Hoài Thanh là nhà phê bình văn học xuất sắc nhất trong văn học Việt Nam hiện đại. Tác phẩm đỉnh cao của ông là tập phê bình Thi nhân Việt Nam, viết chung với Hoài Chân, do Nguyễn Đức Phiên xuất bản năm 1942. Nội dung của cuốn sách tổng kết những thành tựu của phong trào Thơ mới và giới thiệu các tác giả, tác phẩm tiêu biểu. Hoài Thanh theo lối phê bình ấn tượng, “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”, ngòi bút của ông tinh tế, tài hoa, hóm hỉnh.
Mở đầu Thi nhân Việt Nam là bài tiểu luận Một thời đại trong thi ca. Đoạn trích trong sách giáo khoa thuộc phần cuối của bài viết này. Nội dung chính của đoạn trích là xác định “tinh thần thơ mới”, được triển khai thành ba ý nhỏ: trình bày nguyên tắc để minh định tinh thần của thơ cũ và thơ mới (không căn cứ vào cục bộ và cái dở mà căn cứ vào đại thể và cái hay). Xác định tinh thần của thơ mới là chữ “tôi” đối lập với chữ “ta” và cho thấy thái độ của xã hội khi ý thức cá nhân mới trỗi dậy. Chỉ ra sự vận động của cái “tôi” và việc giải quyết bi kịch thời đại của nó bằng cách “dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt”.