Soạn bài Danh từ

23.09.2014
Huy Nguyễn

Soạn bài Danh từ

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Đặc điểm của danh từ

a) Hãy xác định danh từ trong cụm danh từ in đậm dưới đây:

Vua sai ban cho làng ấy ba thúng gạo nếp với ba con trâu đực, ra lệnh phải nuôi làm sao cho ba con trâu ấy đẻ thành chín con …

(Em bé thông minh)

– Danh từ trong cụm từ in đậm là: Con trâu.

b) Xung quanh danh từ trong cụm danh từ nói trên có những từ nào?

Gợi ý:

– Trong cụm danh từ đã nêu, đứng trước danh từ trung tâm là từ “ba” (một số từ, có tác dụng chỉ số lượng), đứng sau danh từ trung tâm là từ “ấy” (phụ từ chỉ định, có tác dụng giúp xác định rõ sự vật, hiện tượng được gọi tên).

c) Tìm các danh từ khác trong câu đã dẫn.

Gợi ý: có thể tìm và sắp xếp các danh từ theo nhóm chỉ người và chỉ vật.

– Danh từ chỉ người như: vua.

– Danh từ chỉ vật như: làng, thúng, con, gạo, trâu.

d) Từ những ví dụ trên, có thể rút ra kết luận, danh từ là những từ thường dùng để chỉ người, chỉ vật, hiện tượng, khái niệm,…

e) Đặt câu với các danh từ vừa tìm được.

Ví dụ: + Nhà vua trực tiếp ban thưởng cho những tướng lĩnh có công.

+ Ngôi làng nằm sát mép bờ sông.

2. Danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật

Xem xét ví dụ sau để nắm được đặc điểm của danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật:

– ba con trâu

– một viên quan

– ba thúng gạo

– sáu tạ thóc

a) Có thể chia các danh từ đứng cạnh nhau thành hai nhóm: nhóm danh từ đứng trước chỉ đơn vị và nhóm danh từ đứng sau chỉ sự vật.

b) Hãy thay các từ con, viên, thúng, tạ trong ví dụ trên bằng các từ khác tương tự, rồi nhận xét về ý nghĩa tính đếm, đo lường của các cụm danh từ. Trường hợp nào ý nghĩa tính đếm, đo lường thay đổi, trường hợp nào không?

Gợi ý:

– Thay con bằng chú, thay viên bằng ông, thay thúng bằng bơ, thay tạ bằng yến.

– Thay ba con trâu bằng ba chú trâu, một viên quan bằng một ông quan thì ý nghĩa về số lượng không thay đổi.

– Thay ba thúng gạo bằng ba bơ gạo, sáu tạ thóc bằng sáu yến thóc thì ý nghĩa về số lượng thay đổi.

– Các danh từ kiểu con, viên, chú, ông – không làm thay đổi ý nghĩa về tính đếm, đo lường của cụm danh từ – được gọi là danh từ chỉ đơn vị tự nhiên. Các danh từ kiểu thúng, bơ, tạ, yến – có làm thay đổi ý nghĩa về tính đếm, đo lường – được gọi là danh từ chỉ đơn vị quy ước.

c) Hai câu sau đây, câu nào đúng, câu nào sai? Vì sao?

(1) Nhà có ba thúng gạo rất đầy.

(2) Nhà có sáu tạ thóc rất nặng.

Gợi ý:

– Câu (1) đúng, câu (2) sai.

– Câu (2) sai, vì: “tạ” là đơn vị cân đong quy ước, chính xác nên không thể dùng với ý nghĩa đánh giá (rất nặng) được. Còn “thúng” là từ chỉ đơn vị tính đếm ước chừng thì có thể dùng với ý nghĩa đánh giá (đầy) được.

d) Danh từ tiếng Việt được chia thành hai loại lớn: danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật. Khi sử dụng danh từ chỉ đơn vị cần lưu ý điều gì?

Gợi ý:

– Danh từ chỉ đơn vị gồm hai nhóm: danh chỉ đơn vị tự nhiên và danh từ chỉ đơn vị quy ước.

– Khi sử dụng danh từ chỉ đơn vị quy ước cần chú ý phân biệt danh từ chỉ đơn vị chính xác và danh từ chỉ đơn vị ước chừng. Danh từ chỉ đơn vị tính đếm, đo lường chính xác thì không dùng với ý nghĩa đánh giá.

II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

1. Hãy liệt kê một số danh từ chỉ sự vật mà em biết. Đặt câu với một trong các danh từ ấy. Ví dụ: xe máy, sách, bút, bàn, bảng,…

(Quyển sách này rất hay.)

2. Liệt kê các danh từ chỉ đơn vị tự nhiên và đặt câu với một trong các danh từ ấy:

a) Chuyên đứng trước danh từ chỉ người, ví dụ: ông, vị, cô, …

b) Chuyên đứng trước danh từ chỉ đồ vật, ví dụ: cái, bức, tấm, …

Gợi ý:

– Danh từ chỉ đơn vị tự nhiên chuyên đứng trước danh từ chỉ người: viên, ngài, cu, bé,… (Năm nay bé An nhà tôi lên ba tuổi.)

– Danh từ chỉ đơn vị tự nhiên chuyên đứng trước danh từ chỉ đồ vật: chiếc, quyển, quả,… (Chiếc bút máy của em viết rất tốt.)

3. Liệt kê các danh từ theo yêu cầu sau và đặt câu với một trong các danh từ ấy:

a) Chỉ đơn vị quy ước chính xác, ví dụ: mét, lít, ki-lô-gam, …

b) Chỉ đơn vị quy ước ước chừng, ví dụ: nắm, mớ, đàn, …

Gợi ý:

– Danh từ chỉ đơn vị quy ước chính xác: ki-lô-mét, yến, lạng,… (Nhà tôi cách trường hai ki-lô-mét.)

– Danh từ chỉ đơn vị quy ước ước chừng: vốc, nhúm, khoảnh,… (Bà tôi trồng rau cải ở khoảnh vườn sau nhà.)

4. Tìm các danh từ và phân loại thành nhóm danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật trong đoạn văn sau:

Người ta kể lại rằng, ngày xưa có một em bé rất thông minh tên là Mã Lương. Em thích học vẽ từ nhỏ. Cha mẹ em đều mất sớm. Em chặt củi, cắt cỏ, kiếm ăn qua ngày, nhưng vẫn nghèo đến nỗi không có tiền mua bút. […] Em dốc lòng học vẽ, hằng ngày chăm chỉ luyện tập. Khi kiếm củi trên núi, em lấy que củi vạch xuống đất, vẽ những con chim đang bay trên đỉnh đầu. Lúc cắt cỏ ven sông, em nhúng tay xuống nước rồi vẽ tôm cá trên đá. Khi về nhà, em vẽ các đồ đạc trong nhà lên tường, bốn bức tường dày đặc các hình vẽ.

(Cây bút thần)

Gợi ý:

– Các danh từ chỉ đơn vị: em, que, con, bức,…

– Các danh từ chỉ sự vật: Mã Lương, cha mẹ, bút, núi, củi, đất, cỏ, sông,…

Facebook Google Plus Twitter
Cùng chuyên mục
Thân bài phân tích tâm trạng Nguyễn Khuyến qua thu điếu
Viết một đoạn văn (7 đến 10 câu) về một buổi biểu diễn nghệ thuật
Bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số tác phẩm văn học trung đại đã học: Độc Tiểu Thanh ký (Nguyễn Du), Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm), Cung oán ngâm (Nguyễn Gia Thiều)
Vẻ đẹp của con người việt nam qua ca dao, dân ca
Tác Giả Nguyễn Thi