Luyện nói bài văn giải thích một vấn đề

22.09.2014
Huy Nguyễn

Luyện nói bài văn giải thích một vấn đề

1. HƯỚNG DẪN CHUẨN BỊ Ở NHÀ

Với một trong các đề văn sau, hãy lập dàn bài cho bài văn nói.

(1) Trường em tổ chức một cuộc thi giải thích các câu tục ngữ. Để tham gia cuộc thi đó, em hãy chọn một câu tục ngữ mình tâm đắc và giải thích nó.

(2) Vì sao những tấn trò mà Va-ren bày ra với Phan Bội Châu lại được Nguyễn Ái Quốc gọi là những trò lố ?

(3) Vì sao nhà văn Phạm Duy Tốn lại đặt nhan đề Sống chết mặc bay cho truyện ngắn của mình?

(4) Em thường đọc những sách gì? Hãy giải thích vì sao em thích đọc loại sách ấy.

Gợi ý:

– Thực hiện các bước Tìm hiểu đề và tìm ý, Lập dàn bài theo bố cục ba phần.

– Tra từ điển, hoặc chú thích ở bài đọc văn bản để giải nghĩa các từ ngữ quan trọng của vấn đề sẽ giải thích. Ví dụ: tra từ điển giải thích tục ngữ để nắm được nghĩa của câu tục ngữ mình chọn để giải thích (1), xem chú thích để hiểu thế nào là trò lố, tra Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam để biết thế nào là Sống chết mặc bay, …

– Chú ý sắp xếp các ý theo trình tự trước – sau hợp lí. Ví dụ: Để giải thích Vì sao những tấn trò mà Va-ren bày ra với Phan Bội Châu lại được Nguyễn Ái Quốc gọi là những trò lố, nên giải thích ý nghĩa của cụm từ trò lố trước, tiếp theo nói rõ những trò của Va-ren là gì, rồi giải thích những trò ấy lố ở chỗ nào.

– Đây là bài văn giải thích ở dạng nói nên cần chú ý:

+ Không viết thành văn để đọc;

+ Chuẩn bị trước những câu nói chuyển đoạn, có thể có những câu xưng hô với người nghe để tăng hiệu quả thuyết phục;

– Tập nói trước ở nhà theo dàn bài. Có thể đứng trước gương để tự điều chỉnh điệu bộ, cử chỉ,…

2. HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH TRÊN LỚP

– Thực hành theo yêu cầu của thầy, cô giáo

– Chú ý điều chỉnh giọng nói, ngữ điệu khi trình bày sao cho rõ ràng, mạch lạc, có sắc thái biểu cảm khi cần thiết, nhấn mạnh những nội dung giải thích trọng tâm; cần tập tư thế đĩnh đạc, tự tin, từ tốn; khi nói nên chú ý hướng tới người nghe.

– Nếu có hình thức thực hành theo tổ thì:

+ Chú ý nghe các bạn khác nói để tự rút kinh nghiệm cho mình;

+ Trao đổi, bàn bạc với các bạn về dàn bài để điều chỉnh nếu cần thiết;

+ Chú ý nghe nhận xét của thầy cô giáo, của các bạn.

Facebook Google Plus Twitter
Cùng chuyên mục
Tả chiếc đồng hồ báo thức
Phân tích nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ
Thuyết minh về chiếc áo dài
Những giá trị tư tưởng và nghệ thuật của thơ lãng mạn qua một số tác phẩm thời kì 1930-1945
Hãy tả con lợn nhà em