Tác Giả: Nguyễn Nhật Ánh.
Tình trạng: Hoàn thành.
Post bởi: HaySo1.Vn
*********************
Chương 1:
Tiếng chổi quét loạt soạt vọng lên từ dưới sân làm Nhiệm thức giấc. Anh quay đầu nhìn sang bên cạnh, thấy Chuyên và Mẫn vẫn còn ngủ. Trù trừ một lát, Nhiệm lại nằm yên. Một buổi sáng chủ nhật thong thả như thế này mà dậy sớm thì quả là uổng phí, Nhiệm nghĩ vậy và lười nhác đưa mắt nhìn qua cửa sổ, ngắm những trái dầu khô vừa rơi vừa quay tít trong không khí mỗi khi có một làn gió thổi qua.
Bây giờ, Nhiệm mới để ý đến tiếng chổi. Cứ mỗi lần gió thổi mạnh, vô số trái dầu rụng xuống là tiếng chổi lại vang lên một cách vội vã và hậm hực khiến Nhiệm bật cười.
Và bỗng như sực nhớ đến chuyện gì trọng đại, Nhiệm vội vàng ngồi bật dậy, nhảy tót xuống khỏi giường và chạy ra lu nước phía sau súc miệng, rửa mặt. Sau khi nhúng qua loa cái đầu bờm xờm vào thau nước, Nhiệm lấy khăn lau tóc và ra ngồi trước bàn “tân trang” lại “nhan sắc”. Soi mặt vào chiếc gương nhỏ nứt một đường dài, Nhiệm bắt đầu tỉa tót. Với chiếc lược không ngừng xoay ngang xoay dọc trên tay, anh đánh vật với mái tóc khốn khổ của mình một hồi mới bắt được những sợi tóc chỉ thiên bướng bỉnh kia tạm thời nằm ép xuống với một vẻ khép nép giả tạo. Bao giờ cũng vậy, cái rừng tóc rễ tre kia chỉ giả vờ vâng lời Nhiệm, chúng nằm đợi chừng nào thứ dầu gội đầu H2O của Nhiệm bốc hơi hết là lại nhất loạt xù lên như rừng chông biên giới. Nhiệm biết vậy nhưng anh mặc kệ. Khoác vội chiếc sơ mi tươm tất vào người (phía dưới vẫn trang bị sơ sài bằng… quần đùi), Nhiệm nhô người lên khỏi cửa sổ nhằm trình diễn một bức ảnh bán thân vô cùng lịch sự, được trang điểm thêm bằng một nụ cười duyên dáng.
Người con gái vẫn cắm cúi quét sân, không hề biết đến những diễn biến phức tạp đang xảy ra trên cao.
Từ cửa sổ căn gác, thần tình ái áo sơ mi quần đùi hắng giọng gọi:
– Sương!
Cô gái dừng chổi, ngó lên:
– Anh gọi tôi?
Nhiệm nheo mắt, cười cười:
– Thì gọi Sương chứ gọi ai!
Cô gái tỏ vẻ ngạc nhiên:
– Anh gọi tôi có việc gì không?
– Sương dễ thương quá!
– Xí!
Cô gái cau mặt “xí” một tiếng rồi cúi xuống quét sân tiếp. Những gói thuốc rỗng, những chiếc lá vàng, những trái dầu khô bị đùa mạnh dưới từng nhát chổi. Ý chừng cô gái không hài lòng, Nhiệm đoán vậy. Đắn đo một lát, anh lại gọi:
– Sương!
Nhưng cô gái không ngẩng đầu lên.
– Sương! – Nhiệm vẫn gọi.
Cô gái tiếp tục giả điếc.
Nhiệm vẫn kiên trì:
– Ngó lên nói cái này cho nghe nè!
Lần này thì cô gái không thể làm ngơ. Sương ngó lên, giọng nghiêm nghị:
– Nói đàng hoàng à nghen!
Nhiệm cười:
– Ừ, đàng hoàng!
– Vậy nói đi!
Chỉ đợi có vậy, Nhiệm nói liền:
– Chiều nay Sương rảnh không?
Sương lắc mái tóc:
– Không.
– Chiều chủ nhật làm gì không rảnh?
– Giặt đồ, nấu cơm.
– Vậy chiều mai?
– Không luôn.
– Chiều mốt?
– Cũng không.
Nhiệm nhăn mặt:
– Sương khó quá!
– Ừ, tôi vậy đó!
– Khó quá sẽ ế chồng.
– Kệ tôi.
Không biết làm sao, Nhiệm đành chép miệng:
– Tiếc quá!
Sương thản nhiên:
– Gì đâu mà tiếc?
Nhiệm nhún vai:
– Tiếc chứ! Tưởng Sương rảnh, chiều nay rủ Sương đi xem phim. Phim hay lắm!
– Anh rủ người khác đi!
– Người khác thì nói làm gì. Tôi chỉ muốn rủ Sương.
– Hứ.
– Gì mà “hứ”?
– Ai mà thèm đi xem phim với anh.
Nhiệm cười:
– Sao vậy? Bộ tôi vô duyên lắm hả?
– Chứ gì nữa!
Nhiệm nhún vai:
– Chắc Sương quáng gà hay sao ấy chứ! Ai cũng bảo là tôi có duyên, chỉ có Sương là nói ngược lại.
– Thôi đi! Không quen biết tự dưng rủ người ta đi xem phim mà bảo là không vô duyên!
Nhiệm đưa hai tay lên trời:
– Trời đất, láng giềng với nhau mà bảo không quen biết! Tôi chẳng biết tên Sương là gì!
Sương lạnh lùng:
– Nhưng tôi thì không biết tên anh.
Nhiệm gãi đầu:
– Cái đó là lỗi ở Sương. Tên tôi dễ nhớ lắm. Tôi tên Chuyên.
Vừa ba hoa dứt câu, Nhiệm bỗng giật mình khi nghe một giọng nói dõng dạc vang lên sau lưng:
– Nè, nè, không có mạo danh ẩu à nghen!
Hóa ra từ nãy đến giờ sự tán tỉnh ồn ào của Nhiệm đã đánh thức Chuyên và Mẫn dậy. Cả hai không buồn lên tiếng mà bấm bụng nhịn cười theo dõi “trò khỉ” của Nhiệm. Chỉ đến khi nghe Nhiệm mạo tên mình, Chuyên mới lên tiếng can thiệp.
Thấy âm mưu bị bại lộ, Nhiệm đành quay mặt ra cửa sổ, cười cười:
– À, à, tôi xin giới thiệu lại. Tôi tên Nhiệm.
Sương thắc mắc:
– Sao khi nãy anh bảo anh tên Chuyên?
– Tôi lộn.
– Tên mình mà lộn?
– Ừ, tính tôi vậy. Tôi lộn hoài.
– Xạo.
– Thật mà. Tôi hay lộn tên tôi với tên bạn tôi lắm.
– Bạn anh đâu?
– Hắn đây nè!
Vừa đáp, Nhiệm vừa quay đầu nháy mắt với Chuyên:
– Người đẹp hỏi thăm mày kìa! Ra đi!
Chuyên vẫn ngồi yên trên giường:
– Người đẹp của mày thì mày nói chuyện. Đâu phải người đẹp của tao.
Nhiệm đành phải quay ra:
– Hắn không chịu xuất hiện.
Sương nhún vai:
– Kệ anh ta! Tôi đâu có cần chiêm ngưỡng bạn anh.
Nhiệm khịt mũi:
– Nhưng tôi thì lại muốn giới thiệu bạn bè với… người yêu của mình!
Trước lối ăn nói bặm trợn của Nhiệm, Sương đỏ mặt “hứ” một tiếng rồi cúi xuống tiếp tục… quét.
Nhiệm vẫn không buông tha:
– Sương!
Chỉ có tiếng chổi loạt soạt trả lời anh.
– Bộ hỏi tên người ta rồi làm lơ hả?
Sương vẫn cắm cúi quét.
– Chiều nay đi xem phim chứ?
Im lặng.
Biết không thể dai… hơn đỉa được nữa, Nhiệm tính quay vào thì bỗng dưng Sương ngước lên. Nhiệm mừng quýnh:
– Gì đó Sương?
Nhiệm chắc mẩm là Sương nói chuyện đi xem phim, ai dè Sương nói chuyện khác:
– Mấy anh ăn ở mất vệ sinh quá!
Nhiệm chưng hửng:
– Nè, nè, không phải thấy người ta nhiệt tình rủ đi xem phim rồi muốn xài xể cách sao cũng được à nghen!
Sương chỉ tay vào đống rác vừa gom lại:
– Chứ ai hút thuốc xong ném vỏ xuống đây?
Nhiệm giả bộ ngây thơ:
– Ai biết! Tôi đâu có hút thuốc. Đây chắc là “thành tích” của tên Chuyên và tên Mẫn.
Sương đang định hạch sách tiếp thì bỗng thấy một cái đầu khác nhô lên khung cửa. Cái đầu nói:
– Đừng có nghe lời hắn. Hắn chuyên môn ném vỏ thuốc lá qua cửa sổ.
Sương không biết cái đầu đó tên Chuyên. Cô chưa kịp nhìn kỹ thì Nhiệm đã đẩy Chuyên ra:
– Đi súc miệng rửa mặt đã mày! Trình diện với người đẹp mà mặt mày trông phát ớn.
Rồi Nhiệm vuốt tóc mình:
– Phải tươm tất như tao đây nè!
Đang bốc phét bỗng Nhiệm giật mình nhận ra những sợi tóc phản chủ của mình đã dựng đứng lên tự lúc nào. Hoảng hốt, Nhiệm vội ngồi thụp xuống khỏi cửa sổ:
– Chết mẹ!
Điệu bộ lóng ngóng của Nhiệm khiến Mẫn cười hích hích.
Nhiệm trợn mắt: – Cười chọc quê hả mày?
Mẫn vừa cười vừa nói:
– Tao cười là cười mày kém thông minh. Lần sau, khi nói chuyện với “em”, mày nhớ đội mũ.
Nhiệm gật gù:
– Ý kiến hay đấy!
Chuyên xen vào:
– Hay thì hay, nhưng theo tao, mày không nên áp dụng.
– Sao vậy?
– Mày để đầu trần, các em dễ “mê” mày hơn.
Nhiệm liếm môi:
– Thật không?
Chuyên nheo mắt:
– Tao xạo mày làm gì! Tâm lý các em thường thích những mái tóc bàn chải như mái tóc của mày.
Nhiệm bán tín bán nghi:
– Tâm lý gì lạ vậy?
Chuyên tỉnh bơ:
– Có gì đâu mà lạ! Em nào giặt đồ mà chẳng cần… bàn chải.
Mẫn ngồi trên giường cười ha hả, tuyên bố:
– Một – Không!
Nhiệm nhún vai:
– “Một không” cái con khỉ! Thằng Chuyên là đồ đểu!
Chuyên cười hì hì:
– Còn mày là đồ vô tích sự. Tán tỉnh em Sương cả buổi mà chẳng được cái cóc khô gì.
Mẫn nhận xét:
– Cái giọng tán tỉnh của nó, khỉ trên rừng nghe thấy cũng chạy dài nữa là con gái.
Phớt lờ sự châm chọc của Chuyên và Mẫn, Nhiệm lặng lẽ bước đến bên cửa sổ, nhìn xuống.
Chuyên hỏi:
– Em Sương còn đó không?
Nhiệm thở dài:
– Biến rồi.
Rồi Nhiệm lim dim mắt, hắng giọng ngâm:
– Mắt nàng đăm đắm trông lên
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi
Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi
Tôi buồn tự hỏi: hay tôi yêu nàng?
Mẫn xuýt xoa:
– Hay quá! Thơ ai vậy?
Nhiệm ưỡn ngực:
– Thơ tao chứ thơ ai!
Mẫn trố mắt:
– Mày sáng tác hả?
– Chứ sao! Tao làm cả khối thơ.
Mẫn đưa mắt ngó Nhiệm từ đầu tới chân, chép miệng:
– Mày mà làm được thơ kể cũng lạ. Mày trông giống lơ xe đò hơn là nhà thơ.
Nhiệm gục gặc đầu:
– Mày đừng có đánh giá con người qua bề ngoài. Chính em Sương cũng đánh giá sai lầm về tao nên bỏ lỡ một cơ hội bằng vàng trong đời mình đó.
Chuyên nãy giờ im lặng, bỗng bật cười hí hí.
Nhiệm liếc Chuyên, cảnh giác:
– Cười gì đó mày?
– Tao cười chuyện người chết sống lại.
Nhiệm giật thót:
– Ai chết sống lại?
Chuyên hắng giọng:
– Nguyễn Bính chứ ai.
Biết bị lộ tẩy, Nhiệm im re.
Riêng Mẫn vẫn chưa hiểu:
– Làm gì có chuyện chết đi sống lại?
Chuyên tặc lưỡi:
– Mày thì suốt ngày chỉ lo vùi đầu vào mấy cuốn sách toán, cóc biết văn chương thơ phú gì hết nên cứ bị thằng Nhiệm nó lừa.
Mẫn ngơ ngác:
– Lừa gì đâu?
– Mấy câu thơ vừa rồi là của Nguyễn Bính, thằng Nhiệm nó bảo của nó, mày cũng tin.
Mẫn gật gù:
– À, à, hèn gì tao thấy nghi nghi!
Rồi Mẫn ngó Nhiệm, khịt mũi:
– Tao nói đâu có sai. Tướng mày mà là nhà thơ! Mày chỉ có “chôm” thơ của người khác.
Nhiệm cười tỉnh:
– Không phải “chôm” mà là “vận dụng”. “Vận dụng” đúng nơi đúng lúc cũng là một nghệ thuật chứ đâu phải dễ. Tao nhờ Nguyễn Bính nói hộ tâm trạng tao “Tôi buồn tự hỏi: hay tôi yêu nàng?”…
Chuyên nheo mắt:
– Nếu mày không trả lời được thì tao có thể trả lời giùm mày cái câu “tự hỏi” đó.
Nhiệm ngó Chuyên, giọng đề phòng:
– Trả lời sao?
Chuyên thản nhiên:
– Trả lời là mày không yêu nàng.
Nhiệm nhảy chồm chồm:
– Nè, nè, mày không được quyền nghi ngờ tình cảm chân thật của tao nghen!
– Chân thật cái con khỉ! Sao hôm trước mày bảo mày yêu em Thủy?
Nhiệm ngớ ra:
– Hôm trước tao có bảo vậy hả?
– Chứ gì nữa!
Nhiệm gãi đầu ấp úng:
– Nếu vậy thì…
– Thì sao?
– Thì tại vì… tao yêu cả hai em!
Trước sự thú nhận “thành thật” của Nhiệm, Chuyên với Mẫn cười lăn bò càng.
Nhiệm vẫn “ngây ngơ”:
– Có gì đâu mà cười! Tao yêu cả hai em nhưng em nào tao cũng yêu… chân thành.
– Rồi mai mốt mày thích một em khác thì sao? – Mẫn chọc.
Nhiệm tỉnh bơ:
– Thì tao yêu… cả ba. Có sao đâu!
Chuyên chép miệng:
– Yêu “tập thể” như mày hèn gì không em nào yêu lại!
Nhiệm đằng hắng:
– Có đấy!
– Ai?
– Tao thấy em Thủy có “để ý” tao chút chút!
– Chút chút thì ăn nhằm gì!
Đúng lúc đó, tiếng gõ cửa “cốc, cốc” vang lên khiến cả ba giật mình.
Nhiệm nhảy hai bước đã ra tới cửa. Anh đặt tay lên chốt, hỏi:
– Ai đó?
– Tôi đây.
– Chờ chút xíu nghen.
Nhiệm quay vào, giục hai bạn:
– Mặc quần áo nhanh lên! Người đẹp “giáng lâm”!
– Ai vậy?
– Em Thủy.
Mẫn liếc Chuyên:
– Em thiêng thật. Mình vừa nhắc là em tới liền.
Chuyên nhíu mày:
– Sáng sớm em lên đây làm gì vậy cà?
Mẫn chép miệng:
– Chắc đòi tiền nhà.
Thấy Chuyên và Mẫn có vẻ rề rà, Nhiệm sốt ruột giục:
– Em lên làm gì thì lát nữa biết! Tụi mày khẩn trương lên một chút!
Khi cả ba mặt mày sạch sẽ, quần áo xong xuôi, Nhiệm bước ra mở cửa:
– Thủy vào chơi!
Thủy bước vào. Áo trắng thêu bông đỏ. Căn phòng sáng rực hẳn lên như có một mặt trời vừa mọc.
Ba chàng trai lập tức đứng ngay đơ. Vẻ ngoan ngoãn của họ khiến những người tử tế nhất cũng phải phát ghen. Miệng người nào người nấy cười tươi như hoa.
Nhưng Thủy không buồn để ý đến các chàng trai. Mắt cô nhìn lướt qua căn phòng, nhảy từ chiếc bàn ọp ẹp qua cái giá sách bề bộn, liếc ban nhạc ABBA lồng trong khung ảnh khổ lớn một chút, liếc cái giỏ rác bị rác chôn kín ở góc phòng một chút, và cuối cùng dừng hẳn lại ở chiếc giường bừa bãi của bọn Mẫn.
Từ nãy đến giờ, Nhiệm nín thở theo dõi ánh mắt của Thủy, hệt như đài ra – đa theo dõi sự di động của máy bay đối phương, trống ngực đập thình thịch. Đến khi thấy “máy bay đối phương” đáp ngay xuống đám chăn gối bèo nhèo như một đống giẻ rách trên giường, Nhiệm tái mặt, hắng giọng:
– Chuyên, xếp mền ngay ngắn lại coi, mày! Tao nói hoài mà tụi mày chẳng bao giờ chịu bỏ cái tật làm biếng!
Thực ra, Nhiệm làm biếng nhất trong bọn. Công việc vệ sinh hằng ngày chủ yếu do Chuyên và Mẫn đảm nhiệm. Nhưng biết Nhiệm đang cần “ra oai” với người đẹp nên Chuyên đành phải ngoan ngoãn vâng lời. Anh vừa xếp mền vừa cười thầm trong bụng.
Thấy lệnh lạc của mình được chấp hành răm rắp, Nhiệm “khí thế” hẳn lên. Anh nhìn Thủy:
– Thủy lên chơi hay có chuyện gì không?
Thủy không trả lời câu hỏi của Nhiệm mà hỏi lại:
– Nó đâu?
Câu hỏi của Thủy khiến cả ba chưng hửng. Nhiệm trố mắt:
– Nó nào? Tụi này chẳng có mặt “trọn bộ” ba đứa là gì!
Thủy nghiêm mặt:
– Tôi không hỏi các anh! Tôi hỏi con nhỏ kia kìa!
Chuyên ngạc nhiên:
– Con nhỏ nào?
Thủy nhún vai:
– Con nhỏ hồi hôm chứ con nhỏ nào! Các anh đừng làm bộ!
Mẫn dang hai tay:
– Trời ơi, Thủy nói gì kỳ vậy! Tụi này đâu phải là hạng người…
Mẫn mới nói tới đó, Thủy đã đỏ mặt, cắt ngang:
– Anh hiểu lầm rồi. Không phải tôi nói chuyện đó. Con nhỏ ở đây là con bé con kia. Bảy, tám tuổi gì đó.
Chuyên nhăn nhó:
– Tụi này chưa có… vợ, làm gì đã có con!
Thủy cố giữ giọng nghiêm trang:
– Tôi không đùa! Mẹ tôi bảo tôi lên hỏi xem con bé đó là ai!
Chuyên tặc lưỡi:
– Thì tôi đã nói rồi. Tụi này không biết con bé nào hết. Chắc Thủy nhìn lầm hay sao ấy!
Thủy lộ vẻ sốt ruột. Nhưng cô vẫn cố gắng giải thích:
– Không phải nhìn mà là nghe! Tối hôm qua, những người ở tầng dưới đều nghe tiếng nó cười khúc khích trên này.
Ba chàng trai ngơ ngác nhìn nhau. Nhiệm nhíu mày:
– Lúc đó khoảng mấy giờ?
Thủy lắc đầu:
– Tôi không nhớ. Nhưng lúc đó các anh đang mở nhạc ầm ầm trên này.
Chuyên ngó Mẫn:
– Lúc đó mấy giờ, mày?
– Ai biết! – Mẫn so vai – Lúc nào tụi mình chẳng mở nhạc!
Chợt Nhiệm reo lên:
– Thôi rồi! Tôi hiểu rồi!
Trước những cặp mắt dò hỏi của Chuyên, Mẫn và Thủy, Nhiệm nhanh nhẹn bước lại chỗ cái cassette “Panasonic” cổ lỗ sĩ của Chuyên đang đặt trên bàn. Anh cho băng quay ngược lại và nhẹ nhàng nhấn nút “play”. Một điệu nhạc vui nhộn vang lên. Bản “Young, Free and Single” của nhóm Boney M.
Tới đây thì Mẫn và Chuyên bắt đầu hiểu ra. Chỉ có Thủy là vẫn chưa hiểu:
– Tự nhiên anh mở nhạc chi vậy?
Nhiệm cười bí mật:
– Thủy chờ một lát đi!
Bản “Happy Song” tiếp ngay sau bản “Young, Free And Single”. Ba chàng trai lẩm nhẩm hát theo: “Every body, let’s go to the King’s”.
Thủy đang lắng tai nghe, bỗng giật mình khi nghe một giọng con nít trong trẻo cất lên: “Right to dance, it’s time to sing”. Và cái giọng trẻ con ấy lại cười hí hí trong máy. Giọng cười hồn nhiên và vui vẻ đến nỗi Thủy bất giác buột miệng:
– Dễ thương quá!
Nhiệm tỉnh rụi:
– Tôi hả? – Xì, anh mà dễ thương! Tôi khen giọng con bé kia kìa!
Nhiệm tắt máy và nheo mắt nhìn Thủy:
– Con bé Thủy tìm nãy giờ chứ gì?
Thủy gật đầu, bối rối:
– Vậy mà tôi cứ tưởng…
– Tưởng sao?
Thủy không đáp. Cô đỏ mặt và tránh trả lời bằng cách nhìn ra cửa sổ. Nhiệm đành hỏi lảng sang chuyện khác:
– Bản nhạc hay không?
Thủy quay lại:
– Hay! Bản gì vậy?
– Bản “Happy Song”.
– Cho Thủy mượn nghen!
– Ừ.
Nhiệm tháo máy, lấy cuộn băng đưa cho Thủỵ Anh không quên giở cái giọng tán tỉnh “rẻ tiền” cố hữu:
– Cái gì của tôi cũng là của Thủy.
Chuyên hắng giọng, phá bĩnh:
– Cái đó là của tao, mày! Nhiệm tỉnh khô:
– Thì cái gì của mày cũng là của tao!
Nghe cái giọng ngang như cua của Nhiệm, Chuyên đành chịu thua. Còn Thủy thì cười cười. Cô cầm lấy cuộn băng, chào ba chàng trai, ra về.
Nhiệm quay vào, thở phào:
– Thế là xong!
– Xong cái gì? – Mẫn hỏi.
– Mối tình của tao và em Thủy.
Mẫn vẫn không hiểu:
– Xong sao?
Nhiệm khịt mũi:
– Mày chậm hiểu quá! Xong nghĩa là “hai đứa tao” đã chính thức “đặt vấn đề” với nhau.
– Xạo đi mày!
– Chứ gì nữa! Em chẳng mượn băng nhạc của tao là gì!
Mẫn nheo mắt:
– Chuyện đó thì nhằm nhò gì! Em mượn băng nhạc của mày cũng giống như tao mượn tiền của mày thôi, có khác gì đâu!
Nhiệm nhìn Mẫn, giọng khinh khỉnh:
– Mày ngốc quá! Sao lại “có khác gì đâu”! Em mượn băng nhạc của tao, nhưng chủ yếu là để nghe bài “Happy Song”. Mà “Happy Song” nghĩa là “Bài ca hạnh phúc”. Mày thấy cái ý nghĩa thâm thúy trong vụ mượn băng này chưa?
Trong khi Mẫn đang thấm ý, ngồi gục gặc đầu thì Chuyên cười khúc khích:
– Thằng Nhiệm chỉ giỏi tài tán phét!
Nhiệm trừng mắt:
– Mày đừng thấy tao có số đào hoa mà tìm cách hạ “uy tín” tao. Tao nói thật cho mày biết, em Thủy biết tỏng tiếng con nít là ở trong bản “Happy Song”, em chỉ giả bộ lên hỏi han để tìm cớ “tỏ tình” với tao thôi! – Rồi Nhiệm chép miệng, giọng kẻ cả – Nói thật với tụi mày, muốn thành công trong tình yêu phải “nắm bắt” được những biểu hiện nhỏ nhặt nhất!
Chuyên đã chán ngấy trò thuyết giáo về ái tình của Nhiệm, anh ngáp dài:
– Thôi, mày muốn yêu ai thì kệ mày! Đun nước pha cà phê uống đi!
Mẫn nhăn mặt:
– Giờ này mà uống cà phê gì nữa! Hơn chín giờ rồi!
– Chết mẹ! Vậy thì chuẩn bị nấu cơm trưa!
– Chưa đi chợ! – Mẫn nói.
Chuyên liếc Nhiệm:
– Thằng Nhiệm đi chợ một bữa đi!
Nhiệm tặc lưỡi:
– Tao đâu có biết mua gì?
– Có gì đâu mà không biết! Trước tiên mày mua hai trái cà chua, hành, ngò, rồi mua vài con cá nục hấp, rồi…
Nhiệm vội vã khoát tay:
– Thôi, thôi, mày dặn đủ thứ làm sao tao nhớ hết! Hay là như thế này…
– Sao?
– Ba đứa cùng đi!
– Thật chán cho mày! Đi chợ mà cũng kéo cả lũ!
Nhiệm cười hề hề:
– Chủ nhật mà! Sẵn đi chợ, tụi mình dạo phố luôn!
Chuyên nhỏm người dậy:
– Thôi, tao với mày đi! Thằng Mẫn ở nhà!
Sở dĩ Chuyên nói vậy vì Mẫn có tật ở chân, đi lại khó khăn. Hồi nhỏ, Mẫn bị sốt tê liệt. Bệnh nặng, tưởng chết. Nhưng ông ngoại Mẫn, vốn là một thầy thuốc giỏi, đã cứu được Mẫn. Cơn bạo bệnh đi qua nhưng từ đó chân trái của Mẫn bị biến tướng, nó teo lại chỉ bằng cẳng tay. Vì vậy, dáng đi của Mẫn không được bình thường mặc dù từ lâu rồi Mẫn đã quen với khuyết tật của mình và hầu như anh không hề ý thức về sự có mặt của nó.
Nghe Chuyên bảo mình ở nhà, Mẫn lập tức phản đối:
– Tao đi nữa!
Chuyên gạt phắt: – Thôi, mày ở nhà đi! Mày ở nhà vo gạo nấu cơm, tụi tao đi chợ về làm đồ ăn là vừa.
Nghe Chuyên nói cũng có lý, Mẫn không đòi đi theo nữa. Vả lại, anh cũng vừa sực nhớ chiều nay anh còn phải tới nhà Thu Thảo dạy kèm. Vì vậy, phải ăn trưa sớm một chút để còn chuẩn bị bài vở. Nhưng trước khi bước lại vật lộn với cái bếp dầu, Mẫn còn chạy ra cửa nói với theo:
– Tụi mày mà về trễ, tao nấu cơm khét ráng chịu à nghen!
Chương 2:
Mẫn được nhận vào dạy kèm Thu Thảo là một điều hoàn toàn may mắn.
Hồi trước, Chuyên, Nhiệm, Mẫn cùng học chung với nhau lớp mười hai ở trường phổ thông thị trấn. Đậu vào đại học, lên thành phố, được người quen giới thiệu, cả ba lại thuê chung với nhau căn gác trọ này. Chuyên và Nhiệm học ở Đại học Tổng hợp Văn, Mẫn lại học ở Đại học Bách Khoa.
Trong bọn, gia đình Nhiệm là khá giả nhất. Nhà Nhiệm là lò bánh mì lớn và khá nổi tiếng của thị trấn. So với hai bạn, Mẫn nghèo nhất. Anh luôn là “con nợ” của Chuyên và Nhiệm. Vì vậy, vừa đặt chân lên thành phố, Mẫn đã lo kiếm việc làm thêm ngoài giờ học.
Một hôm, đọc được mẫu rao vặt cần người dạy kèm, Mẫn lò dò đến nhà Thu Thảo. Đó là một căn nhà gạch xinh xắn nằm khuất sau dãy hàng rào bông giấy rực rỡ. Mẫn hơi ngập ngừng một thoáng trước khi đưa tay bấm chuông.
Người bước ra mở cổng là một chàng trai trạc tuổi Mẫn. Anh ta quan sát Mẫn vài giây rồi hỏi:
– Xin lỗi, anh tìm ai?
Tự nhiên, Mẫn cảm thấy bối rối:
– Tôi… tôi đọc trên báo…
Người con trai mỉm cười, ngắt lời:
– Anh đến xin dạy kèm phải không?
Mẫn gật đầu.
Chàng trai đưa Mẫn vào nhà. Anh ta tự giới thiệu:
– Tôi là Sơn.
– Còn tôi là Mẫn.
Mẫn đáp, giọng không được tự tin lắm. Anh tỏ ra ngượng ngập về những bước chân khập khiễng của mình mặc dù Sơn cố ý không nhìn Mẫn. Sau này, Mẫn mới biết Sơn là anh trai của Thu Thảo, sinh viên trường Mỹ thuật, một chàng trai khá cởi mở.
Tính cách người cha khác hẳn cậu con trai, ba Thu Thảo có một bề ngoài khá nghiêm nghị. Ông ít cười. Hôm đó, sau khi mất đúng một buổi sát hạch Mẫn về mọi phương diện, cuối cùng ông mới đồng ý nhận Mẫn vào dạy kèm Thu Thảo.
Thực ra, ba Thu Thảo thích tìm cho con gái một cô giáo hơn. Đó là tâm lý của các bậc cha mẹ biết… lo xa. Cô giáo bao giờ cũng “an toàn” hơn. Còn các chàng trai, không “bất trắc” nào là không thể xảy ra. Nhưng khổ một nỗi, từ hôm mẩu rao vặt được đăng báo đến nay, chẳng có người phụ nữ nào đến xin dạy. Chỉ toàn là giống mày râu. Nhưng tất cả đều bị ba Thu Thảo loại thẳng cánh. Ông không chọn một người nào, khi thì vì lý do này, khi thì vì lý do khác.
Đúng vào lúc Sơn và Thu Thảo bắt đầu phàn nàn về sự khó tính của ông thì Mẫn xuất hiện như một vị cứu tinh. Vẻ khiêm tốn và lễ phép của Mẫn chinh phục ông ngay. Hơn nữa, với một bên chân bị tật của mình, Mẫn có “lợi thế” rõ rệt so với những chàng trai khác, ít ra nó cũng cho biết rằng anh không phải là mẫu người hấp dẫn với các cô gái và vì vậy anh hoàn toàn… vô hại với phụ nữ. Tất nhiên, Mẫn không hề biết tất cả những ngoắt ngoéo, phức tạp bên trong việc mình được nhận vào dạy Thu Thảo. Đối với anh, tìm được việc làm là một niềm vui vô hạn.
Phòng học của Thu Thảo nằm ở đằng trước, phía trái nhà, cửa sổ trông ra một khoảnh sân nhỏ trồng hoa. Góc sân là một cây ổi xum xuê, đầy trái. Đó là một căn phòng thanh nhã mà khi vừa bước chân vào, anh đã cảm thấy tất cả vẻ tươi mát, dễ chịu của nó.
Giống như Sơn, Thu Thảo là một cô gái thông minh và vui tính. Mẫn hài lòng khi thấy Thu Thảo tiếp thu bài khá nhanh và anh hiểu rằng việc giúp cô tốt nghiệp trong kỳ thi cuối cấp và sau đó, đỗ vào đại học không phải là một nhiệm vụ quá nặng nề.
Thu Thảo cũng rất mến Mẫn. Cô coi Mẫn như anh, một người anh tử tế và tận tụy. Dạy cô học, Mẫn không quát tháo om sòm như Sơn. Chỗ nào cô chưa hiểu, anh kiên trì giảng đi giảng lại nhiều lần kỳ cho đến khi cô hiểu rõ mới thôi.
Nếu có điều gì ở Mẫn làm Thu Thảo không vừa lòng thì đó là tính ít nói của anh. Khi đi vào bài học, đề cập đến hàm số, đến tích phân, đến phương pháp tọa độ, Mẫn nói năng lưu loát bao nhiêu thì khi gấp tập lại anh hóa thành con người khác hẳn. Anh trở về với sự thinh lặng cố hữu. Đường như ngoài “phương pháp tọa độ” ra, anh chẳng có một “phương pháp… trò chuyện” nào khác. Thu Thảo thường gọi đùa tính ít nói của anh là “tính đơn điệu của hàm số”.
Những lúc đó, Mẫn chỉ cười cười:
– Biết nói chuyện gì bây giờ?
Thu Thảo nheo mắt:
– Thiếu gì chuyện!
– Như chuyện gì chẳng hạn?
– Thì anh nghĩ đi!
Mẫn nhíu mày nghĩ ngợi một hồi rồi bất lực thú nhận:
– Nói thật là… tôi nghĩ không ra.
Thu Thảo bĩu môi:
– Dở ơi là dở! Có mỗi câu chuyện cũng nghĩ không ra mà đòi làm thầy giáo!
Mẫn bối rối:
– Làm thầy giáo chỉ cần dạy học thôi.
– Hứ! Nói như anh!
– Nói như tôi là sao?
Thu Thảo quay mặt đi chỗ khác, đáp:
– Là không lịch sự với phụ nữ! Câu nói của Thu Thảo khiến Mẫn xấu hổ đến đỏ mặt. Nhưng anh không giận Thu Thảo. Anh hiểu rằng cô nói đúng. Người đàn ông không biết cách nói chuyện với phụ nữ là người đàn ông… bỏ đi. Anh biết vậy nhưng cảm thấy mình khó mà sửa đổi được tính nết. Giữa bạn trai với nhau thì không sao; như sống bên cạnh Chuyên và Nhiệm, Mẫn lúc nào cũng thoải mái, vui vẻ, hồn nhiên. Anh tham gia vào các trò đùa tếu của các bạn một cách tự nhiên, hăng hái.
Nhưng khi đối diện với phụ nữ, Mẫn tự dưng mất đi sự thư thái, tự tin. Anh trở nên khép kín, cô độc. Trạng thái tâm lý đó như một thứ vỏ bọc, lâu ngày đã hóa vôi, đôi khi Mẫn cũng muốn phá vỡ nó nhưng anh lại thiếu một sức mạnh cần thiết từ bên trong.
Dĩ nhiên, điều gì cũng có nguyên nhân của nó. Ngay từ nhỏ, Mẫn đã cảm thấy mặc cảm về sự không toàn vẹn của mình. Chung quanh Mẫn như lúc nào cũng có những đứa bạn tinh quái, chúng không ngớt tìm cách chế giễu, trêu chọc sự tật nguyền của anh. Bọn con gái không đứa nào chịu đánh bạn với anh. Những giờ ra chơi, Mẫn thường ngồi dưới một gốc cây trong sân trường nhìn bạn bè chạy nhảy, hò hét với nỗi thèm muốn và ghen tị lặng lẽ.
Lớn lên trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, Mẫn càng ngày càng sống co rút như thể con ốc thu mình trong lớp vỏ. Sự cô đơn trở thành bạn đồng hành thân thiết của anh. Chỉ đến khi lên lớp mười, bắt đầu ý thức về tương lai, Mẫn mới quyết tâm thoát khỏi trạng thái tâm lý nặng nề của mình. Sau khi xác định sự tật nguyền của mình là một run rủi bình thường mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải, anh tìm cách quên nó đi và cố thích nghi với hoàn cảnh. Dứt bỏ những nghĩ ngợi vẫn vơ và vô bổ, anh vùi đầu vào sách vở và coi học vấn là con đường tiến thân đúng đắn và hoàn toàn có thể bù đắp cho những khuyết tật khác của con người. Từ đó, Mẫn sống cởi mở hơn. Bạn bè lúc này cũng đã lớn, chẳng ai còn để ý và chọc ghẹo những bước đi khập khiễng của Mẫn.
Chẳng bao lâu, Mẫn trở lại là một con người lạc quan, vui vẻ. Anh sống hòa nhập với môi trường chung quanh một cách dễ dàng, thoải mái. Những năm cuối cấp ba, anh chơi thân với Chuyên và Nhiệm và bây giờ, cả ba trở thành “ba chàng ngự lâm pháo thủ” không rời nhau nửa bước.
Tuy nhiên, những thay đổi của Mẫn chỉ xảy ra trong mối quan hệ với các bạn trai. Trước mặt phụ nữ, anh luôn thu mình như một phản xạ có điều kiện. Mẫn không làm sao dứt bỏ được ý nghĩ rằng những sinh vật xinh xắn này không phải để dành cho anh. Họ ở trong một thế giới khác, thế giới đó có Chuyên, có Nhiệm, nhưng không có anh.
Ý nghĩ mang màu sắc u ám đó thật ra không làm Mẫn bận lòng. Từ lâu, anh đã quen với nó. Mẫn vẫn hào hứng tham gia vào các trò tán tỉnh nghịch ngợm của các bạn mình, vẫn hồn nhiên tán phét về tình yêu như trăm ngàn chàng trai yêu đời khác. Tuy nhiên, anh luôn luôn xác định mình đứng ngoài tất cả những trò chơi tình cảm đó. Anh chưa yêu ai và chưa ai yêu anh, hay ngược lại, vì chưa ai yêu anh nên anh chưa yêu ai!
Thu Thảo không thể hiểu tất cả những điều đó. Cô cứ bắt anh phải “cởi mở” với mình. Mẫn đối phó bằng cách cười cười.
– Nói không nói, cứ cười hoài! Y như đười ươi! – Thu Thảo nhăn mặt, trách.
– Đười ươi cũng được! – Mẫn trả lời xụi lơ.
Thu Thảo thở dài:
– Nói chuyện với anh chán ơi là chán!
Mẫn tặc lưỡi:
– Chán thì thôi! Mở tập ra học tiếp đi!
Thế là hai “thầy trò” vùi đầu vào môn giải tích để quên đi những “xung đột”.
Sơn có một người bạn thân cùng lớp là Phúc. Phúc thường hay đến nhà Sơn chơi và Mẫn nhanh chóng nhận ra anh ta “quan tâm đặc biệt” đến Thu Thảo.
Phúc đẹp trai, nói năng lưu loát. Chiếc Cub mà Phúc thường chở Sơn đi chơi chứng tỏ anh thuộc một gia đình khá giả. Trong xử sự đối với phụ nữ, Phúc là một con người tuyệt vời. Anh ta thường tặng Thu Thảo những món quà nho nhỏ, dễ thương. Thu Thảo xem ra rất thích các món quà đó, nhất là con gấu bông có nhạc. Cô thường vặn chốt cho nó reo luôn.
Thoạt đầu, Mẫn không biết con gấu bông đó. Có lần, vừa bước vào phòng, chợt nghe tiếng nhạc “tính tang”, Mẫn ngơ ngác nhìn quanh. Nhưng anh không thể xác định được tiếng nhạc phát ra từ đâu.
Thu Thảo theo dõi nét mặt của Mẫn với vẻ thích thú:
– Đố anh biết nhạc ở đâu đó!
Mẫn nhìn quanh một lượt nữa rồi lắc đầu:
– Chịu.
Thu Thảo giơ lên con gấu bông cô đang ôm trong lòng:
– Ở đây nè!
Rồi cô vặn chốt cho nhạc trỗi lên một lần nữa. Mẫn lắng tai nghe, đầu gật gù.
– Nhạc nghe hay không? – Thu Thảo hỏi.
– Hay!
– Em thích lắm! – Thu Thảo xuýt xoa.
Mẫn đồng tình:
– Tôi cũng thích! Con gấu ở đâu ra vậy?
– Anh Phúc tặng em.
– Quà sinh nhật hả?
Thu Thảo lắc đầu:
– Không! Thỉnh thoảng anh Phúc vẫn hay tặng quà cho em vậy thôi!
Rồi cô nheo mắt:
– Anh Phúc “ga – lăng” hơn anh nhiều!
Câu nói vô tình của Thu Thảo như một mũi tên bắn vào tim Mẫn, đau nhói. Anh hiểu, điều kiện của anh và Phúc hoàn toàn khác xa nhau. Vả lại, mỗi người đến đây đều với mục đích không giống nhau. Anh đến đây đơn giản chỉ là đi làm. Anh dạy học để kiếm sống. Thu Thảo là một cô gái dễ thương, nhưng điều đó đối với anh vô nghĩa. Cô và anh ở trên hai mặt phẳng không thể cắt nhau, dù kéo dài đến vô cực. Vì vậy, Mẫn không hề ghen tị với tình cảm của Phúc, thậm chí anh coi mối quan hệ của Phúc với Thu Thảo là điều hoàn toàn tự nhiên. Nhưng sẽ không ổn chút nào nếu có ai đó công khai so sánh anh với Phúc, điều mà anh không bao giờ muốn nghĩ đến.
Vì vậy câu nói của Thu Thảo làm anh hơi nhăn mặt. Bắt gặp ánh mắt trách móc của anh, Thu Thảo giật mình hiểu ra mình nói hớ. Cô rất muốn xin lỗi anh nhưng lại không đủ can đảm mở miệng. Nhưng từ đó về sau, cô không bao giờ dại dột đi làm cái chuyện so sánh giữa hai người.
Chiều nay, Mẫn đến nhà Thu Thảo với một tâm trạng vui vẻ. Anh vẫn chưa hết buồn cười về chuyện mới sáng sớm, Thủy đã lên gác trọ của bọn anh để truy tìm “con bé” trong bản nhạc “Happy Song”. Và cả về anh chàng Nhiệm “đi hết thất bại này đến thất bại khác” trong công trình tán tỉnh em Sương nhưng vẫn luôn luôn cao giọng “lên lớp” về “phương pháp thành công trong tình yêu” y như ta đây là Don Juan thứ thiệt.
Khi anh bước vào phòng, Thu Thảo còn đang ngồi ngắm nghía một bức tranh gì đó trên bàn. Cô cứ hết nghiêng đầu sang bên này lại nghiêng sang bên khác, mắt nheo nheo.
– Tranh gì vậy? – Mẫn hỏi.
– Tranh của em! Anh xem thử giống em không?
Vừa nói, Thu Thảo vừa giơ bức tranh lên, xoay lại phía Mẫn.
Anh nhìn cô gái xinh xắn trong tranh, gật đầu khen:
– Giống lắm!
– Nhưng có đẹp không? – Thu Thảo tinh nghịch hỏi.
Anh đùa:
– Điều đó thì khỏi phải nói!
Sự “cởi mở” của anh làm Thu Thảo ngạc nhiên. Cô ngó anh:
– Hôm nay trông anh có vẻ khang khác.
– Khác gì đâu?
– Trông vui vẻ hơn mọi bữa.
Mẫn mỉm cười:
– Cũng vậy thôi chứ khác gì.
Rồi anh nhìn bức tranh, hỏi:
– Bức tranh này do anh Phúc vẽ phải không?
– Ừ. Sao anh đoán ra hay vậy?
– Gì mà không đoán ra! Sao Thu Thảo không treo lên?
Thu Thảo chép miệng:
– Thôi.
Mẫn ngạc nhiên:
– Sao vậy? Treo lên mới đẹp!
Thu Thảo rụi vai:
– Ba em thấy ba em la chết!
– À!
Mẫn hiểu ra. Anh tặc lưỡi:
– Tiếc quá hén!
– Ừ. Bức tranh này mà kẹp trong tập thì uổng quá! – Giọng Thu Thảo buồn buồn.
Chẳng nghĩ ra cách gì giúp Thu Thảo, Mẫn đành nhún vai:
– Biết sao giờ!
Anh đặt cuốn sách giáo khoa lên bàn, đang định lật tới chỗ bài học hôm nay thì Thu Thảo bỗng đề nghị:
– Hay là thế này!
Anh quay lại:
– Sao?
Thu Thảo chìa bức tranh ra:
– Anh cầm về đi!
Mẫn thắc mắc:
– Chi vậy?
Thu Thảo cười:
– Treo lên giùm em chớ chi!
Mẫn bất giác bước lui một bước. Anh ngơ ngác:
– Tôi treo hình Thu Thảo làm gì?
Buột miệng xong, Mẫn bỗng nhận ra mình vừa nói một câu cực kỳ thiếu tế nhị. Lẽ ra, anh có thể diễn đạt ý nghĩ vừa rồi bằng một câu nói khác, nhẹ nhàng và khéo léo hơn. Nhưng không hiểu sao anh lại phản ứng một cách sỗ sàng dù rằng ngay sau đó anh kịp nhận ra sai lầm của mình và ấp úng:
– Tôi… xin lỗi…
Thu Thảo dường như không nghe lời xin lỗi của Mẫn. Câu nói đầy xúc phạm của anh vừa rồi khiến cô tái mặt hẳn đi. Sau một thoáng sững sờ, cô lặng lẽ nhét bức tranh vào giữa chồng tập trên bàn và bỏ đi ra ngoài.
Còn lại một mình trong phòng, Mẫn cảm thấy vô cùng xấu hổ về phản ứng của mình. Anh thừa hiểu rằng Thu Thảo đề nghị anh đem bức tranh về nhà chỉ với ước muốn nó được treo lên thay vì nằm hẩm hiu giữa các trang sách. Một ước muốn hồn nhiên và trong sáng. Như ước muốn của một người em gái. Trong khi đó thì anh lại hùng hổ như một tên du côn “Tôi treo hình Thu Thảo làm gì?”. Càng ngẫm nghĩ, Mẫn càng thấy bứt rứt. Niềm vui buổi sáng bay vèo đâu mất.
Lát sau, Thu Thảo bước vào, cũng lặng lẽ như khi đi ra. Cô đứng lúi húi lục tìm trong chồng tập và hỏi anh bằng một giọng như không có gì xảy ra:
– Hôm nay học tới bài gì hén?
Mẫn nuốt nước bọt:
– Tới chương “tích phân bất định”.
Anh trả lời một cách khó khăn và nghe miệng mình khô đắng. Và anh loay hoay xem thử nên bắt đầu bài học như thế nào cho đỡ ngượng ngập nhất.
Chương 3:
Mẫn vừa ló đầu vô phòng, Chuyên đã hỏi:
– Làm gì mặt mày bí xị vậy?
– Có gì đâu! – Mẫn chối phắt.
Chuyên nhún vai:
– Thôi đi, đừng có chối! Dòm mặt mày là tao biết liền!
Mẫn cười cười, không trả lời. Anh lặng lẽ đi thay áo rồi nằm lăn đùng ra trên giường.
Chuyên vẫn tiếp tục truy:
– Sao? Bị học trò bắt bí, không giải đáp được phải không?
– Giỡn hoài!
– Chứ sao? Hay là chọc ghẹo con nhà người ta nên sắp bị cho nghỉ việc?
– Không bao giờ!
– Hay là…
Mẫn cau mặt, gắt:
– Hay là cái con khỉ! Tao đã bảo không có gì là không có gì! Mày sao hỏi dai như đỉa!
– Tại sao thấy mày buồn buồn.
– Buồn đâu mà buồn! Bữa nay giảng bài nhiều, tao hơi mệt chút thôi! – Rồi Mẫn nhìn quanh, hỏi – Thằng Nhiệm đâu?
– Nó chạy đi mua mấy cái hột vịt.
Đúng lúc đó, Nhiệm về tới.
Chuyên trách:
– Mua mấy cái hột vịt mà đi đâu cả buổi vậy, ông tướng?
Nhiệm chép miệng:
– Tao về gần đến nhà thì bị kẹt.
– Kẹt gì?
– Cảnh sát giao thông.
Chuyên nheo mắt:
– Sao vậy? Bộ mày đi đường ngược chiều hả?
Nhiệm chép miệng:
– Quanh đây đâu có đường một chiều.
– Chứ sao? Hay là mày vượt đèn đỏ?
– Đèn đỏ đâu mà vượt! – Vừa nói, Nhiệm vừa chỉ xuống sàn nhà – Tao kẹt ở ngay đây nè!
Chuyện hừ giọng:
– Xạo đi mày! Ở đây làm gì có cảnh sát giao thông!
Nhiệm gật đầu:
– Có! Một nữ cảnh sát!
Thoạt đầu Chuyên ngớ người ra nhưng rồi anh hiểu ngay:
– Em Thủy hả?
– Chứ ai nữa! Thấy em “cắm chốt” ngay trước cửa, tao đâu dám đi qua. Mắt em như đèn đỏ ở ngã tư. Đợi em vào nhà, đèn đỏ tắt, tao mới dám phóng qua.
Nhiệm vừa kể vừa ra điệu bộ khiến Chuyên cười ngặt nghẽo. Chỉ có Mẫn là chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao. Anh ngó Nhiệm:
– Làm gì mày sợ em Thủy dữ vậy?
Nhiệm đằng hắng:
– Không phải sợ mà là… tránh gặp mặt!
Mẫn vẫn ngơ ngác:
– Sao vậy?
Nhiệm liếc Mẫn:
– Ủa, té ra thằng Chuyên chưa nói gì với mày sao! Hồi chiều, em Thủy lại lên đây…
Mẫn gật gù, vẻ hiểu biết:
– Em lên trả băng nhạc chứ gì!
Nhiệm nhăn mặt:
– Em trả cái con khỉ! Em kêu tụi mình trả thì có!
– Trả gì?
– Trả tiền nhà chứ trả gì! Quá hạn đã mười ngày rồi!
Bây giờ, Mẫn mới nhận ra tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Từ khi thuê căn gác này đến nay, chưa bao giờ bọn Mẫn trả tiền đúng hạn; tháng nào cũng đóng trễ, nhưng chưa lần nào trễ như lần này. Khổ nỗi, nguyên nhân đưa đến sự trễ nãi triền miên này đều xuất phát từ sự khó khăn của Mẫn. Lần này cũng vậy. Nghe Nhiệm nói, Mẫn chỉ biết chép miệng:
– Không hiểu sao nhà tao kỳ này gởi tiền lên trễ quá!
Chuyên hắng giọng:
– Thôi, lỡ trễ mười ngày rồi, cho nó trễ chẵn nửa tháng luôn đi!
Nhiệm hừ mũi:
– Ở trọ mà mày làm như… ở rể không bằng!
Chuyên gục gặc đầu, giọng tinh quái:
– Tao và thằng Mẫn thì không nói làm gì! Còn mày thì coi như “ở rể”. Mày chẳng bảo em Thủy có “để ý” mày chút chút là gì!
Nhiệm xuýt xoa:
– Chà chà! Từ khi tao biết mày đến giờ, lần đầu tiên tao mới nghe mày nói được một câu thông minh!
Chuyên hấp háy mắt:
– Tao nói đúng không?
Nhiệm khoái chí:
– Quá xá đúng!
Chuyên nói tiếp, giọng chậm rãi:
– Vậy thì nhiệm vụ của “chú rể” là năn nỉ với “cô dâu” cho khất vụ tiền nhà thêm vài hôm nữa…
Chuyên nói chưa dứt câu, Nhiệm đã giẫy nẩy:
– Thôi, thôi, đủ rồi! Mày đừng có cho tao vào bẫy! Tình yêu là tình yêu, tiền bạc là tiền bạc, hai cái đó không có nhập nhằng với nhau được.
– Có gì nhập nhằng ở đây đâu? Chỉ khất lại vài hôm…
Nhiệm vẫn lắc đầu nguầy nguậy:
– Tao mà nói vậy, em nghỉ tao ra liền! Em sẽ tưởng tao yêu em chỉ để dễ dàng khất nợ!
Chuyên trấn an:
– Em không nghĩ vậy đâu!
Nhiệm khăng khăng:
– Em sẽ nghĩ!
Chuyên nổi sùng:
– Kệ em!
– Không kệ được đâu! – Nhiệm vừa nói vừa dang hai tay như Chúa Jésus đang bị đóng đinh trên cây thập ác – Bởi vì nếu vậy, tình yêu của tao sẽ bị mất giá thê thảm! Lúc ấy, những người con gái yêu tao sẽ thất vọng mà gắn lên trái tim tao tấm bảng “đại hạ giá” y như những tấm bảng treo lơ lửng bên những quầy hàng ế ngoài phố. Lúc ấy, em Thủy sẽ bỏ tao. Và chỉ đợi có vậy, mày và thằng Mẫn sẽ… nhảy vô giành chỗ…
Mẫn cười khúc khích:
– Thôi, thôi, đừng diễn kịch Shakespeare nữa! Không ai dám giành em Thủy của mày đâu!
Nhiệm nghinh mặt:
– Tao nói chơi vậy thôi chứ tụi mày có muốn giành cũng chẳng được. Em Thủy chỉ mê mỗi tao thôi. Em đã nói rồi.
Chuyên lừ mắt:
– Em nói hồi nào?
– Hồi sáng. Lúc em mượn băng nhạc.
– Xạo! Em nói sao tụi tao không nghe?
Nhiệm nhún vai:
– Tụi mày là “người ngoài”, làm sao nghe được! Em nói với tao bằng… mắt!
Chuyên “kê” liền:
– Mày mới bảo mắt em giống như đèn đỏ đây mà!
– Thì hồi sáng khác, bây giờ khác. Hồi sáng mắt em là đèn xanh. Từ khi đòi tiền không được, nó mới… đổi màu.
Chuyên cười hô hố:
– Vậy mà mày bảo em yêu mày! Nếu em yêu mày thật thì mắt em lúc nào cũng xanh màu… tình tứ, dù mày có quỵt tiền em đi nữa.
– Mày ngốc quá! – Nhiệm nghiêm mặt – Mày không nhìn thấy hết sự phức tạp trong vấn đề này. Bản thân em đâu có muốn đòi tiền tụi mình. Nhưng mẹ em giục em lên hỏi. Hỏi không có, chắc chắn mẹ em sẽ mắng mỏ em thậm tệ, chẳng hạn như “Con ngốc kia, mày yêu thằng Nhiệm thì cứ việc yêu nhưng tiền trọ thì vẫn phải lấy chứ, sao cứ để tụi nó thiếu hoài vậy?”. Trước những lời lẽ như vậy, dĩ nhiên em phải khổ sở, phải khóc, mà khóc thì mắt phải đỏ…
Chuyên thở ra:
– Thôi đi mày ơi! Mày chỉ giởi tưởng tượng! Còn khuya em mới khóc vì mày!
Nhiệm tỉnh khô:
– Thì em thường khóc vào lúc… canh khuya chứ sao!
– Dẹp mày đi! Tao đi luộc trứng đây!
Nói xong, Chuyên đứng dậy cầm hai quả hột vịt trên bàn đi lại chỗ góc bếp. Trong khi đó, Mẫn lui cui dọn bàn chuẩn bị cho bữa ăn tối. Vừa sắp xếp chén đũa, anh vừa nghĩ đến khoản tiền nhà đang thiếu, chưa biết xoay xở ra sao. Tiền của gia đình thì chưa thấy gởi lên. Tiền dạy kèm lại chưa tới kỳ lãnh. Nhiệm chắc còn tiền nhưng hắn lại có trách nhiệm vĩ đại là “bảo hiểm” tiền ăn cho cả bọn. Đụng vào “khoản dự trữ” này, tụi Mẫn có nguy cơ nhịn đói như chơi.
Nhiệm dường như chẳng quan tâm nhiều đến chuyện đó. Ngoài cái miệng lúc nào cũng oang oang, Nhiệm là một chàng trai vô tâm chính hiệu. Lớn lên trong một gia đình tương đối khá giả, từ nhỏ Nhiệm đã chẳng phải lo lắng gì. So với Chuyên và Mẫn, Nhiệm lúc nào cũng mơ mơ mộng mộng. Sự mơ mộng lại thường đi đôi với thơ ca. Với Nhiệm, điều đó thể hiện khá rõ. Anh rất khoái làm thơ nhưng vì thơ quá ẹ nên có khi anh thẳng tay xé vụn “tác phẩm” của mình và ném vào sọt rác. Trước mặt Chuyên và Mẫn, Nhiệm chỉ dám ngâm thơ người khác.
Hồi Nhiệm tốt nghiệp phổ thông, gia đình Nhiệm bắt Nhiệm thi vào Đại học Bách khoa. Ba Nhiệm muốn con mình trở thành một kỹ sư tương lai. Nhưng Nhiệm không nghe. Anh chọn thi vào Đại học Văn để có điều kiện phát huy tài làm thơ… con cóc của mình. “Nếu không trở thành nhà thơ thì ít ra tao cũng sẽ trở thành một nhà báo!”. Mỗi khi nghe Nhiệm tuyên bố về tương lai một cách hăm hở như vậy, Chuyên thường bĩu môi: “Mày mà là nhà báo! Báo… đời thì có!”. Những lúc đó, say sưa với viễn ảnh xán lạn trước mắt, Nhiệm không thèm cãi nhau với Chuyên, anh chỉ giở giọng hăm dọa: “Để rồi coi! Tới lúc đó, có khi mày phải tới năn nỉ tao đăng giùm mẩu rao vặt “bán nhà” cho mày không chừng!”.
Chiều nay, trong khi chờ đợi trở thành một nhà báo nổi tiếng, Nhiệm đứng tựa cửa sổ nhìn lơ đãng xuống khoảng sân hàng xóm, mặc cho Chuyên và Mẫn lục đục sửa soạn bữa ăn tối.
Buổi chiều, sân ngập đầy lá vàng và những trái dầu khô. Mỗi lần gió thổi qua, những trái dầu vừa rụng vừa quay tít trông rất đẹp mắt. Mặc dù đã nhìn ngắm hàng trăm lần, Nhiệm vẫn dõi theo những trái dầu rơi không chán mắt. Thỉnh thoảng, một vài trái gị gió tạt vào cửa sổ rơi lăn lóc trên sàn nhà.
Nhiệm đưa tay nhấc lên một trái dầu vừa đáp xuống khung cửa sổ và chợt nghĩ đến Sương. Anh cố đoán xem giờ này Sương đang làm gì. Hồi sáng Sương bảo là chiều nay cô phải giặt đồ, nấu cơm nhưng anh lắng tai một hồi vẫn không nghe tiếng nước chảy. Vậy là chắc Sương đang nấu cơm.
Nghĩ đến “cơm”, tự nhiên Nhiệm thấy đói bụng. Anh quay vào nhìn Chuyên:
– Sao luộc hột vịt lâu dữ vậy mày? Gần xong chưa?
Chuyên nhăn nhó:
– Xong cái con khỉ! Từ nãy đến giờ cái bếp đâu có đỏ!
– Kéo tim lên!
– Kéo rồi nhưng không ăn thua.
– Sao vậy?
– Hết dầu! – Chuyên thở dài ngán ngẩm.
Mẫn lên tiếng:
– Hay cắm đỡ cái bếp điện?
Chuyên quệt mồ hôi trán:
– Bếp điện đứt dây rồi!
Nhiệm hắng giọng:
– Giờ tính sao chứ? Chẳng lẽ ăn cơm với nước tương ?
Chuyên ngó Nhiệm:
– Mày chạy xuống em Thủy mượn đỡ nửa lít dầu đi!
Nhiệm rụt cổ:
– Thôi đi! Đừng xúi bậy!
– Xúi bậy gì! Ngộ biến phải tùng quyền chứ!
Nhiệm nheo mắt:
– Vậy mày đi đi!
– Tao mặt mày nhem nhuốc thế này mà đi đâu!
Rồi Chuyên quay sang Mẫn:
– Thôi, mày đi đi, Mẫn!
Mẫn thè lưỡi:
– Thôi, cho tao xin! Thà tao ăn nước tương còn hơn là gặp em Thủy trong lúc này.
Cả bọn đôi co một hồi, chẳng ai chịu làm… vật hy sinh.
Bỗng Nhiệm đứng phắt dậy, dõng dạc:
– Thôi, để tao đi cho!
Chuyên và Mẫn tròn mắt:
– Mày nói thật hay nói chơi đó?
– Tao mà thèm nói chơi với cái lũ “nhát gan” như tụi mày ! Đưa chai dầu đây!
Vừa ra lệnh, Nhiệm vừa chìa tay ra, dáng điệu trông uy nghi như một viên tướng giữa trận tiền đang chờ quân sĩ trao vũ khí để xông lên đánh xáp lá cà.
Sợ Nhiệm đổi ý bất tử, Chuyên vội vàng chạy đi lấy chai dầu đem lại.
Trước khi bước ra khỏi cửa, Nhiệm còn quay lại dặn:
– Nếu chẳng may tao bị em Thủy bắt làm “tù binh” tối nay tụi mày ráng ăn cơm với nước tương nghen!
Chuyên cười hì hì:
– Mày yên chí! Em Thủy không đến nỗi “dại dột” như vậy đâu!
– Biết đâu được!
Vừa nói, Nhiệm vừa lần xuống cầu thang.
Chuyên và Mẫn ngồi bệt xuống trước cửa ngó theo, đợi.
– Thằng Nhiệm coi vậy mà gan cùng mình! – Mẫn nói.
– Hình như em Thủy “mết” nó thật mày ạ! – Chuyên nhận xét.
– Làm gì có chuyện đó! – Thằng Nhiệm chỉ ba hoa thôi! – Mẫn lắc đầu, phản đối.
Chuyên gật gù:
– Có đấy! Tao thấy em Thủy cười với nó mấy lần.
– Cười thì ăn nhằm gì!
– Nhưng mà em cười lạ lắm! Nụ cười của em nó ngọt ngào cứ y như… đường cát vậy!
Mẫn khịt mũi:
– Đó là mày thèm đường mày tưởng tượng ra thôi!
Chuyên cãi:
– Tưởng tượng sao được…
Chuyên nói chưa dứt câu thì Nhiệm lên tới.
– Mượn được dầu không? – Mẫn hỏi ngay.
Nhiệm chìa chai dầu ra trước mặt với vẻ đắc thắng:
– Đầy nhóc!
Mẫn xuýt xoa:
– Tài thật!
Chuyên vừa rót dầu vô bếp vừa hỏi:
– Mày nói sao mà em cho mượn hay vậy?
Nhiệm búng tay:
– Thì như một người yêu nói với một người yêu vậy thôi! Tao bảo “Em thương yêu, em cho anh mượn đỡ một ít dầu đi, nếu không, chủ nhật tới anh sẽ không rủ em đi chơi…” Thế là em vội vàng giằng ngay chai dầu khỏi tay tao…!
– Xạo ơi là xạo!
Nhiệm tỉnh bơ:
– Không tin thì mày đi hỏi em mà xem! Tao còn hát thì thầm bên tai em nữa…
– Bài “Happy Song” chứ gì? – Mẫn hỏi, cố nén cười.
– Không! Tao hát bài tình ca về dầu lửa. Khi tao hát đến câu “Trái tim em mỏ dầu…” em cảm động muốn xỉu. Tao không nhanh tay đỡ thì em đã té vào nồi nước sôi đặt trên bếp lửa rồi.
Không buồn để ý đến những lời bốc phét của Nhiệm, Chuyên nghiêm giọng hỏi:
– Bộ em không hỏi gì vụ tiền nhà sao?
– Hỏi chứ sao không!
Chuyên rụt cổ:
– Mày trả lời sao?
Nhiệm rút vai:
– Thì móc tiền ra trả chứ trả lời sao!
Chuyên trố mắt:
– Tiền đâu mà trả?
– Thì tiền chợ chứ tiền đâu!
Chuyên và Mẫn đều giật thót:
– Chết mẹ!
Nhiệm khịt mũi:
– Chết thì thôi chứ biết làm sao bây giờ! Chưa trả xong tiền nhà, ai dám vác mặt đi mượn dầu!
Chuyên thở dài:
– Tưởng mày tài giỏi làm sao chứ ai dè! Vậy mà nãy giờ cứ tán dóc!
Nhiệm gãi đầu:
– Nhưng mà tao có hát cho em nghe thật…
– Thôi đi!
– Thật mà! Tao hát bài “đời sinh viên nghèo lắm em ơi, mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu chăn…”.
Chuyên cắt ngang:
– “Thiếu ăn” chứ “thiếu chăn” gì!
Nhiệm sờ túi, chép miệng:
– Tụi mày đừng lo! Tao còn tiền đi chợ bốn ngày nữa !
Mẫn bỗng reo lên:
– Ồ, vậy là khỏe re! Bốn ngày nữa thì tao lãnh tiền chỗ em Thu Thảo rồi!
Nhiệm liếc Chuyên:
– Mày thấy chưa! Ông bà đã nói “cùng thời tắc biến, biến thời thông”. Có gì đâu mà phải hoảng lên!
– Chuyện ăn uống hàng ngày, không hoảng sao được!
Vừa nói, Chuyên vừa vớt hột vịt ra chén. Anh gọi Mẫn:
– Lại lột vỏ phụ với tao đi mày! Ăn lẹ, tối nay tao còn phải đi học.
– Học gì?
– Thì học Anh văn.
– Mày học tối thứ hai kia mà?
– Tối mai nhà trường sửa chữa hệ thống điện nên dời buổi học lại tối nay.
Nhiệm ngồi đằng bàn, hắng giọng chen vào:
– Tiếng “Anh” để cho bọn con gái học, tụi mình chỉ cần học tiếng “Em” thôi!
Chuyên “xì” một tiếng:
– Tiếng “Em” cần quái gì học!
Nhiệm cười hì hì:
– Không học, làm sao đi mượn dầu được mày!
Vừa nói, anh vừa xới cơm ra chén. Đúng lúc đó, bản “Money, money, money” của nhóm ABBA vang lên từ chiếc “Panasonic” khiến cả ba đều bật cười.
Chương 4:
Chuyên đăng ký học tiếng Anh ban đêm chủ yếu vì mê âm nhạc nước ngoài. Cách đây gần một năm, đến chơi nhà một người bạn, Chuyên đã mê mẩn khi lần đầu tiên nghe nhóm ABBA chơi các bản “Happy New Year”, “Ring Ring”, “Chiquitita”…, nhất là các giọng nữ của Agnetha Faltskog và Annifrid Lyngstad. Từ đó, anh quyết tâm sắm một cái cassette.
Dành dụm mấy tháng trời được một món tiền kha khá, Chuyên rủ Nhiệm và Mẫn đi lang thang sục sạo các cửa hàng bán đồ cũ. Sau một ngày lê tha hết cửa hiệu này đến cửa hiệu khác đến mỏi nhừ người, cả ba khuân về căn gác trọ chiếc “Panasonic” cũ kỹ còn toòng teng mảnh giấy nhỏ, ghi “chất lượng 80%”. Món tiền trong túi không cho phép Chuyên mua một chiếc máy tốt hơn, nhưng dù sao Chuyên cũng rất hài lòng vì đó là món tài sản “đáng giá” duy nhất của ba anh em.
Những ngày sau đó là những ngày lùng sục băng nhạc. Chuyên tha về nhà đủ thứ trên đời: Beatles, ABBA, Boney M., Modern Talking, Wham, Capenter, Scorpions, Beegees… Mua hết tiền của mình, Chuyên vay tiền của Nhiệm. Anh thu thập các băng nhạc một cách say sưa đến nỗi Nhiệm phải bực mình tuyên bố:
– Thôi, đủ rồi! Tao không cho mày mượn tiền nữa!
Bị cắt “viện trợ”, Chuyên đành thôi. Và bắt đầu những chuỗi ngày dài nằm lì trên giường nghe nhạc, không buồn nhúc nhích chân tay. Báo hại cho Nhiệm, những ngày đó anh phải rửa chén, cọ rửa sàn nhà thay cho Chuyên. Vừa nhúng nùi giẻ vô thau nước, Nhiệm vừa nhìn lên chỗ Chuyên nằm với ánh mắt ác cảm:
– Chưa chán hả mày?
– Chưa.
Nhiệm liếm môi:
– Vừa lau nhà vừa nghe nhạc cũng được vậy?
Chuyên tỉnh bơ:
– Nằm yên nghe nhạc thích hơn!
Nhiệm gầm gừ:
– Biết vậy trước đây tao không cho mày mượn tiền mua băng!
Mặc cho Nhiệm tức tối, Chuyên vẫn nằm trơ trên giường, cười hề hề.