Trại Hoa Vàng

17.09.2014
Admin

Truyện: Trại Hoa Vàng

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh
Tình trạng: Hoàn thành.
Post bởi: HaySo1.Vn

**********************

Chương 1:

Lúc tôi buông thùng tưới xuống và ngồi thở hổn hển trên bậc đá sau hè, mặt trời vẫn chưa mọc. Phương đông chỉ mới hửng sáng với những đám mây treo lơ lửng cuối chân trời xa vừa kịp nhuộm hồng. Nhỏ Thảo nhà bên cạnh, cũng dậy sớm như tôi, đang đốt lá ở cuối vườn.Khói lên nghi ngút khiến màn sương buổi sớm chưa kịp tan đã trở nên dày đặc. Trên ngọn hải đường lập lòe hoa đỏ sát hàng rào nhà nhỏ Thảo, lũ chim sẻ chí chách gọi nhau hệt một bọn trẻ lắm mồm.

Tôi hít một hơi đầy lồng ngực và đưa mắt ngắm khoảnh vườn của mình với vẻ trìu mến. Bên cạnh những đóa đồng tiền rực rỡ như những ngọn pháo bông, những bông cẩm chướng e ấp một nét đẹp thùy mị, dịu dàng là những đoá hồng xinh tươi và quí phái . Những cụm hoa chen nhau chiếm gần trọn nửa khoảnh vườn.

Vườn nhiều loại hoa nhưng gần như chỉ một màu vàng. Hoa hồng vàng và hoa đồng tiền vàng nở rộ khắp nơi . Gần Tết, lại có thêm màu vàng của lay- ơn, thược dược và cúc đại đóa, những loài hoa chỉ hợp với khí hậu cuối năm. Chấm phá trên cái nền vàng mêng mông của khu vườn là những bông cẩm chướng hồng và tía, các đóa đồng tiền màu mào gà và màu cà rốt lẫn những đoá hồng phấn, trắng, đỏ và một vài đoá có màu khói hương. Tất cả hoà lẫn vào nhau tạo nên một bức tranh quyến rũ đến mức mỗi lần tướn nước xong tôi cứ ngồi thừ ra ngắm nghía, quên cả chuyện vào nhà.

Trước đây tôi chẳng biết gì về hoa . Chỉ năm ngoái, khi theo một đứa bạn về nhà nó chơi, tôi mới bị chinh phục bởi thú vui thanh nhã này . Ba nó là một nghệ nhân chơi hoa nổi tiếng không chỉ trong thị trấn. Ông từng giành được khá nhiều giải thưởng trong các cuộc thi tài ở các hội hoa xuân. Trên tường nhà ông treo đầy bằng khen và lủng lẳng vô số huy chương. Nhưng chính vườn hoa bao quanh nhà ông mới khiến tôi trố mắt sững sờ. Những chậu thược dược trổ hoa, bốn chục bông, những chậu hồng ra đủ các màu hoa, những gốc bồ đề và vạn tuế lượn lờ, uốn éo thành đủ thứ hình thù kỳ dị, tất cả khiến tôi có cảm giác như vừa đặt chân vào thế giới huyền bí của các loại kỳ hoa dị thảo .

Kể từ ngày đó, tôi tập tành chơi hoa . Lúc đầu không có tiền, tôi chỉ dám trồng dăm bụi đồng tiền, vài hàng thược dược. Dần dà tôi trồng thêm những loại hoa khác. Để thỏa mãn ham thích ngày một tăng của mình, tôi bắt đầu rình rập đánh cắp tiền của mẹ tôi .

Mẹ tôi mở quán giải khát ngay trước nhà. Tiền bạc thu vào đều bỏ trong ngăn kéo đằng sau quầy, cuốn ngày mẹ tôi mới lôi ra đếm lại sau khi xếp từng tờ phẳng phiu, cẩn thận. Ngăn kéo không khóa, do đó tôi tha hồ giở trò đạo tặc. Thường, tôi không đủ thời giờ lẫn can đảm để quan sát và chọn lựa . Kéo ngăn kéo một cái “rột”, tôi thò tay quơ vội một nắm giấy bạc rồi giấu tay vào trong áo, tôi ba chân bốn cẳng lẩn ngay vào nhà cầu và sau khi chốt cửa lại cẩn thận, tôi mới thong thả giở ra đếm.

Đi đêm lắm có ngày gặp ma, có lần tôi vừa thó một mớ tiền chưa kịp giấu vào dưới vạt áo thì bị ba tôi bắt gặp. Kết quả là tôi bị một trận đòn quắn đít, đau thấu trời xanh. Nếu lần đó mẹ tôi không khóc lóc năn nỉ khiến ba tôi ngừng tay, chắc hai mông tôi dẹp lép như quả chuối ép.

Nhưng trong cái xui bao giờ cũng kèm theo cái hên. Sau trận đòn đó, nghe tôi khai tôi đánh cắp tiền chỉ để mua hoa, mẹ tôi bỗng thương tình nên từ đó về sau mẹ thường giấu ba giấm giúi tiền cho tôi . Có lè mẹ tôi nghĩ thà để tôi bận bịu với thú trồng hoa còn hơn là để tôi suốt ngày đàn đúm với bạn bè thọc biđa, kết băng kết đảng rủ nhau đánh lộn hoặc tiêu phí thì giờ vào những trò lăng nhăng khác. Ba tôi trước sau vẫn chẳng ưa gì cái trò hoa cỏ vô tích sự của tôi . Chỉ đến Tết năm rồi, khi tôi bán được mấy mươi chậu thược dược và cả trăm nhành lay- ơn lấy tiền mua sách vở và sắm cho nhỏ Châu, em gái tôi, một cái cặp xách thì ba tôi mới bớt thờ ơ với khoảnh vườn của tôi . Thỉnh thoảng, vào những buổi chiều rảnh rỗi không phải nấu đồng nấu sắt – ba tôi làm nghề mua bán phế liệu – ông bắc ghế ra ngồi ngoài vườn, gật gù thưởng thức “công trình” của tôi . Nhưng đó là những lúc ba tôi vui vẻ, thư thái . Còn những khi trong lòng bực bội hay có chuyện lo nghĩ, ông lại nhớ ra chuyện học hành lẹt đẹt của tôi, thế là ông lại đâm cáu:

– Cái thằng đầu bò này, hoc. hành không lo, suốt ngày cứ hoa với lá! Có ngày tao đốt sạch hết cái đám cây cỏ của mày cho coi!

Đầu óc tôi vốn không được thông minh lắm, học hành năm nào cũng dở dở ương ương, nên mỗi khi điên tiết tôi chuyện gì, ba tôi thường gọi tôi là “thằng đầu bò”. Tôi ức lắm, nhưng nghe riết rồi cũng thấy quen tai .

Đang mơ màng nghĩ chuyện đâu đâu, tôi bỗng giật bắn mình bởi một tiếng gọi sát bên tai:

– Ê! Tôi ngoảnh lại, thấy nhỏ Thảo đứng sát hàng rào dòm sang. Một tay cầm chổi, một tay cầm trái ổi chìa ra phía trước, nó cười tươi:

– Cho anh nè!

Tôi vốn háu ăn, thấy ổi là chảy nước miếng, liền mở cửa rào chạy sang.

– Ổi đâu vậy?

Tôi hỏi cho có chuyện chứ thực ra tôi biết tỏng nhỏ Thảo hái ổi trong vườn. Cuối vườn nhà nó có năm, sáu cây ổi, cây nào cây nấy trĩu trái, tối tối tôi vẫn hay chui rào qua hái trộm.

Cầm trái ổi to tổ bố trên tay, tôi xúc động quá chừng, bèn nghĩ cách tạ ơn nó:

– Em đợi anh chút!

Nói xong, tôi chạy về nhà ngắt một nhánh hoa hồng rồi hí hửng cầm sang:

– Tặng em đấy!

Nhỏ Thảo đón lấy món quà của tôi bằng cặp mắt long lanh. Nó trầm trồ:

– Ôi, đẹp quá!

Tôi rộng rãi:

– Em cứ cắm chơi đi! Khi nào nó tàn, anh sẽ cho em nhánh hoa khác!

Nhỏ Thảo rất thích hoa hồng. Hồi tôi mới chơi hoa, nó thường chạy sang tò mò ngắm nghía . Thỉnh thoảng nó còn phụ tôi bón phân, tỉa lá. Trước đây, tôi không bao giờ thèm chơi với nó. Nó nhỏ hơn tôi hai tuổi, tôi coi nó là đồ nhóc tì chưa biết mặc quần. Hơn nữa, ba tôi không muốn tôi chơi thân với ai, cả bạn trai lẫn bạn gái . Ông cứ sợ tôi chơi với bạn sẽ đâm ra hư đốn, bỏ bê học tập. Mỗi lần thấy tôi đi học về trễ, ông không cần biết vì lý do gì, cứ trợn mắt hăm he: “Mày cặp kè đi chơi lông bông với mấy thằng ôn đó, có ngày tao lột quần đuổi mày ra khỏi nhà”. Ba tôi đã nói là làm. Năm ngoái, ông đã xé quần tôi rách teng beng một lần, về cái tội tôi mải đánh biđa với lũ bạn bỏ cả cơm trưa .

Nhưng nhỏ Thảo thuộc diện ngoại lệ . Nó cùng tuổi với nhỏ Châu em gái tôi nên ba tôi không liệt nó vào hạng bạn bè mà tôi có thể đàn đúm rồi đi đến chỗ hư hỏng cuộc đời . Vả lại, nó ở sát nách nhà tôi . Đối với hàng xóm láng giềng, chích sách “cấm vận” của ba tôi có phần nới lỏng hơn. Vì vậy, nhỏ Thảo tha hồ chạy qua chạy lại và tha hồ bị tôi sai vặt.

Hồi mới quen, nhỏ Thảo cứ tò tò đi theo tôi xin hoa hồng. Nhưng tôi cứ một mực từ chối . Hoa hồng tượng trưng cho tình yêu, nếu tặng, tôi sẽ tặng cho con nhỏ nào đó học cùng lớp chứ chẳng có lý gì lại tặng cho con nhãi hỉ mũi chưa sạch này . Tôi sai nó đã đời và chỉ trả công cho nó bằng những bông đồng tiền. Nó nhận hoa mà mặt cứ xịu xuống.

Mãi về sau này, tôi mới phá lệ tặng cho nó mấy bông hồng héo . Nhỏ Thảo tính tình hiền lành. Nhìn những đóa hồng sắp ngủm trên tay tôi, nó rơm rớm nước mắt nhưng không dám từ chối . Chỉ đến hôm nay, tưới nước một hồi đói bụng, thấy trái ổi to đùng trước mặt tôi cầm lòng không đậu, mới hào phóng tặng cho nó một đóa hồng tươi nguyên.

Tôi ngồi bệt xuống bậc đá định giơ trái ổi lên cạp thì bỗng nghe tiếng “suỵt” khẽ nơi cửa rào . Tôi ngó ra thấy mái tóc bù xù của thằng Cường đang lấp ló. Nó ngoắt tôi, khẽ giọng:

– Chuẩn!

Tôi ném trái ổi vô thùng tưới, chạy ra:

– Mày đi đâu sớm vậy?

– Tao đi bỏ bánh mì. Xong rồi, ghé mày chơi!

Tôi mở cửa rào:

– Vô đi!

Nó lấm lét ngó quanh:

– “Ông già hắc ám” của mày có nhà không?

“Ông già hắc ám” là biệt danh tụi bạn gán cho ba tôi . Lúc đầu nghe tụi nó gọi như vậy, tôi chửi tụi nó te tua . Nhưng chẳng đứa nào chịu sửa . Riết rồi tôi đâm chán, mặc tụi nó muốn gọi gì thì gọi . Vả lại, ba tôi cũng có vẻ thích hợp với biệt danh đó lắm lắm.

Nhìn cặp mắt láo liên của Cường, tôi phì cười:

– Tao không biết! Hình như ba tao còn ở trỏng!

– Vậy thì tao đứng đây!

Vừa nói, Cường vừa siết chặt ghiđdông xe . Làm như nó sợ buông tay ra, tôi sẽ đẩy nó vào buồng ba tôi hay sao đấy!

Không riêng Cường, đứa bạn nào ghé nhà tôi cũng thậm thà thậm thụt như vậy . Nhà tôi nằm ngay khúc ngoặt của một con đường nhỏ, kế một con hẻm. Mặt tiền trông ra đường, là quán nước của mẹ tôi . Khu vườn phía sau chạy dọc theo con hẻm. Bên kia hẻm là nhà nhỏ Thảo . Cửa vườn mở phía sau, chẳng liên quan gì đến cửa trước. Thỉnh thoảng bạn bè ghé thăm tôi, đạp vù một cái, chui tọt vào hẻm, quanh ra sau vườn, ba mẹ tôi ít khi trông thấy .

Nhưng tụi bạn chỉ đứng thập thò ngoài cửa rào ngoắt tôi ra . Chẳng đứa nào chịu đặt chân vào bên trong. Nói chung, bộ mặt lầm lì của ba tôi khiến tụi nó khiếp vía .

Cường khều tôi:

– Lát nữa mày rảnh không?

– Chi vậy?

– Đi tắm sông với tụi tao!

– Mấy đứa bên Huỳnh Thúc Kháng.

Huỳnh Thúc Kháng là trường mới của Cường. Năm ngoái tôi với nó cùng học chung lớp chín trường Trần Quốc Toản. Thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở xong, tôi thi vào trường Trần Cao Vân, còn nó thi vào trường Huỳnh Thúc Kháng. Trong các kỳ thi tuyển vào lớp mười, điểm chuẩn của trường Trần Cao Vân là 10, 5 còn điểm chuẩn của trường Huỳnh Thúc Kháng là 8. Do đó, học sinh trong thị trấn mặc nhiên xem trường Trần Cao Vân có giá hơn trường Huỳnh Thúc Kháng. Tụi học sinh Trần Cao Vân ra đường gặp tụi Huỳnh Thúc Kháng mặt cứ hếch lên trời . Vì vậy mà hai bên không ưa nhau, thỉnh thoảng lại xảy ra những trận đập lộn nảy lửa khiến cảnh sát phải xách dùi cui rượt chạy tóe khói .

Tuy nhiên, không phải tất cả học sinh hai trường đều xem nhau như kẻ tử thù. Có những cặp chơi thân với nhau từ hồi cấp hai, lên cấp ba dù tách trường vẫn quan hệ mật thiết với nhau . Như tôi với thằng Cường chẳng hạn. Nhưng dù thân với nó cách mấy, tôi vẫn lắc đầu trước lời rủ rê hấp dẫn của nó:

– Tao không đi được!

Cường khịt mũi:

– Sao vậy? Lấy chiếc Huy Chương Vàng chở tao lượn một vòng cho tụi Huỳnh Thúc Kháng lé mắt chứ?

Nghe Cường nhắc tới chiếc Huy Chương Vàng, tôi toét miệng cười . Nhưng rồi mặt tôi lại xịu ngay xuống:

– Bữa nay ba tao không cho tao ra khỏi nhà! Ngày mai tựu trường rồi, tao phải ở nhà chuẩn bị tập vở!

Cường nheo mắt:

– Lát nữa mày xuống nhà nội mày ăn sáng rồi len lén chuồn đi, ba mày làm sao biết được!

Cái thói “xuống nhà nội ăn sáng” của tôi, mấy đứa bạn thân đứa nào cũng biết. Tiền mẹ tôi cho tôi ăn sáng, thường thường tôi giếm kỹ, để giành mua hoa hoặc đi chơi với bạn bè. Sáng sáng, tôi kiếm cớ xuống chơi nhà nội, quẩn quanh chờ “ăn chực”. Nội tôi rất thương tôi . Hễ thấy tôi ló mặt vào, nội tôi bao giờ cũng hỏi: “Cháu ăn gì chưả”. Chỉ chờ có vậy, tôi hí hửng lắc đầu và sau đó thế nào tôi cũng có một tô cháo lòng hoặc một tô bún giò. Tụi bạn thường đem chuyện đó ra chọc tôi . Mỗi lần rủ tôi về nhà ăn giỗ, tụi nó thường ỡm ờ:

– Chiều mai nhớ ghé nhà tao “ăn sáng” nghen!

Nhưng sáng nay, Cường không có vẻ gì muốn trêu tôi . Nó chỉ muốn tôi lấy chiếc Huy Chương Vàng cáu cạnh của tôi chở nó xuống bờ sông.

Tôi vẫn lắc đầu nguầy nguậy:

– Không được đâu! Ba tao mà biết được, ổng sẽ treo tao lên xà nhà!

Thấy tôi đem ba tôi ra hù, Cường không dám nài nỉ nữa . Nó dòm dáo dác một hồi rồi nhún vai huýt sáo bỏ đi .

Chương 2:

T hị trấn của tôi có năm trường cấp hai . Trong năm trường, có ba trường làng nhàng, chẳng tạo một ấn tượng gì đáng kể. Chỉ có hai trường nổi tiếng là trường Nguyễn Bỉnh Khiêm và trường Trần Quốc Toản của tôi . Nhưng trong khi trường Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi tiếng là trường học sinh giỏi thì trường tôi lại nổi tiếng là trường … học sinh dở.

Do đó, khi lên cấp ba, hầu hết học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đều thi vô trường Trần Cao Vân. Còn học sinh trường tôi, trừ những đứa xuất sắc, đều chọn trường Huỳnh Thúc Kháng để “trao thân gởi phận”. Từ nhiều năm nay, sự lựa chọn chết tiệt này của các bậc đàn anh trường tôi đã được các lớp đàn em noi theo một cách hăm hở như thể việc cam tâm học dốt là một truyền thống thiêng liêng từng được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ nên không ai nỡ phá bỏ.

Trong cái tập thể Trần Quốc Toản yếu kém đó, tôi là đứa nếu không kém nhất thì cũng kém nhì. Trong hàng lô hàng lốc những môn học, tôi chỉ kha khá mỗi môn toán. Còn lại, tôi dở đều các môn. Riêng môn văn thì tôi mít đặc, chưa bao giờ biết đến điểm 4 là gì. Những bài làm của tôi chỉ toàn điểm 3 trở xuống. Mỗi lần xem đến bài tập làm văn của tôi, bao giờ ba tôi cũng phát cáu, chửi om sòm. Rồi không biết nghe ai mách nước, ông bắt tôi kiếm sách về đọc để “nâng cao trình độ”. Tôi hí hửng cầm tiền ra tiệm cho thuê sách gần nhà ôm về một chồng kiếm hiệp rồi vùi đầu trong phòng “luyện” mê mải . Nửa đêm thức dậy đi tiểu, dòm qua khe cửa thấy tôi nằm chong đèn đọc sách, ba tôi mừng lắm. Ông cứ tưởng tôi luyện văn, trong khi thực ra tôi đang luyện … võ. Cứ mỗi lần “luyện” xong một bộ, điểm tập làm văn của tôi lại hạ xuống một nấc. Tôi “luyện” xong bộ thứ ba thì bài tập của tôi cũng vừa kịp đạt tới … điểm 0.

Trước thành tích sáng: Di này của tôi, ba tôi không nén được đã hào phóng tặng tôi một cú sút thẳng cẳng vào mông đít khiến tôi đang ngồi chồm hổm trước hiên phải bắn thẳng lên không và lộn một vòng ngoạn mục trước khi đáp ngay: Dc xuống bụi xương rồng lở chởm gai trước cổng.

Khi giận dữ, mặt ba tôi tím lại và những đòn “quyền cước” của ông trở nên thâm hậu ác liệt không kém gì những chiêu thức của các tay cao thủ trong sách võ hiệp tôi đọc. Sau khi lãnh trọn một cú “thiết cước” vào “hạ bàn”, lục phủ ngũ tạng của tôi bị đảo lộn tùng phèo . Tôi phải nghỉ học ba ngày liền để dưỡng thương và để nghĩ ngợi xem có cách nào gạ đổi ba tôi cho một ai đó để lấy một ông ba khác hiền lành hơn và nhất là ốm yếu hơn không.

Nhưng dù sau đó tôi có đứt ruột giã từ tiệm cho thuê sách đầy quyến rũ kia không một lần ngoảnh lại, môn văn của tôi cũng chẳng vì vậy mà khá lên được chút xíu nào . Những điểm 2, điểm 3 đối với tôi thân thiết như bạn cố tri, hễ gặp nhau là tay bắt mặt mừng, đố có rời ra nổi .

Với một trình độ lôm côm, một hành trang kiến thức đầy vá víu như vậy, có cho vàng tôi cũng chẳng dám thi vào trường Trần Cao Vân. Thậm chí tôi cũng chẳng dám nghĩ đến cái chuyện “tày trời” đó. Học hành lẹt đẹt như tôi, chỉ cần thi đậu vào lớp mười trường Huỳnh Thúc Kháng, ba tôi đã bày tiệc mời cả nước đến ăn mừng rồi, sức đâu mà nghĩ đến chuyện “trèo cao”.

Vậy mà tôi đã “trèo cao”, đã “chơi sang”. Tôi nộp đơn xin thi vào trường “quý tộc” Trần Cao Vân trong khi cả khối đứa học giỏi hơn tôi không dám bén mảng đến cổng trường nổi tiếng đó. Quái lạ hơn nữa là tôi “trèo cao” mà không bị “té nặng”. Cái tin tôi đậu vào trường Trần Cao Vân khiến những ai quen biết tôi, kể cả những người mới gặp qua tôi một lần, đều sửng sốt. Dĩ nhiên, người sửng sốt nhất là … tôi. Kế đến là ba tôi và mẹ tôi, bởi hiểu con không ai bằng cha mẹ.

Sở dĩ ở cái thị trấn bé nhỏ của tôi lại xảy ra chuyện kỳ quái như vậy, đầu đuôi cũng tại chiếc Huy Chương Vàng mà ra .

Cách đây hai năm, hồi tôi mới lên lớp tám, một hôm ba tôi bỗng hứng chí tậu về một chiếc xe đạp láng coóng. Chiếc xe thể thao mới cáu, ráp toàn đồ ngoại, sờ tay vào nghe mát tới tận… phổi . Loại xe “de luxe” này, cả thị trấn tôi có chừng mười chiếc là cùng. Hàng ngày bọn học trò con nhà bình dân như tôi nhìn mấy đứa con nhà giàu cỡi trên những chiếc “de luxe” lượn vòng vèo ngoài phố mà muốn lác cả mắt, nước miếng chảy đầy mồm.

Vậy mà đùng một cái, không biết ba tôi khuân ở đâu về một cái thứ của quí như thế. Mẹ tôi, em tôi và tôi cả ba đứng dàn hàng ngang trước chiếc xe, miệng há hốc:

– Ôi, ở đâu ra thế này?

– Mua chứ đâu! Chẳng lẽ lại nhặt được ở ngoài đường? – Ba tôi hừ mũi .

– Mua một chiếc xe như thế này? – Mắt mẹ tôi trợn tròn – Ông không đùa đấy chứ?

– Sao lại đùa! Tôi mua chiếc xe này cho thằng Chuẩn đi học đấy!

Tới phiên tôi tròn mắn:

– Thật không ba?

Ba tôi nhăn mặt:

– Thêm mày nữa! Sao lại không thật!

Không kềm được, tôi lập tức nhảy cỡn lên hoa chân múa tay như một người nghèo mạt rệp bỗng dưng trúng độc đắc hai trăm năm mươi triệu, miệng nghêu ngao:

– Cho em xin một chiếc xe đạp,

Xe xinh xinh để em đi học…

Rồi tôi quay sang nhỏ Châu, giọng hào hứng:

– Chiều nay anh em mình tha hồ vi vút. Tao sẽ chở mày …

– Chiều nay mày chưa được cỡi xe này đâu! – Tôi chưa nói dứt câu, ba tôi đã cắt ngang khiến tôi cụt hứng.

Tôi nằn nì:

– Chiều nay hay sáng mai cũng vậy thôi chứ khác gì đâu ba!

Ba tôi thản nhiên:

– Sáng mai mày cũng chưa đi xe này được!

Tôi ngơ ngác:

– Vậy chừng nào con mới đi được?

– Chừng nào mày thi đậu vô lớp mười, tao sẽ giao xe cho mày!

Lúc này bom nguyên tử có nổ ngay giữa nhà chắc cũng không gây chấn động bằng lời phán của ba tôi . Mẹ tôi và nhỏ Châu đưa mắt nhìn nhau, mặt mày đầy vẻ kinh dị. Còn tôi thì nghe tai mình ù đi, miệng rên rỉ:

– Lớp mười! Trời đất ơi, còn những hai năm đằng đẵng nữa! Biết mình có sống tới lúc đó không!

Tôi gục đầu xuống bàn và nghe giọng ba tôi lạnh lùng vang lên bên tai:

– Nếu mày chết rồi thì thôi, nhưng nếu còn sống, tao sẽ đợi mày!

Nhưng dường như cho rằng làm khổ tôi như vậy vẫn chưa đủ, trước khi bỏ ra khỏi nhà, ba tôi còn “tái bút” thêm:

– Thi đậu vô lớp mười, nhưng phải là lớp mười trường Trần Cao Vân kia!

Ngữ tôi mà thi nổi vô trường Trần Cao Vân! Ba tôi ra điều kiện như vậy chẳng khác nào bảo tôi đi hái mặt trăng! Nỗi tuyệt vọng đánh gục tôi hoàn toàn. Tôi chán nản đập tay xuống bàn và rít qua kẽ răng:

– Thà chết sướng hơn!

Sau đó dĩ nhiên tôi không chết. Nhưng tôi sống khổ sống sở. Nhìn báu vật bày sờ sờ trước mắt mà không được đụng tới, điều đó khiến tôi đau đớn còn hơn là lãnh vài chục cú “thiết cước” vào “hạ bàn”. Mẹ Mục Kiền Liên bị đày trong hỏa ngục, thấy cơm mà phải nhịn đói, chắn cũng ấm ức, tủi hổ như tôi là cùng.

Sau lần đó, ba tôi khóa xe dựng vào góc nhà, không cho ai sờ tới . Ngay cả ông, ông cũng không bao giờ lấy ra đi . Lâu lâu, ông lại lôi ra kỳ cọ, chùi rửa sạch boong. Xong, lại cất vào . Có lẽ ông cố giữ nó cho thật mới để chờ ngày trao giải cho tôi . Bạn bè tôi biết chuyện, gọi nó là chiếc Huy Chương Vàng. Thừa lúc ba tôi vắng nhà, tụi nó rủ nhau kéo tới “tham quan”. Sau khi ngắm nghía đã đời, mỗi đứa quẹt tay vào chiếc Huy Chương Vàng một cái, rồi ra về.

Giữa năm lớp tám, tôi bắt đầu chơi hoa, nỗi đau khổ về chiếc Huy Chương Vàng nguôi ngoai được phần nào . Nhưng cứ mỗi lần bước sang qua góc nhà, tim tôi lại nhói lên một cái, bước sang mười lần nhói đủ mười cái .

Thật ra, thích chiếc Huy Chương Vàng thì tôi quả có thích mê tơi thật, thậm chí có nhiều đêm tôi nằm mơ thấy mình cỡi nó lượn vi vu qua các ngả phố trước ánh mắt thèm thuồng và ghen tị của bao nhiêu là đứa, nhưng trong thâm tâm không bao giờ tôi tơ tưởng đến việc trở thành chủ nhân của nó.

Hồi ba tôi mới đem chiếc xe về “nhử” tôi, tôi học hành có chăm lên được một chút. Nhưng ì ạch hoài mà chẳng ăn thua gì, sức tôi kém vẫn hoàn kém, đặc biệt là cái môn Văn khốn nạn, tôi nản quá chẳng thèm cố công nữa .

Nhưng tôi nản một thì ba tôi nản mười . Thấy tôi có vẻ sung sướng với chuyện học dốt hơn là nỗ lực giật lấy món giải thưởng cao quí treo ngay trước mũi kia, ông điên tiết gầm gừ suốt ngày . Nhưng ngoài việc mắng chửi và thỉnh thoảng tung vài cú sút vào “hạ bàn” của đứa con bất hiếu, cứng đầu cứng cổ cho hả giận, ông chỉ biết ngồi nhìn trời thở dài thườn thượt.

Những lúc ấy, nấp sau kẹt cửa, tôi vừa xoa mông vừa nhìn trộm ba tôi qua khe hở, cố đoán xem ông đang nghĩ ngợi gì. Phải chăng ông đang hồi tưởng lại hồi nhỏ ông có học hành lẹt đẹt không mà sao lại sinh ra một kẻ kế thừa mít đặc là tôi?

Cho đến khi lên lớp chín, trung thành với lý tưởng của các bậc đàn anh trường tôi, tôi xác định mục tiêu của mình là thi vô trường Huỳnh Thúc Kháng nếu may mắn vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp cuối năm. Chiếc Huy Chương Vàng đời tôi không có duyên được hưởng, thôi để cho ba tôi dành trao giải cho cháu nội sau này!

Định mệnh tưởng đã an bài, nào ngờ tôi vừa đậu kỳ thi tốt nghiệp xong, đám bạn mắc dịch của tôi lập tức xúm lại bàn ra tán vào ỏm tỏi . Đứa nào đứa nấy ngoác mồm to bằng cái chậu xúi tôi thi vô trường Trần Cao Vân. Thằng Cường sốt sắng đem bộ đề thi có sẵn đáp án của sở giáo dục tới tận nhà “năn nỉ” tôi học. Thằng Phú ghẻ thì tình nguyện bỏ ra một tuần năm buổi ôn luyện cho tôi . Phú ghẻ học giỏi nhất nhì trong lớp, năm nay cũng thi vào trường Trần Cao Vân. Được nó kèm cặp, tôi lên tinh thần được chút chút.

Nói chung, tụi bạn tỏ ra hăng hái lo lắng cho tôi tợn. Đôi lúc tôi có cảm tưởng nếu bản thân tụi nó thi rớt thì không sao, nhưng nếu chẳng may tôi thi rớt, tụi nó sẽ rủ nhau đi tự tử hết ráo .

Dĩ nhiên tôi ngu gì mà không biết sở dĩ tụi nó ân cần tử tể với chuyện học hành thi cử của tôi chẳng qua tụi nó mong cho tôi thi đậu vào trường Trần Cao Vân để “chớp” chiếc Huy Chương Vàng ra chở tụi nó chạy lòng vòng dợt le với đám con gái õng ẹo trong thị trấn. Nhưng dù sao thấy tụi nó quan tâm đến tương lai của tôi quá xá, tôi cũng xúc động rơm rớm nước mắt.

Thế là, hết đường thoát, tôi đành phải bấm bụng nộp đơn thi vào trường Trần Cao Vân. Những ngày sau đó, thằng Cường một bên và Phú ghẻ một bên, hai đứa kèm tôi sát rạt.

Trong đám bạn của tôi, Phú ghẻ là đứa được ba tôi đối xử tương đối tử tế nhất. Ông biết nó là học sinh giỏi. Tôi chơi với nó, ông không sợ tôi “gần mực thì đen” như chơi với những đứa lôm côm khác. Thực ra Phú ghẻ là thằng hoang đàng chi địa. Nó nghịch ngợm phá phách cũng giỏi không thua gì khi nó học. Nhưng ba tôi còn khuya mới biết điều đó. Thấy ngày nào nó cũng dẫn xác đến kèm tôi học, chắc ông khoái ngầm trong bụng nên tôi chẳng thấy ông hò hét như mọi ngày. Thằng Cường được dịp ăn theo, tò tò đi sau đuôi Phú ghẻ, lần nào cũng trót lọt. Nếu ba tôi biết nó không dám thi vô trường Trần Cao Vân, sợ rớt, chỉ đút đơn thi Huỳnh Thúc Kháng, vậy mà còn bày đặt tới nhà “phụ đạo” cho tôi, chắc ông đã vác gậy rượt nó chạy từ đời tám hoánh.

Nhưng mặc dù được hai thằng bạn “kè” thật lực, tôi vẫn chẳng thấy đầu óc sáng sủa lên được chút xíu nào. Tôi chỉ nắm vững mỗi môn toán còn văn nghị luận thì mặc Phú ghẻ gào rát cả cổ, tôi vẫn cứ ù ù cạc cạc. Phú ghẻ cáu lắm. Nó nhăn nhó:

– Cái đầu mày nó sao sao ấy!

– Ừ, nó giống cái đầu mày!

Tôi phát khùng vặc lại. Cái thằng Phú ghẻ ngứa này, nó tưởng nó giảng hoài tôi không hiểu chỉ có nó phát cáu, còn tôi học hoài không vô, lại thêm phải chứng kiến cái cảnh nó ngồi gãi ghẻ sồn sột, tôi không biết nổi đóa chắc!

Phú ghẻ chẳng thèm cãi nhau với tôi. Nó ngán ngẩm đẩy bộ đề thi in sẵn đến trước mặt tôi:

– Hay là mày học thuộc lòng cuốn này quách?

Tôi trợn mắt:

– Học nguyên cả cuốn?

– Đành phải ráng chứ sao! – Phú ghẻ nhún vai – Văn nghị luận mày học cả hai năm trời còn không hiểu, tao chỉ cho mày chưa đầy một tháng thì ăn nhằm gì!

Tôi đang phân vân trước lời đề nghị kém khí thế của Phú ghẻ thì thằng Cường ngồi bên cạnh bỗng hùa vô:

– Ý kiến của Phú ghẻ hay đấy! Tao nhất trí!

Cái thằng vô duyên này, chuyện của tôi chứ đâu phải chuyện của nó mà nó bày đặt “nhất trí”! Cường không biết tôi đang chửi thầm nó. Mặt nhơn nhơn, nó quay sang vỗ vai tôi:

– Mày đừng lo! Tao sẽ học chung với mày!

Ai chứ thằng Cường bảo đừng lo, tôi càng lo hơn! Nó cùng một giuộc với tôi, học hành năm nào cũng lăm le thi lại, có cho vàng tôi cũng chẳng dám nghe theo lời khuyên của nó. Nhưng sau một hồi suy đi ngẫm lại, tôi buồn bã nhận ra chẳng còn con đường nào khác ngoài cách gò lưng tụng cho hết ba mươi đề thi văn lẫn những bài đáp án dài dằng dặc kia. Hồ sơ thi vào trường Trần Cao Vân tôi đã nộp rồi, muốn rút lại cũng không còn kịp nữa. Ba tôi lại đứng án ngữ phía sau, võ công của ông dạo này lại toàn chiêu sát thủ, tôi mà thoái bộ một cái là lãnh ngay “thiết cước” vào lưng. Phú ghẻ thương tôi thì có thương thật nhưng mới kèm tôi ba buổi nó đã chạy dài. Đã đến nước này, tao chỉ còn mỗi cách khăn gói theo mày “học tủ” quách, Cường ơi!

Tôi với Cường “học tủ”, nhưng “tủ” của tôi không giống “tủ” của nó đầy nhóc, toàn bộ ba mươi đề thi lẫn bài giải đều nhét vào hết ráo. Còn tôi tụng đến gãy lưỡi gần cả tháng trời chỉ thuộc được mười bảy bài rưỡị Phú ghẻ tới kiểm tra, biết sức tôi chỉ tới đó, bèn ân cần động viên:

– Vậy là giỏi rồi! Biết đâu đề thi năm nay chẳng nằm trong mười bảy cái đề đó!

Phú ghẻ nói càn mà sém tí nữa trúng phóc. Bữa thi môn văn đề bài ra na ná một trong mười bảy cái đề tôi đã học. Thế là nhắm mắt nhắm mũi, tôi tuôn một mạch, ngòi viết chạy ro ro nghe bắt sướng lỗ tai. Nhoáng một cái, tôi đã đem bài lên nộp trước ánh mắt kinh dị và thán phục của cả phòng thi. Mấy đứa học sinh giỏi, mồm cứ há hốc ra, chẳng tài nào ngậm lại được.

Khi bước chân ra khỏi phòng thi, tôi cứ tiếc hùi hụi phải chi tôi sinh vào thế kỷ trước thì phen này chắc chắn dã “bỏ túi” cái Trạng nguyên, biết đâu lại được công chúa kén làm phò mã nữa không chừng!

Tôi làm phò mã tưởng tượng được chừng mười lăm phút thì những thí sinh trong phòng lục tục bước ra. Sau khi hỏi han, nghe tụi nó bảo đề thi vừa rồi không thể làm giống y chang đáp án mà phải sửa lại một vài chỗ, suýt chút nữa tôi đã xỉu ngay trong sân trường. Phải gắng gượng lắm tôi mới trấn tĩnh được và không buồn ở lại đợi Phú ghẻ như đã hẹn, tôi phóng một mạch về nhà.

Ba tôi hỏi:

– Làm bài được không con?

– Trúng phóc ba à!

Mẹ tôi hỏi:

– Làm bài được không con?

– Ngon lành mẹ à!

Nhỏ Châu hỏi:

– Làm bài được không anh?

Tôi hạ giọng:

– Trớt quớt rồi mày ơi!

Một kế hoạch “lánh nạn” hiện ra chớp nhoáng trong đầu, tôi xin phép ba mẹ về nghỉ hè ở nhà ngoại dưới quê để đầu óc được thư giãn sau những ngày ôn thi căng thẳng. Chỉ những học trò chăm chỉ cần cù mới nêu ra được lý do chính đáng như vậy, ba tôi nghe bùi tai, bèn gật đầu ngay không cần suy nghĩ. Từ khi sinh ra tôi đến giờ, có lẽ đây là lần đầu tiên ông mới hưởng được hạnh phúc của một người cha có con “căng thẳng” vì học tập. Mẹ tôi hỏi:

– Chừng nào con đi?

– Dạ, ngay bây giờ.

– Ngay bây giờ? Làm gì gấp vậy? – Mẹ tôi chưng hửng.

Tôi chép miệng:

– Dạ không hiểu sao con thấy nhớ ngoại quá!

Mẹ tôi có vẻ nghi ngờ trước tình cảm tràn trề đột xuất của tôi nhưng bà không nói gì, chỉ móc trong túi ra một xấp tiền dúi vào tay tôi:

– Xuống dưới nhớ đừng leo trèo nghịch ngợm coi chừng té gãy cổ nghen con!

– Dạ.

Tôi nhét tiền vô túi rồi vội vã đi tìm nhỏ Châu:

– Mày ở nhà nhớ trông nom vườn hoa cẩn thận nghen!

– Dạ.

– Khi nào có kết quả thi vô lớp mười, mày đi coi giùm tao. Nếu thấy tao đậu, mày phải bay xuống ngoại báo tin cho tao liền!

Nhỏ Châu rụt rè:

– Nhỡ anh rớt thì sao?

– Thì thôi, mày cứ ở nhà! – Tôi thở dài – Quá một tuần lễ, không thấy mày xuống, tao sẽ biết là tao đi đời! Lúc đó, tao sẽ ở luôn dưới ngoại, không về nhà nữa!

– Sao vậy? – Nhỏ Châu ngẩn ngơ – Đằng nào anh cũng phải về nhà chứ?

Tôi lắc đầu:

– Nếu rớt, tao sẽ không về. Tao mà dẫn xác về, ba sẽ sút tao bay tới tận mặt trăng!

– Nhưng ở dưới ngoại làm sao anh đi học? – Nhỏ Châu bắt đầu lo âu.

– Tao không đi học nữa! Tao sẽ đi chăn bò. Nhà ngoại có mấy con bò, mày không nhớ sao?

Viễn ảnh tôi vẽ lên bi đát đến mức giọng tôi bỗng trở nên bùi ngùi. Còn nhỏ Châu thì rơm rớm nước mắt. Nó sụt sịt:

– Không được, anh phải về nhà với em! Em sẽ năn nỉ ba cho!

Tôi nhún vai, hừ giọng:

– Khỏi! Nam tử đại trượng phu không cần nhờ ai năn nỉ giùm! Bốn bể là nhà, sống nơi đâu mà chẳng được, màykhỏi phải lo cho đại huynh của mày!

Nói xong một câu “thuổng” trong truyện kiếm hiệp, tôi “phất tay áo” ra đi. Nhỏ Châu không hiểu tôi vừa lảm nhảm những gì nhưng khi nãy nghe tôi doạ sẽ bỏ học đi chăn bò, nó hãi quá, cứ giương đôi mắt mờ lệ trông theo.

Tôi rảo bước ra bến xe mà bụng cứ thấp thỏm sợ tụi bạn bắt gặp. Thi xong, chắc chắn thằng Cường và Phú ghẻ phóc ngay đến nhà tôi. Biết tôi vừa mới đi, thế nào tụi nó cũng đuổi theo. Lúc này tôi sợ gặp hai thằng cốt đột đó còn hơn là sợ gặp cọp. Sỡ dĩ tôi phải khăn gói trốn chui chốn nhủi như thế này cũng chỉ vì không muốn bị tụi nó cật vấn, hạch hỏi lôi thôi về bài thi văn ban sáng.

Tôi vừa đi vừa ngoảnh cổ dòm dáo dác như thằng ăn trộm vừa thó tiền ở nhà băng. Chỉ đến khi ngồi thu lu trên chiếc xe đò sắp chạy mà vẫn chưa thấy bóng dáng hai thằng mắc dịch đó đâu, tôi mới biết là mình thoát nạn.

Những ngày kế tiếp theo đối với tôi là những ngày rất đỗi nặng nề. Thấy tôi lâu lắm mới về chơi, ngoại chiều chuộng tôi hết biết, nhưng lòng đang nóng như lửa đốt, tôi chẳng thấy khoan khoái tí ti ông cụ nào. Từ nhà ra vườn rồi từ vườn vào nhà, mỗi ngày tôi đi vào đi ra cả chục lược đếm lá vàng rơi.

Đến ngày thứ sáu, tôi bắt đầu ngóc cổ ngóng lên đường lộ, chờ phép màu xuất hiện mặc dù trong thâm tâm, tôi không tin môn toán của tôi có thể cứu được môn văn trời đánh thánh đâm kia. Quả như tôi lo lắng, ngày hôm sau rồi ngày hôm sau nữa, bóng dáng của nhỏ Châu vẫn biệt mù ở tận đâu đâu, mặc cho tôi chờ dài cả cổ.

Đến trưa ngày thứ mười thì niềm hy vọng mong manh trong lòng tôi đã thực sự tắt ngấm. Nhưng đúng vào lúc tôi chán đời leo lên giường quấn chăn trùm kín người và bắt đầu nghĩ đến sự nghiệp chăn bò sắp tới thì đột nhiên có tiếng ồn ào ngoài ngõ. Tôi chưa kịp nhỏm người dậy thì thằng Cường và Phú ghẻ đã ập vào nhà như một cơn lốc.

Vừa thấy mặt tôi, Cường đã oang oang:

– Mày đậu rồi Chuẩn ơi! Đậu đúng 10, 5 điểm!

– Xạo đi mày! – Tôi bán tín bán nghi – Nếu tao đậu thì ba ngày trước nhỏ Châu đã xuống báo cho tao biết rồi!

– Bữa nay trường Trần Cao Vân mới niêm yết danh sách thí sinh trúng tuyển, trễ ba ngày so với thông báo, thằng ngốc ạ! Lúc nãy tụi tao ghé nhà mày, thấy nhỏ Châu định đi tìm mày để khuyên mày thôi nghề chăn bò, tụi tao mới bảo nó ở nhà để tụi tao đi cho. Chỗ bạn bè dù sao cũng dễ khuyên hơn!

Thằng Cường nói câu đó với vẻ mặt trịnh trọng khiến Phú ghẻ ôm bụng cười bò. Tôi ngồi chết trân, dở cười dở mếu, trong bụng rủa thầm cái thói mách lẻo của nhỏ Châu tơi bời hoa lá. Nhưng tôi vẫn chưa hoàn toàn tin lời thằng Cường láu cá. Tôi sợ nó xí gạt, bèn đưa mắt nhìn Phú ghẻ. Như hiểu ý tôi, Phú ghẻ gật đầu:

– Nó nói thật đó. Cả ba đứa mình đều đậu hết. Toán mày được 5 điểm. Văn 5 điểm rưỡi. Lát nữa về gặp “ông già hắc ám” của mày lãnh chiếc Huy Chương Vàng đi thôi!

Đến lúc đó tôi mới tin là tôi dã đậu vô trường Trần Cao Vân. Quả là chuyện không mơ thấy nổi. Điểm văn cao hơn điểm toán lại càng quái đản. Quái đản đến mức tôi cứ lẩm bẩm như người ngủ mê:

– Kiểu này thì chó biết mặc quần hết ráo!

Sau đó dĩ nhiên là những ngày huy hoàng tột bậc. Ba mẹ tôi đón tôi trở về như đón một người hùng trở về từ mặt trận. Nhỏ Châu tìm lại được người anh tưởng đã ra đi không hẹn ngày trở lại nên suốt ngày cứ quấn quít bên tôi. Rồi ba tôi vét sạch tiền trong đáy rương của mẹ tôi mở tiệc linh đình chiêu đãi bà con lối xóm, làm như không phải tôi đậu vô lớp mười mà là đậu tiến sĩ vậy. Tôi ngẫm lại, thấy học dốt quả nhiên cũng có cái lợi. Đang dốt kinh niên, bỗng một hôm gặp hên ít dốt đi một chút, lập tức hóa thành sự kiện trọng đại, ai ai cũng nức nở ngợi khen.

Nhưng tất cả điều đó cũng không khiến tôi sung sướng bằng lúc ba tôi cầm chiếc chìa khóa sáng: De đặt vào tay tôi và cất giọng ngọt ngào hiếm có:

– Kể từ giờ phút này, chiếc xe này là của con!

Tôi không biết lúc Aladin vớ được cây đèn thần, hắn ta mừng rỡ cỡ nào chứ riêng tôi lúc đó, tôi tin rằng trong suốt cuộc đời dài lê thê của mình, tôi khó thể bắt gặp nỗi hân hoan nào lớn lao hơn thế.

Chương 3:

T ừ khi “giải phóng” được chiếc huy Chương Vàng ra khỏi bàn tay hắc ám của ba tôi, tôi bắt đầu chiến dịch “đền ơn đáp nghĩa”. Bạn bè tôi, mỗi đứa được cỡi chiếc Huy Chương Vàng ba mươi phút lấy le. Dĩ nhiên, Phú ghẻ, và Cường được ưu tiên, kế đến là những đứa khác.

Tôi không muốn làm cho ba mẹ tôi đau khổ nên hẹn tụi bạn xuống bờ sông. Trước khi đưa xe cho tụi nó “thử”, tôi nhắc chằm chặp:

– Nhớ chạy đúng nửa tiếng nghe chưa! Lố một phút là không có lần thứ hai đâu đấy!

Chưa yên tâm, lúc Phú ghẻ phóc lên yên tôi bắt thằng Cường lấy xe đạp của nó chở tôi chạy theo. Ngồi sau lưng Cường chốc chốc tôi lại thò đầu ra nhắc cầm chừng:

– Mày đạp nhè nhẹ thôi! Đạp mạnh, gãy pêđdan tao bây giờ!

Phú ghẻ là thằng bạn ác ôn. Mặc cho tôi xót ruột, nó cứ phóng thục mạng như bị ma đuổi. Lại còn mở miệng chế giễu:

– Gãy sao được mà gãy! Đúng là nhà nghèo xót của!

Nhưng Phú ghẻ dù sao cũng còn đỡ. Thằng Cường mới làm tôi đứng tim. Nó cỡi chiếc Huy Chương Vàng như cao bồi Texas cỡi ngựa, cái mông sụm yên xe. Đã vậy, hễ gặp tụi con gái đi ngang là nó buông hai tay làm xiếc khiến tôi phải la oai oái:

– Thằng ngu! Té gãy cổ bây giờ!

Đang biểu diễn bị mất trớn, Cường ngoái đầu lại, sửng cồ:

– Cái thằng đầu bò này, mày có im miệng đi không!

Khi ngoảnh cổ lại, Cường vẫn chẳng thèm cầm lấy ghiđdông. Thấy chiếc xe không người lái cứ lao vun vút, tôi hãi quá không dám ngoác mồm chửi nó nữa, mặc dù nó bắt chước ba tôi mắng tôi là “thằng đầu bò” khiến tôi muốn sôi gan.

Sau thằng Cường, tới những đứa khác, toàn lũ bạn trời đánh. Hễ “chớp” được chiếc Huy Chương Vàng, đứa nào đứa nấy đều cong lưng phóng bất kể sống chết. Suốt buổi hôm đó, tim tôi giật thon thót, phần sợ tụi nó húc phải cột đèn, phần sợ đứa nào đó cao hứng lượn ngang trước hẻm nhà tôi. Ba mẹ tôi mà biết được tôi đem món đồ gia bảo này đưa cho mấy “thằng bạn ăn hại” phá phách, không những tôi sẽ bị ăn đòn quắn đít mà lần sau tôi đừng hòng đem chiếc Huy Chương Vàng ra “chiêu đãi” bạn bè nữa. May mà rốt cuộc mọi chuyện đều suôn sẻ. Lũ bạn tôi mặt mày hể hả. Tôi cũng mừng rơn vì sau những màn biểu diễn rùng rợn của đám bạn quái quỷ, chiếc Huy Chường Vàng của tôi vẫn chưa biến thành đống sắt vụn.

Sau buổi “khai trương” trọng thể đó, cứ cách ba, bốn ngày, mấy đứa bạn thân lại mò đến nhà tôi đứng lấp ló ngoài cổng rào, ngoắt tôi ra.

– Gì vậy?

– Đi chơi đi!

– Đi đâu?

– Đi đâu cũng được! Mày lấy chiếc Huy Chương Vàng chở tao đi!

Biết bị “dụ” nhưng bao giờ tôi cũng thấy khoai khoái:

– Mày xuống nhà nội tao trước đi! Lát nữa tao ghé đó “ăn sáng” rồi tụi mình đi!

Nói chung, chưa bao giờ tôi từ chối bạn bè, nhất là với hai thằng mắc dịch Cường và Phú ghẻ. Tôi luôn luôn biết ơn tụi nó. Chính nhờ sự sốt sắng của tụi nó, tôi mới có ngày nay. Khi đậu vào trường Trần Cao Vân, tôi đã hưởng biết bao nhiêu vinh quang và sung sướng, lẽ đâu không chia sẽ cho tụi nó chút niềm vui cỏn con là cỡi “ké” chiếc Huy Chương Vàng.

Sáng nay tôi từ chối lời rủ rê của Cường, đó là lần đầu tiên. Thực ra, tôi cũng muốn lấy chiếc Huy Chương Vàng chở nó xuống bờ sông “dợt le” với tụi Huỳnh Thúc Kháng chơi nhưng cuối cùng tôi đã dẹp bỏ ý định đó. Tôi nói với Cường là ba tôi không cho tôi ra khỏi nhà ngày hôm nay. Ba tôi quả có bảo như vậy thật nhưng đó không phải là lý do khiến tôi không thể đi chơi. Lát nữa đây, ba tôi sẽ đi thăm chú Sáu ở tít ngoài thành phố, chiều tối mới về. Tôi sẽ tha hồ đi rong, nếu tôi muốn.

Nhưng khổ thay, dù rất muốn tôi cũng chẳng thể bước chân ra khỏi nhà. Dù với Cường hay với bất cứ ai. Con người ta không thể bước chân ra khỏi nhà mà không mặc quần, nhất là khi người ta đã mười sáu tuổi. Nỗi khổ tâm vô hạn này tôi chỉ biết chôn chặt trong lòng, không dám hé môi than thở với ai, kể cả Cường và Phú ghẻ. Tụi nó mà biết được “sự cố” này tôi đừng hòng yên thân. Tụi nó sẽ trêu tôi đến bỏ học mất.

Nói ra thì không ai tin, chứ vô lớp mười rồi mà tôi chẳng có lấy một cái quần ra hồn để “diện” với thiên hạ. Năm ngoái, mẹ tôi may cho tôi ba cái quần, giữa năm học, hai cái đã biến thành giẻ lau nhà sau hai cơn giận dữ của ba tôi. Còn một cái duy nhất, tôi ráng kéo lê đến cuối năm. Nhưng bây giờ, cái quần “còn sống sót” đó chẳng vừa với tôi nữa. Nó đã trở nên chật chội so với cơ thể ngày càng phát triển của tôi.

Hồi đậu vô lớp mười trường Trần Cao Vân, tôi chắc mẩm để tưởng thưởng cho thành tích vô tiền khoáng hậu này của tôi, ba mẹ tôi sẽ dẫn tôi đi may thêm vài cái quần mới. Nào ngờ mẹ tôi vừa đưa ra ý kiến thông minh đó, ba tôi đã gạt phắt:

– Dẹp! Tưởng gì chứ ba cái quần thì dẹp! Đi học chứ đâu phải đi thi hoa hậu mà se sua!

– Nhưng con mình hết quần mặc rồi!

– Hết quần thì lấy mấy cái quần của bà sửa lại cho nó mặc!

Tôi ngóc mỏ ngồi bên cạnh, nghe ba tôi phán một câu, miệng liền méo xệch. Niềm ao ước sắm sửa đồ mới của tôi phen này thế là đi tong! Trước nay, ba tôi vẫn thường để ý đặc biệt đến cách ăn mặc của tôi. Không hiểu nghe lỏm được ở đâu, ông cứ đinh ninh chuyện quần áo luôn luôn liên quan chặt chẽ đến tính khí con người. Hễ ăn mặc giản dị, thanh bần mới là người chăm học. Còn ai quần áo đẹp đẽ đều bị ông liệt vào hạng đàn đúm, ăn chơi. “Mốt miếc, ” ông càng ghét tợn. Năm ngoái, thanh niên toàn thì trấn đều mặc quần ống chật, cỡ 16 – 18 li, ông bắt tôi may quần 28 li, đi quét đất hệt như bà nội tôi. Ngày đi may đồ mới, cả thế giới ai cũng hồi hộp vui mừng, chỉ riêng tôi là khóc nức nở.

Đã vậy, hôm tôi đi lấy quần về, ông còn lấy ra đo lại, miệng đe:

– Ống quần của mày mà chật đi một li là tao xé ngay tại chỗ! Cho mày mặc quần xà lỏn vô lớp luôn!

Tính khí ba tôi như vậy nên khi ông bác thẳng thừng đề nghị bác ái của mẹ tôi, tôi cay đắng hiểu rằng số phận của tôi đã được định đoạt. Kiếp này tôi chỉ được mặc loại quần áo may bằng “vải tái sinh”!

Nỗi đau khổ của tôi không chỉ có thế. Nếu được thừa kế những món đồ phế phẩm của ba tôi, dù sao tôi cũng còn dễ chịụ Đằng này phải mặc những chiếc quần sửa lại từ những chiếc quần ống rộng thùng thình của mẹ tôi thì quả thật mất mặt nam nhi.

Đã vậy, quần đàn bà con gái đáy dài thườn thượt, không cách gì rút ngắn lại được. Lưng mẹ tôi lại nhỏ hơn lưng tôi, muốn mặc vừa tôi phải nới lưng quần rạ Khổ nỗi, màu vải bên trong và màu vải bên ngoài đậm lợt khác nhau, do đó khi nới ra, sau mông tôi xuất hiện một cái hình tam giác to tổ bố, hệt như mũi tên chỉ dẫn: “nơi đây là đầu ra”! Chỉ nghĩ đến mỗi chuyện đó thôi, tôi đã muốn chui ngay xuống đất.

Khi soi gương để mặc quần áo, thiên hạ đều đứng đàng hoàng tử tế. Chỉ có tôi là đứng quay lưng lại tấm kiến gắn trên cửa tủ và ngoảnh đến sái cả cổ để nhìn ngắm và nguyền rủa không ngớt lời cái “mũi tên” khốn khiếp kia.

Suốt mấy ngày liền, tôi đã đem cái “hình tam giác” không mời mà đến đó ra sau vườn phơi nắng phơi gió, thậm chí tôi vùi nó vào trong đất trong cát hàng buổi nhưng nó vẫn nhất quyết không chịu điệp màu với phần còn lại của cái quần “gia truyền” khủng khiếp.

Cuối cùng, không nén được, tôi đánh liều lên tiếng trong bữa cơm:

– Con không mặc quần của mẹ đâu!

Ba tôi trừng mắc:

– Vải tốt vậy mà mày chê hả? Hay là mày không thích mặc đồ cũ sửa lại?

– Không phải vậỵ Nhưng con thích mặc quần của ba hơn. Quần của mẹ nó chật chội sao ấy!

– Tao chỉ có hai cái quần để thay ra thay vô, sửa lại cho mày, tao lấy gì tao mặc?

Tôi cười cầu tài: – Thì ba may quần mới cho le lói với người ta!

– Tiền đâu mà may hở con? – Ba tôi chép miệng – Lúc trước có bao nhiêu tiền dành dụm, tao đã dốc ra mua chiếc xe cho mày rồi. Mới đây, mừng mày thi đậu, tao lại vét sạch tiền của mẹ mày để tiệc tùng chiêu đãi bà con, bằng hữu xa gần. Bây giờ nghe lời mẹ mày mua sắm quần áo thì nhà mình chỉ có nước nhịn ăn thôi, con ạ!

Mỗi lần ba tôi quát tháo hay giở “quyền cước” ra với tôi, tôi vừa sợ nhưng lại vừa tức. Những lúc đó, nếu có thêm một chút xíu dũng khí, tôi sẵn sàng ngoác mồm cãi lại. Nhưng khi ông hạ giọng tâm sự – thường là hiếm hoi – tôi lại hết ham nói tới nói lui. Như lúc này chẳng hạn, nghe ông than thở về “gia cảnh” một hồi, ý chí đấu tranh vì quyền lợi ăn mặc của tôi bỗng nhiên tắt ngấm.

Tôi biết gia đình tôi dạo này đang gặp khó khăn. Công việc làm ăn của ba tôi dường như đang trì trệ. Ngày nào mặt ông cũng đỏ bừng nhưng không phải do ngồi hàng giờ bên lò nấu như trước đây mà vì lúc này rảnh rỗi, ông ưa chén thù chén tạc. Quán nước của mẹ tôi cũng chẳng khấm khá gì. Quán gần như nằm trong hẻm nên khách khứa chẳng bao nhiêu, chỉ quanh đi quẩn lại mấy mgười quen trong xóm.

Càng nghĩ ngợi, tôi càng buồn phiền. Ăn cơm xong, tôi bỏ ra vườn hoa ngồi một mình gặm nhấm nỗi buồn của con nhà nghèo khó. Tôi quên bẵng “nỗi đau hình tam giác”. Tôi biết tôi chẳng thể đòi hỏi ba mẹ tôi hơn nữa. Để thoát khỏi cảnh ngộ này, tôi phải cố học cho thật giỏi. Học giỏi mới đỗ đạt thành tài, mới làm ra tiền mua sắm quần áo, còn dư thì giúp cha mẹ. Dư nữa thì cho nhỏ Châu một ít. Vẽ vời trong đầu thì huy hoàng như vậy, nhưng khi nghĩ đến chuyện phải học giỏi, tự nhiên tôi đâm mất khí thế, chỉ muốn thối lui.

Nhưng trong khi chờ đến ngày đó, nếu quả thật có cái ngày đẹp đẽ đó, tôi vẫn phải đi học với chiếc quần khủng khiếp của mẹ tôi.

Buổi sáng tựu trường, sau khi dậy sớm và đứng nhăn nhó hàng giờ trước gương, tôi phóc lên xe đạp ra khỏi nhà với một tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Vui vì năm nay tôi được vào lớp mười trường Trần Cao Vân, lại được tung tăng khoe mẽ trên chiếc Huy Chương Vàng sáng: De, buồn vì sau lưng tôi vẫn đeo đẳng cái hình tam giác chết tiệt kia.

May làm sao khi tôi vào trường, tụi bạn mải xúm xít lại ngắm nghía vuốt ve chiếc Huy Chương Vàng nên chẳng đứa nào kịp để ý đến cách phục sức không giống ai của tôi. Mãi đến khi xếp hàng chào cờ, thằng Minh sún, một đứa năm ngoái học cùng lớp với tôi, mới phát hiện ra hai ống quần lòa xòa của tôi. Nó la bài hãi giữa sân trường:

– Trời đất! Bộ mày tính lăng- xê mốt mới hả Chuẩn?

Nghe cái miệng nó oang oang, tôi hoảng hốt nhảy ngay vào hàng, lần tuốt xuống đứng dưới đuôi, không để nó kịp phát hiện thêm bất cứ điều gì nữa.

Nhưng tránh được Minh súng, tôi vẫn chưa hết lo. Lớp tôi học năm nay là lớp 10A1, mỗi lần xếp hàng chào cờ phải đứng trên cùng. Nối đuôi phía sau là tụi 10A2, 10A3, 10A4. Tôi thuộc loại lớn con nhất lớp, phải đứng tít đằng sau đuôi. Và trong cái vị trí bất lợi đó, ngay từ buổi chào cờ đầu tiên của năm học, tôi đã phải loay hoay khổ sở cố nghĩ ra cách nào để khỏi phải “triển lãm” cái “tam giác vàng” của mình trước mặt bọn con gái lớp 10A2 đứng sát đằng sau.

Tính tới tính lui một hồi, tôi làm bộ lơ đãng chắp tay ra sau lưng, ngầm che cái chỗ chết tiệt đó lại.

Quả như tôi dự đoán, tụi con gái phía sau chẳng hay biết gì hết. Tôi dỏng tai nghe ngóng, thấp thỏm chờ một tiếng khúc khích nhưng chẳng thấy động tĩnh gì.

Tưởng mọi sự trót lọt, nào ngờ khi bài quốc ca vừa dứt, bọn học trò đang rục rịch chuẩn bị vào lớp, thầy giám thị đột nhiên bước lại chỗ lớp tôi.

– Em kia! Ra đây!

Thầy thình lình chỉ ngay tôi khiến tôi tái ngắt mặt, trái tim suýt chút nữa văng ra khỏi lòng ngực.

Biến cố đột ngột này khiến những tiếng ồn ào vừa dấy lên chung quanh liền tắt ngấm. Sân trường gần một ngàn học sinh bỗng nhiên im lặng như tờ. Tất cả mọi cặp mắt đều đổ dồn vào chỗ tôi đứng khiến hai chân tôi tự nhiên cứng đơ, không nhúc nhích nổi.

– Em bước ra đây! – Thầy giám thị lại nhắc, lần này giọng thầy đã tỏ ra bực bội.

Người xanh lè xanh lét, tôi rụt rè bước ra khỏi hàng, lòng hoang mang không hiểu mình phạm tội gì. Đám bạn cùng lớp nín thở nhìn theo. Không khí nặng nề hệt như trước mặt tôi không phải là thầy giám thị mà là một cái giá treo cổ vậy.

Đợt tôi đến gần, thầy giám thị hắng giọng hỏi:

– Năm ngoái em học trường nào?

Tôi lí nhí:

– Dạ, trường Trần Quốc Toản ạ! – Em đã chào cờ bao giờ chưa?

– Dạ rồi ạ! – Tôi đáp, giọng âu lo.

– Vậy khi chào cờ ta phải đứng ở tư thế nào?

Đến đây tôi bắt đầu hiểu ra nguồn gốc của tai họạ Tôi lấm lét nhìn thầy, miệng ấp úng:

– Dạ, đứng thế nghiêm ạ.

Giọng thầy vụt trở nên nghiêm khắc:

– Thế sao lúc nãy em lại đứng chắp tay sau lưng?

Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến nay, thú thật chưa bao giờ tôi gặp phải một tình huống oái oăm như thế này. Trước câu hỏi hóc búa đó, nếu chỉ đối diện với một mình thầy, họa may tôi còn can đảm mở miệng phân bua. Đằng này, bị vây bọc giữa hàng trăm cặp mắt thô lố, có cho vàng tôi cũng chẳng dám thố lộ tâm sự cay đắng của mình. Đầu cúi gằm, hai tay nóng như hơ lửa, tôi cứ đứng trơ như phỗng giữa sân trường.

– Sao, em trả lời đi chứ! – Thầy giám thị lại giục.

Lòng rối như tơ vò, tôi chưa biết làm sao để thoát khỏi tình huống trớ trêu này thì Minh sún đứng trong hàng đã vọt miệng trả lời thay:

– Thưa thầy, bạn ấy chắp tay sau lưng là để che cái tam giác đấy ạ!

Nghe cái giọng ồ ề của thằng Minh súng bộp chộp kia cất lên, tôi đã thầm kêu khổ trong lòng. Tôi không biết nó muốn cứu tôi hay cố tình hại tôi. Chỉ biết lời tố cáo của nó lập tức lôi kéo sự chú ý của tụi bạn vào cái vị trí tệ hại nhất trên người tôi. Lúc này hai tay tôi đã buông thõng, chẳng che chắn gì được. Mọi sự cứ thế hiện ra lồ lộ trước mắt bàn dân thiên hạ kéo theo những tràng cười rúc rích như chuột.

– Cái tam giác gì thế? – Thầy giám thị ngạc nhiên.

Facebook Google Plus Twitter
Cùng chuyên mục
Trời ơi, hụt !
Con Công Và Con Quạ
Hái táo
Hỏi đường
Buổi Chiều Windows