Tại một làng nọ, có một bà già sống trong cảnh góa bụa hẩm hiu. Bà thường than vắn thở dài cho số phận chẳng may của mình. Nhưng than thở cũng chẳng ích gì vì thực tế bà phải kiếm gạo nuôi đứa con trai độc nhất, tên là Ná.
Hiện tại, Ná là nguồn an ủi lớn lao cho bà. Ná là kết quả của sự sống chung với người chồng đã quá cố, người chồng mà bà thương yêu hơn chính bản thân mình.
Thật vậy, tình mẫu tử còn bao la hơn cả trời cao đất rộng. Bà có thể nhịn ăn để Ná thừa cơm ấm áo, chứ nhất định bà không chịu để chú bé phải dãi nắng dầm sương, nay đầu ghềnh, mai cuối bãi, lặn lội theo bà để kiếm ăn.
Vì lòng hy sinh cao cả của mẹ nên Ná thương mẹ lắm, ngày đêm mơ ước lớn nhanh, khỏe vội để nuôi mẹ dưỡng già trong khoảng thời gian còn lại của đời bà.
Một hôm, trời đất cho Ná toại nguyện: Sau một đêm ngủ dậy, Ná tự nhiên thay đổi hẳn. Từ một chú bé khẳng khiu ốm yếu, Ná trở nên mạnh khỏe gấp mười người lớn. Ngực Ná nở tròn, căng như chiếc nỏ đã lên dây. Tay Ná nở phồng và đen bóng như bồ hóng. Ná càng khỏe thì càng ăn nhiều. Mẹ nấu cho nồi cơm lớn, Ná ăn sạch; nấu đến nồi ba, nồi năm, nồi bảy, nồi mười, Ná cũng ăn hết ráo.
Thoạt tiên mẹ mừng vì con chóng khỏe, nhưng chẳng bao lâu, mẹ đâm ra ái ngại thở dài. Lúa gạo trong bồ, dự trữ từ mấy năm nay, phút chốc hết sạch. Mẹ càng nai lưng làm lụng vất vả cho đến một ngày kia, bà ngã bệnh trầm trọng. Thấy mẹ đau, Ná buồn lắm, bèn chạy thuốc cứu mẹ từ ông lang này qua ông lang khác, nhưng bệnh tình của mẹ vẫn không thuyên giảm. Dù thế Ná vẫn không thất vọng. Một hôm, Ná dắt con chó vàng vào rừng đi tìm lá cứu mẹ. Leo tới lưng chừng núi, con chó bỗng rướn cổ sủa vang. Ná cứ cắm cổ đi thẳng, không để ý gì đến chung quanh, vì đầu óc của Ná chỉ nghĩ đến bịnh tình của mẹ mà thôi. Bỗng con chó giựt dây chạy biến. Ná nhìn lại, thấy nó đang rượt đuổi một con hươu lửa rất đẹp. Ná vội vã chạy theo. Ná chạy rất nhanh, nhanh hơn cả tên bay, gió thoảng thế mà lạ thay, vẫn không đuổi kịp con hươu kia. Đến đỉnh đồi, con chó bị lạc mồi, chúi mõm vào tay chủ. Ná thì đang thở dốc, hơi thở kêu phò phò như một con rắn hổ mang.
Khi hết mệt rồi, Ná nhìn quanh quất cốt ý tìm dấu vết con mồi, nhưng chẳng thấy gì. Chợt nhìn sang bên trái, Ná thấy một ông già, râu tóc bạc phơ, đầu chít khăn trắng, đang đưa tay vẫy ra dấu bảo Ná lại gần. Ná do dự chưa biết tính sao thì ông già đã lên tiếng:
– Sao ngươi dám đem chó vào chốn rừng thiêng của ta? Người không biết đây là cõi Tiên hay sao?
Ná ngơ ngác nhìn ông già rồi hỏi:
– Thưa cụ, thế… cụ là Tiên?
Ông Tiên gật đầu, nói tiếp:
– Con hươu lửa mà người đuổi theo hồi nãy là con của ta đấy. Nó đi dạo chơi, không động chạm gì đến ngươi, sao ngươi lại đuổi nó?
Trước hình dung quắc thước lạ thường của ông Tiên, không chần chờ gì nữa, Ná phục mình xuống sát đất, vừa lạy vừa nói:
– Thưa Ngài, quả thật là con không biết con hươu kia là con Ngài. Nếu biết, con đã không dám…
Ông Tiên vừa vuốt râu bạc phơ vừa thong thả nói với Ná:
– Thôi, đứng dậy đi! Ta tha cho ngươi lần này. Từ rày về sau, hễ thấy con ta đâu thì không được hỗn nữa.
Nói đến đây, ông Tiên quay gót định đi. Ná thấy vậy càng lạy tới tấp và nói:
– Thưa Ngài, xin Ngài nghĩ tình thương con mà đừng đi vội, cho con thưa cùng Ngài một chuyện…
Ông Tiên nghe Ná ăn nói lễ phép, vội dừng lại, nhìn Ná một hồi rồi nói bằng một giọng đầy yêu thương:
– Chuyện gì? Con có chuyện gì muốn nói?
Ná mừng lắm, bèn kể rõ bệnh tình của mẹ và xin Tiên ra tay cứu giúp. Sau một hồi trầm ngâm, Tiên nói:
– Con hiếu thảo lắm! Ta rất yêu những người biết lễ nghĩa và hiếu thảo như con. Thôi được, ta cho con cái này…
Vừa nói Tiên vừa trao cho Ná một viên sỏi trắng. Ná vui mừng như mở cờ trong bụng. Hai tay run run cầm viên sỏi, Ná cúi đầu tạ ơn Tiên lia lịa. Tiên nói:
– Viên sỏi đó quý lắm. Chẳng những nó cứu được mẹ con mà còn có thể giúp con thêm mạnh. Con dùng nó, người con sẽ đổi khác hoàn toàn. Con sẽ trở thành một thiếu niên có sức mạnh vô địch, không một chướng ngại nào cản trở được con…
Một lần nữa, Ná lại vái lạy tạ ơn Tiên lia lịa. Tiên bảo tiếp:
– Con nhớ đem viên sỏi này về nhà, lựa một thân cây trên núi mà con thích rồi ủ kín nó đi. Chờ đủ ba ngày ba đêm, bao giờ nghe tiếng gà rừng gáy o o, con chạy đến cây kia, sẽ thấy thuốc đưa về cứu mẹ…
Về đến nhà, Ná làm đúng như lời Tiên dặn. Đúng ba ngày ba đêm, bữa nọ, trời chưa sáng tỏ, Ná đang ngồi trong bếp bỗng nghe văng vẳng tiếng gà rừng gáy o o. Mừng quá, từ trên nhà Sàn, Ná chạy lẹ xuống cầu thang, chạy tắt qua nhà nem tơ ne , qua đập ngăn nước chận cá, leo vội lên cây có giấu kín viên sỏi. Ná nhìn kỹ chẳng thấy sỏi đâu cả, nhưng từ giữa thân cây, mọc lên một nho nhỏ, lá xanh biếc, có củ con đèo dưới gốc.
Biết là thuốc tiên, Ná nâng tay cầm lấy cây quý chạy miết về nhà. Vừa chạy Ná vừa ngắt một củ cắn thử xem. Lạ lùng thay! Ở trong củ cứ rỉ ra một thứ nước tươi như máu hồng. Về đến nhà, Ná soi của vào ánh lửa ngắm xem thì thấy củ có màu óng ánh xanh, đỏ, vàng, trắng, tím đẹp như cầu vồng ngũ sắc.
Ná đem nửa củ cho mẹ ăn. Chỉ một lúc sau me. Ná thấy khỏe ngay, ngồi dậy được và cười nói như thường. Thấy l ạ, Ná ăn thử một củ. Vừa ăn xong, người Ná bỗng trở nên cao lớn lạ thường. Một hiện tượng lạ xảy ngay sau đó: Tay tự nhiên vạm vỡ, rắn chắc như cành ké, chân tự nhiên lớn dần và cứng như cây kơ-rông (một loại cây không bao giờ mục trong rừng). Chưa hết, vai Ná tự nhiên to bằng ba bốn vai trâu rừng ghép lại, ngực tự nhiên căng phồng và cứng như một khối đá nặng ngàn cân.
Ná cất bước thì sàn nhà chao đi chao lại, cột kèo nghiến răng rắc muốn gãy. Ná bước xuống cầu thang thì cầu thang lún sâu xuống đất, thấp lè tè như cái nắm tí teo. Ná cầm cây mít trước nhà lắc thử, nhưng mới lắc qua chưa kịp lắc lại, gốc mít đã bật khỏi đất. Ná vác gốc mít lên vai thấy nhẹ như vác cây mía.
Mẹ thấy Ná cao lớn khác trước nhiều quá, sợ hãi la lên. Dân làng chạy đến xem, thấy Ná sừng sững giữa sân, cao lớn như núi, cũng một phen kinh hồn bạt vía.
Vì mạnh nên Ná càng ăn khỏe gấp ngàn lần trước đây: Điều này không có gì lạ, phù hợp với định luật tăng trưởng của cơ thể con người! Biết là mẹ và cả dân làng nữa cũng không thể kham nổi về vấn đề ăn uống của Ná nên chàng đi vào rừng tìm một cành dõn to nhất, lung kiếm những dây mây bự nhất, những gốc tre lồ ô già nhất để làm nỏ và tên. Từ đó ngày nào Ná cũng đi săn thú để ăn. Nếu rừng này bắt đầu khan hiếm voi, hổ, trâu rừng… thì Ná lại đi kiếm ở những khu rừng khác. Nhà Ná lúc nào cũng đầy rẫy những xương, sườn và da của bầy dã thú.
Ná ở với mẹ thêm được bốn năm thì mẹ chết. Ngày mẹ mất Ná buồn lắm. Sau khi chôn cất mẹ xong xuôi, Ná thường bỏ nhà, bỏ làng đi tìm vui trong thú giang hồ đây đó.
Nơi nào Ná đặt chân đến là nơi đó tên tuổi chàng vang danh cùng khắp. Thành thử một hôm, một “buông nọ vì có chuyện cần Ná giúp đỡ nên vời chàng đến. Số là tại đây có một con quỷ chuyên ăn thịt người và bắt cóc phụ nữ. Sào huyệt của nó ở tận ngoài đảo heo hút, tên gọi là Lý Sơn . Nó mạnh vô cùng. Sức nó có thể đánh chết một lúc hàng trăm thanh niên lực lưỡng. Nó lại có tài phù phép: Hễ bắt được đàn bà con gái, nó hóa phép thu hình nhỏ lại như hột mít, bỏ vào trong cái ống tre có chạm trổ những hình thù kỳ quái.
Biết được tin đó, Ná nổi giận và muốn đi tìm quỷ ngày. Dân trong “buông” góp mỗi người một hũ rượu cần, một chiếc bánh tét, một gùi gạo, rồi đánh chiêng trống inh ỏi, mở hội mừng Ná lên đường.
Đầu chít khăn đỏ , vai vác giáo dài, tay cầm tên nỏ, Ná chào bà con xuống núi. Chàng đi ròng rã hơn chín ngày đường, băng qua không biết bao nhiêu đèo cao, rừng rậm, sông dài.
Đảo Lý Sơn ở cách xa đất liền dài bằng một quãng đường mà sức con ngựa khỏe phải phi ngót mấy ngày trời. Ná leo lên một chiếc thuyền, thuyền tròng trành, không chịu nổi sức nặng của chàng. Nước trào vào thuyền, rồi thuyền chìm nghỉm. Tức quá, Ná ngửa mặt lên trời xin Tiên xuống giúp. Chàng vừa khấn vái xong thì trời nổi mưa to gió lớn. Từ trên nguồn bỗng trôi về một bè chuối rất lớn, dạt vào chân Ná. Ná hoan hỉ bước xuống. Bè chở chàng đi. Trời trở lại quang đãng. Gió từ đâu vù vù thổi về, vừa thổi mát cho chàng vừa đẩy bè trôi nhanh. Chẳng bao lâu, đảo Lý Sơn hiện trước mặt chàng.
Đến đảo, Ná vội bước lên bờ. Chàng rẽ lau lách đi vào động quỷ. Bốn bề im lặng ghê sợ. Chẳng có bóng sinh vật nào thấp thoáng nơi đây. Phải chăng đây là đất chết? Ná tự nghĩ thầm như vậy. Mà quả đây là đất chết thật: Đầu lâu trắng hếu, xương sọ, xương tay chân khẳng khiu rơi vung vãi khắp cửa động âm u!
Ná đi miết, luồn qua động này, sang động khác; chàng cũng chẳng thấy một ai. Đến một cửa hang lớn, chàng thấy bếp lửa còn bốc khói. Ná dừng lại, đoán đây là nơi dung thân của quỷ. Chàng lặng lẽ ngồi xuống một tảng đá lớn để đợi quỷ. Đợi đã khá lâu mà chàng chẳng thấy quỷ xuất hiện. Tai chàng nghe tiếng lao xao kỳ lạ: Ná vội nhìn quanh thì thấy một ống tre đậy nắp thật kỹ cứ lăn qua lăn lại dưới chân chàng. Bực mình, Ná cầm lên lắc mạnh và mở mạnh nắp. Nắp bật, một hột mít nhỏ rơi xuống đất. Chỉ trong chớp mắt, hột mít biến thành một người con gái nhan sắc tuyệt trần, bẽn lẽn nhìn Ná. Ná giật mình, hỏi:
– Cô là ai? Là người hay quỷ hóa thân?
Cô gái nhỏ nhẹ đáp:
– Không, tôi không phải là quỷ đâu! Tôi là người bằng xương bằng thịt hẳn hoi!
Ná nhìn nàng một lúc rồi hỏi tiếp:
– Thế sao cô hóa thành hột mít?
Cô gái mỉm cười, đáp:
– Không phải tôi tự ý hóa ra, mà do quỷ hóa phép buộc tôi phải thế! Tôi vốn là con út của vua Thủy Tề. Một hôm tôi đang thơ thẩn dạo chơi thì bị quỷ bắt về đây làm vợ. Ban ngày nó đi luyện phép trên đỉnh núi, đêm đến mới mò về. Mỗi lần nó đi đâu, nó cũng biến tôi thành hột mít và nhốt trong ống tre…
Nghe nàng nói, Ná thấy thương hại cho nàng. Con vua mà phải bị cưỡng ép làm vợ cho quỷ! Trời đất sao nỡ làm ngơ, trước cánh hoa đương độ hương sắc ngọt ngào đành phải tàn phai quá sớm! Ná thở dài, nói với cô gái:
– Cô cứ yên chí, tôi sẽ giết quỷ cứu cô thoát nạn!
Cô gái thở dài não ruột:
– Nó mạnh lắm! Không khéo nó lại ăn thịt anh đấy!
Ná nói bằng giọng đầy tự tin:
– Ăn thịt tôi thế nào được! Tôi ăn thịt nó thì có!
Cô gái lắc đầu rồi nói:
– Tôi không biết anh mạnh đến mức nào, nhưng thôi, tôi cũng tin và mong là anh mạnh hơn nó đi! Nhưng xin anh nhớ cho điều này…
Cô gái nói chưa dứt câu, Ná đã vội nói ngang:
– Điều gì? Cô nói cho tôi biết…
Trầm ngâm một lúc, cô gái nói tiếp:
– Quỷ mạnh khi người giao đấu với nó mở mắt nhìn nó; chứ còn nhắm mắt thì nó chịu. Anh nhớ chứ?
Ná gật đầu không nói. Sau đó, cô gái nấu cơm cho Ná ăn. Ăn xong, Ná đem giấu người con gái xinh đẹp vào chiếc gùi mà chàng đang mang sau lưng. Ná thiu thiu ngủ, đợi quỷ về…
Tối đến, sau khi con cú kêu dứt chín tiếng thì con quỷ xuất hiện. Nó rống ồ ồ: Một mùi thối xông ra nồng nặc. Đến hang lớn, nó mở ống tre ra xem. Không thấy nàng con gái của vua Thủy Tề, quỷ gầm thét điên cuồng. Vừa lúc ấy, từ trong góc hang, Ná bừng mở mắt. Chàng vội lắp tên vào nỏ, nhắm ngực quỷ bắn liền bảy phát. Quỷ quay lại trợn mắt và phun hơi độc về phía Ná. Thấy bắn liền bảy phát mà quỷ chẳng hề gì, chàng mới sực nhớ lời người con gái. Ná bèn nhắm mắt lại, cầm giáo xông ra đánh quỷ.
Trận chiến đôi bên kéo dài ngày này qua ngày khác. Tiếng gầm thét khi giao đấu của hai đối thủ vang lên nghe tựa sấm sét. Những mũi tên bay vèo vèo nghe như tiếng gió hú ở chốn rừng xanh núi thẳm. Những mũi giáo xẹt ngang nhanh như tia chớp vào lúc đêm đông, mạnh như vũ bão vào mùa gió lớn!
Ná giao đấu càng lúc càng hăng; ngược lại sức quỷ càng lúc càng yếu. Nhớ thế cuối cùng chàng giết được quỷ.
Biết tin quỷ chết, chim chóc lại trở về làm tổ trên cành. Chim hót líu lo như lời chào mừng người chiến thắng! Ná và cô con gái vua Thủy Tề, tay trong tay, vui vẻ rời động quỷ. Hai người quấn quít bên nhau, quyết sống chết có nhau, không rời nửa bước.
Từ ngày giết được quỷ, tên tuổi Ná thêm lẫy lừng! Chàng hãnh diện về chuyện đó một phần, nhưng phần khác, chàng hãnh diện hơn: Chàng cưới được cô con gái con vua Thủy Tề làm vợ.
Nhưng Ná đâu ngờ rằng, vì tên tuổi chàng vang lừng khắp chốn nên hễ cần đến sức mạnh của chàng, người ta lại khẩn khoản mời chàng ra tay cứu giúp. Vì vậy chàng không có nhiều thì giờ để gần gũi vợ. Suốt ngày tháng, Ná dong ruổi đi đánh quỷ hết đằng đông lại đến đằng tây. Cô vợ cảm phục chàng, đưa cho chàng một cái hoa tre màu đỏ thắm và dặn: “Bao giờ đi xa quá, hễ gặp nguy nan gì, hay có nhớ tôi thì anh hãy cầm cái hoa tre vẽ hình tôi dưới đất, phút chốc tôi sẽ đến, nhưng khi vẽ, nhớ khoanh hình lại, nếu không tôi sẽ mất hút vĩnh viễn”.
Ná mừng lắm và từ buổi ấy, hễ nhớ vợ hay cần vợ giúp sức, chỉ vẽ và đóng khung hình nàng là nàng tới ngay. Nhưng một hôm, tai vạ đến với chàng: Số là bữa đó, Ná một mình đi đánh với một con quỷ hung ác ở vùng sơn cước Đác Lây. Quỷ có tài biến mình thành núi rồi lại hóa thành người. Hễ giao đấu với ai, cùng một lúc quỷ vừa biến thành núi cao hùng vĩ vừa biến ra hàng loạt người, kẻ đánh chiêng, người múa hát quay cuồng. Đối thủ nào chưa có kinh nghiệm thực tế thì bị nó khép vòng vây lại bóp cổ chết, hoặc làm cho núi đổ đè bẹp hình hài.
Ná giao đấu với quỷ dữ hơn mấy ngày rồi mà vẫn không phân thắng bại. Nóng lòng giết quỷ, Ná bèn rút hoa tre cắm trên tóc vẽ hình vợ dưới đất. Vợ liền hiện ra và mách nước cho chàng đánh bại quỷ… Mừng quá, chàng hăng say chiến đấu mà quên khoanh tròn hình nàng lại. Bởi thế khi giết được quỷ, Ná định lên tiếng khen ngợi vợ hi^`n thì hỡi ơi, nàng đã mất hút tăm hơi.
Mất vợ, Ná hối hận, khóc than thảm thiết. Ngày ngày chàng thất thểu từ “buông” này qua “bản” nọ, với hy vọng tìm thấy bóng vợ hiền.
Nhưng hy vọng không bao giờ đến vì sau đó ít lâu, Ná trút hơi thở cuối cùng bên mép núi đìu hiu.
Vì thương cho chàng nghĩa hiệp hào hùng, trời cho Ná biến thành cây dõn, cành rất dẻo, lõi rắn như thép. Cây dõn mọc bên bờ giếng dưới chân núi, ngày đêm soi bóng xuống làn nước lặng trong. Vì biết cây dõn là kiếp sau của Ná nên thanh niên lũ lượt tìm cành dõn để làm nỏ, hòng hy vọng hồn Ná linh thiêng phò trợ cho họ trong nghề cung kiếm.
Riêng về các cô gái Thượng thì chỉ nhìn thấy khía cạnh bi đát của mối tình của Ná, qua hình ảnh cành dõn rũ bóng xuống dòng nước phẳng lặng như tờ. Họ đã kết dệt thành thơ và thường hát cho nhau nghe, từ bao thế hệ đã qua. Bài thơ tạm phỏng dịch như sau:
Ná ơi, Ná hỡi, Ná hời!
Thương anh giết quỷ cứu người lầm than.
Quên lời dặn cũ nên đành,
Hóa cây dõn mọc bên gành giếng khơi.
Bởi chưng ân hận, hỡi ơi
Ôm hình ảnh vợ nghìn đời chưa tan…