Trong bài thơ câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến, cảnh thu được đón nhận từ gần đến cao xa rồi từ cao xa trở lại gần: từ chiếc thuyền câu nhìn ra mặt ao, nhìn lên bầu trời, nhìn tới ngõ trúc rồi lại trở về với ao thu, với thuyền câu. Từ một khung ao nhỏ, không gian mùa thu mở ra nhiều hướng thật sinh động.
Cảnh trong thu điếu là “điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”. Không khí mùa thu được gợi lên từ sự dịu nhẹ, thanh sơ của cảnh vật. Nét riêng của làng quê bắc bộ, cái hồn dân đã được gợi lên từ khung ao hẹp, từ cánh bèo, từ ngõ trúc quanh co.
Cảnh trong bài thơ là cảnh đẹp nhưng tĩnh lặng và đượm buồn. Không gian trong câu cá mùa thu là một không gian tĩnh, vắng người, vắng tiếng: Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. Các chuyển động rất nhẹ, rất khẽ không đủ tạo âm thanh: sóng hơi gợn, mây lơ lửng, lá khẽ đưa. Một tiếng động duy nhất là tiếng cá đớp bọt nước càng làm tăng lên sự yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật. Cái tĩnh bao trùm được gợi lên từ một cái “động” rất nhỏ. Đây là nghệ thuật lấy “động” nói “ tĩnh”, một thủ pháp nghệ thuật gợi tả quen thuộc của thơ xưa.
– Nóicâu cá nhưng thực ra không phải chú ý vào việc câu cá. Nói câu cá nhưng thực ra là đón nhận trời thu, cảnh thu vào cõi lòng.
Cõi lòng nhà thơ yên tĩnh, vắng lặng. Tĩnh lặng trong cảm nhận dộ trong veo của nước, cái hơi gợn tý của sóng, cái độ rơi khe khẽ của lá. Đặc biệt sự tĩnh lặng trong tâm hồn thi nhân được gợi lên một cách sâu sắc từ tiếng động duy nhất của bài thơ: tiếng cá đớp bọt nước dưới chân bèo. Cái động rất nhỏ ở ngoại cảnh lại gây ấn tượng đậm đến thế, vì tâm cảnh trong sự tĩnh lặng tuyệt đối.
-Sự tĩnh lặng đem đến sự cảm nhận về một nỗi cô quạnh, uẩn khúc trong lòng nhà thơ. Bức tranh thu điếu xuất hiện nhiều gam màu lạnh: độ xanh trong của nước, độ xanh biếc của sóng, độ xanh ngắt của trời. Cái lạnh của cảnh, của ao thu, trời thu thấm vào tâm hồn nhà thơ hay chính cái lạnh từ tâm hồn nhà thơ lan toả ra cảnh vật? có người cho rằng câu thơ Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo có phần không hợp lý: lá vàng khẽ đưa trước gió không thể có độ “ vèo” khi bay. thực ra điều đó có vẻ không hợp lý ấy lại rất lô gíc, rất thống nhất tâm trạng. Từ “vèo” chính là sự thể hiện tâm sự thời thế của nhà thơ, một tâm sự đau buồn trước hiện tình đất nước đầy đau thương. Thời thế thay đổi quá nhanh, non sông mất vào tay giặc mà mình không làm được gì để giúp đời, cứu nước.
Tiếng Việt trong bài thơ giãn dị, trong sáng đến kỳ lạ,có khả năng diễn đạt những biểu hiện rất tinh tế của sự vật, những tâm sự thầm kín rất khó giải bày. Đặc biệt vần eo – “tử vận”, oái oăn, khó gieo- được Nguyễn Khuyến được sử dụng một cách thần tình. Đây không đơn thuần là hình thức chơi chữ mà chính là dùng vần để biểu đạt nội dung. Vần eo góp phần diễn tả một không ian nhỏ dần khép kín, phù hợp với tân trạng đầy uẩn khúc cá nhân.