Đặc điểm của văn bản nghị luận

22.09.2014
Huy Nguyễn

Đặc điểm của văn bản nghị luận

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

Mỗi bài văn nghị luận đều phải có luận điểm, luận cứ và lập luận.

1. Luận điểm là gì?

a) Trong bài văn Chống nạn thất học, Bác Hồ đã vạch rõ tình trạng dân trí chung của xã hội ta từ đó đề cập đến việc cần thiết phải học tập, kêu gọi mọi người cùng học tập. Đây chính là luận điểm chính của bài văn, luận điểm này được thể hiện ra bằng những câu cụ thể:

– “Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí”

– “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.”

Đây chính là những câu mang luận điểm chính của bài văn. Đọc những câu này, người đọc có thể hiểu được nội dung cơ bản của cả bài văn, nắm được tư tưởng, quan điểm của tác giả. Các nội dung khác của bài văn xoay quanh, tập trung thể hiện những luận điểm này.

Như vậy, có thể hiểu luận điểm là những ý chính của bài văn nghị luận.

2. Luận cứ

– Ở bài văn Chống nạn thất học, để làm rõ các luận điểm, tác giả đã làm những gì?

– Tác giả đã làm rõ luận điểm của bài viết bằng những lí lẽ và dẫn chứng nào?

Luận điểm chỉ có thể thuyết phục được người đọc khi nó có các lí lẽ sáng rõ, đúng đắn, dẫn chứng chân thực làm cơ sở. Có thể thấy điều này khi phân tích hệ thống các lí lẽ và dẫn chứng của bài văn Chống nạn thất hoc:

– Trước Cách mạng tháng Tám, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân ta phải chịu cảnh thất học, mù chữ (dẫn chứng: thực dân Pháp thi hành chính sách ngu dân, hạn chế mở trường học; 95 phần trăm người dân Việt Nam không biết chữ);

– Nay đã dành được độc lập; để xây dựng đất nước thì không thể không học, mọi người phải biết đọc, biết viết;

– Biến việc học thành việc làm rộng khắp, với các hình thức cụ thể có thể áp dụng mọi lúc, mọi nơi (dẫn chứng: Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ đồn điền, chủ hầm mỏ, nhà máy thì mở lớp học cho những tá điền, những người làm của mình…, phụ nữ …, thanh niên…)

3. Lập luận

Các luận cứ (lí lẽ và dẫn chứng) trong bài Chống nạn thất học được trình bày như thế nào? Tác giả đã nêu, dẫn dắt từ luận cứ đến khẳng định luận điểm ra sao?

Gợi ý: Chú ý trình tự trình bày các luận cứ:

Dân ta 95 phần trăm mù chữ à muốn xây dựng đất nước thì phải có kiến thức à phải biết đọc, biết viết à bằng mọi cách để học đọc, học viết à phụ nữ càng phải học à thanh niên phải tiên phong trong việc chống nạn thất học

Cách nêu luận cứ để dẫn dắt đến luận điểm được gọi là lập luận.

II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

Tóm tắt luận điểm chính, luận cứ, cách lập luận của văn bản Cần tạo ra thói quen tốt trong đời sống xã hội (Bài 18).

Facebook Google Plus Twitter
Cùng chuyên mục
Phân tích vẻ đẹp tính cách và tâm hồn nhân vật Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam
Dựa vào văn bản Bức tranh của em gái tôi, hãy miêu tả lại hình ảnh người em gái theo trí tưởng tượng của em
Phân tích đoạn trích “Chị em Thuý Kiều” để thấy rõ “Với bút pháp tinh diệu, Nguyễn Du không những xây dựng lên hai chân dung “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười” mà dường như còn nói được cả tính cách, thân phận…toát ra từ diện mạo của mỗi vẻ đẹp riêng”
Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật (tiếp theo)
Nghị luận xã hội về căn bệnh vô cảm