Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh
Tình trạng: Hoàn thành.
Post bởi: HaySo1.Vn
**********************
Nga ngồi một mình trong lớp, hồi hộp đợi chuông reo.
Chưa đến giờ vào học, mọi người còn ở cả bên ngoài, một số chơi trong sân, số khác tụ tập ngoài hành lang. Thỉnh thoảng một khuôn mặt thò vào cửa sổ, dòm dáo dác rồi biến mất sau khi ném một cái nhìn tò mò về chỗ Nga ngồi.
Nga cố trấn tĩnh. Nó len lén đặt tay lên ngực trấn áp cơn xúc động. Cũng như mọi học sinh chuyển đến trường mới, Nga cảm thấy lo lắng không đâu. Lớp mới này, Nga chưa quen ai, trừ Hạnh. Hạnh là lớp trưởng. Khi nãy, thấy Nga đứng ngơ ngác trước cửa lớp, Hạnh bước lại hỏi:
– Bạn là Nga phải không?
Nga nhìn Hạnh, ngạc nhiên:
– Ủa, sao chị biết?
Hạnh cười:
– Đừng gọi mình là chị. Mình tên Hạnh. Cô chủ nhiệm báo cho mình biết. Mình là lớp trưởng.
Hạnh giới thiệu một lèo, rồi không để cho Nga kịp hỏi lại, nó kéo tay Nga dắt đến dãy bàn cuối lớp, nói:
– Chỗ ngồi của Nga ở đây. Nga ngồi kế mình.
– Hạnh thuộc loại người liến thoắng, nhanh nhẩu, miệng nói tay làm. Nga chưa kịp có ý kiến, nó đã vớ lấy chiếc cặp của cô bạn mới nhét vào ngăn bàn. Trước nhiệt tình của Hạnh, Nga chỉ biết lúng túng đứng nhìn.
Để khỏa lấp bối rối, Nga hắng giọng hỏi:
– Bàn này chỉ có Nga và Hạnh thôi hả?
Hạnh nheo nheo mắt, giọng hóm hỉnh:
– Bàn ba người. Hạnh, rồi tới Nga, rồi tới… thằng quỷ nhỏ!
Nga giật mình:
– Hạnh nói gì? Thằng quỷ nhỏ là sao?
Hạnh mỉm cười bí mật:
– Lát nữa Nga sẽ biết!
Nói xong, Hạnh bỏ ra ngoài.
Nga ngồi lại một mình, lòng hoang mang tột độ. Lạ thầy lạ bạn, Nga đã thấy lo âu. Bây giờ lại thêm thằng quỷ nhỏ nào đó ngồi bên cạnh nữa, chắc Nga xỉu. Suốt từ đó cho đến lúc chuông reo vào học, Nga cứ nhìn lom lom ra cửa. Nhưng Nga chẳng thấy gì lạ. Nó chỉ nghe trái tim mình đập hồi hộp trong ngực.
Chuông reo, cả lớp xếp hàng. Nga bước ra khỏi lớp và trước khi đứng vào hàng sau lưng Hạnh, nó khẽ đưa mắt nhìn lướt qua đám con trai đang xếp hàng kế bên, kín đáo dò xem nhân vật nào là thằng quỷ nhỏ, nhưng nó không thể đoán định được. Những khuôn mặt vui nhộn và rạng rỡ kia chẳng có gì khả nghi. Hay “hắn” mang biệt danh đó là do “hắn” phá phách không ai chịu nổi? Nga thầm nghĩ và lại liếc sang dãy con trai, tò mò quan sát.
Trong một thoáng, Nga nhận ra anh chàng đứng hàng thứ ba là một tay chúa nghịch ngợm. Đang đứng, thình lình anh ta giả vờ mất thăng bằng, bước lui một bước và giẫm lên chân người đứng sau một cú thật lực khiến nạn nhân kêu lên oai oái. Trên kia, cô chủ nhiệm trừng mắt ngó xuống nhưng anh chàng tinh quái đã kịp lấy lại tư thế nghiêm trang và bây giờ trông anh ta hiền như cục bột. Nhưng cô giáo vừa quay đi, anh ta liền thò tay vỗ vai người đứng trước và kề tai nói nhỏ gì đó. Nga hiểu ngay là anh ta giả vờ, bởi vì anh ta buông tay ra, trên vai áo của nạn nhân đã xuất hiện một tấm hình “xì- trum”, loại hình người ta vẫn bán để dán lên xe gắn máy.
Trò quỷ thuật của anh ta khéo léo và tự nhiên đến nỗi nạn nhân chẳng mảy may nghi ngờ, cứ đứng trơ như phỗng, trong khi đó, đám đứng sau che miệng cười khúc khích. Cả Nga cũng không nhịn được cười. Và nó thở phào: “Hóa ra thằng quỷ nhỏ là anh chàng này!”.
Quả nhiên khi vào lớp, sau khi đảo mắt quan sát một vòng, anh chàng kia lững thững ôm tập tiến về phía bàn : Dt và ngồi xuống cạnh Nga.
Bằng một phản xạ tự nhiên, Nga khẽ nhích vô trong. Thằng quỷ nhỏ liếc Nga một cái, trịnh trọng hỏi:
– Cô bé mới chuyển trường về đây hả?
Nga sầm mặt. Nga ghét nhất ai gọi mình là “cô bé”. Thằng quỷ nhỏ này trạc tuổi Nga mà giở giọng đàn anh, Nga càng khó chịu. Thấy Nga không trả lời, thằng quỷ nhỏ hừ mũi:
– Này cô bé mặt lạnh, cô nghe tôi hỏi không?
Nga lạnh lùng:
– Tôi không phải là cô bé. Tôi tên Nga.
Thằng quỷ nhỏ có vẻ bất ngờ trước phản ứng của Nga. Nó cười cười, hạ giọng:
– À, thì ra cô tên Nga. Cô thuộc loại “cứng cổ” đấy!
Bị kêu “cứng cổ”, Nga nổi sùng, sự rụt rè cố hữu của một học sinh mới bay vèo đâu mất. Nó vặc lại:
– Cổ tôi cứng kệ tôi, không mắc gì đến anh!
Thái độ cứng cỏi của Nga làm thằng quỷ nhỏ xụi lơ. Nó chán nản, giọng xìu như bún:
– Kệ thì thôi!
Kể từ lúc đó, thằng quỷ nhỏ chúi mũi vào cuốn tập mở trước mặt, chẳng buồn cà khịa với cô bé cứng cổ nữa. Nga cũng chẳng thèm đếm xỉa đến đối phương, nó ngồi thẫn thờ nhìn ra cửa chờ Hạnh về. Bạn bè mới chưa quen ai, Nga chỉ có thể nói chuyện với Hạnh. Lẽ ra, nó cũng có thể trò chuyện với thằng quỷ nhỏ, ngồi cạnh nhau bao giờ cũng dễ làm quen. Nhưng thằng quỷ nhỏ cứ khoái chơi trội, Nga mới nói qua nói lại một hai câu, đã muốn gây sự rồi.
Nga chong mắt một hồi đã thấy Hạnh về. Nó cầm theo hộp phấn và cuốn sổ gọi tên và ghi điểm. Đặt tất cả lên bàn cô, Hạnh vội vã rảo bước về chỗ ngồi. Nhưng chưa kịp ngồi vào chỗ, Hạnh nhác thấy thằng quỷ nhỏ ngồi kế bên Nga, nó liền nghiêm mặt lại:
– Sao Luận lại ngồi đây? Về chỗ cũ đi!
À, anh ta tên Luận! Nga nhủ bụng nhưng nó chưa kịp nghĩ ngợi gì thêm đã nghe Luận ấp úng đáp lời Hạnh:
– Ngồi đây một bữa đâu có sao!
Hạnh hừ giọng:
– Đừng lộn xộn! Đây đâu phải chỗ ngồi của ông!
Luận cười nhăn nhở:
– Nhưng thằng quỷ nhỏ bữa nay đâu có đi học! Tôi xuống đây ngồi cho… mát!
Hạnh khoát tay, giọng cương quyết:
– Thôi, đừng có giở trò! Lên trên kia đi! Không lên, tôi méc cô à!
Nghe dọa méc cô, Luận không dám nấn ná. Nó vội vàng quơ tập vở tót lên bàn trên. Té ra chỗ ngồi của nó ở trên kia, cách chỗ Nga đến hai dãy bàn.
Tuy nhiên, Luận ngồi đâu, điều đó không quan trọng đối với Nga. Nó chỉ ngạc nhiên về việc Luận không phải là… thằng quỷ nhỏ như nó tưởng. Cuộc đối thoại giữa Hạnh và Luận khiến Nga vô cùng sửng sốt.
Đợi cho Luận ôm tập ra khỏi chỗ ngồi, Nga mới quay sang Hạnh, giọng ngơ ngác như vừa từ cung trăng xuống:
– Ủa, Luận không phải là… thằng quỷ nhỏ hả?
Hạnh lắc đầu:
– Thằng quỷ nhỏ bữa nay nghỉ học.
Nga không kềm được thắc mắc:
– Nhưng thằng quỷ nhỏ là ai ? Sao lại gọi anh ta bằng cái tên như vậy?
Hạnh vẫn cười cười:
– Ngày mai Nga sẽ biết.
Thấy Hạnh không chịu nói, Nga ấm ức lắm. Nó tính làm mặt giận, không thèm hỏi chuyện Hạnh nữa. Nhưng rồi không ngăn được tò mò, nó lại hỏi dò:
– Chắc anh ta phá lắm hả?
Hạnh lắc đầu.
– Hay là anh ta học dở nhất lớp? – Nga lại hỏi.
Hạnh liếc Nga, khẽ nói:
– Thằng quỷ nhỏ là một học sinh giỏi. Nhưng thôi, Nga đừng hỏi nữa. Lo chép bài đi kìa!
Chẳng biết làm sao, Nga đành phải lật tập chép bài. Nhưng tay thì chép mà đầu óc Nga cứ nghĩ ngợi vẩn vơ về nhân vật bí ẩn kia. Không hiểu anh ta là người như thế nào mà Hạnh cứ úp úp mở mở. Nga càng hồi hộp hơn khi suốt buổi học hôm đó, thỉng thoảng nó vẫn bắt gặp những đứa ngồi cùng bàn với Luận quay xuống nhìn trộm nó bằng ánh mắt tinh quái, kèm theo những nụ cười lạ lùng, khó hiểu. Rõ ràng đó không phải là những thái độ dành cho một học sinh mới không có gì đặc biệt như Nga. Sở dĩ các bạn nhìn mình như vậy, Nga thầm đoán, chính là vì chỗ ngồi đặc biệt của mình. Mình đã ngồi cạnh anh chàng có biệt danh “thằng quỷ nhỏ”, và như vậy phải chăng mình đã ngồi cạnh một sự nguy hiểm lớn lao?
Cho đến lúc chuông reo tan học và ngay cả trên đường về, Nga vẫn không thể nào dứt mình ra khỏi những băn khoăn.
Ngày hôm sau, Nga đến lớp thật sớm. Vừa đạp xe, Nga thầm mong thằng quỷ nhỏ đừng nghỉ học hai buổi liền. Hãy đi học bữa nay rồi mai nghỉ bù cũng được! Nga vừa nói thầm vừa bật cười về ý nghĩ kỳ cục của mình.
Khi Nga đến, lớp còn vắng. Lác đác một vài học sinh ngồi lặng lẽ ôn bài với vẻ mặt thiếu tự tin. Họ ngồi dồn cả vào góc lớp, có vẻ như muốn nương tựa vào nhau để chống chọi lại nỗi lo sắp bị kêu lên bảng. Ngoài hành lang, một đám nữ sinh đứng tựa lưng vào cửa sổ, xì xào nói chuyện, thỉnh thoảng lại vang lên những chuỗi cười dòn dã.
Nga đi thẳng lại chỗ ngồi. Nó vừa nhét cặp vào ngăn bàn vừa phân vân không biết nên ngồi tại chỗ hay nên ra trước hiên đứng thơ thẩn cho mát. Lưỡng lự một hồi, Nga tặc lưỡi ngồi xuống. Dù sao ngồi tại chỗ vẫn… an toàn hơn, Nga nghĩ mình là học sinh mới, đứng trước hiên biết nói chuyện gì với ai đây.
Lát sau, Hạnh lò dò đến. Thấy Nga ngồi một mình, Hạnh bước lại:
– Sao Nga không ra đằng trước chơi?
Nga ấp úng:
– Thôi, Nga ngồi đây được rồi!
Hạnh gật gù, vẻ thông cảm:
– Chắc Nga còn lạ! Để Hạnh ngồi chơi với Nga cho vui!
Vừa nói, Hạnh vừa đặt cặp lên bàn và ngồi xuống bên Nga.
Lớp học mỗi lúc một đông. Chung quanh Nga bỗng chốc tràn ngập những tiếng ồn, những tiếng la hét, cãi cọ và đùa giỡn. Từ nãy đến giờ, Nga vẫn thầm đưa mắt quan sát nhưng vẫn chưa đoán ra thằng quỷ nhỏ là ai và liệu anh ta bữa nay có đến lớp hay không.
Dò xét một hồi không kết quả, Nga đâm tức mình, tính quay sang hỏi Hạnh. Nhưng sực nhớ Hạnh vốn thích ỡm ờ, Nga lại thôi. Đang ấm ức, chưa biết tính sao, Nga bỗng giật mình khi nghe những tiếng hò reo náo nhiệt vang lên ngoài cửa lớp.
– Ha ha, hôm nay nó lại tìm đâu ra cái nón môđen thế này? – Tiếng một người nói, giọng oang oang.
Lại một giọng khác kêu lên:
– Chắc đây là cái nón quả dưa của Charlot! Trời, nó đội trông mới hợp làm sao!
Rồi một giọng khác nữa, trịch thượng hơn, Nga nhận ra tiếng Luận:
– Mày lấy cái nón này của ai thế?
Nga chưa kịp hiểu ra chuyện gì đã thấy một đám đông kéo vào lớp, cười nói ồn ào. Mọi người vừa đùn đẩy nhau vừa bao quanh một học sinh nom có vẻ kỳ dị. Anh có hai vành tai to khác thường và cái mũi cũng to không kém. Cái mũi đã to lại còn đỏ ửng, mồ hôi lấm tấm.
Thoạt nhìn thấy người học sinh lạ này, trống ngực Nga đã đập thình thịch. Anh lững thững bước vào lớp giữa một vòng tròn người bu quanh trêu chọc, hệt như một anh hề xiếc đang đi giữa một đám trẻ con hiếu kỳ và nghịch ngợm. Từ sợ hãi dần dần Nga chuyển sang tò mò. Anh đội một cái nón vải màu cỏ úa, và mặc dù bị bạn bè không ngớt lời chòng ghẹo, mặt mày anh trông vẫn thản nhiên, không hề tỏ vẻ bực dọc hay rầu rĩ. Có thể anh đã quen với tình cảnh trớ trêu này, Nga nhủ bụng và trong tích tắc, nó bỗng ngờ ngợ người học sinh kỳ lạ này chính là thằng quỷ nhỏ, nhân vật mà nó đã nơm nớp chờ “diện kiến” hai ngày nay.
Như để xác nhận sự suy đoán của Nga, Luận bỗng lên tiếng:
– Thằng quỷ nhỏ, mày đưa tao mượn cái nón đội thử coi!
Rồi không cần biết thằng quỷ nhỏ có đồng ý hay không, Luận chộp lấy cái nón đội lên đầu mình. Vừa đội Luận vừa nhìn quanh, reo to:
– Tụi mày coi tao có đẹp trai bằng thằng quỷ nhỏ không?
Đám bạn liền nhao nhao:
– Đẹp lắm, đẹp lắm! Đưa tao đội một cái nha!
Lập tức, Luận ném cái nón cho một đứa khác. Rồi đứa khác lại chuyền cho một đứa khác nữa. Cứ thế, cái nón chạy lòng vòng từ tay người này đến tay người nọ.
Trong khi đó, thằng quỷ nhỏ cứ đứng chôn chân giữa lớp, vẻ bất lực. Anh đảo mắt nhìn theo cái nón đang bay vun vút, xẹt ngang xẹt dọc, cất giọng năn nỉ:
– Thôi được rồi! Tụi mày trả nón cho tao đi!
Cái nón lập tức dừng lại, nằm trong tay Luận. Luận cười hì hì, nói:
– Mày vẫy tai lừa đi, tụi tao sẽ trả!
Đám bạn nghịch ngợm lại phụ họa:
– Đúng rồi đó! Vẫy tai chào tụi tao đi!
Nga ngạc nhiên thấy thằng quỷ nhỏ mím môi lại và ngay lập tức, vành tai anh khẽ ve vẩy như cánh bướm. Nga không biết rằng anh đang khổ sở chống chọi lại sự “hoạt động” của hai vành tai mình. Bao giờ cũng vậy, anh càng muốn nó nằm im thì nó lại càng nhúc nhích ngoài sự điều khiển của anh. Biết rõ “đặc điểm” đó, tụi thằng Luận ngày nào cũng tìm cách khai thác để biến anh thành trò cười cho cả lớp.
– Tai kia nữa! – Luận lại ra lệnh.
Thằng quỷ nhỏ ve vẩy tai kia. Luận có vẻ hài lòng. Nhưng khi nó sắp sửa ném cái nón lại cho thằng quỷ nhỏ thì có ai đó bỗng nói:
– Vẫy vậy không được! Phải vẫy cùng lúc hai tai kìa!
Thằng quỷ nhỏ dường như đã quen chịu đựng, anh chẳng tỏ vẻ gì cáu kỉnh. Nhưng ngay vào lúc hai vành tai anh đang sắp sửa cử động theo sự “điều khiển” của đám bạn quỷ quái, chợt anh phát hiện ra Nga. Nga đang ngồi ở dãy bàn cuối lớp, ngay cạnh chỗ ngồi của anh và đang nhìn anh bằng ánh mắt ngạc nhiên lặng lẽ. Sự hiện diện của bất ngờ của Nga khiến thằng quỷ nhỏ thình lình khựng lại, và trong thoáng mắt anh bỗng trở nên lúng túng, hai vành tai lập tức đứng ra.
Thấy thằng quỉ nhỏ tự nhiên trở chứng, hai “cánh bướm” không chịu ve vẩy, lũ bạn nhao nhao giục:
– Vẫy đi chứ! Sao đứng im re vậy?
– Bộ mày không muốn xin lại cái nón hả?
Thằng quỷ nhỏ làm như chẳng nghe thấy gì. Anh cứ đứng sững, ngượng ngùng và bối rối.
Luận liền thò tay nắm lấy vành tai anh, giật giật:
– Nếu mày không muốn làm thì để tao làm cho!
Thằng quỷ nhỏ khẽ nhăn mặt. Rồi bất thần anh vung tay gạt mạnh tay Luận ra.
Phản ứng đột ngột và bất thường của thằng quỷ nhỏ khiến bạn bè sửng sốt.
– Chà, chà, bữa nay thằng quỷ nhỏ chịu chơi quá, tụi mày ơi!
Luận trố mắt kêu lên. Vừa kêu nó vừa xông tới định vật thằng quỷ nhỏ xuống đất.
Cho tới lúc đó, Hạnh mới lên tiếng can thiệp:
– Không được đánh nhau trong lớp à nghen!
Tiếng Hạnh vừa vang lên, Luận lập tức buông tay xuống, vẻ do dự.
– Trả cái nón cho Quỳnh đi! – Hạnh lại nghiêm giọng nói.
Hóa ra thằng quỷ nhỏ tên Quỳnh! Tên của anh giống như tên con gái khiến Nga bất giác mỉm cười.
Luận vò vò cái nón trong tay, vẻ chần chừ. Đúng lúc đó, tiếng chuông vào học vang lên. Quỳnh liền chìa tay ra:
– Trả cái nón cho tao ra xếp hàng!
Luận ném cái nón nhàu nát về phía Quỳnh và nhướng mắt, nói:
– Nón đây! Mày nhớ là còn thiếu tụi tao mấy cái vẫy tai nữa đó nghe!
Quỳnh không nói gì. Anh lẳng lặng cúi xuống nhặt cái nón vừa rơi trước mặt, phủi hai, ba cái rồi chụp lên đầu, bước vội ra sân.
***
Trước khi Nga vào học, Quỳnh với Hạnh ngồi chung một bàn. Bàn có hai người, nhưng mỗi người ngồi tít một đầu, chừa khoảng trống ở giữa. Nga không biết ai đã tạo ra khoảng trống đó, Quỳnh hay là Hạnh. Nhưng Nga chẳng thắc mắc nhiều, bởi bây giờ nó đã lấp đầy cái khoảng không bất thường đó. Nó ngồi giữa Hạnh và… thằng quỷ nhỏ.
Quỳnh có vẻ bỡ ngỡ trước sự xuất hiện của người bạn mới. Anh đã quen với vị trí cô độc của mình trong góc lớp. Bây giờ bỗng nhiên có người ngồi sát ngay bên cạnh, Quỳnh đâm ra mất tự nhiên. Lúc xếp hàng đi vào lớp, Quỳnh tiến về phía chỗ ngồi với dáng vẻ nấn ná, ngại ngần. Có vẻ anh cố tình đi chậm lại.
Khi ngồi vào chỗ, Quỳnh cũng tìm cách ngồi sát ngoài rìa, cố xích thật xa Nga. Suốt trong giờ học, anh hoặc nhìn chăm chăm lên bảng hoặc lặng yên hí hoáy chép bài, chẳng quay sang trò chuyện với Nga một câu.
Nga chẳng biết Quỳnh đang chú ý đến bài học thật hay anh chỉ giả vờ. Thỉnh thoảng tò mò liếc sang bên cạnh, Nga thấy Quỳnh cựa quậy trên ghế với vẻ khổ sở, hệt như anh đang bị trói chặt bởi những sợi dây vô hình nào.
Khi nãy, thấy Quỳnh bị bạn bè xúm lại chọc ghẹo, Nga cảm thấy tội cho anh quá chừng, và lúc đó Nga có ý nghĩ sẽ tìm cách trò chuyện an ủi anh. Nhưng bây giờ, ngồi sát bên Quỳnh, nhìn thấy cái vành tai quái dị và cái mũi đỏ của anh ngay trước mắt, Nga đâm ra sờ sợ và thế là bao nhiêu ý nghĩ tốt lành bay biến đâu mất. Vì vậy khi thấy Quỳnh chẳng tỏ vẻ gì muốn bắt chuyện với mình, Nga cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Nga với thằng quỷ nhỏ di- n ra như vậy, im lặng và hững hờ. Trong thâm tâm, Nga cảm thấy áy náy về thái độ lạnh nhạt của mình, nhất là với một người bạn ngồi cùng bàn, lại kế bên, nhưng Nga biết mình chẳng thể xử sự theo cách khác.
Ngày hôm sau, mọi việc diễn ra cũng từa tựa hôm trước, giống như một vở kịch được lặp lại. Thằng quỷ nhỏ vào lớp, kéo theo những trò đùa nghịch tai ác của đám bạn và những tiếng hò hét ồn ào, và cuối cùng kết thúc bằng cảnh anh ngồi câm nín bên cạnh Nga.
Tối hôm qua, về nhà nghĩ lại, Nga cảm thấy xấu hổ về sự xa lánh của mình đối với Quỳnh và nó định sáng nay sẽ chủ động làm quen với anh. Nhưng rồi đến khi vào học, ngồi loay hoay một hồi, Nga lại đâm ra bối rối. Mình là con gái, ai lại mở miệng làm quen trước bao giờ, Nga nhủ thầm như vậy và suốt buổi học đó, nó vẫn lặng thinh, chốc chốc lại liếc sang Quỳnh để thấy cái mũi của anh mồi lúc một đỏ ửng, chẳng rõ vì lý do gì.
Những ngày tiếp theo cũng chẳng khá hơn chút nào. Hai người vẫn tiếp tục im như thóc.
Chỉ đến khi xảy ra cuộc gặp gỡ tình cờ mới đây thì Nga và Quỳnh mới “có dịp” nói chuyện với nhau.
Hôm đó, Nga đang đạp xe từ trường về nhà. Đang đi, thình lình Nga nhác thấy Quỳnh đang rảo bước trước mặt, tay ôm cặp, chiếc nón quả dưa đội lệch trên đầu. Quỳnh di cùng chiều nên không thấy Nga.
Tự dưng Nga thấy tim mình đập mạnh. Nga không muốn Quỳnh trông thấy mình. Mấy hôm nay làm mặt lạ với nhau, bây giờ bỗng gặp ngoài đường, Nga thấy kỳ kỳ. Nó cố đạp xe chậm lại nhưng khoảng cách giữa nó và Quỳnh mỗi lúc một thu ngắn. Không biết làm sao, Nga đành phóng vụt xe qua. Nó mi’m môi đạp mạnh pédale, giả vờ như không thấy Quỳnh.
Chiếc xe đang phóng như gió, đột nhiên bị chao đi. Trong tích tắc, Nga kinh hãi nhận ra mình bị cột chặt vào yên xe, không nhúc nhích được, và dường như có ai đó đang kéo mạnh vai nó và sắp sửa hất tung nó xuống mặt đường. Nga điếng người. Nó nhắm mắt lại…
Nhưng Nga không té. Chiếc xe bỗng lắc mạnh, lảo đảo rồi đứng sững lại. Nga bàng hoàng mở mắt ra và thấy mình đang ngồi trên xe, hai chân vẫn đặt trên pédale.
Nga giật mình ngoảnh lại phía sau. Quỳnh đã đứng đó tự bao giờ, mũi đỏ ửng còn tay thì đang giữ chặt cái yên sau của chiếc xe.
Nga chưa kịp mở miệng, Quỳnh đã lên tiếng trước:
– Tà áo của Nga bị quấn vào sợi xích. May mà tôi chạy tới kịp.
Nga liếc xuống chân và bất giác đỏ mặt. Vạt sau của chiếc áo dài bị quấn chặt vào líp xe. Hèn gì khi nãy Nga có cảm giác như ai níu lấy vai mình. Trong khi Nga đang loay hoay chưa biết làm sao để gỡ vạt áo ra thì Quỳnh bỗng bảo:
– Nga cứ ngồi yên đó, để tôi lùi xe lại!
Tự nhiên Nga cảm thấy mắc cỡ. Nó vội vàng lên tiếng:
– Thôi, để Nga leo xuống đã!
– Không được đâu! – Quỳnh lắc đầu – Bây giờ Nga leo xuống là rách áo liền!
Một tay nắm ghi- đông, một tay giữ yên sau, Quỳnh từ từ lui xe lại. Đôi mắt anh nhìn chăm chăm vào líp xe nơi vạt áo bị mắc kẹt của Nga đang được nhả ra từng chút một.
Nga ngồi trên xe, lòng rối bời. Nó có cảm giác mình là đứa bé được người lớn dắt đi chơi. Đang lúng túng, Nga bỗng nghe Quỳnh thở phào:
– Xong rồi!
Nga tưởng như mình vừa trút được một gánh nặng. Nó chống chân xuống đất, kéo vạt áo ra đằng trước và nhìn Quỳnh, ấp úng:
– Cám ơn anh nghen!
Nói xong, Nga cảm thấy xấu hổ về sự bất cẩn của mình và để che giấu nỗi bối rối, nó vội vã đạp xe đi.
Quỳnh đứng chôn chân tại chỗ, ngẩn ngơ nhìn theo.
Ngày hôm sau, Quỳnh tỏ ra vui vẻ khác thường. Anh tiếp nhận sự trêu chọc của đám bạn quỷ quái với nụ cười tươi tỉnh trên môi. Anh mặc kệ cho tụi thằng Luận làm tình làm tội hai vành tai “phản chủ” và không màng đòi lại cái nón đang được chuyền nhoang nhoáng giữa đám đông. Thậm chí, Quỳnh còn cao hứng thực hiện những cú “trồng cây chuối” ngoạn mục và biễu diễn trò đi hai tay vòng quanh trong lớp khiến đám bạn vỗ tay đôm đốp và hò hét ầm ĩ.
Nga đến trường. Vừa tới cửa lớp, nghe náo nhiệt, Nga không vào ngay. Nó đi vòng lại cửa sổ, đứng nhìn vào. Thấy Quỳnh đang say sưa làm trò, Nga khẽ mỉm cười. Khung cảnh trước mắt Nga hệt như trong rạp xiếc, chỉ thiếu những con khỉ mặc quần áo và các tấm bạt căng chung quanh nữa thôi.
Nga cứ đứng tựa người vào cửa sổ. Nó chưa muốn vào lớp vội. Không hiểu sao Nga có cảm giác hắn thấy Nga, Quỳnh sẽ mất tự nhiên và những trò vui của anh sẽ lập tức chấm dứt. Nghĩ vậy, Nga cứ đứng yên. Nó đứng đợi chuông reo.
Nhưng Qùnh cũng chỉ bộc lộ niềm hứng khởi của mình đến thế thôi. Vào lớp, ngồi kế bên Nga, Quỳnh trở lại là anh chàng nhút nhát và lầm lỳ muôn thuở.
Có lẽ Quỳnh cũng muốn nói chuyện với Nga nhưng dường như anh chẳng biết nói gì và phải mở đầu câu chuyện ra sao. Thỉnh thoảng anh lại len lén liếc Nga một cái rồi vội vã quay mặt đi chỗ khác. Bằng sự nhạy cảm đặc biệt của phụ nữ, Nga nhận ra ngay dấu hiệu mới mẻ đó. Nó cảm thấy vui vui. Và trong một lần bắt gặp ánh mắt thập thò của Quỳnh, Nga mỉm cười với anh một cách thân thiện.
Nụ cười tươi tắn của Nga khiến Quỳnh cảm thấy dạn dĩ hơn lên. Anh đằng hắng hai, ba tiếng như để lấy can đảm rồi rụt rè hỏi:
– Chiếc áo Nga mặc hôm qua có bị rách không ?
Nga lắc đầu:
– Không! Nhưng dầu mỡ dính đen thui, Nga giặt hoài không ra!
Quỳnh lại đằng hắng. Nhưng lần này anh ngồi im. Mặc dù quan hệ giữa anh và Nga đã dễ chịu hơn nhưng anh chẳng biết phải trò chuyện tiếp tục như thế nào. Từ hồi vào lớp đến giờ, nghĩ mãi, Quỳnh mới nói được một câu. Về chiếc áo. Nếu hôm qua, vạt áo của Nga không vướng vào líp xe, hẳn hôm nay Quỳnh lại ngồi trơ như phổng. Mặc dù Nga đã mỉm cười với anh. Và nụ cười ấy dường như muốn bảo “Anh trò chuyện với tôi tự nhiên đi chứ!”.
Quỳnh không làm sao cảm thấy tự nhiên được. Anh quen bị xem là một tên hề. Với hình dung cổ quái và hai vành tai “nhạy cảm” cộng thêm những tài vặt của mình, anh chuyên đóng vai kẻ gây cười cho đám đông. Bạn bè thường xúm quanh anh nhưng chỉ để trêu chọc hoặc bắt anh trổ những trò lạ. Bạn gái cũng vậy. Họ xem anh như trò tiêu khiển. Anh giúp họ giải buồn hoặc thỏa mãn tính hiếu kỳ hoặc lấp đầy những phút giây nhàn rỗi. Những lúc ấy, họ cười với anh, họ vỗ tay, thậm chí hò reo tán thưởng anh nhưng chẳng bao giờ họ trò chuyện tử tế với anh. Khi những trò khỉ của anh chấm dứt, họ vội vàng lảng đi chỗ khác như những khán giả nôn nóng về nhà để lo bữa cơm tối. Họ nhanh : Dng quên mất anh. Và anh, anh hiểu tất cả những điều đó.
Chỉ có Nga là khác. Nga xem anh như một người bạn. Quỳnh cảm nhận được điều đó ngay hôm đầu tiên gặp Nga. Nga đã nhìn anh “trổ tài” bằng ánh mắt ngỡ ngàng, có vẻ gì đó như trắc ẩn. Nga không cười, cũng không lộ vẻ thích thú như những người khác. Bắt gặp tia nhìn đó, lần đầu tiên Quỳnh cảm thấy bối rối. Nỗi bối rối ấy đến bây giờ vẫn chưa tan. Vì vậy, sau khi hỏi thăm về số phận chiếc áo, Quỳnh lại im thin thít, vành tai khẽ động đậy. Bao giờ xúc động, chẳng cần ai “ra lệnh”, vành tai của Quỳnh cũng động đậy. Trước đây, chẳng khi nào Quỳnh bận lòng đến chuyện vặt vãnh đó. Nhưng lúc này, anh cảm thấy khổ sở về vành tai phản chủ của mình. Nga ngồi kế bên mà chúng lại ve vẩy hoài, thật chả ra làm sao! Đúng là đồ… tai lừa! Quỳnh nghiến răng, rủa thầm.
Nga chẳng biết đến nỗi khổ tâm của Quỳnh. Thấy anh ngồi im, nó cũng lặng thinh. Đôi lúc, nhớ tới việc Quỳnh giúp đỡ mình hôm qua, Nga cảm động quay sang định nói với anh một câu gì đó nhưng chợt thấy vành tai kỳ dị của anh khẽ động đậy, nó giật thót và vội vã mi’m chặt môi lại.
Hai ngày sau, trong lúc cả lớp lục đục kéo nhau ra sân khi tiếng chuông ra chơi vừa vang lên thì Quỳnh vẫn ngồi yên tại chỗ. Điều đó khiến Nga ngạc nhiên. Từ trước đến nay, chưa bao giờ Nga thấy Quỳnh ngồi lại trong lớp vào giờ ra chơi. Nhưng hôm nay, Quỳnh có vẻ như không nghe thấy tiếng chuông reo. Anh ngồi nhấp nhổm trên ghế và đang loay hoay lục lọi cái gì đó trong ngăn bàn, thỉnh thoảng lại liếc sang Nga như muốn nói điều gì.
Lát sau, chờ cho Hạnh rời khỏi chỗ ngồi và đi ra cửa, Quỳnh mới ngập ngừng lấy ra từ trong ngăn bàn một cái lọ nhỏ và rụt rè đưa cho Nga, nói:
– Cho Nga cái này nè!
Nga cầm lấy cái lọ từ tay Quỳnh, trố mắt hỏi:
– Lọ gì vậy?
– Benzine.
Nga vẫn ngơ ngác:
– Benzine là thứ gì?
Quỳnh mỉm cười. Lần đầu tiên Nga thấy anh cười. Khi cười, mặt mày anh trông dễ coi hơn. Quỳnh cười, và nói:
– Benzine là một loại dầu dùng để tẩy dầu mỡ rất tốt.
Nói xong, Quỳnh bỗng thấy ngượng ngùng. Anh cúi nhìn xuống đất, mũi đỏ ửng. Tuy nhiên lần này cái mũi kỳ dị của Quỳnh không khiến Nga sờ sợ nữa. Nga chỉ thấy lòng mình xúc động trước sự quan tâm của Quỳnh. Nó xoay xoay lọ benzine trong tay, dịu dàng nói:
– Cảm ơn anh nghen! Anh tử tế quá!
Quỳnh càng bối rối tợn. Chưa bao giờ anh nghe thấy một người bạn gái nào nói với anh những lời êm ái như vậy. Vì thế, mũi anh đã đỏ lại càng đỏ, màu đỏ lan ra khắp mặt, lan xuống tận cổ.
Trong lúc Quỳnh đang lúng túng một cách tội nghiệp thì mội chuỗi cười khanh khách bỗng vang lên và tiếp theo là một giọng nói oang oang:
– Ha ha, tụi mày lại xem thằng quỷ nhỏ kìa! Nó cũng biết e lệ trước phụ nữ! Ha ha!
Nga và Quỳnh giật mình ngó ra và cả hai thấy Luận đang đứng tì người bên cửa sổ nhìn vào với vẻ mặt thích thú.
Câu châm chọc của Luận như một mũi dao chích vào người Quỳnh khiến anh co rúm người lại. Trong khi đó lại thêm bốn, năm đứa bạn xúm lại quanh Luận và đứng lố nhố ngoài cửa sổ.
Nga đang ngỡ ngàng chưa kịp nói gì thì Luận lại ngâm nga bằng một giọng độc địa:
– Giờ chơi mà chẳng ra chơi
Có hai anh chị cứ ngồi bên nhau.
Nga nghe mặt mình nóng ran. Nó vừa ngượng lại vừa tức. Nga định “trả đủa” Luận bằng một câu gì đó nhưng nó vẫn chưa nghĩ ra được một câu nào đích đáng.
Thấy Nga và Quỳnh đỏ mặt làm thinh, Luận khoái lắm. Nó vẫn không làm sao quên được “mối thù” trước đây, lần nó định chơi trội với Nga và bị Nga phản công tối tăm mày mặt. Đây là dịp may để nó thanh toán nợ nần. Nghĩ vậy, Luận sướng rên. Nó mở miệng định buông tiếp một câu tai ác. Nhưng lần này, Luận chưa kịp nói đã phải im bặt. Một bàn tay đã thộp lấy cổ áo nó.
Luận giật mình. Nó ngước lên và thấy Khải đứng sững ngay trước mặt.
– Mày làm gì vậy?
Luận vừa kêu lên vừa gạt tay Khải ra. Nhưng cánh tay rắn chắc của Khải vẫn không nhúc nhích.
– Mày có buông ra không? – Luận lại kêu lên.
Khải gằn giọng:
– Tao chỉ buông ra nếu mày không nói bậy nữa!
Khải to con nhất lớp, lại là lớp phó trật tự, giọng anh đầy đe dọa. Biết đụng phải… lửa, Luận đành xuống nước:
– Được rồi! Mày buông ra đi!
Khải vẫn chưa chịu:
– Được rồi là sao?
Luận khẽ liếc đám bạn đứng chung quanh, giọng lúng túng:
– Được rồi là… là tao không chọc Nga với thằng quỷ nhỏ nữa!
Khải nheo nheo mắt:
– Nhớ nghen!
Và anh bỏ tay xuống.
Mặt Luận đỏ gay. Nó tức oanh ách nhưng không dám làm gì Khải. Nó biết nếu đánh nhau, nó sẽ thua. Trước khi bỏ đi, Luận chỉ biết đưa mắt nhìn Nga và Quỳnh một cách căm tức. Chỉ tại hai đứa này, Luận nhủ bụng và kể từ lúc đó, nó luôn luôn nuôi ý nghĩ trả thù.
Nga không thèm để ý đến vẻ mặt hằn học của Luận. Nga nhìn Khải, khẽ gật đầu ra dấu cám ơn. Và nó bỗng đâm ra hoang mang khi thấy Khải cũng đang mỉm cười nhìn mình, ánh mắt long lanh như muốn nói bao điều thầm kín.
***
Trong lớp, ngoài Hạnh và Quỳnh, thỉnh thoảng Nga vẫn trò chuyện với Khải. Nhà Khải ở cùng phố với Nga, cách căn nhà Nga mới dọn về khoảng vài căn. Thoạt đầu, Nga không phát hiện ra điều đó.
Một hôm đi chơi với chị Ngàn về, vừa dắt xe vào cổng, Nga bỗng nghe ai gọi mình:
– Nga!
Ngoảnh lại, Nga thấy Khải đang đứng trước cổng nhà hàng xóm ngó sang. Nó ngạc nhiên:
– Anh đi đâu vậy?
Khải cười:
– Tôi đâu có đi đâu! Nhà tôi ở đây!
Vừa nói, Khải vừa chỉ tay vào căn nhà có hàng rào bông giấy. Nga trố mắt:
– Ủa, anh ở đó hả ?
– Ừ.
– Anh ở đó sao Nga không biết ?
Vừa buột miệng, Nga chợt thấy câu hỏi của mình kỳ cục và ngớ ngẩn làm sao. Nó chưa biết chữa lại như thế nào, Khải đã đáp:
– Tại Nga không để ý đó thôi! Còn tôi, tôi biết Nga từ hồi Nga mới dọn về.
Câu nói của Khải khiến Nga bối rối vô cùng. Nó chỉ biết mỉm cười bẽn lẽn.
Khải lại hỏi:
– Nga đi đâu về đó?
– Nga đi chơi với chị Ngàn.
Nga quay lại định giới thiệu chị Ngàn với Khải. Nhưng chị Ngàn không có ở đó. Chị bỏ vào nhà tự lúc nào. Trong khi Nga đang còn loay hoay chưa biết nói gì, Khải bỗng lên tiếng:
– Tôi vào nhà chơi được không ?
Không hiểu sao Nga lại lúng túng buột miệng:
– Nhà nào ?
– Thì nhà Nga ấy! – Khải mỉm cười – Nếu tôi vào nhà… tôi, tôi đâu cần phải xin phép làm gì!
Câu pha trò của Khải khiến Nga bất giác phì cười. Nó không hiểu sao mình lại vụng về đến mức ấy. Nó nhìn Khải, gật đầu:
– Mời anh tự nhiên.
Thực ra, Khải “tự nhiên” hơn Nga tưởng nhiều. Anh vừa bước qua, vừa gật gù nhận xét:
– Lẽ ra Nga phải mời tôi vào nhà chơi trước khi tôi đề nghị kìa!
Nga biết Khải nói đùa. Nhưng cái giọng trịch thượng của anh thật đáng ghét. Nga định nói “còn khuya” nhưng cuối cùng nó kềm lại được. Nó mi’m môi, lặng lẽ dắt xe vào nhà. Khải đủng đỉnh theo sau.
Khải vào chơi không lâu. Và anh cũng chẳng trò chuyện gì nhiều. Khải chỉ hỏi Nga hồi trước học trường nào, tại sao lại chuyển về đây. Nga trả lời là Nga không biết, gia đình đi đâu Nga đi đó.
Khải nói:
– Trong lớp hình như Nga không chơi với ai?
– Tại mới về, Nga còn lạ.
– Nga vào học nửa tháng rồi, lạ gì nữa?
Nga cười:
– Thì Nga vẫn trò chuyện với Hạnh và Quỳnh đó chứ!
Nghe nhắc đến Quỳnh, Khải khụt khịt mũi:
– Nga nói chuyện với Quỳnh, chắc Quỳnh sung sướng lắm!
Nga nhíu mày:
– Sao anh lại nghĩ vậy?
Thấy Nga có vẻ khó chịu, Khải thoáng bối rối:
– Thì tại vì… trước nay Quỳnh ít trò chuyện với bạn gái.
Nga không nói gì. Nó ngồi im một hồi, rồi khẽ nói:
– Quỳnh là một người bạn đáng mến.
Khi nói, Nga không nhìn Khải nhưng nó vẫn cảm thấy anh đang cựa mình trên ghế. Nga chờ đợi Khải phản đối ý kiến của mình. Nhưng không, Khải chỉ nói:
– Quỳnh làm trò thật hay!
Nga lại khẽ nhăn mặt. Khải không hiểu hoặc cố tình không hiểu điều Nga nói. Sự đáng mến của Quỳnh không phải ở chỗ anh biết ve vẩy hai tai hoặc biểu di- n trò đi hai tay ngoạn mục. Nga muốn nói đến sự tốt bụng của anh bạn kỳ dị và lúc nào cũng rụt rè này.
Nhưng Khải không hiểu điều đó thật. Cũng như anh không hiểu tại sao mình khen Quỳnh mà Nga lại tỏ vẻ không hài lòng. Tự nhiên Khải cảm thấy cuộc trò chuyện bắt đầu trục trặc và anh biết rằng mình đã đánh mất thái độ tự tin khi mới bước vào nhà. Vì vậy, Khải vội vã cáo từ.
Nga đưa Khải ra tận cổng, và nói:
– Khi nào rảnh, anh cứ ghé chơi.
Khải gật đầu, nhưng anh không biết chắc khi nào mình mới thực hiện được lời mời hấp dẫn đó.
Nga vừa quay vào đã thấy chị Ngàn đứng ngay trước cửa. Chị Ngàn nhìn Nga, chớp chớp mắt, trêu:
– Bữa nay Nga kiếm ở đâu ra một anh chàng đẹp trai thế?
Nga đỏ mặt:
– Chị đừng có nói bậy! Đó là anh Khải, bạn cùng lớp với em.
Chị Ngàn nheo mắt:
– Bạn cùng lớp mà dẫn về nhà, chắc là thân lắm!
Nga nhún vai:
– Em đâu có thân. Nhưng nhà anh ấy ở kế đây nè. Nhà có hàng rào bông giấy đó.
– À, vậy thì chị nhớ ra rồi! – Chị Ngàn gật gật đầu – Chị có gặp anh chàng đó đi ngang nhà mình mấy lần. Lần nào chạy ngang, anh ta cũng nhìn vào đây, chắc là… tìm em.
Chị Ngàn vừa nói vừa cười khúc khích. Còn Nga thì vùng vằng bỏ vào nhà, giọng giận dỗi:
– Chị lúc nào cũng chọc em!
Nga quen Khải chỉ có thế. Sau lần đó, Khải không ghé chơi nhà Nga thêm lần nào nữa. Gặp nhau ngoài đường, Khải chỉ mỉm cười chào Nga và hỏi thăm vớ vẩn vài câu. Nga cũng đáp lại qua loa, thế thôi. Mãi cho đến khi Nga và Quỳnh bị Luận “tấn công”, Khải đã xuất hiện kịp thời để “cứu bồ” trong cơn khốn đốn. Và hôm đó, Nga đã bắt gặp trong ánh mắt của Khải một thứ ánh sáng lạ lùng nửa muốn phơi bày nửa như che giấu. Và từ lúc đó cho đến khi về tới nhà, Nga đã cố quên đi. Mặc dù biết ơn Khải, Nga vẫn không có tình cảm nhiều với anh, có lẽ do những ấn tượng chẳng ngọt ngào gì trong lần gặp gỡ đầu tiên.
Còn Quỳnh, sau lần đó, lại càng im thin thít. Anh như một con chim bị đạn, bây giờ thấy cái gì cũng sợ. Ngay cả khi Nga bắt chuyện, Quỳnh cũng ậm ừ. Trong khi trả lời nhát gừng, anh cứ lấm lét nhìn ra cửa. Anh sợ Luận bắt gặp. Anh sợ nó lại ông ổng trêu chọc như bữa trước.
Thái độ chết nhát của Quỳnh khiến Nga bực mình. Nó gắt lên:
– Nói chuyện với tôi có gì mà anh phải hoảng lên vậy ?
Thấy Nga nổi sùng, lại xưng “tôi” thay vì xưng tên như mọi ngày, Quỳnh càng lúng túng. Anh cứ ngồi đực mặt ra, mũi đỏ ửng.
Nga thấy tội tội, liền nói:
– Anh đừng sợ! Luận không dám chọc Nga và anh nữa đâu!
Được Nga trấn an, Quỳnh không đảo mắt ra cửa nữa. Nhưng anh vẫn ngậm tăm. Thấy vậy, Nga bèn tìm cách gợi chuyện. Nó dịu dàng nói:
– À, anh có thấy cái áo của Nga mặc hôm nay không?
Quỳnh gật đầu:
– Thấy! Mà sao?
Nga mỉm cười:
– Cái áo hôm trước đấy!
Thấy Quỳnh vẫn chưa hiểu, Nga nói thêm:
– Cái áo bị vướng vào líp xe ấy mà. Hôm trước dầu mỡ dính đen thui, nhờ lọ benzine của anh, hôm nay cái áo trắng tinh lại rồi.
Vừa nói, Nga vừa kéo vạt áo sau lên cho Quỳnh xem. Quỳnh khẽ liếc vạt áo, mỉm cười không nói gì. Nhưng ánh mắt anh lộ rõ vẻ sung sướng.
Thấy Quỳnh vui vẻ, Nga cười nói:
– Bây giờ Nga hỏi anh câu này, anh đừng giận nghen ?
Quỳnh ngước nhìn Nga, thoáng ngạc nhiên:
– Câu gì ?
– Thì anh hứa là anh không giận Nga, Nga mới hỏi.
– Tôi hứa.
Mặc dù Quỳnh đã hứa, Nga vẫn chưa dám hỏi ngay. Sau một lúc ngần ngừ, nó mới khẽ hạ giọng:
– Tại sao mọi người lại gọi anh là… thằng quỷ nhỏ?
Hỏi xong, bất giác Nga cảm thấy áy náy. Nó sợ Quỳnh xấu hổ. Và anh sẽ giận nó. Nhưng không, Quỳnh chỉ cười. Và nói:
– À, đó là cái biệt hiệu… hồi trước.
– Hồi trước là hồi nào? – Nga trố mắt.
– Hồi học lớp bảy ấy mà! – Quỳnh khẽ hắng giọng – Hồi đó, có một hôm lớp nghỉ hai tiết đầu. Trong khi chờ vào học hai tiết sau, tụi bạn thách tôi đi hai tay dọc theo hành lang. Khi tôi “đi” ngang qua lớp 7A, tụi học sinh lớp này liền chồm hết ra cửa sổ. Lập tức thầy Công dạy toán chạy ra. Thấy tôi đang làm trò, thầy liền bước lại và…
Đang kể, Quỳnh bỗng ngập ngừng. Nga sốt ruột:
– Và sao nữa?
Quỳnh đưa tay lên gãi đầu, ấp úng:
– Và… và thầy xoắn lấy tai tôi, hét lên: “Mày làm cái trò gì vậy, thằng quỷ nhỏ?”. Tụi bạn đứng chung quanh cười ầm và thế là từ hôm đó… từ hôm đó…
Nói chưa hết câu, bỗng dưng Quỳnh im bặt và anh khẽ đưa tay sờ lên vành tai của mình. Cử chỉ vô tình của Quỳnh khiến Nga bật cười:
– Bộ thầy Công bẹo tai đau lắm hả?
Câu chòng ghẹo của Nga làm Quỳnh đỏ mặt. Anh lúng túng bỏ tay xuống:
– Đâu có!
Trong một thoáng, Nga cảm thấy sự bối rối thật thà của Quỳnh thật đáng mến. Nó nói:
– Vậy mà lúc đầu Nga cứ tưởng anh phải nghịch phá ghê lắm, bạn bè mới đặt cho anh cái biệt danh… dễ sợ như thế chứ!
Quỳnh mỉm cười:
– Đâu có!
Anh lặp lại câu nói vừa rồi với vẻ hiền lành.
Đúng lúc đó, Hạnh bước vào. Nó đặt cặp lên bàn một cái “oách” và liếc Quỳnh:
– Quỳnh biết chuyện gì xảy ra mấy ngày nay chưa?
Câu hỏi đột ngột của Hạnh khiến Quỳnh giật thót. Anh chợt nghĩ đến Luận. Chắc là nó lại rêu rao gì đây. Anh nhìn Hạnh, hồi hộp:
– Chưa! Chuyện gì vậy?
– Chuyện này nè!
Vừa nói, Hạnh vừa cầm lấy cạnh bàn lay lay. Cái bàn lắc lư, chao qua chao lại. Thấy vậy, Quỳnh thở phào:
– Giờ thì biết rồi!
Hạnh nheo nheo mắt, cười nói:
– Ngày mai Quỳnh nhớ đem “đồ nghề” theo nghen!
– Ừ.
Nga ngồi ở giữa, nghe hai người nói qua nói lại, chẳng hiểu mô tê gì cả. Nó quay sang Quỳnh, khều nhẹ:
– Chuyện gì vậy?
– Chuyện gì đâu?
– Chuyện anh và Hạnh nói với nhau nãy giờ đó!
– À, cái bàn của mình bị long chân. Hạnh bảo tôi ngày mai đem búa đinh theo đóng lại.
Nga tròn mắt:
– Bộ nhà anh làm nghề mộc hả?
Quỳnh cười:
– Đóng lại cái chân bàn cần gì phải nghề mộc! Những chuyện lặt vặt như vầy, tôi làm hoài!
Ngày hôm sau, Nga thấy Quỳnh không ôm cặp như thường lệ. Anh đeo trên vai một cái túi bằng vải dày.
Quỳnh bước vào lớp, đặt cái túi xuống trước mặt Nga và sau khi lấy tập vở nhét vào ngăn bàn, anh lôi từ trong túi ra một cây búa cũ xì và một bó đinh lớn. Xong, anh khom người xuống và trong tư thế nửa quỳ nửa ngồi, anh bắt đầu đóng lại chân bàn.
Tiếng búa “lộp cộp” vang lên khiến những đứa đi học sớm quay đầu lại dòm. Và chẳng mấy chốc, cả một đám đông hiếu kỳ xúm lại quanh Quỳnh.
– Chà, hôm nay thằng quỷ nhỏ lại đóng vai thợ mộc, tụi mày ơi! – Một đứa la lên.
– Trời, coi nó đóng đinh kìa! Trông thiện nghệ làm sao! – Một đứa khác xuýt xoa.
Lại một giọng khác vang lên, giọng này “thực tế” hơn:
– Lát nữa mày sửa giùm cái chân bàn của tụi tao chút nghen, thằng quỷ nhỏ!
Cái giọng “dụ khị” này lập tức được nhiều đứa hưởng ứng. Cả bọn nhao nhao hùa theo:
– Cái bàn của tao cũng vậy, lát mày đóng giùm nghen!
– Cả cái bàn của tao nữa!
Quỳnh không nói không rằng, anh mi’m môi nện mạnh những nhát búa. Sau khi gõ “cồm cộp” một hồi, Quỳnh cầm cạnh bàn lay thử. Thấy cái bàn đã vững chắc, mặt bàn không còn đưa qua đưa lại, Quỳnh vươn vai, thở một hơi dài nhẹ nhõm. Rồi vừa thu dọn những cây đinh vương vãi, anh vừa nhìn quanh, hỏi:
– Đóng cái bàn nào nữa đây?
Lập tức ba, bốn đứa níu tay anh:
– Đây nè! Cái bàn này nè!
– Sửa cái bàn của tao trước!
– Tao trước! Tao nhờ ngay từ đầu!
– Dẹp mày đi! Tao mới là người nhờ đầu tiên!
Trước sự dành giựt của bạn bè, Quỳnh mỉm cười:
– Đóng cái nào trước cũng được!
Nói xong, Quỳnh bước qua bàn bên cạnh. Anh lại cầm lấy chân bàn lay lay rồi ngồi xuống lắp lại những phiến gỗ và vung búa nện chan chát.
Vòng tròn bu quanh mỗi lúc một đông. Chúng vừa chăm chú ngắm Quỳnh làm vừa chuyện trò ầm ĩ, nhốn nháo.
Có đứa lên giọng thầy đời dạy bảo:
– Đặt cây đinh lên cao một chút! Thế, đóng thật mạnh vào!
Đứa mới tới thì tiếp tục “đặt hàng”:
– Còn cái bàn của tao nữa đó nghen!
Cũng có những đứa buông lời chọc ghẹo:
– Mày vừa đóng đinh vừa vẫy tai lừa được không, thằng quỷ nhỏ ?
Giữa những lời xì xào chung quanh, Quỳnh vẫn im như thóc. Anh lặng lẽ thực hiện công việc của mình.
Khi Quỳnh đóng đến cái bàn thứ tư thì tiếng chuông vào lớp đột ngột vang lên. Vòng tròn chung quanh lập tức giãn ra. Cả lớp lục đục ùa ra sân xếp hàng. Quỳnh cầm lấy bó đinh và chiếc búa đi về chỗ ngồi.
– Còn cái bàn của tao nữa! – Một đứa hốt hoảng kêu.
Quỳnh quay lại:
– Để lát nữa tao đóng!
Đó là cái bàn long chân cuối cùng trong lớp. Quỳnh tính đợi đến giờ ra chơi sẽ đóng giúp lại cho bạn bè. Nhưng khi tiết học đầu tiên đã trôi qua khoảng mười phút mà cô Trang dạy tiết địa lý thứ hai vẫn chưa tới, cả lớp bắt đầu nhốn nháo:
– Chắc hôm nay lớp mình được nghỉ tiết thứ hai!
– Cô Trang hôm nay nghỉ dạy rồi!
– Nghe nói cô bị bệnh!
– Xạo đi mày!
– Thì tao nghe nói như vậy!
– Ai nói?
– Tao không nhớ.
Đúng lúc đó, Hạnh đứng lên:
– Các bạn giữ trật tự đi! Để tôi lên văn phòng hỏi xem!
Hạnh vừa bước ra khỏi cửa, đám bạn ngồi ở dãy bàn thứ ba quay lại gọi Quỳnh:
– Thằng quỷ nhỏ!
– Quỳnh ngước lên:
– Gì vậy?
– Lại đóng giùm cái bàn đi! Khi nãy mày đã hứa rồi.
Quỳnh nhăn mặt:
– Lát nữa đi! Đang giờ học làm sao đóng được!
– Học đâu mà học! Cô Trang nghỉ rồi! Lẹ lên!
Trước sự hối thúc của đám bạn, Quỳnh chẳng biết làm sao từ chối. Anh đành xách “đồ nghề” lên ngồi đóng.
Và cũng giống như lúc nãy, khi Quỳnh bắt đầu cầm búa lên, bốn, năm đứa lập tức xúm xít chung quanh, lần này có cả Luận.
Luận ngồi thụp xuống bên cạnh Quỳnh, giọng oang oang:
– Chà, nó đóng đinh mới tài làm sao!
Hai, ba đứa hùa theo:
– Nó mà làm nghề mộc thì không ai hơn nổi!
– Xem cái tay nó kìa, dẻo ơi là dẻo!
Ngay từ khi Quỳnh bắt tay vào sửa chữa cái chân bàn đầu tiên, Nga vẫn hướng mắt về phía anh, xem anh làm. Nhưng lúc Luận xuất hiện bên cạnh Quỳnh, Nga không thèm nhìn về phía đó nữa. Nga ngó lơ phía khác nhưng nó vẫn nghe thấy tất cả những gì đang xảy ra.
Khi Quỳnh đóng xong cái chân bàn, vừa đứng dậy, Luận bỗng nói:
– Cái bản đồ trên tường sút đinh ra rồi kìa! Mày lên đóng lại đi!
Nga ngẩng đầu nhìn lên. Tấm bản đồ treo kế cái bảng đen, đang sút một bên đinh, nằm toòng teng xiêu vẹo trên tường.
Nga thoáng ngạc nhiên. Nga nhớ khi nãy, lúc Nga mới vào lớp, tấm bản đồ vẫn còn nằm ngay ngắn. Chả hiểu sao bây giờ cây đinh lại rơi đi đâu mất.
Quỳnh lững thững tiến lên bảng. Anh đỡ tấm bản đồ lên, đặt nó nằm lại đúng vị trí vào nheo mắt ước lượng khoảng cách. Trong khi Quỳnh còn đang loay hoay tìm chỗ đặt cây đinh thì dưới lớp bỗng nổ ra những tràng cười ngặt nghẽo. Thoạt đầu một người, rồi mười người và cuối cùng thì cả lớp đều ôm bụng cười lăn lộn. Tiếng cười bỗng chốc lan ra như sóng. Thậm chí có đứa còn đập tay lên bàn “thùng thùng”.
Làn sóng âm thanh bất thần ập tới khiến Nga giật mình. Nó ngơ ngác nhìn quanh, tưởng như cả lớp đột ngột hóa điên. Không phát hiện ra điều gì, Nga lại hoang mang nhìn lên bảng. Nga nhìn Quỳnh và sau một hồi quan sát anh, nó chợt hiểu ra và nghe mặt mình đỏ bừng. Nga vừa giận vừa ngượng nhưng nó chẳng biết làm gì hơn là úp mặt xuống bàn, những giọt nước mắt phẫn uất ứa ra trên má.
Hóa ra đã có một đứa nào chơi ác. Nó đã lén lút gắn đằng sau lưng Quỳnh một cái “đuôi”. Và trên cái “đuôi” đó, một hàng chữ độc địa và to tướng đã được kẽ sẵn: “Tôi và Nga thề yêu nhau mãi mãi”. Hàng chữ quái ác đó đập vào mắt Nga như một cây gai nhọn. Rồi những tiếng cười và những tia mắt tinh quái của đám bạn chung quanh khiến Nga xấu hổ chỉ muốn chui tọt ngay xuống đất. Nhưng Nga lại chẳng thể tránh đi đâu được. Nó ngồi đó, nghiến răng, cố trấn tĩnh. Nga biết chắc thủ phạm của trò tai quái này là Luận. Luận đã bị bẽ mặt vì Nga mấy lần rồi. Và nó rắp tâm trả đũa. Chính nó đã lân la lại gần Quỳnh và gắn cái “đuôi” lên lưng anh. Và cũng chính nó nhổ cây đinh trên tấm bản đồ rồi xúi Quỳnh lên đóng lại để làm trò cười cho thiên hạ.
Nga tức muốn nổ đom đóm mắt. Nhất là những tiếng trêu chọc chunh quanh không ngớt xói vào tai nó:
– Ha ha! Yêu nhau mãi mãi!
– Ông bà đã nói: Yêu nhau lắm, cắn nhau đau! Hì hì!
– Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng mán thằng mường nó leo!
Nga chịu hết nổi. Nó đưa hai tay bịt tai lại.
– Trên kia, Quỳnh vẫn chưa hay biết gì. Anh quen bị bạn bè chòng ghẹo, quen bị xem là trò cười, nên lần này anh vẫn nghĩ chẳng có gì đặc biệt. Thấy cả lớp cười rần rần, Quỳnh tưởng mình đóng lộn. Anh nhướng mắt nhòm kỹ, thấy tấm bản đồ vẫn nằm ngay ngắn, chẳng hề nhầm lẫn. Anh quay mặt nhìn xuống lớp, thấy bạn bè cười lớn, chẳng biết ất giáp gì, anh nhe răng cười theo. Thấy vậy, cả lớp càng cười lớn hơn nữa khiến anh đâm lúng túng.
Điệu bộ ngơ ngác của Quỳnh khiến Nga càng tức lộn ruột. Nó đâm ra giận lây cả Quỳnh. Trong khi nó chưa biết làm cách nào để báo động cho Quỳnh biết về mối hiểm họa đang treo tòng teng sau lưng thì thình lình cô Trang bước vào, theo sau là Hạnh.
Cả lớp đang cười đùa ầm ĩ chợt im phắt. Cô Trang đưa mắt nhìn quanh lớp:
– Có chuyện gì mà các em reo hò nhốn nháo thế?
– Dạ, không có gì ạ! – Một đứa lên tiếng đáp.
Cô Trang nhíu mày:
– Không có gì sao các em làm om sòm vậy?
Lần này thì không đứa nào dám lên tiếng. Cả lớp đứng im, đứa nào đứa nấy hiền như cục bột.
Chợt cô Trang nhác thấy Quỳnh đang đứng thộn mặt ra trên bảng, liền nghiêm giọng hỏi:
– Em đứng làm gì đấy?
Quỳnh ấp úng:
– Dạ, em đang đóng lại tấm bản đồ…
Vừa đáp, anh vừa quay lại chỉ tấm bản đồ đang bị lệch một bên. Khổ nỗi, khi Quỳnh đứng quay mặt xuống thì không sao, khi anh quay lên, cái “đuôi” hiện ra lồ lộ và hàng chữ nhăng nhít kia đập ngay vào mắt cô Trang.
– À!
Cô Trang bật kêu khẽ, vẻ không hài lòng. Cô hất đầu về phía Quỳnh:
– Em gỡ mảnh giấy đằng sau lưng xuống đi!
Đến lúc đó, Quỳnh mới biết là mình bị… cột đuôi. Anh giật mình thò tay ra sau lưng giật phăng mảnh giấy. Điệu bộ cuống quýt của anh khiến một số đứa không nén nổi, phải bật cười khúc khích.
Quỳnh vừa lướt mắt qua mảnh giấy, mặt đã đỏ như ớt chín. Anh đứng như chôn chân tại chỗ, chỉ biết đưa mắt nhìn cô Trang cầu cứu.
Cô Trang khoát tay:
– Em về chỗ đi! Tấm bản đồ để ra chơi đóng!
Quỳnh mừng như bắt được vàng. Anh vội vã đi về phía cuối lớp. Nhưng anh không đủ can đảm đứng vào chỗ của mình. Anh đứng tít ngoài đầu bàn, thật xa Nga. Anh cũng không dám nhìn Nga lấy một cái.
Trong lúc đó, cô Trang quay nhìn xuống lớp và hỏi bằng một giọng nghiêm khắc:
– Bây giờ thì các em hãy cho cô biết em nào là thủ phạm của trò tinh quái này!
Cả lớp lập tức lặng như tờ. Không một tiếng trả lời.
– Em nào?
Cô Trang lại gằn giọng. Nhưng vẫn không ai nhận mình là thủ phạm. Cũng không ai tố cáo “tên đểu cáng” kia.
Thình lình, Luận giơ tay lên.
Cô Trang nhướng mắt:
– Em nào vậy, Luận?
Luận gãi đầu:
– Thưa cô, em không biết ạ.
Cô Trang “hừ” mũi:
– Không biết thì em giơ tay làm gì?
Luận chép miệng, ra vẻ lúng túng:
– Thưa cô, em không biết, nhưng em có thể đoán ra ạ.
– Đoán? – Cô Trang khẽ nhún vai – Thôi cũng được! Em đoán ai?
Luận gãi đầu, làm ra vẻ khó nói:
– Em đoán là… bạn Quỳnh ạ! Chính Quỳnh đã gắn “cái đuôi” đó cho mình!
Cả lớp bỗng “ồ” cả lên. Cả cô Trang cũng ngạc nhiên:
– Sao em lại đoán thế? Quỳnh làm như vậy để làm gì?
– Sao lại để làm gì, thưa cô? – Luận kêu lên với vẻ ngây thơ vờ vịt – Cái hàng chữ ghi trên mảnh giấy là nhằm để… “khẳng định chủ quyền” đấy ạ!
Một đứa cùng cánh với Luận vọt miệng hùa theo:
– Đúng rồi đó cô! Cũng giống như hồi trước, Lý Thường Kiệt làm bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” vậy mà!
Đúng lúc đó, Quỳnh cùng kêu lên, giọng khổ sở:
– Đừng nghe lời các bạn đó, thưa cô! Các bạn đó chỉ toàn là nói bậy!
Cô Trang khoát tay ra hiệu cho tất cả im lặng. Và cô nói:
– Các em không nên suy diễn vô căn cứ! Cô muốn hỏi, em nào là thủ phạm, tự giác giơ tay lên!
Cô đảo mắt khắp lớp. Nhưng chẳng có ai “tự giác” cả.
Cô hỏi Khải, lớp phó trật tự. Khải trả lời không biết. Thực ra, Khải thừa biết kẻ gây rối chính là Luận, nhưng chẳng có chứng cứ gì để tố giác nó cả. Những kẻ ném đá giấu tay xưa nay vẫn vậy, lẩn giỏi như chạch.
Không tìm ra thủ phạm, cuối cùng cô Trang phạt cả lớp đứng suốt cả tiếc học, cho đến tận giờ ra chơi. Cả Hạnh, kẻ không có mặt trong lớp lúc đó, cũng bị vạ lây vì nó là lớp trưởng.
Nhưng kẻ đau khổ nhất trong vụ này không phải Hạnh, mà là Nga. Đứng lom khom để viết bài, Nga không tức. Nga chỉ tức là không vạch mặt được Luận, kẻ dã “chơi xỏ” Nga và Quỳnh một vố đau điếng.
Lúc ra chơi, nhìn vẻ mặt hả hê của Luận, Nga tức điên người. Nó định tìm một câu thật độc địa để nói cho bõ ghét. Nhưng Nga chưa kịp nói gì thì Luận đã nói trước. Nó bô bô:
– Đã thề mãi mãi yêu nhau
Thì còn phách lối càu nhàu làm chi!