Hình tượng cây xà nu trong “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành

26.09.2014
Huy Nguyễn

Hình tượng cây xà nu trong “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành

Bài làm 1
Gió thổi qua cánh rừng xào xạc. Bao giờ cũng vậy, gió thổi làm tâm hồn ta thêm trong sáng và tươi mát hơn. Gió lại thổi qua cánh “rừng xà nu” đau thương, quả cảm của Nguyễn Trung Thành. Gió ơi, gió hãy thổi nữa đi để hồn ta cảm nhận thêm sâu sắc, hình tượng cây xà nu trong khói lửa của một cuộc chiến tranh.
Xà nu, tùng, bách hay phi lao? Đã có biết bao thi sĩ mượn hình ảnh của cây này để biểu đạt lòng mình. Ta như vừa thoát khỏi thế giới bồng bềnh êm dịu và mình ta còn bám đầy “phấn thông vàng” của Xuân Diệu. Cây thông độ lượng đêm Giáng sinh có ông già Nôen phát quà bánh cho em nhỏ dưới ánh sáng lung linh. Và giờ đây ta lại gặp hình tượng cây xà nu.
Xà nu! Cái tên thân thuộc gắn với dân làng Xô man tự bao đời. Và cũng không biết từ bao
giờ ai đã trồng và đặt tên đó là cây xà nu để chúng thành bãi, thành rừng đến hôm nay. Xà nu! Cái tên ấy dường như có cùng với sự xuất hiện dân làng Xô man bởi vì xà nu và người dân là một, xà nu là một biểu tượng cho dân làng chốn rừng núi Tây Nguyên này. Quả thật như vậy, gần hai mươi lăm lần nhà văn nhắc đến “xà nu” bằng thứ ngôn ngữ giàu chất thơ và cảm xúc say mê mãnh liệt. Xà nu biết căm giận, biết quật khởi và khát khao mãnh liệt cuộc sống di truyền cho con cháu mai sau. Cả một thiên truyện dài đều có cây xà nu. Xà nu mọc thành rừng, xà nu làm đuốc soi đường cho Dít giã gạo, xà nu làm lửa thổi cơm cho dân làng và nó cũng làm cháy sáng mười đầu ngón tay của Tnú. Xà nu đi vào cuộc sống chân chất đời thường và lao vào cuộc chiến đấu một mất một còn của dân tộc. Xà nu là nhân chứng của bản anh hùng ca hào hùng quật khởi của một thời đại đầy bão tố khốc liệt trong chiến tranh giải phóng dân tộc, chống Mĩ ngụy của nhân dân Tây Nguyên và đồng bào miền Nam.
Xà nu là biểu tượng của dân Xô man hứng chịu bao hậu quả tàn khốc mà chiến tranh gây
ra. Mỗi một người mất đi là thêm một cây xà nu gục ngã. Cây to, cây nhỏ và vô số cây lấm tấm những vết đạn như dân làng từ trẻ đến già không thể không bị ảnh hưởng chiến tranh, cơn lốc quái ác ấy cứ xoắn xít và vây lấy từng số phận con người. Xà nu gục ngã hay Mai chết do bị đánh đập vào kì sinh nở? Xà nu gãy hay anh Quyết hi sinh vì bom đạn kẻ thù! Và còn biết bao đồng chí anh em khác đã hi sinh trong cuộc chiến này. Mai chết hay xà nu xanh sớm vội lìa đời? Máu chị hay nhựa xà nu đã ứa ra từng cục quyện bầm tím lại? Máu ứa ra kèm theo những điều linh thiêng quan trọng. Máu ứa ra như một di hận mà dân làng phải trả thù cho mẹ con Mai. Từng giọt, từng giọt rỉ ra như kim đâm muối xát vào lòng người dân Xô man thôi thúc họ cầm súng cầm mác mà diệt giặc.
Xà nu vốn che chở cho dân làng thế mà dầu xà nu biến thành ngọn lửa hủy diệt mười ngón tay của Tnú. Ngọn lửa tai quái ấy phải chăng bọn thằng Dục – bọn tay sai “rước voi về giày mả tổ” phản bội lại lợi ích của nhân dân, phản bội lại tác dụng có ích của xà nu? Xà nu không phải là dầu nhập cảng cũng như bọn thằng Dục từ đời ông cha nhà nó vẫn ở cái xứ nầy…kẻ thù nguy hiểm muốn giấu bàn tay tội ác nên nó âm mưu “dùng người Việt trị người Việt” cũng như nhựa xà nu đốt đỏ mười ngón tay Tnú. Vậy là đối với dân làng Xô man, cây xà nu phần lớn là gắn bó trong cuộc tử sinh với cuộc đời của họ. Nhưng trong cả rừng xà nu như thế cũng có những cây bị lợi dụng để hủy diệt anh em mình? Phải chăng lũ lính man rợ là thứ nhựa xà nu nung ruột nung gan Tnú khi nó phừng phừng trên mười đầu ngón tay anh? … Cũng có thể hiểu nhựa xà nu bốc lửa ấy là biểu tượng cho lòng căm hận. Tội ác trời không dung, đất không tha của lũ thằng Dục đã bị mười ngọn lửa ấy cảnh cáo. Chúng là kẻ thắp lửa để hủy diệt. Nhưng xà nu đã thành mười bó đuốc có tác dụng chỉ lối soi đường, kêu gọi lòng người đánh thức lí trí con người, bắt người Xô man nhận thức ngay ra chân lí. “Chúng nó cầm súng mình phải cầm mác”. Có lẽ ý sau nhất quán với hình tượng cây xà nu hơn.
Mặc dù bị vùi dập bởi đạn đại bác nhưng không vì thế mà cây xà nu nhụt chí, nó vẫn vươn lên và hướng về ánh sáng, về phía trước. Đó chính là khát vọng sống mãnh liệt của người dân ở làng Xô man. “Cạnh một cây gục ngã đã có bốn, năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Xà nu đã gần kề với cái chết nhưng vẫn cố gắng vùng dậy giành sự sống. Chỉ có những tấm lòng nhiệt tình muốn sống mới có được điều ấy. Thật đáng trân trọng làm sao hình ảnh quên mình vì dân làng, quên nỗi đau riêng mình để bảo vệ người khác “Những vết thương của chúng chóng lành như một thân thể cường tráng” và rồi “ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho dân làng”.
Bom đạn giặc có thể diệt được một hai cây xà nu chứ không thể nào làm lay chuyển cả
rừng xà nu thay nhau mọc ấy. Giặc có thể giết dã man Mai, anh Quyết chứ chúng không thể giết được lòng căm hận ngùn ngụt của dân làng truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Làm sao chúng có thể ngăn chặn lòng căm thù của những Dít, Tnú, bé Heng… nối tiếp các bậc tiền bối khi xưa? Xà nu bị thay đổi đó nhưng vẫn đứng gượng dậy lên da non để sống. Tnú mất mười đốt ngón tay nhưng bàn tay anh vẫn còn và hẳn nhiên anh vẫn còn cầm súng được để tiêu diệt kẻ thù. Tnú mất mười đốt ngón tay nhưng bàn tay anh vẫn còn và hẳn nhiên anh vẫn còn cầm súng được để tiêu diệt kẻ thù. Tnú bị trói đó nhưng đôi mắt anh như có lửa thiêu đốt mọi tâm đồ đen tối của kẻ thù. Lòng căm hận, nỗi xót xa chạy giần giật trong anh như nhựa xà nu bốc cháy. Nó gan góc bền vững dù đạn đại bác xả vào vẫn không làm rung chuyền… xà nu bị thương nhưng vẫn giữ hình ảnh tuyệt đẹp “vết thương đọng lại lóng lánh nắng hè” phải chăng những con người Xô man đến chết vẫn giữ được bản chất anh hùng của họ? Đầu tác phẩm là hình ảnh cây xà nu và cuối tác phẩm vẫn là hình ảnh rừng xà nu nối tiếp nhau chạy tới chân trời. Không phải ngẫu nhiên có sự trùng hợp kì lạ đó có lẽ nhà văn muốn nói: Không một sức mạnh tàn bạo nào hủy diệt được con người vùng Xô man này. Chính vì lẽ đó mà cụ Mết – người đại diện cho dân làng Xô man đã nói với mọi người “Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta”. Đó phải chăng là lời khẳng định đầy tự hào về sức mạnh tiềm tàng của chính dân làng mình? Câu chuyện mang đậm tính sử thi thần thoại. Bếp lửa hồng bên ngôi nhà sàn rộng bừng bừng tỏa lửa soi sáng những khuôn mặt người Xô man cùng giọng kể trầm trầm của cụ Mết đưa ta về với thế giới huyền hoặc xa xưa, thế giới cuả trận quyết đấu mà dân làng Xô man đã chiến thắng. Ánh sáng mười ngón tay Tnú bị đốt như có ma lực thúc đẩy mọi người hành động. Bên bếp lửa xà nu ta cũng nghe kể được một chuyện tình đẹp, thật sáng trong nhưng cũng thật là thương tâm cảm động giữa Mai và Tnú… Cụ Mết có lẽ là cây xà nu đại thụ. Cụ là sợi dây nối giữa xa xưa và hiện đại, là pho sử sống của làng Xô man. Cụ chính là linh hồn, là vị tướng chỉ huy tài tình của dân làng, phải chăng cây xà nu ưỡn tấm ngực lớn ra che chở cho dân làng” chính là hình ảnh cụ Mết – vị già làng đáng kính. Trải bao bao sóng dập gió vùi nhưng cây đại thụ ấy ngày càng chắc chắn hơn, rễ cây bám sâu vào từng thớ đất buôn làng….
Như đã nói ở trên, cây xà nu như một chứng nhân lịch sử. Ánh lửa xà nu soi sáng và dường như chính nó là động lực tăng thêm sức mạnh lời anh Quyết dặn “Người còn sống phải chuẩn bị dao, rựa… sẽ có ngày dùng tới”. Ngọn lửa xà nu cũng đã soi sáng, minh chứng tấm lòng trung thành của Tnú: “Tnú sẽ không kêu thanm anh Quyết ơi! Cháy! Không! Tnú sẽ không kêu…” Nhưng có lẽ linh thiêng nhứt vẫn là ngọn lửa xà nu chứng kiến mười tên giặc phơi thây trước sân nhà: “đống lửa xà nu giữa nhà vẫn đỏ” và lửa xà nu vẫn âm ỉ cháy khắp rừng.

Cùng với Đất nước đứng lên, Rừng xà nu đã biểu hiện sinh động cuộc chiến đấu của người dân vùng núi rừng Tây Nguyên. Cám ơn nhà văn Nguyễn Trung Thành, người đã góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp anh em miền xuôi ngược trong cuộc kháng chiến cứu nước. Quả thật, đọc tác phẩm của anh xong tôi thấy cả một trang sử vàng “đau thương nhưng anh dũng” của làng Xô man, của Tây Nguyên quật khởi và cả gương mặt của miền Nam trong thời lửa đạn chống Mĩ – ngụy, có những nỗi đau ghê gớm nhưng vẫn sáng ngời nhân phẩm, ý chí tiêu diệt kẻ thù. Rừng xà nu vẫn cứ sinh sôi chạy mãi tít tắp chân trời, nó bất chấp đạn bom và vì thế nó cứ ưỡn tấm ngực lớn che chở cho dân làng lao động chiến đấu và dám đối đầu với những hoàn cảnh khốc liệt nhất.

Bài làm 2
Truyện ngắn “Rừng xà nu” là một tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Trung Thành viết về những con người anh hùng, bất khuất của Tây Nguyên trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Đọc truyện ngắn “Rừng xà nu” cái ấn tượng để lại sâu đậm trong lòng người đọc chính là nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng cây xà nu.
Trước hết cây xà nu hiện lên trong tác phẩm với ý nghĩa tả thực. Nhà văn đã lựa chọn một
loại cây thuộc họ thông, mọc nhiều ở Tây Nguyên có nhựa thơm và gỗ quý để đưa vào tác phẩm của mình. Tác giả miêu tả cây Xà nu ngay ở đầu tác phẩm giúp người đọc ấn tượng ngay từ đầu về vùng đất Tây Nguyên xa lạ, một xứ sở đẹp tươi. Từ chỗ tả thực, rất tự nhiên, cây Xà nu trở thành một biểu tượng. Cây Xà nu trở thành đại diện cho dân làng Xô man và cả Tây Nguyên, do vậy mỗi đặc điểm của cây Xà nu, mỗi sự việc xảy ra với rừng Xà nu đều có thể hiểu theo nghĩa ẩn dụ, tượng trưng.
Nét độc đáo và đặc sắc trong cách miêu tả của Nguyễn Trung Thành là cảnh người luôn soi bóng hòa quyện với nhau tới mức nhìn cảnh ta nghĩ tới người và ngược lại. hình ảnh cây Xà nu với nhiều dáng vẻ đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật về núi rừng trong tư thế hùng vĩ, vững trãi muôn đời. Nó nói lên sức sống bền vững, quật khởi của con người Tây Nguyên bất khuất. Xà nu có quan hệ mật thiết với đời sống hàng ngày của người dân làng Xô man. Xà nu có mặt trong suốt câu chuyện về Tnú và làng Xô man của anh. Ngọn lửa Xà nu cháy ấm áp trong bếp mỗi gia đình. Đống lửa Xà nu rừng rực trong nhà Ưng tập trung dân làng nghe cụ Mết kể chuyện. Khói Xà nu làm đen tấm bản cho Tnú va Mai tập viết… Xà nu cũng tham gia vào những sự kiện quan trọng của làng Xô man. Ngọn đuốc Xà nu trong tay cụ Mết soi đường cho dân làng vào rừng lấy vũ khí. Dân làng Xô man mài giáo mắc dưới ánh sáng của đuốc Xà nu và trong đêm dân làng nổi dậy, lửa Xà nu sáng rực soi xác 10 tên lính giặc nằm ngổn ngang. Xà nu gắn bó và thân thiết như không thể thiếu được trong cuộc sống của dân làng.
Xà nu là biểu tượng về đời sống và phẩm chất của con người làng Xô man. Rừng Xà nu cũng như làng Xôman chịu nhiều đau thương bởi sự tàn phá ác liệt của kẻ thù. Đạn đại bác rót thành lệ mỗi ngày sát thương biết bao cây Xà nu “Cả rừng Xà nu hàng vạn cây, không cây nào không bị thương” giống như thân thể những con người đầy thương tích. Có những cây bị chặt đứt ngang thân minh , đau đớn như cái chết của anh Xút, bà Nhan, của Mai và đứa con vừa đầy một tháng tuổi. Có những cây bị thương, nhựa cây ứa ra tràn trề, chỗ bị thương bầm lại “đen và đặc quyện như máu” giống như nỗi uất hận chôn chặt trong lòng Tnú, trong lòng người Xô man đợi ngày trả thù. Đau thương thế nhưng Xà nu lại có sức sống thật mãnh liệt không gì dập tắt nổi. Nó hào hùng ngay cả trong đơn đau. Đạn đại bác của kẻ thù khoong giết nổi rừng Xà nu. Dưới làn mưa đạn của kẻ thù “Xà nu đổ ào ào như một trận bão”. Nhưng cạnh một cây mới ngã gục, 4-5 cây con mọc lên, nhọn hoắt hình mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Đó là hình ảnh người dân làng Xô man nối tiếp nhau trưởng thành và chiến đấu.
Xà nu là biểu tượng của người dân Tây Nguyên cũng như những con người mang vẻ đẹp của Xà Nu. Cụ Mết tiêu biểu cho ngọn lửa quật khởi của dân làng. Cụ nuôi giữ ngọn lửa cháy khát vọng và tự do và lòng trung thành với cách mạng.. Cụ Mết như cây cổ thụ to lớn, vững trãi “ưỡn tấm ngực của mình che chở cho dân làng”. Tnú như cây Xà nu đã trưởng thành. Từ một cậu bé liên lạc Tnú trở thành cán bộ lãnh đạo dân làng Xô man. Kẻ thù đã bắt được Tnú, dùng giẻ có tẩm nhựa Xà nu đốt 10 ngón tay Tnú. Bàn tay anh mỗi ngón chỉ còn 2 đốt, “nhưng ngón tay còn 2 đốt cũng bắn súng được”. Tnú vẫn vững vàng như cây Xà nu với sức sống bất diệt.
“Không gì mạnh bằng cây Xà nu đất mình”. Không gì mạnh bằng sức sống bất diệt của dân làng Xô man. Mai ngã xuống thì đã có Dít lên thay thế “chị bí thư kiêm chính trị viên xã đội” còn vững vàng hơn cả chị gái mình. Khi bằng tuổi Heng. Tnú chỉ làm liên lạc. Cậu bé Heng bây giờ, vai khoác súng trường tự hào dẫn Tnú đi qua những “ác chiến điểm” đang sẵn sàng tiêu diệt kẻ thù.. Hình tượng chất thơ mang vẻ đẹp chất thơ hoành tráng. Tác giả đã viết những câu văn đẹp, nồng nàn, rực rỡ để tạo hình, tạo hương, tạo ánh sáng và sức sống cho rừng Xà nu. Xà nu được chạm khắc lộng lẫy như một bức tranh tráng lệ. “Những cây Xà nu phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh sáng”. Thứ ánh sáng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng thẩng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra thơm mỡ màng”.
Cuối tác phẩm, hình ảnh rừng Xà nu lại được miêu tả như một điệp khúc. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi Xà nu nối tiếp nhau chạy đến chân trời”. Hình ảnh đẹp và đầy chất thơ tráng lệ, nó như một điệp khúc trong bản nhạc trầm hùng ngợi ca sức sống mãnh liệt và bất diệt của con người Tây Nguyên.
Hình tượng cây Xà nu là một sáng tạo đặc sắc của Nguyễn Trung Thành. Hình tượng đo cho chúng ta thấy sức sống không gì dập tắt nổi của người dân Tây Nguyên. Từ đó chúng ta cũng hiểu con người VIệt Nam đã kiêu hãnh, bền bỉ như thế nào trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

Facebook Google Plus Twitter
Cùng chuyên mục
Tìm hiểu yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận
Tả lại buổi sum họp của gia đình em hoặc gia đình em quen biết
Cảm thụ văn học là gì?
Soạn bài Tổng kết phần tập làm văn lớp 6
Phân tích bài thơ ‘Bếp Lửa’ của Bằng Việt (Bài hay)