I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Thế nào là lựa chọn trật tự từ trong câu?
a) Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi.
Anh Dậu uốn vai ngáp dài một tiếng. Uể oải, chống tay xuống phản, anh vừa rên vừa ngỏng đầu lên. Run rẩy cất bát cháo, anh mới kề vào đến miệng, cai lệ và người nhà lí trưởng đã sầm sập tiến vào với những roi song, tay thước và dây thừng.
Gõ đầu roi xuống đất, cai lệ thét bằng giọng khàn khàn của người hút nhiều xái cũ:
– Thằng kia! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à? Nộp tiền sưu! Mau!
(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)
– Có thể thay đổi trật tự từ trong câu in đậm theo những cách nào mà không làm thay đổi nghĩa cơ bản của câu?
– Vì sao tác giả chọn trật tự từ như trong đoạn trích?
– Hãy thử chọn một trật tự từ khác và nhận xét về tác dụng của sự thay đổi ấy.
Gợi ý:
– Có thể thay đổi câu in đậm theo các cách sau:
(1) Cai lệ gõ đầu roi xuống đất, thét bằng giọng khàn khàn của người hút nhiều xái cũ.
(2) Cai lệ thét bằng giọng khàn khàn của một người hút nhiều xái cũ, gõ đầu roi xuống đất.
(3) Gõ đầu roi xuống đất, bằng giọng khàn khàn của một người hút nhiều xái cũ, cai lệ thét.
(4) Bằng giọng khàn khàn của một người hút nhiều xái cũ, cai lệ gõ đầu roi xuống đất, thét.
(5) Bằng giọng khàn khàn của một người hút nhiều xái cũ, gõ đầu roi xuống đất, cai lệ thét.
(6) Thét bằng giọng khàn khàn của một người hút nhiều xái cũ, cai lệ gõ đầu roi xuống đất.
– Tác giả chọn trật từ từ như câu trên là để đảm bảo sự liên kết với các câu trước và sau câu đó. Đồng thời cách sắp xếp như vậy cũng có tác dụng nhấn mạnh sự hung hãn của nhân vật tên cai lệ.
– Có thể rút ra nhận xét: mỗi trật tự từ sẽ cho một hiệu quả biểu đạt ý khác nhau.
b) Trong tiếng Việt, cấu trúc câu văn thông thường là cấu trúc chủ – vị (chủ ngữ đứng trước – vị ngữ đứng sau). Trong bài văn nghệ thuật trật tự các thành phần câu có thể thay đổi, có thể được biến hoá rất linh hoạt. Tuy nhiên, sự thay đổi đó phải phù hợp với văn cảnh, ngữ cảnh, sao cho đạt hiệu quả cao nhất, chứ không phải là sự thay đổi, biến hoá tuỳ tiện.
Khi thay đổi trật tự từ trong câu mà không làm thay đổi ý nghĩa cơ bản của câu, người ta gọi đó là lựa chọn trật tự từ trong câu. Thông thường, mỗi câu có thể có nhiều cách sắp xếp trật tự từ, mỗi cách sắp xếp đem lại một hiệu quả diễn đạt riêng, thể hiện được ý đồ, thái độ nhất định của người nói, người viết.
Ví dụ 1:
– Lạch cạch cái xe ngựa chuyển bánh (nhấn mạnh vào hành động của chiếc xe ngựa).
– Chiếc xe ngựa chuyển bánh lạch cạch (miêu tả sự việc một cách thông thường).
Ví dụ 2 :
– Trên xe người đàn bà ngồi chỗm chệ.
– Trên xe, ngồi chỗm chệ một người đàn bà.
Þ Nhấn mạnh vào đặc điểm hành động ngồi của chủ thể: người đàn bà.
2. Một số tác dụng của sự lựa chọn, sắp xếp trật tự từ
a) Trật tự từ trong nững bộ phận in đậm dưới đây thể hiện điều gì?
(1) Người nhà lí trưởng hình như không dám hành hạ một người ốm nặng, sợ hoặc xảy ra sự gì, hắn cứ lóng ngóng ngơ ngác, muốn nói mà không dám nói. Đùng đùng, cai lệ giật phắt cái dây thừng trong tay anh này và chạy sầm sập đến chỗ anh Dậu.
Chị Dậu xám mặt, vội vàng đặt con xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay hắn.
(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)
(2) Anh Dậu uốn vai ngáp dài một tiếng. Uể oải, chống tay xuống phản, anh vừa rên vừa ngỏng đầu lên. Run rẩy cất bát cháo, anh mới kề vào đến miệng, cai lệ và người nhà lí trưởng đã sầm sập tiến vào với những roi song, tay thước và dây thừng.
(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)
Gợi ý:
– Trong ví dụ (1), trật tự từ trong cả hai phần in đậm đều thể hiện thứ tự trước sau của các hành động.
– Trong ví dụ (2), trật tự từ trong phần in đậm thứ nhất thể hiện thứ bậc cao thấp của các nhân vật (cũng có thể trật tự ấy thể hiện thứ tự xuất hiện của các nhân vật). Còn trong cụm từ in đậm còn lại, trật tự từ tương ứng với cụm từ đứng trước đó, tương ứng với những vận dụng mà các nhân vật, trước đó mạng theo (cai lệ mang roi, người nhà lí trưởng mang thước và dây thừng).
b) So sánh tác dụng của những cách sắp xếp trật tự từ trong các bộ phận câu in đậm dưới đây:
(1) Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người.
(Thép Mới, Cây tre Việt Nam)
(2) Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín, giữ làng, giữ nước. Tre hi sinh để bảo vệ con người.
(3) Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín, giữ nước. Tre hi sinh để bảo vệ con người.
Gợi ý: Trong những cách nêu trên, cách nào gợi âm hưởng, tiết tấu, nhịp điệu hay hơn? (Cách viết của nhà văn Thép Mới).
c) Việc lựa chọn trật tự từ trong câu không làm thay đổi ý nghĩa cơ bản của câu. Nó có tác dụng đem lại cho câu một ý nghĩa bổ sung nào đó, như:
– Thể hiện thứ tự nhất định của sự vật, hiện tượng, hoạt động.
– Nhấn mạnh hình ảnh, đặc điểm của sự vật, hiện tượng.
– Có tác dụng liên kết với các câu khác trong văn bản
– Trật tự từ đảm bảo sự hài hoà về ngữ âm và lời nói.
II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
Giải thích lí do sắp xếp trật tự từ trong những bộ phận câu và câu in đậm dưới đây:
a) Lịch sử ta có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào về những trang sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vị các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.
(Hồ Chí Minh, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)
b) Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước bình ca.
(Tố Hữu, Ta đi tới)
c) – ấy cũng may cho cô, vơ vẩn mãi ở ngoài phố thế này mà gặp mật thám hay đội con gái thì khốn.
– Mật thám tôi cũng chả sợ, đội con gái tôi cũng chả cần.
(Nguyễn Công Hoan, Người ngựa, ngựa người)
Gợi ý:
a) Trật tự từ được sắp xếp theo thứ tự xuất hiện của các vị anh hùng trong lịch sử.
b) – Cụm từ Đẹp vô cùng được đặt lên trước hô ngữ Tổ quốc ta ơi để nhằm nhấn mạnh niềm vui trước sự rạng ngời, tươi đẹp của non sông sau ngày giải phóng.
– Trong khi đó, từ hò ô được đảo lên trước tiếng hát để hiệp vần với từ sông Lô trước đó nhằm tạo ra âm hưởng kéo dài, gợi ra sự mênh mông của sông nước. Đồng thời cũng giúp cho từ tiếng hát hiệp vần với câu thơ trước (ngào ngạt). Trật tự từ được sắp xếp như vậy là nhằm đảm bảo sự hài hoà về âm điệu cho thơ.
c) Cụm từ Mật thám và đội con gái được nhà văn Nguyễn Công Hoan xếp lên đầu hai vế của câu in đậm là để cho nó tương ứng với trình tự xuất hiện của những từ này ở câu trên.