Viết bản tin

19.09.2014
Huy Nguyễn

Viết bản tin

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Khái niệm

Bản tin là đơn vị cơ sở của thông tin báo chí nhằm truyền đạt, phản ánh “về một sự kiện mới xảy ra được mọi người hoặc một số người quan tâm. Tin thường được thông báo nhanh và ngắn gọn trên báo chí, đặc biệt báo ngày, báo điện tử, đài phát thanh và truyền hình”.

Trong thời đại ngày nay, do nhu cầu nắm bắt, trao đổi thông tin của xã hội là hết sức cấp thiết nên bản tin có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hàng ngày.

2. Phân loại và yêu cầu đối với bản tin

a) Phân loại

– Bản tin có nhiều loại: tin ảnh (bao gồm ảnh tĩnh và ảnh động), tin chữ…

Trong phạm vi chương trình, chủ yếu làm quen với tin chữ.

– Tin chữ gồm:

+ Tin vắn: tin không có đầu đề, dài dưới 100 chữ.

+ Tin thường: độ dài từ 100 chữ đến 350 chữ, chiếm tỉ lệ cao nhất trong phần tin chữ.

+ Tin tường thuật: tin phản ánh từ đầu đến cuối một sự kiện nào đó.

+ Tin tổng hợp: tin phản ánh nhiều sự kiên từ nhiều nguồn khác nhau thành một hiện tượng đáng qua tâm.

b) Yêu cầu đối với bản tin

– Mới mẻ, giàu tính thời sự.

– Các sự kiện được nêu chân thực, chính xác.

– Ngắn gọn, cô đọng, gây chú ý.

3. Cấu trúc của bản tin

Ở dạng đầy đủ nhất, bản tin thường có cấu trúc hai phần

– Đầu đề (tít bài, tiêu đề, tên tin): Ngắn gọn, gây tò mò, hấp dẫn, hé lộ lượng thông tin quan trọng nhất.

– Nội dung: Chính xác về thời gian, địa điểm, diễn biến, kết quả của các sự kiện, hiện tượng đã xảy ra. Các sự kiện quan trọng hơn được nêu trước.

II. RÈN KĨ NĂNG

Câu hỏi

1. Theo anh (chị), các bản tin sau đây thuộc loại bản tin nào? Phân tích đăch điểm, cấu trúc của bản tin để khẳng định ý kiến của mình:

a. Theo Bisiness Review Weekly với tổng trị giá khoảng 200 triệu USD, nữ diễn viên tóc vàng Ni-câu Kít-man đã trở thành người giàu thứ tư Au-xtra-li-a và là phụ nữ giàu nhất nước này năm 2006.

(Báo Người đại biểu nhân dân, 20 – 9 – 2006)

b. THÊM MỘT BẢN DỊCH TRUYỆN KIỀU SANG TIẾNG NHẬT

Ngày 17 – 3 – 2005 vừa qua tại thành phố Ô-ka-y-a-ma, Nhật Bản, ông Sây-ghi Sa-tô và nữ thi sĩ Y-ô-si-cô Ku-rô-da, đồng dịch giả, đã tổ chức giới thiệu quyển Truyện Kiều của Việt Nam đã được ông, bà dịch sang tiếng Nhật. Gần một trăm vị khách, gồm các quan chức, đại diện các cơ quan văn hoá, văn nghệ sĩ, nhà báo, bạn đọc Nhật Bản và thực tập sinh, lưu học sinh Việt Nam đã đến dự. Đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã giới thiệu với độc giả về thân thế, sự nghiệp văn học của thi hào Nguyễn Du và chúc mừng thành công của hai dịch giả người Nhật. Đây là lần thứ tư Truyện Kiều được các dịch giả Nhật Bản dịch sang tiếng Nhật từ các bản tiến Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh. Bản dịch lần này của ông Sây- ghi Sa-tô và bà Y-ô-si-cô Ku-rô-da dịch từ cuốn Truyện Kiều song ngữ Việt – Anh do nhà xuất bản Văn học ấn hành.

(Báo Văn nghệ, ngày 15 – 5 – 2005)

Gợi ý trả lời

– a là tin vắn: có ít hơn 100 chữ, không có phần tiêu đề (và kết luận), chỉ có phần nội dung.

– b là tin thường: có nhiều hơn 100 chữ nhưng ít hơn 350 chữ, có phần tiêu đề, có phần nội dung.

2. Hãy sắp xếp lại cấu trúc và đặt đầu dề cho bản tin sau đây sao cho hợp lí.

a. Dự kiến sau khi hoàn thành, chiếc đèn kéo quân này sẽ được đưa đến Cung Văn hoá Thiếu nhi Hà Nội vào đúng tối rằm Trung thu để chung vui với thiếu nhi Hà Nội trong chương trình Cầu truyền hình trực tiếp Hà Nội – Huế – Thành phố Hồ Chí Minh.

b. Chiếc đèn cao 6m, đường kính 2,5m, và mặt đáy rộng 9m2, có cấu tạo gồm ba phần rời nhau là hai thân đèn và đế đèn nên có thể tháo lắp dễ dàng khi di chuyển.

c. Ngày 18 – 9, chiếc đèn kéo quân lớn nhất từ trước tới nay đã được nghệ nhân Vũ Văn Sinh ở xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Tây cùng với một số nghệ nhân khởi dựng.

Gợi ý trả lời

– Sắp xếp theo cấu trúc c – b – a: Nguồn gốc chiếc đèn đặc biệt – Đặc điểm chiếc đèn – Dự kiến mục đích sử dụng.

– Đặt tiêu đề: “Chiếc đèn Trung thu khổng lồ”.

Facebook Google Plus Twitter
Cùng chuyên mục
Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh. Anh ( chị) cảm nhận được gì về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ này?
Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Trình bày sự chuyển biến trong tình cảm của cái tôi trữ tình trong bài thơ “Từ ấy”
Quan niệm của anh (chị) về một bài thơ hay
Tả một danh lam thắng cảnh (Sơn Nguyên)