1. Các vấn đề có thể chọn để trình bày
– Lựa chọn trang phục của học sinh, thanh niên thế nào cho phù hợp?
– Tại sao cần phải tôn trọng và đối xử bình đẳng với bạn nữ?
– Vì sao phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông?
– Làm thế nào để có một môi trường xanh, sạch, đẹp?
2. Lập đề cương trình bày vấn đề đã chọn
Gợi ý: Ở đây, đối tượng nghe là các bạn trong lớp. Tuỳ theo từng vấn đề trình bày mà cách thức trình bày có thể khác nhau nhưng nhìn chung đề cương trình bày phải đảm bảo theo bố cục 3 phần (Mở đầu, Nội dung cơ bản và Kết thúc).
Có thể tham khảo các ý cho từng vấn đề trình bày sau đây:
– Lựa chọn trang phục của học sinh, thanh niên thế nào cho phù hợp?
+ Mở đầu: Trong cuộc sống, việc lựa chọn trang phục phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng; Thanh niên, học sinh cũng cần phải lựa chọn trang phục cho phù hợp.
+ Nội dung cơ bản: Trang phục phù hợp là trang phục đẹp; Đối với học sinh, trang phục đẹp nghĩa là phải phù hợp với lứa tuổi đi học, phù hợp với môi trường học đường, thuận tiện cho công việc học tập, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, hoà đồng với tập thể trường, lớp,… phù hợp với từng hoạt động (học tập trên lớp, ngày lễ, dạ hội, lao động,…); Cần phê phán cách ăn mặc chạy theo thời trang mà không phù hợp với thẩm mĩ học đường;
+ Kết thúc: Việc lựa chọn trang phục thể hiện ý thức văn hoá của người thanh niên, học sinh,…
– Tại sao cần phải tôn trọng và đối xử bình đẳng với bạn nữ?
+ Mở đầu: Vấn đề bình đẳng nam nữ; Cần phải tôn trọng và đối xử bình đẳng với bạn nữ.
+ Nội dung cơ bản: Trong xã hội Việt Nam hiện nay, hiện tượng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn, nó biểu hiện trong quan hệ xã hội, trong quan hệ gia đình và ngay cả trong nhà trường phổ thông; Cần phải tôn trọng, đối xử bình đẳng với bạn gái vì: vẻ đẹp của phụ nữ cần được tôn trọng, bảo vệ, bạn gái là phái yếu,…; Những biểu hiện cụ thể của thái độ tôn trọng, đối xử bình đẳng với bạn gái: lời nói, hành động,…; Việc tôn trọng bạn gái không hề làm giảm đi nam tính, mà ngược lại càng khiến hình ảnh người nam giới thêm đẹp,…; Cần phê phán những biểu hiện thiếu tôn trọng, phân biệt đối xử với bạn gái: ngoài xã hội, trong trường, trong lớp,…
+ Kết thúc: Khẳng định và kêu gọi mọi người tôn trọng, đối xử bình đẳng với bạn gái; Có thể đưa ra những tình huống đã gặp trong thực tế để thảo luận,…
– Vì sao phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông?
+ Mở đầu: Mỗi người cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; Việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đang là vần đề bức thiết.
+ Nội dung cơ bản: Tai nạn giao thông ở nước ta đang ở tình trạng báo động; Một trong những nguyên nhân cơ bản gây tai nạn giao thông là ý thức chấp hành phát luật về giao thông chưa cao; Ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của học sinh còn thấp, những biểu hiện cụ thể: học sinh đi trên đường giờ đến lớp, giờ tan học,…; Những giải pháp góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, nhất là đối với học sinh,…
+ Kết thúc: Kêu gọi các bạn cùng chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông; Có thể đưa ra một tình huống hoặc một kiến nghị của mình để tiếp tục thảo luận,…
– Làm thế nào để có một môi trường xanh, sạch, đẹp?
+ Mở đầu: Môi trường sống có tầm quan trọng đặc biệt; Cần phải có những hành động cụ thể để có một môi trường xanh, sạch, đẹp.
+ Nội dung cơ bản: Môi trường xanh, sạch, đẹp: cây xanh, đảm bảo vệ sinh, không ô nhiễm, đảm bảo mĩ quan; Thực trạng môi trường hiện nay và cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm môi trường: chặt phá rừng, thiếu cây xanh, rác thải bừa bãi, chất thải độc hại, ô nhiễm nguồn nước, thiếu mĩ quan,…; Những hành động cụ thể để có một môi trường xanh, sạch, đẹp: ngăn chặn nạn phá rừng, tăng cường trồng cây xanh, không vứt rác bừa bãi, giữ vệ sinh trường lớp, phát động phong trào “Vì một môi trường xanh, sạch, đẹp” trong trường, lớp,…
+ Kết thúc: Kêu gọi mọi người cùng tham gia bảo vệ môi trường, vì chính sự sống của mình,…
3. Hướng dẫn trình bày trước lớp
a) Lựa chọn vấn đề trình bày với đề cương đã chuẩn bị
c) Trình bày vấn đề trước lớp theo đề cương đã chuẩn bị
Chú ý:
– Hướng tới đối tượng nghe (các bạn trong lớp)
– Trình bày rõ ý, nhấn vào những ý trọng tâm
– Cần biết đưa ra những dẫn chứng cụ thể để lập luận của mình thêm sức thuyết phục
– Khi trình bày, cần kết hợp điều chỉnh giọng nói với cử chỉ, nét mặt và quan sát thái độ của người nghe.
d) Lắng nghe ý kiến nhận xét, trao đổi về phần trình bày của mình; tự rút kinh nghiệm về kĩ năng trình bày một vấn đề.