I – Gợi dẫn
1. Nguyễn Gia Thiều (1741 – 1798), quê ở làng Liễu Ngạn, tổng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Ông xuất thân trong gia đình đại quý tộc. Cha là Nguyễn Gia Cư, tước hầu, mẹ là công chúa Quỳnh Liên, con gái chúa Trịnh Cương (1707 – 1729). Nguyễn Gia Thiều lớn lên trong sự nuôi dưỡng của nhà Chúa. Lên năm tuổi được chúa Trịnh Doanh đem vào phủ chúa nuôi cho ăn học. Những biến động dữ dội của xã hội phong kiến thế kỉ XVIII đã ảnh hưởng không ít đến tư tưởng của ông. Ông đã chứng kiến sự suy tàn của giai cấp mình ngay trong những cung điện nguy nga của vua Lê chúa Trịnh. Một trong những điều ông được chứng kiến và đã để lại dấu ấn không thể phai mờ là cảnh ăn chơi sa đoạ của vua chúa. Sản phẩm của những ngày sống trong phủ chúa chính là Cung oán ngâm. Khúc ngâm thể hiện nỗi đau đớn của người cung nữ bị ruồng rẫy và cũng là những dấu ấn tâm trạng của Nguyễn Gia Thiều trong những ngày đầy bão tố của cuộc đời.
2. Cung oán ngâm là tác phẩm được viết bằng chữ Nôm của Nguyễn Gia Thiều, gồm 356 câu song thất lục bát, viết về số phận bi kịch của những người cung nữ trong cung vua phủ chúa. Để phục vụ cho thú ăn chơi sa đoạ của vua chúa, hàng ngàn cô gái trẻ đẹp bị đưa vào cung và chôn vùi tuổi thanh xuân ở trong đó. Người cung nữ trong Cung oán ngâm cũng vậy, nàng may mắn được vua sủng ái một thời gian, sau đó, bị ruồng rẫy, nàng phải sống trong cảnh cô đơn, mỏi mòn nhìn tuổi xuân của mình trôi đi trong vô vọng. Đoạn trích diễn tả tâm trạng đau khổ của người cung nữ bị thất sủng. Nàng sống cô đơn giữa bốn bức tường lạnh giá, xót xa cho tuổi xuân hoài phí và than thở một cách uất ức.
3. Cách đọc
Tên đoạn trích (Nỗi sầu oán của người cung nữ) đã là một định hướng cho tình cảm cần thể hiện khi đọc.
– Đọc kĩ các chú thích.
– Đoạn trích viết theo thể song thất lục bát, cách đọc tương tự cách đọc bài Tì bà hành và đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm.
II – Kiến thức cơ bản
Chế độ cung tần ở nước ta có từ thời Tiền Lê, đến thời Trịnh, số cung nữ bị bắt vào đã nhiều hơn rất nhiều vì ngoài cung vua còn có cả phủ chúa. Cung nữ sống rất khổ cực. Họ phải giam mình trong cung cấm, không được giao thiệp với thế giới bên ngoài. Người may mắn thì được vua chúa ngó ngàng tới một hai lần, rồi khô héo trong cung cấm, cũng có rất nhiều người đến bạc đầu vẫn không hề được nhìn mặt vua, họ chết già mà không được biết gì về hạnh phúc lứa đôi. Có rất ít người được sủng ái như Bao Tự, Dương Quý Phi, Đặng Thị Huệ… Chốn hậu cung nảy sinh bao nhiêu vấn đề phức tạp, ẩn chứa đằng sau những gác tía lầu son ấy là những thân phận bi kịch. Cung oán ngâm đã thể hiện niềm thương cảm của Nguyễn Gia Thiều đối với thân phận của các cung nữ. Qua tâm trạng bi thiết của người cung nữ, khúc ngâm đã cất lên lời tố cáo chế độ phong kiến vô nhân đạo, đồng thời cất lên tiếng nói cảm thông sâu sắc đối với khát vọng hạnh phúc của người cung nữ.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng chua chát và cay đắng thốt lên rằng :
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Năm thì mười hoạ chăng hay chớ
Một tháng đôi lần có cũng không
“Năm thì mười hoạ, một tháng đôi lần” còn cay nghiệt đến nhường ấy. Vậy mà người cung nữ trong chốn cung cấm gần như cả đời sống trong vô vọng. Nhiều, rất nhiều người trong số họ cả đời héo hon trong những bức tường thâm u của chốn cung cấm. Thế nhưng dù sao họ cũng không bị dằn vặt như người cung nữ trong Cung oán ngâm, người cung nữ này đã từng được sủng ái, đã từng có những ngày hạnh phúc trong cảnh lứa đôi, nay bị ruồng rẫy, nàng bị những ngày vui vẻ của quá khứ hành hạ. Con người đau khổ nhất là lúc buồn mà phải đối diện với những hồi ức vui. Người con gái thiết tha với cuộc sống, khát khao hạnh phúc yêu đương ấy đã luyến tiếc hạnh phúc quá khứ với vẻ thật tội nghiệp. Nàng vẫn hi vọng, vẫn khắc khoải chờ xe vua – cái bóng hư ảo của hạnh phúc :
Ngày sáu khắc, tin mong nhạn vắng,
Đêm năm canh, tiếng lắng chuông rền.
Ngày đêm trông chờ nối tiếp trông chờ nhưng càng chờ đợi thì càng cô độc. Người cung nữ như bị nhấn chìm trong nỗi cô đơn đang ngập tràn không gian và thời gian. Mùi hương, bóng đèn chẳng làm ấm hơn, sáng hơn mà còn làm tăng cảm giác cô độc. Nỗi đau như vò xé, cào nát tâm hồn người cung nữ tội nghiệp, khiến nàng phải cất lên lời than :
Lạnh lùng thay giấc cô miên !
Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u.
Và hình ảnh một con người tội nghiệp, lay lắt trong nỗi đau bị lãng quên hiện lên thật rõ và đầy oan nghiệt. Tội nghiệp hơn cho nàng là dù biết là vô vọng mà vẫn cứ chờ cứ đợi, thậm chí vẫn còn hi vọng sẽ có ngày vua để ý đến mình. Khi đau đớn vì tuổi xuân trôi đi một cách uổng phí, nàng vẫn cố trang điểm và lo lắng :
Phòng khi động đến cửu trùng,
Giữ sao cho được má hồng như xưa.
Hiện lên rõ nhất trong đoạn trích vẫn là hình ảnh người cung nữ mỏi mòn trong trông ngóng, nàng chỉ đau khổ và chờ đợi, để rồi cô đơn và tuyệt vọng. Một điểm nổi bật về nghệ thuật viết ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều là tài năng lựa chọn và sử dụng các từ ngữ gợi tả cảm giác. Một loạt những từ ngữ như “biếng ngắm”, “buồn trông”, “đứng tủi ngồi sầu”, “than”, “rầu”, “khắc khoải”, “ngẩn ngơ” đã thể hiện được nỗi sầu oán của người cung nữ trong cảnh cô đơn, tủi nhục và trông mong vô vọng :
Tranh biếng ngắm trong đồ tố nữ,
Mặt buồn trông trên cửa nghiêm lâu.
Một mình đứng tủi ngồi sầu,
Đã than với nguyệt lại rầu với hoa !
Buồn mọi nỗi lòng đà khắc khoải,
Ngán trăm chiều, bước lại ngẩn ngơ.
Đoạn thơ cứ lay qua lắt lại cái hình dáng cô độc, buồn tủi đến tội nghiệp của người cung nữ. Nàng mệt mỏi cả thân xác, rã rời cả tâm thần. Cả đoạn trích vẫn một niềm khắc khoải, một hình bóng cô đơn. Nỗi “ngán trăm chiều” đã giày vò tâm hồn người cung nữ. Tội nghiệp nhất là hình ảnh “Đêm năm canh lần nương vách quế”, dường như không còn đủ sức để chống chọi lại nỗi cô đơn nữa, nàng thức trắng đêm và vật vã đớn đau. Cô độc và cay đắng trước sự thật phũ phàng, nàng đã phải buông lời cay đắng : “Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa !”. Hai từ “độc chưa” đay nghiến và cay nghiệt như một cái nghiến răng đầy uất ức và cay đắng. Câu thơ là lời tố cáo đanh thép sự tàn ác của chế độ đa thê, chế độ cung tần tàn bạo thời phong kiến. Chế độ ấy đã cướp đi quyền được hưởng hạnh phúc của bao nhiêu cô gái trẻ đẹp. Chúng không giết con người bằng dao, bằng kiếm, chúng giết con người bằng cách để nỗi cô đơn huỷ hoại tâm hồn họ. Cha ông ta vẫn nói “giết người không dao” để chỉ những hành động giết người tàn bạo nhất. Và những thú ăn chơi trác táng, thói vô tình của những vua chúa phong kiến đã đẩy những người cung nữ tội nghiệp vào tấn bi kịch “dở sống, dở chết” đó. Giữa chốn “phòng tiêu lạnh ngắt như đồng”, những người cung nữ phải giam mình trong cô đơn :
Trong cung quế âm thầm chiếc bóng
Đêm năm canh trông ngóng lần lần.
Nên nàng mới thốt lên lời oán trách :
Khoảnh làm chi bấy chúa xuân !
Chơi hoa cho rữa nhuỵ dần lại thôi.
Và :
Để gầy bông thắm, để xơ nhuỵ vàng !
Người phụ nữ trong xã hội xưa thường ít khi trực tiếp thể hiện tâm sự, nhưng nỗi đau xót và sự tủi hờn đã khiến họ phải thốt ra những điều sâu kín nhất. Đang tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống, đã từng có những ngày vui vẻ cùng “chúa xuân” mà lại rơi vào cảnh chờ đợi đầy bi kịch này nên người cung nữ uất ức và cất lời oán trách. Uất hận trào dâng và nàng phải thốt lên :
Đang tay muốn dứt tơ hồng,
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra !
Tác giả đã đồng cảm và sẻ chia tâm sự u uất cùng người cung nữ, lòng thương cảm đã mang đến sự đồng cảm ấy. Sức sống dồi dào, khát khao mãnh liệt bao nhiêu thì giận hờn và uất hận ngút cao bấy nhiêu. Nàng từng mơ ước cuộc sống lầu son gác tía, từng mải mê với những cuộc vui chốn cung đình, nhưng đến lúc này, trong nỗi cô đơn tuyệt vọng nàng đã phải thốt lên :
Thà rằng cục kịch nhà quê,
Dẫu lòng nũng nịu nguyệt kia hoa này.
Cùng nhau một giấc hoành môn,
Lau nhau ríu rít cò con cũng tình.
Đó là mơ ước giản dị mà chính đáng của mỗi con người. Cả đoạn trích vẫn chỉ có một nội dung được lặp đi lặp lại, đó là tâm trạng cô độc, tuyệt vọng của người cung nữ. Người cung nữ dường như đang cố vẫy vùng để thoát khỏi nỗi cô đơn, nhưng nàng càng cố gắng thì càng tuyệt vọng. Sợi dây oan nghiệt đã thắt chặt lấy thân phận người cung nữ, nàng càng cố gắng thì nó càng thắt chặt hơn.
Nỗi sầu oán của người cung nữ đã cất lên tiếng nói tố cáo tội ác của chế độ đa thê, chế độ cung tần tàn bạo. Đồng thời đoạn trích cũng thể hiện tấm lòng nhân đạo cao cả của tác giả khúc ngâm, người đã rất thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với số phận oan nghiệt của những cô gái đầy khát vọng sống đã không may bị đẩy vào kiếp cung tần, làm trò mua vui cho vua chúa và lúc nào cũng có nguy cơ bị vứt bỏ và mục ruỗng trong cung cấm thâm u.
Cùng toàn bộ khúc ngâm, qua tâm trạng của người cung nữ, đoạn trích đã cất lên tiếng nói đòi quyền sống, đòi sự công bằng cho con người, nhất là người phụ nữ dưới chế độ phong kiến.
Với nghệ thuật miêu tả tâm trạng đặc sắc, tác giả Cung oán ngâm đã góp phần hoàn thiện thể thơ song thất lục bát, đồng thời thể hiện khả năng sử dụng ngôn ngữ điêu luyện và tinh tế.
III – Liên hệ
Nếu Chinh phụ ngâm khúc có nguyên tác bằng chữ Hán và bản dịch Nôm là tiếng nói độc thoại của người chinh phụ về mối “sầu vạn cổ” day dứt triền miên nhưng còn có mức độ thì Cung oán ngâm khúc là tiếng nói độc thoại khác vang lên đầy ai oán, réo rắt và uất hận của người cung nữ tài sắc bị bỏ rơi giữa tuổi hoa niên. Nàng có thời được sủng ái nhưng nhanh chóng bị lãng quên và mối tủi cứ theo ngày tháng mà dâng lên, mà tràn ngập giày vò khôn xiết ! Cảm hứng chủ đạo của khúc ngâm là một sự đày đoạ thê thảm, đúng như Nguyễn Gia Thiều đã có lần nhấn mạnh “Bỗng không mà hoá ra người vị vong”([1]). Người trong cuộc ý thức được một cách sâu sắc rằng : lẽ ra đời mình không đáng khổ mà lại phải chịu đựng mọi mất mát thiệt thòi quá lớn.
Trên nền cái tâm trạng đó, nỗi buồn tủi diễn ra nhiều màu, lắm vẻ làm xúc động lòng người của nhiều thế hệ.
Đoạn trích trên đây là một khoảnh khắc của đời người cung nữ.
Đoạn thơ chủ yếu nói về một cảnh đêm. Là tâm trạng cung nữ diễn ra trọn cả đêm “Đêm năm canh lần nương vách quế”. Ta cần biết thêm : Không phải là lần duy nhất tác giả viết về cảnh đêm. Xuyên suốt tác phẩm, lúc được sủng ái cũng như khi đã là “cái thân câu chõ”, người cung nữ thường mượn đêm để kí thác tâm sự và cảnh ngộ vui buồn của mình. Nào là “Cái đêm hôm ấy đêm gì – Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng” ; “Thừa ân một giấc canh tà”… thoả mãn khát vọng về hạnh phúc ái ân của thời vàng son. Tiếp theo là vô số cảnh đêm trong cung lạnh : “Trong cung quế âm thầm chiếc bóng – Đêm năm canh trông ngóng lần lần” ; “Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ” ; “Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền” ; “Đêm năm canh lần nương vách quế” ; “Khi bóng nguyệt chông chênh trước ốc” ; “Đêm phong vũ lạnh lùng có một”, v.v… là những đêm cô đơn và ảo não.
Chúng ta đã từng thấy những đêm dài mong nhớ : “Thức mây đôi lúc nhạt nồng – Chuôi sao Bắc Đẩu thôi đông lại đoài” (Chinh phụ ngâm) ; bao đêm trằn trọc thao thức “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom – Oán hận trông ra khắp mọi chòm” (thơ Hồ Xuân Hương), thậm chí thảng thốt vật vã “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh – Giật mình mình lại thương mình xót xa” (Truyện Kiều)… Hẳn là các nhà thơ cổ điển thường chọn thời điểm này để cho nhân vật trữ tình dễ bộc lộ tâm sự ?
Bút pháp tả tình của Ôn Như([2]) “Thiên đoàn bách luyện, ngữ ngữ kinh nhân” (Lí Văn Phức) (Trăm nghìn lần tôi luyện, mỗi câu đọc lên nghe đến ghê người) tạo nên một ấn tượng hết sức réo rắt, bức xúc về một đòi hỏi gay gắt quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc lứa đôi.