I. VỀ TÁC GIẢ
Nhà văn Võ Quảng sinh năm 1920, quê ở Đại Hoà, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Võ Quảng tham gia cách mạng từ năm 1935, chính thức gia nhập tổ chức Thanh niên Dân chủ ở Huế. Năm 1939, làm tổ trưởng tổ Thanh niên Phản đế ở Huế. Tháng 9 năm 1941, bị giặc Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ. Sau đó bị đưa đi quản thúc vô thời hạn ở xã Đại Hoà. Cách mạng tháng Tám 1945 ông làm uỷ viên Tư pháp thành phố Đà Nẵng, sau đó làm Phó chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Đà Nẵng. Năm 1947 làm Hội thẩm chính trị (tức là Phó chánh án) toà án quân sự miền Nam Việt Nam. Từ 1948 đến 1955 làm Uỷ viên Ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương, đồng thời lần lượt phụ trách Nhà xuất bản Kim Đồng và Xưởng phim hoạt hình. Năm 1971, Võ Quảng về công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, phụ trách Văn học thiếu nhi.
Tác phẩm đã xuất bản: Cái thăng (truyện, 1961); Chỗ cây đa làng (truyện, 1964); Cái mai (truyện, 1967); Những chiếc áo ấm (truyện, 1970); Quê nội (truyện, 1973); Bài học tốt (truyện, 1975); Tảng sáng (truyện, 1978), Vượn hú (truyện, 1993); Kinh tuyến vĩ tuyến (truyện, 1995); Gà mái hoa (thơ, 1957); Thấy cái hoa nở (thơ, 1962); Nắng sớm (thơ, 1965); Anh đom đóm (thơ, 1970); Măng tre (thơ, 1972); Quả đỏ (thơ, 1980); ánh nắng sớm (thơ, 1993); Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Những chiếc áo ấm (kịch bản phim hoạt hình), Tuyển tập Võ Quảng (1998).
Ngoài ra, nhà văn còn viết một số bài nghiên cứu phê bình văn học thiếu nhi, dịch và biên soạn viết bằng tiếng Pháp.
II. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Bài văn miêu tả một cuộc vượt thác của con thuyền theo trình tự thời gian và không gian:
– Con thuyền qua đoạn sông phẳng lặng trước khi đến chân thác;
– Con thuyền vượt qua đoạn sông có nhiều thác dữ;
– Con thuyền ở đoạn sông đã qua thác dữ.
Theo trình tự trên, có thể chia bố cục của bài văn như sau:
– Đoạn 1: Từ đầu đến “Thuyền chuẩn bị vượt nhiều thác nước”.
– Đoạn 2: Từ “Đến Phường Rạnh” đến “thuyền vượt qua khỏi thác Cổ Cò”.
– Đoạn 3: Còn lại.
2. Cảnh dòng sông và hai bên bờ qua sự miêu tả ở trong bài đã đổi thay theo hành trình của con thuyền ngược dòng, theo trật tự không gian. Vị trí quan sát để miêu tả của người kể chuyện trong bài: trên con thuyền nhìn dòng sông và cảnh sắc đôi bờ. Vị trí ấy thích hợp với việc miêu tả cảnh sắc thiên nhiên và hoạt động của con người một cách linh hoạt.
Chẳng hạn:
– Tả cảnh sông ở vùng đồng bằng thì êm đềm, thơ mộng, thuyền rẽ sóng lướt bon bon, tầm nhìn mở ra phóng khoáng: chung quanh là những bãi dâu trải ra bạt ngàn đến tận những làng xa tít”;
– Tả cảnh sắp đến đoạn nguy hiểm có nhiều thác ghềnh thì kéo đối tượng vào cận cảnh: Núi cao như đột ngột hiện ra chắn ngang trước mặt;
– Đến đoạn sông có thác dữ thì đặc tả: Nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn.
3. Cảnh con thuyền vượt thác được miêu tả qua các yếu tố:
– Tinh thần chuẩn bị của con người: nấu cơm ăn để được chắc bụng, ba chiếc sào bằng tre đầu bịt sắt đã sẵn sàng;
– Dòng nước hung hãn: nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn.
Trong khung cảnh đó, hình ảnh dượng Hương Thư được miêu tả nổi bật:
– Ngoại hình gân guốc, chắc khoẻ: đánh trần, như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa;
– Động tác mạnh mẽ, dứt khoát: co người phóng chiếc sào xuống lòng sông nghe một tiếng “soạc” rất mạnh, ghì chặt đầu sào, lấy thế trụ lại.
Miêu tả dượng Hương Thư đối đầu với thác dữ, tác giả đã dùng các cách so sánh:
– Dùng thành ngữ dân gian, so sánh ngang bằng: động tác thả sào và rút sào nhanh như cắt; hình ảnh con người như một pho tượng đồng đúc;
– Dùng hình ảnh cường điệu: dượng Hương Thư “giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ” gợi sự liên tưởng với những hình ảnh huyền thoại anh hùng xưa với tầm vóc và sức mạnh phi thường của những Đam San, Xinh Nhã bằng xương, bằng thịt đang hiển hiện trước mắt người đọc, nhằm khắc hoạ nổi bật và tôn vinh sức mạnh của con người nhằm chế ngự thiên nhiên. Ngoài ra, cách so sánh này còn đối lập mạnh mẽ với một hình ảnh “dượng Hương Thư ở nhà, nói năng nhỏ nhẻ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ” – qua đó tác giả khẳng định một phẩm chất đáng quí của người lao động: khiêm tốn, nhu mì đến nhút nhát trong cuộc đời thường, nhưng lại dũng mãnh, nhanh nhẹn, quyết liệt trong công viêc, trong khó khăn, thử thách.
4*. Ở đoạn đầu và đoạn cuối của bài có hai hình ảnh miêu tả những cây cổ thụ trên bờ sông. Đó là các hình ảnh:
– Dọc sông, những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước.
– Dọc sườn núi, những cây to mọc giữa những bụi lúp xúp nom xa như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước.
Với câu trước, tác giả sử dụng biện pháp nhân hoá hình ảnh chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước (chuyển nghĩa theo biện pháp ẩn dụ): thiên nhiên như cùng có tâm trạng lo lắng trước thử thách mà những người trên thuyền sắp phải đương đầu.
Với câu sau, tác giả sử dụng biện pháp so sánh hình ảnh những cây to mọc giữa những bụi lúp xúp như những cụ già vung tay hô đám con cháu (chuyển nghĩa theo cơ chế hoán dụ): thiên nhiên như cũng phấn khích trước niềm vui chinh phục và chiến thắng những thử thách cam go để tiến về phía trước.
5. Một số cảm nhận về thiên nhiên và con người lao động được miêu tả trong bài văn:
Bài văn miêu tả cảnh vượt thác của con thuyền trên sông Thu Bồn, đoạn từ trước địa phận Phường Rạnh đến Trung Phước. Bằng các biện pháp nghệ thuật tả cảnh, tả người thông qua các hình ảnh nhân hoá và so sánh, tác giả làm nổi bật vẻ đẹp quả cảm của con người trên khung cảnh thiên nhiên vừa thơ mộng vừa dữ dội; đồng thời ca ngợi phẩm chất của con người lao động Việt Nam dũng cảm mà khiêm nhường, giản dị.
III. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Tóm tắt
Bài văn miêu tả dòng sông Thu Bồn và cảnh quan hai bên bờ sông theo hành trình của con thuyền qua những vùng địa hình khác nhau: đoạn sông phẳng lặng trước khi đến chân thác, đoạn sông có nhiều thác dữ và đoạn sông đã qua thác dữ. Bằng việc tập trung vào cảnh vượt thác, tác giả làm nổi bật vẻ hùng dũng và sức mạnh của nhân vật dượng Hương Thư trên nền cảnh thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ.
2. Cách đọc
Khi đọc đoạn văn, cần nhấn giọng ở những chi tiết diễn tả cảnh quan thiên nhiên trên sông và hai bờ dọc chuyến đi, từ vùng đồng bằng vượt thác ghềnh qua vùng núi – mà trung tâm của bức tranh là hình ảnh con người trong cuộc đối mặt với những thử thách của thiên nhiên.
3. Hai bài Sông nước Cà Mau và Vượt thác tuy đều miêu tả cảnh sông nước nhưng phong cảnh thiên nhiên ở mỗi bài lại có những nét riêng và nghệ thuật miêu ảt của mỗi nhà văn cũng vậy.
Cảnh Sông nước Cà Mau có vẻ đẹp rộng lớn, hùng vĩ, gợi về cái sức sống đầy hoang dã. Cảnh sông ngòi chằng chịt và cảnh chợ nổi Năm Căn tấp nập, trù phú cũng là những nét riêng về phong cảnh trong tác phẩm này. Những trang văn Sông nước Cà Mau cho thấy bút pháp miêu tả đặc sắc của nhà văn Đoàn Giỏi. Cảnh vật, con người và cuộc sống biến ảo không ngừng. Nó hiện lên vừa cụ thể lại vừa bao quát dưới ngòi bút của nhà văn.
Vượt thác lại tập trung miêu tả vẻ đẹp hũng dũng của người lao động trên nền cảnh thiên nhiên hoành tráng và hùng vĩ. Giọng văn trong sáng, tươi đẹp, lúc thì mạnh mẽ hào hùng, lúc thì hồn nhiên thơ mộng.