I. TỪ TƯỢNG THANH VÀ TỪ TƯỢNG HÌNH
1. Thế nào là từ tượng thanh?
Gợi ý: Từ tượng thanh là mô phỏng âm thanh của tự nhiên, của con người.
2. Thế nào là từ tượng hình?
Gợi ý: Từ tượng hình là từ gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật.
3. Kể ra những loài vật có tên gọi là từ tượng thanh.
Gợi ý: Loài vật nào có tên gọi mô phỏng âm thanh tiếng kêu của nó? Chẳng hạn: bò, tắc kè, mèo, (chim) cuốc, (chim) chích choè,…
4. Đọc đoạn trích sau và cho biết những từ tượng hình nào đã được sử dụng. Phân tích giá trị của các từ tượng hình trong đoạn trích.
Đám mây lốm đốm, xám như đuôi con sóc nối nhau bay quấn sát ngọn cây, lê thê đi mãi, bây giờ cứ loáng thoáng nhạt dần, thỉnh thoảng đứt quãng, đã lồ lộ đằng xa một bức vách trắng toát.
(Tô Hoài)
Gợi ý: Các từ lốm đốm, lê thê, loáng thoáng, lồ lộ là những từ tượng hình. Hình ảnh đám mây đã được gợi tả như thế nào qua các từ tượng hình này?
II. CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ TỪ VỰNG
1. Phân biệt giữa so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, hoán dụ.
Gợi ý:
– So sánh: đối chiếu giữa sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng;
– Nhân hoá: gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật,… bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật,… trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người;
– Ẩn dụ: gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó;
– Hoán dụ: gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó.
2. Phân biệt giữa các biện pháp nói quá, nói giảm nói tránh.
Gợi ý:
– Nói quá: phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm;
– Nói giảm nói tránh: dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.
3. Điệp ngữ là gì?
Gợi ý: Điệp ngữ: lặp lại từ ngữ (hoặc cả một câu) để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh.
4. Chơi chữ là gì?
Gợi ý: Chơi chữ: lợi dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của từ ngữ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước,… làm câu văn hấp dẫn và thú vị.
5. Bằng những kiến thức về các biện pháp tu từ từ vựng đã được học, hãy phân tích nghệ thuật biểu đạt đặc sắc trong những câu thơ sau trong Truyện Kiều:
a) Thà rằng liều một thân con,
Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây.
b) Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
c) Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,
Hoa ghen đua thắm, liều hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai.
d) Gác kinh viện sách đôi nơi,
Trong gang tấc lại gấp mười quan san.
e) Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài gần với chữ tai một vần.
Gợi ý:
– hoa, cánh, lá, cây trong đoạn thơ (a) chỉ ai, để nói lên điều gì? Đây là những hình ảnh được xây dựng theo phép ẩn dụ.
– Tiếng đàn của Thuý Kiều được đối chiếu với những gì? Việc đối chiếu như vậy có tác dụng gợi tả tiếng đàn ra sao? Đây là phép so sánh.
– Tài sắc của Thuý Kiều đã được tô đậm bằng biện pháp tu từ gì? Những hình ảnh nào được sử dụng để gây ấn tượng về tài sắc vẹn toàn của Kiều? Đây là biện pháp nói quá.
– Khoảng cách thực giữa gác kinh – gác Quan Âm nơi Kiều bị Hoạn Thư bắt ra chép kinh – và viện sách – phòng đọc sách của Thúc Sinh là rất gần nhau (trong gang tấc – cùng trong khu vườn nhà Hoạn Thư). Để cực tả sự cách trở giữa Kiều và Thúc Sinh trong tình cảnh này, tác giả đã sử dụng biện pháp gì? Hình ảnh “gấp mười quan san” thể hiện điều gì? Đây là biện pháp nói quá.
– Nói “Chữ tài gần với chữ tai một vần”, tác giả đã lợi dụng hiện tượng gì của từ? Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong trường hợp này? Cách nói này có độc đáo không? Vì sao?
6. Thực hiện yêu cầu như bài tập trên với những câu thơ dưới đây:
a) Còn trời còn nước còn non
Còn cô bán rượu anh còn say sưa.
(Ca dao)
b) Gươm mài đá, đá núi phải mòn,
Voi uống nước, nước sông phải cạn.
(Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo)
c) Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
(Hồ Chí Minh, Cảnh khuya)
d) Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
(Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song khích khán thi gia.)
(Hồ Chí Minh, Ngắm trăng)
e) Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng.
(Nguyễn Khoa Điềm,
Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ)
g) Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như đông với tây một dải rừng liền.
(Phạm Tiến Duật,
Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây)
Gợi ý:
– Từ còn được lặp lại để biểu đạt điều gì? Từ say sưa được dùng theo biện pháp tu từ nào, nhằm thể hiện điều gì?
– Khí thế, sức mạnh của nghĩa quân Lam Sơn được Nguyễn Trãi tô đậm như thế nào? Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong trường hợp này?
– Âm thanh của tiếng suối được đối chiếu với âm thanh nào? Biện pháp so sánh ở đây có giá trị ra sao? Hình ảnh cảnh rừng đêm trăng, hình ảnh nhân vật trữ tình được khắc hoạ như thế nào? Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ gì?
– Hình ảnh trăng được miêu tả bằng biện pháp tu từ gì? Điều này có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện vẻ sinh động của thiên nhiên, sự gần gũi, gắn bó, thân thiết giữa người và trăng?
– Cách gọi tên “mặt trời của bắp” và “mặt trời của mẹ” là dựa trên sự gần gũi nào? Có thể nói ở đây có cả biện pháp ẩn dụ và hoán dụ được không? Vì sao?
– Phân tích nghệ thuật xây dựng hình ảnh thơ bằng biện pháp so sánh trong những câu thơ của Phạm Tiến Duật. Những hình ảnh đặt cạnh nhau gợi ra những liên tưởng gì?
7. Đọc hai đoạn trích sau và phân tích giá trị của các biện pháp tu từ từ vựng đã được sử dụng:
a) Khi tâm hồn ta đã rèn luyện thành một sợi dây đàn sẵn sàng rung động trước mọi vẻ đẹp của vũ trụ, trước mọi cái cao quý của cuộc đời, chúng ta là người một cách hoàn toàn hơn.
(Thạch Lam)
b) Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, an hùng lao động! Tre, an hùng chiến đấu!
(Thép Mới, Cây tre Việt Nam)
Gợi ý:
– Hình ảnh “sợi dây đàn” được diễn đạt theo biện pháp tu từ nào? Nó được ngầm ví với những phẩm chất gì của tâm hồn con người?
– Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nào để tôn vinh vẻ đẹp, sức mạnh, công dụng, sự gắn bó của cây tre trong đời sống người Việt Nam? Chú ý đến việc sử dụng rất thành công biện pháp nhân hoá và điệp ngữ.
8. Trong các cách nói sau, cách nói nào có sử dụng biện pháp nói quá: chưa ăn đã hết; một tấc đến trời; không một ai có mặt; một chữ bẻ làm đôi không biết; sợ vã mồ hôi; cười vỡ bụng; rụng rời chân tay; tức lộn ruột; tiếc đứt ruột; ngáy như sấm; nghĩ nát óc; đức từng khúc ruột.
Gợi ý: Những cách nói không sử dụng biện pháp nói quá: không một ai có mặt; sợ vã mồ hôi.
9. Trong hai dị bản của câu ca dao sau, em thích bản nào? Vì sao?
(1) Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
(2) Râu tôm nấu với ruột bù([1])
Chồng chan vợ húp gật gù khen ngon.
Gợi ý: So sánh ý nghĩa, sắc thái biểu cảm của gật đầu và gật gù. Để bộc lộ sự đồng tình, tâm đầu ý hợp qua thái độ trước món ăn giản dị, đạm bạc, từ gật đầu phù hợp hơn hay từ gật gù phù hợp hơn?
10. Đọc đoạn trích sau và cho biết tên gọi các sự vật, hiện tượng theo cách nào? Những đặc điểm riêng của sự vật, hiện tượng thể hiện trong tên gọi có tác dụng gì? Tìm thêm năm sự vật, hiện tượng có cách đặt tên tương tự.
Ở đây, người ta gọi tên đất, tên sông không phải bằng những danh từ mĩ lệ, mà cứ theo đặc điểm riêng của nó mà gọi thành tên. Chẳng hạn như gọi rạch Mái Giầm, vì hai bên bờ rạch mọc toàn những cây mái giầm cọng tròn xốp nhẹ, trên chỉ xoà ra độc một cái lá xanh hình chiếc bơi chèo nhỏ; gọi là kênh Bọ Mắt vì ở đó tụ tập không biết cơ man nào là bọ mắt, đen như hạt vừng, chúng cứ bay theo thuyền từng bầy như những đám mây nhỏ, ta bị nó đốt vào da thịt chỗ nào là chỗ đó ngứa ngáy nổi mẩn đỏ tấy lên; gọi kênh Ba Khía vì ở đó hai bên bờ tập trung toàn những con ba khía, chúng bám đặc sệt quanh các gốc cây (ba khía là một loại còng biển lai cua, càng sắc tím đỏ, làm mắm xé ra trọn tỏi ớt ăn rất ngon).
Gợi ý: Xem lại khái niệm hoán dụ và nhận xét về cách đặt tên cho các sự vật trong đoạn trích. Lấy những từ ngữ có sẵn, gắn với đặc điểm của sự vật để đặt tên là hiện tượng thường gặp. Cách đặt tên này có tác dụng gợi ngay ra đặc điểm của sự vật, hiện tượng khi nhắc đến tên của chúng. Có thể kể ra: cá kiếm, sông Hồng, mía tím,cá mực, chim lợn,…
11. Hiện tượng gì trong sử dụng từ ngữ được đề cập đến trong câu chuyện sau:
Một ông giám đốc bất chợt lên cơn đau ruột thừa. Bà vợ hốt hoảng bảo con:
– Mau đi gọi bác sĩ ngay!
Trong cơn đau quằn quại, ông ta vẫn gượng dậy nói với theo:
– Đừng… đừng gọi bác sĩ, gọi cho bố đốc tờ!
(Truyện cười dân gian)
Gợi ý: Từ bác sĩ và từ đốc tờ có đồng nghĩa với nhau không? Trong hai từ, từ nào thông dụng hơn? Có cần thiết phải thay thế bác sĩ bằng đốc tờ không?
12. Tại sao câu hỏi “Thưa thầy trước khi tìm ra khí ô xi, người ta thở bằng gì ạ?” lại gây cười?
Gợi ý: Nếu thay tìm bằng phát hiện hoặc phát minh thì nội dung của câu hỏi có thay đổi không, có làm mất đi tính gây cười không? Vì sao?
13. Người vợ trong câu chuyện dưới đây đã hiểu lầm từ ngữ nào?
Chồng vừa ngồi xem bóng đá vừa nói:
– Cái tay tiền đạo này chỉ có một chân sút, thành ra mấy lần bỏ lỡ cơ hội ghi bàn.
Vợ nghe thấy thế liền than thở:
– Rõ khổ! Có một chân thì còn chơi bóng làm gì cơ chứ!
Gợi ý: Cách nói “chỉ có một chân sút” có sai không? Chân sút có đồng nghĩa với chân (người) không?
14. Phân tích những đặc sắc trong việc dùng từ ở những đoạn thơ dưới đây:
a) Nao nao dòng nước uốn quanh,
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
Sè sè nắm đất bên đường,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
b) Áo đỏ em đi giữa phố đông
Cây xanh như cũng ánh theo hồng
Em đi lửa cháy trong bao mắt
Anh đứng thành tro, em biết không?
(Vũ Quần Phương, Áo đỏ)
Gợi ý:
– Chú ý vận dung những kiến thức về từ láy để phân tích giá trị tạo hình của các từ: nao nao, nho nhỏ, sè sè, dàu dàu; qua đó nêu những cảm nhận về bức tranh thiên nhiên được miêu tả.
– Các từ đỏ, xanh, hồng liên quan gì đến các từ lửa cháy, thành tro? Bằng kiến thức về trường từ vựng, hãy phân tích tác dụng gợi tả cảm xúc từ việc tạo ra những liên tưởng về trường từ vựng. Ngoài ra, sự sử dụng những từ ngữ trái nghĩa tạo ra hình ảnh tương phản như em đi – anh đứng có ý nghĩa như thế nào?
15. Nhận xét về hiện tượng chuyển nghĩa của từ trong đoạn thơ dưới đây:
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
(Chính Hữu, Đồng chí)
Gợi ý: Trong số các từ vai, miệng, chân tay, đầu được sử dụng trong đoạn thơ, từ nào được dùng với nghĩa gốc, từ nào được dùng với nghĩa chuyển? Phân tích phương thức chuyển nghĩa của từng trường hợp.
Chú ý các từ chuyển nghĩa: vai, đầu. Nói vai áo thì từ vai được dùng với nghĩa chuyển dựa theo mối quan hệ nào? Nói đầu súng thì đầu được chuyển nghĩa theo mối quan hệ nào?