Chuyện Tình Người Và Cá

02.07.2014
Admin

Ở vùng Trực Lệ có chàng trai tên là Mộ Sinh. Anh là con của một nhà buôn Mộ Tiểu Hoàn. Mộ Sinh vốn thông minh, học giỏi nhưng người cha cho rằng văn chương là cái nghề viễn vông không thực tế, năm mười sáu tuổi Sinh bị cha buộc thôi học chữ để bước vào tập việc trong nghề buôn bán. Người cha dẫn Sinh sang đất Sở tìm kiếm thị trường. Họ đi bằng thuyền đến đất Sở. Trên sông nước mông mênh hiu quạnh nên những lúc rảnh rỗi Mộ Sinh lại ngâm nga thơ phú, đôi lúc cao hứng anh ngâm lớn làm vang động cả khúc sông. Thỉnh thoảng, anh thấy sau song thuyền một bóng người đang nấp nghe trộm nhưng vẫn không để ý lắm. Đêm nọ, Mộ ông lên bờ đi ăn cơm khách đến khuya vẫn chưa về, Sinh cảm thấy vui thích vì vắng cha nên đem thơ phú ra đọc tụng. Lúc ấy ánh trăng sáng vằng vặc ngoài sông nên cảnh vật hiện lên rõ ràng.

Một bóng người lại thấp thoáng. Sinh lấy làm lạ, vội chạy ra xem là ai. Anh gặp một thiếu nữ rất đẹp chừng mười lăm mười sáu tuổi. Vừa chợt thấy Sinh, thiếu nữ trốn mất. Hai hôm sau thuyền đậu bên một bờ hồ, người cha cũng đã lên bờ đi chơi. Đang thơ thẩn trong khoang thuyền bỗng Sinh thấy một bà cụ xin xuống thuyền và nói rằng:
Anh hại chết con gái tôi rồi!
Sinh kinh ngạc hỏi đầu đuôi, bà kể:
Con gái tôi là Bạch Thu Luyện vốn yêu văn chương chữ nghĩa. Nó bảo khi còn ở quận thành có dịp nghe anh ngâm thơ nên đem lòng tưởng nhớ, và sinh ra tương tư đến nỗi lâm bệnh, bỏ cả ăn cả ngủ. Nó nói rằng chỉ muốn sống cùng anh, tôi can thế nào nó vẫn không chịu.

Sinh nghe nói thế bụng lấy làm thoả mãn và thích chí, anh thưa với bà cụ là anh ưng ý lắm nhưng chỉ sợ cha phản đối. Bà lão cũng dễ tính, bảo anh chỉ cần ước hẹn một lời, nhưng Sinh từ chối vì còn phải hỏi ý cha. Bà lão giận mắng:
Lương duyên chỉ gặp một lần, có khối kẻ cầu cạnh mà tôi chưa chịu, nay thân già phải khúm núm tự đi làm mối con mà anh chối thì nhục lắm. Anh đã không thấu nhân tình như thế thì đừng hòng đi được tới miền Bắc.

Nói rồi bà lên cầu đi thẳng. Khi cha về, Mộ Sinh khéo chọn lời ngỏ ý cùng ông, mong ông thuận cho chàng lấy vợ nhưng người cha vô tâm, cứ ngỡ con mình vì đường xa hiu quạnh nên nhớ con gái mà nói năng hão huyền. Ông không thèm bận tâm nữa.
Đêm ấy, chỗ đang cắm thuyền bỗng nhiên đất nổi lên làm thuyền mắc cạn, không sao nhúc nhích được. Trong hồ đều có những thuyền gặp nạn như thế nên hàng hoá nhiều khi hàng tháng trời không vận chuyển được đến nơi khác, vì thế mà giá hàng lên vùn vụt hơn giá ngày thường, do đó Mộ ông cứ nhởn nhơ, dặn con ở lại trông hàng, ông trở về Nam cất thêm hàng ra nữa để sang năm con nước lên, thuyền sẽ thẳng đến mạn Bắc bán hàng, kiếm món lời to.

Thấy cha đã trở về bỏ một mình lại, Sinh càng mừng trong bụng, chỉ tiếc rằng chẳng biết bà lão ấy cư ngụ nơi đâu để đi tìm. Một buổi trời đã sụp tối, bà lão lại đến, lần này có thêm mấy người hầu khiêng theo thiếu nữ. Bà lão nhăn nhó với Sinh:
Con tôi ốm gần chết thế này mà anh cũng nhởn nhơ thế ư?
Nói rồi bà cùng bọn người hầu bỏ thiếu nữ lại, lên bờ đi thẳng. Sinh hoang mang không biết làm sao, nên cầm đèn xem sức khoẻ cô gái thì thấy nàng tuy đang đau yếu, nhưng vẫn còn nét đẹp diễm lệ não nùng, ánh mắt thu ba vẫn liếc đưa tình tứ.
Sinh tìm chuyện hỏi han an ủi nàng. Nghe hỏi mãi nguyên do sinh bệnh, nàng ấp úng:
Khi xưa em nghe chàng ngâm bài gì trong truyện “Mái Tây” nên đâm ra mê đắm rồi sinh bệnh chàng hãy ngâm lại cho em nghe: “Vì ai yếu ớt, thẹn vì ai” (một câu trong bài Tây Sương ký).

Sinh sướng quá muốn ôm lấy nàng nhưng thấy nàng còn yếu nên chưa dám. Cô gái gần Sinh như uống được thần dược, dần dần tươi tỉnh:
Chàng hãy vì em mà ngâm tiếp bài “La y điệp điệp” của Vương Kiếm, ngâm ba lần là em khoẻ ngay.
Sinh hứng chí ngâm liền. Mới ngâm đến hai lần nàng đã đứng dậy được, vui vẻ:
Thiếp cảm thấy khoẻ rồi.
Sinh vẫn ngâm tiếp lần thứ ba, nàng cất giọng oanh vàng khẽ run run ngâm hoạ theo. Cả hai tâm hồn như cùng quyện vào nhau và họ vui vầy suốt đêm.

Sáng hôm sau trời chưa ló ánh bình minh, nàng đã trở dậy:
Mẹ em sắp tới rồi đấy!
Quả nhiên, một lát bà lão đến. Nhìn thấy con gái mặt mày tươi tỉnh khoẻ mạnh, bà lão giục con mau về. Nàng không đáp, tỏ ý bất bình, bà lão cũng không ép, chỉ giận dỗi bỏ đi:
Mày cứ vui duyên mới, ta về đây.
Sinh gặng hỏi nơi cư ngụ của nàng, cô gái thở dài:
Em với chàng duyên như bèo nước gặp nhau, đã chắc chi mà nói chuyện dài lâu, hỏi nơi ở của em làm gì?
Tuy nói buồn vậy nhưng giữa hai người vẫn đượm tình quyến luyến, lại cùng thề non hẹn biển. Vài hôm sau, bỗng một đêm nọ nàng giở một quyển sách ra xem rồi nức nở khóc. Sinh vội hỏi nguyên do, nàng đáp:
Cha anh sắp trở lại, chuyện của đôi ta, em vừa bói được một quẻ không hay trong sách này.
Sinh an ủi:
Chuyện bói toán mơ hồ, việc chi mà phải buồn vì nó?
Nàng hơi bớt buồn nhưng vẫn bảo:
Sợ cha anh về, đem theo nhiều người làm rồi sinh ra lắm lời dèm pha. Xin tạm biệt hôm nay, đợi dịp khác vậy.
Sinh buồn rầu, ân cần nắm tay nàng:
Nếu như ý cha thuận việc hôn ước, anh biết tìm em ở đâu?
Nàng thản nhiên đáp:
Em vẫn theo dõi việc nhà chàng, nếu cha đồng ý tất em sẽ biết.
Sinh đòi lên bờ đưa tiễn, nhưng cô gái khăng khăng từ chối, chỉ muốn đi một mình.

Vài ngày sau cha Sinh đã về tới. Mộ Sinh lựa dịp thuận tiện ngỏ ý với cha về việc hôn nhân. Người cha lại càng sinh nghi, ngờ khi vắng mặt ông, anh đã giở trò trăng gió với ai đó nên ông mắng nhiếc rồi rà soát lại hàng hoá trên thuyền, thấy mọi vật y nguyên nên ông mới bớt giận.
Sinh không biết tính sao nhưng bụng vô cùng giận cha. Đêm nọ khi Mộ ông lên bờ thì đột nhiên cô gái đến. Hai người bồi hồi xúc động và cảm thấy buồn vì không biết phải tính kế ra sao. Nàng than:
Nghĩ cho cùng, ai cũng có số mệnh. Đường dài thật chẳng biết ra sao nhưng trước mắt, em xin ở lại với chàng ít lâu rồi sẽ liệu sau.

Khi chia tay nhau, nàng hẹn với Mộ Sinh mỗi lần muốn gặp nàng thì anh cứ ngâm thơ lên, nàng sẽ đến. Từ đó Sinh chỉ đợi dịp vắng mặt cha là ngâm thơ, quả lần nào nàng cũng y hẹn.
Tiết đã gần qua tháng tư, đột nhiên giá hàng xuống vùn vụt khiến các nhà buôn đều hoảng hốt. Họ bèn lấy tiền mua lễ vật cúng bái thuỷ thần cầu con nước sớm lên để vận chuyển hàng hoá đi bán nhanh chóng.
Sau tiết Đoan Dương, trời bỗng nổi mưa như trút, nước hồ dâng cao nên thuyền bè đã đi lại được. Nhà họ Mộ cũng nhổ neo về quê.

Đến nhà, Mộ Sinh lại ngã bệnh vì tương tư. Cha lo lắng lắm, chạy chữa hết thuốc thang và đến khắp đền chùa cầu cúng mà xem ra vô hiệu. Mộ Sinh chỉ nói riêng với mẹ:
Bệnh con không cần thuốc, chỉ cần nhìn thấy mặt Bạch Thu Luyện là khoẻ ngay.
Nghe lọt câu ấy Mộ ông càng giận dữ, mắng chàng như tát nước, nhưng càng ngày thấy bệnh chàng càng nặng đến độ trơ ra như bộ xương khô nên ông cảm thấy sợ hãi. Theo ý Sinh ông thuê xe đưa con trở lại đất Sở, tìm đến bờ hồ nơi họ đã cắm thuyền lúc trước.

Mộ ông hỏi thăm khắp nơi mà vẫn không ai biết nhà họ Bạch ở đâu.
Mộ ông gần tuyệt vọng, hôm nọ đi dạo trên bờ hồ bỗng ông gặp một bà lão chèo thuyền quanh hồ. Ông hỏi thăm, không ngờ bà lão xưng là họ Bạch. Mộ ông xin lên thuyền rồi nhìn thấy một thiếu nữ xinh đẹp, hỏi tên đúng là Thu Luyện. Mộ ông khấp khởi mừng thầm, nhưng khi hỏi về gia thế thì ông biết họ là dân thuyền chài, suốt đời lênh đênh sông nước. Mộ ông kể chuyện con trai mình sắp chết, mời Thu Luyện về nhà mình nhưng bà lão từ chối, nói rằng con gái mình không hẹn ước cùng ai nên không thuận. Nhưng cô gái nghe chuyện thì nước mắt tuôn trào, nàng nằng nặc đòi đi. Bà lão đành chiều ý con. Đêm ấy, quả nhiên nàng tới một mình, đến bên giường Mộ Sinh mà khóc.

Không ngờ bệnh em lại lây sang chàng, nhưng có vậy chàng mới biết vị sầu thảm tương tư. Nhưng chàng yếu quá rồi, có lẽ nghe em ngâm thơ may ra chàng mới thuyên giảm.
Sinh vui mừng, đòi đem những bài thơ cũ đã từng ngâm cùng nhau ra ngâm lại. Ngâm đến câu “hương sen nồng đượm vẫn thơm xa” thì Sinh đã khoẻ hẳn đứng dậy được, chàng ôm lấy nàng đùa cợt:
Ta có bệnh bao giờ đâu?
Hai người đều vui, Sinh chợt hỏi:
Cha anh đã gặp mẹ em rồi, việc của ta liệu thành được không?
Nàng đáp:
Em đã gặp cha, chắc không xong rồi!
Nói xong nàng từ biệt ra về. Mộ ông quay trở lại thấy chàng đã khoẻ nên mừng lắm, ông bèn tỏ lời khuyên:
Cô ấy trông cũng đẹp, nhưng sống lênh đênh sông nước như vậy, liệu còn giữ được sự trong trắng không?

Sinh bất bình nhưng không nói. Đợi cha đi khỏi chàng lại ngâm thơ gọi nàng. Lần này nàng nói:
Em tính rồi, cầu cạnh mãi cũng vô ích thôi. Chi bằng cứ phó mặc cho Trời định liệu.
Sinh hỏi có kế gì hay, nàng đáp:
Phàm dân buôn thì chỉ tính đến lợi. Em có thuật riêng biết trước giá hàng, em thấy trong chuyến này cha chàng mang toàn những loại kém giá trị, giờ đây em sẽ mách cho chàng những loại hàng sắp lên giá gấp nhiều lần. Nếu thấy linh nghiệm chắc cha sẽ mừng mà thuận cho em lấy chàng ngay. Một vài năm nữa ta cũng vừa tuổi, vội vàng làm chi?
Mộ Sinh đem hết lời nàng dặn về các loại hàng kể cho cha nghe. Cha Sinh còn bán tín bán nghi nên chỉ nghe dè dặt, do đó chuyến hàng vẫn có lãi đôi chút chứ không lỗ. Khâm phục tài tiên tri của Thu Luyện, Mộ Sinh lại bịa thêm chuyện Thu Luyện có thể làm cho cả nhà giàu lớn. Lần sau Mộ ông hoàn toàn nghe lời nàng thì trúng to.

Mộ Sinh được cha cho phép mua sính lễ. Anh tìm mãi mới gặp chiếc thuyền nhỏ của lão bà họ Bạch. Anh xin cưới con gái bà rồi thuê một chiếc thuyền lớn làm lễ hợp cẩn. Cưới hỏi xong nàng hối chồng về Nam mang theo một số hàng lớn do nàng căn dặn. Dĩ nhiên chuyến hàng lãi to. Khi về nàng có đem theo vài vò nước hồ và mỗi lần xuôi Nam nàng vẫn mang theo loại nước ấy. Sau vài năm nàng sinh đặng con trai.

Một ngày nọ nàng xin phép được về nước Sở thăm mẹ, Mộ ông cho hai vợ chồng ra đi.
Đến bên bờ hồ tìm mãi vẫn không thấy thuyền mẹ đâu, Thu Luyện gõ vào mạn thuyền ít cái rồi biến sắc mặt sai chồng đi lùng khắp hồ. Mộ Sinh đi tìm, trong lúc ấy anh tình cờ đến nhà một thuyền chài vừa bắt được con cá chép trắng, nhìn xem thì anh thấy con cá to lớn, hình dáng giống hệt như người và có đầy đủ bộ phận của con người. Sinh lấy làm lạ, tối về kể với vợ. Nàng có vẻ thất sắc, hốt hoảng nhờ chồng cố mua được con cá ấy để phóng sinh. Anh quay lại nhà chài xin mua nhưng nhà chài đòi giá cao quá chàng không mua nên trở về và kể với vợ, nàng giận dỗi:
Em về nhà chàng bấy lâu và đã vì nhà chàng mà sinh lợi rất nhiều, nay chàng tiếc tiền chăng? Nếu không được con cá ấy, em sẽ đâm đầu xuống hồ mà chết cho xong.

Sinh hoảng sợ vội vã mang thêm tiền chạy đi mua. Khi trở về Sinh không thấy mặt vợ. Một lúc sau nàng mới về nói:
Em vừa đi thăm mẹ.
Sinh hỏi mẹ ở đâu, nàng ngập ngừng:
Đúng ra, chưa nên nói. Nhưng không sao, bây giờ em nói thật với chàng, con cá mà chàng mua về là mẹ em đó. Vì có chút lỗi với Long Vương, nên mẹ em bị trừng phạt đến chết, còn em thì bị tuyển vào cung Long Vương nhưng vì yêu thương chàng mà em cưỡng lại. Nếu bây giờ, chàng biết phận em mà không ưng vì khác loài thì em xin đi, trả con lại cho chàng. Còn muốn tai qua nạn khỏi hãy cố thành tâm mà cầu với Chân Quân.

Mộ Sinh sợ hãi hỏi Chân Quân ở đâu, nàng đáp:
Giờ mùi ngày mai, ngài sẽ tới, chàng cứ thấy vị đạo sĩ nào khập khiễng thì cứ quỳ lạy. Đạo sĩ có xuống nước thì cũng cố xuống theo. Thành tâm thì may ra ông ấy chứng cho.
Nàng đưa cho Mộ Sinh một vuông vải trông giống như cái vảy cá rồi bảo:
Nếu đạo sĩ hỏi muốn gì chàng hãy đưa vuông vải này và xin ông viết cho một chữ “miễn” là được.
Sinh nghe lời hôm sau ra bờ hồ đứng đợi, Quả có một đạo sĩ khập khiễng đi tới, đạo sĩ có vẻ vội vã nên đi thẳng không nhìn ai. Sinh lẳng lặng theo sau. Đến bờ hồ đạo sĩ ném một chiếc gậy xuống mặt nước rồi leo lên. Mộ Sinh vội vã leo theo. Gậy đột nhiên biến thành một chiếc thuyền.

Sinh sụp xuống lạy. Đạo sĩ hỏi:
Ngươi muốn gì mà lẽo đẽo theo ta?
Chàng đưa vuông vải xin viết một chữ, đạo sĩ kinh ngạc:
Cái vây con cá chép đây mà, sao ngươi có?
Mộ Sinh cứ đầu đuôi kể thật. Đạo sĩ cười ha hả:
Lão Long Vương này đúng là lắm vợ, ta e hoang dâm như vậy là không nên.
Nói xong ông viết tháu chữ “miễn” như vẽ bùa rồi bảo Sinh lên bờ. Ngoảnh lại thì Sinh thấy thuyền vùn vụt ra xa rồi biến mất.

Sinh về đến thuyền mình, Bạch Thu Luyện mừng lắm nhưng cấm chồng không được kể ra tông tích nàng.
Rồi nàng theo chồng trở về và vẫn mang theo mấy vò nước hồ.
Sau vài năm, nhân một chuyến Mộ ông chở hàng đến Sở, nàng yêu cầu ông mang về cho nàng vài vò nước hồ, nhưng không hiểu vì trắc trở buôn bán ra sao mà qua mấy tháng Mộ ông vẫn chưa về. Đợi đến khi nước hồ đã cạn, nàng bỗng nhiên ngã bệnh. Bệnh càng ngày càng nặng và nàng thoi thóp thở, căn dặn chồng:
Khi em chết chàng đừng vội chôn. Cứ đến các giờ Mão, Ngọ, Dậu, chàng ngâm bài thơ “Mộng thấy Lý Bạch” của Đỗ Phủ thì dù chết, xác em vẫn còn tươi. Đợi khi cha về mang theo nước hồ về, chàng đổ nước vào bồn, ngâm em vào đó, em sẽ sống lại.
Thoi thóp được mấy ngày nữa rồi nàng mới chết thật, Mộ Sinh y lời ngong ngóng đợi cha. Đến gần hết tháng. Mộ ông mới trở về, Sinh làm theo lời nàng dặn.

Ngâm nước được nửa ngày thì quả nhiên nàng dần dần tỉnh lại và sống hẳn như người thường. Biết tính vợ không thể không có nước hồ đất Sở, Mộ Sinh muốn dọn nhà luôn đến tận cạnh hồ cho tiện.
Đợi vài năm Mộ ông qua đời, Mộ Sinh đưa vợ con đến đất Sở, làm nhà bên cạnh hồ và gia đình sống hoà thuận đến hết đời.

Facebook Google Plus Twitter
Cùng chuyên mục
Người vợ tuyệt vời
Cuối Cùng…Mình Cũng Thuộc Về Nhau!
Chuyện Sinh Viên Và Kiếp Cave
Gói từng quả
Hồn Ma Trong Biệt Thự