng là nhỏ sẽ làm thật nếu Ly chọc tức nhỏ thêm chút nữa.

– Từ lần sau ngó ra mà thấy cô ta thì đừng cho vào nhà!
– Sao thế? Anh cũng không ưa à?
– Ngày xưa cãi nhau với anh rồi cô ta đập hết ly chén nhà anh xong xuống sân chung cư gào thét ầm ỹ ăn vạ. *3*
– Cái gì? Cô ta là gì của anh?
– Bạn gái cũ!

Nguyên nghẹn cơm, đấm đấm ngực rồi uống nước mãi mới khỏi.

– Sao anh lại có bạn gái như thế được nhỉ?
– Hồi mới quen Ly dễ thương lắm. Sau đó thì…
– Dễ thương con khỉ chứ dễ thương. Lần sau mà đến đá chó của em em đập cho bẹt mặt.

Đến lượt Nguyên làm tôi nghẹn cơm. Gì chứ coi bộ Nguyên sẵn sàng đánh nhau thật. Tôi ngó ra nhìn Nô Đen. Khổ thân, chắc bị đá đau lắm. Nguyên vẫn hằn học như thể chính tôi làm Nô Đen ra nông nỗi ấy.

– Này, không ăn nữa đâu, phần Nô Đen đấy!
– Ơ, anh bị khùng à? Ăn nốt đi, chúng nó có phần hết rồi!
– Còn tiền ăn tháng này không?
– Còn ạ!
– Mai anh đưa thêm. Mua thức ăn mỗi bữa nhiều nhiều vào! Cho chúng nó… Cho cả …em nữa…

Tôi nói nhanh rồi đi vào phòng. Vẫn kịp chạm ánh mắt ngỡ ngàng của Nguyên trước khi đóng cửa. Nguyên gầy quá. Mải chăm bọn quỷ mà chẳng chịu để ý đến bản thân mình. Ngồi vào bàn làm việc, check mail công việc mai cần hoàn thành. Nghỉ một ngày mà đã có đống việc chờ tôi giải quyết. Sách cũ dịch chưa xong, sách mới cần biên tập lại dồn tới. Mệt mỏi và áp lực không thể tả.

Tiếng gõ cửa nhẹ nhẹ. Lạ thật, bình thường Nguyên đâu có làm phiền tôi vào buổi tối đâu nhỉ. Bên ngoài im lặng chờ đợi. Tôi bước ra mở cửa. Nhìn thấy Nguyên cười chúm chím đứng đó.

– Đi chơi hông?
– Đi đâu cơ?
– Đi chăn mấy em Kiki.

Nguyên im lặng chờ tôi trả lời, mắt tròn xoe. Tôi đóng cửa phòng bước ra. Túi thức ăn Nguyên đã chuẩn bị để trên bàn. Đi dạo cùng Nguyên một lát xả stress vậy.

– Con là Lucky nè, còn con là Su, chú Nhật chào hai con đi!

Tôi cúi xuống nhìn, con chó Ngân mang đến Nguyên gọi là Su, con chó cứu từ quán cơm về Nguyên gọi là Lucky. Lucky tắm xong hiện rõ bộ lông màu nâu đen. Là trai! Su là gái. Su có bộ lông nhìn như gấu trúc, chỗ đen chỗ trắng. Cả hai con đều bé bỏng và xinh đẹp. Dường như vẫn sợ người, không dám tới gần tôi. Nguyên ôm chúng nó vào ổ rồi cùng tôi ra ngoài.

Tiết trời tháng Chín mát mẻ. Tôi đếm từng bước chân trên đường, đầu suy nghĩ miên man. Tôi có tật hay bị lạc vào những suy nghĩ rối tung rồi mãi không tìm được lối ra. Nguyên đi bên tôi, có lẽ cũng lạc vào miền suy nghĩ riêng của nhỏ. Chỉ có Nô Đen thỉnh thoảng lại sủa lên như muốn nói với cô chủ cậu chủ rằng, ‘‘hai người nhìn đường kia kìa, đừng vẩn vơ nữa’’. Giữa tháng Chín! Vậy là Nguyên đã chuyển đến ở cùng tôi tròn một tháng!

– Anh đang nghĩ gì thế?
– Ờ… Không! Túi thức ăn nặng không anh cầm cho!
– Hông!

Nguyên bướng lắm. Khuôn mặt nhỏ có thể vênh lên thách thức bất cứ lúc nào. Nguyên như một cơn gió, đi ngược hướng với những cơn gió khác, một mình đương đầu với những thử thách phía trước. Còn tôi là gì? Cũng chẳng biết nữa. Nhưng ít ra tôi cũng nhận thấy tôi là một nơi đủ bình yên để cơn gió ấy ngay cạnh tôi có thể nương náu, có thể nép vào tìm sự che chở, tìm một điểm tựa. Bất giác bật cười. Tôi đang nghĩ gì thế này?

– Anh cười gì vậy?
– Không! Túi thức ăn nặng không anh cầm cho!
– Anh bị điên rồi. Anh mới hỏi em câu đó.
– Hở? Thế hở?
– Anh điên thật rồi!

Ừ, tôi điên rồi!

Rẽ vào con đường nhỏ men theo những tấm lưới B40. Nguyên cúi xuống vẫy tay chào lũ chó. Dưới ánh đèn đường hắt vào, tôi nhìn thấy rõ những ánh mắt mừng rỡ và cầu cứu của bốn chú chó còn sống sót trong kia. Ba năm qua, Nguyên chăn chúng nó, ba năm Nguyên đi qua đi lại trên con đường này, vậy mà tôi không gặp nhỏ một lần nào. Hay là do tôi không hề để ý? Có những số phận khác nhau hoàn toàn, nhưng gắn kết với nhau bởi một sợi dây yêu thương vô hình. Ba năm qua nếu không có Nguyên, mấy em Kiki kia sẽ sống ra sao? Cả Nô Đen, mèo Mướp, Nusi… Nếu không gặp Nguyên, chúng sẽ ra sao?

– Anh Nhật… Anh Nhật!!!
– Ừ?
– Anh làm sao thế? Anh mệt à?
– Không!
– Chúng nó chào anh kìa!

Tôi nhìn vào trong, bốn con chó thè lưỡi ra như đang cười, chân cào cào xuống đất rồi kêu nhỏ.

– Đó là nó chào hả?
– Đúng rồi! Chúng nó nghĩ hôm nay anh cho chúng nó ăn no nên đang cảm ơn anh đó!
– Sao em biết?
– Nói chuyện với chúng nó ba năm nay rồi mà! Anh chào chúng nó đi rồi về.

Tôi cúi xuống nhặt vài mẩu xương còn lại trong túi thức ăn ném vào. Bốn con chó vẫy đuôi và nhìn về phía tôi một cách thân thương như chính tôi là chủ của chúng nó vậy. Nhìn những ánh mắt ấy mà tôi chỉ muốn xé tấm lưới B40 này vào bế chúng nó về nhà. Nô Đen cứ đứng rướn người lên, hai chân trước cào cào vào tấm lưới. Mắt Nô Đen cụp xuống như muốn khóc. Nhìn cảnh này lâu tôi có cảm giác nặng nề không chịu được. Đứng dậy dắt Nguyên ra đường lớn, Nguyên ngoan ngoãn đi theo. Con đường này giá như dài mãi. Để tôi được trải nghiệm cảm giác che chở cho người khác thêm một chút nữa. Đi dưới hàng cây, Nguyên khẽ tách tay ra khỏi tay tôi. Nhỏ cúi xuống bế Nô Đen lên, mặc cho bốn chân đầy đất của Nô Đen làm bẩn áo. Con cún nhỏ gối đầu lên tay Nguyên nhẹ nhàng, ánh mắt nó nhìn tôi, lấp lánh như đang cười. Có lẽ, Nô Đen đang là con chó hạnh phúc nhất trên thế giới này.

[Chap 6 kết thúc, Chap sau mình sẽ kể cho mọi người nghe câu chuyện về Nguyên và mèo Pi, một chú mèo có tình yêu thương, lòng tự trọng cao và sức sống mãnh liệt…
Dạo này, mình hay bị ám ảnh bởi những hình ảnh như mình đã miêu tả trong câu chuyện trên. Mọi người đã bao giờ nhìn thấy một chú cún nhỏ khóc chưa? Mọi người nhìn kĩ trong hình nhé! Bé cún ấy đang buồn và khóc do bị chủ ngược đãi, mặc dù bé luôn yêu thương bảo vệ chủ hết mình.
Đôi khi mình ước, một điều ước nhỏ thôi. Nếu như nuôi một con chó hay mèo, xin người chủ của nó hãy bỏ chút từ bi mà chăm sóc nó cẩn thận, hãy lắng nghe chúng khóc, chúng cười, chúng buồn, chúng vui… Chỉ cần vậy thôi!
Bạn lạc dòng giữa xã hội ngột ngạt và bon chen này, có quá nhiều thứ cuốn bạn đi. Nhưng có bao giờ bạn nhận ra, ở nhà, có những con vật nhỏ bé luôn mong ngóng bước chân bạn trở về, từng giây từng phút. Bạn đi đâu, làm gì, tốt hay xấu, chúng vẫn ở nhà, chờ đợi bạn… bằng cả trái tim!]

Chap 7:

Mẹ sang thăm! Tôi đã đoán trước thế nào Ly cũng gây chuyện. Nguyên vừa mở cửa bước vào đã thấy mẹ tôi ngồi nghiêm nghị ở bàn uống nước đợi tôi về. Tôi bảo Nguyên đưa Nô Đen vào phòng để tôi nói chuyện với mẹ.

– Tối rồi con còn ra đường làm gì?

– Con hơi nhức đầu nên đi dạo một chút thôi. Mẹ có uống nước hoa quả gì không con kêu Nguyên làm?

– Tên Nguyên à?

– Vâng ạ.

– Con có sở thích nuôi chó mèo từ bao giờ thế?

– Con cũng mới thôi mẹ à!

– Bố và mẹ tháng tới sẽ sang Mỹ dự lễ tốt nghiệp của Phương Anh rồi đón em về nước làm việc, gả chồng. Sau đó bố mẹ sẽ chuyển sang ở với con. Thế nên con liệu đem chó mèo đi cho đi. Mẹ bị dị ứng với lông thú, con biết rồi đấy!

Tôi hơi bất ngờ với quyết định dọn đến ở cùng con trai của bố mẹ. Cuộc nói chuyện nhanh chóng đến choáng váng. Mẹ gọi taxi rồi về luôn. Tôi tiễn mẹ ra thang máy. Mẹ không đả động gì tới Nguyên, cũng không cau có khó chịu gì nhiều. Nhưng thực tâm tôi biết bà không hài lòng với sự thay đổi mà người giúp việc đem lại. Về nhà, tôi đóng cửa rồi vào phòng làm việc. Tạm quên đi những kế hoạch không mấy khả quan trong tương lai gần.

Mấy ngày vừa qua truyện khiến tôi đau đầu nhất là Ly suốt ngày bám theo tôi nhõng nhẽo. Trẻ con và hành động tự phát đến bực. Sáng sáng Ly chờ tôi dưới nhà rồi xin đi ké xe tới cơ quan, hẹn tôi ăn trưa, chiều lại kiếm cớ đi về cùng. Nhiều khi từ chối cũng ngại, tôi đành miễn cưỡng đồng ý chở Ly đi làm rồi đưa Ly về. Ly hỏi nhiều thứ, về tôi, về Nguyên. Dò xét cứ như Ly vẫn là bạn gái của tôi vậy.

Chiều thứ 7, Ly mua một đống quần áo cho tôi rồi tới thẳng nhà tôi để ở đó, khoác tay tôi tự giới thiệu với Nguyên.

– Tôi là bạn gái của Nhật. Chị đã biết điều đó chưa?

– Biết điều đó để làm gì? Liên quan gì thế?

– Người giúp việc ăn nói cái kiểu gì vậy?

– Chứ phải ăn nói ra sao? Chị là bạn gái Nhật chứ đâu phải chủ nhà? Trong hợp đồng cũng không yêu cầu gì khắt khe chuyện ăn nói cả. Có cần đọc không?

Nói xong Nguyên quay sang bếp nấu cơm, mặc cho Ly xù hết cả tóc vì tức giận. Tôi chẳng muốn nói gì, ra chỗ Lucky sửa lại ổ cho nó. Lucky có vẻ yếu. Từ hôm đem về nó ăn rất ít, không sủa, không vẫy đuôi. Mắt lúc nào cũng cụp xuống mệt mỏi. Đang lo lắng thì Ly chạy ra vỗ vai tôi nói:

– Mấy con chó mèo ghẻ này anh đem đi vứt hết đi. Để nó phóng uế bừa bãi ra nhà bẩn thỉu quá!

Không đợi tôi phản ứng. Nguyên đáp lại Ly ngay lập tức:

– Cả lũ chúng nó phóng uế không dị hợm bằng mấy lời cô vừa nói đâu. Cô không có tim hay không có não vậy? Nói thế mà nghe được à?

– Chuyện gia đình người ta cô xía vô làm gì? Vô duyên có đào tạo thế không biết.

– Câu đó tôi phải tặng cô mới đúng. Thứ đàn bà gì không biết. Nhìn đã thấy ghét!

– Cô có tin là mai cô bị đuổi việc luôn không? Cô ăn nói với cấp trên thế à?

– Ai là cấp trên của tôi thế? Cô á? Cô hoang tưởng à?

Biết ngay mà. Bình thường Nguyên chẳng bao giờ to tiếng với ai. Nhưng cứ đụng đến chó mèo là nhỏ nổi khùng lên ngay được. Nô Đen rủ mèo Mướp, Nusi và Su ra ngoài ban công trốn. Có lẽ chúng nó biết chủ của chúng nó đang cãi nhau về vấn đề gì. Tôi xoa đầu Nô Đen an ủi nó, cố cho nó hiểu rằng chẳng ai vứt bỏ hay hành hạ chúng nó nữa đâu. Nguyên và Ly vẫn to tiếng trong nhà. Tôi đứng dậy bảo Ly.

– Em về đi. Anh đau đầu quá!

– Em không về! Em sẽ ở đây nấu cơm cho anh!

– Nếu em thích nấu thì nấu một mình đi!

Tôi ra bếp cầm tay Nguyên dắt đi. Ra đến cửa Nguyên giật tay lại.

– Em không đi! Để cô ta ở nhà một mình, cô ta giết chết chúng mất.

Nghĩ cũng phải. Ly vốn có bệnh hành động theo cảm xúc bất chợt mà không suy nghĩ gì cả. Đau đầu thật. Chưa kịp nghĩ ra là phải làm gì thì tôi nghe Ly hét lên trong nhà. Vội chạy vào. Nguyên đang quỳ xuống bên cạnh Lucky, Ly thì đứng xa xa vì sợ. Tôi hỏi Nguyên có chuyện gì xảy ra khi nhìn thấy Lucky co giật mạnh, sùi bọt mép. Nguyên vừa lấy khăn quấn Lucky lại vừa hốt hoảng cầu cứu.

– Lucky bị ca-rê rồi. Anh đưa em tới viện thú y được không?

Ly vốn sợ chó mèo, lại thêm cảnh này nữa khiến cô ấy sợ. Ly khoác áo ngoài rồi đi về. Tôi vào phòng lấy ví, chở Vi qua bệnh viện thú y khám cho Lucky. Nguyên lo lắm. Lúc nhập viện, tình trạng của Lucky rất tệ. Bác sĩ nói Lucky bị ca-rê, đã lên đến não, có lẽ sẽ không còn cơ hội sống nào. Thông thường, có một vài bác sĩ khi biết chó mèo bị ca-rê thường khuyên tiêm nhân đạo. Nhưng Nguyên không đồng ý. Tôi hiểu Nguyên. Chỉ biết đứng cạnh nhỏ, mong nhỏ vững tâm được phần nào. Nguyên nói với tôi, là sẽ chiến đấu tới cùng, dẫu chỉ còn một tia hy vọng mỏng manh. Đêm hôm đó, tôi và Nguyên dường như thức trắng.

Trong những ngày đầu, Lucky được bác sĩ tiêm thuốc ngủ để an thần, giúp em bớt co giật. Lucky không ăn uống gì, chỉ được truyền nước và nằm ngủ suốt ngày. Những lúc hiếm hoi mở mắt thì bé nhìn bâng quơ. Sáng tôi đi làm, trưa qua viện ăn cơm cùng Nguyên. Nguyên buồn, nhưng vẫn líu lo kể cho tôi nghe những con cún ở trong viện, chúng đáng yêu như thế nào, cũng quấn người và tình cảm ra sao. Tôi vừa ăn vừa cười. Chỉ mong Lucky đừng có chuyện gì. Nếu không Nguyên sẽ buồn chết mất. Lucky cứ chiến đấu với bệnh tật từng giây từng phút. Có những ngày có tín hiệu vui, có những ngày Lucky có những dấu hiệu khiến tôi và Nguyên lo đến đau tim. Tôi nhìn bộ dạng của Nguyên bơ phờ, chọc nhỏ:

– Khi nào đón Lucky về, em nên xịt nhiều nước hoa vào. Mấy ngày không tắm người hôi như cú.

– Thiệt không? Anh nói vậy em đi tắm nước lạnh luôn giờ đó.

– Ừ, ngoài vườn hoa của viện có vòi nước. Em ra bật nước tắm đi. Đêm thế này không ai nhìn đâu.

Nguyên đấm tôi một hồi. Tôi cười nhìn Nguyên. Hồi lâu Nguyên bảo tôi:

– Anh có nụ cười đẹp thật!

Tôi im lặng, chẳng hiểu sao mặt nóng ran. Có lẽ đang đỏ bừng lên rồi. Tự nhiên đang đùa vui mà Nguyên nói gì thế không biết. (“. _. ) Ngồi im mãi, tôi đành trả lời.

– Ừ! Nguyên… cũng vậy!

Nguyên ngây người nhìn tôi. Tôi ngó sang Nguyên rồi nhìn đi chỗ khác. Không có đủ sức mạnh nhìn thẳng vào đôi mắt lấp lánh ánh đèn. Có ma lực gì khiến tôi sợ hãi. Tôi sợ tôi sẽ đi lạc trong đôi mắt ấy mà không tìm thấy lối ra. Tôi và Nguyên lại im lặng. Gió từ đâu lại thổi tới. Dịu mát. Xua đi tầng tầng lớp lớp những suy nghĩ rối tung trong tôi. Chỉ lặng im thôi. Tôi còn biết làm điều gì khác nữa?

Những lời khuyên nhủ của bác sĩ thú y về tình hình không thể cứu vãn được của Lucky khiến Nguyên suy sụp. Hằng ngày nhìn vào đôi mắt yếu ớt của em, tôi cũng buồn theo. Nhưng biết làm sao được khi số phận đã sắp đặt vậy… Rồi cuối cùng, không biết phép mầu nào – hay là Lucky đã cảm nhận được tình yêu thương mọi người dành cho em – mà em đã chiến đấu rất ngoan cường và vượt qua bệnh tật. Di chứng mà căn bệnh ca-rê để lại cho con là hai mắt em bị mù, hoàn toàn ko còn nhìn thấy nữa. Nhưng em có thể ăn uống và vui đùa trở lại.

Tôi đứng cửa phòng bệnh, lặng thinh ngắm Nguyên ôm Lucky vào lòng nói chuyện. Câu chuyện của Lucky một lần nữa khiến tôi thêm vững tin rằng ĐỪNG BAO GIỜ BỎ CUỘC, hãy chiến đấu tới cùng rồi những điều tốt đẹp sẽ đến. Lặng lẽ đi thanh toán tiền viện phí rồi quay lại chờ Nguyên về. Nguyên vuốt ve hết những con chó chung phòng với Lucky rồi vui vẻ chạy theo tôi. Thi thoảng thấy Nguyên như con nít. Dễ khóc dễ cười. Tôi lái xe thật chậm để gió không tạt tiếng Nguyên đi. Tôi cố lắng nghe hết những gì Nguyên thủ thỉ với Lucky đằng sau. Vì mắt em không còn nhìn thấy, nên Nguyên cứ tả hết cái này đến cái khác trên đường. Người đi qua họ tưởng Nguyên đang nói chuyện với tôi. Chứ đâu biết nhỏ đang nói với con cún, mặc dù không biết nó có hiểu hay không.

Mấy con thú nhỏ ở nhà kêu ầm ỹ khi thấy tôi đưa bạn chúng nó về. Nguyên đặt Lucky trong ổ, vuốt nhẹ đầu trấn an rồi sửa soạn quần áo đi tắm. Cũng khuya rồi. Tôi ngồi ôm mèo Mướp xem Tivi một lát rồi vào phòng.

Đã mấy ngày đi đi lại lại, đêm không ngủ ngon giấc vì Lucky, vậy mà đêm nay trằn trọc mãi vẫn không ngủ được. Lăn qua lăn lại, tôi với đồng hồ xem giờ. 1h đêm! Tôi dậy ra phòng khách. Nguyên làm tôi giật mình thót tim khi nằm gác chân đọc sách ở ngoài phòng khách lúc nửa đêm. Cô nàng thản nhiên như việc này là việc quá quen thuộc rồi. Tôi vờ gắt:

– Đêm rồi không đi ngủ đi còn nằm đó làm gì?

– Em không ngủ được. Sao anh lại dậy giờ này?

– Anh. . cũng thế…

Nói xong tôi gọi mèo Mướp lại, nằm thu lu xuống ghế sô pha ôm Mướp cho ấm. Nguyên cũng thôi đọc sách, nằm vuốt lưng Nusi. Cứ im như vậy một lúc, tôi gọi.

– Nguyên!

– Dạ?

– Kể chuyện gì nghe đi.

– Anh thích nghe chuyện gì?

– Gì cũng được. Kỉ niệm em đã từng trải qua.

Nguyên nằm nghĩ một lúc, rồi nhỏ kể.

– Ngày trước còn ở nhà với bố mẹ, gần nhà em có một bà bán phở. Bà nuôi một bé mèo để bắt chuột. Bé mèo đã đẻ 4 lứa, 3 lứa trước bà đều vứt mèo con đi. Đợt rồi thấy bé mèo có thai, mẹ em hỏi chuyện thì tình cờ biết được nên dặn là đẻ lứa này thì cho mẹ em chứ đừng vứt. Đến lúc bé đẻ, bà bán phở gọi mẹ em ra lấy, lúc đó mấy bé mèo con còn đỏ hỏn, nhỏ xíu. Mẹ em nói với bả như vầy tách mẹ là chết, nên xin cho ở lại bú khoảng 1 tháng cứng cáp rồi sẽ rước về.

Cho bú được khoảng 2 tuần, bà bán phở hối thúc ra lấy mèo con ngay nếu không sẽ bỏ, vì ‘tụi nó bò lổm ngổm dơ nhà dơ cửa’. Bà dứt khoát không chịu. Mẹ em xin vậy cho mang theo mèo mẹ về luôn, cho con nó bú thêm vài ngày ra trả liền.

Đem mèo mẹ về nhà, mấy mẹ con về ôm nhau, dễ thương lắm. Trong thời gian đó, bà bán phở cứ đòi lại mèo mẹ vì “không có mèo, chuột chạy phá đồ đạc hoài”. Vì mấy bé mèo con chưa cứng cáp nên nhà em cứ tìm cách kéo dài thêm được ngày nào hay ngày đó. Mấy bé mèo con được khoảng 1 tháng rưỡi, em cố gắng tìm nhà được hết cho mấy bé. Nhưng kể từ ngày đưa mấy bé mèo con đi, mèo mẹ trở nên bẳn tính, thay đổi rất nhiều. Nó chẳng chịu ăn gì cả, cho gì cũng không ăn. Suốt ngày cứ ngồi nhìn lên trần nhà, méo méo đòi con. Sau khi đàn con đi vài ngày, mèo mẹ bệnh nặng, đưa đi bác sĩ cũng không biết là bị gì. Rồi nó thay đổi hoàn toàn. Bà bán phở thì ngày nào cũng đòi mèo, đến mức chị em đi chợ đi ngang bà ta còn đòi đánh vì “lấy mèo mà không trả” – mặc dù nhà em đã giải thích và năn nỉ hết lời.

Được mấy hôm, vì sợ chị em bị đánh nên em mới bảo mẹ mang bé ra trả cho bả đi, khi nào đẻ nữa thì tính tiếp, chứ biết làm sao. Khi mang bé ra, bả đá bé và xua đuổi, nói:

– Đem về đi, không cần nữa, xin được con mèo con rồi!

Nghĩ thấy kiếp làm con vật thật đáng tội. Con người có bao nhiêu thứ quyền hành trong tay để định đoạt cuộc sống của chúng và chúng tuyệt nhiên không thể hó hé được gì.

Sau sự cố lần đó, em đưa mèo Pi về nhà, và trong em đã chắc mẩm sẽ giữ mèo Pi lại nuôi luôn chứ không tìm nhà như những đứa khác, bởi em sợ nó không vượt qua được cú shock liên tục mất con.

Sau vài ngày đi bác sĩ, sức khỏe mèo Pi khá lên, Pi đã có thể tự ăn lại được, tuy vẫn còn đi đứng không vững và đêm đêm vẫn còn hoảng loạn đi tìm con. Em quan sát thấy nó ngửi và ôm vào lòng tất cả những con mèo con hiện có trong nhà em rồi liếm láp trong một nỗi sợ hãi thể hiện rõ qua đôi mắt.

Mèo Pi không chơi với con chó mèo nào trong nhà. Nó sống ẩn dật, lẩn khuất, và có chút gì đó của một góa phụ lặng lẽ.

Cho tới một, sáng trước khi đi làm em thấy mèo Pi tự nhảy được lên bàn để ăn cơm, em nghĩ chắc thuốc bổ đã thấm và giờ đây cơ thể mèo Pi bắt đầu đòi ăn. Hôm đó đi làm em vui lắm.

Tối đó khi về, chị em báo mèo Pi đã mất tích, tìm khắp nhà không thấy nó đâu. Nhà em là căn hộ chung cư nhỏ ở tầng 5, cửa chính đóng suốt ngày ngoại trừ những lúc có người ra vô, các cửa sổ đều được rào lưới mắt cáo để đảm bảo bọn giặc mèo không rượt đuổi nhau mà rớt xuống 5 tầng lầu. Em lấy làm lạ và khá bực vì không hiểu sao mọi người trong nhà đều cẩn thận đến thế mà cuối cùng nó có thể mất tích một cách bí ẩn. Và em đã chuẩn bị tinh thần là vài hôm nữa có thể trong nhà sẽ nghe mùi xác mèo chết vì nó rúc vào góc nào đó mà nằm chết.

Gia đình em cũng đề phòng chuyện nó không thích ồn ào và cố chui ra khe cửa sổ nằm sưởi nắng và rồi ngủ quên nên rớt xuống đất. Tuy nhiên hỏi khắp nơi dưới chung cư cũng không ai thấy. Em thì nghĩ có nhiều khả năng ai đó ra khỏi nhà và đóng cửa không kín, nó đã đi theo ra ngoài, rồi đi lạc vào một nhà nào đó mà không biết. Nhưng gõ cửa từng nhà để tìm cũng chẳng thấy bóng dáng nó đâu.

Facebook Google Plus Twitter
Cùng chuyên mục
Mặt Trăng và Mặt Trời
Khoảnh khắc tuyệt vời
Em Muốn Ngủ Với Anh
Các loại sâu
Cạnh tranh hiệu quả