Khi cuộc sống chỉ còn trong khoảnh khắc Nào có ai muốn giấu giếm điều chi Quinault-Atys Về quê hương và gia đình, tôi chẳng có gì nhiều để nói. Sự bạc đãi đã khiến tôi phải rời bỏ quê hương, và rồi sau những năm tháng quá dài tôi trở thành xa lạ với cả gia đình mình. Sự giàu có của dòng họ đã giúp tôi có được một số vốn học vấn hơn người. Tôi đã suy nghĩ và sắp xếp một cách có phương pháp những gì gặt hái được trong việc học chăm chỉ trước đây. Trên tất cả, những tác phẩm của các triết gia Đức mang lại cho tôi nhiều thích thú, tất nhiên không phải do sự thán phục mù quáng, mà nhờ có thì giờ nhàn rỗi cộng với thói quen suy nghĩ một cách nghiêm nhặt, tôi đã khám phá ra những sai lầm của họ. Tôi thường bị chê trách bởi tài năng vô vị ấy. Mọi người trút vào tôi cái tội thiếu óc tưởng tượng. Còn việc tôi luôn luôn có thái độ của một người theo chủ nghĩa hoài nghi trong mọi vấn đề là điều ai cũng biết rõ. Mà thật vậy, tôi e rằng bởi quá say mê triết học vật lý nên tôi đã phạm vào điều lầm lỗi phổ thông nhất của thời đại này. Đó là thói quen luôn luôn liên hệ mọi sự việc, ngay cả khi ít có khả năng nhất, với những nguyên lý của triết học ấy. Tóm lại, chính tôi là kẻ đáng phải chịu trách nhiệm nặng hơn ai hết nếu tôi tự để cho mình bị mê hoặc bởi những “ánh lửa chập chờn” của óc mê tín dị đoan vượt ra ngoài ranh giới khắc nghiệt của chân lý. Tôi quyết định viết những lời nhập đề dài dòng này vì e rằng câu chuyện khó tin tôi sắp kể ra đây sẽ bị xem là điều điên rồ của một trí tưởng tượng lỗ mãng chứ không phải là một kinh nghiệm tích cực của một trí tuệ vốn vẫn xem những điều mơ mộng viển vông chỉ là một bức thư không có người nhận và hoàn toàn vô giá trị.
Đã nhiều năm lang bạt ở nước ngoài, lần này tôi đáp tàu từ cảng Batavia nằm trên đảo Java sầm uất và giàu có để đến Archipelago thuộc quần đảo Sunda. Tôi cứ đi mãi như vậy không có mục đích gì mà chỉ bởi cái tâm trí vốn bất định của tôi cứ luôn dày vò dằn vặt như một kẻ bị ma ám.
Chiếc tàu tôi đi rất đẹp, trọng tải khoảng bốn trăm tấn, vỏ bọc đồng, đóng tại Bombay bằng gỗ tếch vùng Malabar. Nó chở đầy bông vải và dầu ăn từ quần đảo Lachadi. Trên tàu còn có cả sợi dừa, đường thốt nốt, bơ, hạt cacao và một vài thùng thuốc phiện. Hàng hóa chất lên tàu rất cẩu thả nên tàu dễ bị chòng chành.
Chúng tôi lên đường khi có gió nhẹ, suốt nhiều ngày liền tàu vẫn còn đi gần bờ biển phía đông Java. Chẳng có chuyện gì lạ để chúng tôi có thể giải khuây sự buồn tẻ đơn điệu của cuộc hành trình ngoài những chiếc thuyền nhỏ hai cột buồm với những cánh buồm hình tam giác của dân bản xứ thuộc đảo Archipelago mà chúng tôi vẫn còn ở trong hải phận của nó.
Một buổi chiều, đứng tựa lan can phía đuôi tàu, tôi nhìn thấy một đám mây lẻ loi rất kỳ lạ ở hướng tây bắc. Lạ không những vì màu sắc của nó mà còn vì đó là đám mây đầu tiên xuất hiện kể từ khi chúng tôi rời bến Batavia. Tôi chăm chú quan sát đám mây cho tới lúc mặt trời sắp lặn. Lúc ấy, thình lình nó trải dài từ đông sang tây, che kín đường chân trời bằng một dải hơi nước hẹp, từ xa trông giống một bờ cát dài. Tôi chuyển sự chú ý vào mặt trăng màu đỏ bầm đang từ từ xuất hiện và cái vẻ lạ lẫm của biển. Biển thay đổi thật nhanh, làn nước trở nên trong suốt một cách bất thường. Mặc dù tôi có thể nhìn rõ mồn một đáy biển, nhưng khi tôi thả dây buộc chì xuống đo mới rõ độ sâu lên đến ba mươi mét. Không khí lúc này trở nên oi bức không chịu nổi, hơi nóng bốc lên cuồn cuộn hệt như ta thường thấy ở một cái bàn là nóng. Khi đêm xuống, trời không một chút gió, sự yên tĩnh khó có thể tưởng tượng nổi. Ngọn lửa cây nến cuối đuôi tàu hầu như không lay động. Một ngọn tóc cầm trên đầu ngón tay cũng không thể nào nhận ra nó có đung đưa hay không. Tuy nhiên con tàu cứ bị giạt dần vào bờ. Viên thuyền trưởng thấy không có triệu chứng nào nguy hiểm, ra lệnh cho thủy thủ cuốn buồm, thả neo. Không cắt người canh, cả đám thủy thủ, chủ yếu người Malaysia, nằm nghỉ la liệt trên sàn tàu.
Tôi bước xuống hầm tàu, lòng linh cảm điều không may. Thật vậy, những triệu chứng ấy khiến tôi lo sắp có bão. Tôi thổ lộ với viên thuyền trưởng nhưng ông ta chẳng để ý gì đến lời tôi, quay lưng đi không một tiếng trả lời. Tuy thế, lòng tôi vẫn cứ bất an, không thể ngủ được. Khoảng nửa đêm tôi lại trèo lên boong. Khi bước lên tới bậc thang trên cùng, tôi giật mình bởi tiếng rì rầm rất lớn nghe như tiếng cối xay, và trước khi tôi kịp hiểu xuất xứ, toàn thân con tàu rùng lên. Ngay liền đó, một đợt sóng dữ dội hất tôi ngã xuống. Sóng rùng rùng tràn qua mọi người, quét sạch sàn tàu từ mũi đến tận lái.
Sự hung hãn đến cực điểm của cơn gió hầu như lại giúp cho con tàu sống sót. Mặc dù đã ngập hẳn trong nước và các cột buồm gãy phăng, một phút sau con tàu từ từ trồi lên, lắc lư một lúc bởi sức ép quá lớn của cơn bão rồi đứng thẳng.
Nhờ điều kỳ diệu nào mà tôi thoát chết là việc không thể cắt nghĩa nổi. Tỉnh lại sau cơn choáng váng vì bị sóng đập, tôi thấy mình kẹt cứng giữa càng và bánh lái. Khó khăn lắm tôi mới đứng dậy được. Lảo đảo nhìn quanh, đầu tiên tôi nhận ra mình đang đứng giữa một cảnh đổ nát. Cho dù có một trí tưởng tượng man rợ nhất cũng phải vô cùng kinh sợ bởi tôi nhận ra con tàu đang ở giữa vùng biển sôi sục những cột nước cao như núi. Lát sau, tôi nghe tiếng của ông già người Thụy Điển, hành khách cuối cùng lên tàu vừa kịp lúc nhổ neo. Tôi lấy hết sức để gọi. Ông già nghe được, liền bước về phía lái. Chúng tôi nhận ra chỉ còn hai chúng tôi sống sót sau tai nạn vừa qua. Mọi thứ trên boong tàu đều bị quét sạch xuống biển. Viên thuyền trưởng và các sĩ quan đều chết ngạt trong cabin vì nước biển tràn vào quá nhanh. Không còn ai phụ giúp, chúng tôi khó hy vọng làm được gì nhiều cho sự an toàn của con tàu. Và thoạt tiên cái hy vọng nhỏ nhoi ấy cũng bị dập tắt vì hình như con tàu sắp chìm đến nơi rồi. Dĩ nhiên sợi dây neo đã đứt phăng như một sợi dây cột đồ ngay từ khi đợt gió đầu tiên thổi tới, chứ nếu không chúng tôi đã chìm nghỉm rồi. Con tàu bị gió cuốn phăng trên mặt biển. Những đợt sóng trắng xóa tung lên trên đầu chúng tôi. Bánh lái gãy hoàn toàn. Khắp con tàu hầu như bộ phận nào cũng bị hư hại đáng kể.
Nhưng chúng tôi đã quá đỗi mừng khi thấy những cái bơm nước không bị nghẹt và những vật nặng dùng để giằng thuyền được thăng bằng không bị dời chỗ. Chúng tôi cảm thấy mối nguy hiểm vì gió đã giảm nhiều, nhưng khi nghĩ đến việc gió sẽ hoàn toàn ngưng thổi chúng tôi lại vô cùng kinh hãi vì tin chắc rằng trong tình trạng hư hỏng thế này con tàu sẽ bị hủy diệt dưới những con sóng ghê gớm. Nhưng cái điều dự đoán chính xác này dường như không trở thành sự thực ngay. Suốt năm ngày đêm, trong thời gian này chúng tôi sống bằng vài viên đường thốt nốt khó khăn lắm mới moi được ở đầu mũi tàu – con tàu trôi nhanh vùn vụt. Những cơn gió cứ tiếp tục nổi lên, không dữ dội như lúc cơn bão bắt đầu nhưng vẫn kinh khiếp hơn tất thảy những gì tôi đã từng trông thấy trước đây. Suốt bốn ngày đầu, con tàu lao theo hướng nam – đông nam, thỉnh thoảng có thay đổi một chút, và như thế chúng tôi sẽ đâm thẳng vào bờ biển Tân Hà Lan. Ngày thứ năm, trời lạnh ghê gớm, mặc dù gió đổi chiều chếch về hướng bắc. Mặt trời nhô lên với những tia sáng vàng vọt bệnh hoạn. Nó chỉ lê lên được chừng vài độ trên đường chân trời, không tỏa ra mấy chút ánh sáng. Không một đám mây nào xuất hiện, gió cứ tăng lên mãi với sự cuồng nộ bất thường. Vào buổi trưa, chúng tôi đoán như vậy, sắc thái của mặt trời lại khiến chúng tôi chú ý. Nó không tỏa ra ánh sáng, có thể nói như vậy, mà phát ra một thứ lửa u ám buồn bã như thể tất cả những tia sáng đều đã bị chiết tán. Ngay trước khi chiếu vào lòng biển trương phình, những ngọn lửa trung tâm mặt trời đột ngột tắt ngấm như thể có một sức mạnh huyền bí nào đó đang vội vàng dập tắt chúng đi. Mặt trời như một cái bánh xe màu trắng bạc nhợt nhạt cô đơn khi bắt đầu phóng vào lòng đại dương thăm thẳm.
Chúng tôi đợi cái ngày thứ sáu đến trong nỗi tuyệt vọng. Cái ngày ấy đối với tôi chưa đến, còn với ông cụ người Thụy Điển thì mãi mãi không bao giờ đến. Từ đấy chúng tôi chìm trong bóng đêm đen như mực, tối đến nỗi chúng tôi không thể nhìn thấy xa quá hai mươi bước. Bóng đêm vĩnh cửu tiếp tục bao trùm chúng tôi, không hề giảm bớt chút nào bởi mặt nước biển lấp lánh ánh lân tinh như chúng ta thường thấy ở miền nhiệt đới. Chúng tôi cũng nhận thấy, mặc dù gió vẫn tiếp tục thổi và không hề giảm cơn thịnh nộ nhưng những bọt sóng trắng đã tận tình giúp đỡ chúng tôi nay không còn nữa. Chung quanh chúng tôi chỉ là sự hãi hùng, bóng tối dày đặc như một sa mạc nồng nực đen tối màu gỗ mun. Một nỗi kinh khiếp mê tín trườn dần vào trí não ông cụ người Thụy Điển. Còn tâm hồn tôi thì chìm vào một nỗi ngờ vực câm lặng. Chúng tôi không thiết săn sóc con tàu nữa. Việc đó đã trở nên vô ích. Dán người sát vào chân cột buồm thấp nhất, chúng tôi cay đắng đưa mắt nhìn vào đại dương thăm thẳm. Chúng tôi không còn phương tiện nào để đoán biết thời gian và cũng không cách nào đoán biết được chúng tôi đang ở vào hoàn cảnh như thế nào. Tuy nhiên chúng tôi vẫn biết chắc rằng con tàu đã đi rất xa về phương nam hơn bất cứ nhà hàng hải nào và rất ngạc nhiên là tại sao vẫn chưa gặp những chướng ngại thường thấy là những tảng băng trôi. Dù vậy mỗi phút vẫn đe dọa là phút cuối cùng trong đời.
Từng con sóng khổng lồ lao tới như muốn nuốt chửng chúng tôi. Sóng là cái gì vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Mỗi lần sóng đi qua mà con tàu chưa bị chôn vùi là cả một điều kỳ diệu. Ông già đồng hành của tôi nói rằng hàng hóa trên tàu chưa đủ nặng và nhắc tôi nhớ đến phẩm chất tuyệt hảo của con tàu. Nhưng tôi hoàn toàn không hy vọng mình có thể thoát nạn. Lòng buồn rầu, tôi chuẩn bị cho cái chết mà tôi nghĩ sẽ đến trong vòng không quá một tiếng đồng hồ nữa. Vượt qua mỗi hải lý sóng biển đen đủi khổng lồ càng âm u khủng khiếp hơn. Nhiều lần chúng tôi nín thở khi con tàu leo lên đến độ cao của chim hải âu, rồi lại xây xẩm choáng váng khi nó lao xuống cái địa ngục bằng nước với một tốc độ kinh hoàng. ở đó không khí như ứ đọng lại, tuyệt đối không có một âm thanh nào khuấy động đến giấc ngủ loài thủy quái.
Chúng tôi đang ở dưới đáy của một trong những vực thẳm như thế thì bỗng tiếng la thất thanh của ông bạn đồng hành vỡ ra trong bóng tối:
– Kìa, kìa! – Ông cụ hét lớn vào tai tôi – Lạy chúa quyền năng! Hãy nhìn kìa!
Tôi nhìn thấy một vầng sáng màu đỏ lù mù, ảm đạm đang lao xuống theo triền vực bao la, nơi chúng tôi đang ở tận đáy, hắt sang sàn tàu chúng tôi những tia sáng lay lắt. Ngước mắt nhìn lên, tôi bắt gặp một cảnh tượng khiến cho máu trong người như đông lại. Ở một độ cao kinh khủng, ngay trên đầu chúng tôi, sát bên mép bờ vực, lượn lờ một con tàu khổng lồ ước phải đến bốn ngàn tấn. Mặc dù con tàu đang đứng trên đầu một ngọn sóng cao gấp trăm lần chiều cao của chính nó nhưng trông nó vẫn lớn hơn bất kỳ con tàu nào của Công ty Đông Ấn. Cái vỏ khổng lồ của nó sơn một màu đen kịt, không chạm trổ hình vẽ như vẫn thường thấy. Chỉ có một dãy đại bác bằng đồng chĩa mũi ra từ các ô cửa sổ để mở, bề mặt bóng láng của nòng súng phản chiếu lấp lánh ánh sáng từ những ngọn đèn tín hiệu treo đung đưa lắc lư giữa các cột buồm. Nhưng điều làm chúng tôi kinh ngạc nhất là con tàu ấy giương hết buồm lên mà chạy giữa những chiếc răng nanh khổng lồ của biển siêu nhiên đang lên cơn giông tố cuồng dại này. Đầu tiên, chúng tôi chỉ nhìn thấy phần mũi của con tàu lạ vì nó đang chậm chạp ngoi lên đỉnh vực. Trong một thoáng, con tàu bỗng ngưng lại, ngay trên cái đỉnh cao tít ấy, như thể để trầm tư về sự siêu việt của mình. Rồi rùng mình một cái, nó bắt đầu chúi mũi lao xuống.
Ngay lúc ấy, không hiểu sao sự bình tĩnh chợt trở lại với tôi. Cố lao người về phía lái, tôi chờ đợi không một chút sợ hãi giây phút hủy diệt. Cuối cùng con tàu chúng tôi chấm dứt cuộc chiến đấu. Nó cắm mũi vào lòng biển. Cái khối khổng lồ đang lao xuống kia cuối cùng đã xô vào chúng tôi ở phía lườn tàu vốn đã mấp mé nước. Việc đó dẫn đến một kết quả phi thường. Sức chấn động hất tung tôi lên không và sau đó tôi rơi ngay xuống lòng con tàu lạ.
Khi tôi rơi xuống, con tàu lạ khựng lại một giây rồi chợt đổi hướng. Nhờ sự nhộn nhạo ấy mà tôi đã thoát khỏi sự chú ý của các thủy thủ. Không khó khăn gì lắm và cũng chẳng bị ai nhìn thấy, tôi tìm ra lối đi chính xuống hầm tàu. Lúc ấy cửa đang khép hờ, tôi dễ dàng chọn được một chỗ trốn. Thật khó mà nói tại sao tôi lại làm thế. Một cảm giác sợ hãi mơ hồ khi nhìn thấy dáng vẻ của những người trên tàu có lẽ là nguyên nhân chính của hành động này. Tôi không dám tin tưởng vào loại người mà ngay từ cái nhìn đầu tiên đã cảm thấy có quá nhiều điểm xa lạ mù mờ, ngờ vực và đầy sợ hãi. Vì thế tôi nghĩ tốt hơn nên tìm một chỗ ẩn náu trong hầm tàu. Dỡ một mảnh ván cạp vách, tôi dễ dàng tạo được chỗ ẩn giữa những cột kèo đồ sộ của con tàu.
Có tiếng bước chân trong hầm tàu ngay khi tôi vừa làm xong công việc. Tôi liền chui vào hốc trốn. Một người đàn ông bước ngang qua chỗ tôi ẩn nấp, dáng đi chậm chạp không vững. Tôi không thấy rõ khuôn mặt nhưng lại có dịp quan sát hình tướng chung của gã. Có những nét cho thấy hẳn gã rất lớn tuổi và yếu ớt. Đầu gối của gã như muốn khuỵu xuống dưới sức nặng của năm tháng, toàn thân run rẩy. Gã lầm bầm với bản thân bằng một thứ tiếng trầm trầm xa lạ tôi không hiểu được. Gã lục soạn trong góc hầm tàu chất đầy dụng cụ kỳ quái và những bản đồ hàng hải đã rách nát. Bộ tịch của gã là một sự trộn lẫn man rợ giữa sự cáu kỉnh của một ông già đang hồi trở lại thời trẻ thơ và sự oai vệ của một vị thần. Cuối cùng, gã quay lên boong và tôi không còn nhìn thấy gã nữa.
……. (*) Một cảm giác không tên tuổi vây kín tâm hồn tôi, một cảm giác không mong được phân tích. Với nó, không có sách vở nào thích hợp cả. Và tôi e rằng cả trong tương lai cũng không thể tìm được lời giải đáp. Đối với tôi, đây đúng là một điều khủng khiếp. Tôi sẽ không bao giờ – tôi biết chắc sẽ không bao giờ – nhìn nhận bản chất của những ý niệm này. Dù sao cũng không lấy gì làm lạ về những cảm giác này bởi chính nó đã bắt nguồn từ một câu chuyện hoang đường. Một cảm giác mới lạ, một thực thể hoàn toàn mới đã ghi vào tâm hồn tôi.
…. Đã qua một thời gian khá lâu kể từ khi tôi lọt vào con tàu khủng khiếp này. Tôi nghĩ rằng giờ đây, mọi nẻo lối của số phận tôi đang quy về một điểm. Chìm trong cơn mặc tưởng nào đó mà tôi không thể nào hiểu nổi, những thủy thủ hờ hững đi ngang qua trước mặt tôi mà không buồn chú ý. Phần tôi, quả thật là thừa khi vội tìm chỗ trốn. Bởi chính họ có muốn trông thấy gì đâu. Mới lúc nãy đây, tôi đi ngang trước mặt viên thuyền phó. Và cũng chẳng lâu gì, tôi đã mạo hiểm vào tận phòng viên thuyền trưởng. Tôi lấy ở đấy được một ít giấy và đang dùng để viết. Thỉnh thoảng tôi lại viết tiếp những trang bản thảo này. Thực ra tôi không có cách nào truyền lại cho thế giới bên ngoài. Nhưng tôi sẽ cố thử xem. Vào phút cuối, tôi sẽ bỏ những trang bản thảo này vào một cái chai đóng kín và thả xuống biển.
… Một vài biến cố vừa xảy ra khiến tôi phải suy nghĩ. Có phải tất cả những điều này là một cuộc run rủi rủi may hay không? Tôi đã mạo hiểm bước lên boong, nằm dài xuống giữa những đống dây thừng và buồm cũ hoặc trong chiếc xuồng nhỏ mà chẳng ai chú ý cả. Trong khi suy nghĩ miên man về số phận kỳ quặc của mình, tôi lơ đễnh cầm chiếc bàn chà chải hắc ín bôi lên một tấm buồm phụ được xếp cẩn thận đặt trên một cái thùng tròn. Cánh buồm phụ bây giờ đang được căng lên, chiếc bàn chải vô tình lúc nãy đã viết thành hai chữ: khám phá.
Ở trên, tôi có tả sơ qua kiến trúc của con tàu. Mặc dù được trang bị đại bác nhưng theo tôi, nó không phải là một chiếc tàu chiến. Cấu trúc và trang thiết bị đều không phải của tàu chiến. Nhưng nó thực sự là loại tàu gì thì tôi e rằng khó xác định. Tôi không biết tại sao như thế. Nhìn vóc dáng lạ lẫm, kỳ quặc của các cột buồm, những bộ buồm khổng lồ cao vòi vọi, cái mũi tàu quá đơn giản, phần đuôi cổ lỗ, trong tôi chợt lóe lên một tia sáng từ ký ức mơ hồ hỗn độn. Đó là những hình ảnh gợi nhớ về một triều đại cổ xưa ở một vương quốc nào đó.
… Tôi nhìn kỹ loại gỗ làm sườn tàu. Đó là thứ vật liệu hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Tính chất đặc biệt của gỗ khiến tôi phải nghĩ rằng nó không thích hợp với mục đích sử dụng. Tôi muốn nói rằng nó hoàn toàn xốp, không phải do bị mối ăn mà bởi đã đi lại quá nhiều trên biển, cũ đến mục ruỗng. Tôi quan sát thấy một điều rất đỗi kỳ lạ, loại gỗ này có đủ mọi đặc tính của loại sến Tây Ban Nha, nếu như gỗ sến Tây Ban Nha có thể xẻ ra được bằng những dụng cụ nhân tạo.
Đọc lại đoạn vừa viết, tôi chợt nhớ đến câu nói kỳ quặc của một con sói biển già người Hà Lan: “Cái điều ấy e cũng chắc chắn”. – Ông thường nói vậy khi tấm lòng trung thực của ông bị một nỗi nghi ngờ xâm chiếm. – “Như trên đời này có một vùng biển mà ở đó những con tàu lại có thể phình lớn như thân thể của một thủy thủ”.
… Tôi chen vào đám thủy thủ được hơn một giờ. Mặc dù tôi đứng ngay giữa bọn họ nhưng dường như sự có mặt của tôi hoàn toàn nằm ngoài nhận thức của họ. Giống như người đầu tiên tôi nhìn thấy dưới hầm tàu, tất cả những thủy thủ đều râu tóc bạc phơ. Đầu gối không còn giữ vững, lưng còng xuống với tuổi tác, làn da run run trước gió rét, giọng nói trầm trầm rè rè, đôi mắt suy yếu kèm nhèm nước mắt, mái tóc bạc phất phơ trong gió một cách kỳ dị. Chung quanh họ, khắp cả sàn tàu, rải rác những dụng cụ toán học kiểu rất cổ, không còn thích hợp.
… Ở trên, tôi có nói chuyện những cánh buồm phụ được căng lên. Kể từ lúc ấy, con tàu lồng gió phóng thẳng về hướng nam, tiếp tục cuộc hành trình khủng khiếp. Mọi cánh buồm đều căng phồng, từ buồm chính trên đỉnh đến những cánh buồm phụ bên dưới. Những đòn tay buồm chòng chành nghiêng ngả như muốn thọc vào cái địa ngục bằng chất lỏng khủng khiếp mà óc tưởng tượng của con người có thể nặn ra được. Tôi vừa mới rời boong tàu vì ở đó khó mà đứng vững trên hai chân mặc dù các thủy thủ vẫn bình thản đi lại. Tôi cảm thấy quá đỗi kỳ diệu khi cái khối khổng lồ này vẫn chưa chịu chìm đắm vĩnh viễn. Chúng tôi hẳn đã bị trời đày phải mãi mãi đi vòng quanh cái mép rìa của sự vĩnh cửu mà chẳng bao giờ được phép thực hiện cú nhảy cuối cùng để lao vào vực thẳm. Trên những con sóng to lớn kinh dị gấp ngàn lần trước đây, chúng tôi lướt đi nhanh như loài én biển. Những đợt sóng khổng lồ ngóc đầu chồm lên chúng tôi như những con thủy quái. Nhưng chúng chỉ doạ nạt chứ không được phép tàn phá. Tôi cho rằng sở dĩ con tàu thoát nạn mãi như thế chỉ là nhờ vào nguyên nhân tự nhiên. Và chỉ như vậy mới có thể cắt nghĩa nổi những kết quả thế này. Tôi cho rằng có lẽ con tàu đang nằm trong ảnh hưởng của dòng hải lưu cuồn cuộn nào đó hoặc giả có dòng nước ngầm rất mạnh ngay bên dưới con tàu.
… Tôi đã nhìn tận mặt viên thuyền trưởng, ngay trong cabin của ông ta, nhưng như tôi đã đoán trước, ông ta hoàn toàn không chú ý gì đến tôi. Mặc dù vẻ bề ngoài của ông ta chẳng có gì khác hơn một người đàn ông bình thường, nhưng một cảm giác kính trọng và sợ hãi trộn lẫn niềm kinh ngạc nào đó vẫn khiến tôi ngưỡng mộ ông ta. Về hình dạng, ông ta cao ngang bằng tôi, khoảng một mét sáu lăm. Dáng vóc ông chắc gọn nhưng không có vẻ mạnh mẽ hay đáng chú ý. Có lẽ do cái vẻ đặc biệt biểu lộ trên khuôn mặt ông ta, một bằng chứng khốc liệt và dữ dội của tuổi tác già nua quá độ – già nua trọn vẹn, gợi trong tôi một ý tưởng, một cảm giác khó tả. Vầng trán của ông dù ít nếp nhăn nhưng vẫn hằn rõ dấu ấn năm tháng chồng chất. Mái tóc xám như một bản ghi chép của quá khứ. Và đôi mắt xám hơn cả mái tóc lại như một bầy phù thủy của tương lai. Trên sàn phòng bày la liệt những xấp giấy tờ có nẹp sắt, những dụng cụ khoa học méo mó cũ kỹ, những tấm bản đồ đã lâu không dùng đến. Hai tay ông ta bưng đầu, đôi mắt sáng quắc và lo âu chú mục vào một tờ giấy mà tôi cho là tờ chiếu chỉ bởi trên mặt giấy có đóng dấu triện của nhà vua. Ông ta cũng nói lầm bầm, như người thủy thủ đầu tiên tôi nhìn thấy trong hầm tàu, giọng trầm trầm càu nhàu của một thứ tiếng nào đó lạ hoắc. Và mặc dù ông ta ở sát ngay bên cạnh mà tôi nghe như ở tận dặm xa nào vọng lại.
… Con tàu và những thứ nó mang theo đều nhuốm màu một thời đại xa xưa nào. Các thủy thủ thì đi lại như bóng ma của những thế kỷ đã bị chôn vùi, đôi mắt toát ra một sự hăm hở và lo âu. Nhìn những bàn tay của họ rọi bóng nghiêng nghiêng dưới ánh sáng những ngọn đèn tín hiệu, trong tôi dấy lên một cảm giác chưa từng có, mặc dù suốt đời tôi là một kẻ say mê đồ cổ, đã nhập nhiễm trong bóng mát các cột trụ đền đài đổ nát ở Balbec, Tadomor, Persepolis cho đến nỗi chính bản thân tôi cũng trở thành một thứ đồ cổ.
… Nhìn lại chung quanh, tôi cảm thấy xấu hổ về những mối lo sợ ban đầu của mình. Nếu tôi đã khiếp hãi trước cơn bão vẫn đang theo đuổi chúng tôi cho đến tận bây giờ thì lúc này tôi sẽ khiếp hãi đến nhường nào trước sự đụng độ giữa gió và biển, mà để diễn đạt điều này, những từ như lốc xoáy, bão tố thật là tầm thường và thiếu sót: vây quanh con tàu là bóng tối của đêm đen vĩnh cửu và một khối nước khổng lồ đang đảo lộn nhưng không sủi lên một chút bọt nào. Từ phía xa, cách chúng tôi khoảng một dặm, có thể nhìn thấy lờ mờ những bức tường thành khổng lồ và vĩnh cửu của băng giá đứng chọc thẳng vào bầu trời ảm đạm, trông giống những bức tường của ngôi nhà vũ trụ.
… Như tôi đã nghĩ đến lúc nãy, con tàu có vẻ đang bị cuốn đi bởi một dòng hải lưu, nếu tôi có thể dùng từ này để gọi con thủy triều đang gầm rú chảy ào qua vùng băng giá trắng xóa. Dòng hải lưu ấy vừa rền lên như sấm vừa lao băng băng về phương nam với tốc độ một con thác đang chúi đầu đổ xuống.
… Tôi cho rằng khó ai hiểu được cảm giác kinh hoàng của tôi. Tuy vậy sự tò mò muốn lý giải những bí mật của vùng biển kỳ dị này đã thắng được cơn sợ hãi trong tôi. Nó giúp tôi cảm thấy dễ chịu trước khuôn mặt xấu xí của thần chết. Rõ ràng là chúng tôi đang vội vã lao vào một sự hiểu biết kỳ thú nào đó, một thứ bí mật không bao giờ có thể chia sẻ cùng ai và kẻ nào biết được phải trả giá bằng cái chết. Có lẽ dòng nước này sẽ dẫn chúng tôi đến tận Bắc Cực. Phải thấy rằng giả thuyết này cũng có nhiều cơ sở để trở thành sự thật. … Những thủy thủ đi lại trên boong với bước chân bồn chồn run rẩy. Nhưng vẻ mặt của họ vẫn phẳng phất một niềm hưng phấn đầy hy vọng hơn là nỗi thờ ơ của sự tuyệt vọng.
Lúc này, gió vẫn thúc vào lưng chúng tôi. Khi giương hết buồm lên, con tàu như muốn bay bổng lên khỏi mặt biển. Ồ, thật là khủng khiếp! Băng giá chợt rẽ ra bên phải rồi bên trái và chúng tôi bắt đầu quay tít theo những vòng tròn đồng tâm rộng lớn. Quay và quay theo những đường xoáy của một hý trường vĩ đại. Bên trên con vực là bóng đen mịt mùng thăm thẳm. Tôi chẳng còn bao nhiêu thời gian để suy ngẫm về số phận mình nữa. Những vòng tròn đang nhanh chóng thu hẹp lại. Chúng tôi đang phóng như điên cuồng vào giữa vòng ôm của vực xoáy giữa tiếng gầm gừ, rú rít, rền rĩ của đại dương bão tố. Con tàu bỗng rùng mình – ôi, Thượng đế! – và chìm xuống.
(*) Hoàng Văn Quang dịch từ nguyên bản tiếng Anh Văn học nước ngoài, số 3, tháng 5-6/2004, số kỷ niệm 195 năm sinh E.A.Poe (1809-2004)