NGUYỄN CÔNG TRỨ(1778-1858)
I.THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP
-Nguyễn Công Trứ sinh năm 1788, mất năm 1858, thọ 81 tuổi. Ông lấy biệt hiệu là Hy Văn. Ông quê ở làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
-Thân sinh là Nguyễn Công Tấn, giữ chức quan nhỏ dưới triều Lê. Khi Tây Sơn ra Bắc, ông chống lại Nguyễn Huệ lên ngôi ông không chịu ra làm quan mà trở về quê hương mở trường dạy học. Gia đình Nguyễn Công Trứ vì vậy cũng sa sút và nghèo đi.
-Nguyễn Công Trứ là người thích lối sống tự do, phóng khoáng. Ông cũng là người có tài, ham học, có chí và rất hăm hở trong việc lập danh. Ông đi thi rất nhiều lần, trượt vẫn không nản, 41 tuổi mới đậu giải nguyên, 42 tuổi mới ra làm quan (chức hành tẩu ở Sứ quán).
-Con đường làm quan của ông dưới triều Nguyễn có nhiều thăng trầm, có lúc làm tướng , làm tôíng đốc Hải An nhưng có lúc phải làm một anh lính ở biên cương. Trong thời gian 28 năm làm quan thì ông bị đến năm lần giáng chức và cách chức.
-Trong cuộc đời làm quan của Nguyễn Công Trứ có hai điểm đáng chú ý:
+Ông là người kiên quyết bảo vệ trật tự xã hội phong kiến vì thế ông có nhiều công trạng đối với nhà Nguyễn trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa (chủ yếu là của nông dân) chống lại triều đình.
+Ngược lại trong thời gian làm Dinh điền sứ ở Thái Bình và Ninh Bình ông đã chiêu mộ nông dân lưu vong ở các nơi đến để khai khẩn đất hoang ở hai tỉnh này và đã lập nên hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình).
Hai việc làm này mới nhìn vào có vẻ trái ngược nhau nhưng trong thâm tâm, trong nhận thức bao giờ Nguyễn công Trứ cũng đinh ninh rằng việc làm của ông là trên vì vua, dưới vì dân.
II.THƠ VĂN NGUYỄN CÔNG TRỨ
-Sáng tác của Nguyễn Công Trứ hầu hết bằng chữ Nôm và bị thất lạc nhiều. Hiện nay sưu tầm được khoảng 150 bài gồm thơ, ca trù, phú.
-Ngoài ra ông còn có một số tác phẩm thơ văn chữ Hán.
-Thơ văn ông bao hàm nội dung khá phức tạp, kết tinh trạng thái ý thức của một thế hệ nhà nho như Nguyễn Công Trứ. Nhưng tổng quát, thơ ông tập trung vào ba chủ đề chính:
+Chí nam nhi.
+Cái nghèo và thế thái, nhân tình.
+Triết lí hưởng lạc.
1.Chí nam nhi. (chí của kẻ làm trai, chí anh hùng).
*Tại sao chí nam nhi trở thành một chủ đề lớn trong thơ Nguyễn Công Trứ?
-Nguyễn Công Trứ xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ, mới một đời làm quan, hưởng ân huệ của triều Lê- Trịnh không bao nhiêu.
-Nguyễn Công Trứ lớn lên giữa lúc Tây Sơn sụp đổ, nhà Nguyễn lên thay, đang tích cực củng cố địa vị thống trị của mình, xã hội có vẻ ổn định.
-Không vướng mắc với tư tưởng trung thần bất sự nhị quân, những năm tuổi trẻ nhà thơ đã hăm hở bước đi dưới triều đại mới, lòng đầy hoài bão về sự nghiệp. Hoài bão ấy đã để lại một dấu ấn rất đậm trong thơ ông. Ðọc thơ ông người ta thấy có một khái niệm thường trở đi trở lại như một điệp khúc, đó là chí nam nhi”.
*Nội dung của chí nam nhi.
-Nguyễn Công Trứ quan niệm rằng kẻ làm trai sống ở đời nhất thiết phải làm những việc có ích cho đời, không thể “tiêu lưng ba vạn sáu.
-Nhiều lần trong thơ Nguyễn Công Trứ đã đặt vấn đề;
Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu.
(Chí nam nhi).
Ðã mang tiếng trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
(Ði thi tự vịnh)
Vũ trụ giai ngô phận sự
Chẳng công danh chi đứng giữa trần hoàn.
(Nợ tang bồng)
-Cái công danh trong thơ Nguyễn Công Trứ thực ra không phải là cái danh hão, không phải là một quan niệm hưởng thụ, là cái bã vinh hoa tầm thường. Xét trong toàn bộ cuộc đời và thơ văn của ông chúng ta thấy quan niệm công danh của nhà thơ trước hết có ý nghĩa là nhiệm vụ của kẻ làm trai. Kẻ làm trai sống ở trên đời nhất thiết phải chiếm lấy một địa vị để trên cơ sở đó làm những việc có ích cho đời. Nguyễn Công Trứ có đề cao cá nhân nhưng nội dung chủ yếu là đòi hỏi phải đóng góp cho xã hội. Nhà thơ coi nhiệm vụ đó như một món nợ lần phải trả.
-Tang bồng là cái nợ
Làm trai chi sợ áng công danh.
(Quân tử cố cùng I)
-Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái
Cái công danh là cái nợ lần
(Nợ nam nhi)
-Có một điều đáng quý là trong khi khẳng định nhiệm vụ của kẻ làm trai, Nguyễn Công Trứ đồng thời rất ý thức được tài năng của bản thân vì thế mà nhà thơ có một niềm tin lạc quan, một niềm tin mãnh liệt vào hoài bão của mình. Suốt thời kỳ tuổi trẻ, mặc dù sống trong cảnh nghèo, ông vẫn hăm hở đi học, đi thi mãi tới năm 41 tuổi mới đậu nhưng vẫn không nản.
-Mộng công danh đó, niềm tin mãnh liệt đó, lòng hăng say đó của Nguyễn Công Trứ sẽ có ý nghĩa tích cực, sẽ có lợi cho dân cho nước biết bao nếu như ông sống trong một triều đại phong kiến tích cực, tiến bộ. Nhưng đáng tiếc ông sống vào giai đoạn lịch sử mà giai cấp phong kiến thống trị đã đi vào phản động, đã đi ngược lại với quyền lợi của nhân dân. Vì thế mà lý tưởng nam nhi của ông không khỏi nhuốm màu hình thức chủ nghĩa. Nguyễn Công Trứ đã vận dụng lý tưởng tốt đẹp của nhà nho vào một hoàn cảnh xã hội không còn tiền đề tồn tại cho nó nữa.
-Trải qua thực tế dần dần nhà thơ cũng đã nhận thức ra tính chất xấu xa, tàn bạo của chế độ nhà Nguyễn và tinh thần lạc quan ban đầu ấy của nhà thơ cũng dần dần bị sụp đổ và thay vào đó là một thái độ cực đoan. Ðó là sự bất mãn đến chua chát đối với chế độ xã hội và một tinh thần bi quan có tính chất hư vô chủ nghĩa.
-Ôi nhân sinh là thế đấy
Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao
Cuộc đời đối với ông không còn nghĩa lí gì. Thậm chí có những lúc nhà thơ ao ước đừng bao giờ trở lại làm người mà chỉ làm cây thông đứng giữa trời mà reo
-Con người tích cực hoạt động ấy, con người say sưa với lí tưởng, công danh ấy cuối cùng đã phải rút lui khỏi quan trường, sống một cuộc đời ẩn dật, ngông nghênh. Cuộc đời nhà thơ vì vậy cũng đã có ý nghĩa tố cáo chế độ phản động nhà Nguyễn.
2.Tâm sự trong cảnh nghèo và thế thái, nhân tình.
-Buổi đầu nhà thơ say sưa với chí nam nhi, trải qua nhiều năm tháng làm quan cho nhà Nguyễn, va chạm với nhiều thực tế, dần dần Nguyễn Công Trứ nhận ra bản chất phản động của triều đaiû đương thời, ông đâm ra chán ghét nó. Cũng nhờ vậy mà Nguyễn Công Trứ đã có được những nhận thức khách quan về xã hội, về con người. Ðó cũng là nguyên nhân làm cho thơ của ông mang nhiều chất hiện thực.
-Ông tố cáo thói đen bạc trong xã hội phong kiến đã làm cho những người nghèo khổ không thể ngóc đầu dậy được.
-Gớm chết nhân tình thế thái
Lạt nồng coi chiếc túi vơi đầy
(Nhân tình thế thái)
-Thế thái nhân tình gớm chết thay!
Lạt nồng, trông chiếc túi vơi đầy
Hễ không điều lợi, khôn thành dại,
Ðã có đồng tiền dở cũng hay
(Vịnh nhân tình thế thái)
-Nhà thơ tố cáo sức tàn phá của đồng tiền đối với nhân cách, đạo đức con người:
Tiền tài hai chữ son khuyên ngược
Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi
(Thế thái bạc bẽo)
-Ông phê phán bọn quan lại bâït tài, bọn giá áo túi cơm nhưng lại tàn bạo hay hại người:
Tuổi tác càng già càng xốp xáp
Ruột gan không có, có gai chông.
Những câu thơ viết về thế thái, nhân tình đậm thấm cảm xúc sâu sắc của một con người từng trải cho nên mặc dù phần nào có trừu tượng, chung chung, thiếu những hình ảnh sinh động của cuộc sống nhưng chúng vẫn có sức lay động mạnh đối với người đọc.
-Thơ văn Nguyễn Công Trứ cũng đã ghi lại được tình cảnh nghèo khổ của bản thân ông đồng thời cũng là tình cảnh của các nho sĩ lớp dưới đương thời. Tình cảnh ấy được thể hiện tập trung trong bài phú Nôm Hàn nho phong vị phú (Bài phú về phong vị cảnh nghèo của một nhà nho chưa đậu đạt). Bài phú là một bức tranh sinh động về cái nghèo. Ngòi bút của nhà thơ có màu sắc trào lộng nhẹ nhàng. Tuy nhiên tác giả chưa thấy được nguyên nhân của sự nghèo khổ nên đi đến giải thích sai lệch. Ông cho khổ là bởi tại trời, tại số mạng. Vì vậy thái độ của nhà thơ vẫn là thái độ cam chịu, chờ đợi.
3.Triết lí hưởng lạc
-Ngay từ đầu, Nguyễn Công Trứ đã có chủ trương con người có quyền hưởng lạc. Ông xếp nó trở thành một mục trong chương trình sống lí tưởng của mình. Thời kì đầu ông cho rằng con người chỉ được hưởng lạc khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Con người chỉ có thể thảnh thơi với thơ phú, với bầu rượu khi nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo. Nhà thơ quan niệm hành lạc là một thứ đãi ngộ, là phần thưởng cho kẻ anh hùng, cho người hành động. Nội dung hành lạc thời kì đầu cũng rất thanh sạch; du lãm trong thiên nhiên với thơ, với rượu, với đàn.
-Về sau, ông lại nâng quan niệm hành lạc ấy lên thành một triết lí sống. Ông kêu gọi mọi người ăn chơi, hành lạc:
Nhân sình bất hành lạc
Thiên tuế diệc vi thương.
Nội dung của hành lạc trong giai đoạn này cũng không còn là cuộc sống tiêu dao trong thiên nhiên với rượu, với đàn, với thơ mà còn cả gái đẹp đi theo. Ðẩy hành lạc lên thành một triêt lí sống đó là một bước sa đọa về phương diện tư tưởng của Nguyễn Công Trứ. Thực chất đó cũng là cách nhà thơ phản ứng lại xã hội, phản ứng lại triều đình nhà Nguyễn nhưng phản ứng này lại mang tính chất cá nhân, tiêu cực.
III.NGHỆ THUẬT THƠ NGUYỄN CÔNG TRỨ
-Hoạt động thơ văn không phải là hoạt động chính, hoạt động chủ yếu của cuộc đời Nguyễn Công Trứ (hoạt động chính là quân sự, chính tri, kinh tế). Thơ văn cũng chỉ nhằm phục vụ cho sự nghiệp kinh bang tế thế của ông. Vì thế nhà thơ ít chú trọng gia công về nghệ thuật nên thơ ông có cái mộc mạc, nôm na.
-Ông rất kiên trì sáng tác chữ Nôm.
-Nhà thơ thành công nhất với thể ca trù (là loại bài hát phổ nhịp cho các cô đào hát trong các hành viện), ông nâng nó thành một thể thơ dân tộc độc đáo.
IV.TỔNG KẾT
-Ðiều giá trị nhất trong thơ văn Nguyễn Công Trứ là nhà thơ đã tuyên dương một lý tưởng sống tích cực .
-Con người Nguyễn Công Trứ là con người hành động, ý thức được tài năng, phẩm chất của mình.