Trong những năm gần đây, Bộ Giáo Dục và Đào tạo luôn thực hiện ra đề thi Đại học và thi tốt nghiệp môn Ngữ văn theo hướng mở để đánh giá được năng lực và phân loại trình độ của học sinh. Điều này tạo điều kiện để nhiều học sinh có khả năng vận dụng được những hiểu biết thực tế vào bài viết của mình cho sinh động và hấp dẫn người đọc. Nhiều bài viết được đánh giá cao khi nó đã thể hiện được cái tôi của người viết, quan điểm nhân sinh quan về cuộc sống đời thường, về cách nhìn nhận của giới trẻ trong cách ứng xử và thể hiện quan niệm sống. Cách ra đề này góp phần giảm tình trạng học vẹt, học tủ của nhiều học sinh hiện nay.
Theo cấu trúc đó, một bài văn Nghị luận xã hội thường chiếm 3 điểm trong tổng số 10 điểm của bài làm môn Ngữ văn dù là trong kì thi Đại học hay thi Tốt nghiệp. Tuy dung lượng phần này không lớn nhưng nó cũng góp phần không nhỏ tạo nên điểm số cao cho nhiều bài thi, vì vậy nhiều bạn xem đây là phần “gỡ điểm”. Để các bạn học sinh có cách học tập hiệu quả hơn với môn Ngữ văn đặc biệt là phần Nghị luận xã hội, dưới đây là những chia sẻ về cách học và làm dạng bài này.
Thứ nhất, cần xác định được dạng bài Nghị luận phù hợp.
Dạng đề Nghi luận xã hội được chia làm 2 nhóm đề chính là Nghị luận về một Tư tưởng đạo lý và Nghị luận về một hiện tượng xã hội. Vì vậy, trước khi tiến hành lập dàn ý chung cho bài làm, học sinh cần xác định đề bài thuộc loại nào để có định hướng chung cho bài viết.
Thông thường, Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý đề cập tới những vấn đề liên quan tới đạo đức làm người, quan niệm về một lối sống, một ý kiến bàn về quan điểm sống của các nhà tư tưởng lỗi lạc (Tư tưởng uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, sống đẹp, nhân nghĩa trong đạo làm người…). Việc xác định đề là điều kiện quan trọng để giúp bạn hình dung được toàn bộ hướng đi của bài viết, tránh được lỗi sai làm lạc đề thường mắc phải của nhiều bạn học sinh khi làm. Dấu hiệu để nhận dạng nhất của loại đề này đó là nó thường là những câu nói trực tiếp để trong ngoặc kép của các danh nhân nổi tiếng hay là một câu thơ, một ý kiến trích dẫn trong tác phẩm văn học… Các bạn cần nhanh ý nhận ra những điểm khác biệt này để có thể xác định đúng dạng bài cần làm.
Đối với dạng đề Nghị luận về một hiện tượng xã hội, bạn cũng không cần quá lo lắng, dạng đề này khá phổ biến và nó cũng được đề cập tới nhiều trong cuộc sống hằng ngày như: gian lận trong thi cử của học sinh hiện nay, vấn đề tai nạn giao thông, bạo lực học đường, thanh niên và quan điểm về sống thử, văn hóa thần tượng…Có thể nói đây là dạng chung mà nhiều năm gần đây Bộ giáo dục đã hướng đến để học sinh tiếp cận trong những mùa thi. Để làm được dạng bài này đạt kết quả cao, nó đòi hỏi học sinh phải có vốn hiểu biết nhất định về thực tế xã hội, như vậy, bài văn viết ra sẽ chân thật, có sức lôi cuốn thực tế.
Thứ hai, bài viết phải đảm bảo đúng bố cục.
Dù bài văn thuộc bất cứ dạng đề nào trong hai loại trên đây thì nó vẫn phải đảm bảo đầy đủ bố cục 3 phần là Mở bài (Đặt vấn đề), Thân bài(Giải quyết vấn đề) và Kết luận( Kết thúc vấn đề).
Việc duy trì bố cục này sẽ giúp bạn đảm bảo được về mặt hình thức cho bài viết của mình. Trong trường hợp khi hết giờ làm bài mà bạn vẫn chưa giải quyết xong phần thân bài thì bạn cũng nên nhanh chóng chuyển sang làm phần kết bài để tránh tình trạng thiếu về bố cục bài viết của mình.
Phần Mở bài: cần trình bày được vấn đề đặt ra trong bài làm (nội dung đề bài) để người đọc có thể biết được bài làm của bạn đề cập tới nội dung chính nào, tránh tình trạng mở bài dài nhưng không đúng chủ đề hay làm lạc đề. Cần có phần dẫn dắt nhất định để đi vào bài một cách tự nhiên, tránh gò bó, gượng ép gây cảm giác khó chịu cho người đọc. Theo đánh giá chung, mở bài sáng tạo, tự nhiên thường được đánh giá cao và gây ấn tượng đầu tiên đối với người chấm bài.
Phần Thân bài: được xem như phần làm chính, phần xương sống của cả bài viết bởi nó làm nhiệm vụ giải quyết những vấn đề chính của đề bài đặt ra. Phần này thường trả lời cho các câu hỏi: Vấn đề đó nghĩa là gì? Vấn đề là đúng hay sai, tại sao? Trong thực tế cuộc sống, nó diễn ra phổ biến như thế nào? Cần làm gì để phát huy những mặt tốt và hạn chế những tiêu cực (nếu là mặt xấu) đó trong xã hội hiện nay? Bạn cần làm gì và làm như thế nào để góp phần hiện thực hóa nó vào trong thực tế? Đây là những yêu cầu cơ bản trong việc viết một thân bài của bài dạng Nghị luận xã hội.
Đối với dạng văn Nghị luận về một hiện tượng xã hội, bạn cần có những ví dụ thực tế, liên hệ thực tiễn và có số liệu chứng minh (nếu cần) để bài viết thêm sinh động hơn.
Phần Kết bài: tuy ngắn nhưng nó có vai trò vô cùng quan trọng vì nó khép lại vấn đề mà cả bài viết bài đang đề cập tới và mở rộng ra những ý kiến cá nhân nhằm làm người đọc có những liên tưởng rõ hơn về cả bài viết của bạn.
Thứ ba, cần có những nhận xét, đánh giá của bản thân và mở rộng vấn đề.
Tuy điều này không được nhiều bạn chú ý tới nhưng nó lại là tiêu chí quan trọng để thầy cô xem xét về hiểu biết của bạn đối với thực tế cuộc sống. Nhưng phần này cũng không nên quá dài dòng vì nó cũng có thể khiến bạn làm sai đề, lạc hướng mà cần viết ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Để làm tốt phần này, cách tốt nhất dành cho bạn đó là bạn nên tham khảo nhiều sách, báo, tạp chí hay các phương tiện truyền thông, thực tế cuộc sống để dễ lấy ví dụ nhất (Chẳng hạn về vấn đề tai nạn giao thông hay chuyện sống thử của giới trẻ hiện nay…). Bạn có thể trích dẫn thơ hoặc các ý kiến đánh giá có cơ sở để làm bài viết của mình sinh động hơn.
Điều quan trọng dành cho bạn đó là bạn nên làm nhiều đề để luyện khả năng viết mạch lạc, chính xác và nâng cao việc nhận dạng đề và lập dàn ý cho mình. Sau khi viết cần kiểm tra lại cả bài làm để tránh những sai sót không đáng có gây mất điểm.
Trên đây là một số chia sẻ giúp bạn có những tham khảo, bổ sung vào kỹ năng học tập của mình phục vụ cho kỳ thi Tốt nghiệp và thi vào Đại học sắp tới môn Ngữ văn. Chúc các bạn thành công!