I. THAM KHẢO MỘT SỐ ĐỀ BÀI SAU
Đề 1: Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học.
Đề 2: Người ấy (bạn, thầy, người thân,…) sống mãi trong lòng tôi.
Đề 3: Tôi thấy mình đã khôn lớn.
II. HƯỚNG DẪN CHUNG
1. Nhớ lại đặc điểm của văn tự sự và cách viết một bài văn loại này:
– Về phương thức tự sự: nhờ tự sự, người kể (bằng miệng hay viết) làm cho người nghe (hay đọc) nắm được nội dung câu chuyện như : truyện kể về ai, ở thời nào, sự việc chính là gì, diễn biến của sự việc ra sao, kết thúc thế nào, chuyện đem lại ý nghĩa gì (?),…
– Phương thức tự sự là phương thức trình bày một chuỗi các sự việc theo một trình tự nhất định, có trước có sau, có mở đầu, tiếp diễn và kết thúc.
– Dàn bài của bài văn tự sự thường gồm ba phần : mở bài, thân bài và kết bài. Bố cục ba phần này quan hệ chặt chẽ với nhau trong việc triển khai chủ đề. Phần mở bài giới thiệu chung về nhân vật, sự việc. Phần thân bài kể diễn biến của sự việc. Phần kết bài kể kết cục của sự việc. Có khi, chủ đề được hé mở trong câu then chốt phần mở bài, kết luận ; cũng có khi chủ đề được bộc lộ qua các sự việc, hành động, chi tiết. Không có một khuôn mẫu cố định nào cho việc thể hiện chủ đề của bài văn tự sự.
2. Kết hợp giữa tự sự, miêu tả và biểu cảm:
Để những sự việc, nhân vật trong câu chuyện trong bài văn hiện ra cụ thể, sinh động; nhằm bày tỏ được tình cảm của người viết đối với đối tượng cũng như tình cảm của các nhân vật trong câu chuyện, người viết cần kết hợp giữa tự sự với miêu tả và biểu cảm. Tuy nhiên, miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự chỉ là những yếu tố phụ trợ, không phải là mục đích của văn bản.
Chủ đề mà ba đề văn trên nêu ra đều rất cần phải có sự kết hợp giữa tự sự với miêu tả và biểu cảm. Chú ý thao tác miêu tả người, diễn tả những cảm xúc của mình.