Tác giả Hồ Biểu Chánh

17.09.2014
Huy Nguyễn

Tác giả Hồ Biểu Chánh

I.- CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC CỦA HỒ BIỂU CHÁNH:
1. Cuộc đời :

Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung, bút hiệu là Thứ Tiên, tự là Biểu Chánh.

Ông sinh ngày 01 tháng 10 năm 1885.

Quê quán : Gò Công; sinh trưởng trong một gia đình nghèo, đông con.

Lúc còn nhỏ ông đã theo học chữ nho, sau đó lại chuyển sang học chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Ông thi đỗ bằng thành chung năm 1905.

Từ năm 1906 đến năm 1941 ông đã làm việc liên tục cho Chính phủ Pháp, bắt đầu từ chức thông ngôn thăng dần đến chức Ðốc Phủ Sứ.

Cuối năm 1946, ông từ giã chính trường, thật sự sống cuộc đời hưu nhàn, giành trọn những năm tháng còn lại cho sự nghiệp văn chương.

Ông mất ngày 04 tháng 11 năm 1958 tại Phú Nhuận.
2. Sự nghiệp sáng tác :

Hồ Biểu Chánh là người rất say mê với sự nghiệp sáng tác văn chương. Từ năm 1922 trở đi ông viết rất liên tục, đều đặn.

Tác phẩm của ông gồm nhiều thể loại : truyện ngắn, thơ, tuồng cải lương, hát bội, văn tế, tác phẩm dịch… Nhưng những tác phẩm thuộc các thể loại kể trên không ai còn nhớ đến. Người ta chỉ còn nhớ đến Hồ Biểu Chánh với một thể loại duy nhất : Tiểu thuyết.

Ông sáng tác được 64,5 quyển tiểu thuyết nhưng chỉ có 18 quyển ra đời trong giai đoạn 1912 – 1932 được xem là có đóng góp cho việc hình thành nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Trong số đó phải kể đến các tác phẩm tiêu biểu sau: Ai làm được, Chúa tàu Kim quy, Cay đắng mùi đời, Nhân tình ấm lạnh, Thầy thông ngôn, Ngọn cỏ gió đùa, Chút phận linh đinh, Vì nghĩa vì tình, Con nhà nghèo, Con nhà giàu, Cha con nghĩa nặng, Khóc thầm, Tỉnh mộng.

II.- NỘI DUNG TIỂU THUYẾT HỒ BIỂU CHÁNH:
1. Khuynh hướng hiện thực trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh :

– Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh phản ánh nhiều mảng hiện thực khác nhau trong xã hội Nam bộ ở những năm đầu thế kỉ XX . Ðược đi nhiều nơi, có dịp tiếp xúc hạng người trong xã hội cho nên Hồ Biểu Chánh có một vốn sống phong phú. Ðây là một trong những yếu tố giúp tác giả thành công trong vấn đề phản ánh hiện thực xã hội. Hiện thực cuộc sống được đưa vào trong tác phẩm của ông thể hiện rõ tính chất chân thật, cụ thể và đa dạng. Ông không chỉ viết về thành thị mà còn đi sâu vào cuộc sống ở nông thôn. Ông không chỉ đề cập đến những người thuộc tầng lớp trên trong xã hội mà còn bao quát cả cuộc sống của những con người nghèo khổ trong xã hội.

+ Ở nông thôn :

* Hồ Biểu Chánh đã đề cập đến tầng lớp thống trị ở nông thôn : ông đã xây dựng hình ảnh những ông địa chủ độc ác, tham lam, tìm mọi cách để ức hiếp bóc lột dân lành, làm giàu trên xương máu người nghèo (Khóc thầm, Con nhà nghèo). Ðặc biệt, trong tác phẩm của ông không phải tất cả địa chủ đều gian ác, xấu xa, vẫn có những địa chủ tốt bụng, giàu lòng nhân ái, sẵn sàng cưu mang giúp đỡ người nghèo (Hội đồng Chánh trong “Khóc thầm”, Hương quản Tồn trong “Cha con nghĩa nặng”).

Bên cạnh địa chủ, ở nông thôn Nam bộ thời đó còn có một lực lượng không nhỏ bao gồm hương chức, hội tề, những kẻ có quyền thế ở nông thôn… chuyên cấu kết nhau để ức hiếp dân lành vô tội. Chúng là những kẻ tham lam, hách dịch, dùng tiền để che dấu mọi tội lỗi và cũng vì tiền mà tạo ra nhiều oan trái (Cai tổng Luông trong “Thầy thông ngôn”, Hương hào Hội, Chánh hương quản Sum trong “Cha con nghĩa nặng”).

* Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh còn đề cập đến tầng lớp dân nghèo ở nông thôn : Họ bị bóc lột về kinh tế, làm lụng vất vả quanh năm nhưng vẫn phải sống trong cảnh đói nghèo vì bị bọn địa chủ bóc lột nặng nề. Nhân vật Ba Cam trong tác phẩm “Con nhà nghèo” đã từng nói : “Làm ruộng ở xứ mình là làm mọi cho chủ điền chứ ham làm chi” (trang 7). Cũng vì đói nghèo có người phải liều thân ăn trộm nồi cám heo để cứu đói cho mẹ già và đàn cháu nhỏ, như trường hợp của Lê Văn Ðó trong “Ngọn cỏ gió đùa”, thế là phải nhận hình phạt 5 năm tù. Không chỉ bị bóc lột về kinh tế, phải sống trong nghèo đói, người dân còn bị áp bức, chèn ép ở mọi lĩnh vực. Họ là nạn nhân của dục vọng thấp hèn của bọn địa chủ và những kẻ có quyền thế (Con nhà nghèo, Chúa tàu Kim quy). Họ phải sống âm thầm, chịu đựng, không dám và không có quyền chống lại “định mệnh” cay nghiệt đó, nếu bất cứ một ai có tư tưởng phản ứng lại thì lập tức sẽ bị vùi dập đến tận cùng.

+ Ở thành thị :

Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đã khai thác hiện thực cuộc sống sôi động, bề bộn, với nhiều hạng người khác nhau ở thành thị. Ông nói đến những người thợ thuyền sống chui rúc trong các ngõ hẽm tăm tối, nghèo nàn. Ông đề cập đến giới thông ngôn ký lục, những kẻ nịnh bợ Tây, sợ sệt quan trên, thích bắt nạt dân lành, ăn chơi trác táng, ước vọng cao sang, trọng tiền tài danh lợi xem nhẹ nhân nghĩa (Thầy thông Phong trong “Thầy thông ngôn”). Giới thượng lưu trí thức xuất hiện trong tác phẩm của ông là những kẻ sống phong lưu, thiếu thực tế (Cười gượng, Thầy Chung trúng số). Ngoài ra, trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, cuộc sống của những cô gái điếm cũng được đề cập đến (Cô Cẩm Nhung trong “Thầy Chung trúng số”, Cô Hai Phục trong “Nợ đời”,…), đó là những cảnh sống tạm bợ, không có ngày mai.

– Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh phản ánh một số mặt tiêu cực trong cuộc sống và quan hệ gia đình của người dân Nam bộ.

Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh không chỉ bàn đến hiện thực xã hội mà còn khai thác những đề tài thuộc phạm vi đời sống gia đình. Xã hội Việt Nam vào những năm đầu thế kỉ XX đang chuyển mình một cách dữ dội để bước sang một thời kỳ mới. Thế nhưng ảnh hưởng của phong kiến vẫn còn rất nặng nề. Văn hoá phương Tây ồ ạt tràn vào, khiến cho con người cảm thấy bị choáng ngộp trước cái mới. Bám lấy cái cũ của phong kiến hay đi theo cái mới của phương Tây, đó là vấn đề bức thiết của thời đại. Là một trí thức tân học, Hồ Biểu Chánh có tư tưởng dung hoà cũ – mới. Theo ông cái cũ và cái mới đều có hay dở riêng, điều cần thiết là phải biết chọn lọc những mặt tích cực của nó để phát huy trong cuộc sống. Quan niệm đó đã chi phối thế giới quan của tác giả. Bức tranh hiện thực về những sinh hoạt quan hệ, trong các gia đình người dân Nam bộ lúc bấy giờ vừa giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều nói trên, vừa chứng minh cho tính chất đa dạng, cụ thể trong việc phản ánh hiện thực của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh.

Ngòi bút tinh tế của Hồ Biểu Chánh đã khai thác những vấn đề được xem là quan trọng, tạo sự quan tâm của nhiều người trong xã hội. Ông đã bàn đến những mặt tiêu cực trong hôn nhân gia đình như cưỡng bách trong hôn nhân (Ai làm được, Lời thề trước miểu), vụ lợi trong hôn nhân (Nhân tình ấm lạnh, Tỉnh mộng, Thầy thông ngôn), tự định đoạt trong hôn nhân (Cười gượng), môn đăng hộ đối (Sống thác với tình), đồng tôn giáo, tục nôm vợ, đa thê….. Ông đưa những hiện thực nói trên vào tác phẩm không ngoài mục đích phê phán lối sống cổ hủ, lạc hậu, khắt khe trong quan niệm phong kiến và với ông nếu chạy theo cái mới một cách quá tự do, thoải mái cũng không mang đến hạnh phúc cho con người.

Bên cạnh đó, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh còn đề cập đến hiện tượng tranh giành gia tài (Nhân tình ấm lạnh), mê tín dị đoan, cảnh cưỡng hiếp, ngoại tình (Chúa tàu Kim quy, Thầy thông ngôn, Cha con nghĩa nặng…). Ðặc biệt, án mạng thường xuất hiện trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh (Khóc thầm, Thầy thông ngôn, Cha con nghĩa nặng…).

– Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh phản ánh hiện thực trên lập trường đạo đức: Hồ Biểu Chánh đã tái hiện lại bộ mặt của xã hội Nam bộ vào những năm đầu thế kỉ XX. Ông đã phê phán những mặt trái của xã hội trên lập trường đạo đức. Ông hy vọng có thể dùng đạo đức để sửa chữa mọi hành vi xấu xa của con người, kể cả giai cấp phong kiến thống trị. Ông không đặt ra vấn đề phải đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến để giải thoát người nông dân khỏi cảnh sống bị bóc lột. Hiện thực cuộc sống trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh dù đa dạng, cụ thể nhưng chưa mang được tính điển hình. Ông chưa tập trung vào những vấn đề nóng bỏng nhất của thời đại – những biến động đổi thay nhanh chóng của con người, và xã hội trong cuộc sống trên con đường tư sản hóa. Chính vì vậy hiện thực trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh còn mang tính chất “nửa vời”.

2. Khuynh hướng đạo lý trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh :

Khuynh hướng đạo đức đã chi phối mạnh mẽ nội dung tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Mục đích phản ánh hiện thực xã hội cũng nhằm để thể hiện quan niệm đạo đức của tác giả. Khuynh hướng đạo đức thể hiện ngay từ tên của tác phẩm, nào là “Vì nghĩa vì tình”, nào là “Cha con nghĩa nặng”, nào là “Dây oan”,… Ði vào nội dung cụ thể, chúng ta sẽ nhận ra những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, những vấn đề thuộc về đạo lý được tác giả bàn đến nhiều, như chữ trung (Ngọn cỏ gió đùa, Nặng gánh cang thường), chữ hiếu (Cay đắng mùi đời, Chút phận linh đinh, Cha con nghĩa nặng), chữ tiết (Thầy thông ngôn, Cười gượng), chữ nghĩa (Ai làm được, Chúa tàu Kim quy). Những yếu tố đạo lý được nói đến đã thể hiện sự dung hòa cũ – mới. Hồ Biểu Chánh chủ trương phát huy mặt tích cực của đạo đức phong kiến và tiếp nhận những mặt tiến bộ của lối sống tự do.

Ngoài ra, Hồ Biểu Chánh còn xây dựng trong tác phẩm của ông một hệ thống nhân vật gồm hai loại người khác nhau. Một bên là đại diện cho cái thiện và một bên là đại diện cho cái ác. Cái thiện bao giờ cũng chiến thắng và cái ác luôn bị trừng trị nghiêm khắc. Ông có ý định dùng quan niệm đạo lý của dân gian “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo” để giáo dục con người, như ông đã từng nói trong “Ðời của tôi về văn nghệ”: “Viết tiểu thuyết để cảm hoá đặng lần lần dắt quần chúng trở về đường chánh đại quang minh” . Với mong muốn đó, nhiều khi Hồ Biểu Chánh đã không ngần ngại đưa cả những giảng giải luân lý của tác giả vào trong tác phẩm.

III.- NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT CỦA HỒ BIỂU CHÁNH:

1. Ngôn ngữ :

Ngôn ngữ trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh mang tính giản dị, bình dân, dễ hiểu. Ông sử dụng nhiều từ địa phương (từ địa phương Nam bộ).

Ðôi khi ngôn ngữ trong sáng tác của ông cũng còn mang tính cầu kỳ, bóng bẩy. Ví dụ : “Lửa tình muốn cất ngọn, Sóng ái muốn bủa vòi” (Chúa tàu Kim quy). Dùng từ không hợp nghĩa, đó cũng là một hạn chế phổ biến trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh.

2. Kết cấu :

Hồ Biểu Chánh chịu ảnh hưởng nặng nề của tiểu thuyết truyền thống trong vấn đề xây dựng kết cấu. Ông thường sắp xếp các tình tiết theo trật tự thời gian. Kết thúc tác phẩm phần lớn là có hậu. Thậm chí lối kết thúc tác phẩm của ông thường đầy đủ quá nên không gợi được sự tưởng tượng nơi độc giả. Cách chuyển mạch của Hồ Biểu Chánh còn rất vụng về, tiếp nối quá thật thà nếu không muốn nói là “quê”. Tác giả lại thường đưa vào những đoạn văn có nội dung giảng giải, bàn luận dài dòng về luân lý làm cho câu chuyện giảm phần hứng thú. Tuy nhiên, so với tác phẩm của Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn đã có phần giảm hơn.
3. Nhân vật :

Hồ Biểu Chánh đưa vào tác phẩm của ông một thế giới nhân vật rất đa dạng, phong phú, thuộc đủ hạng người khác nhau trong xã hội. Nhân vật của ông không còn mang tính chất ước lệ, mà đã có những nét riêng, thể hiện cho từng loại người khác nhau. Ông chú ý đến ngoại hình và hành động của nhân vật nhiều hơn. Ông có cố gắng phân tích tâm lý nhân vật nhưng còn vụng về, chủ yếu là kể lại những suy nghĩ của nhân vật. Sự chuyển biến về tâm lý của nhân vật nhiều khi quá nhanh chóng, đột ngột, không phù hợp với qui luật tình cảm của con người.

Nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh mỗi vai là tiêu biểu cho một hạng người: tốt hoặc xấu, thiện hoặc ác. Người tốt thì tốt từ đầu đến cuối, người xấu cũng thế. Hay ít ra thì đến hồi chung kết mới biết ăn năn. Ðiều này khiến cho nhân vật không có vẻ thực. Nhà văn cần tạo ra những con người có đủ tính tốt, xấu của con người.
4. Cách hành văn :

Hồ Biểu Chánh có lối hành văn rất tự nhiên. Nghĩ sao viết vậy, viết như nói. Bàn về văn phong của Hồ Biểu Chánh, Thanh Lãng cho rằng ông là người đầu tiên làm cách mạng, vì đã đập vỡ cái khuôn khổ văn chương đài các đương thời. Ông đã tiếp nối cách viết văn chương trơn tuột như lời nói đã có từ Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của trong “Truyện giải buồn”, Nguyễn Chánh Sắc trong “Nghĩa hiệp kỳ duyên”. Ông vẫn còn chịu ảnh hưởng của lối văn biền ngẫn, câu văn của Hồ Biểu Chánh thường có tính sóng đôi.
5. Chi tiết đời thường :

Ông đã mang những chi tiết vụng vặt của cuộc sống đời thường đưa vào tác phẩm. Ví dụ : Hình ảnh con chó phèn lè lưỡi giữa trưa hè, cô gái đứng cạnh cầu ao phun nước bọt xuống cho cá đớp,….
6. Vấn đề mô phỏng :

Tác giả thường vận dụng cốt truyện của một số tác phẩm văn học phương Tây để viết về cuộc sống và con người Việt Nam. Các tác phẩm : Cay đắng mùi đời, Chút phận linh đinh, Ngọn cỏ gió đùa, Chúa tàu Kim quy đều được dựa theo tiểu thuyết phương Tây.

IV.- KẾT LUẬN

Hồ Biểu Chánh là một nhà văn lớn ở miền Nam. Ở một chừng nhất định tiểu thuyết của ông đã đạt được giá trị hiện thực. Hồ Biểu Chánh đã đi tiên phong và lập công đầu trong việc đưa tiểu thuyết mới từ tình trạng phôi thai đến giai đoạn trưởng thành. Tiểu thuyết Việt Nam từ Hồ Biểu Chánh mới bắt đầu những bước đi vững chắc. Ông là một tác giả quan trọng ở giai đoạn 1912 – 1932.

Facebook Google Plus Twitter
Cùng chuyên mục
Cảm nhận về bài Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến
Tìm Hiểu Bài Thơ “Xuất Dương Lưu Biệt”
Đọc hiểu Đám tang lão Gôriô
Soạn bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia
Tác giả Nguyễn Tuân