1. Hãy nêu những đặc điểm chung và đặc điểm diễn đạt của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt và phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
Gợi ý:
– Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt (còn được gọi là phong cách hội thoại, phong cách khẩu ngữ) chủ yếu tồn tại ở dạng nói, là kiểu diễn đạt trong giao tiếp hằng ngày, mang tính chất tự nhiên, thoải mái và sinh động, giàu cảm xúc, ít trau chuốt. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt thể hiện tính khí, thói quen, nét riêng của mỗi cá nhân trong cách trao đổi, chuyên trò, tâm sự với người khác. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt không dùng những lối nói trừu tượng, chung chung mà ưa chuộng những lối diễn đạt cụ thể, trực quan, sinh động, giàu âm thanh, giàu màu sắc, mang dấu ấn rõ rệt của những tình huống giao tiếp hằng ngày. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt ưa thích những cách diễn đạt mới mẻ, tạo được ấn tượng cho người tiếp nhận. Trong phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, cảm xúc của người nói hay người viết được bộc lộ một cách tự nhiên, gắn với những tình huống giao tiếp cụ thể, muôn hình muôn vẻ.
– Là loại phong cách ngôn ngữ dùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực văn chương, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật khác với các phong cách ngôn ngữ khác ở những điểm cơ bản sau:
+ Tính thẩm mĩ: Văn chương là nghệ thuật ngôn ngữ, là sự thể hiện giá trị thẩm mĩ của ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong văn bản nghệ thuật, với tư cách là chất liệu xây dựng hình tượng, có sự tổng hoà của ngữ âm và ngữ nghĩa, hoà phối để tạo nên hiệu quả thẩm mĩ.
+ Tính đa nghĩa: Nghĩa của văn bản nghệ thuật gồm nhiều thành phần: thành phần biểu thị thông tin khách quan, thành phần biểu thị tình cảm; thành phần nghĩa tường minh, thành phần nghĩa hàm ẩn. Các thành phần nghĩa này thống nhất với nhau trong những hình tượng nghệ thuật vừa cụ thể, vừa sinh động. Trong đó, thành phần nghĩa hàm ẩn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong văn bản nghệ thuật, biểu thị những suy ngẫm, gợi liên tưởng, tưởng tượng,… tạo nên những tín hiệu thẩm mĩ, những thông điệp sâu sắc về cuộc sống và con người.
+ Dấu ấn riêng của tác giả: Mỗi nhà văn, nhà thơ thường có sở thích, sở trường riêng trong diễn đạt. Sở thích và sở trường ấy được bộc lộ ở những tác phẩm có giá trị và tạo thành nét độc đáo, dấu ấn riêng của tác giả.
2. Trình bày những hiểu biết của anh (chị) về các chức năng của ngôn ngữ, các nhân tố của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ.
Gợi ý:
– Ngôn ngữ là công cụ để đạt đến mục đích giao tiếp. Với tư cách là công cụ như vậy, ngôn ngữ có những chức năng cơ bản: Chức năng thông báo sự việc; Chức năng bộc lộ (biểu cảm); Chức năng tác động.
– Các nhân tố của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ: Nhân vật giao tiếp – người phát (người nói / người viết) và người nhận (người nghe / người đọc); Công cụ giao tiếp và kênh giao tiếp, là ngôn ngữ được chọn dùng làm phương tiện chuyên chở thông tin và hình thức thực hiện giao tiếp; Nội dung giao tiếp, là phạm vi hiện thực bên ngoài ngôn ngữ gồm những sự vật, sự việc nào đó trong đó sự vật thế nào, vì sao, ai làm, làm gì, với ai, ở đâu, khi nào, nhằm mục đích gì,… thường phải được xác định rõ; là bản thân ngôn ngữ, trong trường hợp này, ngôn ngữ được dùng để nói về chính ngôn ngữ; Hoàn cảnh giao tiếp, là những yếu tố thời gian, không gian, những hiểu biết của người tham gia giao tiếp, môi trường xã hội,… của một cuộc giao tiếp cụ thể.
3. Những yêu cầu trong sử dụng tiếng Việt.
Gợi ý:
4. Ôn tập những kiến thức khái quát về lịch sử tiếng Việt: nguồn gốc, quan hệ họ hàng và các thời kì phát triển.
Gợi ý: Xem lại bài Khái quát lịch sử tiếng Việt.
5. Hãy nêu những đặc điểm của văn bản, đặc điểm của văn bản nói và văn bản viết.
Gợi ý:
– Các đặc điểm của văn bản: Tính thống nhất về đề tài, chủ đề và mục đích; Tính hoàn chỉnh về hình thức (bố cục, câu, liên kết, từ ngữ); Văn bản có tác giả.
– Các đặc điểm của văn bản nói: dùng trong giao tiếp với sự có mặt của người nói lẫn người nghe, là hình thức giao tiếp cơ bản nhất, sống động nhất, tự nhiên nhất của con người; sử dụng âm thanh, ngữ điệu làm phương tiện biểu hiện, kèm theo các phương tiện phi ngôn ngữ; có tính không trọn vẹn và ít trau chuốt.
– Các đặc điểm của văn bản viết: có khả năng lưu giữ lâu dài, hướng tới phạm vi người đọc rộng lớn; sử dụng hệ thống các dấu câu, kí hiệu quy ước để biểu đạt và làm cho văn bản tự đầy đủ về ý nghĩa; có những từ ngữ đặc thù, không có trong văn bản nói; Các yếu tố trong văn bản phù hợp với đặc thù giao tiếp gián tiếp và bởi vậy nó có tính tinh luyện và trau chuốt.
6. Viết một văn bản giới thiệu về ca dao Việt Nam (qua những bài đã học) và tự phân tích văn bản ấy: kiểu văn bản, các nhân tố giao tiếp, việc đáp ứng yêu cầu sử dụng tiếng Việt; và trình bày văn bản đó dưới dạng nói trước lớp rồi chỉ ra sự khác nhau giữa văn bản ở dạng nói và dạng viết.
Gợi ý:
– Viết văn bản theo các ý sau:
+ Ca dao là gì?
+ Ca dao Việt Nam có đặc điểm gì về nội dung?
+ Ca dao Việt Nam có những nét đặc sắc gì về nghệ thuật?
+ Vai trò thẩm mĩ của ca dao?
– Đây là kiểu văn bản thuyết minh.
– Dựa vào gợi ý ở bài tập 2 để xác định các nhân tố giao tiếp liên quan đến văn bản của mình.
– Đánh giá văn bản theo yêu cầu sử dụng tiếng Việt: về ngữ âm, chữ viết, về từ ngữ, ngữ pháp và về phong cách ngôn ngữ).
– Dựa vào gợi ý ở bài tập 5 để xác định sự khác nhau giữa văn bản ở dạng nói và dạng viết đối với văn bản của mình.