A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Vị trí đoạn trích: Đoạn trích nằm ở phần thứ hai của truyện. Vân Tiên và Tiểu đồng đang bơ vơ nơi đất khách quê người thì gặp Trịnh Hâm đi thi trở về. Vốn đã có lòng đố kị, ganh ghét tài năng của Lục Vân Tiên, Trịnh Hâm lợi dụng cơ hội để hãm hại chàng. Hắn lừa tiểu đồng vào rừng trói lại rồi giả bộ đưa Vân Tiên xuống thuyền, hứa sẽ dẫn về nhà. Đợi đến đêm khuya vắng vẻ, hắn mới thực hiện hành động tội ác của mình.
2. Kết cấu đoạn trích: 2 phần
– 8 câu đầu: hành động tội ác của Trịnh Hâm.
– 32 câu còn lại: Việc làm nhân đức cùng cuộc sống trong sạch, nhân cách cao cả.
3. Chủ đề đoạn trích: sự đối lập giữa cái thiện và cái ấc, giữa nhân cách cao cả và những toan tính thấp hèn, đồng thời thể hiện thái độ quý trọng và niềm tin của tác giả đối với nhân dân lao động.
B. PHÂN TÍCH
1. Phân tích tâm địa độc ác của Trịnh Hâm qua hành động hãm hại bạn mình là Lục Vân Tiên.
* Hoàn cảnh Vân Tiên: bơ vơ, tội nghiệp tiền hết, mắt đã bị mù, có chú tiểu đồng theo hầu cũng bị Trịnh Hâm bắt trói trong rừng.
– Động cơ: quyết tìm hãm hại Lục Vân Tiên là vì tính đố kị, ganh ghét tài năng, lo cho con đường tiến thân của tương lai mình.
– Hành động độc ác, bất nhân, bất nghĩa.
+ Độc ác, bất nhân: vì hắn đang tâm hãm hại một con người tội nghiệp, đang cơn hoạn nạn, không nơi nương tựa, không có gì chống đỡ.
+ Bất nghĩa: vì Vân Tiên vốn là bạn của hắn, từng “trà rượu” và làm thơ với nhau, lại đã có lời nhờ cậy.
– Hành động có toan tính, có âm mưu, kế hoạch sắp đặt khá kỹ lưỡng, chặt chẽ:
+ Thời gian gây tội ác: Giữa đêm khuya.
+ Không gian: giữa khoảng trời nước mênh mông.
+ Đẩy Vân Tiên xuống, đến lúc biết không ai có thể cứu hắn mới “giả tiếng kêu trời”, la lối um tùm lên rồi “lấy lời phui pha” kể lể, bịa đặt, che lấp tội ác của mình. => Kẻ tội phạm gian ngoan xảo quyệt đã phủi sạch tay, không mảy may cắn rứt lương tâm.
* Trịnh Hâm hiện lên là một kẻ độc ác, bất nhân, bất nghĩa.
Nguyễn Đình Chiểu đã thành công ở cách sắp xếp các tình tiết hợp lý, diễn biến hành động nhanh gọn, lời thơ vẫn giữ được vẻ mộc mạc, giản dị vốn có của tác phẩm mà lột tả được tâm địa độc ác của một kẻ bất nghĩa, bất nhân.
2. Phân tích hình ảnh Ngư Ông trong đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn”.
Gợi ý trả lời:
a. Ông Ngư là một người có những việc làm nhân đức và nhân cách vô cùng cao đẹp:
– Thấy người bị nạn, ông Ngư nhanh nhẹn “vớt ngay lên bờ”, rồi:
“Hối con vẩy lửa một giờ
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày”
-> Hành động hết sức gấp gáp, khẩn trương, hết mình vì sự sống của nạn nhân đã gợi tả được mối chân tình của gia đình ông Ngư đối với người bị nạn. Việc làm này thật đẹp đẽ vì chưa biết nạn nhân là ai, chưa rõ nguyên cớ thế nào nhưng thấy việc là làm, thấy người là cứu ân cần chu đáo. Đó là bản tính của con người lương thiện, những người lao động bình thường.
– Sau khi cứu sống Vân Tiên, biết tình cảnh khốn khổ của chàng, ông Ngư sẵn lòng cưu mang chàng, dù chỉ là chia sẻ một cuộc sống đói nghèo “hẩm hút”, tương rau, những chắc chắn đầm ấm tình người “hôm mai hẩm hút với già cho vui”. Tấm lòng của Ngư quả là bao dung, nhân ái, hào hiệp.
– Ông cũng không hề tính toán đến cái ơn cứu mạng và Vân Tiên chẳng thể báo đáp. “Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn”, “Lòng lão chẳng mơ” là ông không ham muốn, ước mơ chút nào về tiền bạc, của cải, ông chỉ “dốc lòng nhân nghĩa” là thương người, cố hết sức mình cứu giúp con người, luôn tìm việc nghĩa, hướng về điều thiện, thật hào hiệp, vô tư.
b. Cuộc sống đẹp của ông Ngư:
– Ông Ngư đã sống một cuộc sống và suy nghĩ, quan niệm về cách sống thật lương thiện, thật đẹp đẽ. Lời nói của ông Ngư về cuộc sống của mình chính là những tiếng lòng của Nguyễn Đình Chiểu, những khát vọng về cuộc sống tốt đẹp, về một lối sống đáng mơ đối với con người. Cảm xúc chủ quan của nhà thơ là làm cho cuộc sống của người dân chài bình thường trên sống nước có vẻ như được thi vị hoá, trở nên thơ mộng hơn, nhưng cốt lõi vẫn là trung thực.
– Đoạn thơ cuối là một đoạn thơ hay của tác phẩm: ý tứ phóng khoáng sâu xa, lời lẽ thanh thoát, uyển chuyển, hình ảnh thơ đẹp, gợi cảm. Một khoảng thiên nhiên cao rộng, khoáng đạt mở ra với những doi, vịnh, chích, đầm, bầu trời, đất, gió trăng… Con người hoà nhập vào trong cái thế giới thiên nhiên ấy, không chút cách biệt: hứng gió, chơi trăng, tắm mưa, chải gió… niềm vui sống cũng dường như đầy ắp cái cõi thế của con người ấy (tác giả dùng nhiều từ chỉ trạng thái tâm hồn thanh thản, vui sống ấy: vui vầy, thong thả, nghêu ngao, vui thầm, thung dung, vui say…). Có cảm giác như chính tác giả đang nhập thân vào nhân vạt để nói lên khát vọng và niềm tin yêu cuộc đời.
– Rũ bỏ mọi danh lợi, tìm về với sông nước để “rửa ruột sạch trơn”, nay vào vịnh, mai ra khơi, ngày hứng gió mát, đêm bè bạn với trăng thanh. Ngư Ông đã chọn được một phong cách sống thật phóng khoáng, tự do. Tấm lòng ông trong sạch, gia đình, nhà cửa, cả hình hài, thể xác lẫn tâm hồn như hoà nhập với biển trời, sông nước. Cặp từ “hứng gió”, “chơi trăng” cho ta thấy hình ảnh một con người đang mơ mộng, hệt như một thi sĩ vậy. Mơ mộng nhưng không mơ hồ, tuỳ tiện, mà rất chủ động, ung dung, ứng phó với mọi tình thế.
“Một mình thong thả làm ăn
Khoẻ quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm”
– Đây là một cuộc sống trong sạch, ngoài vòng danh lợi ô trọc: một cuộc sống tự do, phóng khoáng giữa đất trời cao rộng, hoà nhập, bầu bạn với thiên nhiên, thảnh thơi giữa sông nước, gió trăng và vì thế cũng đầy ắp niềm vui.
– Cuộc sống ấy thật hạnh phúc, hoàn toàn xa lạ với những toan tính nhỏ nhen, ích kỷ, mưu danh, trục lợi, sẵn sàng chà đạp lên cả đạo đức, nhân nghĩ… Cuộc sống ấy thật đáng kính, đáng trọng!
* Đoạn thơ gửi gắm khát vọng của Nguyễn Đình Chiểu vào niềm tin về cái thiện, vào con người lao động bình thường. Ông đã bộc lộ quan điểm nhân dân rất tiến bộ. Từng trải cuộc đời, NĐC hiểu rất rõ rằng cái xấu, cái ác thường lẩn khuất sau những mũ cao, áo dài của bọn người có địa vị cao sang (như thái sư đương triều, Võ Công, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm…), nhưng vẫn còn những cái tốt đẹp, đáng kính trọng, đáng khao khát, tồn tại bền vững nơi những con người lao động nghèo khổ mà nhân hậu, vị tha, trọng nghĩa khinh tài (những ông Ngư, ông Tiều, chú tiểu đồng, bà lão dệt vải trong rừng…). Nhà thơ Xuân Diệu đã nói đúng: “Cái ưu ái đối với người lao động, sự kính mến họ là một đặc điểm trong tâm hồn Đồ Chiểu”.
3. Quan niệm sống của nhân vật Lục Vân Tiên và nhân vật ông Ngư trong truyện “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu có những nét giống nhau đó và nêu rõ đó là quan niệm sống như thế nào?
Gợi ý trả lời:
Quan niệm sống của nhân vật Lục Vân Tiên và nhân vật ông Ngư trong truyện “Lục Vân Tiên” có những nét giống nhau. Đó là không ham muốn, ước mơ về tiền bạc, của cải, chỉ dốc sức mình cứu giúp con người, luôn tìm việc nghĩa, hướng về điều thiện một cách hào hiệp, vô tư.
Những câu thơ nói rõ quan niệm sống đó là:
“Vân Tiên nghe nói liền cười
Làm ơn há dễ trông người trả ơn”
(Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga)
“Ngư rằng lòng lão chẳng mơ
Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn”.