I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Đặt dấu phẩy vào những vị trí thích hợp trong các câu sau:
(1) Vừa lúc đó sứ giả đem ngựa sắt roi sắt áo giáp sắt đến. Chú bé vùng dậy vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ.
(Theo Thánh Gióng)
(2) Suốt một đời người từ thủa lọt lòng đến khi nhắm mắt xuôi tay tre với mình sống chết có nhau chung thuỷ.
(Theo Thép Mới)
(3) Nước bị cản văng bọt tứ tung thuyền vùng vằng cứ chực trụt xuống.
(Theo Võ Quảng)
2. Trong những trường hợp trên, trường hợp nào dấy phẩy dùng để đánh dấu ranh giới:
– Giữa các thành phần phụ của câu với chủ ngữ và vị ngữ?(1)
– Giữa các từ ngữ có cùng chức vụ trong câu?(2)
– Giữa một từ ngữ với bộ phận chú thích của nó?(3)
– Giữa các vế của một câu ghép?(4)
Gợi ý:
– Vừa lúc đó,(1) sứ giả đem ngựa sắt,(2) roi sắt,(2) áo giáp sắt đến. Chú bé vùng dậy,(2) vươn vai một cái,(2) bỗng biến thành một tráng sĩ.
– Suốt một đời người,(1, 3) từ thủa lọt lòng đến khi nhắm mắt xuôi tay,(1, 3) tre với mình sống chết có nhau,(2) chung thuỷ. (cụm từ “từ thủa lọt lòng đến khi nhắm mắt xuôi tay” là thành phần chú thích cho trạng ngữ Suốt một đời người)
– Nước bị cản văng bọt tứ tung,(4) thuyền vùng vằng cứ chực trụt xuống.
3. Đặt lại dấu phẩy cho các đoạn văn sau và cho biết tại sao em lại làm như vậy:
a) Chào mào sáo sậu sáo đen… Đàn đàn lũ lũ bay đi bay về lượn lên lượn xuống. Chúng nó gọi nhau trò chuyện trêu ghẹo và tranh cãi nhau ồn ào mà vui không thể tưởng được.
(Theo Vũ Tú Nam)
b) Trên những ngọn cơi già nua cổ thụ những chiếc lá vàng còn sót lại cuối cùng đang khua lao xao trước khi từ giã thân mẹ đơn sơ. Nhưng những hàng cau làng Dạ thì bất chấp tất cả sức mạnh tàn bạo của mùa đông chúng vẫn còn y nguyên những tàu lá vắt vẻo mềm mại như cái đuôi én.
(Theo Ma Văn Kháng)
Gợi ý:
– Chào mào,(2) sáo sậu,(2) sáo đen… Đàn đàn lũ lũ bay đi bay về,(2) lượn lên lượn xuống. Chúng nó gọi nhau,(2) trò chuyện,(2) trêu ghẹo và tranh cãi nhau,(2) ồn ào mà vui không thể tưởng được.
– Trên những ngọn cơi già nua cổ thụ,(1) những chiếc lá vàng còn sót lại cuối cùng đang khua lao xao trước khi từ giã thân mẹ đơn sơ. Nhưng những hàng cau làng Dạ thì bất chấp tất cả sức mạnh tàn bạo của mùa đông,(4) chúng vẫn còn y nguyên những tàu lá vắt vẻo mềm mại như cái đuôi én.
II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Đặt dấu phẩy cho những câu dưới đây:
a) Từ xưa đến nay Thánh Gióng luôn là hình ảnh rực rỡ về lòng yêu nước sức mạnh phi thường và tinh thần sẵn sàng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ta.
b) Buổi sáng sương muối phủ trắng cành cây bãi cỏ. Gió bấc hun hút thổi. Núi đồi thung lũng làng bản chìm trong biển mây mù. Mây bò trên mặt đất tràn vào trong nhà quấn lấy người đi đường.
(Theo Tập đọc lớp 5, 1980)
2. Hãy cho biết các dấu phảy trong các câu trên dùng để đánh dấu ranh giới giữa các bộ phận nào trong câu.
Gợi ý:
– Từ xưa đến nay,(1) Thánh Gióng luôn là hình ảnh rực rỡ về lòng yêu nước,(2) sức mạnh phi thường và tinh thần sẵn sàng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ta.
– Buổi sáng,(1) sương muối phủ trắng cành cây,(2) bãi cỏ. Gió bấc hun hút thổi. Núi đồi,(2) thung lũng,(2) làng bản chìm trong biển mây mù. Mây bò trên mặt đất,(2) tràn vào trong nhà,(2) quấn lấy người đi đường.
3. Tìm thêm các chủ ngữ cho những câu dưới đây (điền vào vị trí những dấu ba chấm):
a) Vào giờ tan tầm, xe ô tô, …, … đi lại nườm nượp trên đường phố.
b) Trong vườn, …, … hoa hồng đua nhau nở rộ.
c) Dọc theo bờ sông, những vườn ổi, …, … xum xuê, trĩu quả.
Gợi ý:
– a: xe máy, xe đạp
– b: hoa cúc, hoa lay ơn
– c: vườn cam, vườn chuối
4. Tìm thêm vị ngữ cho các câu dưới đây (điền vào vị trí những dấu ba chấm):
a) Những chú chim bói cá …, …
b) Mỗi dịp về quê, tôi đều …, …
c) Lá cọ dài, …, …
d) Dòng sông quê tôi …, …
Gợi ý: Tham khảo:
– a: chao mình xuống mặt nước, cắp gọn con mồi.
– b: đến thăm thầy cô, thăm bạn bè cũ.
– c: xoè hình cánh quạt, ánh lên những tia sáng của ánh nắng sớm mai.
– d: quanh năm ngầu đỏ, mang phù sa bồi đắp bãi bờ.
5. Cách dùng dấu phẩy trong câu văn sau đây có gì đặc sắc:
Cối xay tre nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc.