I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Về tác giả:
Trần Tuấn Khải (1895-1983) bút hiệu á Nam, quê ở làng Quang Xán, xã Mĩ Hà, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông thường mượn những đề tài lịch sử hoặc những biểu tượng nghệ thuật để bộc lộ lòng yêu nước của đồng bào và bày tỏ khát vọng độc lập, tự do của mình.
Tác phẩm chính của Trần Tuấn Khải bao gồm các tập thơ: Duyên nợ phù sinh I, II; Bút quan hoài I, II; Với sơn hà I, II…
2. Về thể loại:
Song thất lục bát là thể thơ cách luật cổ điển thuần tuý của Việt Nam. Đơn vị cơ bản là một khổ thơ gồm hai câu bảy chữ và hai câu sáu tám tiếp theo. Nếu mở đầu bằng hai câu sáu tám trước thì gọi là lục bát gián thất. Trừ điểm sai biệt rất nhỏ này, lục bát gián thất hoàn toàn thống nhất với song thất lục bát về cội nguồn cũng như cách luật. Song thất lục bát, do đó, có thể được xem là một thuật ngữ chung.
Song thất lục bát được hình thành trên cơ sở tổ hợp thể thơ lục bát nhưng không phải với thể thất ngôn của Trung Quốc mà với lối thơ bảy tiếng vốn có của Việt Nam:
– “Bói ra ma quét nhà ra rác”.
– “Được lòng ta, xót xa lòng người”.
– “Giọt máu đào hơn ao nước lã”.
(Tục ngữ)
– “Ăn, thì ăn cơm thừa canh cặn
Ăn, thì ăn môn sượng khoai sùng”.
(Lục súc tranh công)
– “áo xông hương của chàng vắt mắc,
Đêm em nằm, em đắp lấy hơi
Gửi khăn, gửi túi, gửi lời,
Gửi đôi chàng mạng cho người đàng xa”.
(Ca dao)
Qua sự gia công dần dần của nhà văn, đến thế kỉ XVIII, song thất lục bát đã đạt đến mức hoàn thiện qua tác phẩm của Nguyễn Gia Thiều, và dịch phẩm của Đoàn Thị Điểm, Phan Huy Vịnh, v.v… Ngày nay song thất lục bát vẫn còn sức sống của nó. Trong Ba mươi năm đời ta có Đảng, Tố Hữu sử dụng thể thơ này khá thành công.
ở dạng hoàn chỉnh nhất, song thất lục bát tuân theo cách luật như sau. Về gieo vần: tiếng cuối câu bảy trên bắt vần trắc xuống tiếng thứ năm câu bảy dưới; tiếng cuối câu bảy dưới bắt vần bằng với tiếng cuối câu sáu; tiếng cuối câu sáu lại bắt vần bằng với tiếng thứ sáu câu tám; tiếng cuối câu tám lại bắt vần bằng với tiếng thứ ba, hoặc tiếng thứ năm của câu bảy đầu của khổ thơ sau. Như thế mỗi khổ thơ có một vần trắc và ba vần bằng. Trừ câu sáu chỉ có vần chân, ba câu kia vừa có vần chân vừa có vần lưng. Về phối thanh, thì tiếng thứ năm và tiếng thứ bảy của câu bảy trên nhất định phải bằng và trắc, câu bảy dưới thì ngược lại. Bằng trắc trong hai câu sáu tám giống như trong thơ lục bát. Về ngắt nhịp, thì hai câu bảy theo đúng như thơ bảy chữ Việt Nam, nghĩa là 3/4 hoặc 3/2/2. Hai câu sáu tám cũng linh hoạt như thơ lục bát.
[…] Cũng như lục bát, song thất lục bát đã cô kết được nhiều phẩm chất thẩm mĩ của tiếng Việt, nhất là về phương diện nhạc điệu… Nếu câu thơ lục bát có khả năng miêu tả và kể chuyện thích hợp với loại truyện, thì song thất lục bát lại giàu giá trị biểu cảm, nhiều sức biểu hiện những trạng thái tâm hồn và xúc cảm, thích hợp với các khúc ngâm dài” (Phương Lựu – Từ điển văn học, tập hai, 1984).
3. Về tác phẩm:
a) Thời quân Minh sang xâm lược nước ta, Nguyễn Phi Khanh, đại thần của triều đình, bố của Nguyễn Trãi bị chúng bắt đưa sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi muốn đi theo để phụng dưỡng cha già nhưng Nguyễn Phi Khanh đã khuyên con ở lại để đền nợ nước, trả thù nhà. Đến biên giới thì hai cha con chia tay nhau. Nguyễn Trãi tìm đến gia nhập nghĩa quân Lam Sơn và sau đó, bằng ngòi bút của mình, đã đóng góp phần rất lớn trong việc đánh tan quân xâm lược, giải phóng đất nước.
b) Xúc cảm buồn đau được thể hiện bằng một giọng thơ thống thiết, lâm li. Thể thơ song thất lục bát rất thích hợp với cảm xúc và giọng điệu này. Hai câu bảy chữ như trào dâng, dồn dập. Hai câu lục bát da diết, chậm mà xoáy sâu, nhức nhối. Những thanh trắc ở câu bảy, hiệp vần ở hai câu lục bát làm tăng nhạc tính ở từng khổ thơ:
*Bối cảnh không gian biên ải được gợi ra ở 4 câu thơ đầu
– Từ điểm chia li này, người cha sẽ ra đi vĩnh viễn, vĩnh biệt tổ quốc, vĩnh biệt những người ruột thịt. Cảnh vật sầu thảm thê lương (ải Bắc, mây sầu, gió thảm, hổ thét, chim kêu…) càng gợi buồn đau cho lòng người.
– Hoàn cảnh éo le và tâm trạng của nhân vật trữ tình (4 câu thơ tiếp): cha bị áp giải sang Tàu, một đi không trở lại, con muốn theo cha để làm tròn đạo hiếu nhưng thù nhà nợ nước còn đấy, cha đành dằn lòng khuyên con ở lại vì nghĩa lớn. Tâm trạng : đau đớn, xót xa vì chia li và cũng vì thù nhà nợ nước chưa trả.
Những câu thơ mở đầu đoạn có tác dụng tạo tiền đề, tâm thế. Trong không gian và tâm trạng chia li đau buồn như thế lời khuyên của người cha (thể hiện ở đoạn sau) có ý nghĩa như những lời trăng trối thiêng liêng.
* 20 câu thơ tiếp theo (phần 2) có sự kết hợp giữa tự sự (kể), miêu tả và biểu cảm. Những vần thơ thấm đẫm huyết lệ có sức lay động lớn
– Bốn câu, từ “Giống Hồng Lạc…” đến “…xưa nay kém gì !” : tác giả nhập vai vào người cha (Nguyễn Phi Khanh) để gợi nhắc cho con về niềm tự hào dân tộc.
– Tám câu tiếp, từ “Than vận nước…” đến “…dễ còn thương đâu !” gợi tả thực cảnh thương đau của đất nước khi bị xâm lăng. Lưu ý các hình ảnh : khói lửa bừng bừng, xương rừng máu sông, thành tung quách vỡ, bỏ vợ lìa con , xiêu tán hao mòn.
– Bốn câu tiếp, từ “Thảm vong quốc…” đến “…lầm than nỗi này !” trực tiếp thể hiện nỗi đau mất nước, xót xa trước cảnh “nòi giống lầm than”. Lưu ý những từ ngữ diễn tả cảm xúc : kể sao xiết kể, nhường xé tâm can, ngậm ngùi, khóc, than.
– Bốn câu, từ “Khói Nùng Lĩnh…” đến “…đàn sau đó mà?” : nỗi uất hận ngút trời thấm tràn sông núi, dày vò lòng người. Lưu ý các từ ngữ : xây khối uất, vật cơn sầu, càng nói càng đau, lấy ai tế độ. Người cha đang trở lại với bầu tâm sự muốn nhắn nhủ cùng con.
c) Phần cuối đoạn trích người cha nói đến tình thế bất lực của mình (tuổi già sức yếu, lỡ sa cơ), nhắc nhớ sự nghiệp của tổ tông (vì nước gian lao) để kích thích cái chí gánh vác giang sơn, đặt niềm tin, trao gửi cho con trả nợ nước, báo thù nhà.
d) Mượn xưa để nói nay, mượn người để nói ta vốn là thủ pháp có từ lâu đời trong truyền thống văn học. Trần Tuấn Khải lựa chọn chuyện chia li giữa hai cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi để gửi gắm tâm sự, nỗi đau mất nước nhằm khơi gợi tinh thần yêu nước thương nòi khi non sông đang bị giày xéo bởi gót giày thực dân. Bằng tình cảm sâu đậm, mãnh liệt, với một giọng điệu thống thiết, tác giả của Hai chữ nước nhà đã thực hiện bổn phận, sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ yêu nước. Thơ ông thôi thúc lòng người, khích lệ mọi người tranh đấu cho giang sơn độc lập, tự do.
II. RÈN LUYỆN KỸ NĂNG
Bài thơ được viết theo thể song thất lục bát, trong đó có câu song thất có nhịp 2/2 và 4/4 cần tập đọc nhiều lần để thể hiện đúng nhịp thơ, giọng thơ. Hai câu song thất đọc nhịp ngắt dứt khoát, hai câu lục bát đọc chậm, dàn trải hơn để thể hiện những cảm xúc kín đáo sâu xa.