I. HƯỚNG DẪN CHUNG
1. Chuẩn bị ở nhà
– Lập dàn ý cho một bài nói về văn miêu tả theo đề cho trước hoặc tự chọn:
+ Tả cảnh;
+ Tả người.
– Có thể tự mình tập nói trước gương để quan sát và điều chỉnh giọng nói, sắc thái biểu cảm, cử chỉ,…
2. Thực hành trên lớp theo dàn ý đã chuẩn bị ở nhà
– Thảo luận trong tổ, trao đổi về dàn ý và tập nói; chọn bài nói tốt nhất để trình bày trước lớp;
– Có trình bày trước lớp hay không thì vẫn phải chú ý các ý kiến nhận xét của các bạn, của thầy cô giáo để chỉnh sửa về nội dung bài nói cũng như cách nói.
II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Đọc đoạn văn dưới đây, tưởng tượng và tả lại quang cảnh lớp học trong Buổi học cuối cùng.
Xong bài giảng, chuyển sang viết tập. Thầy Ha-men đã chuẩn bị cho ngày hôm đó những tờ mẫu mới tinh, trên có viết bằng “chữ rông” thật đẹp: Pháp, An-dát, Pháp, An-dát. Những tờ mẫu treo trước bàn học trông như những lá cờ nhỏ bay phấp phới khắp xung quanh lớp. Ai nấy đều chăm chú hết sức, và cứ im phăng phắc! Chỉ nghe thấy tiếng ngòi bút sột soạt trên giấy. Có lúc những con bọ dừa bay vào nhưng chẳng ai để ý, ngay cả những trò nhỏ nhất cũng vậy, chúng đang cặm cụi vạch những nét sổ với một tấm lòng, một ý thức, như thể cái đó cũng là tiếng Pháp… Trên mái nhà trường, chim bồ câu gù thật khẽ […]
(A. Đô-đê)
Gợi ý:
Tưởng tượng quang cảnh lớp học theo gợi ý sau:
– Đoạn văn tả cảnh lớp học đang trong hoạt động gì?
– Chi tiết nào, hình ảnh nào tiêu biểu cho giờ tập viết?
– Các chi tiết và hình ảnh được tả theo trình tự ra sao?
2. Thầy giáo Ha-men trong buổi học cuối cùng có gì khác so với thường ngày? Hãy tả lại bằng miệng cho các bạn nghe về hình ảnh thầy giáo Ha-men trong buổi học ấy.
Gợi ý: Dựa vào gợi ý ở bài tập trên để hình dung ra không khí chung của lớp học trong buổi học cuối cùng. Miêu tả hình ảnh thầy Ha-men trong khung cảnh và không khí chung của buổi học ấy.
Lưu ý khắc hoạ những đặc điểm nổi bật của thầy Ha-men trong buổi học cuối cùng: về tâm trạng, trang phục, giọng nói, cử chỉ,… đặc biệt chú ý miêu tả nét mặt. Đây là bài văn nói, không nên viết sẵn rồi đọc mà chỉ vạch ra những ý chính để dựa vào đó mà diễn đạt bằng miệng, tập nói cho rõ ràng, tự tin, chú ý điều chỉnh giọng nói, sắc thái biểu cảm cho phù hợp với nội dung miêu tả.
3*. Lập dàn ý cho bài văn nói với đề văn sau:
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 -11, em cùng mẹ đến chúc mừng thầy giáo cũ của mẹ, nay đã nghỉ hưu. Em hãy tả lại hình ảnh người thầy ấy trong phút giây xúc động vì được gặp lại người học trò của mình sau nhiều năm xa cách.
Gợi ý:
– Em đã cùng mẹ đi đến nhà thầy giáo cũ của mẹ như thế nào? Trước khi đến, mẹ em đã giới thiệu với em những gì về người thầy ấy?
– Tập trung miêu tả hình ảnh người thầy giáo ở các đặc điểm:
+ Thái độ của người thầy khi được gặp lại học trò cũ sau nhiều năm;
+ Người thầy ấy ăn mặc như thế nào?
+ Dáng vóc, khuôn mặt của người thầy có gì đặc biệt?
+ Cử chỉ, giọng nói của người thầy bộc lộ sự xúc động như thế nào?
+ Khi em và mẹ ra về, người thầy nói những gì? Thái độ như thế nào?
– Nêu cảm nhận của riêng em về tình nghĩa thầy – trò qua những gì em được thấy khi cùng mẹ đến chúc mừng thầy giáo cũ của mẹ.
4. Tham khảo các đề bài luyện nói miêu tả sau:
a) Em đã từng được chứng kiến trực tiếp cảnh bão lụt, hoặc gián tiếp qua truyền hình, báo chí, nghe kể lại,… Hãy lập dàn ý cho bài nói miêu tả lại cảnh bão lụt ấy.
b) Hãy tả một người thân của em.
c) Hãy tả lại hình ảnh ông Tiên hoặc ông Bụt trong truyện cổ tích theo tưởng tượng của em.