Soạn bài Tìm hiểu chung về văn miêu tả

23.09.2014
Huy Nguyễn

Soạn bài Tìm hiểu chung về văn miêu tả

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Em phải làm gì trong các tình huống sau:

(1) Trên đường đi học, em gặp một người khách hỏi thăm đường về nhà em. Đang phải đến trường nên em không thể đưa người khách đó về nhà được, em làm thế nào để người đó có thể nhận ra nhà em để tự tìm đến.

(2) Em cùng mẹ đi đến cửa hàng mua áo; trước rất nhiều chiếc áo khác nhau, nhiều màu nhiều kiểu dáng, lại treo tận trên cao, làm thế nào để người bán hàng lấy đúng chiếc áo mà em định mua?

(3) Một học sinh lớp 3 hỏi em: Người lực sĩ là người thế nào? Em phải làm gì để em học sinh ấy hình dung ra được một cách cụ thể hình ảnh của người lực sĩ?

Gợi ý: Trong cả ba tình huống trên, cần sử dụng miêu tả để giúp người giao tiếp với mình có thể hình dung được đối tượng được nói tới. Chúng ta có thể gặp rất nhiều những tình huống tương tự như thế này trong thực tế.

2. Tìm trong văn bản Bài học đường đời đầu tiên hai đoạn văn miêu tả Dế Mèn và Dế Choắt.

Gợi ý: Hai đoạn văn miêu tả Dế Mèn và Dế Choắt:

(1) Từ đầu cho đến “đưa cả hai chân lên vuốt râu.”

(2) Từ “Cái chàng Dế Choắt” cho đến “nhiều ngách như hang tôi.”

3. Tác giả miêu tả Dế Mèn và Dế Choắt để làm gì?

Gợi ý: Tác giả miêu tả để giúp người đọc hình dung ra được hình ảnh của hai chú dế một cách cụ thể, chân thực; khắc hoạ đậm nét đặc điểm tính cách khác biệt của hai nhân vật này. Dế Mèn khoẻ mạnh, cường tráng, mạnh mẽ và có vẻ kiêu ngạo. Dế Choắt thì ốm yếu, xấu mã, tính tình chậm chạp, nhút nhát.

4. Kể ra những chi tiết giúp em hình dung ra hình ảnh Dế Mèn và Dế Choắt trong hai đoạn văn trên.

Gợi ý:

– Dế Mèn: một chàng dế thanh niên cường tráng; đôi càng mẫm bóng; những cái vuốt ở chân, ở kheo nhọn hoắt, sắc như dao; đôi cánh dài kín tận chấm đuôi; người màu nâu bóng; đầu to, nổi từng tảng; răng đen nhánh, lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp; râu dài uốn cong…

– Dế Choắt: thân hình gầy gò, dài lêu nghêu; cánh ngắn củn đến sống lưng; đôi càng bè bè, nặng nề; râu cụt một mẩu; mặt lúc nào cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ; tính nết ăn xổi ở thì (qua đánh giá của Dế Mèn)…

II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

1. Đọc các đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

(1) Chẳng bao lâu, tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. Đôi càng tôi mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở kheo cứ cứng dẫn và nhọn hoắt. Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gẫy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua …

(Tô Hoài)

(2) Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng…

(Tố Hữu)

(3) Mấy hôm nọ, trời mưa lớn, trên những hồ ao quanh bãi trước mặt, nước dâng trắng mênh mông. Nước đầy và nước mới thì cua cá cũng tấp nập xuôi ngược, thế là bao nhiêu cò, sếu, vạc, cốc, le, sâm cầm, vịt trời, bồ nông, mòng, két ở các bãi sông xơ xác tận đâu cũng bay cả về vùng nước mới để kiếm mồi. Suốt ngày, họ cãi cọ om bốn góc đầm, có khi chỉ vì tranh một mồi tép, có những anh Cò gầy vêu vao ngày ngày bì bõm lội bùn tím cả chân mà vẫn hếch mỏ, chẳng được miếng nào.

(Tô Hoài)

a) Mỗi đoạn văn trên tái hiện lại những gì?

Gợi ý:

– Đoạn (1): tái hiện hình ảnh Dế Mèn với vẻ đẹp khoẻ mạnh, cường tráng, mạnh mẽ…

– Đoạn (2): tái hiện hình ảnh chú bé liên lạc nhanh nhẹn, nhí nhảnh, hồn nhiên…

– Đoạn (3): tái hiện sinh động khung cảnh nhiều loài sinh vật trên một vùng bãi ven hồ ao ngập nước sau cơn mưa.

b) Các đặc điểm nổi bật của sự vật, con người, quang cảnh đã được miêu tả như thế nào, bằng những chi tiết, hình ảnh gì?

– Để làm nổi bật hình ảnh cường tráng, mạnh mẽ của Dế Mèn, tác giả đã sử dụng các hình ảnh đặc tả ngoại hình: (xem gợi ý ở phần I.4);

– Để làm nổi bật vẻ nhanh nhẹn, nhí nhảnh, hồn nhiên của chú bé liên lạc, tác giả đã sử dụng các hình ảnh: loắt chắt, xắc xinh xinh, chân thoăn thoắt, đầu nghênh nghênh, ca lô đội lệch, mồm huýt sáo, như con chim chích nhảy trên đường,…

2. Thực hiện các yêu cầu sau:

a) Nếu phải viết một đoạn văn miêu tả cảnh mùa đông đến thì em sẽ nêu những đặc điểm nổi bật nào?

b) Khuôn mặt mẹ luôn hiện lên trong tâm trí em, nếu tả khuôn mặt của mẹ thì em chú ý tới những điểm nổi bật nào?

Gợi ý:

a) Với yêu cầu này, khi viết có thể nêu ra các đặc điểm:

– Những cơn gió heo may đến như thế nào?

– Lá rụng, cánh đồng (đường phố) lạnh lẽo ra sao?

– Con người đón những cái rét đầu tiên trong một tâm trạng thế nào?

b) Cần chú ý những đặc điểm sau của khuôn mặt mẹ:

– Hình dung về cả khuôn mặt.

– Đôi mắt mẹ.

– Những chiếc răng (nhỏ, trắng, xinh,…) gắn với nụ cuời duyên dáng,…

– Sống mũi thẳng, hàng mi cong tự nhiên,…

Facebook Google Plus Twitter
Cùng chuyên mục
Tả chiếc áo
Giới Thiệu Tác Giả Nam Cao
Soạn bài Chiếu Cầu Hiền
Ý nghĩa cuối cùng của tác phẩm Chiếc Thuyền Ngoài Xa
Chỉ ra chất cổ điển và hiện đại của bài thơ Tràng Giang