Tác giả: LangTuCoDoc.
Tình trạng: Full.
Post bởi: HaySo1.Vn
*********************
Lời mở đầu:
Một cốt truyện hay dựa trên những gì có thật, những mảnh vỡ ẩn sâu trong tâm hồn một người con gái, một bức thư nhở vả, một số phận long đong. Đã đủ để làm nên một tác phẩm chưa? Câu trả lời là có thể? Nhưng có thể với một nhà văn chứ không phải có thể với một kẻ nghiệp dư như tôi, một kẻ vẫn còn lăn lộn kiếm sống cả ngày tối về chỉ muốn thư giãn bên những bản nhạc, bộ phim, một kẻ gần gũi với những chiếc server, với những đường dây mạng, những cốc bia với khách hàng nhiều hơn là sách và bút. Tôi chỉ có vốn sống kha khá bởi va chạm với nhiều tầng lớp khác nhau, từ những anh cửu vạn bốc xếp, cho đến những công tử chịu chơi hay các giám đốc công ty lớn. Nhưng điều đấy cũng chẳng giúp gì được tôi để trở thành một cây viết được.
Tôi đã đắn đo suy nghĩ mãi, trước khi quyết định viết hay không và khi đọc đi đọc lại những trang word ấy tôi thấy mình nên viết tiếp, viết không phải vì nghĩ rằng mình có khả năng mà viết để những người khác thấy được sự tàn nhẫn của cuộc đời. Nó không đẹp như những câu truyện mà các bạn hay được đọc. Không có hậu, không có may mắn, không có phép lạ. Có thể tôi không lột tả được hết cảm xúc của nhân vật chính nhưng quả thật nhân vật chính có những lí do để không thể viết được và tôi cũng không thể từ chối một người con gái như thế. Tôi sẽ bắt đầu viết từ hôm nay, mong rằng các bạn hãy để câu chuyện này như một bài học khác về cuộc sống, tôi sẽ cố viết để nó đủ sức bay thật xa, vươn tới đủ các thành phần của xã hội. Các bạn hãy comm để động viên, góp y’ vào tác phẩm này giúp tôi nhé! Tks
Câu chuyện bắt đầu ở một làng chài ven biển, nơi sóng biển ngày đêm không biết mệt mỏi xô lên những bờ cát trắng. Biển nuôi làng chài bằng những tài nguyên tôm cá vô tận trong lòng, bằng những hạt muối trắng tinh mặn chát nhưng biển cũng đôi khi tàn nhẫn để lại trong bờ những ngôi mộ tượng trưng mà chẳng có gì bên dưới bởi những cơn giông tố bất chợt, bởi những cơn sóng cả bất ngờ đã lấy đi cả thuyền và người. Tàn nhẫn là thế nhưng những người dân chài chẳng bao giờ oán trách biển, họ vẫn cặm cụi đan lưới đóng thuyền rồi bước bàn chân chai sạn bị cứa ngang dọc bởi những con hà để lên thuyền ra khơi hy vọng vào những mẻ lưới bội thu nuôi sống gia đình. Đã bao đời nay như thành cái lệ, trai tráng đàn ông sẽ lên thuyền đánh cá, soi mực, câu đêm, phụ nữ đan lưới làm muối, trẻ em thì đứa đan lưới, đứa dậm bề bề, cào mỏ quạ để kiếm những bữa canh cho gia đình hoặc có thể là lên chợ bán kiếm ít tiền mua quần áo mới. Và vòng quay dường như luôn định sẵn cho mỗi mái nhà trên cái làng chài bé nhỏ này.
Mặt trời đỏ ối đã bắt đầu trồi dần từ đường chân trời được kẻ bằng những con sóng biển đang chầm chậm đổ vào bờ tạo nên những âm thanh rì rào quen thuộc như bao buổi sáng khác. Lác đác những thuyền câu đêm về muộn đang cập bờ để các chị em phụ nữ tranh nhau những mẻ cá tôm tươi rói mang lên chợ bán hy vọng kiếm lời, phía xa nơi những mỏm đá, đám trẻ con vạn chài vừa nô đùa vừa bước thoăn thoắt trên những phiến đá đầy hà bám để cào những con mỏ quạ. Những đứa con trai con gái vui vẻ cười đùa trong bãi đá, cả đám đều có chung một bộ dạng quần áo lấm lem bùn, mái tóc khô vì nắng và gió biển, làn bánh mật đặc trưng của dân miền biển. Chợt có tiếng trẻ con hướng từ bờ cát phía ngòai những hòn đá lởm chởm đầy hà vọng vào
– Chị Trinh ơi! Em dậy rồi em dậy rồi
Một đứa con gái tóc có mái tóc xơ xác dài ngang vai được buộc tạm bằng sợi dây thun ngẩng cái trán đã lấm tấm mồ hôi hướng về nơi bờ cát nhoẻn hàm răng trắng bóc cười hớn hở
– Chích chòe hả! Chờ chị tí chị vào ngay đây!
Rồi Trinh thoăn thoăt bàn chân trần chai sạn bước lên những phiến đá đi vào bờ. Thằng bè độ 6 tuổi đen nhẻm trông khá là tinh nghịch, đôi mắt tròn đen láy như con gái vừa lấy chân té nước đùa với sóng vừa vẫy tay với chị
– Nhanh lên chị Trinh ơi không nước biển lên cao mất
Trinh rảo chân nhanh hơn trên bãi cát chạy về phía thằng em trai vừa mắng yêu
– Hư thể! Ai cho dậy sớm thế này!
Thằng bé không đáp lời Trinh nó lấy ngay chiếc que đã chuẩn bị từ trước huơ huơ trước mặt
– Em dậy sớm để học mà! Chị dậy em học đi nào! Em muốn học giỏi như chị cơ
Trinh bật cười để chiếc rổ đựng đầy những con mỏ quạ vẫn còn bám bùn toàn thân xuống rồi kéo thằng bé lại gần thơm nựng lên má nó 1 cái:
– Rồi thế bắt đầu học nhé! Hôm nay Chích chòe của chị phải viết nhanh hơn và nhiều hơn hôm qua nhé! Xem biển có thắng được Chích chòe không nào!
Chích chòe hớn hở “dạ” một tiếng rồi chạy ra chỗ cát phẳng phiu nhất đưa chiếc que viết lên nền cát những chữ của bảng chữ cái, miệng thì ê a đọc theo những chữ vừa viết xuống. Cứ mỗi chữ thằng bé viết xuống và đọc xong sóng biển lại tiến đến cuốn những nét chữ nguệch ngọac ấy vào lòng biển như muốn học cùng với thằng bé. Cũng có những chữ Chích chòe chưa kịp viết xong biển đã ào đến cuốn lấy khiến nó hậm hực dậm chân dậm tay rồi lại chạy lên phía trên một chút để viết tránh cho những con sóng có thể đến nhanh hơn.
Trinh tháo chiếc chun buộc tóc để mái tóc lòa xòa bay trong gió biển mỉm cười ngắm nhìn em trai, mới ngày nào nó còn bé tí tẹo đỏ hỏn trong vòng tay nâng niu như sợ vỡ đồ của mẹ trong ánh mắt đầy hy vọng của bố giờ đã sắp vào lớp 1 rồi. Trinh nhớ ngày Trinh hát bài “Có con chim vành khuyên nhỏ” bên cái cũi của đứa em, mỗi lần nghe đến đoạn “Chim gặp anh chích chòe! Chào anh” đứa em trai lúc nào cũng toe toét cười mặc dù chẳng hiểu gì khiến Trinh thích thú hát đi hát lại câu đấy để chọc cười. Rồi chẳng biết từ bao giờ Trinh gọi em trai mình là Chích Chờe mặc dù bố đã đặt cho nó cái tên Mạnh Dũng, bố muốn đứa con trai duy nhất của mình mạnh mẽ, dũng cảm để sau này có thể gánh vác cả gia đình. Nhìn nét chữ nguệch ngọac của chích chòe trên bờ cát nơi mà bố đã dẫn Trinh ra ngày Trinh bé tí bảo Trinh rằng “Mặt trời của biển chính là chiếc đèn bàn vĩ đại nhất, bờ cát này là cái bảng viết đẹp nhất và những cơn sóng biển chính là thứ tận tụy hơn một người thầy khi luôn cặm cụi lau bảng cho những người hiếu học” Trinh thấy có một niềm vui nhỏ bé cứ dâng lên trong lòng như những cơn sóng biển.
Chích chòe đã kết thúc phần viết bảng chữ cái tự bao giờ, nó cất giọng trong trẻo gọi Trinh
– Chị ơi! Hôm nay em chỉ bị không kịp mất 2 chữ thôi! Mai em không để cho biển xóa kịp đâu.
Trinh tiến lại gần đứa em trai bé bỏng xoa mái tóc khô như rễ tre của nó động viên;
– Chích chòe hôm nay giỏi lắm! mai chị sẽ dậy chích chòe viết các chữ số nhé!
Tiếng chích chòe hớn hở đáp lại:
– Vâng chị nhớ đấy! Chị sai lời em mach mẹ đánh chị đấy!
Trinh gật đầu nhìn em không đáp lời rồi hướng ra bãi đá cất giọng gọi
– Ngọc ơi! Ngọc ơi! Về thôi em! Về còn ôn bài nào! Hôm nay đủ rồi!
Có tiếng đáp “vâng” vọng lại từ bãi đá rồi một bóng con gái tóc cắt ngắn đến mang tai, bước chân thoăn thoắt khỏe khoắn trái ngược hẳn với cái dáng người mảnh mai của nó chạy về phía Trinh.
– Hôm nay em đựoc nhiều phết chị ah! Thằng Cường nó nhường cho em một ít đấy!
Trinh với lấy chiếc rá nhỏ của em đổ những con mỏ quạ đầy bùn đất vào rổ của mình rồi cắp lên ngang lưng:
– Thôi đi về thôi! Về tắm rửa còn ôn bài! Không mấy hôm nữa bố đi biển về đứa nào lười học bố lại phạt đứng góc nhà đấy!
Tiếng “Dạ” chỉ còn vang lại chỗ Trinh đứng vì hai đứa đã vừa chạy vừa trêu nhau trên con đường về nhà để lại những vết chân bé xíu trên cát. Trinh bước theo sau nhìn hai đứa em cười hạnh phúc, chợt nhớ lại lời bố “Bố sẽ cố gắng để 3 đứa được học đến nơi đến chốn, Con là chị phải đôn đốc các em không được quên việc học! 3 Đứa chúng mày phải thoát khỏi cái làng chài này để trở thành kỹ sư, bác sĩ chứ không lênh đên trên biển được” Trinh liền rảo bước nhanh hơn để về kèm Ngọc năm nay vào lớp sáu, để quản thằng em tinh nghịch lúc nào cũng sẵn sàng tót ra biển chơi với lũ nhóc trong xóm. Dường như cái khao khát thoát khỏi làng chài và trách nhiệm của một người chị cả trong nhà đã khiến Trinh già dặn hơn so với cái tuổi 14 của mình…
Ngôi nhà cấp 4 lợp ngói đỏ nhưng đã xỉn màu bởi thời gian quen thuộc đã hiện dần ra trong tầm mắt của Trinh, tiếng đùa nhau của Ngọc và Chích chòe từ trong nhà vượt qua bức tường xây bằng gạch xỉ cắm đầy những vỏ sò vọng đến tai Trinh. Hơi cau mày vì 2 đứa em vẫn còn đùa nghịch Trinh đẩy chiếc cổng sắt sơn đã tróc gần hết đang khép hờ bước vào nhà. Hai đứa em Trinh đang nô đùa vui vẻ chạy lên chạy xuống bậc tam cấp dẫn từ sân lên gian nhà chính trống hoác chỉ có bộ bàn ghế gỗ cũ mèm và cái tivi đen trắng 14”.
– Hai đứa không rửa ráy thay quần áo ăn sáng rồi học bài hả! chị cho mỗi đứa một trận giờ! Ngọc không trêu em nữa, mau đưa em đi rửa ráy rồi lên nhà ăn sáng.
Câu nói kèm cái lườm của Trinh có tác dụng ngay tức thì, Ngọc và chích chòe lấm lét nhìn Trinh rồi bước ra bể nước rửa ráy. Nhìn bộ dạng của 2 đứa nhất là Chích chòe vừa đi theo Ngọc vừa đưa con mắt tròn xoe lườm trộm Trinh với cái mặt hậm hực làm Trinh muốn bật cười. Cúi người đặt cái rổ mỏ quạ xuống để tránh phải bụm miệng cười Trinh thoăn thoắt bước vào nhà lấy nồi cơm nguội ra xớt thật kỹ cho tơi rồi với cái chảo và liễn mỡ xuống gian bếp. Châm cái bếp dầu rồi đặt chảo đã được cho sẵn mỡ lên bếp, Trinh đổ cơm nguội đã đánh tơi vào chảo để rang, hôm nay có thêm ít tóp mỡ còn lại từ chiều qua nên trông chảo cơm ngon hơn hẳn, mùi cơm rang quyện vào mỡ chẳng mấy chốc đã vượt qua khuôn mặt đỏ gay dính vài lọn tóc mai bết lại trên mặt bởi mồ hôi để đánh động dạ dày của thằng em láu cá. Thế nên khi Trinh vừa quay người lại để gọi 2 đứa xuống ăn cơm đã thấy Chích Chòe ôm sẵn cái bát con và chiếc thìa nhôm đứng sau tự bao giờ. Bộ mặt chả còn tí nào hậm hực mà toe toét nịnh nọt
– Em rửa mặt đánh răng rồi! Chị Trinh lấy trước cho em ăn rồi em còn học bài!
Câu nói quen thuộc trước mỗi khi có gì ăn của Chích Chờe làm Trinh không thể nìn cười được
– Cứ có ăn là lấy lí do học bài ra để ăn! Hôm nay mà lại trốn đi chơi là chị về mách bố đấy! Biét chưa! Đưa bát đây nào ông tướng.
Đưa cái bát với bộ dạng ngập ngừng chích chòe ra điều kiện
– Nhưng chị phải cho em nhiều tóp mỡ cơ! Không em không ăn! Không ăn được thì không học được! Về em mách mẹ đấy!
Trinh ngao ngán bởi cái giọng lấy mẹ ra dọa suốt ngày của thằng em quái quỷ
– Được rồi đưa bát đây nào! Không nhanh chị cho hết chị Ngọc bây giờ
Không chờ nói thêm câu nữa Chích chòe đưa vội chiếc bát cho Trinh rồi đưa thìa lên miệng liếm láp tỏ vẻ háo hức và đói lắm rồi. Trinh lựa chỗ nhiều cơm ít cháy và nhặt cho thằng em những miếng tóp mỡ ngon nhất rồi đưa cho nó. Chích chòe chả buồn nói câu gì cầm chiếc bát chạy biến lên nhà hò hét
– Em có cơm rồi nhé chị Ngọc! chị không ăn chị Trinh ăn hết đấy
Trinh với thêm chiếc bát con xới thêm cho Ngọc một bát cơm phần còn lại trong nồi chỉ vẻn vẹn 3 thìa cơm Trinh lấy chiếc muôi nhôm sứt mẻ lồi lõm vét ăn nốt rồi mang nồi ra bể nước.
Nhìn chiếc bể đã cạn nước Trinh vội vàng buông gàu xuống chiếc giếng đục ngàu múc những gàu nước vàng khè mang mùi tanh tanh đổ vào chiếc bể lọc được làm bởi sỏi trắng và cát. Múc nước đã thấy tạm đủ để sinh họat trong ngày Trinh vấn mái tóc xơ xác lên cao hơn gáy, rửa qua cái mặt. Giật chiếc khăn mặt treo trên sợi thép chăng ngang bể nước Trinh lau qua mặt rồi bước vào nhà.
Ngọc đang cặm cụi trên chiếc bàn học kê sát cửa sổ với những chấn song sắt hoen gỉ để đón sáng, thằng em trai thì ngồi trên giường của ba chị em liền kề với bàn học nghịch những viên bi sắt bóng lóang mà thi thoảng bố xin được của mấy chú thợ máy làm đồ chơi cho nó. Vừa nhìn thấy Trinh bước vào nó dấu biến mấy viên bi vào vỏ chăn rồi xoen xoét cái giọng:
– Em vừa ăn xong no lắm! Cho em nghỉ tí lát nữa e học chị Trinh nhé
Lắc cái đầu dứt khoát Trinh đáp lời:
– Không được Chích chòe hư chiều chị không cho đi tắm biển đâu đấy! Lấy vở ra viết lại bảng chữ cái chị xem nào! Không thấy chị Ngọc ngồi học chăm chỉ ah!
Xị cái mặt ra thằng em trai vùng vằng rời khỏi giường đến bàn học lấy cuốn vở bìa xộc xệch được Trinh đóng lại từ những trang giấy ôly còn thừa từ những cuốn vở cũ và lấy chiếc bút chì bị nó cắn nham nhở phần cuối bút ra ngồi nắn nót viết từng chữ. Tạm hài lòng với thằng em Trinh gấp gọn chăn mà vừa bị xới tung bởi nó rồi kéo từ gầm giường chiếc hòm sắt cũ kỹ. Mở chiếc hòm bên trong toàn sách Trinh lựa bộ sách lớp 6 bìa được bọc cẩn thận bằng những tờ giấy báo của Trinh ngày xưa để cho Ngọc năm nay học. Những cuốn sách được mua bằng không biết bao nhiêu tôm và cá của bố khiến Trinh rất cẩn thận giữ gìn khi học, ngay cả cái nhãn vở ghi tên Pham Ngọc Trinh lớp 6A ngày nào vẫn còn rõ nét.
Ôm bộ sách ra ngòai và đẩy cái hòm trở về vị trí cũ Trinh tiếng ra bàn Học nơi Ngọc đang cặm cụi ôn lại kiến thức cũ, gương mặt bướng bỉnh của Ngọc thường ngày mỗi khi học trở nên ngoan ngoãn và dễ bảo vô cùng, dường như Ngọc cũng đã thấm nhuần cái tư tưởng của bố và Trinh nhồi vào đầu là “Chỉ có học mới có được cuộc sống no ấm”.
– Từ mai em bọc lại sách vở và thay nhãn đi nhé! Nửa tháng nữa là vào năm học rồi em thay nhanh rồi đọc trước những bài học trong sách dần đi cho đỡ bỡ ngỡ khi vào năm học mới như chị ngày xưa.
Ngọc ngầng đầu lên đưa đôi mắt háo hức vào chồng sách trên tay Trinh và ôm vội lấy vào lòng như được nhận món quà qúy giá.
– Vâng nhưng em chỉ thay nhãn thôi! Chứ bìa bọc vẫn đẹp mà chị!
Trinh gật đầu vơi ngọc rồi đưa tay chỉnh lại cái khung kính bị lệch dán chi chit những tấm bằng khen học sinh giỏi của Trinh và Ngọc được bố đóng lên bức tường phía trên bàn học. Bức tường ố màu vì nước thấm ra từ những vết nứt chi chit do được trát bằng cát biển càng làm nổi bật cái khung kính lúc nào cũng được lau chùi cẩn thận bởi bàn tay của bố. Với bố nó là thứ qúy giá nhất trong nhà và mỗi khi nghỉ ngơi bố Trinh hay ngắm nhìn nó với một gương mặt đầy tự hào.
Chợt có tiếng mở cổng và tiếng mẹ réo rắt ngòai sân
– Trinh, Ngọc đâu rồi nắng lên cao thế này chưa giặt quần áo mà phơi ah! Định ngày mai ở truồng hết cả hay sao thế.
Trinh vừa mới kịp “Dạ” một tiếng thì thằng em trai đã chạy biến ra khỏi chiếc bạn học kêu ầm lên:
– A! mẹ về! Mẹ đi chợ về rồi!
Tiếng mẹ vọng lại từ ngòai sân
– Chích chòe của mẹ hả! Hôm nay có ngoan không con! Viết được nhiều chữ chưa! Bánh rán của Chích chòe đây!
Tiếng chích chòe hớn hở vâng dạ nhồm nhòam không làm Trinh và Ngọc ghen tị, bởi cả 2 chị em đã quá quen thuộc với việc đứa em trai bé bỏng được mẹ chiều chuộng. Trinh vỗ vào vai em
– Em cứ học đi để quần áo đấy chị giặt với giúp mẹ cơm nước cho! Lát ăn trưa xong thì em rửa bát cũng được.
Trinh vừa dứt lời cũng là lúc mẹ Trinh réo gọi thêm lần nữa:
– Đâu rồi không đứa nào ra đỡ tao một tí ah! Suốt ngày học với hành sách với chả vở! Đã bảo thằng bố mày cho một đứa theo tao chợ búa đỡ đần tao thì không nghe. Khéo đời con chưa kịp nồi thì tao với bố chúng mày đã chìm xuống bùn xuống biển cả rồi.
Tiếng cằn nhằn của mẹ khiến Trinh hơi tủi thân dù cũng đã nghe không biết bao lần nhưng Trinh vẫn thoăn thoắt đôi bàn chân ra dắt chiếc xe dạp vào nhà cho mẹ, mang mấy cái thúng, mẹt vẫn còn dính đầy muối trắng và bốc mùi tanh nồng của những mẻ tôm cá mẹ bán ngòai chợ buổi sớm, rửa thật sạch rồi phơi ra trước nắng để ngày mai mẹ lại tất tả mang đi trong khi trời còn chưa sáng hẳn. Mở chiếc làn có ít rau mùng tơi Trinh đem rửa qua để nấu canh với mỏ quạ, ít cá bị dập còn thừa lại được mẹ ướp sẵn với muối trong chiếc túi nilon Trinh bỏ ra ngoài để lát nữa kho làm thức ăn mặn. Tiếng mẹ đầy ngán ngẩm vọng ra từ gian phòng của bố mẹ vọng ra khi Trinh đang chuẩn bị vò những chiếc áo đầu tiên
– Chẳng biết bao giờ thuyền bố mày về! Cứ đi lấy cá nhà người khác rồi đem lên chợ bán lời lãi chẳng được bao nhiêu mà toàn bị chúng nó đẩy cho cá nhỏ với cá ươn!
Khiến Trinh đang tủi thân vì mẹ mắng tự nhiên thấy thương mẹ vô cùng và càng quyết tâm học thật giỏi hơn nữa để bố không phải đi biển, mẹ không còn chạy chợ, các em không còn phải lem luốc thế này…
Dòng điện thất thường cung cấp cho làng chài hôm nay lại không hoạt động. Từng ngôi nhà, từng con đường, ngõ xóm chìm dần vào bóng tối trong tiếng sóng biển xô bờ cát. Nhưng bóng tối không ngự trị được lâu, ánh trăng đã ló mình ra khỏi đám mây để rọi những tia sáng nhờ nhợ yếu ớt xuống làng chài. Con sóng phản chiếu ánh trăng bàng bạc khiến vạn vật hiện dần lên một cách lung linh và huyền ảo lạ thường.
Cả nhà Trinh ngồi quây quần bên mâm cơm tối. Ngôi nhà mở rộng cửa đón ánh trăng cùng gió biển mằn mặn. Chiếc đèn dầu khơi nhỏ lửa được đặt giữa mâm. Những con bề bề vàng ruộm bên cạnh đĩa cá kho và bát canh mùng tơi nấu với ngao quen thuộc bắt mắt. Sau những giây phút hờn dỗi bởi không được xem chương trình Những Bông Hoa Nhỏ, Chích Chòe đã lấy lại nét tinh quái thường ngày.
– Bề bề này em dậm với chị Ngọc lúc sáng đấy! Chị Trinh không được ăn đâu nhé! Chị Ngọc 1 con, mẹ 1 con! Còn lại của em hết đấy
Trinh chỉ hờ hững đáp lời thằng em “Rõ! Ông tướng cứ ăn hết đi” rồi cất giọng gọi mẹ
– Mẹ… Mẹ ơi! Vào ăn cơm rồi còn đi nghỉ
– Uhh Mấy đứa ăn trước đi! Xới cho Chích chòe ăn trước kẻo em đói
Vẫn là cái giọng đầy thiên vị dành cho đứa con trai duy nhất trong nhà nhưng Trinh dường như không bận tâm đến. Trinh chỉ mong chóng đến sáng sớm mai. Với chiếc đũa cả xới từng bát cơm cho Ngọc và Chích chòe lúc này đang nhồm nhòam nhai rau ráu những con bề bề mà nó xí phần trước, chỉ sớm mai thôi Trinh sẽ được ra đón tàu bố về theo như lời mẹ nói lúc chiều. Mẹ còn dặn hôm nay ngủ sớm để mai kịp ra, và không được để thằng Chích chòe biết, nó vốn hay đòi theo ra.
– Hnay mất điện ăn xong thì Ngọc cho em đi chơi một lát rồi về ngủ nhé! Không phải học bài nữa.
Câu nói của Trinh có tác động tức thì tới thằng em ham chơi. Nó phồng mang trợn má nhai nuốt thật nhanh con bề bề còn đang ăn dở trong mồm rồi hí hứng
– Thật hả chị? Thế chị Ngọc ăn nhanh lên còn đi chơi nào! Nhanh lên! Chị Trinh đưa cơm em ăn nào.
Không chờ Trinh vừa ăn vừa quát nó như mọi hôm, Chích chòe và vội hai bát cơm rồi tót ra bên cạnh Ngọc đang chậm rãi ăn phần cơm của mình phụng phịu:
– Chị Ngọc nhanh lên! Nhanh còn đi nào
Không biết khó chịu bởi sự giục giã của thằng em, hay vì Ngọc cũng ham chơi với bọn trẻ con trong xóm chả kém gì đứa con trai nào mà Ngọc cũng và vội bát cơm của mình. Ngọc kéo Chích Chòe ra khỏi cổng nhà trong tiếng dặn với theo của mẹ
– Ngọc trông em cẩn thận! Nhớ về sớm còn ngủ
Lúc này mẹ mới bước vào, mái tóc vẫn còn giỏ vài giọt nước long tong vì chưa kịp khô hết. Ẩn hiện trong ánh đèn dầu, Trinh thoáng thấy những nếp nhăn hằn trên gương mặt mẹ. Thời gian và những lo toan cho cơm áo gạo tiền đã làm phai mờ đi chút dấu vết còn sót lại của người con gái đẹp nhất làng chài thủa nào. Trinh xới cơm vào bát, hai tay đưa cho mẹ
– Mẹ ăn đi ạ! Thế sáng mai mấy giờ mình ra bến đón tàu bố?
Cầm lấy bát cơm và nhặt vài miếng cá, mẹ Trinh thờ ơ trả lời:
– Vẫn như mọi lần thôi! 3h sáng thì ra đợi! Mong là tàu bố mày về khá hơn các tàu mới cập bến hôm qua! Không thì chả đủ tiền cho ba đứa nộp học đầu năm một lúc đâu.
Trinh không dám hỏi thêm sợ mẹ lại đay nghiến về vấn đề học hành của ba chị em, mà thực chất chỉ là của Trinh và Ngọc. Với mẹ thì con gái học nhiều cũng chẳng để làm gì, chỉ cần đủ để kiếm được một tấm chồng là được. Nếu không có bố nhất nhất bắt hai chị em học hành đến nơi đến chốn thì hẳn Trinh giờ này đã ở nhà chạy chợ từng bữa với mẹ.
Bữa tối im lìm kết thúc bằng tiếng bát đũa chồng lên nhau. Mẹ Trinh uể oải đứng lên đi vào gian phòng của mẹ
– Dọn rửa rồi chờ hai đứa kia về bắt chúng nó ngủ sớm! Nhớ dặn cái Ngọc mai phải ở nhà mà trông em không để nó thức giữa chừng chạy ra bến đâu đấy!
Trinh vừa bê mâm ra sân giếng vừa nhỏ nhẹ đáp lời mẹ:
– Vâng. Mẹ cứ vào nghỉ đi! Sớm mai mẹ thức trước thì gọi con nhé!
Không có tiếng mẹ đáp, chỉ có những cơn sóng biển rì rào từ ngoài xa vọng vào. Trinh dọn dẹp tắm rửa xong cũng là lúc Ngọc và Chích Chòe đi chơi về. Gió biển lồng lộng mát rượi là thế nhưng hai đứa vẫn mồ hôi nhễ nhại thấm cả ra ngoài áo. Trinh hắng giọng:
– Hai đứa rửa chân tay mặt mũi rồi lên giường ngủ nào, mai còn dậy sớm học bài
Ngọc vâng dạ đáp lời còn Chích Chòe vênh mặt lên ra điều kiện:
– Nhưng tí chị Trinh phải đọc truyện cổ tích cho em nghe đấy!
– Mất điện này chị đọc làm sao được! Để tối mai – Trinh khẽ cau mày
Nhưng ông tướng con quen được mẹ chiều ăn vạ ngay:
– Không! Ứ ừ đâu! Không đọc thì chị phải kể cho em! Không em bắt mẹ kể!
Ngao ngán với cái yêu sách của nó Trinh đành tặc lưỡi:
– Rồi thế phải rửa chân tay thật sạch mới được lên giường rõ chưa!
Thằng em cười hì hì rồi lon ton ra bờ giếng theo sát Ngọc để rửa tay chân.
Leo lên giường rồi mà Chích Chòe vẫn luôn miệng léo nhéo nhắc Trinh kể chuyện. Trinh đặt vội mình xuống giường, thủ thỉ vào tai chích chòe “Thế em muốn chị kể chuyện gì nào?”. Tiếng chích chòe đáp lời háo hức:
– Em thích nghe Cô bé bán diêm, chị Trinh kể cho em đi.
Câu chuyện này Trinh đã đọc cho nó nghe không biết bao nhiêu lần mà nó vẫn cứ đòi. Tuy ngán ngẩm nhưng Trinh cũng không dám từ chối sợ nó nhõng nhẽo mẹ mất ngủ, mai không dậy sớm mà đón cá được nên Trinh bắt đầu cất giọng chậm rãi kể truyện cho em.
– Ngày xưa có một cô bé bán diêm, hàng ngày cô phải đi bán diêm lấy tiền về đưa bố. Một hôm trời noel giá rét cô bé vẫn chưa bán được que diêm nào nên không dám về nhà. Ngồi ngoài đường cô bé thấy lạnh quá bèn lấy 1 que diêm ra bật lên. Huơ đôi bàn tay trước ánh lửa, cô bé tưởng tượng ra mình đang ngồi trước lò sưởi. Lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất, chỉ còn lại trong tay em là nửa que diêm cháy dở.
Cô bé bật que diêm thứ hai, bức tường trước mặt bỗng trở nên trong suốt, em nhìn thấy trong nhà là một bàn ăn phủ khăn trắng như tuyết với con ngỗng quay nhồi táo và mận khô đang bốc hơi nghi ngút. Và lạ kỳ chưa! con ngỗng bỗng từ trên đĩa nhảy xuống, lạch bạch tiến về phía em với dĩa và dao cắm ở ngực. Bỗng que diêm phụt tắt, chẳng còn gì ngoài bức tường dày tối tăm, ẩm ướt và lạnh lẽo ngay trước mặt.
Cô bé bật một que diêm nữa, và thấy mình đang ngồi dưới cây thông Noel trang hoàng dây nến và tranh rực rỡ. Với tay về phía cây thông, que diêm tắt lịm, cô bé thấy ánh nến bay lên cao, cao mãi trông như những vì sao. Rồi một vì sao rơi xuống. “Ai đó đang từ giã cõi đời!” – Cô bé nghĩ vì nhớ đến lời bà, người duy nhất yêu quý mình trên cõi đời này.
Cô bé bật que diêm thứ tư, ánh sáng bỗng bao trùm, giữa vầng sáng, bà đang đứng đó, mỉm cười hiền hậu và âu yếm. “Bà ơi!”, cô bé khóc nấc lên, “Bà mang cháu đi cùng nhé! Cháu biết bà sẽ rời bỏ cháu khi que diêm cháy hết, bà sẽ biến mất như chiếc lò sưởi ấm áp kia, như chú ngỗng quay và cây thông rực rỡ”. Cô bé vội vàng cho cả gói diêm vào ngọn lửa, ánh sáng bừng lên còn hơn cả vầng dương và bà trông như chưa đẹp lão, cao lớn đến thế bao giờ. Bà ôm cô bé trong vòng tay rồi cả hai cùng bay lên, trong ánh sáng và niềm hân hoan, xa dần mãi mặt đất, đến với Chúa, đến nơi không còn đói khát và nỗi khổ đau.
Và ngày hôm sau bà cô bé đã sống lại đưa cô bé và người cha nghèo khổ đến một ngôi nhà thật đẹp, có thật nhiều thức ăn ngon, có chiếc lò sưởi thật to và họ sống hạnh phúc cho đến cuối đời.
Quay sang nhìn em đã thấy 2 đứa ngủ từ bao giờ, Trinh mỉm cười vuốt nhẹ lên mái tóc xơ xác của thằng em trai bé bỏng. Nó vẫn cứ nghĩ câu truyện kết thúc là như vậy từ bé đến giờ, Trinh đã không cho nó biết rằng ngày hôm sau người ta đã thấy cô bé bán diêm ấy chết cóng bên lề đường trên tay vẫn nắm chặt những que diêm, một nhúm đã cháy tàn. Trinh luôn thích những câu truyện cổ tích kết thúc có hậu, tốt dẹp với bất kỳ ai luôn cố gắng học hành và là người tốt bụng. Rồi Trinh cũng thiếp đi vào giấc ngủ của mình, nơi có giấc mơ chiếc tàu của bố chở đầy cá đang dần cập bến trong nụ cười của mẹ.
Thoăn thoắt bước chân theo mẹ trên con đường ra bến đón tàu về trong cái ánh sáng trăng vẫn còn nhờ nhợ chiếu xuống. Gió biển thốc vào mặt khiến trinh co ro dù dậy sớm đón tàu kiểu này không phải lần đầu. Kéo chiếc áo công nhân sờn rách mà ngày xưa bố xin được của mấy chú công nhân sát vào người hơn, Trinh đã thấy thấp thóang bóng người lô nhô phía bến tàu, chắc là gia đình của mấy người chung tiền đóng tàu với bố. Tiếng mẹ Trinh giục gấp gáp hơn
– Nhanh chân lên xem nào! Người nhà chú Thắng chú Long ra cả rồi đấy! Chỉ ăn với ngủ thôi.
Trinh dạ nhẹ một tiếng, xốc cái thúng cắp ngang lưng cho thăng bằng hơn rồi rảo bước chạy theo mẹ cho kịp. Cái bến tàu trở nên chật chội hơn khi Trinh và mẹ chen vào đám đông toàn người quen trong xóm. Tiếng chào hỏi, phỏng đóan về lượng cá, giở tàu về rộ lên làm cái bến thường hoang vắng vào những đêm khuya nhộn nhịp hẳn lên. Xa xa phía bãi cát ngoài bến Trinh thấy lờ mờ chiếc xe hàng loại nhỏ trùm bạt của đám thương lái vẫn hay lấy hàng từ tàu bố Trinh.
Trời sáng hơn, tầm nhìn về phía chân trời của Trinh được cải thiện dần, sau một hồi căng mắt ra ngoài khơi Trinh đã thấy cái đốm đen nho nhỏ chậm rãi tiến về bờ. Mọi người trên bến xôn xao chỉ về cái đốm đen ngày một lớn “Kia rồi”, “Về rồi kìa”, “Muộn thế”…Chẳng bao lâu chiếc tàu của bố đã hiện rõ mồn một trước mắt trinh, màu sơn xanh sơn trên thân tàu có vài chỗ tróc không chệch đi đâu được, phần đáy tàu màu đỏ xỉn xỉn chìm nổi dưới nước đầy hà bám. Dáng bố Trinh cao lớn nhưng gày đét và đen nhẻm đứng đàu mũi tàu đưa tay vẫy. Đôi mắt bố vẫn sáng như ánh sao mai buổi sớm dù gò má hốc hác, râu tóc rối bù, “Chắc bố phải tiết kiệm nước ngọt lắm đây” Trinh thầm nghĩ. Đang định nhảy lên cái cầu gỗ vừa được bố kê từ tàu vào thành bến để ôm lấy bố sau gần tháng xa cách nhưng giọng mẹ Trinh đã réo rắt vang lên:
– Con Trinh đâu rồi còn đứng đấy làm gì? Mang thúng lên đây xem nào! Cứ như người mất hồn thế.
Như sực tỉnh Trinh hớt hải bê vội mấy cái thúng chạy theo mẹ lên tàu, mùi cá tanh nồng xộc từ khoang chứa cộng với gương mặt hớn hở của mẹ và mọi người làm Trinh biết đây là một chuyến bội thu. Mặc cho con thuyền vẫn tròng trành bởi gió và sóng biển Trinh xắn tay xông vào chỗ mẹ cùng mọi người để đỡ cá từ khoang lên. Từng đợt hải sản dính đấy muối trắng được bàn tay khẳng khiu đầy sức mạnh của bố đưa lên, Trinh nở nụ cười tươi rói đón cá, mực, tôm, ghẹ, cua… chuyển vào thúng phân loại. Những hàng tươi ngon được giá mẹ Trinh cân đo cẩn thận rồi chuyển cho đám thương lái đang túc trực dưới bến, cuốn vở cũ quăn tít ẩm ướt được Trinh lấy ra kê lên đùi ghi chép cẩn thận để không lãng phí bất kỳ một giọt mồ hôi nào của bố đổ ra biển. Chẳng bao lâu tiếng cười đùa vui vẻ bởi một chuyến tàu bội thu đã lặng dần xuống nhường chỗ cho lời rầm rì tính toán của các bà vợ, rồi thì những đồng tiền xanh đỏ trao vội cho nhau trong đôi mắt lấp lánh niềm vui.
Mẹ Trinh vui như tết cười nói liên tục chỉ tay vào những thúng hải sản không đạt được độ tươi ngon cần thiết bị bỏ lại bởi đám thương lái:
– Mọi người chia nhau nốt chỗ này lên chợ bán hoặc về nhà liên hoan cũng được, chuyến này tính ra mỗi nhà được 5 triệu rồi(một số tiền khá lớn khi mà hồi ấy vàng chỉ có 300k/chỉ)
Tất nhiên là mẹ Trinh chỉ để lại một phần nhỏ cho Trinh mang về còn đâu thì gánh hai thúng nặng trĩu tôm cá cất bước về phía chợ với hy vọng kiếm thêm đồng nào hay đồng đấy dù bố đã lên tiếng cản:
– Thôi cái đấy bán rẻ lại cho mấy chị em chạy chợ trong làng để họ hưởng chút lộc biển đi bà.
Nhưng mẹ vẫn bước chân đều chỉ để lại câu nói ngược gió biển:
– Bán rẻ rồi thì ai bán rẻ cho vợ ông ở nhà! Ông có chạy chợ đâu mà biết! 2 bố con về trước đi trưa tôi về sau.
Lúc này bố mới quay sang nhìn đứa con gái đầu lòng của mình, đưa đôi bàn tay đầy những vết chai sạn và xước sát bởi lưới cọ khi kéo vuốt lên mái tóc của Trinh.
– Về thôi con! Bố dấu mấy con ghẹ trong kia rồi! về luộc cho các em ăn và phần mẹ một con!
Trinh cười hạnh phúc nhìn bố đang nháy đôi mắt đầy hàm y’:
– Đúng là chỉ có bố hiểu mẹ thôi! Bố về tắm rửa đi hôi lắm rồi đấy
Nói xong Trinh chạy vào buồng lái tìm đến góc buồng quen thuộc lấy mấy con ghẹ được bố buộc cẩn thận rồi chạy xuống tàu đuổi theo cái dáng lênh khênh của bố trong ánh bình minh đang le lói phía chân trời.
Bên bố Trinh chả còn tí già dặn nào, Trinh lại trở thành cô bé 14 tuổi ngây thơ, tung tăng bên cạnh bố cười nói. Trinh níu lấy tay bố khoe những chuyện ở nhà, khoe chán Trinh lại háo hức nghe bố kể về những kỳ thú ngoài khơi, kể về những đêm lạnh giá chỉ biết tu những hụm mắm cốt(loại mắm nguyên chất nồng độ đạm cao giúp người ta xua đi cái lạnh ngoài biển), những buổi trưa nắng chói chang oi bức mà không dám nhảy xuống biển vì nước biển cũng sôi sùng sục dưới ánh mặt trời như thiêu đốt. Trinh cứ thế vừa nghe vừa bám vào cánh tay gầy guộc đen nhẻm của bố dù mùi tanh cá và mùi mồ hôi bốc ra liên tục. Giọng Trinh khi thì hớn hở “Thế ạ”, “Ồ”, “Hay thế”… theo những lời kể thú vị của bố, cũng có lúc im thin thít rồi nắm chặt lấy tay bố bởi thương cảm trước những vất vả bố phải chịu. Hai cái bóng 1 cao một thấp nói cười không ngớt bên nhau chẳng mấy chốc đã đến cổng ngôi nhà quen thuộc.
Trinh chạy vụt lên đẩy cánh cổng lao vào nhà kêu lên “Dậy đi! Dậy đi! Bố về rồi” rồi nhào vào giường cù nách thằng em bé bỏng vẫn còn say giấc. Hai đứa tỉnh dậy dụi mắt ngỡ ngàng nhìn Trinh như quái vật dường như chúng không nhận ra bà chị khó tính hàng ngày nữa. Nhưng ánh mắt hai đứa chẳng nhìn Trinh được lâu khi cái bóng bố bước vào kèm cái giọng khàn khàn:
– Chích chòe của bố đâu rồi! không dậy đón bố ah?
Chích chòe bật ra khỏi chăn như một con sóc nhỏ lao vào lòng bố:
– Bố! Bố đây rồi! Sao bố đi lâu thế! Bố mang gì về cho con không!
Ôm chặt thằng con trai duy nhất của mình vào lòng, bố cà những sợi râu lởm chởm vào mặt vào cổ làm thằng bé ré lên cười liên tục vì buồn.
– Bố đi làm để Chích Chòe có quần áo mới! Có tiền đi học mà! Thế chích chòe ở nhà có ngoan không mà đòi quà!
Đôi mắt chích chòe hơi lấm lét nhìn Trinh như sợ bị Trinh mach tội một vài giây rồi cũng hớn hở đáp:
– Con ngoan lắm ạ! Con viết được hết bảng chữ cái rồi! Chị Trinh đang dạy con viết số nữa. Bố ra đây con viết cho mà xem.
Nói chưa dứt chích chòe đã vội nhào người chạy ra bàn học định lấy bút vở để khoe bố, nhưng bố đã níu nó lại cắp lấy hai bên nách và tung lên hạ xuống đầy phấn khích trong tiếng cười nắc nẻ của Chích chòe. Đùa chán với thằng con cưng bố ngồi vào bàn rít một điếu thuốc lào và lấy trong túi ra những con ốc biển rõ to
– Đây quà của mấy đứa đây! Có cái này nghe sóng biển quanh năm nhé! Thích chưa
Những con ốc biển hồng hào đầy gai nhọn đã được bố dũa cẩn thận để không làm bị thương khi nghịch chuyển đến tay 3 chị em trong đôi mắt háo hức. Vậy là Trinh lại có thêm một con ốc trong bộ sưu tập vỏ ốc của mình, Ngọc thì úp ngay con ốc biển vào tai để nghe những tiếng rì rào như sóng vỗ. Còn ông kễnh con chích chòe thì cho ngay mấy viên bi sắt vào lắc lắc ra chiều thích thú lắm.
Để kệ ba chị em mân mê mấy con ốc biển, bố vào phòng lấy đồ rồi ra giếng tắm, tiếng dội nước ào ào liên tục hơn 10’ thể hiện rõ khát khao được tắm nước ngọt của bố lớn đến thế nào. Tắm xong, bố chọn bộ đồ tươm tất nhất mặc vào rồi lên nhà hắng giọng:
– Nào giờ chị Trinh ở nhà luộc ghẹ, để bố đưa Ngọc với Chích chòe lên chợ huyện sắm sửa cho năm học mới nào.
Ngọc reo lên nho nhỏ vì vui sướng còn chích chòe thì khỏi nói nó nhảy cẫng lên lao vào bố như lao vào ông bụt nào đấy trong chuyện cổ tích gào thét:
– Bố tuyệt vời! Đi luôn thôi bố! Đi luôn nào?
Nhừng ngày bố ở nhà thật là vui vẻ, hạnh phúc. Mẹ không cằn nhằn chì chiết gì Trinh, chích chòe thì ngoan ngõan vui vẻ, Ngọc bớt trốn đi chơi với bọn con trai trong xóm ở nhà ôn bài. Trinh cũng có thời gian kèm cặp các em và chuẩn bị cho năm học mới của minh. Bố sắm cho Chích chòe chiếc cặp sách mới tinh, may cho Trinh và Ngọc bộ quần áo cho ngày khai giảng. Thằng em Trinh thì sáng nào dậy cũng khoác ngay cái cặp xanh đỏ lên vai ra vẻ là đi học khiến cả nhà cười ầm ĩ, còn Trinh cũng đôi khi lén chạy vào gian trong ướm thử chiếc áo mới trắng tinh lên người với niềm hãnh diện nho nhỏ. Rồi những ngày vui vẻ cũng dần qua, một buổi trưa đang rửa bát ngoài sân giếng Trinh nghe thấy tiếng bố mẹ nói chuyện trên nhà vọng ra
– Sáng mai tôi lại đi với các chú ấy! Tàu thuyền đã chuẩn bị xong hết rồi
Giọng mẹ hơi trùng xuống đáp lại:
– Sao vội thế! Để 1,2 hôm nữa hãy đi không được ah! Ông mới về có 1 tuần thôi mà
Bố cười nhẹ tiếp lời:
– Giờ đang trời yên biển lặng mình phải tận dụng thời gian chứ tháng nữa là mùa bão chẳng biết có ra khơi được không mà đi.
Mẹ im lặng một lúc rồi cũng đồng tình:
– Uhh! Ông nói cũng phải! thế để tôi bảo cái Trinh tối làm cơm nắm muối vừng để ông đi, chăn chiên thì mới mua rồi chỉ còn mắm cốt lát tôi sang nhà chị Hạnh lấy cho.
– Vậy mẹ con bà chuẩn bị đi! Tôi chạy lên chợ mua thêm ít lưỡi câu và đất đèn không thiếu! Muối thì chú Long chuẩn bị hết rồi bà không phải lo nữa!
Dứt lời Trinh thấy bóng bố ra khỏi nhà lấy chiếc xe đạp đi về hướng chợ huyện.
Sáng hôm sau cả nhà ra bến tiễn bố cùng các chú đi cùng, người tiễn cũng đông chẳng kém gì số người đón chỉ có điều là thiếu đi sự nhộn nhịp, háo hức. Những ánh mắt bịn rịn, những lời chúc may mắn, động viên thốt ra trong cái giọng buồn buồn làm không khí nơi bến tàu trùng hẳn xuống. Chỉ đến khi bố cất giọng pha trò “Các bà muốn chúng tôi đánh cá hay cá đánh chúng tôi đây mà sưng mặt lên thế! Vui vẻ lên xem nào” thì không khí mới dãn ra để tiếng cười nói xuất hiện xua đi nét rầu rĩ trên từng gương mặt. Trinh cũng tỏ ra người lớn khi lên tiếng chúc bố thượng lộ bình an rồi vẫy tay cùng mọi người trên bến khi chiếc tàu mang theo khát vọng của bao người dần dần rời bến.
Tàu khuất xa nơi đường chân trời ai lại về nhà nấy để tiếp tục một ngày bình thường như bao ngày bình thường khác. Tay dắt chích chòe và bước chân theo mẹ về nhà Trinh tự dưng thấy trống trải và buồn bã vô cùng, sao 1 tuần trôi đi nhanh thế Trinh chỉ ước là tôm cá tự bò vào nhà để bố suốt ngày cười đùa với Trinh và các em, để Trinh được sống đúng với cái tuổi của mình. Đang mải nghĩ thì chích chòe giật tay Trinh chỉ về phía bãi biển gần bờ
– Chị Trinh người ta làm gì thế kia?
Trinh phóng đôi mắt theo tầm tay của nó, nơi ngón tay chích chòe chỉ có mấy người đang hỳ hục đào những hố trên bãi biển.
– Ah người ta lấy cát biển để xây nhà! Nhà mình cũng xây bằng cát biển đấy!
Chích chòe tròn xoe mắt:
– Ơ Thế hả chị! Thế mà chả ai bảo em cả.
Trinh xoa đầu em cười không đáp, sợ trả lời nó lại hỏi thêm thì mệt rồi thầm nghĩ “Vậy là làng chài bé nhỏ lại thêm nhà mới rồi!”
Bố đi biển, cuộc sống lại trở về quen thuộc như những ngày vắng bố, mẹ lại chạy chợ vào những buổi sáng sớm, Trinh trở lại cái giáng vẻ bà già để đôn đúc quán xuyến 2 đứa em thay mẹ và bố. Những ngày nhớ bố rồi cũng lùi xa để nhường chỗ cho lo toan đời thường.
Một buổi sáng Trinh dậy sớm ra biển để kiếm ít mỏ quạ và ngao về nấu cháo cho Ngọc, hôm trước nó đi dặm bề bề bị con vật đầy ngạnh cứng trên thây ấy đâm vào bàn chân. Tối qua sưng to và sốt làm mẹ phải tất tả đi mua thuốc uống và rắc kháng sinh lên vết thương. Hôm nay nó đã đỡ hơn nên Trinh nấu cháo để nó ăn bồi bổ. Sọ Chích chòe ở nhà nghịch ngợm trêu Ngọc nên Trinh cũng cho nó theo ra. Tìm đến bãi đá quen thuộc đề cào những con mỏ quạ dính đầy bùn Trinh dặn Chích chòe
– Chích chòe ở trên bãi viết chữ nhé! Đừng cậy biết bơi mà chạy ra ngòai biển chị mắng đấy!
Chích chòe nhăn cái mặt đáp lời Trinh:
– Vâng nhưng chị phải vào nhanh đấy! Em ứ chờ lâu đâu!
Trinh gật đầu dặn e thêm vài câu nữa rồi bước chân thoăn thoắt tiến vào bãi đá. Mải mê cào thật nhanh những con mở quạ để về nấu cháo cho em, Trinh quên béng thằng em cho đến khi nó gào réo sau lưng
– Chị Trinh ơi! E viết nhiều lắm rồi! Mỏi tay không viết nữa đâu! Cho em lội nước 1 tí nhé! E chỉ lội gần bờ thôi!
Quẹt những giọt mồ hôi đang lăn trên trán Trinh quay vào phía bờ nói thật to:
– Uhh được rồi! Nhưng chỉ chạy dọc bờ thôi nhé! Ra xa ướt áo chị đuổi về đấy!
Tiếng chích chòe “vâng ạ” làm Trinh yên tâm cào tiếp, cào được thêm vài phút Trinh quay lại để ngó em xem có chắc chắn là nó chạy dọc bờ không bơi ra xa nhưng cả bãi biển vắng lặng như tờ, không một bóng người nào cả, chỉ có tiếng sóng biền vẫn đang rì rào vỗ nhè nhẹ vào bờ cát…
Hơi giật mình Trinh vội vã cất tiếng gọi thật to “Chích chòe”, “Dũng ơi!” tiếng gọi của Trinh chẳng hề có lời nào đáp lại, chỉ có tiếng sóng vô cảm nuốt dần lấy những câu gọi em của Trinh. Bỏ chiếc cào vào rá Trinh chạy ngay về phía bờ cát “Thằng này hư thế! Chắc là bỏ vào xóm chơi rồi! Không thèm bảo mình” trinh thầm nghĩ. Nhìn lên bờ cát trắng quen thuộc còn vương vài nét chữ nguệch ngọac của Chích Chòe, Trinh cố tìm lấy dấu chân của em hy vọng nó cho Trinh biết hướng chạy vào xóm của Chích Chòe. Nhưng chỉ có những dấu chân nhỏ xíu quen thuộc hướng về phía biển chằng còn vết nào đi vào bờ cả, ánh mắt trinh từ nôn nóng chuyển qua hoảng sợ, chiếc rá rơi xuống bờ cát không một tiếng động, những con mỏ quạ còn dính bùn tanh vương vãi ra quanh chỗ Trinh đứng. Trinh gào tên em lạc giọng, rồi lao xuống biển, sải chân Trinh muốn căng ra hết cỡ dù con nước biển đang lên như muốn đùa cợt níu chân Trinh lại. Tiếng gọi em thảm thiết rồi lạc đi, Trinh sải tay bơi ra thật xa lặn những hơi thật dài căng con mắt dỏ au vì nước biển và nước mắt tìm em. Càng cố bơi, cố lặn Trinh càng đuối dần, vài ngụm nước biển mặn chát xộc vào cổ vào họng làm đôi mắt Trinh mờ đi, cái dạ dày từ sáng chưa ăn gì không tiếp được sức cho Trinh nữa, sải tay Trinh cào mỏ quả từ sáng vùng vẫy yếu dần trong những ngọn sóng ngược chiều bơi đập vào. Trinh chìm dần xuống với sự tuyệt vọng, cái miệng mỗi khi trồi lên hớp được tí không khí nào lại sặc sụa gọi em trong tiếng nức nở.
Nhưng Trinh quyết không từ bỏ, sức mạnh không biết từ đâu kéo đến khiến Trinh nín thở bơi một mạch vào bờ, lảo đảo bước trên bờ cát rồi trinh chạy, dáng chạy xiêu vẹo như muốn ngã bất kỳ lúc nào thẳng về làng chài. Cái miệng tưởng như đã không thể nói được hướng vào những mái nhà quen thuộc trong làng gào lên “Ai cứu em cháu với! Cứu với!” rồi cái bóng xiêu vẹo ấy ngã vật xuống trên con đường đầy sỏi. Những tiếng người lớn bé xôn xao, tiếng chân chạy huỳnh huỵch, tiếng hô hóan lớn dần lên hướng về bờ biển. Một người đàn ông to lớn đỡ Trinh dậy, khuôn mặt Trinh giờ đã trắng bệch vì mất sức và ngấm nước. Trinh run run chỉ tay ra bãi biển “E…m ch…áu, e…m ch…áu, cứ…u”, có lẽ chỉ có thế là đủ với người dân làng chài đã chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn kiểu như thế. Họ huy động nhau tìm kiếm, những chiếc thuyền câu nhỏ được giăng lưới phía ngoài xa đề phòng em Trinh bị sóng cuốn ra xa. Trinh chạy dọc bờ nhìn ngóng từng chú, từng bác, từng anh với niềm hy vọng khôn cùng. Chỉ một tiếng nói hơi to một chút của những người đang đào xới biển tìm Chích Chòe cũng khiến Trinh giật mình dõi mắt về đấy. Gần một tiếng tìm kiếm trong những con sóng đang ngày một to hơn vì nước biển đang lên, những người Trinh đặt hy vọng cũng chán nản lắc đầu dần, họ đã cất bước vào bờ với cái lắc đầu ngao ngán, có vài người đã hướng ra ngòai xa cất giọng:
– Chăng thêm lưới ngòai đấy đi! Chỉ sợ sóng đánh ra ngòai đấy rồi!
Người ta không dám nhắc đến chữ “xác” để Trinh khỏi đau lòng nhưng Trinh vẫn biết là họ đang dừng lại dần, Trinh tuyệt vọng gào thét với từng người đi vào:
– Không! Cháu xin chú! Xin bác! Quay lại đi! Chích chòe là niềm hy vọng của bố cháu, của cả nhà cháu! Cháu xin mọi người! Đừng vào bờ! Cháu xin…
Trinh không nói ra được lời nữa, những câu sau chỉ là tiếng thều thào, đôi chân Trinh toét máu vì bị xẻ ra bởi những con hà, những mảnh đá nhọn mà Trinh chạy qua trong lúc tìm em. Hai cái đầu gối qùy ngập trong nước biển hướng về phía mọi người mà van lạy. Ai đó xốc nách trinh lên kéo vào bờ:
– Không! Để mặc cháu! Cháu phải tìm em! Tìm chích chòe! Em cháu đang cần cháu cứu!
Tiếng gào yếu ớt và cái dãy dụa chẳng còn tí lực nào không đủ để giữ Trinh lại, người ta đã kéo Trinh vào đến cái kè đá chắn sóng biển rồi. Dường như những lời nói của Trinh khiến đám người lại ngụp mình bơi ra ngoài lần nữa dù cũng có kẻ đã bị chuột rút phải tập tễnh vào bờ. Nhưng cái kẻ tập tễnh được người ta dìu vào bờ ấy lại là người tìm ra chích chòe. Từng bước khập khễnh được dìu bởi người khác vào bờ khiến họ bị tụt xuống một cái hố cát ai đó đào lên lấy cát không cắm que đánh dấu như mọi lần. Và khi 2 người họ trồi lên khỏi hố cát ấy một người đã bế theo Chích chòe cùng tiếng gào vang vọng cả bãi biển:
– Thấy rồi! Tìm ra rồi!
Toàn thân rã rời Trinh cố lết từng bước về phía người đàn ông đang bế Chích Chòe mềm nhũn và ướt sũng đi lên, Trinh muốn nhìn mặt em, muốn gọi e dậy nhưng có ai đó đã giữ lại:
– Vào bờ đã cháu! Để các bác ấy cứu tỉnh nó đã
Từng thanh niên trai tráng lực lưỡng luân phiên cõng lấy thân hình mềm oặt của em Trinh chạy dọc bãi, cách sơ cứu thường thấy dành cho người bị chết đuối mong tống được những ngụm nước biển mặn chát mà Chích chòe nuốt phải. Từng người thở dốc trao em Trinh cho người khác mà mãi Chích Chòe của Trinh vẫn chưa tỉnh và họ không còn chạy dọc bờ biển để sơ cứu nữa, họ ôm chích chòe bé bỏng trắng nhợt bất động hướng về trạm y tế nhỏ nằm cách làng chài vài ba km. Trinh cũng chạy, chạy xiêu vẹo, chạy như muốn ngã ra bất kỳ lúc nào, Trinh níu tay vào từng người đi trước mà chạy theo. Trinh sợ người ta lấy mất Chích chòe bé bỏng của cà nhà, Trinh vừa đuổi vừa nghĩ
– Mình sẽ nấu cháo cho Chích chòe ăn! Không mắng nó nữa! Cho nó hết bộ sưu tập ốc của mình, đọc truyện cả đêm cho Chích chòe.
Cái trạm y tế bé xíu đã hiện dần ra trong con mắt nhìn cái gì cũng mờ ảo của Trinh bởi mệt mỏi, lo lắng, sợ hãi. Trinh bám vào cánh cửa trạm y tế thở dốc lấy thêm không khí rồi cố gắng bước tiếp về phòng cấp cứu. Cái phòng cấp cứu đông nghị người chen lấn ngó vào bên trong bỗng dưng yên lặng, không còn tiếng quát tháo, giục dã nữa, chỉ còn những gương mặt tiếc nuối nhìn vào trong rồi quay lại ngó Trinh đầy thương cảm. Mỗi bước chân run run như có thế ngã ra bất kỳ lúc nào là vài ba người lại dạt ra nhường lối, đôi lúc còn đưa bàn tay khẳng khiu chai sạn ra đỡ Trinh để Trinh có thể vững vàng hơn. Đôi tai Trinh vừa khôi phục được một phần thính lực giờ lại ù dần đi bởi những câu nói từ trong phòng cấp cứu vọng lại:
– Tội nghiệp! Muộn quá
– Cả nhà sinh mãi mới được thằng con trai
– Ai đi gọi mẹ nó chưa
– Chị nó đâu rồi! Cho vào nhìn mặt em đi
– Cho người đi ra trạm phát thanh nhờ đánh tín hiệu ra ngòai khơi đi! Bố nó đi biển được 1 tuần nay rồi
– Thằng bé ngoan thế mà…
…
Nhiều lắm Trinh không nghe được nữa, đám nguời đã dãn ra để Trinh nhìn thấy Chích Chòe bé bỏng nằm bất động trên chiếc giường sắt hoen gỉ. Trinh đã đến gần để đủ nhìn thấy em, đứa em tinh nghịch, hiếu động của Trinh giờ không cử động được, mái tóc rễ tre dựng đứng giờ dính bết vào đầu và trán bởi nước biển, đôi mắt tròn xoe đen láy như đôi mắt mẹ đã nhắm nghiền, khuôn mặt đen nhẻm vì nắng sao giờ lại trắng bệch ra thế kia. Bàn chân chân chạy nhảy khắp nhà, bàn tay hay bứt tóc trêu Trinh giờ sao lạnh giá thế, Trinh ngơ ngác nhìn lên cô y tá đôi mắt cũng đỏ hoe vì thương cảm:
– Em cháu sao hả cô! Bao giờ thì tỉnh ạ
Cô y tá thở một hơi dài cúi xuống vuốt mái tóc Trinh:
– Em cháu đi rồi! cháu nhìn em lần cuối đi! Muộn quá cô không cứu kịp
Tiếng cô y tá dịu dàng mà như những tiếng sét đánh vào màng nhĩ Trinh, Trinh nhìn cô, nhìn Chích chòe rồi như hiều ra Trinh ôm chặt lấy cái thân thể bất động lạnh giá của em mà gào khóc:
– Dũng ơi! Là tại chị! Chích chòe ơi! Chị có lỗi! Tại chị ham mỏ quạ mà hại em rồi! Tại chị! Em đừng đi em sống lại đi
Trinh gào thét Trinh phục lên người em như muốn truyền hơi ấm vào cái thân thể giá lạnh đang cứng dần ấy, tiếng Trinh khóc khiến ai cũng muốn nưc nở theo Trinh. Rồi khi tiếng nức nở gào thét của Trinh yếu dần xuống thì người ta lại nghe thấy ai đấy gào từ ngòai kèm với tiếng chạy thình thịch
– Chích chòe đâu! Chích chòe nhà tôi đâu! Nó đâu?
Chưa ai kịp trả lời một dáng người lam lũ vẫn còn đầy mùi tanh cá lao vào bên Trinh, giọng mẹ Trinh lạc đi từ khi nào:
– Trời ơi! Con tôi! Sao lại thế này hả con! Sao không ở nhà mà lại ra biển hả con
Tiếng gào thét đầy ai oán của người mẹ tần tảo mất con làm người ta không chịu được mà phải tránh ra xa:
– Trời cao đất dày ơi! Tôi sinh mãi mới được đứa con, bố nó ngày đêm đi biển tôi ngày đêm chạy chợ lo cho nó, giờ nó lại bỏ tôi đi làm sao, con ơi! Dũng ơi! Dũng của mẹ ơi!
Trinh nức nở quay sang ôm mẹ, mong chia sẻ nỗi đau cùng mẹ nhưng không, một cái đạp từ bàn chân chạy chợ nuôi Trinh, một cái tát từ người mẹ đã bồng con bao lần, rồi mẹ Trinh lao vào cấu xé Trinh trong sự ngỡ ngàng của chính Trinh: