<?php the_title(); ?>

Còn Chút Gì Để Nhớ

09.07.2014
Admin

Chap 9:

Kể từ bữa đó, tôi qua chơi nhà bác Tám khá thường xuyên. Chẳng bao lâu tôi nghiễm nhiên thành một người thân trong gia đình.
Trâm đã giữ lời hứa. Nó bớt ăn hiếp tôi hơn. Thỉnh thoảng tôi mới bị nó sai vặt.
Nếu khi đang ngồi học bài trên gác, tôi nghe nó kêu om sòm ngoài cửa:
– Anh Chương ơi anh Chương!
Tôi thò đầu xuống:
– Gì vậy Trâm?
– Anh đang làm gì đó?
– Học bài.
Nó ra lệnh:
– Anh đem sách vở qua nhà tôi ngồi học rồi trông nhà cho tôi đi chợ chút! Nhà tôi đi hết trọi rồi!
Thế là tôi phải lồm cồm leo xuống khỏi gác, đi trông nhà cho nó.
Có những ngày Lan Anh theo dì tôi ra chơi ngoài tiệm thuốc tây, buổi trưa tôi phải tự mình thổi cơm.
Một hôm, Quỳnh qua chơi, thấy tôi lui cui nhóm bếp, khói bay mù mịt, nước mắt ròng ròng, liền hỏi:
– Chứ Lan Anh đâu rồi?
Tôi nhấp nháp cặp mắt cay xè:
– Nó đi chơi ngoài tiệm thuốc, trưa không về.
Quỳnh níu tay tôi:
– Vậy anh qua ăn cơm với tụi em đi!
Đang đói bụng, tôi chịu liền. Lại khỏi đánh vật với mấy thanh củi chết tiệt, lử đâu không thấy, chỉ thấy toàn khói!
Buổi trưa ở nhà bác Tám chỉ có Trâm, Quỳnh và Tạo. Không có người lớn, tôi ăn liền tù tì một hơi bốn bát cơm. Nhưng tôi chưa kịp nuốt xong miếng cuối cùng, Trâm đã “phân công”:
– Lát nữa, anh Chương rửa chén nghen!
Không lẽ từ chối, tôi đành gật đầu, miếng cơm trong miệng đắng nghét.
Quỳnh liếc Trâm:
– Chị chỉ giỏi tài ăn hiếp anh Chương!
Trâm rụt cổ:
– Tao đâu có ăn hiếp! Không tin mày hỏi ảnh coi!
Tôi ngó Quỳnh:
– Để lát anh rửa cho! Ba cái chén ăn nhằm gì! Hồi nhỏ anh rửa hoài!
Nói xong, tôi giật thót người vì cái thói ba hoa của mình. Quỳnh cười:
– Nói vậy chứ anh để em rửa!
Tôi không chịu:
– Anh rửa.
Quỳnh giảng hòa:
– Thôi, anh và em rửa!
Tôi chưa kịp nói đồng ý thì cái đầu đã gật rồi. Thú thật là tôi chưa ai trên đời thông minh sáng tạo như Quỳnh. Lúc rửa chén, vì cứ ngồi nghĩ mãi đến cái “thông minh sáng tạo” đó, tôi tuột tay đánh rơi cái dĩa xuống sàn nhà kêu “xoảng” một tiếng, nghe bắt lạnh xương sống.
Trong khi Quỳnh cười khúch khích thì tôi điếng hồn ra sau lưng. Từ trên giường, không biết Trâm tót xuống đất hồi nào và đang đứng chống nạnh giữa nhà.
– Anh có biết cái dĩa đó bao nhiêu tiền không? – Giọng Trâm lạnh như băng.
Tôi đỏ mặt vì ngượng:
– Không biết! Chắc khoảng, năm, sáu trăm, để tôi mua đền.
Đột nhiên Trâm đổi giọng, nó cười hì hì:
– Cái dĩa có hai chục bạc hà! Anh khỏi đền, mai mốt qua phụ rửa chén cho chị em tôi là được rồi.
Tôi thở phào. Nó nói nó bớt ăn hiếp tôi nhưng nó hù kiểu đó chắc có ngày tôi đứng tim tôi chết.
Tối đó, tôi đang ngồi học bài bỗng nghe tiếng gõ cộp cộp vào vách phía nhà bác Tám. Lúc này khoảng mười giờ, dì dượng tôi và Lan Anh đã ngủ, nhà dưới tắt đèn tối om, cửa khóa chặt.
Thoạt đầu, không để ý, tôi cứ ngồi tĩnh. Lát sau, lại nghe tiếng gõ vang lên. Tôi thận trọng bò lại sát vách. Phát hiện Quỳnh đang đứng dưới khoảnh sân, trái tim tôi như muốn rớt ra khỏi lồng ngực.
Cô bé vẫn chưa thấy tôi, lại tiếp tục gõ vào vách.
Tôi kêu khẽ:
– Quỳnh!
Quỳnh giật mình ngó lên. Thấy tôi, Quỳnh nở một nụ cười thật tươi.
– Em kêu anh hả? – Tôi hỏi, giọng hồi hộp.
Quỳnh giơ cao hai cục gì đó trăng trắng:
– Cho anh cái này nè!
– Gì vậy?
– Yaourt.
– Ở đâu vậy?
– Mua chứ đâu! Em với chị Trâm đi chơi về, mua cho anh đó!
Tôi cười:
– Thưởng công anh rửa chén hồi trưa hả?
Quỳnh chun mủi:
– Anh làm bể dĩa, không phạt anh là may chứ ở đó mà thưởng!
Tôi thò tay qua lỗ hổng nhưng làm sao với tới hũ yaourt.
– Anh không lấy tới đâu! – Quỳnh nói – Phải kiếm sợi dây!
Tôi nhìn quanh căn gác, không thấy một sợi dây nào có thể giúp tôi được. Chợt tôi nghĩ ra một cách. Tôi tháo nguyên cái mùng, thòng một đầu dây xuống.
Sợi dây ngắn, đầu dây vẫn còn cách tầm tay Quỳnh khoảng bốn tấc. Tôi đành phải tuồn thêm một phần cái mùng qua lỗ hổng cho sợi dây dài thêm ra.
Quỳnh ngạc nhiên:
– Cái gì trên kia vậy?
– Cái mùng.
Quỳnh vừa cột hai hũ yaourt vừa cười khúch khích.
Lát sau, Quỳnh giật sợi dây:
– Xong rồi, anh kéo lên đi! Em vô nhà đây!
– Cám ơn Quỳnh nghen!
Vừa nói tôi vừa thận trọng kéo hai hũ yaourt lên.
Tôi cầm hai hũ yaourt trong tay, quay lại bàn học, tính mở sợi dây ra. Bỗng tôi sững người khi thấy một cặp mắt đang nhìn tôi một cách kỳ dị. Không biết tự hồi nào, Lan Anh đứng thò đầu lên gác lặng lẽ quan sát những hành động quái gở của tôi.
Nó ngơ ngác hỏi:
– Anh thò cái mùng ra ngoài chi vậy?
Tôi trả lời bằng cách một tay cầm sợi dây mùng, còn tay kia buông ra. Hai hũ yaourt treo toòng teng trong khoảng không.
Lan Anh reo khẽ:
– Hay quá hén! Anh “câu” nó ở đâu vậy?
Tôi ưỡn ngực:
– Chị Quỳnh mua cho anh!
Lan Anh chớp mắt:
– Chỉ đứng ở dưới sân phải không?
– Ừ.
Lan Anh có vẻ khoái trò “câu cá” này lắm. Nó gạ tôi:
– Hôm nào chỉ kêu anh, anh để em “câu” giùm cho nghen!
– Ừ.
Nói xong, tôi bỗng giật mình;
– Sao em biết chị Quỳnh kêu anh?
Nó rùn cổ:
– Sao không biết! Em nằm chưa kịp ngủ bỗng nghe tiếng gõ cộp cộp, lát sau có tiếng nói chuyện đâu trên này. Thế là em leo lên coi thử chuyện gì.
Hóa ra là vậy. Tôi tháo sợi dây, đưa cho nó một hũ yaourt:
– Em ăn đi! Em hũ, anh hũ!
Lan Anh tụt xuống đất đi lấy muỗng rồi leo lên ngồi cạnh tôi. Hai anh em vừa ăn vừa rù rì nói chuyện.
Xưa nay tôi không ăn được các món có mùi sữa. Yaourt tôi lại ghét nhất hạng. Vậy mà lúc này tôi ăn từng muỗng một cách ngon lành. Bởi đó là tặng vật của Quỳnh. Đáng lẽ tôi phải xếp hai hũ yaourt này vào loại…món ăn tình cảm, chỉ để trưng bày chứ không được ăn. Nhưng khổ một nỗi, tôi tình cảm chứ mấy con chuột khốn nạn kia đâu có tình cảm. Tôi trưng ra một cái, mấy hũ yaourt lập tức chạy theo cái bánh bữa nọ liền!

Chap 10:

Hôm đi thi đại học, đề bài hỏi năm câu, tôi trả lời được bốn câu rưỡi. Trên đường về, bụng tôi cứ thấp tha thấp thỏm. Dự thi tới một ngàn hai trăm thí sinh, nhà trường chỉ tuyển có năm mươi mống, tôi không lo sao được!

Dì tôi trấn an tôi:
– Cháu đừng lo! Cháu làm được bốn câu rưỡi, biết đâu mấy đứa khác chỉ làm được ba câu rười, bốn câu thì sao!
Tôi cũng mong mọi chuyện xảy ra đúng như dì tôi nói. Tôi khờ, biết đâu có người khờ hơn!
Nghĩ thì nghĩ vậy, lòng tôi cũng chẵng vui vẻ hơn chút nào. Thấy tôi buồn buồn, Trâm hỏi:
– Mấy bữa nay anh làm sao vậy? Bộ đi thi làm bài không được hả?
Tôi chối phắt:
– Đâu có! Tại mấy bữa nay tôi nhớ nhà!
Trâm nheo mắt:
– Con trai gì mà yếu xìu vậy!
Tôi cười cười không đáp. Chẳng thà để nó chê tôi “yếu xìu” vì nhớ nhà còn hơn để nó biết tôi sợ thi rớt.
Với Quỳnh thì tôi chẳng giấu chút gì.
Khi Quỳnh hỏi:
– Anh đi thi làm bài được không?
Tôi thở dài:
– Người ta ra năm câu, anh làm được có bốn câu rưỡi.
Quỳnh khen tôi:
– Vậy là giỏi quá rồi còn gì! Gặp em, em làm chẳng được câu nào!
Nghe Quỳnh khen, tôi vừa thinh thích vừa buồn cười. Quỳnh học lớp chín, đi thi đại học làm không được câu nào là chuyện đương nhiên, sánh với tôi sao được mà sánh!
Rồi chừng thấy tôi không được vui cho lắm, Quỳnh lại rủ:
– Chủ nhật này, anh đi Nhà Bè chơi đi!
– Đi với ai?
– Đi với em, chị Trâm và chị Kim.
– Nhà ai ở bên đó vậy? – Tôi lại hỏi.
– Nhà dì Tư em.
Tôi tính nhẩm trong đầu: nhà Quỳnh có hai chiếc xe đạp, chiếc của tôi nữa là ba, bốn người mà đi ba chiếc, hẳn tôi phải chở một người. Chở ai đây?
Tôi làm bộ đần độn:
– Bốn người mà có ba chiếc xe, làm sao đi cho đủ?
– Sao anh ngây thơ quá vậy? Thì chị Kim chạy một chiếc, chị Trâm một chiếc, còn một chiếc anh chở em!
Trời ơi, cái câu tôi thấy khó nói ác liệt vậy mà Quỳnh nói nghe dễ ợt, nghe cứ tự nhiên như không! Mai mốt gặp Quỳnh những câu kho khó như vậy, chắc tôi phải nhờ Quỳnh nói giùm tôi.
Tưởng là mọi chuyện thuận buồm xuôi gió, ai dè sáng chủ nhật tôi vừa dắt xe ra, Lan Anh lại nằng nặc đòi đi theo. Nó đi theo cũng chẵng chết ai, càng thêm vui, ngặt vì nó cứ ra rả cái “điệp khúc”:
– Anh Chương chở em đi với nghen!
Khiến tôi tức lộn ruột. Anh Chương chở em đi thì lấy ai chở chị Quỳnh hở em?
Tôi than thầm một câu thống thiết. Tuy nhiên ngoài mặt tôi vẫn làm bộ tỉnh, thậm chí tôi còn nhe răng cười ruồi một cái.
Chị Kim nhìn tôi:
– Chương cho nó đi theo cho vui.
Tôi đang phân vân chưa biết tính sao, Trâm đã nhanh chóng phân công:
– Tôi chở con Quỳnh, anh Chương chở nhỏ Lan Anh, bà Kim già rồi được quyền chạy một mình!
Tôi chưa kịp hó hé, nó đã hô:
– Thôi khởi hành! Trễ giờ rồi!
Thế là mọi người lục tục lên yên. Quỳnh ngồi sau lưng Trâm, quay sang tôi cười một cái, không biết là có phải để chia buồn cùng tôi! Tôi cười hết muốn nổi nhưng để đáp lại, tôi ráng nhe răng, cười như khỉ. Còn Trâm thì phớt tỉnh, nó khuýnh tay, dân bàn đạp, dẫn đầu. Chị Kim đi giữa, sau cùng là tôi.
Lan Anh nhẹ tênh mà tôi cảm giác như chở một hòn núi. Đầu óc trống rỗng, tôi chạy tà tà chẳng chút hào hứng.
Tới Ngã Bảy, thình lình Trâm ngừng xe lại.
Chị Kim trờ tới hỏi:
– Gì vậy?
Trâm tặc lưỡi:
– Con Quỳnh nặng quá, qua anh Chương chở đi! Tôi chở nhỏ Lan Anh, khỏe hơn!
Vừa nói, Trâm vừa nháy mắt với tôi. Tôi đỏ mặt ngó lơ chỗ khác.
Tới lúc đó, tôi mới biết Trâm là một đứa rất dễ thương. Hóa ra nó đã biết tình cảm của tôi từ lâu. Khi nãy nó cố tình phân công trái “nguyện vọng” của tôi chắc là để chọc tôi “cho vui”, nói theo kiểu của nó.
Quỳnh nặng gần gấp đôi Lan Anh mà sao từ khi Quỳnh qua ngồi sau lưng tôi, chiếc xe bỗng nhẹ hẫng, lúc nào cũng như muốn bay tuốt lên mây.
Tôi không biết Nhà Bè nằm ở đâu. Hồi nhỏ nghe câu hát:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về!
Tôi đã khoái Nhà Bè. Bây giờ có Quỳnh ngồi sau lưng, tôi càng khoái Nhà Bè gấp bội.
Tôi đoán chừng Nhà Bè ở xa lắm. Xe ra tới ngoại ô rồi mà chị Kim bảo còn đi nữa. Cứ xa nữa đi, Nhà Bè ơi! Xa tha hồ, xa mặc sức, để tôi có thể chở Quỳnh đi đến cuối đất cùng trời!
Nhưng dường như Quỳnh không tin vào khả năng đi dến “cuối đất cùng trời” của tôi cho lắm, cô bé ngồi phía sau cứ hỏi cầm chừng:
– Anh Chương mệt chưa?
Tôi vừa thở hổn hển vừa đáp:
– Chưa.
Vạt áo đẫm mồ hôi sau lưng tôi hình như đang nói điều ngược lại. Cho nên Quỳnh lại lên tiếng:
– Khi nào anh mệt thì ngừng lại, em qua ngồi xe chị Kim.
Tôi khăng khăng:
– Anh đã bảo chưa mệt mà!
Nói xong, tôi cong lưng nhấn mạnh bàn đạp. Chiếc xe chạy vù vù. Tôi phải chứng minh cho Quỳnh thấy lời nói của tôi lúc nào cũng đi đôi với việc làm.
Đột nhiên, Quỳnh đập khẽ vào lưng tôi:
– Anh ngừng lại đi!
Tôi bặm môi đạp riết, miệng gầm gừ:
– Anh đã bảo là anh chưa mệt kia mà!
Quỳnh lại giật áo tôi:
– Không phải! Anh ngừng lại em nói cái này cho nghe!
Tôi thắng xe cái “rét” và quay đầu lại:
– Có chuyện gì vậy?
– Anh quanh xe lại chỗ khi nãy đi!
Bỏ mặc chị Kim và Trâm đi tà tà phía trước, tôi quay xe chở Quỳnh đi ngược lại hướng cũ.
Đi dược một đoạn, Quỳnh lại bảo:
– Ngừng lại đi!
Tôi ngừng xe lại.
Quỳnh hỏi:
– Anh thấy gì không?
Tôi dòm dáo dác:
– Thấy gì đâu?
Quỳnh chỉ tay vào khu vườn bên kia đường:
– Cây sứ kia kìa!
Tôi nheo mắt dòm cây sứ, giọng khi dể:
– Thì cây sứ chứ sao! Ngoài quê anh thiếu gì!
Quỳnh dậm chân:
– Nhưng mà anh có thấy chùm hoa trên kia không?
Tới đây, tôi bắt đầu hiểu ra:
– Em muốn anh hái xuống cho em chứ gì?
Quỳnh cười.
Tôi áp tay lên ngực, thở một hơi dài:
– Hái hoa thì nói đại là hái hoa ngay từ đầu! Em làm anh hồi hộp muốn đứng tim!
Quỳnh dẩu môi:
– Em kêu anh ngừng lại, ai bảo anh cong lưng chạy thục mạng chi!
Giao xe cho Quỳnh giữ, tôi nhanh nhẹn băng qua đường.
Cây sứ nằm trong một khu vườn rộng bao quanh một căn nhà cửa đóng im lìm. Chắc là chủ nhân đi vắng. Hai cánh cổng được khóa bằng dây xích. Rào quanh khu vườn là một hàng duối xanh um.
Tôi loay hoay một hồi mới vẹt được một lỗ hổng, lồm cồm chui vào. Nhà này không nuôi chó. Nếu có, chúng đã xé xác tôi tự đời nào.
Tới gốc sứ, tôi cặm cụi trèo lên. Chùm hoa mọc tít trên cao. Cành sứ dòn, dễ gãy, tôi đặt chân một cách thận trọng. Trèo không khéo té lộn đầu xuống đất như chơi.
Trèo được nửa chừng, tôi dòm sang bên kia đường, thấy Quỳnh đang ngó sang. Cô bé vỗ tay động viên tôi. Tôi càng khoái chí trèo nhanh như sóc.
Bẻ được chùm hoa, tôi hí hửng ngậm ngang miệng. Nhưng tôi chưa kịp tụt xuống bỗng nghe tiếng xe máy nổ ầm ầm trước cổng. Tôi điếng hồn khi nhận ra đó là một cặp vợ chồng đứng tuổi, chắc là chủ nhân căn nhà.
Người vợ bước lại mở cổng, người chồng dắt xe vào, không ai nhìn thấy tôi đang đeo toòng teo trên cây.
Đinh ninh thoát nạn, chờ hai vợ chồng vừa qua khỏi, tôi vội vã tụt xuống đất.
Nào ngờ nghe tiếng sột soạt, người vợ quay lại. Nhác thấy tôi, bà ta hốt hoảng la lên:
– Ối trời ơi! Ăn trộm!
Người chồng nhanh chóng bật chống xe đánh “tách” một cái và nhảy bổ lại phía tôi:
– Đứng lại! Đứng lại!
Tôi đứng chôn chân tại chỗ, mặt xanh lè. Không hiểu sao ngay lúc đó tôi chẳng có ý định chạy trốn.
Người chồng bóp chặt vai tôi:
– Cậu là ai? Cậu ăn trộm gì đây?
Nếu lúc đó, tôi cố tình vùng ra, tôi đã vùng ra được và chạy thoát. Nhưng còn kẹt Quỳnh ở ngoài. Vả lại, tôi không muốn mang tiếng là ăn trộm. Do đó, tôi cố thanh minh:
– Cháu không phải là ăn trộm.
– Chứ cậu vào đây làm gì?
Tôi ngượng ngịu chỉ chùm hoa sứ rơi dưới đất:
– Chái hái cái này.
Nét mặt người chồng dãn ra, trông có vẻ nhẹ nhõm hơn khi nãy. Tuy nhiên, ông ta vẫn bình luận một câu độc địa:
– Vậy cũng có khác gì ăn trộm!
Tôi đỏ bừng mặt vì xấu hổ.
Người vợ chỉ tay ra đường:
– Cậu đi với cô bé kia phải không?
Tôi ngó ra. Quỳnh đã dẫn xe qua bên này đường tự lúc nào. Cô bé đang đứng sát cổng, tôi thút thít:
Tôi gật đầu:
– Em cháu đó! Nó kêu cháu hái chùm hoa này cho nó!
Người vợ hất đầu:
– Thôi, cậu đi đi!
Tôi cúi xuống nhặt chùm hoa sứ đưa cho bà ta:
– Cháu trả!
Người vợ mỉm cười:
– Tặng cậu đó! Nhưng lần sau nhớ không được chui vào vườn người ta khi chủ nhân đi vắng nghe chưa!
Tôi cầm chùm hoa lầm lũi đi ra.
Quỳnh vẫn còn khóc. Cô bé ngước nhìn tôi bằng đôi mắt ướt:
– Người ta không làm gì anh chứ?
– Không làm gì hết! Người ta chỉ mắng anh thôi!
Vừa nói, tôi vừa đưa chùm hoa cho Quỳnh.
– Em hết thích chùm hoa này rồi!
Tôi trố mắt:
– Sao kỳ vậy?
Quỳnh sụt sịt:
– Tại nó mà anh bị mắng!
Tôi mỉm cười:
– Ăn nhằm gì chuyện đó! Hồi nhỏ anh bị…
Đang nói, tôi tốp lại kịp. Chút xíu nữa là tôi khoe hết thành tích bất hảo với Quỳnh.
Cắm chùm hoa lên giỏ xe đằng trước, tôi chở Quỳnh phóng hết tốc lực. Giờ này chắc Trâm và chị Kim đã đi xa lắm rồi.
Chạy được một lát, tôi đã thấy hau người đứng đợi bên đường.
Thấy tôi xuất hiện, chị Kim hỏi:
– Chương bị pan xe hả?
Tôi lắc đầu chưa kịp trả lời đã nghe tiếng Quỳnh thút thít sau lưng. Cô bé khóc dai dễ sợ.
Trâm ngó Quỳnh:
– Làm gì khóc vậy? Anh Chương ăn hiếp mày phải không?
Quỳnh tấm tức:
– Chút xíu nữa là người ta bắt mất anh Chương!
Trâm liếc tôi:
– Sao vậy? Bộ anh đi ăn trộm hả?
Nó nói chơi mà trúng phóc. Tôi đành phải sượng sùng kể lại câu chuyện khi nãy.
Lan Anh cười hích hích, nó dọa tôi:
– Em về méc mẹ anh Chương đi ăn trộm bị người ta bắt!
Tôi nháy mắt với nó:
– Tại chị Quỳnh chứ bộ!
Chị Kim bảo:
– Con Quỳnh là chúa xúi bậy! Mai mốt Chương đừng thèm nghe lời nó!
Trâm quay sang Quỳnh:
– Thôi, đừng lè nhè nữa! Người ta dễ chứ gặp tao, tao nhốt anh Chương, bắt rửa chén đúng một tuần mới thả!
Xuống tới nhà dì Tư, mắt Quỳnh vẫn còn đỏ. Cho đến khi tôi trèo lên cây mận sau nhà (lại trèo cây!) hái từng chùm trái đỏ au, chín mọng liệng xuống cho Quỳnh chụp, lúc đó gương mặt cô bé mới bắt đầu tươi lên.

Chap 11:

Trong số một ngàn hai trăm thí sinh đi thi bữa trước, rớt mất một ngàn. Tôi may mắn nằm trong số hai trăm người còn lại.
Hôm tôi về báo kết quả, dì tôi mừng lắm. Dì nói:

– Để dì đánh điện báo cho mẹ cháu biết!

Tôi can:

– Khoan đã, dì! Còn phải thi vấn đáp nữa! Qua được vòng này mới tính là đậu.

Nói vậy chứ trong lòng tôi rất hy vọng. Dù sao chen chúc giữa hai trăm người cũng dễ thở hơn chen chúc với cả ngàn người..

Tôi vui, Lan Anh cũng vui lây. Cả Trâm, Quỳnh cũng vậy.

Để giúp tôi “yên tâm” học bài chuẩn bị vượt qua kỳ thi quyết định, Lan Anh tỏ ra “phục vụ” tôi một cách sốt sắng. Suốt ngày tôi ngồi học một chỗ và sai nó chạy lòng vòng. Thuốc lá. Diêm quyẹt. Cà phê sữa. Trà, kẹo, Yaourt. (Danh mục ăn uống của tôi mới bổ sung thêm “món ăn tình cảm” yaourt). Lan Anh chạy khờ người. Nhưng nó không kêu tôi “giống ông vua” nữa. Nó chỉ mong tôi thi đậu.

Trâm và Quỳnh cũng ít qua chơi hơn. Tôi hỏi thì Lan Anh cho biết Trâm và Quỳnh muốn giữ yên tĩnh cho tôi ôn thi. Điều đó làm tôi buồn mất mấy ngày. Quỳnh đâu có biết khi Quỳnh qua chơi tôi học bài mau thuộc hơn là lúc…học trong yên tĩnh! Nhưng mà thôi, dù sao thì ngày thi cũng đang đến gần.

Sáng hôm tôi đi thi, dì tôi “bồi dưỡng” tôi một tô phở thật to. Quỳnh chạy qua “tiễn tôi lên đường” cũng được “ké” một tô. Tôi bắt chước Quỳnh, bẻ bánh mì bỏ vào tô phở, húp sì sụp. Xuất hành gặp đàn bà, ai cũng bảo là xui. Riêng tôi thì ngược lại, sáng sớm mở mắt ra đã gặp Quỳnh, tôi cho là hên hết biết!

Tới trường, tôi thấy mọi người đứng lố nhố ngoài hành lang. Thi vấn đáp, ban giám khảo kêu từng tên người một.

Trong khi chờ tới lượt mình, tôi ngồi bệt xuống trước hiên, lật sách ra xem lại. Lo thì xem vậy thôi, chứ lúc này tôi chẳng còn đầu óc nào nhét thêm lấy nửa chữ.

Ngồi kế bên tôi là một con nhỏ tóc xù, mang kiếng cận. Nó ăn mặc trông rất chướng. Quần tây ống chật bó sát hai chân, áo sơ mi rộng thùng thình dài gần tới gối. Thú thật là trông nó ngồ ngộ, tôi có liếc trộm một cái. Gương mặt nó khá đẹp, thanh tú. Mũi thẳng, hơi Tây một chút. Nhưng mái tóc của nó khiến tôi phát rét, không dám nhìn lâu.

Nó không biết tôi “rét” nó nên nó lấy đầu gối nó cụng đầu gối tôi một cái:

– Bộ ở nhà ông không chịu học bài sao tới đây ngồi học?

Tôi xoa xoa đầu gối, đáp:

– Đâu có! Ở nhà tôi vẫn học, giờ xem lại cho nhớ!

Nó nhún vai:

– Giờ này làm sao nhớ nổi!

Nó đúng là nhà tâm lý. Tôi thở dài thú nhận:

– Ừ, tôi xem mà chẳng nhớ được chữ nào!

– Vậy đừng xem nữa!

Nó góp ý mà như ra lệnh. Nghe lời nó, tôi gấp sách lại.

Thấy tôi là người dễ nghe lời xúi bậy của phụ nữ, nó khoái lắm, làm quen tiếp:

– Ông ở ngoài Trung mới vào phải không?

– Ừ.

Nó gật gù:

– Nghe cái giọng nặng chịch của ông là tôi biết liền!

Con nhỏ này kỳ cục! Tôi trạc tuổi nó mà nó cứ kêu bằng “ông”, nghe chướng chướng thế nào! Nhưng tôi nghĩ trong bụng chứ không dám nói ra. Bộ tịch và cung cách ăn nói của nó không cho phép tôi cãi lại một điều gì. Đời tôi gặp một người như Trâm đã mệt, nay lại thêm cô bạn mới này chắc sắp sửa xẹp lép như quả bong bóng xì. Bất giác tôi buông một tiếng thở dài.

Nó liếc tôi:

– Có gì đâu mà ông lo dữ vậy?

Chẳng lẽ tôi nói với nó là không phải tôi lo chuyện thi cử mà lo bị nó ăn hiếp. Tôi đành hỏi lảng sang chuyện khác:

– Chắc chị là người Sài Gòn?

Nó gật đầu:

– Tôi là dân Sài Gòn chính gốc. Nhưng ông đừng gọi tôi bằng chị, cứ gọi bằng tên, tôi thích hơn!

Nó nói giống hệt Trâm bữa trước. Trâm cũng không cho tôi gọi bằng chị. Nhưng nó bất công với tôi hơn Trâm. Nó bảo tôi gọi nó bằng tên trong khi đó nó cứ gọi tôi là “ông”, nghe phát rầu.

– Nhưng mà ch…tên gì?

– Tôi tên Dung. Đỗ Thị Ung Dung!

Cái tên thật buồn cười. Tôi nghi nghi:

– Chắc…Ung Dung nói đùa! Chứ tên gì ngộ vậy?

Ung Dung cười, giải thích:

– Tại vì tôi tuổi con ngựa. Ba tôi sợ tôi sau này phóng vèo vèo không trị nổi do đó đặt tôi cái tên Ung Dung để hãm bớt tôi lại!

Hóa ra là vậy! Cái tên mà cũng rắc rối gớm!

– Còn ông tên gì? – Ung Dung hỏi.

– Tôi tên Chương.

– Ông cũng con ngựa hả?

Thoạt nghe, tôi giật mình, tưởng Ung Dung chửi tôi. Nhưng không phải, nó muốn hỏi tuổi.

Tôi không dám nói tôi tuổi con gì, tôi chỉ nói tôi tuổi Mùi.

Ung Dung khịt mũi:

– Vậy là ông nhỏ hơn tôi một tuổi. Thuộc lớp đàn em!

Thấy nó giở giọng chơi trội, tôi vừa tức vừa buồn cười. Nhưng tôi chưa tìm ra cách gỡ gạc thể diện thì ban giám khảo đã kêu đến tên tôi.

Tôi đành phải nén tự ái, đưa cuốn sách cho nó:

– Ung Dung cầm giùm tôi!

Rồi hồi hộp bước vào phòng thi.

Ngồi sau bàn ban giám khảo có bà người. Chính giữa là một ông mập thật mập, mắt nheo nheo vừa nghiêm khắc vừa láu lỉnh. Ông bên trái tóc hoa râm, ốm nhom, nụ cười hiền hậu luôn nở trên môi. Ông bên phải mặt tròn quay, da bóng lưỡng, có hàm răng hô.

Từ đầu đến cuối chỉ có ông ngồi giữa hỏi tôi.

Gọi là từ đầu đến cuối, thực ra chỉ có ba câu. Hai câu đầu hỏi về văn học sử, một câu trúng tủ tôi đáp ro ro, câu thứ hai tôi ấp úng một hồi nhưng cuối cùng cũng trả lời được. Câu thứ ba mới té ngửa:

– Anh tên Chương phải không?

– Dạ.

– Anh thử kể một tác phẩm văn học nào có tên anh?

Câu hỏi bất ngờ khiến tôi ngớ người ra.

Tôi hoàn toàn không chuẩn bị tinh thần để đối phó với câu hỏi kiểu này. Tôi suy nghĩ toát mồ hôi vẫn chẳng lần ra mối lên hệ bí mật giữa tên tôi với cái tác phẩm quỉ quái nào đó. Đã vậy, cặp mắt nheo nheo của ông ngồi giữa cứ nhìn xoáy vào tôi càng khiến tôi bối rối tợn.

Thấy tôi sắp xỉu đến nơi, ông hiền lành ngồi bên trái liền gỡ bí:

– Một câu thơ cũng được!

Gỡ bí như vậy cũng như không, tôi thầm nghĩ, lúc này có trời mới biết tên tôi nằm ở câu thơ nào trong hàng tỉ câu thơ từ trước đến nay! Tôi nặn óc một hồi và chuẩn bị đầu hàng thì bỗng nhiên tôi nhớ đến hai câu thơ Kiều:

– Khi về hỏi liễu Chương đài
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay?

Đó là hai câu thơ tả tâm trạng của người đi xa, thắc thỏm không biết người ở nhà đã kết duyên cùng ai chưa. Nhưng đối với tôi lúc này, giá trị của hai câu thơ nằm ở chữ “Chương”, tên tôi. Không có chữ “Chương”, câu thơ dở ẹc liền!

Tôi liền mừng rỡ đọc to hai câu thơ, giọng kính cẩn như đọc thần chú.

Khi tôi đi ra, Ung Dung hỏi:

– Trả lời được không?

Tôi mỉm cười:

– Tàm tạm.

– Tàm tạm là sao?

Tôi kể lại diễn biến cuộc thi.

Ung Dung nhún vai:

– Mấy ổng hỏi lãng xẹt!

Nói vậy nhưng nó vẫn hỏi tôi:

– Ông có biết tác phẩm nào dính đến tên tôi không?

Chuyện của tôi thì tôi mù tịt mà chuyện thiên hạ chẳng hiểu sao tôi sáng dạ quá chừng. Cái tác phẩm xa lắc xa lơ như vậy mà tôi cũng nhớ ra:

– Có quyển “Cô Dung” của Lan Khai.

Ung Dung bán tín bán nghi:

– Thật không, ông? Sao tôi nghe lạ hoắc vậy?

– Thật mà! Tôi không nhớ’ tôi đọc ở đâu nhưng người ta có nhắc đến cuốn sách này!

Nhưng cuốn “Cô Dung” chẳng giúp ích được gì cho cô bạn mới của tôi.

Ban giám khảo, vẫn cái ông mập thật mập ngồi giữa, không hỏi tên mà hỏi tuổi Ung Dung. Rồi bắt nó kể tên một tác phẩm văn học liên quan đến ngựa.

Ung Dung đứng trơ như phỗng.

Ban giám khảo giục, nó đáp liều:

– Thưa thầy, Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Lục Vân Tiên, cuốn nào cũng đều liên quan đến ngựa!

Ban giám khảo phì cười. Ông mặt tròn hỏi lại:

– Chị căn cứ vào đâu mà nói như vậy?

Ung Dung đáp tỉnh:

– Thưa thầy, căn cứ vào chỗ Kim Trọng, Từ Hải, Lục Vân Tiên mỗi khi đi đâu đều tót lên ngựa chứ chẳng có ông nào chịu đi bộ.

Ban giám khảo trợn mắt kêu nó đi ra.

Ung Dung kể với tôi như vậy rồi tặc lưỡi bình luận:

– Chắc rớt!

Tôi tiếc hùi hụi:

– Phải chi biết trước như vậy, tôi đã nhắc Ung Dung truyện “Lục súc tranh công” rồi! Trong đó có ngựa!

Ung Dung phẩy tay:

– Thôi kệ xác nó, trâu với ngựa! Rớt ở đây thì tôi ghi danh học bên Văn Khoa, lo gì!

Nhưng nó không rớt. Đúng là số nó “ung dung” thật! Hôm trường niêm yết kết quả, tôi đi coi, thấy tôi đỗ thứ 9 còn Ung Dung đỗ thứ 46 trên 50 người trúng tuyển.

Cũng nhờ tò mò coi thử nó rớt hay đậu, tôi mới biết tên nó là Kim Dung. Thoạt đầu tìm mỏi con mắt không thấy tên nó đâu, tôi tưởng nó rớt. Trên danh sách chỉ có tên Đỗ Thị Kim Dung, tôi cứ đinh ninh là đứa khác.

Đến khi tôi gặp nó, thấy nó chìa tay bắt tay tôi:

– Chúc mừng ông! Tôi cũng đậu, không đậu cao như ông nhưng nói tóm lại là tôi đã đậu!

Nó nói như diễn viên kịch. Tôi ngơ ngác:

– Ung Dung đậu hạng mấy?

Nó nhún vai theo thói quen:

– Hạng 46! Cách địa ngục có bốn bước!

Như vậy Kim Dung chính là nó. Còn Ung Dung là cái tên nó bịa ra để gạt mấy đứa cù lần, dễ tin như tôi.

Tôi tằng hắng:

– Vậy Kim Dung là…

Nó cười toe:

– Làm gì mà ông phải trố mắt ra vậy! Đó là một bài học dành cho những người ngớ ngẩn!

Nói xong, nó kéo tay tôi:

– Quên chuyện tầm phào đó đi! Bây giờ tôi dẫn ông đi uống nước để chúc mừng tôi, chúc mừng ông, chúc mừng mấy con ngựa…

– Mấy con ngựa nào?

– Thì mấy con ngựa mà Từ Hải, Lục Vân Tiên cỡi đó! Nếu thời đó người ta đã chế được honđda thì tôi đã rớt “uỵch” rồi!

Kim Dung dẫn tôi vào quán nước trước cổng trường. Không cần biết tôi thích uống thứ gì, nó kêu hai ly cà phê đá.

Tôi ngạc nhiên:

– Kim Dung cũng uống cà phê?

Nó không thèm trả lời, kêu thêm hai điếu Capstan. Nó đẩy một điếu lại trước mặt tôi, còn nó ngậm một điếu trên miệng.

Trong khi tôi đang ngẩn người ra thì Kim Dung hất hàm:

– Ông có biết lịch sự là gì không?

Tôi không biết tại sao Kim Dung lại hỏi tôi câu đó liền cúi đầu liếc coi có chiếc nút áo nào chưa gài không. Khi thấy mọi thứ vẫn nghiêm chỉnh, đâu ra đấy, tôi nhìn Kim Dung ra ý hỏi.

Nó tặc lưỡi, giải thích:

– Lửa!

Câu giải thích của Kim Dung quá vắn tắt nên đến ba mươi giây sau tôi mới hiểu nó muốn tôi châm thuốc cho nó.

Sau khi đốt thuốc, rít một hơi, nhả khói phèo phèo, Kim Dung nói giọng trịnh trọng.

– Kể từ giờ phút này, ông chính thức được coi là bạn tôi!

Nghe nó tuyên bố kết nạp tôi làm bạn, tôi thấy lo lo trong bụng. Và tôi cũng chẳng hiểu tại sao nó không “chính thức” tự hôm thi vấn đáp mà đợi đến bây giờ.

Chap 12:

Tôi không đợi đến chiều mới gặp dì tôi.
Trên đường từ trường về, tôi ghé qua chỗ làm của dì.

Nghe tôi báo tin thi đậu, chị Kim khen:

– Giỏi quá hén!

Còn dì tôi thì cuống quít lên:

– Vậy dì phải đi đánh điện cho mẹ cháu ngay bây giờ!

Tôi cười:

– Làm gì mà dì quýnh lên vậy! Hồi nào đánh điện chẳng được!

Dì tôi trợn mắt la:

– Chuyện vậy mà để từ từ!

Nói xong, dì tôi nhờ chị Kim coi giùm tủ thuốc rồi vội vã đạp xe ra bưu điện.

Tôi chạy về nhà, gặp Lan Anh, chưa kịp khoe, nó đã hỏi:

– Anh thi đậu rồi phải không?

Tôi trố mắt:

– Sao em biết?

Nó cười:

– Dòm nét mặt tươi rói của anh là em biết liền!

Tôi cốc nó một cái:

– Quỷ!

Lan Anh chìa tay ra:

– Anh thưởng công em đi chứ!

– Công gì?

– Công em phục vụ anh trong thời gian ôn thi.

Tôi vỗ vai nó:

– Tối anh sẽ dẫn em ra Ngã Sáu ăn bánh cuốn, chịu không?

– Không!

Tôi ngạc nhiên:

– Sao không chịu?

Lan Anh nheo mắt:

– Biết anh thi đậu, tối nay thế nào mẹ cũng khao cả nhà, làm sao ăn bánh cuốn được nữa!

Tôi gãi đầu:

– Vậy thì tối mai.

Lan Anh lắc đầu:

– Tối mai lâu quá!

Tôi chép miệng:

– Chứ em muốn gì? Hay là anh mua cho em mười lăm cây kẹo dừa như bữa trước?

Lan Anh dẩu môi:

– Thôi, em không ăn kẹo dừa nữa đâu! Em ăn yaourt!

Tôi thở phào:

– Tưởng gì chứ yaourt anh sẽ mua cho em mười hủ!

Nó sáng mắt lên:

– Chắc không?

Nghe nó hỏi lại, tôi hơi ngập ngừng:

– Kh…kh…ông chắc lắm! Anh sẽ mua cho em năm hũ!

Lan Anh cười khúc khích:

– Nói vậy chứ em chỉ ăn một hũ thôi. Nhưng em ăn ngay bây giờ!

Tôi liền chạy ra đường mua một hũ yaourt.

Lan Anh một tay cầm hũ yaourt, tay kia thủ sẵn cái muỗng. Nó hỏi tôi:

– Anh không ăn hả?

– Không! Anh còn phải qua nhà bác Tám!

Nó vọt miệng:

– Chị Quỳnh đi mất rồi!

Tôi đỏ mặt:

– Anh đâu có tìm chị Quỳnh!

– Chị Trâm cũng đi luôn!

Tôi ngơ ngác:

– Đi đâu mà đi hết ráo vậy?

– Đi bán hột vịt ở dưới chợ chứ đâu!

– Vậy thì anh đi xuống chợ.

Chợ gần, tôi thả bộ một lát đã tới nơi.

Không biết Trâm và Quỳnh ngồi bán ở đâu, tôi vừa len lỏi giữa các hàng quán vừa dáo dác tìm.

Đi gần suốt chiều dài chợ, tôi mới nhìn thấy Trâm và Quỳnh ngồi trước mấy thúng hột vịt bày trên một sạp gỗ nhỏ.

Chen vào giữa những bà đi chợ, tôi cúi xuống hỏi:

– Hột vịt muối bao nhiêu một chục, chị?

Hai chị em giật mình ngẩng đầu lên.

Thấy tôi, đôi mắt Quỳnh dường như sáng lên:

– Anh Chương đi đâu vậy?

Trâm cười:

– Ảnh đi báo tin thi đậu cho tao với mày chứ đi đâu!

Quỳnh ngó Trâm:

– Sao chị biết?

Trâm lại cười:

– Sao không biết! Nếu thi rớt ảnh đã nằm khoèo trên gác chứ lò dò xuống đây chi?

Quỳnh quay sang tôi:

– Đúng vậy không anh Chương?

Tôi gật đầu mà mặt đỏ bừng.

Trâm chẳng để ý đến điều đó. Thấy tôi đứng lớ ngớ, nó xích vô, nói:

– Anh ngồi xuống đây nè! Đứng xớ rớ cản đường thiên hạ, người ta rầy chết!

Tôi vừa ngồi xuống đã nghe Quỳnh nhắc:

– Anh cẩn thận kẻo hột vịt muối dính dơ quần áo hết.

Trâm tỉnh bơ:

– Dơ thì giặt chứ lo gì! Phải tập ảnh làm quen lao động để mai mốt ảnh còn xuống đây bán phụ với hai đứa mình chứ!

Nó nói y như tôi là chúa làm biếng không bằng! Nhưng độ rày nghe những câu nói “bổ củi” của Trâm, tôi không còn thấy ngán ngẩm như trước nữa. Từ khi phát hiện ra Trâm có “bề trong” rất tốt, khác hẳn với “bề ngoài” ngang ngạnh của nó, tôi cảm thấy mến nó nhiều hơn. Vả lại những điều Trâm nói, dù là nói đùa, lại rất hợp với mong muốn của tôi. Được ngồi suốt ngày bên cạnh Quỳnh, dù là ngồi bán hột vịt giữa chợ, đối với tôi là một hạnh phúc vô biên. Vì vậy, Trâm vừa nói xong, tôi hí hửng gật đầu:

– Ừ, mai mốt anh xuống đây bán phụ cho!

Quỳnh nheo mắt:

– Thật không?

Tôi quả quyết:

– Thật chứ!

Trên thực tế, suốt ba năm ròng rã sau đó, những khi rảnh rỗi tôi thường xuống chợ ngồi chơi với Trâm và Quỳnh. Đối với tôi, đó là những ngày đẹp đẽ đáng nhớ mà mãi hàng chục năm sau mỗi khi hồi tưởng lại tôi đều cảm thây như mới hôm qua.

Ngồi trò chuyện một hồi, đột nhiên Trâm nói:

– Bây giờ tôi mua bún riêu đãi anh hén?

Tôi chưa kịp trả lời thì Quỳnh nhăn mặt, can:

– Ai lại ăn giữa chợ!

Trâm nhìn tôi:

– Có anh, con Quỳnh nó làm bộ làm tịch chứ mọi khi nó ăn một lèo tới ba tô, tôi đuổi theo trối chết không kịp. Hứng lên, nó còn “chơi” liền tù tì mười cái bánh giò…

Quỳnh cấu Trâm:

– Chị kỳ quá!

Trâm vẫn không tha:

– Ăn nhiều mau lớn, mai mốt còn lấy chồng, có gì đâu mà mày giấu!

Rôì không đợi tôi có bằng lòng hay không, Trâm chạy đi kêu ba tô bún riêu.

Chẳng biết làm sao, tôi đành phải bưng tô bún ngồi húp sì sụp giữa chợ. Quỳnh cũng ăn tỉnh, vừa ăn cô bé vừa cười với tôi bằng mắt. Tự nhiên, tôi chẳng thấy xấu hổ chút nào. Ngồi ăn như thế này, với Quỳnh, kể cũng vui!

Ngồi chơi đến trưa, tôi phụ Trâm và Quỳnh đẩy chiếc xe con bốn bánh chở hột vịt về.

Ba người đẩy một chiếc xe, Quỳnh đi giữa, Trâm bên trái, tôi bên phải. Cả buổi ngoài chợ bị Trâm ngồi cản mũi kỳ đà, bây giờ được đi bên cạnh Quỳnh, tôi khoái lắm.

Nhưng tôi vừa hạ giọng nói nhỏ bên tai Quỳnh:

– Ngày mai anh lại ra chợ chơi nữa hén?

Quỳnh chưa kịp trả lời, Trâm đã liếc xéo:

– Ở đây không chơi nói chuyện thì thầm à nghen!

Biết Trâm phá “cho vui” nhưng thú thật kể từ lúc đó đến khi về tận nhà, tôi chẳng còn dám “hạ giọng” thêm một lần nào nữa.

Chap 13:

Ngôi trường tôi học nằm trên một con đường thật đẹp. Hàng cây điệp chạy dài hai bên, cứ tới mùa khai trường, bông điệp rắc đầy trên lối đi như một cơn mưa màu vàng, bám cả vào áo, vào tóc của bọn sinh viên chúng tôi.
Trường trông có vẻ cổ kính nhưng không kém phần thơ mộng. Mái ngói xám phủ đầy rêu lưu cữu nằm nấp dưới những tàng cổ thụ xanh um với những cành nhánh rậm rạp như muốn lợp kín cả bầu trời. Đằng trước dãy phòng học là một sân cỏ mềm, tươi mát nơi chúng tôi thường chia phe chơi cầu lông hoặc ngả lưng gối đầu trên cỏ ngắm trời xanh qua kẽ lá vào những trưa biếc.
Ngay từ những ngày đầu đi học, tôi đã yêu mến ngôi trường của tôi và tôi rất tự hào về vẻ đẹp lặng lẽ của nó.
Ba vị giám khảo trong kỳ thi vấn đáp hôm trước hóa ra là giáo sư của trường và năm nay đều dạy chúng tôi. Ông mập ngồi trong ba người, tôi yêu thầy dạy chữ Hán nhất, bởi thầy rất hiền lành, nho nhã và nhân hậu.
Trong lớp, Kim Dung ngồi kế bên tôi.
Hôm đầu tiên vào lớp, tôi không quen một ai nên ngồi thui thủi một mình dưới góc lớp. Số sinh viên Sài Gòn hầu hết đều học chung với nhau từ thời trung học nên bây giờ tụm lại nói chuyện tíu tít. Chẳng ai thèm để ý đến tôi.
Trong khi tôi đang ngồi ngơ ngơ ngác ngác giữa một đám đông xa lạ thì Kim Dung bước vào. Tấp vào đám bạn cũ nói chuyện dăm ba câu, chợt thấy tôi trong “xó” lớp, Kim Dung đi thẳng xuống:
– Sao ngồi buồn thiu vậy?
Tôi ấp úng:
– Có buồn gì đâu! Tại tôi không biết nói chuyện với ai!
Kim Dung ngồi xuống chiếc ghế cạnh tôi:
– Dễ thôi! Từ nay tôi sẽ ngồi chỗ này cho ông có người nói chuyện!
Nó tuyên bố như vậy và ngồi lì ở đó suốt bốn năm ròng rã, từ khi nhập học cho đến luc’ tốt nghiệp ra trường.
Nhà Kim Dung rất giàu. Ba nó là một thương gia cỡ lớn trong khi mẹ nó là một nghệ sĩ piano, dạy ở trường quốc gia âm nhạc. Sự kết hợp lạ lùng giữa hai con người này ảnh hưởng đến cuộc sống Kim Dung rõ rệt. Nó vừa có vẻ tài tử trí thức lại vừa có vẻ tay chơi bạt mạng.
Kim Dung đi học bằng xe honđda. Nó có thể đi học bằng ô- tô riêng, có tài xế đưa rước, như một số đứa nhà giàu khác nhưng nó không muốn. Nó bảo đi honđda tự do hơn, có thể đi chơi lông bông tùy thích.
Đi học chừng vài ngày, Kim Dung thực hiện cái phương châm “đi chơi lông bông” kia liền. Nó rủ tôi:
– Chiều nay ông đi chơi với tôi không?
– Đi đâu?
– Đi xi- nê.
Nhớ đến phim “Thằng khờ ra tỉnh” bữa trước, tôi đâm ngán:
– Thôi, tôi không đi coi phim đâu!
Kim Dung nhún vai:
– Xi- nê mà không đi! Vậy chứ ông muốn đi đâu?
Tôi ngập ngừng một lát rồi đáp:
– Đi sở thú.
Nó nhăn mặt:
– Ai lại đi sở thú! Đúng là nhà quê chúa!
Tôi đỏ mặt:
– Hồi nhỏ đến giờ tôi chưa thấy sư tử, cá sấu, đà điểu lần nào. Chỉ toàn xem trong sách!
Nó thở dài:
– Thôi được! Lát học xong tôi chở ông đi!
Tôi trố mắt:
– Còn chiếc xe đạp của tôi!
– Thì cứ để ở trường, chiều về lấy.
– Rủi mất sao?
– Chiếc xe cà tàng của ông ai lấy mà mất!
Chiếc xe tôi mới sơn phết láng coóng mà nó dám bảo xe cà tàng. Tôi giận thầm trong bụng nhưng không nói ra.
Thấy tôi có vẻ chưa yên tâm, Kim Dung lại nói:
– Ông cứ yên chí đi! Mất một chiếc tôi đền cho hai chiếc!
– Nhưng…
– Còn nhưng với nhị gì nữa?
– Trưa tôi còn phải về nhà ăn cơm rồi mới đi được.
Kim Dung phất tay:
– Khỏi ăn cơm! Mua bánh mì đem theo. Vô sở thú vừa coi sư tử vừa gặm bánh mì. Gọn chán!
Nó giải quyết mọi chuyện một cách dứt khoát, gọn gàng.
Khi Kim Dung dắt xe ra, tôi giành chở.
Nó không chịu:
– Thôi, để tôi chở! Ông đâu có rành đường sá trong này!
Tôi nhăn nhó:
– Ai lại ngồi sau lưng con gái! Kỳ lắm!
– Có gì đâu mà kỳ!
– Thôi, để tôi chở cho! – Tôi khăng khăng.
Kim Dung nhường tay lái cho tôi với vẻ nghi ngờ:
– Ông chạy được không đó?
Tôi mỉm cười:
– Ăn nhằm gì! Nhà tôi ngoài quê cũng có honđda!
Tôi chở Kim Dung chạy chầm chậm. Đường phố nhộn nhịp, xe cộ đan qua đan lại như mắc cửi, tôi vừa chạy vừa dáo dác dòm chừng, không dám phóng nhanh.
Kim Dung ngồi phía sau chốc chốc lại thét lên:
– Đèn đỏ!
– Quẹo trái!
– Tới luôn!
Tôi chỉ việc ngậm miệng làm theo.
Chúng tôi đi chơi đến xế chiều mới quay về trường.
Thấy tôi lò dò vô lấy xe, ông già gác cổng chửi om sòm. Biết mình lỗi, tôi vui vẻ đưa đầu chịu trận. Đôi co làm chi, miễn còn chiếc xe đạp là quý lắm rồi!
Trước khi chia tay, Kim Dung còn kéo tôi đi uống cà phê.
Lần này rút kinh nghiệm, thấy Kim Dung vừa đưa điếu thuốc lên môi, tôi vội rút chiếc Zippo ra châm lửa liền.
Kim Dung nheo mắt, khen:
– Thuộc bài lắm!
Về nhà, vừa thò đầu qua khỏi cửa, tôi đã thấy Quỳnh đang ngồi chơi với Lan Anh.
Quỳnh nhìn tôi cười:
– Bữa nay anh Chương đi chơi bỏ cơm trưa hén!
Lan Anh phụng phịu:
– Hồi trưa em đợi anh dài cổ luôn!
Tôi gãi đầu:
– Hồi trưa anh đi sở thú.
Lan Anh làm mặt giận:
– Anh không rủ em với chị Quỳnh đi mà đi một mình hén!
– Anh đâu có đi một mình.
– Chứ anh đi với ai?
Tôi bối rối:
– Anh đi với…anh bạn trong lớp.
Nói với Lan Anh nhưng mắt tôi lại nhìn Quỳnh.
Nhưng Quỳnh chẳng để ý đến điều đó. Cô bé day qua Lan Anh, nói:
– Vậy tối nay chị với Lan Anh đi coi hát, đừng rủ anh Chương đi hén!

Chap 14:

Nói đi coi hát với Lan Anh là Quỳnh nói chọc tôi chơi chứ tối đó cô bé ở nhà.
Tôi qua chơi, thấy Quỳnh và Trâm đang ngồi học bài.
Quỳnh đang học Pháp Văn, gặp chỗ bí, day qua nhờ Trâm giảng. Lúc tôi bước vào, hai chị em đang ngồi châu đầu trên cuốn tập, cãi qua cãi lại, không ai chịu ai.
Thấy tôi, Trâm ngoắc:
– Anh Chương lại làm trọng tài giùm đi! Con Quỳnh nó cãi dai quá!
Tôi dòm vô cuốn tập của Quỳnh. Đó là bài tập analyse.
Hai chị em đang cãi nhau về vai trò của chữ où trong câu thơ của Victor Hugo: “À l’heure où l’homme dort…”. Quỳnh bảo nó là adverbe. Đúng là cô bé chẳng hiểu gì hết. Trâm khá hơn, biết nó là pronom relatif nhưng thay vì complément de temps, Trâm lại bảo nó là complément de lieu!
Tôi liếc Quỳnh. Cô bé nhìn tôi bằng ánh mắt dò hỏi.
Tôi mỉm cười, tuyên bố: Trâm được 6 điểm, Quỳnh 3 điểm! Lẽ ra Quỳnh đã bị điểm 0 nhưng vì cô bé thuộc…đối tượng ưu tiên nên tôi vớt thêm 3 điểm.
Sau đó tôi bắt đầu giảng giải.
Nghe tôi giảng, Trâm hích tay Quỳnh:
– Tao nói đúng được phân nửa, 6 điểm là phải! Còn mày nói trật lất, lại thêm tội cãi bướng, lẽ ra phải ăn hai con dê- rô mới đúng!
Rồi thình lình nó day qua tôi:
– Phải vậy không anh Chương?
Cái kiểu hỏi “bắt bí” này của Trâm bao giờ cũng khiến tôi lúng túng. Nhưng lần này Quỳnh đã cứu tôi.
Phớt lờ sự châm chọc của bà chị quỉ quái, cô bé đẩy cuốn tập đến trước mặt tôi, hỏi:
– Còn câu này nghĩa là gì, anh Chương?
Tôi nhìn vào tập: il naquit et grandit dans un village…
– Nghĩa là, tôi nói, ông sinh ra và lớn lên trong một làng…
– Naquit là sinh ra?
– Ừ, đó là passé simple của động từ naitre.
Tối đó tôi ngồi suốt buổi để chỉ cho Trâm và Quỳnh học. Càng chỉ, tôi càng nhận ra hai chị em mất căn bản trầm trọng về môn Pháp văn. Hỏi ra mới biết từ hồi những lớp dưới, lúc bác Tám trai bị tù, mấy chị em phải cùng mẹ chạy vạy, xoay xở, buôn gánh bán bưng nên học hành chẳng ra ngô ra khoai gì. Bây giờ muốn đi học thêm thì lại không đủ tiền.
Trâm và Quỳnh ù ù cạc cạc, tôi dạy một lúc, thấy mệt phờ.
Cuối cùng, tôi gấp cuốn tập lại, thở ra:
– Thôi nghỉ đi! Bắt đầu từ ngày mai, tôi sẽ kèm Trâm và Quỳnh lại từ đầu!
Mặt Quỳnh rạng rỡ hẳn lên:
– Anh Chương nói thật chứ?
– Thật.
– Em học dốt, anh không cốc đầu chứ?
– Cốc! – Tôi cười.
Quỳnh vùng vằng:
– Vậy em không học nữa đâu!
Trâm hỏi:
– Có đóng tiền không?
– Không! – Tôi đáp.
Nó trố mắt:
– Sao lại không? Dạy tôi và con Quỳnh học, đúng ra anh phải đóng tiền chứ!
Con nhỏ này nó nói ngang như cua. Nhưng không phải không có lý. Rõ ràng ý nó muốn trêu tôi.
Nghe tôi nhận kèm cho Trâm và Quỳnh học, ba mẹ Quỳnh rất mừng. Dì dượng tôi cũng chẳng có ý kiến gì.
Học chung với Trâm và Quỳnh, còn có cả chị Kim. Chị bảo học cho vui. Vả lại làm nghề bán thuốc Tây, chị cũng muốn ôn lại tiếng Pháp để đọc toa thuốc.
Trước nay muốn đi học thêm không được, nay gặp ông thầy nhiệt tình qua dạy tận nhà, mấy chị em học rất chăm chỉ.
Tôi làm thầy, vừa giảng bài vừa…liếc học trò.
Mỗi lần bắt gặp đôi mắt lúc nào cũng long lanh và đầy vẻ ngạc nhiên của Quỳnh ngước lên, lòng tôi lại mềm đi trong một cảm giác dễ chịu và lời giảng bài cũng trở nên dịu dàng và ấm áp hơn. Vào những lúc đó, tôi hiểu rằng sau này, mãi mãi sau này, tôi khó lòng say mê một đôi mắt nào khác.
Thoạt đầu, tôi kèm mấy chị em một tuần ba buổi tối. Về sau, tối nào tôi cũng qua. Thật khó mà biết được nhu cầu dạy của tôi và nhu cầu học của ba chị em Quỳnh, cái nào mạnh hơn.
Những buổi học vui vẻ và thân mật đó thường kết thúc bằng hương vị ngọt ngào của chè, trái cây hoặc bánh kẹo – thường là kẹo đậu phộng bởi vì gia đình bác Tám biết tôi rất thích thứ kẹo này.
Tôi thường ngồi nhai kẹo và tán gẫu với “học trò” cho đến khi cả nhà đi ngủ hết, chỉ còn có Trâm và Quỳnh ngồi lại. Lúc đó tôi mới đứng dậy cắp sách ra về.
Từ lâu, gia đình Quỳnh đối với tôi đã trở thành thân thuộc. Những buổi dạy kèm càng khiến cho mối quan hệ giữa gia đình Quỳnh như là gia đình của mình. Và tôi cảm thấy điều đó rất tự nhiên. Ngược lại, ba má Quỳnh cũng coi tôi như con. Chị Kim coi tôi như em. Thằng Tạo coi tôi như anh. Trâm có lẽ cũng coi tôi như anh. Chỉ có Quỳnh, nhân vật quan trọng nhất, coi tôi như…thứ gì thì tôi lại không biết! Chừng nào em mới nói cho anh biết em coi anh là gì của em, Quỳnh ơi?
Nhưng Quỳnh chưa kịp nói thì mẹ Quỳnh đã nói trước.
Một hôm, dì tôi kêu tôi, nói:
– Bác Tám gái bảo cháu dễ thương, hiền lành, tốt bụng, lại sống xa gia đình, ý bác muốn nhận cháu làm con nuôi, cháu có bằng lòng không?
Lời đề nghị bất ngờ của bác Tám làm tôi rất cảm động. Tôi hỏi lại dì tôi:
– Dì nghĩ sao?
– Theo dì thì điều đó cũng tốt. Gia đình bác Tám là gia đình nề nếp, mấy đứa nhỏ cũng ngoan. Nhưng quyết định là do cháu.
Thấy tôi ngần ngừ, dì tôi lại hỏi:
– Cháu không chịu phải không?
Tôi ấp úng:
– Không phải không chịu nhưng nếu cháu làm con nuôi bác Tám thì mối quan hệ giữa cháu và chị Kim, Trâm, Quỳnh, Tạo sẽ như thế nào?
– Thì là anh chị em. Anh chị em nuôi!
– Nếu là anh em nuôi thì sau này lấy nhau được không?
Dì tôi trợn mắt:
– Đâu có được! Mà sao cháu lại hỏi vậy?
Tôi đỏ mặt, không trả lời.
Dì tôi nhìn tôi dò xét:
– Cháu thích đứa nào bên đó phải không?
Tôi vẫn im lặng.
Dì tôi lại hỏi, giọng dịu dàng:
– Trâm phải không, cháu?
Tôi lắc đầu. Chẳng hiểu dì tôi căn cứ vào đâu mà nghĩ tôi thích Trâm. Chắc là dì thấy nó bằng tuổi với tôị Trâm chuyên át giọng tôi, sống với nó, chắc nó quay tôi như quay dế.
Dì tôi gật gù:
– Vậy là cháu thích Quỳnh!
Lần này tôi cũng im re không đáp. Nhưng thấy tôi không lắc đầu, dì tôi biết tôi đã “nhận tội”.
Dì tôi nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi:
– Cháu lớn rồi, chuyện đó cũng tự nhiên thôi! Miễn sao đừng để ảnh hưởng đến việc học tập!
Dì tôi đem chuyện đó nói với mẹ Quỳnh. Bác Tám gái chẳng tỏ ý gì cấm cản. Bác chỉ nói đợi tôi học xong đại học rồi tính.
Từ khi nghe dì tôi thuật lại như vậy, lúc nào tôi cũng mong chóng đến ngày ra trường.

Chap 15:

Ở lớp, Kim Dung “dính” với tôi như hình với bóng. Gần suốt năm học đầu tiên, tôi chẳng chơi thân với ai ngoài nó. Tuy nhiên cái tính bạt mạng của nó vẫn làm tôi ơn ớn.
Thỉnh thoảng, nó lại rủ tôi:
– Ngày mai “cúp cua” đi!
Ý nó xúi tôi trốn học. Tôi hỏi:
– Chi vậy?
– Đi chơi!
– Buổi sáng đi học, buổi chiều đi chơi cũng được vậy?
Nó triết lý:
– “Cúp cua” đi chơi mới thú!
Tôi lắc đầu:
– Thôi, tôi không đi đâu!
Nó “xì” một tiếng, vẻ khi dể:
– Ông đúng là con mọt!
Mặc cho nó khích, tôi ngồi yên cặm cụi chép bài.
Không rủ được tôi, Kim Dung bỏ học một mình.
Nó nghỉ ba ngày, tới ngày thứ tư lại ôm tập vô lớp đàng hoàng.
– Đi đâu lâu vậy? – Tôi hỏi.
Nó cười:
– Leo núi.
– Leo núi mà tới ba ngày?
Nó đẩy gọng kiếng trên sống mũi, đáp tỉnh:
– Một ngày leo núi cộng thêm hai ngày nghỉ ngơi.
Rồi nó khều tôi:
– Lát về ông cho tôi mượn tập nghen?
– Ừ.
Mượn tập chép bài là nghề của nó trước nay.
Kim Dung học hành rất tài tử. Nổi hứng lên, nó nghỉ liền tù tì hai, ba ngày. Những ngày đến lớp, nó cũng chỉ ghi bài qua loa. Về nhà, nó mượn tập của tôi chép lại. Nhưng bù lại, Kim Dung rất thông minh. Chỉ cần xem bài qua một lần, nó đã nắm vững những điều cốt yếu và nhớ khá kỹ.
Vì vậy, kỳ thi cuối năm, Kim Dung xếp hạng ba. Còn tôi học hết cơm hết gạo cũng chỉ xếp hạng tám, kém nó năm bậc. Đối với bạn bè trong lớp, tôi với Kim Dung chơi thân với nhau là một hiện tượng lạ. Thằng Bảo, một đứa chơi khá thân với tôi sau này, nhận xét: “Một đứa hiện sinh chúa, một đứa nhà quê chay, đúng là một cặp lý tưởng không hiểu nổi!”.
Tôi chẳng thấy có gì là không hiểu nổi. Tuy nhiên nghe tụi bạn xì xào tôi cũng hơi nhột.
Tôi “méc” với Kim Dung. Nó phẩy tay:
– Kệ tụi nó! Con người có bản lĩnh phải biết đứng cao hơn dư luận!
Tôi chẳng có bản lĩnh, tôi cũng chẳng muốn đứng cao hơn dư luận làm gì nhưng xét về quan hệ bạn bè tôi thấy Kim Dung chẳng có điểm nào xấu để không chơi với nó. Thế là tôi nghe lời Kim Dung “kệ tụi nó”. Tôi chẳng dám bắt chước Kim Dung “cúp cua” đi chơi nhưng khi tan trường ra, nó rủ tôi “đi lông bông” (nói theo ngôn ngữ của nó) là tôi đi liền. Những lần “đi lông bông” sau này, tôi không còn dám để xe đạp ở trường nữa. Tôi đạp xe về nhà cất. Kim Dung chạy honđda tà tà theo và đứng đợi tôi ngoài đầu hẻm. Thú thật là tôi rất thích đi chơi với Kim Dung. Nó biết rất nhiều nơi, nhiều thứ.
Kim Dung lại rất tốt với tôi. Nó có vẻ khinh bạc, phớt đời nhưng đối với tôi lại rất chu đáo. Đặc biệt, không bao giờ Kim Dung để tôi trả tiền một thứ gì. Lúc đầu tôi không chịu. Nó gắt:
– Tôi là con nhà giàu, chuyện tiền bạc ông để tôi lo!
Sợ nó giận, tôi không dám cãi.
Những lần đầu, tôi rất khó chịu và cảm thấy vô cùng ngượng ngập. Nhưng rồi thấy nó tỉnh bơ, tôi cũng quen dần. Bây giờ thì tôi mặc xác nó: con người có bản lĩnh phải biết đứng cao hơn…chuyện tiền bạc!
Nhưng đi chơi với Kim Dung không phải chỉ gặp toàn những điều thú vị.

Chap 16:

Một buổi tối, tôi qua nhà bác Tám dạy kèm như thường lệ, không thấy Quỳnh đâu.
Tôi hỏi, chị Kim nói:
– Nó nhức đầu, nằm trên gác.
Trâm nhún vai:
– Nó xạo chứ nhức đầu gì! Nó đau tim thì có!
Hai chị em nói hai kiểu, tôi hoang mang chẳng biết Quỳnh bị bệnh gì. Tôi rất muốn lên thăm Quỳnh nhưng căn gác nhà bác Tám là chỗ ngủ của ba chị em, đàn ông con trai lên không tiện, dù đó là…con nuôi hụt trong nhà.
Không có Quỳnh, tôi giảng bài một cách lơ đãng, chẳng hứng thú chút nào.
Dạy xong, tôi uể oải gấp sách ra về, không ngồi lại như mọi lần.
Tối hôm sau, Quỳnh vẫn ở lì trên gác.
Tối hôm sau nữa cũng vậy.
Thấy cô bé nghỉ học liền một mạch ba hôm, tôi bắt đầu chột dạ. Tôi nhìn Trâm:
– Quỳnh chưa hết bệnh hả?
Trâm tặc lưỡi:
– Ối dào, con Quỳnh nó hứng bất tử, muốn bệnh thì bệnh, muốn hết thì hết, chẳng biết đường nào mà lần!
Trâm trả lời lấp lửng kiểu đó, nghe xong tôi cũng “chẳng biết đường nào mà lần”.
Tối đó, tôi về hỏi Lan Anh:
– Chị Quỳnh bệnh sao vậy em?
Lan Anh trố mắt:
– Chỉ có bệnh gì đâu!
Tôi ngạc nhiên:
– Sao lạ vậy? Chị Trâm nói với anh là Quỳnh bệnh mà!
Nó lắc mái tóc:
– Chị Trâm xạo đó! Em thấy sáng nào chị Quỳnh cũng đi học, có bệnh tật gì đâu!
Trưa hôm sau, tôi “đột nhập” qua nhà Quỳnh và bắt gặp cô bé đang ngồi rửa chén.
Thấy tôi, Quỳnh ngoảnh mặt đi.
Tôi rón rén lại gần, hỏi:
– Em hết bệnh chưa?
Tôi hỏi là hỏi vậy thôi chứ theo tin tình báo của “điệp viên” Lan Anh thì đây là một sự kiện thất thiệt.
Quỳnh cắm cúi rửa chén, không trả lời.
Thái độ của Quỳnh khiến tôi cảm thấy hoang mang dễ sợ, chẳng hiểu làm sao thời tiết lại thay đổ i bất thường như vậy không biết. Tôi ngồi trơ mắt ếch một hồi rồi lại nhỏ nhẹ hỏi, lần này tôi hỏi thẳng:
– Mấy bữa nay tại sao em nghỉ học vậy, Quỳnh?
Quỳnh vẫn một mực giả điếc, không thèm liếc tôi lấy một cái. Làm như mấy cái chén kia dễ thương hơn bản mặt của tôi hay sao ấy! Trong khi tôi đang tiến thoái lưỡng nan, không biết nên rút lui có trật tự hay nên ngồi lì tại chỗ ra vẻ ta đây là cục đá thì Trâm, đang ngồi đếm hột vịt ở góc nhà, vọt miệng “giải đáp tâm tình”:
– Con Quỳnh nó giận anh đó!
Tôi ngơ ngác:
– Tôi làm gì mà giận?
Trâm nói huỵch toẹt:
– Nó thấy anh đi với bồ!
Tôi vò đầu:
– Trời ơi, tôi đi chơi với bồ hồi nào?
Quỳnh vẫn im lặng để Trâm tấn công tôi:
– Anh đừng có xạo! Chứ cái cô gì hay đón anh ngoài đầu hẻm đó?
Hóa ra, Trâm và Quỳnh thấy tôi đi chơi với Kim Dung. Tôi thở dài:
– Bồ đâu mà bồ! Cô đó là bạn cùng lớp với anh.
Bây giờ Quỳnh mới chịu lên tiếng:
– Chị đó tên gì vậy?
Quỳnh hỏi mà tay vẫn tiếp tục rửa chén, đầu không ngẩng lên. Ra vẻ ta đây chưa chịu làm hòa đâu, nhà người đừng có tưởng bở!
– Tên Kim Dung!
Tôi đáp khẽ, không dám thở mạnh, mắt vẫn liếc chừng về phía Quỳnh.
Quỳnh lại hỏi, vẫn không ngẩng đầu lên:
– Có phải chị Kim Dung là “anh bạn” bữa trước đi sở thú với anh không?
Giọng Quỳnh nhẹ nhàng mà tôi nghe như sét nổ bên tai, sống lưng lạnh toát. Cô bé mọi ngày hiền lành, ngây thơ sao bữa nay hỏi câu độc quá vậy không biết!
Trong nháy mắt, tôi cân nhắc lợi hại và quyết định chối phắt:
– Đâu có! Em đừng nói oan cho anh! Anh bạn bữa trước là anh Bảo!
Rồi chừng như thấy lời thanh minh chưa đủ trọng lượng, tôi đế thêm:
– Anh Bảo ở trong lớp chơi thân với anh lắm!
– Thật không? – Quỳnh có vẻ nghi ngờ.
– Thật chứ! – Tôi quả quyết.
Quỳnh thắc mắc:
– Bạn thân sao em không thấy anh dẫn về nhà chơi?
Tôi tính nói là tôi có dẫn bạn về nhà mấy lần mà Quỳnh không gặp. Nhưng sực nhớ Quỳnh có thể kiểm tra điều đó qua Lan Anh, tôi bèn nói quanh:
– Anh có rủ. Ảnh nói hôm nào rảnh ảnh tới.
Tội nghiệp thằng Bảo. Tôi chưa bao giờ mở miệng rủ nó đi uống cà phê một lần chứ đừng nói rủ về nhà.
Tôi tưởng sóng gió đã qua, không ngờ Quỳnh vẫn chưa quên chủ đề chính:
– Còn chị Kim Dung thì sao?
Tôi giật thót:
– Sao là sao?
– Anh có chơi thân không?
Tôi ấp úng:
– Thân nhưng mà…khác!
Quỳnh không hiểu:
– Khác cái gì?
Tôi nói một cách khó khăn:
– Khác…anh với em!
Quỳnh vẫn ngơ ngác:
– Anh nói gì em không hiểu.
Tôi nhủ bụng: anh nói anh còn không hiểu làm sao em hiểu được! Nhưng biết làm thế nào được, tôi cũng rất muốn nói một cách dễ hiểu, bằng thứ ngôn ngữ đơn giản và trực tiếp mà những người có bản lĩnh ưa dùng. Nhưng mặc dù được Kim Dung rèn giũa khá kỹ lưỡng, trong trường hợp này tôi chẳng tỏ rõ bản lĩnh được chút xíu nào. Tôi vẫn nói bằng thứ ngôn ngữ quanh co, bí hiểm rút ra từ kho tàng câu đố dân gian:
– Có gì đâu mà không hiểu! Anh thân với chị Kim Dung kiểu bạn bè, còn anh thân với em kiểu khác, kiểu…gia đình!
“Gia đình” trong “câu đố” của tôi là gia đình khởi thủy, chỉ có…hai người, giống như ông Adam và bà Eva, nếu Quỳnh hiểu gia đình theo cái kiểu anh chị em nuôi thì nguy to.
Chẳng hiểu Quỳnh hiểu thế nào, chỉ thấy cô bé mỉm cười cúi xuống…rửa chén tiếp. Có mấy cái chén mà rửa lâu dễ sợ!
Tôi chưa kịp thở phào thì Trâm gọi giật:
– Anh Chương!
Gì nữa đây! Tôi thấp thỏm quay lại.
Trâm nhướng mắt:
– Kiểu gia đình với kiểu bạn bè, kiểu nào thân hơn?
Tôi cười cầu tài:
– Tất nhiên là kiểu gia đình!
Trâm cười toe:
– Vậy mai mốt đi chơi, anh nhớ đi với gia đình chứ đừng đi với bạn bè nữa! Có đi với bạn bè thì đi ít thôi!
Trong khi tôi đang lúng túng chưa biết trả lời như thế nào thì Trâm “dụ” tiếp:
– Anh đi với gia đình, tôi chở con Lan Anh giùm cho!
Ý nó muốn nhắc tới chuyện đi chơi Nhà Bè lần trước.
Trong bụng tôi thầm cảm ơn nó quá xá nhưng ngoài mặt tôi vẫn làm bộ tỉnh:
– Ai chở Lan Anh chẳng được!
Trâm lên giọng liền:
– À, anh nói vạ^y thì mai mốt đi đâu, tôi để anh chở Lan Anh còn tôi chở con Quỳnh.
Nó nói năng lộ liễu quá mức khiến tôi ngượng chín người.
Không dám “tâm sự” thêm nữa, sợ mang họa, tôi kiếm cớ chạy về nhà.
Suốt buổi chiều, tôi ở lì trên gác. Bài vở vứt qua một bên, tôi nằm nghiền ngẫm, phân lại và đánh giá nhừng câu nói và thái độ của Quỳnh.
Đến khi dì dượng tôi đi làm về, tôi đã rút ra được một kết luận cực kỳ tươi sáng.
Rồi dường như để cho cái tươi sáng đó tăng thêm phần sáng tươi, buổi tối tôi vừa bước qua nhà Quỳnh đã thấy cô bé ngồi sẵn bên bàn học và đón tôi bằng một nụ cười duyên dáng và thân thiện kiểu…gia đình!

Facebook Google Plus Twitter
Cùng chuyên mục
Ham cá độ quá!
Cơn bão khủng khiếp
Gói từng quả
Không can thiệp
Ngõ Cụt