Tư Âm Nguyễn Ðoài Sĩ, người làng Ðoài Xá, phủ Dạ Trạch tên tục là Nguyễn Lại, con nhà khá giả, được bố mẹ nuông cưng từ nhỏ, rồi cho sang làng bên theo thầy học đạo, vì thế cũng võ vẽ vài ba chữ thánh hiền, bụng thuộc dăm bảy câu thi phú, mà tự biểu là thế. Âu cũng là sính chữ đua đòi gọi hiệu cho sang.
Lớn lên, nhờ vãi tiền khắp trên dưới, vả lại khí chất cũng nhanh nhẹn nên lọt được vào phủ đường làm chân thư lại cỏn con, giúp việc kiện. Năm hai mươi tuổi lấy vợ. Vợ tên là Lý Hòa Liên, người cùng làng, phốp pháp, trắng, xinh xẻo. Trời phú cho thị họ Lý những bộ phận đàn bà có sự hơn người, với lại cũng biết cách chiều chồng, ăn ở mặn mà nên Nguyễn Lại yêu mê mệt. Trừ những lúc lo việc ở phủ đường, thời gian còn lại, chàng quấn quít bên vợ, ân ái say đắm. Ngày tháng qua đi êm ả, no đầy và dễ chịu. Cuộc sống yên vui tưởng như không có đáng lo nữa.
Một ngày nọ, gia đình họ Nguyễn gặp đại tang. Thân sinh chàng trúng cảm, qua đời ở tuổi năm mươi. Làm xong đạo hiếu, chàng vô cùng rẫu rĩ. Buồn vì mất bố là một lẽ. Nhưng chàng còn sợ hãi khi nghĩ rằng một ngày nào đó, đến lượt chàng lại cô lẻ nằm trơ trọi ngoài cánh đồng trống lạnh, mọi phú lộc làm ra, sự sung sướng trời ban đều không được hưởng nữa. Từ đấy chàng đâm ra lo buồn. Ðêm nằm thao thức nghĩ ngợi.
Một tối, người vợ quào chân sang hỏi:
– Chẳng hay chàng có điều gì khó ngủ?
– Ta thấy tạo hóa vô lý quá, hà cớ gì con người cứ phải chết? – chàng rầu rầu hỏi lại.
– Sự ấy có gì lạ. Sinh, lão, bệnh, tử, ai ai cũng phải chịu cái vòng ấy.
Chàng thở dài mà rằng:
– Than ôi, giá mà cứ được sống thế này mãi mãi.
Người vợ cười lớn rồi kéo khuôn mặt thẫn thờ của chàng mà áp vào bộ ngực trần phây phây quá cỡ nóng ran của thị.
– Thiếp nghĩ rằng, đã được sống thế này, có chết cũng thỏa.
Nói rồi, quờ tay tìm vật báu trên người chàng. Nguyễn Lại lịm đi. Nhưng càng hạnh phúc, càng sung sướng, chàng càng sợ chết, càng ham sống.
Tuy ngày ngày đi vợ tiễn, về vợ đón, cơm nóng canh ngọt, ủ ấp hằng đêm, chàng cứ thấy buồn buồn canh cánh một nỗi lo sợ. Ðêm nằm cạnh vợ chàng thường thở dài thườn thượt mà tự hỏi: Tại sao con người không sống mãi để hưởng cho hết lộc trời?
Một hôm, dịp ấy đang là mùa xuân, cây cỏ đâm chồi nẩy lộc khoe sắc, người người hớn hở, rạng rỡ mặt mày, nơi nơi chốn chốn tưng bừng mở hội, chàng vẩn vơ ra phố ngắm cảnh. Chợt, lúc đó có một cụ già râu tóc bạc phơ từ phía trước hớt hải đi tới. Và có lẽ vì vội vã, cụ va phải Nguyễn Lại, đánh rơi cây thiền trượng.
Chàng cúi xuống nhặt lên, lễ phép hỏi:
– Ðang là ngày vui, có việc gì mà cụ phải gấp vậy?
Ông già nói:
– Quí khách không rõ ư? Ta sợ chậm chân. Ðã đến dịp ta phải có mặt để nghe giảng đạo.
Họ Nguyễn bèn hỏi:
– Thưa, xin cụ cho biết cụ người ở đâu tới? Và cụ đi thụ đạo ở nơi nào?
Cụ già nhìn về phía dãy núi xa mờ trước mặt, nói:
– Ta người Thanh Liêm thuộc phủ Ðổng Quốc, hôm nay lên núi Phù Tiên để nghe Ðức Ðồng Chân Nhân Ðại Ðạo truyền thụ phép trường sinh bất tử.
Họ Nguyễn nghe vậy cả mừng, nghĩ rằng phải chăng đã tới lúc trời giúp, liền xoắn xít hỏi:
– Thưa, con hỏi khá đường đột, những người như con muốn thụ đạo trường sinh liệu có được?
Ông già nhìn từ đầu đến chân viên thư lại, rồi nói:
– Ðược! Nhưng quí khách đã nghĩ chín chưa?
Nguyễn Lại đáp ngay:
– Dạ thưa, đó là điều tâm niệm của con bấy lâu nay mà con chưa có dịp – Chàng khẩn khoản – Mong cụ rộng lòng giúp cho, ơn này trời biển, con không dám quên.
Ông già nói:
– Ðạo là việc của trời ban cho mọi người. Ta vân du cùng khắp thiên hạ cũng là đạ thu nạp môn đệ cho Ðức Ðồng Chân Nhân Ðại Ðạo, dám đâu từ chối một ai.
Nguyễn Lại bàn quỳ xuống vái ông già:
– Vạn phúc cho con quá! – Rồi hỏi: Con muốn báo cho vợ con là Thị Liên biết, chẳng hay có tiện?
Ông già nhìn ra xa, nói:
– Còn quyến luyến bụi trần, e rằng khó đắc đạo! Nếu thành tâm, xin đi ngay kẻo chậm.
Nguyễn Lại không chút đắn đo, liền khấp khởi bám gót ông già. Chẳng mấy lúc hai người ra khỏi phố phủ.
Tối ấy Thị Liên không thấy chồng về, chẳng rõ đã xảy ra cơ sự gì, chỉ biết tựa cửa ngóng ra. Ngày một ngày hai vẫn bằn bặt. Thị liền bỏ nhà, cất công dò hỏi. Nhưng tìm kiếm khắp, vẫn chẳng một tung tích của chồng. Thị buồn bã, vật vã khóc lóc, rồi cuối năm ấy, không thể thiếu vắng được đàn ông, bèn đi lấy người khác.
Nói về Nguyễn Lại, sau khi ra khỏi phủ, cảm thấy đôi chân mình nhẹ tênh liền bước gấp theo cụ già như bay. Ðêm hôm đó, hai người đến chân núi Phù Tiên. Ông già dẫn Nguyễn Lại đi men theo con đường mòn. Ðến một cửa hang sau lưng chừng núi thì dừng lại. Họ Nguyễn ngước lên thấy hàng chữ “Ðức Ðồng Ðại Ðạo Tôn miếu” lấp lánh ánh vàng thì mừng lắm. Hai người bước qua cửa, chỉnh đốn lại áo mũ, rồi theo hành lang rộng, đi vào. Phía cuối hành lang, thấy tỏa ra ánh hào quang rực rỡ. Ðến cửa thứ hai, cụ già ra hiệu cho Nguyễn Lại dừng bước. Bốn tiểu đồng nhận ra ông già liền vào trong bẩm báo. Ðức Ðồng truyền cho dẫn hai người vào. Ông già cùng Nguyễn Lại đi sâu vào Tôn miếu. Tới nơi, thấy Ðức Ðồng Chân Nhân Ðại Ðạo đang tọa trên sập vàng. Xung quanh, lung linh ngũ sắc, hương khói thơm lừng. Ông già quỳ xuống, Nguyễn Lại quỳ theo.
Chân Nhân Ðại Ðạo chỉ Nguyễn Lại và hỏi:
– Người này là ai?
Ông già đáp:
– Thưa Ðức Ðồng, đây là họ Nguyễn, phủ Dạ Trạch muốn làm môn đồ theo học pháp trường sinh.
Chân Nhân Ðại Ðạo nói:
– Pháp trường sinh phải dày công tu luyện, người có kiên tâm không?
Viên thư lại vội vàng thưa:
– Con kiên tâm!
– Liệu có quên được chuyện đời?
– Dạ, con quên được, xin Ðức Ðồng cho thụ giáo.
– Ðạo của ta không được vương vấn trần ai, ta thấy ngươi thành tâm, ta chấp nhận.
Nguyễn Lại liền vái tạ.
Từ hôm ấy, họ Nguyễn ăn chay, ngày ngày ngồi cạnh vân sàng của Ðức Ðồng Chân Nhân Ðại Ðạo nghe giảng, tụng kinh… Tháng nọ nối năm kia, chỉ một chu trình: ăn, đọc kinh, buổi chiều đi dạo quanh sườn núi. Thấy công việc lặp đi lặp lại một cách đơn điệu tẻ nhạt, họ Nguyễn đâm ra chán, nhớ nhà, nhớ vợ. Nhưng cũng chỉ là nghĩ trong bụng mà không dám lộ ra. Việc đàn hương đọc kinh vì thế có phần sao nhãng. Ðược thụ pháp trường sinh như mơ ước của chàng, nhưng Nguyễn Lại bắt đầu chán nản. Chàng thấy cuộc sống xưa kia của chàng mới thú vị làm sao! Và vì vậy chàng luôn bị cảnh giường chiếu cùng vợ ám ảnh. Ðêm đêm chàng trở mình, giấc ngủ chập chờn. Rồi chàng nghĩ: thà được sống như trước đây, bên vợ một hôm rồi chết còn hơn “trường sinh” một cách nhàm chán ở chốn này.
Vào một ngày nọ, cũng là tiết xuân, Nguyễn Lại cùng tiểu đồng đi vãn cảnh. Chợt nghe nhiều tiếng cười dưới chân núi vọng lên, liền dừng lại. Dưới đó, hội xuân đang kỳ rộ. Chỗ này kéo co, múa lân. Chỗ nọ đánh vật, quay đu. Náo nức, vui vầy. Nguyễn Lại dừng mắt lâu bên một cây đu. Nơi ấy, một trai một gái, quần nâu váy lĩnh đang quấn lấy nhau mà nhún. Váy người con gái tốc cao, lộ rõ cặp đùi trắng. Nguyễn Lại vội quay mặt, thở dài. Hôm sau, một mình chàng ra chỗ cũ, trông xuống. Ngày trước, mình cũng được sống vui vẻ như họ, chàng chợt nghĩ, và hình ảnh Thị Liên lại hiện ra. Ðêm đó, về đến Tôn miếu chàng bỏ cơm.
Hôm thứ ba, chàng dậy sớm, ăn mặc gọn gàng và xăm xăm lẻn xuống núi. Những tiếng cười trong trẻo của đám con trai con gái và sự trêu đùa của họ khiến chàng vui thú. Chàng lẫn vào đám đông đi hội lúc nào không hay.
Quê nhà cũng đang vào xuân, ta thử về đó một lần xem sao! Nghĩ vậy, chàng liền cất bước.
Quê hương khác xưa nhiều quá! Chàng có rõ đâu rằng một năm trên núi Phù Tiên là mấy chục năm nơi cõi đời – Chàng lạ lẫm như Từ Thức về làng. Chàng dò hỏi mãi, vẫn chẳng một người rõ Thị Liên là ai. Tới một ngôi nhà nọ, gặp bà cụ đã trên bảy mươi tuổi, tóc bạc trắng nhưng lại có những nét quen quen, chàng ngờ ngợ hỏi thăm. Bà lão không trả lời, chăm chú nhìn chàng rồi ngạc nhiên hỏi lại:
– Người là… có phải Thư Âm Nguyễn Ðoài Sĩ… Ngày xưa?
– Thưa, cụ là…
– Tôi là… Lý Hòa Liên.
Nguyễn Lại thất kinh, khuôn mặt méo xệch, liền hét to một tiếng, và chàng choàng tỉnh, trong lòng vô cùng sợ hãi. Thì ra đó là một giấc mơ.
– Có gì khiến chàng run rẩy vậy? – Người vợ bật dậy, ái ngại nhìn chàng và hỏi.
Nguyễn Lại ra khỏi giường, giật khăn thấm mồ hôi đang ướt đầm trán, rồi ngồi xuống, thở, và hổn hển kể lại mọi việc với vợ.
Thị Liên nghe xong cả cười, bèn thốc váy, phủ kín khuôn mặt chàng thư lại…