Tác giả: EduNguyen
Tình trạng: Hoàn thành.
Post bởi: HaySo1.Vn
**********************
Một câu chuyện được viết dựa vào những kỉ niệm có thật của một cô gái tên Nguyên. Thực tế, thú vị, sâu lắng. Những câu chuyện về những sinh linh bé nhỏ mà Nguyên mang lại khiến cho bất cứ trái tim nào khi đọc cũng lặng đi trước bức tranh có nhiều gam màu tối đến thế!
“Tháng Tám năm nay, không còn phẳng lặng…
Có những câu chuyện nhẹ nhàng như gió, nhưng cũng đủ khiến lá vương lại trong trái tim tôi…”
***
Chap 1:
Tôi gặp Nguyên lần đầu tiên vào một ngày giữa tháng Tám. Nguyên là người khá đúng giờ. Cô ấy đứng trước cửa nhà tôi và bấm chuông vào lúc 5h chiều như đã hẹn. Ngay từ đầu tôi đã nghĩ Nguyên hợp với mấy công việc cần giờ giấc chính xác như đánh trồng trường hay gõ kẻng rác chẳng hạn. Chắc hẳn trường học sẽ đi vào kỉ luật hay khu phố sẽ chẳng bao giờ có rác vứt tơi tả ngoài đường vì nó luôn được thu gom đúng lúc.
– Chào anh!
– Ừ chào!
– Em đến để…
– Tôi biết. Mời vào!
Tôi sống một mình trong một căn hộ chung cư ở đường Tôn Đức Thắng. Nhà khá rộng và nhiều đồ đạc nên mẹ bảo tôi thuê một người giúp việc đến lau dọn, nấu cơm hằng ngày. Có lúc bí quá mẹ bảo hay là lấy vợ sớm? Nhưng lấy vợ về làm ô sin thì quả thật không phải một ý kiến hay ho.
– Anh Nhật ơi!
– Hử?
– Phòng em ở đâu?
Nhìn Nguyên lỉnh kỉnh đồ đạc trên tay, tôi hơi bất ngờ một chút.
– Hình như tôi không nói trong tin tuyển dụng là nuôi ăn ở người giúp việc?
– Ơ anh bảo nấu bữa sáng, trưa, tối, giặt đồ, lau nhà, quét dọn, đổ rác… Thế cứ làm xong em lại đi về á? Đến giờ đổ rác, nấu cơm em lại phải tha xác đến á?
– Ờ thì… Đằng kia!
Chỉ vào căn phòng nhỏ nhất phía trong cùng, tôi trừng mắt nhìn Nguyên bê đồ vào phòng. Lúc đăng tin lên Timviecnhanh tôi cũng ghi đặc điểm nhân viên giúp việc một cách hơi bông đùa: Cao không dưới 1mm50 không quá 1m60; Giới tính nữ; Học Đại học; ngoại hình xinh xắn; Không nói ngọng, không nói tục chửi bậy. Chẳng biết Nguyên có đáp ứng được một nửa yêu cầu không. Ngó qua đã thấy chiều cao của Nguyên hơi quá khổ cho phép, trên 1m60, ngoại hình bình thường, được cái cười tươi, nói tục chửi bậy hay không chưa biết. À, mới nghĩ thôi đã thấy nàng ta buột miệng hẹt “Oắt zơ phắc” trong phòng rồi. @@
Lật qua hồ sơ xem thử: Trần Thiên Nguyên, sinh ngày 29/11/1991. Đang học Thạc sĩ Biến đổi khí hậu tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Hồ sơ cũng khá sáng sủa. Nhìn cô gái này cũng không có vẻ gì khó khăn rách rưới đến mức phải đi giúp việc kiếm tiền. Còn học Thạc sĩ cơ mà. Chả hiểu!:-|. Thôi kệ vậy. Ít ra cũng hơn là tuyển một người giúp việc nam. Sợ hắn vào nhà rồi nổi lòng tham, chém chủ nhà một nhát rồi quét sạch tài sản tẩu thoát thì xong một đời. Hoặc là vớ phải một lão gay, nửa đêm đang ngủ ngon hắn mò sang hiếp thì… nổi da gà khi nghĩ đến quá. Nhưng xã hội đảo điên này thì vụ trọng án nào cũng có thể xảy ra.
– Anh Nhật?
– Hả? Nói bé bé chút. Giật mình!
– Em xin lỗi! Nhưng nồi niêu đâu hết rồi anh?
– Ờ… Đây!
Móc ra cho Nguyên một cái nồi con mình hay dùng để nấu mì tôm.
– Có mỗi cái này á?
– Thế còn cần gì nữa?
– Chảo? Nồi cơm điện? Nồi áp suất? Nồi nấu canh? …
– Ờ, nồi cơm điện ở dưới tủ kia. Chảo thì ở dưới này.
Lôi ra một cái chảo cháy đen sì và cái lõi nồi cơm điện cơm mốc xanh mốc đỏ từ bao giờ. Hơi ngượng một tẹo nhưng kệ. Mấy việc này đâu phải của đàn ông.
– Anh siêu nhân thế? Cả tháng vừa rồi anh ăn mì tôm à?
– Thỉnh thoảng ăn ngoài. Trưa thì ăn ở cơ quan
– Anh đưa tiền đây cho em
– Chưa làm đã đòi lương?
– Không, đưa tiền em đi mua nồi. Em không thể rán thức ăn bằng cái chảo cháy này và nấu canh bằng cái nồi bé bằng bàn tay được.
– Bao nhiêu?
– Tùy anh. Đưa ít thì mua đồ rẻ.
Nghĩ đến những bữa cơm ngon, tôi đưa cho Nguyên 3 triệu. Nguyên lẳng lặng cầm tiền rồi đi ra cửa.
– Này cái con người kia!
Nghe tôi gọi giật giọng, Nguyên suýt ngã vì đang trong trạng thái một chân đứng thẳng một chân co lên đeo giầy.
– Gì anh?
– Đi nhanh rồi nhớ quay về!
Đứng ở bếp mà tôi vẫn có thể nghe rõ ràng Nguyên vừa đeo giầy vừa lẩm bẩm: “Cái lão này điên điên kiểu gì ý”. À được, chưa bước vào nhà mà đã chửi chủ. Vừa quẳng đống nồi niêu vô dụng vào góc bếp, vừa bê mấy cái vali đồ của ô sin vào phòng rồi vứt đấy. Lát về tự mà dọn. Xong xuôi đâu đó, tôi ra phòng khách xem TV cho đến lúc có cơm ăn.
…
Cuộc sống có thêm người giúp việc cũng tốt hơn đôi chút. Sáng trưa tối đều đặn, cơm ăn ba bữa quần áo mặc cả ngày. Nguyên khá sạch sẽ và cẩn thận nên nhà cửa lúc nào cũng gọn gàng, chẳng có điều gì để phàn nàn. Tôi đi làm cả ngày. Nguyên học hầu hết vào buổi chiều nhưng luôn về trước tôi và kịp lo bữa tối. Ăn xong cô ấy dọn dẹp nhà cửa một lúc rồi chui tọt vào phòng ngủ, không hề ló mặt ra lần nào. Tôi không bị làm phiền gì nhưng cảm giác hơi khó chịu. Thôi, ít ra cũng nên hài lòng với việc thuê ô sin mà cuộc sống riêng tư vẫn được đảm bảo.
…
Sẽ không có gì thay đổi đến mức quá đáng nếu như vào một ngày đẹp trời Nguyên không mang về nhà tôi một …con chó. @@ Chó sạch sẽ đẹp đẽ thì không sao. Đằng này… Nó màu đen sì, lông rụng tơi tả, trên lưng còn lộ ra một mảng thịt đỏ hỏn, cổ, tai và mặt đều xước xát. Vừa mở cửa tôi đã tưởng nhầm nhà.
– Cái quái quỷ gì đấy Nguyên?
– Dạ… Chó!
– Tôi có mù động vật đâu mà không biết nó là chó?
– Thế anh còn hỏi làm gì?
– Nó ở đâu ra? Cô đẻ ra nó à?
Nguyên nhíu mày, im lặng nhìn tôi một lúc rồi bế con chó ra phía ban công. Trong lòng vốn bực bội mấy việc ở công ty, lại thêm thái độ không tôn trọng của người giúp việc khiến máu trong người tôi như xối ngược từ chân lên đỉnh đầu.
– Không phải cô định mang chó ghẻ về nhà tôi nuôi chứ?
– Anh bình tĩnh em xem nào. Anh làm nó sợ đấy?
– Nó làm tôi sợ thì có!
– Anh dị ứng với lông động vật à?
– Ừ!!!!
– Anh đừng hét lên như thế được không? Bảo vệ chạy lên bây giờ
– Thế thì cô mang nó ra khỏi nhà giúp!
– Vài ngày thôi. Nó đang bệnh nặng, anh có thể nhìn thấy mà…
– Để nó ở đây thì tôi bệnh!
Nguyên chẳng thèm để ý đến tôi nữa, đặt con cún vào trong cái hộp bìa các tông ở ngoài ban công, xoa xoa đầu nó mấy cái rồi đi vào rửa tay sửa soạn bữa tối. Tôi cũng chẳng hiểu nổi Nguyên đang làm gì. Thản nhiên như con điên. Nhìn thái độ mà phát bực.
– Anh đi tắm đi. Em bật nóng lạnh rồi
– Không phải nhắc!
Cầm bộ quần áo Nguyên đưa cho, làm ra vẻ rũ rũ mạnh vì sợ dính lông chó rồi đi vào nhà tắm. Thực ra nuôi thêm chó cũng không sao. Nhưng tôi thích dạng chó Nhật hoặc chó phốc, dễ vệ sinh dễ nuôi. Đằng này Nguyên lôi về một con chó ghẻ. Đã thế lại không xin phép trước. Cảm giác bị coi thường không thể tả được.
Vừa ăn cơm Nguyên vừa gắp thức ăn vào bát cho tôi theo kiểu hối lộ. Bình thường đứa nào ăn đứa đấy tự gắp tự lo. Nay lại giở chứng.
– Thôi nói gì đi!
– Nói gì ạ?
– Không thì gắp thức ăn cho tôi làm gì?
– Cho anh ăn!
– Tôi không ăn!
– Anh không ăn để em đổ đi.
Kì quặc. Chưa thấy thể loại giúp việc nào cãi chủ nhà nhem nhẻm thế này.
– Nguyên ơi!
– Dạ?
– Cô có biết loại văn bản có tên ‘‘Đơn xin nghỉ việc’’ không?
Không bõ công dọa dẫm. Nguyên trừng mắt nhìn tôi. Tôi trừng mắt nhìn lại. Những việc làm vô tổ chức vô kỷ luật hôm nay đủ lí do để đuổi việc lắm rồi. Tôi lườm Nguyên vài giây rồi gắp thức ăn ăn tiếp, mặc kệ ô sin ngồi bần thần chống đũa hồi lâu. Lúc sau thấy Nguyên cứ ngồi mãi mà không ăn nên đành hạ giọng.
– Thôi ăn nốt bát cơm đi. Nói đùa đấy!
– Đùa thật hả anh?
– Ờ!
– Anh không đuổi việc em à?
– Không, nhưng cứ thế này thì trừ nửa tháng lương.
– Thế này là thế nào?
– Đem chó ghẻ về nhà và nhằng nhằng cãi chủ.
– Dạ!
– Ăn thêm bát nữa đi. Đưa bát đây!
Tôi với tay giằng mạnh bát cơm đã nguội ngắt của Nguyên đổ vào nồi rồi đơm cho cô ấy phần cơm nóng hơn. Quay ra đã thấy mắt Nguyên ướt ướt. Trên thế giới này có đến 80% đàn ông rụng rời chân tay khi nhìn con gái khóc. Tôi cũng đâu ngoại lệ. Đặt nhẹ bát cơm trước mặt Nguyên rồi chọc chọc vào tay nhỏ.
– Này này, định ăn vạ hả cái con người kia?
– Dạ không!
– Thế làm cái trò gì thế. Ăn cơm nhanh không lỡ thời sự của tôi giờ.
– Anh cho em gửi nhờ con chó mấy ngày thôi. Tìm được chủ cho nó em sẽ trả lại tự do cho anh.
– Ờ…
Nói đại đi cho Nguyên ăn cơm. Giờ mà ngồi khóc lóc năn nỉ ỉ ôi thì chắc đến đêm mất.
– Nhưng nó từ đâu ra đấy?
– Em đi chợ thấy nó đang bị người ta trói cột rồi dùng gậy đánh. Không hả, người ta còn dội nước sôi vào lưng nó nữa.
– Thế là cô mang nó về nhà?
– Dạ!
– Người ta cũng để cho cô mang về?
– Em trả người ta hai triệu…
– Hả?
– Tiền ăn ạ. Nên là mai anh phải đưa thêm tiền ăn cho em…
– Cái gì thế này? Một ngày có biết bao con chó bị đập toét đầu rồi đem thịt. Con nào cũng cứu kiểu này thì mỗi ngày cô phải tiêu tốn đến tỉ đô la.
– Nếu có thể em sẽ làm vậy…
Tôi nhanh chóng kết thúc bữa cơm rồi ra phòng khách xem TV. Chẳng phải tôi tiếc tiền. Thích thì tôi có thể giả vờ dọa trừ lương để Nguyên đỡ áy náy. Khá ấn tượng với hành động của Nguyên nhưng lại không đồng tình 100% với suy nghĩ thiếu thực tế như thế. Bản tin thời sự hôm nay được tiếp thu lẫn lộn và rơi vãi thông tin vì thỉnh thoảng tôi lại ngó ra xem Nguyên đang làm gì. Cô ấy mang cơm thừa ra chăn con chó mới mang về, ngồi mãi ở ban công chơi với nó không chịu vào rửa bát. Dễ phải đến hơn nửa tiếng vì xong Chap trình thời sự vẫn chưa thấy Nguyên vào. Tôi đứng dậy dọn bát đũa, cố tình gây tiếng động leng keng để Nguyên chú ý mà đứng dậy dọn dẹp. Nhưng leng keng leng keng mãi mà nhỏ này vẫn ngồi im. Bê đống bát ra chậu rửa, tôi bật nước rửa tay rồi chạy ra phía ban công. In rõ trong mắt tôi là hình ảnh Nguyên ngồi ôm gối, đầu dựa nhẹ vào cửa, ngủ ngon lành. Trên hai bàn chân đang chụm lại của Nguyên là con chó nhỏ gối đầu lên đó, cũng ngủ. Hình ảnh bình yên như trong cổ tích.
Tự nhiên tôi chẳng biết làm gì. Đánh thức giấc ngủ của cả hai hay cứ để bức tranh yên bình thế này. Lúng túng mãi, đành đi vào bếp rửa bát. Công việc này nghìn năm có một. Ngày trước hiếm lắm tôi mới mò vào bếp đun nồi nước pha mì tôm, ăn xong thì quẳng đấy để cuối tuần mẹ sang dọn dẹp. Vừa nhắc đến mẹ đã có điện thoại.
– Con đây mẹ!
– Ổn không Nhật?
– Ổn mẹ ạ!
– Người làm có trách nhiệm và giờ giấc không?
– Có mẹ ạ!
– Có cần mẹ sang dạy thêm không?
– Không mẹ ạ!
– Ừ thế thôi con ngủ sớm đi.
Mẹ cụp máy. Hơi hốt. Mẹ sang đây rồi nhìn thấy con chó của Nguyên chắc mẹ sẵn sàng túm gáy nó lẳng ra khỏi cửa mất. Nhà tôi ai cũng sợ chó mèo.
Nguyên ngồi ngủ ngoài ban công gần một tiếng. Kiểu ngủ gục đến mê mệt này chỉ có những người làm việc quá sức và thiếu ngủ mới ra nông nỗi thế. Mở cửa phòng Nguyên. Căn phòng ngập tràn tranh ảnh cún con với mèo con. Tôi như lạc vào thế giới động vật. Ngay cả bàn phím máy tính cũng dán đầy sticky hình mèo kitty, gối thêu hình chó con, chăn in hình mèo Mon. Nhòm qua giá sách, sách vở Nguyên hầu hết xoay quanh đến Môi trường, Khí hậu, Khí tượng thủy văn, Địa lý, Động vật… Mới chỉ tia được mấy ngăn, định mở xem cả ngăn kéo thì tiếng Nguyên làm tôi giật nảy người, đầu cộc vào cạnh bàn.
– Anh Nhật!
– Ừ! – Tôi vừa xoa đầu vừa trả lời
– Anh làm gì vậy ạ?
– Tìm áo khoác cho cô.
– Áo khoác em cất trong tủ quần áo cơ.
– Ai biết? Tỉnh rồi thì vào giường ngủ đi.
– Dạ!
Nguyên bước qua người tôi rồi trèo lên giường. Đi ra đến cửa tôi vẫn cố ngoái lại chọc Nguyên.
– Trừ lương vì để chủ phải rửa bát.
– Anh cứ chịu khó bắt lỗi em nhiều thế thì cuối tháng không khéo em âm lương.
Ừ, cứ làm việc kiểu này ở chỗ khác xem. Bị đuổi luôn chứ làm gì có chuyện còn được cho ăn ngủ thế này nữa đâu. Vươn vai đi về phòng. Con chó ngoài ban công thấy tôi liền ắng lên mấy cái. Quay lại nhìn, mặt con chó như đang cười. Tính cảm ơn tao vì cho mày ở nhờ đấy hả chó? Cứ ắng đi. Cho ở mấy ngày thôi. Đừng có mừng vội.
Vào phòng bật máy tính xem lại tin tức trong ngày, check mail, facebook. Ngồi một lúc không muốn làm việc, tôi thử đánh tên Nguyên tìm face cô ấy. Tên Trần Thiên Nguyên hiện lên đầu tiên trong danh sách tìm kiếm. Tên cũng khá hiếm. Nguyên để avatar đơn giản, chỉ là hình ảnh khuôn mặt cô ấy lúc cười. Trông khá hiền và dễ thương. Mặt Nguyên khá tròn nên hai má hơi phúng phính. Mò xuống dưới nữa một chút, facebook của Nguyên không khác gì cái phòng ngủ của nhỏ. Ngập tràn hình chó mèo. Nhưng khác ở chỗ không phải ảnh chụp chó mèo theo kiểu nghệ thuật bằng một cái máy ảnh đắt tiền, hầu hết Nguyên đăng hình chó mèo lạc tìm chủ. Ảnh của con chó đen bỏng lưng Nguyên mang về hồi chiều mới được post cách đây 3 tiếng…
‘‘Con là Nô-Đen, con được nữ tướng cướp Khối Lập Phương giải cứu đúng lúc người ta định đem con đi thịt! Con là con gái nên mắt như mắt nai, sống mũi đánh highlight đàng hoàng, chân dài như chân tuần lộc, đầu thon, dáng đẹp, lông tuyền như nhung. Con có đôi mắt ướt rượt, buồn buồn nhưng rất ngoan và thông minh. Thương tâm nhất là vết sẹo ngoằn ngoèo quanh cổ và một bên vai của con từ vết trói do người chủ cũ bị tâm thần trói siết con quá lâu. Con có thói dịu dàng của con gái, biết dụi đầu dựa miết vào má Miêu nếu con thấy mệt và sợ. Má Miêu không nuôi con được, mà nhìn vào mắt con là xót hết cả ruột. Con tưởng đã được đón về nhà mới hôm nay khi thấy em cún Lộc Xuân có ba mới đón về. Sáng nay bác sĩ đã cắt chỉ vết thương cho con, da đã lành, con sẽ liền sẹo, mọc lông và hứa hẹn có dáng tuyệt đẹp, chưa kể cực kì tình cảm. Khi giải cứu con, con đã bị tách khỏi người anh em cùng bầy là Nô Đốm, những ngày trong bệnh viện For Pet, con được sống kế chuồng bạn Lộc Xuân. Nay lại một lần nữa, con chỉ còn có một mình, chờ được về nhà với anh/chị/ba/má nào thật sự thương con và đón con về nhà mới, gọi cho Khối Lập Phương số 0909******. Các cô chú share cho con thêm cơ hội nha! Con cảm ơn các cô chú…”
Chẳng hiểu sao khi đọc những dòng này, miệng tôi bật cười ở những đoạn Nguyên miêu tả một con chó ghẻ đẹp như Nữ hoàng, còn mắt tôi thì nặng nước. Nguyên khiến máu trong tim tôi như đông lại. Chú chó Nô Đen chính xác là chú chó Nguyên mới mang về chiều này. Đúng là nó có đôi mắt ướt rượt và buồn như mùa đông đầy tuyết. Tôi gần như điên cuồng nhấn nút kết bạn rồi nhảy vào bình luận ảnh của Nô Đen. Chỉ vẻn vẹn vài từ thôi.
“Để tôi nuôi, tôi tên Nhật, địa chỉ và số điện thoại tôi sẽ inbox cho bạn. Mong hồi âm sớm nhất”
Tắt máy và sắp xếp giấy tờ trên bàn làm việc. Tôi lên giường ngủ khi chưa đến 10 giờ. Tôi vốn là người dễ xúc động. Những hình ảnh lạ lẫm cứ chạy đi chạy lại trong đầu tôi. Bức tranh yên bình vẽ cô gái ngủ gục ngoài ban công bên cạnh chú cún nhỏ. Ánh đèn long lanh trong đôi mắt ướt rượt của chú chó bị đánh đập và dội nước sôi bỏng lưng, những lời cầu xin một tấm lòng nhân ái cưu mang số mệnh bé nhỏ trên facebook của Nguyên cứ ẩn hiện trong trí nhớ. Giấc mơ của tôi hôm ấy không còn là công việc tiền bạc như mọi ngày. Là một giấc mơ bình yên hơn, ấm áp hơn nhưng cũng không kém nhói lòng. Giấc mơ về một cô gái giúp việc có đôi má phúng phính, đôi mắt sáng và nụ cười tươi, nằm cuộn tròn trong chiếc chăn màu xanh in hình mèo Mon, thỉnh thoảng cô gái lại đưa tay dụi mắt rồi mỉm cười hiền hiền…
Chap 2:
Tôi đón ngày mới bằng nụ cười toe toét của Nguyên. Mở cửa phòng ra đã thấy cô ấy đứng đó từ bao giờ. Giật bắn cả mình. Nguyên đeo tạp dề và cầm một đôi đũa với một chiếc thìa chào tôi.
– Chúc anh Nhật một ngày vui vẻ!
– Mới sáng ra cô đã ăn nhầm phải sâu róm à?
– Dạ!
Lại còn dạ?
– Thì đi súc miệng cho trôi hết lông đi. Đứng đây làm cái gì?
– Hê hê
Điệu cười khả ố không bắt gặp ở bất cứ đâu được. Đi ra nhà tắm đánh răng. Con Nô Đen sủa lên vài tiếng khi thấy bóng tôi. Đừng có nói mày biết tin tao nhận nuôi mày rồi đó chó. Mày cứ liệu hồn đấy, khỏi bệnh nhanh đi rồi tao sẽ hành hạ mày cho mày biết tay.
Nhà vệ sinh đã được lau chùi bóng loáng và thơm phức mùi nước rửa. Nguyên dậy lau chùi từ nửa đêm à? @@ Không phải cảm ơn theo kiểu quá khích thế này chứ. Vừa đánh răng vừa tròn mắt nhìn ngắm xung quanh. Tôi sắp điên đến nơi rồi. Dán ở phòng chưa đủ, Nguyên còn đem sticky mèo chó đi dán khắp nơi. Bàn chải của tôi cũng có hai cái hình chó con mũi hồng.
– Này cái con người kia!
– Dạ!
– Cô làm gì nhà tôi thế này?
– Em… trang trí!
– Còn không?
– Còn gì ạ?
– Còn mấy thứ này này, cho tôi xin thêm mấy cái.
– Dạ còn!!!! Anh thích hả?
– Ừ mang ra đây, dán lên cả mặt tôi đi.
– Ơ…
Vừa lườm Nguyên vừa ngồi xuống bàn ăn. Nguyên im re ngồi xuống theo. Sáng nay được ăn bánh mì kẹp giò, có sữa tươi uống kèm. Mà Nguyên cũng chịu khó, không biết đi tìm ở đâu được chỗ đặt sữa tươi Ba Vì nên sáng nào tôi cũng được uống thêm cốc sữa. Chẳng bù cho ngày xưa, sáng dậy là vác xác ra ngoài ăn, chẳng biết có đảm bảo vệ sinh không mà đến nửa buổi đã đói mờ mắt.
Thường thường Nguyên rất ít nói. Nếu tôi không gợi chuyện thì cô ấy có thể im lặng từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Lắm lúc cảm giác Nguyên như Robot, chỉ biết làm những công việc nhà theo một lập trình có sẵn. Chỉ vài ngày thôi tôi đã dễ nhận ra đây là một cô gái khá già dặn và cá tính. Thích làm gì là hành động luôn, mặc kệ hậu quả sau đó là gì.
– Ăn đi. Nhìn cái gì?
– Dạ!
– Đừng dùng từ “dạ” nữa được không? Không còn từ nào khác để phản ứng lại à.
– Có!
– Thế thì dùng từ khác đi!
– Kệ mẹ tôi. Tôi thích nhìn vậy đấy!
Tôi phun hết nửa cốc sữa ra bàn sau khi Nguyên vênh mặt nói câu vừa rồi. Nguyên hốt hoảng lấy khăn lau cho tôi. Vừa lau vừa rối rít.
– Em xin lỗi. Tại anh bảo em phản kháng kiểu khác. Nên…
– Bản chất của cô là vậy hả?
– Dạ!
– Đừng có dạ nữa.
– Ờ thì… Bản chất tôi thế. Có vấn đề gì không?
– Không! Ngồi xuống ăn đi. Kệ tôi. Từ sau không cần câu nệ gì nữa. Cô cứ là cô đi.
– Cảm ơn
– Không cần. Nghe cô dạ từ sáng đến tối giả dối thế tôi tổn thọ lắm.
– Sao không nói sớm. Từ hôm tới đến giờ khó chịu thấy mẹ…
Tôi trừng mắt lên nhìn Nguyên, thấy nhỏ đã kịp lấy tay bịt miệng lại.
– Nghe thấy hết rồi!
– Ờ. Nghe thấy kệ anh.
– Bản chất cô trong sáng y như giấy than ý nhỉ?
– Tại tôi hay có nhiều việc cáu bẳn nên hay buột miệng chửi thề…
– Sửa đi!
– Sao anh vừa nói cho tôi bộc lộ bản chất mà.
– Nhưng cô là con gái. Cái gì cần thiết thì phải sửa chứ.
– Ờ. Sẽ sửa.
– Sẽ là bao giờ?
– Mặc xác tôi. Anh ăn nhanh còn đi làm! Đàn ông gì mà lắm lời…
– Này cái con người kia. Từ lần sau nói bé chút!!! Tôi hay bị giật mình!
Tôi với Nguyên cãi nhau ỏm tỏi cho đến hết bữa sáng. Đến khi mở cửa đi làm rồi vẫn còn nghe giọng Nguyên oang oang phía trong.
– Đi làm về thì nhớ về ngay. Ngày nào tôi cũng phải đợi anh chán thấy mồ luôn.
– Cô là mẹ tôi chắc. Là vợ tôi chắc.
– Chẳng phải. Nhưng tôi giống họ ở chỗ đều là phụ nữ. Anh tập về nhà đúng giờ khi có một người phụ nữ đợi cơm đi.
Thật hết biết luôn. Bắt đầu hối hận khi cho ô sin được bộc lộ đúng bản chất rồi đấy. Phóng xe ra đường lớn. Hà Nội vào giờ đi làm luôn tắc cứng trên mọi ngả đường. Mưa!!!
– Này anh kia. Áo mưa tôi để trên giá giầy dép rồi mà không mang đi à?
– Cô hét nổ cả điện thoại rồi đấy! Kệ tôi!
Cụp máy nhét vào túi rồi tập trung lái xe. Mưa tháng Chín… Năm nay mưa đến sớm. Vậy là tôi gặp Nguyên mới gần nửa tháng thôi. Chưa biết gì về Nguyên ngoài mấy rắc rối Nguyên đem đến mấy hôm vừa rồi, ngoài những thông tin mà chỉ cần mở miệng hỏi là người ta dễ dàng nói cho mình biết. Nguyên đến từ đâu, Nguyên đang làm gì, lí do gì khiến Nguyên phải đi làm thêm trong khi với bằng Cử nhân của cô ấy đã có thể có một công việc tốt hơn. Cả buổi sáng ngồi trong phòng nghe tiếng mưa rả rích, tôi không làm được gì hơn ngoài việc mò mẫm những Ghi chú, những status trên Timeline của Nguyên cả năm vừa rồi. Nghĩ ra thì tôi tự thấy tôi rảnh thật. Tự nhiên quan tâm một cô gái đến mức moi móc đủ mọi tài khoản cá nhân trên mạng để tìm hiểu cô ấy được rõ hơn. Rốt cục thì cũng chẳng tìm thêm được gì. Facebook của Nguyên như một trạm cứu hộ chó mèo thu nhỏ, hầu hết bạn bè đều là tình nguyện viên của Yeudongvat. org. Những con chó nhỏ bị đối xử tệ bạc, những con mèo con bị bỏ rơi đều được Nguyên đem về và đăng lên facebook tìm nhà cho chúng. Chẳng biết công việc này có được trả lương không. Nhưng Nguyên vẫn làm từ ngày này sang ngày khác, không có buổi sáng nào là không đăng tin tìm chủ cho chó mèo lạc. Càng đọc càng thấy chó mèo bị ruồng bỏ trên đất nước mình còn đông đúc hơn cả kiến. @@ Mọi người đều gọi Nguyên là ‘‘Nguyên Mèo’’. Còn mình thì tự thắc mắc tại sao không gọi là ‘‘Nguyên…Chó’’!:-|
– Anh Nhật!
– Giật bắn mình! Anh đã nói anh bị bệnh giật mình. Sao em cứ gọi anh giật cục như thế?
– Em xin lỗi. Nhưng anh làm xong cuốn sách sếp giao chưa?
– Chưa! Đi ra ngoài. Chiều khác nộp.
Ly nhăn trán nhìn tôi rồi mở cửa bước ra ngoài. Tôi lục đống bản thảo trên bàn tìm bản thảo mới nhất cần làm rồi căng mắt ra dịch. Khoảng nửa tiếng sau thì điện thoại reo bởi tin nhắn của Ly.
– Tối em đến nhà anh nhé!
– Không! Tối anh đi có việc.
Cố nhắn tin trả lời một cách dứt khoát để tránh việc Ly đến nhà tôi và kéo theo một vài rắc rối không đáng có. Ly là bạn gái cũ của tôi. Nhưng chúng tôi đã chia tay nửa năm nay rồi. Lý do đơn giản là không hợp nhau. Hai bàn tay lệch lạc thì nên buông ra để chúng đi tìm một bàn tay khác vừa vặn, ấm áp hơn. Nói thế nhưng không hiểu sao thời gian gần đây Ly lại quay lại bắt chuyện và làm thân với tôi như những ngày mới yêu. Cô ấy tự tiện mở cửa phòng làm việc của tôi bất cứ lúc nào và pha cà phê cho tôi bất chấp tôi có thích hay không. Tôi vốn dĩ không thích kéo lại một mối quan hệ mà tự mình đã cho nó đi vào ngõ cụt, không kể tới việc tôi và Ly không bao giờ đủ cảm thông để nuôi dưỡng một tình yêu lâu dài.
– Vậy thôi! Để hôm khác anh nhé!
Hôm nào? Không hôm nào hết. Ly cứ đòi đến nhà tôi tôi sẽ ‘‘đi có việc’’ suốt ngày như vừa rồi thôi. Hoa mắt lên vì những bản dịch, tôi lại vứt chúng sang một bên và mò mẫm vào face Nguyên. Hôm nay thứ 7 nên Nguyên nghỉ học và ở nhà cả ngày. Timeline của Nguyên vừa cập nhật status vài phút trước.
“Bé mèo mướp khoảng 6-7 tháng, bé rất tội nghiệp, bị chủ đánh đập thường xuyên. Rồi trong 1 lúc nóng giận chuyện gì đó, chủ đã trút giận lên bé bằng nước sôi, làm bé tuột hết 1/2 bộ lông, rồi còn nhẫn tâm xịt sơn lên chỗ vết thương đó nữa.
Em đã đón bé về, chăm sóc vết thương lành lặn và mọc lông lên rất đẹp. Em cũng vừa mới triệt sản bé xong (bé là con gái). Nay bé đã hoàn toàn khỏe mạnh, ngoan ngoãn, em mong tìm được một người chủ mới cho bé. ”
Không hiểu sao Nguyên ngồi ở nhà mà cứ có mèo lạc suốt vậy. Con mèo này khá lớn và đẹp. Lông sáng và sạch. Đôi mắt hiền như trẻ con. Định xem thêm nữa thì Ly lại nhắn tin giục làm xong cuốn sách. Áp lực công việc khiến đầu tôi lúc nào cũng trong trạng thái sôi sùng sục. Mà hà cớ gì Ly cứ phải thay sếp nhắc nhở tôi làm gì nếu không phải cô ấy kiếm cớ nói chuyện với tôi. Xem lại face Nguyên một lần nữa để tập trung vào công việc thì thấy có người bạn vừa post lên timeline Nguyên một tin ngắn.
“Sáng nay con tôi nói ở ngoài đường có 1 bé chó bị trụi lông, 2 mắt đỏ, chắc là chủ đem ra đó bỏ… Tôi có nói con tôi bắt bé chó đó về để tôi đưa đi bác sỹ, nó chạy đi bắt nhưng không được, nó bảo tôi chạy ra coi, tôi cũng không bắt được, lại gần là bé đó há miệng gừ… Hiện tại bé đang nằm trước nhà ở đường Trần Hưng Đạo (khoảng giữa đường), khu vực này đang làm đường cống. Nghe người gần đó nói bé chắc bị ai bỏ, mấy ngày nay thấy đi lang thang ở đó. Tôi có đi tìm bác sỹ thú y ở gần chỗ bé, nhưng cô ấy đã khóa cửa đi vắng.
Tôi gửi kèm hình của bé đó tôi chụp bằng điện thoại.
Tôi tên Khánh, số đt 0989 ******. ”
Nhìn qua ảnh thấy bé chó này thảm quá. Mắt đỏ lừ và nhiều dỉ mắt, chân và bụng đều trụi lông. Cả người xơ xác như vừa trải qua một trận thảm sát. Không biết Nguyên sẽ làm thế nào với trường hợp này nữa. Tắt trình duyệt rồi quay về với công việc. Ngoài trời vẫn hơi mưa. Tiếng mưa xen lẫn tiếng xe cộ, tiếng máy in trong phòng, lẫn lộn trong tôi những suy nghĩ không đầu không cuối.
…
Chiều tan làm tôi cố gắng về sớm theo lời dặn của Nguyên. Những đoạn đường tắc chật cứng dễ khiến người ta cảm giác bực bội sau một ngày làm việc. Mong là Nguyên đã nấu cơm xong và chỉ đợi tôi về là ăn.
Đập vào mắt tôi khi vừa mở cửa ra là hình ảnh con Nô Đen và một con mèo lạ đang ra sức gặm đôi giầy tôi thích nhất dùng mỗi khi công ty có tiệc. Mỗi con một chiếc. Nô Đen thì cắn còn con mèo lạ thì vừa xé vừa cào. Trong khi mặt tôi thộn ra vì không hiểu chuyện gì thì thấy Nguyên đang đeo găng tay đuổi theo một con chó khác quanh nhà. Tôi mệt đến mức không thể thốt nổi thành lời. Nhìn một lúc tôi nhận ra con mèo lạ chính là con mèo mướp mà Nguyên đăng tin tìm chủ sáng nay, con chó Nguyên đang đuổi là con chó đi lạc ở đường Trần Hưng Đạo.
Tháo giầy đặt lên giá cao nhất rồi lết vào nhà. Nô Đen nhìn thấy tôi về biết sợ lẩn ngay ra ban công. Con mèo vẫn tiếp tục công việc cần mẫn của nó, thậm chí giờ còn lân la cào xé chiếc giầy Nô Đen bỏ lại. Tôi thẫn thờ đứng nhìn Nguyên một lúc cô ấy mới nhận ra chủ nhà đã về. Nguyên tóm con chó trong tay rồi nhìn tôi hốt hoảng. Thật sự lúc ấy tôi chỉ muốn quẳng Nguyên ra khỏi cửa rồi dọn sạch những gì nhỏ vừa bầy ra nhà tôi thôi. Nhưng nhìn khuôn mặt mướt mồ hôi và ánh mắt nửa sợ hãi nửa cầu xin của nhỏ là tôi cố giữ bình tĩnh.
– Anh về rồi à?
– Về sớm quá hả?
– Dạ!
– Cô đang làm cái gì đây?
– Em xin lỗi. Em sẽ dọn ngay bây giờ. Anh đi tắm đi rồi ra ăn cơm.
Ngó qua bếp thấy vẫn lạnh tanh. Bữa tối chưa nấu một chút nào. Tự vào phòng lấy quần áo rồi đi vào nhà tắm. Tôi suýt khóc thét vì trong nhà tắm có mùi hôi khủng khiếp, lông chó lả tả khắp nơi, chỗ thoát nước còn có chất nhờn đỏ đỏ vàng vàng. Nghe tôi gọi ầm lên, Nguyên vội chạy vào cầm chổi cọ qua nền nhà tắm và luôn miệng giải thích những gì đang diễn ra.
– Em vừa tắm cho con Lem xong thì anh về nên anh chưa kịp dọn.
– Cảm ơn! May cho tôi là không nhìn thấy nó lúc nó chưa tắm. Như này là đủ biết lúc mới mang về nó khủng khiếp thế nào rồi.
– Em xin lỗi. Anh tắm đi!
– Cô đi ra ngoài thì tôi mới tắm được chứ? Tính tắm cho tôi luôn à?
Nguyên nhe răng cười rồi chạy tót ra ngoài. Tôi bấm chốt cửa rồi mở nước. Đứng dưới vòi sen tẩy trôi đi hết những mệt mỏi bực dọc trong người. Nhìn mấy cái sticky mèo Kitty Nguyên dán trên bàn chải tôi bỗng dưng bật cười. Cô gái giúp việc này khó hiểu thật. Nhưng cứ thế này thì đến phải đuổi việc mất. Không thì không biết mai cô ta còn tha cái gì về nhà nữa. Nhà tôi đâu phải chuồng thú hay trạm cứu hộ động vật đâu. Hôm nào về cũng phải chứng kiến cảnh chó mèo rụng lông ghẻ lở hắc lào nằm thoài loài ở cửa hăng hái gặm giầy dép đồ đạc thì chẳng mấy chết vì cáu tiết.
Người giúp việc sửa soạn kịp bữa cơm tối trong thời gian tôi tắm. Xem ra hôm nay vì hai vị khách mới mà tôi phải ăn bữa com tối đạm bạc và tệ hơn mọi ngày. Canh xương chưa được ninh nhừ, bắp cải xào có vẻ nhũn và đậu rán hơi cháy. Cũng không phải người khó tính và cầu toàn lắm nên tôi cũng cố gắng ăn hết những gì Nguyên nấu. Trong lòng hơi buồn cười vì điệu bộ của Nguyên. Vừa ăn vừa nhìn lén tôi, lúc tôi nhìn lại thì giật mình nhìn đi chỗ khác, thi thoảng định nói gì rồi lại thôi.
– Sao thế? Mặt tôi dính lông chó hay sao?
– Dạ không!
– Nói thẳng đi. Ở cùng bao lâu nay mà chưa hiểu tính tôi à.
– Em xin lỗi. Em sẽ đền giầy cho anh…
Nhắc đến đôi giầy mới nhớ ra. Ngó ra phía cửa thì thấy bé mèo Mướp đã gối đầu lên nó ngủ ngon lành. Thương xót thay cho số phận đôi giầy mà tôi thích nhất, lúc vứt bỏ nó còn không được giữ hình dạng ban đầu. Con chó gặm giỏi thật, nhai bẹt hết cả mũi.
– Ờ… Tháng này âm lương rồi. Đền bằng tiền lương tháng sau nhé
– Dạ…
– Còn mấy con vật này tính sao đây?
– Khi nào có người nhận nuôi em sẽ mang cho người ta ngay.
– Tiền thức ăn cho chúng nó cũng tính vào lương cô luôn hả?
– Dạ…
– Dạ mãi thế?
– Ừ thì chả tính vào lương tôi thì sao? Anh có lòng tốt nuôi chúng nó thì đã không hỏi tôi.
– Tiền tôi kiếm được mỗi tháng trả lương cho cô mất một nửa rồi, giờ lại nuôi chó mèo nữa thì một tháng tôi uống nước cầm hơi chắc.
– Mỗi bữa chúng nó ăn có miếng cơm. Sao anh ganh tỵ tính toán với cả chó mèo thế?
– Tôi đâu có mang nó về?
– Thì tôi mang về. Tôi sẽ chịu trách nhiệm.
– Thì đó. Tôi mới phải nhắc nhở cô mới là người chịu trách nhiệm về chúng nó.
– Anh điên à? Tôi có khiến anh nuôi đâu? Anh nghĩ lại xem? Não có vấn đề à?
– Cô…
– Cô cái bô. Ăn nốt đi cho tôi còn dọn. Cả ngày chạy tới chạy lui mệt bỏ bà luôn rồi.
Phát điên mất. Cứ châm ngòi một chút thôi là thế nào cũng nổ. Nguyên như quả bom trong nhà tôi vậy. Từ lúc cho Nguyên thoải mái trong cách cư xử là chúng tôi có thể cãi nhau ầm nhà bất cứ lúc nào, bất cứ vấn đề nào. Mỗi lần như thế là mấy con vật trong nhà cứ ngồi nghiêm trang, vểnh tai, mắt nhìn chúng tôi cãi cọ, thậm chí thỉnh thoảng Nô Đen còn sủa “ắng” một tiếng phụ họa sau mỗi câu nói của Nguyên y như kiểu tán thưởng đồng tình. Còn con mèo mướp thì kêu “méo” một tiếng sau mỗi câu phản pháo của tôi như khán giả cổ vũ đấm bốc. Con chó mới (vừa nãy Nguyên nói nó tên Lem thì phải) có lẽ do đang bệnh nên mệt, chỉ nằm bẹp ngoài ban công hếch mõm vào nhà hóng hớt chứ không có sức sủa. Mà còn chưa tính sổ Nguyên đem cái áo đồng phục bóng đá cũ của tôi ra mặc cho con chó. Trông nó không khác nào cầu thủ bóng đá vừa vào trại cải tạo do nghiện thuốc phiện quá lâu.
Bản tin thời sự hôm nay lại bị rơi rớt thông tin vì tôi mải ngó xem Nguyên đang làm gì ở bếp. Thực tình nếu như người bình thường đã đuổi Nguyên đi ngay với những rắc rối Nguyên đem đến cho nhà người ta, nhưng tôi thì vẫn trong phạm vi chấp nhận được, một phần do tôi không phải người quá khó tính, nghĩ đến cảnh Nguyên vác đồ đạc ôm mấy con chó con mèo đang bệnh lang thang ngoài đường là tôi lại không nỡ, một phần là do tôi tò mò với cuộc sống của cô gái này. Nó chắc chắn không giống với nhiều cô gái tôi đã từng gặp, chắc chắn cũng không giống tôi. Khi tôi và mọi người đâm đầu vào vòng xoáy danh vọng, địa vị, cơm, áo, gạo, tiền… Thì với Nguyên, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa nhìn thấy những thứ ham muốn đó. Nguyên mang đến cho tôi những điều bất ngờ đến chóng mặt, những rắc rối đôi khi gần như tắc thở vì tức giận, những cảm xúc thăng giáng như đang chơi một bản nhạc khó… Tôi không biết phải gọi những thứ đó là gì. Như một bức tranh nhiều gam màu mát mắt mà người ta muốn ngắm mãi không thôi, thậm chí muốn vẽ thêm vào nó những mảng màu tối sáng của riêng mình.
Chap 3:
Những cơn mưa đầu tiên của tháng Chín thưởng cho tôi giấc ngủ nướng tuyệt vời vào ngày Chủ nhật. Nếu không có tiếng kêu ầm ĩ của mấy con vật trong nhà có lẽ tôi đã nằm nướng trên giường cho tới chiều. Vươn vai rồi nằm xoay về phía của sổ. Đã hai tuần mẹ không tới thăm tôi. Chắc tại mưa khiến mẹ ngại ra ngoài. Mưa đuổi nhau ngoài cửa kính. Tôi không thích mưa cho lắm. Mưa ướt át và ồn ào, có lúc dội vào trong tôi những miền trống vắng không biết tha lôi từ đâu tới. Hình như ngoài phòng khách, Nguyên có bật nhạc vài bản nhạc nhẹ.
– Anh có bị điện giật hay đột tử trong phòng không đấy?
Giọng châm chọc gây sự của Nguyên. Không sai.
– Cô mà là hotgirl thì báo chí kiếm đủ tiền nhỉ. Ngày nào cũng có phát ngôn gây sốc.
– Giật mình. Tự dưng mở cửa bất ngờ. Phát khiếp.
– Ờ. Nghe cô gọi là muốn phi ngay ra mổ vô mặt cô mấy cái
– Mổ á? Mổ bằng gì? À, cũng dễ thôi. Mỏ anh cũng nhọn gớm.
– Tôi đâu phải gà hay chim đâu mà mổ bằng mỏ? Tôi mổ bằng cái này này…
Tiện tay với lấy con dao trên giá bếp, tôi làm mặt hằm hằm đuổi Nguyên chạy quanh nhà. Nhìn vẻ hốt hoảng la hét của Nguyên mà cười muốn chết.
– Anh bị rồ hả Nhật? Bỏ con dao đi ngay. Ghê quá!
– Túm cô rồi đè ra sàn, sau đó mổ banh bụng cô ra đã rồi tôi bỏ.
– Anh thần kinh à. Bỏ ngay đi. Tôi gọi công an bây giờ.
– Gọi đi. Công an đến tôi sẽ rạch mặt ăn vạ cho họ tống cô vào tù.
– Đồ khùng! Thôi ngay đi!
Tôi đuổi Nguyên chạy thêm vài vòng nữa quanh nhà. Con Nô Đen tưởng án mạng sắp xảy ra thật hay sao mà cũng chạy theo tôi sủa nhắng lên. Con mèo mướp thì như bị điên, cứ quay vòng vòng rồi hươ hai chân trước múa múa.:-| Chả hiểu kiểu gì? Chỉ có con Lem vẫn giữ tư thế nằm ngoài ban công hếch mõm vào nhà hóng hớt. Tâm thế kiểu “chúng mày muốn làm gì thì làm, tao chẳng quan tâm!”. Con Lem đắc đạo rồi chăng? @. @
Tôi và Nguyên tập thể dục buổi sáng khoảng 10 phút. Cứ chạy vòng vòng như thế. Đến lúc mệt quá thở phì phò một lát rồi cất dao thì ngay lập tức bị Nguyên phi cái gối đệm ghế vào mặt.
– Anh có hay lên cơn điên thế này không hả? Nói tôi biết lịch cụ thể để tôi còn tránh.
– Có. Tôi hay lên cơn mỗi khi nghe phát ngôn gây sốc của hót gơ.
– Thần kinh! Đi đánh răng đi. Đồ răng vàng hôi nách.
– Ủa. Sao cô biết tôi hôi nách?
– Ngửi thấy hôi mù lên sao chẳng biết.
– Cô điêu toa vừa vừa thôi. Người tôi thơm thế này cơ mà. – Vừa nói tôi vừa cúi xuống vai hít hít.
– Đi đánh răng đi hộ cái. Sáng ra cãi nhau với anh mỏi mồm quá!
Vừa hớn hở bước vào nhà tắm thì khóc thét ngay được. Ngay chỗ ống thoát nước là hai bãi phân chó và một bãi phân mèo. Không biết có phải chủ huấn luyện không mà ba con đi vệ sinh thẳng hàng luôn. Mùi hôi hôi chua chua sộc lên mũi đến khó chịu.
– Cô vào kia xử lí đống bầy nhầy của chúng nó giúp tôi ngay đi.
– Ủa có chậu sỉ ngoài ban công sao chúng nó không đi?
– Sao hỏi tôi? Chắc chúng nó bắt trước cô đấy. Mai cô phải đi vệ sinh vào chậu sỉ làm gương cho chúng nó mới được
– Anh nói linh tinh gì đấy. Tôi cầm chảo đập bẹt mỏ anh bây giờ.
Ngồi xuống bàn ăn đợi Nguyên dọn dẹp nhà tắm. Không biết phải chịu cảnh này đến bao giờ. Nếu phải miêu tả Nguyên tôi chỉ có mấy từ: lộn xộn, phiền phức, rắc rối… Nhưng khó hiểu thật. Nguyên không hề có một chút khó chịu hay phàn nàn gì với những hậu quả mà lũ chó mèo gây ra. Cô ấy vui vẻ chấp nhận tất cả như cô ấy sinh ra để làm những việc đó. Tôi ngồi dựa mặt vào thành ghế ngắm Nguyên quét nhà tắm rồi làm bộ quát lũ chó vô kỷ luật. Cái cử chỉ và vẻ mặt cố miêu tả cho mấy con vật hiểu mấy chậu sỉ mới là chỗ cho chúng nó giải tỏa nỗi buồn dễ khiến người ta phải phì cười. Quát chúng nó mãi mà chúng nó cứ tưởng đùa, cứ nhảy lên người Nguyên xủa nhặng xị làm nhỏ bất lực ngồi bệt xuống đất hét toáng lên.
– Này giúp việc, có định cho chủ nhà ăn cơm không thế?
– Đồ ăn ở bàn đấy, anh không nhìn thấy à?
– Cô lên ăn luôn đi. Ngồi ăn vạ với mấy con chó làm gì.
Nguyên xị mặt ra một lúc rồi đứng dậy rửa tay và ngồi vào bàn ăn. Tôi dậy muộn nên thức ăn hơi nguội. Nguyên đảo lại cơm rang cho tôi và làm thêm trứng ốp la. Vừa ăn vừa đọc báo xem tin tức. Dậy trưa quá nên cũng không theo dõi được thời sự buổi sáng.
– Anh tập trung vào ăn đi. Vừa ăn vừa đọc đau dạ dày.
– Này. Tôi thuê cô làm giúp việc chứ không phải làm mẹ tôi.
– Tôi bảo anh tập trung ăn thì làm đi. Tốt cho anh chứ cho tôi à.
Nói xong Nguyên giật tờ báo luôn. Tôi ngạc nhiên trước hành động ấy tới mức tròn mắt há mồm. Dễ cơm rơi hết từ mồm ra bàn mất. Loại giúp việc gì thế này? Không những làm loạn nhà, cãi chủ nhà mà còn dạy bảo cấm đoán chủ nữa? Định phản ứng lại thì tiếng chuông cửa làm cả hai đứa giật mình quay ra lối ra vào. Nguyên vội chạy ra mở cửa còn tôi ngồi ăn tiếp. Nhà tôi có bao giờ có khách lúc này đâu nhỉ?
– Chào anh! Anh tìm ai ạ?
– Ờ… Bạn là Nguyên à?
– A! Anh đến đón bé Lem à?
– Đúng rồi. Phiền bạn.
– Anh vào đi!
Khách của Nguyên. Tôi cảm thấy hơi bực. Nhà riêng hết biến thành trạm cứu hộ lại đến địa điểm giao dịch chó mèo. Sao Nguyên dám tự tiện cho người lạ địa chỉ nhà tôi thế? Vị khách lạ đứng ngoài cửa vì ‘‘có việc phải đi ngay’’. Nguyên vội lấy thùng giấy để con chó mới mang về hôm qua vào đó rồi mang ra cửa. Con Lem như nhận ra hoàn cảnh của nó nên bắt đầu có dấu hiệu phản ứng chứ không bình thản nữa. Nó ngóc đầu ra khỏi thùng các tông rồi liếm vào tay Nguyên rên ư ử. Nhìn tội tội. Nguyên ngồi dặn dò khách một lúc rồi giao Lem cho anh ta. Chàng trai này nhìn khá hiền và chững chạc. Ăn nói nhỏ nhẹ và hành động cẩn thận. Không biết Nguyên có kiểm tra và chọn lựa chủ cho những con chó lạc không. Dù không có ý định giữ con Lem lại nhưng tôi vẫn có chút lo lắng cho số phận của nó, mong nó tìm được một người chủ tốt như Nguyên.
– Anh Minh chú ý bảo bác sĩ là tâm trạng nó không được tốt nhé. Nó hay giật mình và sợ hãi nên có thể lao vút đi đó. Anh giữ nó chắc vào.
– Ừ, cảm ơn Nguyên. Khi nào Lem ổn thì anh gọi lại nhé!
– Dạ, chào anh!
Vị khách tên Minh ra về, Nguyên đóng cửa rồi vào rửa tay và ăn nốt bữa sáng. Nhìn khuôn mặt sầu thảm của Nguyên sau khi chia tay Lem khiến tôi cũng không muốn trách cứ gì nhỏ việc cho địa chỉ nhà riêng của tôi. Vừa nãy bí mật đổi cho Nguyên phần trứng ốp la nhiều hơn, ngắm Nguyên ăn ngon lành thấy vui vui. Con Nô Đen và mèo Mướp đang đùa nhau ở ban công. Mà Nguyên lại làm mà không xin phép rồi. Quả bóng tennis của tôi Nguyên đã tự lấy tặng cho hai đứa làm đồ chơi để con mèo Mướp không vào phá tan hai cái ghế salong trong phòng khách. Tôi quay ra ăn nốt bữa sáng, vừa ăn vừa chọc Nguyên.
– Nè!
– Gì?
– Không ‘‘dạ’’ nữa à?
– Không, được đặc cách sướng quá. Phải tận dụng mọi lúc mọi nơi
– Có ai nhận nuôi con mèo Mướp chưa?
– Có một vài người, nhưng em không tin tưởng lắm nên không nhận lời.
– Để đó nuôi đi. Cho Nô Đen có bạn.
– Thật á?????
Nguyên đứng phắt dậy nhìn tôi, làm đổ cả ghế ngồi và văng thìa ra bàn. Tôi cũng giật mình do hành động bất ngờ quá khích của nhỏ. Trông cái dáng đứng như sắp vồ lấy tôi ôm hôn để cảm ơn đề nghị vừa rồi. Sợ quá!
– Ngồi xuống hộ tôi đi. Trông cô ghê ghê…
– Anh nói thật chứ.?
– Thật, trông cô ghê ghê thật.
– Không, chuyện nuôi bé mèo Mướp cơ?
– Đùa đấy!
– Cái gì?
Để đề phòng Nguyên có những hành động quá khích hơn thì tôi đã kịp phản ứng ngay lập tức.
– Tôi đùa thôi. Nuôi thêm con mèo thôi mà.
– Cảm ơn anh… Em không biết nói gì nữa.
– Thôi đừng nói, tôi sợ phát ngôn gây sốc lắm. Nuôi thì nuôi. Nhưng cô đừng có đem thêm con chó mèo nào về nữa đấy. Mẹ tôi thỉnh thoảng sang thăm, phiền bức lắm. Bà sợ chó mèo.
– Dạ…
Nguyên cười chúm chím cho đến lúc ăn hết bữa sáng. Tôi bảo Nguyên đi rút hộ tôi bộ quần áo. Đợi tạnh mưa sẽ sang thăm bố mẹ. Dù sao sang nhà thăm mẹ cũng ổn hơn việc để mẹ sang thăm và nhìn thấy lũ chó mèo Nguyên mang về.
…
Mưa làm Hà Nội sạch hơn. Không khí trong và không bụi. Tôi có thói quen lượn vòng vòng trên đường không mục đích, đến khi xăng tụt một vạch mới quay về nơi mình định tới.
Bố mẹ vẫn khỏe. Cảm ơn trời đất! Mẹ nấu bữa tối sớm hơn hai tiếng để tôi ăn và về sớm. Lớn rồi nhưng mẹ lúc nào cũng lo nếu con cái ra đường khi trời tối. Bố hỏi tôi vài việc về công việc. Mẹ hỏi về chuyện ăn uống, người làm, hỏi về cả Ly. Bao nhiêu lần tôi nhắc mẹ về mối quan hệ đã rạn nứt và đi đến điểm dừng này nhưng mẹ vẫn vờ như chưa nghe thấy. Vẫn hỏi khi có dịp và khuyên bảo khi có cơ hội. Người lớn nhiều khi có những suy nghĩ áp đặt nặng đến mức choáng váng.
Tôi rời nhà bố mẹ khi trời vừa sập tối. Không biết tối nay Nguyên ăn gì. Một mình ở nhà có chịu nấu cơm không. Rẽ qua cửa hàng Hải Hà mua vài cái bánh ngọt về tráng miệng. Chọn hai bánh hoa quả hình thuyền rồi về nhà. Lòng không khỏi lo Nguyên lại đem thêm một rắc rối nào đó khiến tôi phải khóc thét khi mở cửa.
Rẽ vào con đường nhỏ cách nhà một đoạn, tôi nhìn thấy một dáng người quen quen, không biết đang làm gì, cứ lúi húi ở cột điện bên đường. Lại gần mới nhìn rõ. Là Nguyên mà. Không sai chút nào. Nguyên đang quỳ bên cạnh cột điện, chúi đầu vào chân cột mà chọc chọc gì đó.
– Cái gì đó Nguyên?
Nguyên giật mình ngước lên. Dưới ánh đèn đường, mặt nhỏ thêm đỏ, mồ hôi thì mướt trán. Nhìn thấy tôi như nhìn thấy cứu tinh, nhỏ đứng lên cầu cứu.
– Anh Nhật có gì mèo ăn được ở đó không?
– Hử? Có bánh ngọt thôi. Đây. Làm gì thế?
– Em đi mua giấy vệ sinh, có con mèo lạc chạy loăng quăng ngoài đường, bị người ta cầm gậy xua đánh. Nó sợ quá chạy ra đây rồi chui vào hốc cột điện. Gọi meo meo thế nào cũng không ra.
Tôi bẻ cho Nguyên một mẩu bánh ngọt. Nguyên vừa meo nhẹ vừa vứt vào cho con mèo trong hốc ăn. Tôi mở cốp xe lấy bộ tô vít có đèn pin rồi soi vào trong xem. Đúng là trong hốc đó có một con mèo lông vằn. Nhỏ tẹo mà dữ. Nguyên cứ thó tay vào là nó đưa tay cào phập phập. Hồi lâu Nguyên đứng dậy thở lấy hơi. Mồ hôi chảy ướt một vạt tóc bên má phải. Tôi lục túi đưa cho Nguyên một cái giây thun tôi hay đùng buộc tập bản thảo.
– Buộc tóc lên đi.
– Cảm ơn anh. Không biết làm sao nữa. Vì bị đuổi bằng cây từ trong công trường nên sợ, đâm ra đề phòng luôn. Nằm ở trong hốc dứt khoát ko ra. Dụ cỡ nào cũng không. Còn khè khè, xù lông rất dữ dằn nữa. Thò tay vô, phập luôn. Bằng mọi giá cố thủ.
Nói xong Nguyên lại cúi xuống dụ con mèo. Chạy qua chạy lại, ngồi nói chuyện với nó, dụ nó bằng mỹ nhân kế, thức ăn kế, bạn bè kế, gần 30 phút, vẫn ko xi nhê. Cũng tội Nguyên. Phía bên kia là bãi rác, bên này là cái đống khai rình do thằng mắc dịch nào đái bậy. Thế mà Nguyên vẫn phải chịu, quỳ rạp xuống dỗ dành con mèo. Tay Nguyên xước dài mấy vết do túm mèo rồi bị cào.
Tôi bảo Nguyên đợi một lúc, chạy ra quán tạp hóa gần đó, mua một đôi găng tay khá dày. Chạy lại cột điện bảo Nguyên đứng dẹp sang bên, tôi đeo găng tay vào rồi thò tay tóm gọn con mèo nhỏ trong hốc cột điện. Lôi được con mèo ra. Nguyên vồ lấy ngay, mặc kệ bị cắn bị cào. Vừa vuốt vuốt đầu nó Nguyên vừa dọa: “Mày làm chị mệt quá. Về nhà chết với chị!”. Sau đó Nguyên chạy về luôn. Quên luôn tôi đứng đó như trời trồng với cái tô vít và đôi găng tay thủng lỗ chỗ. Dù vui vẻ mừng rỡ đến mức nào, cũng không nên quên ân nhân cứu mạng con mèo cũng là tôi mới phải chứ.:( .
Chạy ra xe cất tôvit rồi phóng về nhà. Mua hai cái bánh ngọt thì dụ con mèo mất nửa cái rồi. Về nhà tôi với Nguyên chắc tranh nhau cái còn lại quá. Vừa đi vừa nghĩ xem có nên tức giận không. Con mèo con lông vằn chắc chắn Nguyên lại đem về nhà mà không xin phép trước. Lúc nãy gặp tôi ở đó cũng không hề ngỏ lời. Vốn tôi không phải người khó tính, nhưng trong cuộc sống, và nhất là trong phạm vi gia đình – cho dù tôi và Nguyên không có mức quan hệ thân thiết như thế – nhưng sống trong một nhà, ít ra cũng nên biết trên dưới, phép tắc đúng sai để hành xử khuôn phép. Hành động tự tiện của Nguyên có lẽ tôi phải chấm dứt ngay từ bây giờ thôi, để tránh những rắc rối xảy ra sau này với cuộc sống của mình.
Chap 4:
Trời lại bắt đầu mưa nhỏ. Tôi cảm tưởng những cơn mưa lạ đầu tiên của tháng Chín như báo hiệu trước cho tôi một điều gì đó. Tôi chưa bao giờ biết quan tâm đến gì khác ngoài công việc, vậy mà gần đây đầu óc tôi lẫn lộn nhiều mảng màu, khi xám xịt khi tươi mát. Về Nguyên chăng? Tôi cũng không biết nữa. Như đang đi lạc trên một con đường trắng xóa cát hai bên là cánh đồng hoa lưu ly. Những cánh hoa mỏng tang, nhỏ xíu, màu xanh lam. Chẳng nhìn thấy điểm dừng đâu cả, nhưng vẫn cứ đi. Đơn giản vì vẻ đẹp dịu dàng của hoa lưu ly và cái ấm áp của nắng đã khiến người ta chẳng còn lo lắng và sợ hãi gì nữa.
Phi xe về đến sân tập thể, tôi thấy Nguyên đứng đó cùng chú chó Nô Đen. Nguyên cúi xuống làm cử chỉ gì đó với Nô Đen còn Nô Đen thì cứ sủa váng lên – giống như đang nói chuyện vậy. Nguyên và Nô Đen làm ầm ỹ cả một góc sân. Tôi đến gần. Đoán là Nguyên vẫn chưa lên nhà vì tôi thấy tay Nguyên vẫn ôm con mèo nhỏ vừa cứu được trong hốc cột điện. Nó lúc này đã bình tĩnh hơn, nằm gọn trong tay Nguyên, mắt trố ra nhìn con Nô Đen đang đứng sủa. Định nói gì đó với Nguyên thì nhỏ đã quay sang chỗ tôi. Nhỏ đưa cho tôi con mèo con và năn nỉ:
– Anh Nhật đem nó lên nhà cẩn thận giúp em. Em phải chạy qua đây một chút!
Chẳng hiểu có chuyện gì nữa. Nguyên dúi con mèo vào tay tôi rồi chạy đi luôn luôn. Khổ cho tôi. Con mèo dường như không thích tôi lắm, giơ tay cào cho tôi mấy nhát đau tê tái. Giận quá nên tôi bỏ nó vào cốp xe rồi đóng nắp lại. Mặc kệ nó trong đó, tôi nổ máy chạy theo Nguyên chậm chậm. Nguyên chạy nhanh lắm. Con Nô Đen chạy trước, Nguyên chạy bám ngay phía sau. Cả hai đều có vẻ vội vã. Mà tôi đang làm gì thế? Sao không đi về nhà nằm ngủ đi? Chạy theo Nguyên làm gì? Tôi bị dở à? >_<
Chạy khoảng 1km, Nguyên đi chậm lại. Tôi ngó quanh. Phía bên kia đường là công trường đang thi công. Bên này là nhà dân. Dãy nhà cấp 4 lụp xụp. Dường như công nhân dựng tạm để ở. Nguyên rẽ cỏ đi bước vào phía trong chút xíu. Tôi dừng xe đi theo. Lúc Nguyên cúi xuống trước một bức tường lưới B40 thì cũng là lúc tôi nhìn thấy những gì bên trong đã quen thuộc đối với tôi. 5 em kiki bị xích quanh năm suốt tháng ngoài trời. Ngày nào đi làm qua tôi cũng trông thấy. Trời nắng thì ko sao, trời mưa thì đứa nào cũng ướt như chuột, nằm co ro trong cái xe ngổn ngang đồ đạc. Thỉnh thoảng có đồ thừa tôi cũng chỉ chạy qua thưởng cho chúng nó được vài ba bữa. Tôi biết một bạn tên Fang cho mấy bé ăn gần ba năm nay, mỗi ngày chỉ có thể ăn được một khúc bánh mì. Đứng từ ngoài thò tay qua lưới B40 ném vô, có khi ném trật nó chỉ đứng nhìn khều khều mà ko ăn được. Hôm nay chẳng hiểu sao xuất hiện một cái hố nhỏ, tối quá ko thấy đường nên bánh mì vứt vào ném lọt vô cái hố, nó cứ cúi xuống cố lấy khúc bánh mì mà bất lực. Có một con đuối sức đến nỗi tối hôm trước còn cho nó ăn, hôm nay đã thấy nó nằm đó chết. Không biết cách nào giải thoát cho chúng.