Việt Nam, cũng như nhiều dân tộc trên thế giới lấy gạo làm lương thực chủ yếu. Sau khi xay xát được hạt gạo trắng dùng để nấu cơm, còn cám gạo dùng để chăn nuôi. Ngoài việc sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, cám gạo còn có giá trị như một vị thuốc, có tác dụng chữa bệnh.
Theo phân tích khoa học, trong cám gạo chứa rất nhiều các vitamin như B1, B6, PP và axít folic… Cám gạo được dùng làm thuốc chữa thiếu vitamin B, đặc biệt là B1 và bổ sung axít folic cho khẩu phần ăn của phụ nữ có thai, giúp cho sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi.
Lượng chất béo trong cám gạo rất cao (15-22%), thường dùng chiết xuất dầu cám; chất đạm trên 12%, chất sắt trên 14%. Do đó cám có thể cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe con người.
Không nên chỉ ăn gạo trắng muốt do xát quá kỹ, đã loại bỏ hết lớp cám và vỏ lụa của hạt gạo sẽ rất ít vitamin B1. Khi cơ thể xuất hiện dấu hiệu thiếu B1 có thể dùng cám gạo hằng ngày với liều lượng từ 50-100g. Ngoài ra người ta còn dùng cám gạo mới xay rang nóng để chườm, đánh gió điều trị cảm. Người có triệu chứng đau mỏi bắp chân, tê các đầu chi, gót chân, cổ chân và khớp gối, viêm liệt dây thần kinh, tê phù dùng cám gạo cũng rất tốt.
Cần lưu ý, cám gạo không được bảo quản cẩn thận, để lâu ngày cám sẽ hút ẩm rất nhanh làm lượng nước trong cám tăng lên khoảng 14%, cám rất dễ bị vón cục, ôxy hóa, có mùi hôi, khét, biến chất do tác động của vi khuẩn, khi đó không nên dùng.