I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Các loại từ láy
a) Xem xét hình thức âm thanh của các từ láy (được in đậm) trong các câu dưới đây. So sánh để nhận thấy sự khác nhau về đặc điểm âm thanh giữa các từ đăm đăm, mếu máo, liêu xiêu.
– Em cắn chặt môi im lặng, mắt lại đăm đăm nhìn khắp sân trường, từ cột cờ đến tấm bảng tin và những vạch than vẽ ô ăn quan trên hè gạch.
– Tôi mếu máo trả lời và đứng như chôn chân xuống đất, nhìn theo cái bóng bé nhỏ liêu xiêu của em tôi trèo lên xe.
(Trích Cuộc chia tay của những con búp bê)
Gợi ý: Từ láy được cấu tạo như thế nào? Trong các từ láy in đậm trên, các tiếng được láy lại toàn bộ hay bộ phận? Căn cứ vào đặc điểm về âm thanh này của các từ để chia chúng thành các loại: láy toàn bộ, láy bộ phận (láy phụ âm đầu, láy phần vần).
c) Tìm thêm các từ láy cùng loại với các từ trên rồi điền vào bảng sau:
Láy toàn bộ
đăm đăm, …
Láy bộ phận
Láy phụ âm đầu
mếu máo, …
Láy phần vần
liêu xiêu, …
d) Các từ in đậm trong ví dụ dưới đây đúng hay sai? Nếu sai, hãy chữa lại cho đúng.
– Vừa nghe thấy thế, em tôi bất giác run lên bật bật, kinh hoàng đưa cặp mắt tuyệt vọng nhìn tôi.
– Cặp mắt đen của em lúc này buồn thẳm thẳm, hai bờ mi đã sưng mọng lên vì khóc nhiều.
Gợi ý: Các từ bật bật, thẳm thẳm sai về nguyên tắc cấu tạo từ láy toàn bộ. Từ láy toàn bộ có trường hợp láy lại nguyên dạng âm gốc như đăm đăm, song cần lưu ý các trường hợp do sự hoà phối âm thanh nên tiếng láy có biến đổi thanh điệu, phụ âm cuối, chẳng hạn: đo trong đo đỏ, xôm trong xôm xốp, bần trong bần bật, thăm trong thăm thẳm, … Các từ này vẫn thuộc loại từ láy toàn bộ.
2. Nghĩa của từ láy
a) Nghĩa của các từ láy ha hả, oa oa, tích tắc, gâu gâu được tạo thành do đặc điểm gì về âm thanh?
Gợi ý: Các từ này được tạo thành dựa trên nguyên tắc mô phỏng âm thanh (còn gọi là từ láy tượng thanh): ha hả như tiếng cười, oa oa giống như âm thanh tiếng khóc của em bé, tích tắc giống như âm thanh quả lắc đồng hồ, gâu gâu giống như âm thanh của tiếng chó sủa.
b) Nhận xét về đặc điểm âm thanh của các nhóm từ láy sau:
(1) lí nhí, li ti, ti hí.
(2) nhấp nhô, phập phồng, bập bềnh.
Gợi ý:
– Các từ thuộc nhóm (1) đều có khuôn vần i. Âm thanh của khuôn vần này gợi ra những cái nhỏ vụn, tương ứng với những sự vật, hiện tượng mà các từ lí nhí, li ti, ti hí,… biểu đạt.
– Các từ thuộc nhóm (2) có đặc điểm là:
+ Láy bộ phận phụ âm đầu, tiếng gốc đứng sau.
+ Các tiếng láy đều có chung vần âp, có thể hình dung mô hình cấu tạo loại từ này như sau: (x + âp) + xy; trong đó, x là phụ âm được láy lại, y là phần vần của tiếng gốc, âp là phần vần của tiếng láy.
+ Các từ thuộc nhóm này có chung đặc điểm ý nghĩa là: chỉ sự trạng thái chuyển động liên tục, hoặc sự thay đổi hình dạng của sự vật.
c) So sánh giữa nghĩa của tiếng gốc và nghĩa của từ láy trong các trường hợp sau:
– mềm / mềm mại;
– đỏ / đo đỏ;
Gợi ý: Thực hiện theo các bước như sau:
– Đặt câu với mỗi từ.
– So sánh sắc thái giảm nhẹ hoặc nhấn mạnh, sắc thái biểu cảm giữa từ đơn (tiếng gốc) và từ láy được cấu tạo từ tiếng ấy. Các từ láy có sắc thái nghĩa giảm nhẹ (mềm mại, đo đỏ) và màu sắc biểu cảm rõ hơn so với tiếng gốc (từ đơn).
II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Tìm và phân loại từ láy trong đoạn đầu văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê ( từ “Mẹ tôi, giọng khản đặc…” cho đến “nặng nề thế này.“).
Gợi ý: Tìm và phân loại theo bảng.
Láy toàn bộ
bần bật, thăm thẳm, chiền chiện, chiêm chiếp,
Láy bộ phận
Láy phụ âm đầu
nức nở, tức tưởi, rón rén, lặng lẽ, rực rỡ, nhảy nhót, ríu ran, nặng nề
Láy phần vần
2. Cấu tạo từ láy từ những tiếng gốc cho trước theo bảng sau:
Tiếng gốc
Từ láy
ló lấp ló,…
nhỏ nho nhỏ, nhỏ nhắn,…
nhức nhức nhối,…
khác khang khác,…
thấp thâm thấp,…
chếch chênh chếch,…
ách anh ách,…
3. Chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống trong các câu sau:
– nhẹ nhàng, nhẹ nhõm:
+ Chị … khuyên nhủ em.
+ Làm xong công việc, nó thở phào … như trút được gánh nặng.
– xấu xí, xấu xa:
+ Mọi người đều căm phẫn hành động … của tên phản bội.
+ Bức tranh của nó vẽ nguệch ngoạc, …
– tan tành, tan tác:
+ Chiếc lọ rơi xuống đất, vỡ …
+ Giặc Ân bị chàng trai làng Gióng đánh cho …
Gợi ý: Đọc kĩ để phân biệt sắc thái nghĩa của mỗi câu. Các từ in đậm là phù hợp với câu đầu.
4. Đặt câu với mỗi từ: nhỏ nhắn, nhỏ nhặt, nhỏ nhẻ, nhỏ nhen, nhỏ nhoi.
Gợi ý:
– Cô giáo em có dáng người nhỏ nhắn.
– Anh Dũng nói năng nhỏ nhẻ như con gái.
– Mẹ chăm chút cho các con từ những cái nhỏ nhặt nhất.
– Bạn bè không nên nhỏ nhen với nhau.
– Đàn voi đã đi cả ngày trời mà vẫn không tìm được một vũng nước nhỏ nhoi nào.
5. Các từ sau đây là từ láy hay từ ghép?
máu mủ, mặt mũi, nhỏ nhen, tóc tai, râu ria, khuôn khổ, ngọn ngành, tươi tốt, nấu nướng, ngu ngốc, học hỏi, mệt mỏi, nảy nở.
Gợi ý: Kiểm tra bằng cách đối chiếu với các đặc điểm của từ láy và từ ghép (các từ đã cho đều là từ ghép).
6*. Các tiếng chiền (trong chùa chiền), nê (trong no nê), rớt (trong rơi rớt), hành (trong học hành) có nghĩa là gì? Các từ chùa chiền, no nê, rơi rớt, học hành là từ ghép hay từ láy?
Gợi ý:
– Nghĩa của các từ:
+ chiền: từ cổ, cũng có nghĩa là chùa.
+ nê: từ cổ, có nghĩa là chán
+ rớt: rơi ra một vài giọt (còn sót lại, hỏng, không đỗ) hoặc cũng có nghĩa là rơi.
+ hành: thực hành.
– Theo cách giải nghĩa trên đây thì các từ đã cho là từ ghép.